Yann Martel
Yann Martel sinh ở Tây Ban Nha nhưng hiện đang sống tại Montréal, Canada. Ông đã nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Bản ngã và tuyển tập truyện ngắn nhan đề Những sự kiện có thật đàng sau vụ Roccamatios Helsinki. Cuộc đời của Pi là cuốn sách thứ ba của ông, được tặng Giải thưởng Man Booker năm 2002.
Man Booker là giải thưởng văn học lớn trên thế giới đã có từ ba mươi lăm năm nay. Giải được bình chọn hàng năm, và chỉ dành cho các tác giả viết tiểu thuyết là công dân của khối liên hiệp Anh và Cộng hoà Ái Nhĩ Lan. Ban giám khảo gồm các nhà phê bình, nhà văn và các nhà nghiên cứu có uy tín nhất của vương quốc Anh. Giải thưởng này có ảnh hưởng lớn đến nỗi nó làm biến đổi số phận của cả tác giả và nhà xuất bản nào đã in ra tác phẩm được giải. Ngoài số tiền năm mươi ngàn bảng Anh tặng cho tác giả, cuốn Cuộc đời của Pi đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất trên khắp thế giới. Nhà xuất bản của năm 2002.
Lời người dịch
Lúc đầu tôi đã định không nhận dịch cuốn sách này. Tôi hay nghi ngờ các giải thưởng văn học và nhất là danh sách các cuốn sách bán chạy nhất. Nhưng càng dịch, tôi càng thấy mình đã lầm. Bây giờ tôi thấy biết ơn những người đã cố ép tôi làm việc đó. Tôi xin cám ơn những người xuất bản cuốn sách đã tin tưởng ở tôi.
Lê Qúy Đôn viết: " Đọc sách mà tìm được một ý hay, ví dụ như có được một thuyền hạt ngọc." Tôi đọc Cuộc đời của Pi, có được rất nhiều thuyền hạt ngọc như thế, những hạt ngọc không biến được cho ai nhưng chính vì vậy mà không bao giờ lo mất, cứ tỏa sáng mãi trong lòng. Cuộc đời của Pi là ngụ ngôn hậu hiện đại chăng? Tôi không dám nói liều. Như tác giả đã viết qua lời một nhân vật, câu chuyện này sẽ khiến cho ta tin vào Thượng Đế. Dịch xong cuốn sách, tôi nhận ra một điều: Thượng Đế ở đây chính là con người biết sống theo lẽ yêu thương và có quyền sáng tạo theo trí tưởng tượng. Giờ đây, khi cả thế giới đang biến thành một cái siêu thị và đạo đức ngày càng lệ thuộc vào qui luật tài chính và thương mại, thông điệp ấy của tác giả càng nên được truyền bá rộng rãi.
Mặc dù đã cố gắng, tôi biết bản dịch thế nào cũng có sai sót, nhất là những chi tiết liên quan đến khoa động vật học. Rất mong được độc giả chỉ giáo. Dù sao, tôi tin rằng cuộc đời của Pi không phải là vì thế mà mất đi các thuyền ngọc trong nguyên bản của nó. Những thuyền ngọc ấy, tôi nghĩ, vẫn được giấu nguyên vẹn giữa những dòng chữ của bản tiếng Việt.
Tôi đã rất thích thú và vỡ nhẽ được nhiều điều ở đời cũng như trong văn chương khi dịch Cuộc đời của Pi. Mong rằng qúi độc giả cũng sẽ thấy thế khi đọc nó.
Trịnh Lữ
Ghi Chú Của Tác Giả
Cuốn sách này ra đời khi tôi đói. Số là, mùa xuân năm 1996, cuốn thứ hai của tôi, một cuốn tiểu thuyết ra mắt bạn đọc ở Canada. Nó chẳng đi đến đâu. Đám điểm sách lúng túng, hoặc kết án tử hình nó bằng những lời khen nhạt nhẽo. Độc giả phớt lờ nó. Tôi giở hết các ngón nghề và nhào lộn trong rạp xiếc truyền thông đại chúng, nhưng vẫn chẳng ăn thua gì. Cuốn sách không nhúc nhích được tí nào. Sách xếp trên kệ trong cửa hàng như bọn trẻ đứng chờ để được chơi bóng chày hoặc bóng đá, và cuốn sách của tôi là thằng nhóc oặt oẹo và không ai muốn lấy vào đội của mình. Nó im lìm và nhanh chóng biến mất.
Thất bại ấy cũng không làm tôi nao núng nhiều lắm. Tôi lại bắt tay vào viết một cuốn khác, một tiểu thuyết có khung cảnh tại Bồ Đào Nha thời 1939. Chỉ có điều, trong bụng cứ bứt rứt không yên. Vả lại vẫn còn ít tiền.
