Vừa rời ghế nhà trường là tôi về làm dâu...

Sau một tuần trăng mật tôi trở về căn nhà xa lạ, không phải là cái tổ ấm mà tôi đã trú ngụ bao nhiêu năm quen thuộc. Tôi thẫn thờ như người mất hồn, nhất là những lúc chồng tôi vắng nhà, từ sáng đến chiều tôi ra vào trông đợi chồng tôi về ,sao ngày dài lê thê, nếu biết như thế này thì tôi sẽ không bao giờ lấy chồng và sẽ ở vậy để được gần mẹ , gần chị em tôi, những người trong gia đình này tôi cũng gọi là cha mẹ và anh chị em , mà sao tôi cảm thấy xa lạ quá, và hình như tình cảm không giống như tôi tưởng, trong thâm tâm tôi sao không ổn chút nào, những mơ mộng , hạnh phúc trước ngày cưới dường như tan biến đâu mất, mà xen vào những ưu tư xáo trộn.

Cuộc sống gia đình này khác hẳn với gia đình tôi, lại còn có chuyện con ông , con bà,... sự đầm ấm dường như không có , có chăng chỉ là sự giả tạo , che dấu để lấy cái sĩ diện bề ngoài , trong nhà thực ra như hũ mắm.

Ông thì cả ngày chả thấy nói một câu, kể cả với bà, mỗi lần nói là "gióng một gióng hai " gay gắt, quái lạ thật ! sao họ có thể sống như vậy được nhỉ ? từ sáng đến tối ông chỉ ngồi bên cốc rượu và nhâm nhi vài hạt đậu phộng hoặc con mực khô tự tay ông nướng lấy.

Còn bà , nói luôn mồm, giọng nói ồm ồm nghe chát chúa bên tai, khác hẳn với tiếng nói dịu dàng của mẹ tôi, mỗi lần bà cất tiếng nói tôi đã thưa gửi vâng dạ nhanh nhẩu, ấy thế mà bà dường như còn chưa hài lòng, bà chỉ dậy tôi đủ điều, riết rồi đầu óc tôi như mụ mẫm, tôi chỉ biết dạ vâng như cái máy, cố gắng chờ chồng tôi về để được ngả vào vòng tay chàng , ỉ ôi , kể lể...

Còn cô em chồng tôi , cũng rất đáng sợ, cô hơn tôi đến 8 tuổi nên cô không khác gì một con"cáo" trong nhà, nhất cử ,nhất động của tôi cô đều biết hết.

Mỗi ngày, sau bữa ăn sáng vội vàng là chồng tôi ra khỏi nhà để đến sở là giờ " hình sự "của tôi bắt đầu. Một ngày dài như cả tháng .Mỗi lần tôi được về thăm mẹ , tôi mừng rỡ như chim sổ lồng, tôi kể lể cho mẹ tôi nghe hết những gì mắt thấy tai nghe, mẹ tôi cũng chỉ biết khuyên bảo tôi, nên nhẫn nhục một thời gian rồi sau đó khi có được một " mụn con " rồi thì sẽ đâu vào đấy sẽ lấy được cái “ thế “ trong nhà.

Suốt tuần lễ không có lấy một ngày vui, ông chỉ vui với các bạn mạt chược, bàn mạt chược bắt đầu từ trưa cho đến tối, thứ bảy chủ nhật thì còn kéo dài cho đến đêm, đôi khi hết đêm cho đến sáng, vì cuối tuần những trai trẻ ghé vào nên có nhiều chân thay nhau ngồi, cái khung cảnh này thì còn có tiếng cười nói, nhưng ồn ào và khói thuốc bay mờ mịt , và đôi khi làm cho chồng tôi không còn thì giờ chú ý đến tôi.

Con cái chia làm hai bè, bè con bà lớn là chồng tôi và cô em gái, bè con bà nhỏ đông hơn, hai trai hai gái, tôi không hiểu sao mà các cô chú kia (con bà nhỏ) lại có thể chịu luồn cúi và ở chung chạ một nhà được, nếu tôi là họ thì dù chỉ một ngày tôi cũng không ở, nhưng sau đó thì tôi hiểu, cũng chỉ vì cái gia tài của ông bố mà hai bà lớn, nhỏ sợ mất phần nên đã đẩy các con đến gần bố, nhắc nhở bố ,kẻo mất phần sau này.

Tôi sợ nhất những khi không có khách đến xoa mạt chược, ông chán đời ngồi nhậu lai rai rồi nhậu mãi... ngâm nga những câu thơ... , mỉa móc chuyện đời... và rồi thế nào cũng có câu " trai năm thê bảy thiếp mới hào hùng... " vuột ra khỏi miệng . Câu này như đổ thêm dầu vào lửa, thế là bà lên tiếng và rồi... to tiếng và hai lỗ tai tôi , nghe đầy những câu trách móc phân bua... của ông lẫn bà , và còn làm cho tôi lo lắng khi nghĩ đến chồng tôi, biết đâu sau này anh cũng sẽ " hào hùng " như bố anh vậy.