Thế là tôi đi Bombay. Việc đó cũng không phi lý lắm nếu độc giả hiểu được ba điều: thứ nhất bất cứ sinh linh nào nếu muốn hết bồn chồn thì cứ đến Ấn Độ và làm một việc gì đó trong một thời gian nhất định, thứ hai: ở đó có thể sống dài dài với một món tiền ít ỏi; và thứ ba là một tiếu thuyết có khung cảnh Bồ Đào Nha thời 1939 chưa chắc đã phải dính dáng gì đên Bồ Đào Nha thời 1939.
Trước đó tôi đã từng ở Ấn Độ, miền Bắc, năm tháng trời. Tôi hoàn toàn không có chuẩn bị gì cho chuyến đi đầu tiên ấy đến tiểu lục địa. Thực ra, tôi được chuẩn bị có một chữ thôi. Khi tôi hàn huyên về các dự định cho chuyến đi với một người bạn biết nhiều về xứ sở ấy, anh ta thủng thẳng nói, "Ở Ấn Độ người ta nói một thứ tiếng Anh quấy lắm. Họ thích những từ chẳng hạn như là bamboozle." Tôi nhớ đến câu nói ấy của anh ta khi máy bay bắt đầu giảm độ cao để hạ cánh xuống Dehli, và từ bamboozle trở thành sự chuẩn bị duy nhất của tôi cho cái thế giới điên rồ, ầm ĩ, muôn mặt nhưng vẫn đâu ra đấy của Ấn Độ. Tôi đã có dịp dùng đến cái từ ấy, và nói thực tình, nói cũng đắc lực. Tôi bảo một thầy ký ga xe lửa: "Chẳng nhẽ giá vé đắt đến thế kia à. Thầy không định bamboozle tôi đấy chứ? Thầy ký mỉm cười, nói như hát, "Không đâu thưa ngài! Không có bam-bu-zư bam-bu-ziếc gì ở đây cả. Chúng tôi nói đúng giá vé đấy ạ." Lần thứ hai đi Ấn Độ, tôi biết điều hơn về những gì có thể xảy ra và biết mình muốn gì: tôi sẽ yên vị ở một đồn điền trung du và viết cuốn tiểu thuyết của mình. Tôi mường tượng rõ ràng mình đang ngồi ở bàn trong một hàng hiên rộng, giấy tờ ghi chép ngổn ngang, bên cạnh một tách trà nghi ngút. Những triền đồi xanh mướt dày đặc sương mù trải dài dưới chân, và tiếng kêu lảnh lót của các bầy khỉ sẽ lấp đầy màng nhĩ tôi. Khí hậu sẽ vừa vặn làm sao, chỉ cần một áo len mỏng nhẹ vào buổi sớm mai và chiều tà, còn cả ngày có thể mặc một cái gì đó ngắn tay. Và trong cảnh đó, bút trong tay, vì một chân lý lớn lao hơn, tôi sẽ biến Bồ Đào Nha thành một tác phẩm hư cấu. Tiểu thuyết là như vậy, là việc biến đổi hiện thực một cách có chọn lọc, đúng không nào? Là việc vặn vẹo hiện thực để vắt lấy cái cốt lõi của nó, đúng không nào? Vậy nên tôi có cần gì phải đi Bồ Đào Nha đúng chưa nào?
Bà chủ đồn điền sẽ kể tôi nghe những câu chuyện về cuộc đấu tranh đánh đuổi người Anh. Chúng tôi sẽ chọn món cho bữa trưa và bữa tối ngày hôm sau của tôi. Sau mỗi ngày viết, tôi sẽ đi dạo trên các đồi chè thoải dài lên xuống của đồn điền.
Chẳng may cho tôi, cuốn tiểu thuyết ấy cứ ngắc nga ngắc ngứ, ho lên ho xuống, rồi chết hẳn. Lúc đó tôi đang ở Matheran, không xa Bombay là mấy, một trang trại ở trung du, cũng có vài chú khỉ nhưng không có vườn chè nào. Đối với các văn sĩ chưa thành danh, tình cảnh ấy thật sự khốn khổ. Bạn có chủ đề tốt, câu chữ cũng chẳng kém gì. Các nhân vật bạn dựng lên thật sống động đến mức muốn đi xin giấy khai sinh cho chúng. Diễn biến tình tiết của câu chuyện bạn đã vạch ra hết cả, thật lớn lao, giản dị, và hấp dẫn. Bạn đã nghiên cứu hẳn hòi đâu ra đấy, thu thập đủ cả các dữ liệu lịch sử, xã hội, khí hậu, ẩm thực, những thứ sẽ khiến cho câu chuyện có giá trị đích thực. Những đoạn đối thoại cứ nối nhau thật tự nhiên, lấp lánh, căng thẳng. Những đoạn miêu tả bùng lên đầy màu sắc, tương phản và các chi tiết sắc sảo đầy ý nghĩa. Thực sự là câu chuyện viết ra như vậy chỉ có thể hay mà thôi. Thế mà tất cả những cái đó chẳng hợp thành một cái gì cả. Mặc cho những hứa hẹn sáng lạn và hiển nhiên của câu chuyện, sẽ đến lúc bạn chợt nhận ra những lời thì thầm vẫn luôn thôi thúc bạn viết nó ra bấy lâu nay lại rót vào tai bạn một sự thật rõ ràng và khủng khiếp, rằng câu chuyện hỏng rồi. Nó thiếu một thứ, cái tia lửa có khả năng thổi sự sống vào một câu chuyện, bất kể là các dữ liệu lịch sự hoặc ẩm thực của bạn đúng hay là sai. Câu chuyện của bạn thế là chết hẳn về mặt tình cảm rồi, đó là mấu chốt của vấn đề. Nhận ra sự thật này cũng giống như bị rơi vào một thảm hoạ tàn hại linh hồn, tôi phải nói với bạn như vậy. Khi tỉnh lại, mình phải sống với cảm giác luôn luôn bị đó, đến thắt ruột thắt gan.
Từ Matheran, tôi nhét hết các giấy tờ bản thảo của cuốn tiểu thuyết không thành ấy vào phong bì. Tôi gửi chúng đến một địa chỉ hư cấu ở Siberia, với một địa chỉ người gửi cũng hư cấu và quẳng cái phong bì vào thùng chọn thư, tôi ngồi phịch xuống ngay đó, chán nản hết sức. "Sẽ ra sao đây hở Tolstoy?", tôi tự hỏi, "Mày còn có ý tưởng hay ho nào khác cho cuộc đời của mày không?" Gì thì gì, vẫn còn một ít tiền và vẫn cảm thấy bứt rứt không yên, tôi đứng dậy, bước ra khỏi nhà bưu điện và quyết định đi thám hiểm miền Nam Ấn Độ.
Với những người hỏi tôi làm nghề gì, tôi đã muốn trả lời: "Tôi là đốc-tờ". Trong tâm trí tôi lúc ấy, bác sĩ là những người phân phát pháp thuật và phép lạ. Nhưng tôi lại tin rằng chỉ qua khỏi chỗ quành trước mặt kia là chiếc xe buýt sẽ gặp tai nạn, và rồi giữa tiếng kêu la rên rỉ của nạn nhân và các cặp mắt sẽ dán chặt vào tôi kêu cứu, tôi sẽ lại phải giải thích rằng danh vị đốc tờ của tôi không phải là bác sĩ y khoa mà là tiến sĩ luật; thế rồi, khi họ xúm vào đề nghị tôi giúp họ kiện chính phủ về vụ tai nạn, tôi sẽ lại phải phân trần rằng bằng cấp của tôi thực sự chỉ là cử nhân triết học mà thôi; tiếp đó, họ sẽ gào thét đòi biết cái tai nạn đẫm máu ấy thực sự có ý nghĩa gì không, và tôi sẽ phải thú nhận rằng tôi chưa hề đọc đến Kierkegaard; vân vân và vân vân. Thế là tôi đành thui thủi với danh phận nhà văn, một sự thật tím bầm và tủi hổ.
Trên đường, chỗ này chỗ kia, cũng có người đối đáp lại cái danh phận nhà văn ấy. Họ bảo: "Một nhà văn ư? Thật chứ? Tôi có một câu chuyện cho ông đây." Hầu hết những câu chuyện đó chỉ nhỉnh hơn những mẩu giai thoại chút xíu, đều hụt hơi, thiếu sức sống.
Tôi đến thị trấn Pondicherry, một khu tự trị nhỏ xíu trong Liên hiệp Anh về phía nam Madras, ngay trên bờ biển Tamil Nadu. Về dân số và diện tích, Pondicherry là một phần đất không có nghĩa lí gì của Ấn Độ (so về diện tích thì đảo Price Edward là một lãnh thổ khổng lồ của Canada), nhưng lịch sử đã khiến cho nó nổi bật. Bởi lẽ Pondicherry đã từng là thủ phủ của lãnh thổ Ấn Độ thuộc Pháp, cho dù lãnh thổ này chỉ là một bộ phận khiêm tốn nhất trong các vương quốc thuộc địa ngày xưa. Người Pháp chắc hẳn đã rất muốn cạnh tranh với người Anh, muốn lắm, nhưng cái lãnh thổ mà họ trầy trật mãi mới chiếm lĩnh được chỉ bao gồm một nhúm các hải cảng nho nhỏ. Họ bám vào những hải cảng này trong gần ba trăm năm. Họ rời Pondicherry năm 1954, bỏ lại đó những toà nhà trắng xinh xắn, những đường phố rộng chạy vuông góc với nhau, những tên phố như rue de la Marinne, và Saint Louis, và danh từ kepis, chỉ loại mũ lưỡi trai của cảnh sát.