Có những hôm , không hiểu ông đi đâu mà tối không thấy ông về , bà thở dài suốt, tiếng thở dài nghe não nuột làm sao trong đêm vắng !... đôi khi còn thêm một câu làm cho tôi giật mình : "chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng " Tôi bịt chặt tai tôi lại , và thầm cầu xin bề trên cho tôi tránh khỏi cái đau khổ như bà vậy.

Cùng một máu huyết mà xem nhau như kẻ thù, càng sống gần thì càng thù hận nhiều hơn, rồi, đâu cũng chẳng qua là phần số, con người có phúc, có phần , sau năm 75 ông mất tất cả, tài sản, của cải... kể cả vợ con, mà ông chỉ còn những giận hờn trách móc, ông cô đơn với hai bàn tay trắng, con cái mỗi người một ngả lo thoát thân, và từ đó dường như những liên lạc của gia đình , của anh chị em bị cắt đứt.

Hơn hai mươi năm sau , trước khi ông nằm xuống, một mình đơn chiếc nằm trên giường bệnh, ông đã cố gắng liên lạc với các con và ông đã van xin các con nghĩ đến "giọt máu đào hơn ao nước lã," huống chi là con cùng một cha, lời kêu gọi của ông gần như không có hiệu lực, người nào cũng có lý do riêng không muốn gặp lại nhau và cũng không muốn về để nhìn lại mặt cha lần cuối,...

Tôi cũng không biết nên thương hay nên trách, nhưng dầu sao thì cũng là cha, tôi khuyên chồng tôi nên trở về gặp cha trước khi chết, để làm gương cho các con sau này, và biết đâu sau này ở cái tuổi già ,anh sẽ có những lúc khắc khoải hối tiếc, ăn năn.

Lúc đầu chồng tôi viện cớ này cớ khác, nào là bố chỉ có sinh chứ không có dưỡng, mà còn trách bố thế này thế khác... nhưng sau cùng , anh cũng về...

Từ Việt Nam, anh phone về cho tôi, giọng anh nói hết sức xúc động :

Bố thì thào tâm sự với anh , tiếng được, tiếng mất, những hối hận dày vò tâm tư bố đã lâu, ngày còn trai trẻ thì ăn chơi, sinh con mà không nghĩ đến dưỡng dục, tưởng có tiền là có tất cả, đâu ngờ một thoáng chốc tiêu tan,...

giờ còn lại chỉ là thương nhớ, hối tiếc thì đã quá muộn.

Sau khi phone cho tôi, chồng tôi đã cố gắng liên lạc lại với tất cả anh chị em , người ở Úc, người ở Mỹ...

Có ai ngờ, đúng là có máu có xót, chỉ trong vòng một tuần lễ mà tất cả các anh chị em họp mặt đông đủ, không thiếu một người nào, mừng mừng , tủi tủi gặp lại nhau, ngồi xung quanh bố và kể những chuyện ngày xa xưa, những hiểu lầm thiếu sót, tình cảm dạt dào thông cảm nhau, mặt bố rạng rỡ với nụ cười giữa các con, rồi bố vĩnh viễn ra đi trong niềm hạnh phúc đó.

Sau đó vài tuần, đại gia đình tổ chức một buổi gặp gỡ nhau tại Washington DC, tôi cũng hồi hộp không kém, vì dầu sao tôi cũng vẫn còn cái ấn tượng của mấy mươi năm về trước, cái khắc nghiệt và cái lạnh nhạt của bên nhà chồng vẫn còn luẩn quẩn trong đầu óc tôi,...

Xuống sân bay , tôi ngỡ ngàng gặp lại tất cả, tôi bồi hồi nhận rõ từng khuôn mặt một, thời gian đã làm thay đổi, nhưng những nét cố định cũng không thể mất trên nét mặt ,các cô chú ôm tôi làm tôi có cảm tưởng như nghẹt thở, rồi những giọt nước mắt đã cho chúng tôi thấy rõ đó là thứ tình cảm đặc biệt mà thượng đế đã ban cho, để thông cảm ,thương yêu ,tha thứ...

Bước chân vào đến nhà (của một trong những cô chú ) tôi đã thấy cái khung cảnh nhộn nhịp ,dâu , rể bữa nay mới có dịp biết mặt nhau , cộng thêm một bày trẻ con ,đó là con của các cô chú, các cháu nhanh nhẩu chạy đến ôm lấy chúng tôi chào hỏi , tuy theo lối Mỹ nhưng cũng tỏ rõ cho tôi thấy rất thân tình, rồi những chuyện vui , cười nói như cái chợ ,chuyện xa xưa cũng được nhắc lại nhưng không với những hiềm thù, thắc mắc mà trái lại để thông cảm , xoá đi những hiểu lầm đã qua.