Tôi ngồi trong quán cà phê có tên Indian Coffee House, phố Nehru. Một gian phòng rộng, tường màu xanh lá cây, trần cao. Quạt trần chạy vù vù trên đầu để lưu thông bầu không khí ẩm ướt. Quán kê chật hết chỗ các bàn hình vuông giống hệt nhau, mỗi bàn bốn ghế. Bạn ngồi được chỗ nào thì ngồi, chung bàn với người nào thì chịu người ấy. Cà phê thì ngon, lại có bán cả bánh mì nướng giòn. Rất dễ bắt chuyện. Và thế là, một ông già quắc thước mắt sáng với những lọn tóc trắng phau đang nói chuyện với tôi. Tôi khẳng định với ông ta rằng Canada đúng là lạnh, rằng có những vùng đúng là nói tiếng Pháp, và rằng tôi đúng là thích Ấn Độ, vân vân và vân vân - một thứ trò chuyện nhẹ nhàng thường thấy giữa những người bản xứ tò mò hiếu khách với dân "balô" ngoại quốc. Nghe tôi nói là nhà văn, ông già tròn mắt, gật đầu. Đến lúc phải đi rồi. Tôi giơ tay, cố vẫy ra hiệu cho người hầu bàn đem hóa đơn ra tính tiền.
Rồi ông già bảo: "Tôi có một câu chuyện sẽ khiến anh tin vào Thượng đế." Tôi không vẫy tay nữa. Nhưng vẫn nghi ngại. Biết đâu lại là dòng Thánh Chứng đang gõ cửa? Tôi hỏi: "Chuyện của cụ xảy ra hai nghìn năm trước ở một nơi hẻo lánh trong Vương quốc La Mã phải không ạ?"
"Không."
"Biết đâu ông lão lại là người rao giảng đạo Hồi. "Thế có xảy ra tại Arập vào thế kỷ thứ VII không ạ?"
"Không, không. Câu chuyện bắt đầu ngay ở Pondicherry này mới vài năm trước đây, và kết thúc, tôi xin nói để ông hay, ở ngay chính quê hương của ông."
"Và nó sẽ khiến cho tôi tin vào Thượng đế?"
"Đúng như vậy."
"Thế thì cao cấp quá."
"Không cao đến nỗi ông không với tới được." Người hầu bàn đã đến. Tôi do dự một giây, rồi gọi tiếp hai tách cà phê. Chúng tôi bắt đầu tự giới thiệu làm quen nhau. Tên ông lão là Francis Adirubasamy. Tôi nói. "Nào, cụ làm ơn kể câu chuyện đó đi."
"Anh phải thật chú ý nghe mới được," ông lão trả lời.
"Vâng." Tôi lấy bút và sổ ghi chép.
"Vậy, anh đã đến thăm vườn bách thảo ở đây chưa?" Ông lão hỏi.
"Tôi vừa mới tới đó hôm qua."
"Anh có thấy cái đường tầu hỏa giải trí ở đó không?"
"Dạ có."
"Hiện vẫn còn một tàu chạy vào ngày Chủ nhật cho trẻ con đi chơi. Nhưng trước đây ngày nào cũng có tàu chạy, mỗi giờ hai chuyến. Anh có để ý tên gọi của các trạm đỗ tàu không?"
"Có một trạm gọi là Roseville. Ngay cạnh chỗ vườn hồng."
"Đúng rồi. Thế còn trạm kia."
"Tôi không nhớ."
"Họ bỏ cái biển tên đi rồi. Trạm đỗ kia ngày trước gọi là Zootown. Đường tầu ấy có hai trạm đỗ: Roseville và Zootown. Ngày xưa có một vườn thú trong khu vườn bách thảo Pondicherry." Ông lão kể. Tôi ghi chép các yếu tố của câu chuyện. "Anh phải nói chuyện với cậu ấy," ông lão bảo tôi, về nhân vật chính. "Tôi biết cậu ấy. Bây giờ đã là người lớn rồi. Anh phải hỏi chuyện cậu ấy, với tất cả các thắc mắc của anh." Sau đó, ở Toronto, trong số chín cột liệt kê các chủ hộ mang họ Patel trong danh bạ điện thoại, tôi đã tìm ra người ấy, nhân vật chính của câu chuyện. Tim tôi đập thình thịch khi quay số phone của anh ta. Giọng trả lời rất Canada, nhưng vẫn nghe được âm sắc Ấn Độ, nhẹ thôi nhưng không thể lẫn vào đâu được, như một thoáng hương nhang trong không khí. "Chuyện đã lâu lắm rồi," anh nói. Nhưng rồi anh vẫn đồng ý gặp. Chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần. Anh cho tôi xem cuốn nhật ký anh viết trong thời gian xảy ra các sự kiện của câu chuyện. Anh cho tôi xem cả những mẩu tin, bài cắt trên báo đã có lúc khiến anh nổi tiếng, cho dù ngắn ngủi và mờ nhạt. Anh kể câu chuyện của mình cho tôi nghe. Còn tôi thì ghi chép. Gần một năm sau, khó khăn mãi tôi mới nhận đựơc một cuốn băng ghi âm và một bản tường trình của Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản. Chính khi lắng nghe cuốn băng ghi âm đó tôi thấy đồng ý với ông lão Adirubasamy rằng quả thực đây là câu chuyện sẽ khiến cho bạn đọc phải tin vào Thượng đế.
Lẽ tự nhiên là câu chuyện của ông Patel phải được kể lại chủ yếu là theo ngôi thứ nhất - tức là bằng chính lời kể của ông và theo con mắt nhìn nhận của ông. Còn mọi thứ sai lệch hoặc nhầm lẫn sẽ hoàn toàn là lỗi ở tôi.
Tôi phải mang ơn nhiều người trong việc này. Rõ ràng là tôi phải cảm ơn ông Patel đầu tiên. Lòng biết ơn của tôi đối với ông mênh mang như Thái Bình Dương và tôi hy vọng rằng việc tôi kể lại câu chuyện của ông sẽ không làm ông thất vọng. Tôi cũng cảm ơn cụ Adirubasamy đã dắt tôi và câu chuyện này. Còn để giúp cho tôi hoàn thành được câu chuyện, tôi phải cảm ơn ba vị quan chức có phẩm chất chuyên nghiệp mẫu mực. Đó là các ông Kazuhiko Oda, từng làm đại sứ quán Nhật ở Ottawa; ông Hiroshi Watanabe của công ty tầu biển Oika; và đặc biệt là ông Tomohiro Okamoto, thuộc Bộ giao thông vận tải Nhật Bản, giờ đã nghỉ hưu. Còn về cái tia lửa thổi được sự sống vào cuốn tiểu thuyết, tôi xin mắc nợ ông Moacyr Scliar 2. Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi đến với cơ quan vĩ đại, tức là Hội đồng bảo trợ nghệ thuật Canada, vì nếu không có món tiền trợ cấp của Hội Đồng, tôi đã không thể chắp nối được câu chuyện này, vốn chẳng dính dáng gì đến Bồ Đào Nha thời 1939. Nếu chúng ta, những công dân, không hỗ trợ các nghệ sỹ, thì chúng ta sẽ giết trí tưởng tượng của mình làm vật hiến tế cho hiện thực thô thiển để rồi chỉ biết qua ngày đoạn tháng, không biết tin vào cái gì, với rặt những giấc mơ vô giá trị.
Phần 1 : Toronto và Pondicherry
Chương 1
Dần dần, công việc học hành chữ nghĩa và tu tập tín ngưỡng đều đặn cũng khiến tôi vui sống trở lại. Tôi vẫn duy trì cái mà nhiều người có thể coi là những hành vi tín ngưỡng kỳ lạ. Tôi học chương trình phổ thông trung học trong một năm, rồi vào đại học tổng hợp Toronto, lấy hai ngành chính trong chương trình cử nhân, là nghiên cứu tôn giáo và động vật học. Luận văn năm thứ tư về tôn giáo của tôi đề cập đến một số phương diện của lý thuyết vũ trụ tiến hoá của Issac Luria, một tín đồ Kabbalist 3 vĩ đại hồi thế kỉ 16 ở Safed. Luận văn động vật học của tôi là một nghiên cứu phân tích chức năng tuyến nước bọt của loài culi ba móng. Tôi chọn loài cu li bởi tính cách khiêm nhường của nó - bình thản, im lặng và hướng nội - hình như đã có tác dụng an ủi phần nào mảnh hồn tan nát của tôi.