Chương trình của mỗi ngày lần lượt được áp dụng, từ sáng sau khi điểm tâm là chúng tôi được đưa đi những danh lam thắng cảnh của Washington DC , vì có một chú em của chồng tôi làm việc ở Patent nên chúng tôi vào đậu xe ở parking lot dễ dàng và từ đây chúng tôi lấy subway xuống trung tâm... như thế là cách tốt nhất không bị kẹt xe và cũng không cần phải khó khăn kiếm chỗ parking .Ngày nào tôi cũng lấy trung tâm là thấy cây bút chì khổng lồ (Monument) ,rồi bắt đầu đi xem từng nơi một, tuy cũng chỉ loanh quanh đấy thôi , vậy mà mỗi ngày chúng tôi cũng chỉ đi được có một hai địa điểm, là đã hết ngày ,rồi mỏi chân và lại trở về nhà cho kịp bữa ăn chiều, để họp mặt hàn huyên tâm sự .Chúng tôi đã xem lại Ngũ giác đài và world trade center nay gần như thay đổi hẳn (hơn hai năm về trước tôi đã xem qua một lần, lần đó tôi đi theo Bus tour của Canadien .)

Những museum cũng không làm cho tôi exicted cho bằng chỗ in tiền , tôi ỷ lại họ toàn là người nước ngoài nên tôi tha hồ thì thào bàn luận với chồng tôi về việc in tiền,thật là thú vị khi nhìn từ xấp giấy... chạy vòng vo một lúc mà ra dollar Mỹ, tôi muốn đứng xem mãi nhưng không được vì thời gian có hạn ,... và tôi nhất định phải mua một mớ tiền về vừa làm kỷ niệm vừa làm quà, chồng tôi cũng chiều ý tôi , nhưng anh chỉ mua giấy 1 dollar , tôi định ca cho anh nghe bài "ông xã tôi vốn người tằn tiện " (chứ không phải hà tiện )nhưng anh đã kịp thời cắt nghĩa cho tôi nghe, không nên mua giấy lớn , phí đi vì một dollar tính ra đắt gấp mấy lần ở ngoài, chỉ có 8 dollars họ cuộn vào một roll ,mà mình phải trả 17 dollars tiền mặt , nhất là mua giấy 10 đô hay 50 đô thì còn đắt nữa... tôi cũng bướng nên cố gắng ngụy biện, thì cứ mua giấy lớn nếu cần thì mình cắt ra xài... nhưng không còn kịp nữa, vì cô bán hàng đã đưa ra 10 roll giấy 1 dolla . tôi đành thở dài vậy.

Tôi cũng thích thú say sưa ngắm những viên kim cương trong viện bảo tàng,dưới ánh đèn , chao ôi! lóng lánh và đẹp còn hơn những vì sao . nhất là cái vương miện của Hoàng đế Napoleon tặng Hoàng Hậu ( tôi nghe nói cái vương miện bad luck nên họ đã tặng cho viện bảo tàng )

Đặc biệt lại đúng mùa hoa Anh Đào nở , với tiết trời mát mẻ của mùa xuân ,tôi tung tăng như con bướm trong vườn hoa, mỗi cây hoa có một màu hồng khác nhau , tùy theo nỏ sớm hay muộn mà hoa đổi màu,những màu hồng đặc biệt làm cho tôi ngắm mê mẩn không thấy chán, tôi đến gần để ngắm kỹ cánh hoa, tôi xuýt xoa ,ôi ! đẹp làm sao !, đúng là chỉ có thượng đế mới tạo nên cái vẻ đẹp này, không bút mực nào tả cho hết... tôi mơ màng nhớ đến cảnh Lưu Nguyễn nhập thiên thai... Ở đây không có suối quanh co ,không có hạc bay, nhưng có hồ thơ mộng với mặt nước phẳng lặng ,long lanh với hàng cây anh Đào soi bóng nước, và cũng có những cánh hoa đào rơi rắc theo gió bay,...

Tôi trở về với thực tế khi chồng tôi khoác cái áo lạnh lên vai tôi... ,tôi lại tưởng tượng tôi đang đứng ở Japan, nên tôi nói với chồng tôi : chắc mình phải đi Nhật một chuyến nghe anh !

Chồng tôi như chợt giật mình : hứ ! nghèo mà ham , em có bán đứng cả anh đi cũng không đủ tiền để đi Nhật... Rồi có lẽ sợ sự thật làm tôi buồn nên anh ôm vai tôi :nói vậy chứ biết đâu sẽ có một ngày, con cái nó nghe mẹ nó mơ... nó sẽ nghĩ đến, kiên nhẫn chờ đi ! chàng nói như xúi tôi, có lẽ từ từ tôi cũng "dàn cảnh" mơ màng nói đến xứ Nhật Bản là vừa.