Có loài cu li hai móng và có loài culi ba móng , phân biệt theo chân trước của chúng, vì chân sau của tất cả culi đều có ba móng. Tôi có một may mắn lớn là được nghiên cứu loài culi ba móng ngay tại môi sinh tự nhiên của chúng ở rừng rậm nhiệt đới Brazil trong một kỳ hè. Con vật này quả thật là một sinh linh kỳ bí. Thói quen thật sự duy nhất của nó là thói vô vi. Nó ngủ hoặc nghĩ ngơi trung bình hai mươi tiếng một ngày. Độ nghiên cứu của chúng tôi đã thí nghiệm theo dõi nếp ngủ của năm con culi ba móng bằng cách đặt lên đầu chúng, sau khi chúng đã thiếp đi vào lúc chiều tà, những cái đĩa nhựa màu đỏ tươi đựng đầy nước. Đến sáng hôm sau, những cái đĩa này vẫn y nguyên, đầy nước và đầy các loại côn trùng vùng vẫy trong đó. Con culi chỉ bận rộn vào lúc mặt trời đang lặn, với nghiã thoải mái nhất của từ bận rộn. Nó bò dọc cành cây trong tư thế lộn ngược điển hình với tốc độ khoảng bốn trăm mét một giờ. Dưới mặt đất, nó bò từ cây này sang cây kia với tốc độ hai trăm hai mươi mét một giờ nếu có lý do chính đáng, bốn trăm bốn muơi lần chậm hơn tốc độ duy chuyển có lý do của loài báo cheetah. Còn nếu không có lý do gì, mỗi giờ chúng chỉ di chuyển được khoảng bốn đến năm mét.
Con culi ba móng không biết gì mấy đến thế giới chung quanh nó. Có thang điểm từ hai đến mười, hai là mức độ lờ mờ bất thường và mười là mức linh hoạt cực điểm, tác giả Beebe (1926) đã đánh giá giác quan của lưỡi, da, mắt và tai của loài culi ở mức hai, còn mũi thì ở mức ba. Nếu ta gặp một con culi đang ngủ trong rừng, ta chọc hoặc lay nó hai ba cái, nó sẽ tỉnh dậy, và cặp mắt ngái ngủ của nó sẽ nhìn quanh, nhưng không thèm nhìn về phía ta. Không biết tại sao nó lại có thói quen nhìn quanh như thế, vì thực ra con culi nhìn cái gì thì cũng như một vệt nhoè nhoẹt mà thôi. Về nghe loài culi cũng không đến nỗi điếc lắm, mà thực ra là không thích nghe. Tác giả Beebe có viết rằng culi đang ngủ hoặc đang ăn mà ta có dí súng bắn ngay bên cạnh thì nó cũng chỉ hơi nhúc nhích mà thôi. Và ta cũng không nên đánh giá quá mức cái khả năng ngửi được cho điểm khá hơn của culi. Người ta tin chúng có khả năng đánh hơi thấy và tránh các cây mục, nhưng tác giả Bullock (1968) lại tường trình rằng ông "thường xuyên" thấy các con culi ngã xuống đất vẫn bám chặt lấy đoạn cành mục mà nó đã bò lên.
Ta có thể hỏi vậy làm sao mà chúng sống được.
Chình là nhờ sự chạm chạp như vậy. Tính cách ngủ mê ngủ mệt của culi đã giữ cho chúng không bị sa vào vòng nguy hiểm, không rơi vào tầm ngắm của hổ báo, cầy cáo, diều quạ. Lông culi là nơi cư trú của một loại tảo có màu nâu trong mùa khô và màu xanh lá cây trong mùa mưa, giúp cho nó lẫn lộn vào rêu lá xung quanh, trông như một tổ kiến hoặc tổ sóc, hoặc chỉ như một phần sần sùi của một cái cây.
Con culi ba móng sống cuộc đời chay tịnh, yên bình trong sự hài hoà hoàn hảo với môi trường . "Với một nụ cười tốt lành thường trực trên môi", tác giả Tirler (1966) đã viết như vậy. Tôi đã tận mắt thấy nụ cười ấy. Tôi không có tính thích gán cho loài vật những tính cách và tình cảm của con người, nhưng đã biết bao lần trong tháng hè đó tại Brazil, khi ngước nhìn những con culi đang trong tư thế nghỉ ngơi, tôi cảm thấy như mình đứng truớc những đạo sĩ yoga ở tư thế lộn ngược đang chìm sâu trong suy tưởng, hoặc những ẩn sĩ đang nguyện cầu khẩn thiết, những đấng hiền triết có cuộc sống bay bổng đầy những tưởng tượng hào sảng mà trí lực dò dẫm kiểu khoa học của tôi không thể nào vươn tới được.
Đôi khi tôi bị lẫn lộn hai ngành học của mình. Một số bạn học với tôi trong môn nghiên cứu tôn giáo - những kẻ theo thuyết bất khả tri, không phân biệt được đâu là trên đâu là dưới, luôn ghê tởm lý lẽ vốn là vàng ròng của những người thông sáng - khiến tôi liên tưởng đến loài culi ba móng; còn con culi ba móng, tiêu bản đẹp đẽ của phép lạ cuộc sống, thì lại khiến tôi nghĩ tới Thượng Đế.