Hôm nay chúng tôi đi coi aquarium , tôi không thích aquarium lắm vì tôi tưởng aquarium của Washington là phải tuyệt hảo nhưng tôi thấy không bằng aquarium của Florida và Boston... có lẽ tại tôi thần thánh hóa Washington DC nên tôi cho cái gì cũng phải hay, phải đẹp hơn mọi nơi , chúng tôi ra về hơi sớm nên tôi nhất định đòi đến Garden Botanique để xem Hoa Orchids, nghe nói mùa này không phải là mùa của Orchids vậy mà loại hoa nào tôi cũng xuýt xoa xem mãi và tôi có idea khi về nhà sẽ thủ thỉ với chồng tôi bắt thêm ngọn đèn cho những chậu Orchids của tôi được thêm ánh sáng.

Ngày vui qua mau, ngày cuối ở Washington, chúng tôi được đưa ra khu Eden , và ăn phở, một tiệm phở quen thuộc mà lần đi trước tôi đã ghé qua, lần này thì cà kê , dê ngỗng vui hơn, vì bất ngờ chồng tôi đã gặp lại nhóm bạn cũ, hầu như ngày nào họ cũng họp tại đó, có bàn cờ tướng và bàn bày báo bán, nghe nói để giúp đỡ anh em còn lại quê nhà , và còn vui hơn nữa là chồng tôi gặp lại người cháu gái bên họ ngoại là chủ tiệm phở, đúng là đánh nhau vỡ đầu mới nhận họ .Chiều đó chúng tôi ghé ăn vịt Bắc kinh (Peking duck) nhà hàng này danh tiếng nhờ các ông có tai , có mắt (không mù không điếc) của chính phủ Mỹ đến ăn , 1 con vịt vài chục dollar Mỹ, vừa ăn tôi vừa ngắm hình các ông chụp với chủ tiệm treo trên tường , tôi buột miệng : nhờ hình của các ông mà thịt vịt nổi tiếng ngon ,... tôi không dám nói tiếp câu sau cùng ( nghĩ thật uổng tiền, ăn vịt nướng chao theo kiểu Việt Nam ngon hơn nhiều,... có lẽ vì tôi quê một cục, không biết thưởng thức.)

Buổi tối cuối cùng, chồng tôi với giọng "quyền huynh thế phụ " ân cần dặn dò , nhắc nhở các cô chú thương yêu và đùm bọc lẫn nhau , dĩ vãng ông cha đã làm gì không cần biết,chỉ biết hiện tại là anh chị em cùng một giòng máu... tôi cũng ngồi nghiêm trang làm như ta đây cũng là chị dâu cả , giọng nói chồng tôi đều đều và dai dẳng như ca cải lương , mà tôi thì đóng "bộ tịch" mãi tôi hết chịu nổi thế là tôi phá ngang, tôi làm bộ khen các chú :

Các anh em tốt quá không có ai "hào hùng" giống bố ,...

Một chú nhẩy nhổm lên than vãn liền : Đã không được hào hùng như bố mà trái lại còn nhịn thèm nữa mới là khổ đó chị !

Các cô nhao nhao lên : thiệt chỗ nào ? tụi em mà không theo sát nút là bây giờ cũng...

Chú Út ngồi ở cuối bàn là ít nói và hiền lành nhất mà cũng lên tiếng : Đời cha ăn mặn đời con khát nước !

Cô em kế của chồng tôi lên tiếng như ca tụng anh : Cứ bắt chiếc anh Cả đây này, đàng hoàng cho đến giờ này...

Tôi quay lại nhìn chồng tôi, cũng đúng lúc chồng tôi vừa nhìn tôi với đôi mắt như van lơn...

Tôi đành im lặng để chồng tôi lên tiếng : cứ nhớ ở đời không ai là hoàn hảo , chỉ cần biết phục thiện là tốt rồi ! thôi chúng ta cũng giải tán để mai người thì đi làm , kẻ thì ra sân bay sớm ! Chúng tôi tiễn các cô chú ra cửa , lúc quay vào nhà ,tôi thì thầm nói với chồng tôi :

Anh khôn quá, nhanh mồm nhanh miệng chứ không là bị em "'đấu tố" rồi !

Thôi mà em ! forgive and forget !

Tôi còn ấm ức nên nói tiếp : nếu ngày đó mà em không làm dữ thì giờ này anh cũng hụt hơi với cái "trống bõi "rồi.

Anh ôm vai tôi thì thầm : cái trống chầu này cũng đủ hụt hơi chứ cần gì cái trống bõi !...

Hết