Không bao giờ tôi gặp rắc rối với các đồng nghiệp khoa học. Các khoa học gia là một đám người thân thiện, vô thần, chăm chỉ, thích rượu bia và lúc không bận bịu với khoa học thì họ chỉ quan tâm đến tình dục, cờ vua và bóng chày.
Tôi là một sinh viên oách, tôi có thể nói vậy. Tại đại học Thánh Michael, tôi đứng đầu bảng bốn năm liền. Tôi dành được tất cả các phần thưởng cho sinh viên của khoa Động vật học. Nếu như tôi không giành được phần thưởng nào của khoa nghiên cứu tôn giáo thì chỉ đơn giản là khoa này chẳng có một phần thưởng nào dành cho sinh viên (Chúng ta đều biết rằng các phần thưởng cho việc nghiên cứu tín ngưỡng không nằm trong tay đám phàm phu tục tử như chúng ta) Còn tấm Huân chương Học Thuật của ngài Tổng đốc, phần thưởng cao quí nhất của Đại học Toronto cho sinh viên phần lớn chỉ dành cho các công dân Canada xuất sắc; nếu không vì cái thằng cu ấy, da trắng hồng, ăn thịt bò, cổ to như gốc cây, hơn hớn ầm ĩ rất khó chịu, thì tôi đã dành được nó rồi.
Tôi vẫn còn thấy đau khổ vì những chuyện nhỏ nhặt. Khi người ta đã chịu nhiều đau đớn ở đời, mỗi một nỗi đau mới sẽ vừa nặng trĩu mà cũng lại chẳng là gì....
Cuộc đời tôi cũng giống như một bức tranh mementomori 4 trong nghệ thuật Châu Âu: lúc nào cũng có một chiếc đầu lâu nhe răng cuời bên cạnh để nhắc nhở tôi về những phù du của ham muốn nhân sinh. Tôi diễu cợt chiếc đầu lâu. Tôi nhìn nó và bảo: " Mày chọn nhầm đối tượng rồi. Mày có quyền không tin vào cuộc đời, nhưng tao lại không tin vào sự chết. Đi chỗ khác!". Chiếc đầu lâu nhúc nhắc rồi nhích lại gần hơn nhưng tôi chẳng ngạc nhiên. Lý do sự chết cứ bám riết lấy sự sống như vậy không phải là vì nhu cầu sinh học - đó là sự ghen tị. Sự sống đẹp đến nỗi sự chết đã phải lòng nó, một mối tình tư vị đầy ghen tuông quắp chặt lấy bất cứ thứ gì nó có thể động đến. Nhưng sự sống nhẹ nhàng bỏ qua, mất mát vài thứ chẳng gì đáng kể, và nỗi u buồn chỉ như một bóng mây bay. Thằng cu trắng hồng lại được thưởng cả học bổng Rhodes. Tôi yêu hắn và mong cho hắn học được thật nhiều thứ tại Oxford. Nếu như Lakshmi, nữ thần tài sản, có ngày nào đó ban phát cho tôi ân sủng của người thì Oxford sẽ đứng thứ năm trong danh sách các thành phố tôi muốn viếng thăm trước khi quá vãng, sau Mecca, Varanasi, Jerusalem và Paris.
Cuộc đời đi làm của tôi chẳng có gì đáng nói, chỉ trừ một nhận xét rằng cà-vạt là một cái thòng lọng, và mặc dù lộn ngược, nó sẽ treo cổ nguời ta đến chết nếu không thận trọng.
Tôi yêu Canada. Tôi nhớ cái nóng của Ấn Độ, nhớ các món ăn, bọn thằn lằn bò trên tường nhà, phim kịch hát trên truyền hình, lũ bò đủng đỉnh ngoài phố, lũ quạ kêu quàng quạc, nhớ đến cả những cuộc bàn tán về các trận đấu cricket 5, nhưng tôi yêu Canada. Một xứ sở vĩ đại tuy có hơi quá lạnh đối với người lành mạnh, nơi cư ngụ của những con người thông minh hăng hái, nhưng đầu tóc để không được đẹp. Dù sao Pondicherry chẳng còn có cái gì để tôi muốn quay về.
Richard Parker vẫn ỡ bên tôi. Chưa khi nào tôi quên được nó. Có dám nói tôi nhớ nó hay không ư? Có đấy. Tôi có nhớ nó. Vẫn thấy nó trong các giấc mơ. Phần lớn là ác mộng nhưng là ác mộng nhuốm màu tình yêu. Lòng nguời thật lạ. Tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao nó có thể bỏ tôi đi một cách dửng dưng như thế, không một cử chỉ chia tay nào, không hề ngoái lại lấy một lần. Nỗi đau như thể ai cầm rìu mà bổ vào tận tim vậy.
Các bác sĩ và hộ lý trong bệnh viện tại Mexico thật tốt với tôi hết chỗ nói. Cả các bệnh nhân cũng vậy. Bệnh nhân ung thư và nạn nhân tai nạn xe cộ, một khi đã nghe câu chuyện của tôi, họ chống nạng và lăn xe đến thăm tôi, họ và gia đình họ, mặc dầu không ai nói tiếng Anh, còn tôi thì không biết tiếng Tây Ba Nha. Họ mỉm cười với tôi, bắt tay tôi, vỗ về lên đầu tôi, để các món quà, thức ăn và quần áo lại trên giường tôi. Họ khiến tôi rơi vào những trận khóc trận cười không thễ ghìm lại được.
Chỉ trong vòng một ngày là tôi đã đứng lên được, thậm chí còn đi được một hai bước, mặc dù vẫn buồn nôn, chóng mặt và mệt mỏi toàn thân. Xét nghiệm máu cho thấy tôi thiếu hồng cầu nghiêm trọng, lượng muối thì cao mà kiềm thì thấp. Cơ thể tôi bị đọng dịch, hai chân phù ghê gớm. Trông tôi như một anh bị ghép đôi chân voi vậy. Nước giải thì đục, vàng sẫm gần như nâu. Thế mà sau đó độ 1 tuần, tôi đã có thể đi lại bình thường, và có thể đi giày nếu không buộc giây. Da dẻ tôi lành trở lại, mặc dù có sẹo ở vai và lưng.
Lần đầu tiên tôi vặn được vòi máy nước , dòng nước phụt ra thật ầm ĩ, phí phạm và xả láng đến nỗi tôi bị choáng, ngã ngất vào tay người hộ lý.
Lần đầu tôi đến một quán ăn Ấn Độ ở Canada, tôi bốc thức ăn bằng tay. Người hầu bàn nhìn tôi một cách nghiêm nghị và nói: " Vừa dưới tàu mới lên phải không?". Tôi tái người. Những ngón tay tôi, một giây truớc đó còn như những búp vị giác đang thưởng thức món ăn trước khi đưa chúng vào miệng, đột nhiên thành ra thật bẩn thỉu dưới ánh mắt của anh ta. Chúng cứng đơ lại như những kẻ tội phạm bị bắt quả tang. Tôi không dám liếm chúng, tôi lau chúng bằng giấy ăn như một kẻ có lỗi. Anh hầu bàn không thể biết câu nói của anh ta đã cứa những vết thương vào lòng tôi sâu đến thế nào. Chúng như những cái đanh nhọn đóng ngập vào ngực tôi. Tôi nhặt con dao và cái dĩa. Tôi thực sự không nhớ mình đã từng dùng những thứ đó bao giờ chưa. Hai bàn tay tôi run bắn. Dịch vị tôi khô kiệt.
1 | Thánh chứng: Tạm dịch chữ Jehova’s Witness, tên một dòng đạo Thiên Chúa, chuyên tâm phổ biến tín ngưỡng này dựa trên các câu chuyện chứng minh sự hiện hữu có chứng kiến của Chúa Jesus. |
2 | Nhà văn Brazin đương đại, sống và làm việc ờ Porto Alegre, thủ phủ tiểu bang Rio Grande do Sul, miền nam Brazil. Đã xuất bản hơn năm mươi tác phẩm, trong đó có những tiểu thuyết nồi tiếng như Đội quân một người, Con Nhân ngưu trong vườn nhà, Bài ca của Đấng Cứu thế giả hiệu, Vũ hội của các loài thú vật… Xuất thân trong một dòng họ Do Thái – Nga di cư sang Brazil từ cuối thế kỷ trước, từ những năm 1960, ông vừa hành nghề bác sĩ vừa viết tiểu thuyết và là đại biểu xuất sắc của dòng văn học Do Thái – Brazil hiện nay. |
3 | Kabala hoặc Cabala: hệ thống lý thuyết thần học bí truyền do các thầy cả Do Thái (rabbi) phát triển và lên tới đỉnh điểm trong các thế kỉ 12,13 có ảnh hưởng phần nào đến tư tưởng của một số triết gia Cơ Đốc giáo thời trung cổ và phục hưng. Cốt lõi của Cabala là phương pháp diễn giải kinh sách rất bí hiểm mà các tín đồ tin rằng giúp họ thâm nhập các bí mật thiêng liêng. Người theo thần học Cabala tin rằng muôn vật đều là biến hình của Thượng Đế và Linh hồn đã tồn tại từ cõi vô cùng. |
4 | Memento mori: tiếng Latin, nghĩa là "nhắc ta nhớ đến cái chết" |
5 | Cricket: Môn thể thao ngoài trời gần giống như môn bóng chày ờ Mỹ, rất phổ biến ở Ấn Độ. |