Chương 1

Cho phần hành lá vào chảo đậu xào, Diễm nhanh tay đũa đảo trộn cho đậu và hành hòa lẫn đều vào nhau rồi nhấc ra khỏi bếp đặt lên cái rễ tre trên chiếc bàn gỗ tròn đen xỉn gần đó. Xong, cô bắc ấm nước lên bếp, đụm thêm củi và quay người định ra khỏi bếp để vào nhà. Nhưng cô chợt khựng lại.

Bên ngưỡng cửa, Kiềng đứng đó, quần xà lớn trễ tràng, mình trần phô nước da đen nhẻm, áo thun trắng cũ ngã màu cháo lòng vắt trên vai. Tay trái anh ta xách tòn ten túi xốp đựng mấy ổ bánh mì ngọt Kinh Đô, đáp lại cái nhìn giật mình thảng thốt của Diễm là nụ cười trơ tráo:

- Em đang làm đồ ăn đó hả?

- Dạ …

- Má đâu rồi?

- Hồi nãy, má ở trên này mà.

- Anh hổng thấy. – Kiềng nói luôn. – Chắc má qua nhà dì Bảy.

Diễm muốn bước ra ngoài nhưng khoảng rộng của ngưỡng cửa chưa đầy một mét đang bị Kiềng đứng choán hơn phân nửa. Nếu Diễm bước qua thế nào cũng chạm phải Kiềng. Buộc lòng, cô phải đứng phía trong và tìm ra chuyện để mà hỏi han anh ta:

- Sao anh Hai về nhà giờ này?

Kiềng giơ túi xốp lên, đi vào bếp và nói:

- Anh đem bánh về cho má với em nè.

Diễm dời bước qua một bên:

- Trưa rồi. Chút xíu nữa là cơm chín, Anh Hai bày đặt mua bánh làm gì cho tốn tiền.

Kiềng tặc lưỡi:

- Cơm và nước gì. Bánh này ăn chơi chớ có no đâu. Em ăn đi. Phần của má cứ để đó, lát má về ăn sau.

- Em không đói, Anh Hai để đó, em sẽ ăn sau.

Giọng Kiềng có vẻ khó chịu:

- Gì? Của anh mua mà em chê hả?

- Không phải! Anh Hai à … em …

Kiềng gắt um:

- Anh Hai, anh Ba cái gì. Anh đã nói anh chưa bao giờ và sẽ không đời nào chấp nhận em là em gái của anh. Anh có đủ tư cách để cưới em làm vợ. Em nghe rõ chưa hả?

- …

- Anh nói rồi đó. Em là của anh. Đừng có nghĩ sẽ thoát khỏi anh.

Kiềng xán lại và mắt quắc lên khiến Diễm muốn bủn rủn tay chân. Hai hàm răng dính chặt vào nhau, không thể mở miệng được.

Kiềng đặt bàn tay to bè lên vai Diễm nhìn vào tận mặt cô, cười cợt:

- Em sẽ mãi mãi là của anh.

- Anh Hai à! Em xin anh mà. Anh đừng như vậy, tha cho em đi.

- Kỳ hông! Anh yêu em. Em là vợ anh thì anh cưng em nhất trên đời. Chứ anh có ăn thịt em đâu mà em bảo anh tha cho em.

Tiếp sau câu nói trâng tráo, Kiềng đưa luôn tay còn lại ôm sau vai Diễm.

Diễm run người lại, cố gắng phản kháng. Sức lực cô tự dưng đâu mất cả.

Đôi vai gầy run rẩy, gương mặt đỏ hồng vì hơi nóng của bếp lò, mà cũng có thể do sợ hãi mà Kiềng đâu cần quan tâm. Anh ta nghe được cả hơi thở hổn hển của Diễm. Diễm đang ở trong tay anh ta. Đó là sự thật và là một sự thật chắc chắn.

Ngoài kia, bên kia hàng rào bông bụp có một đôi mắt dõi nhìn vào, sầm tối. Rồi chàng thanh niên quay người đi nhanh về phía cuối xóm, trước khi nhìn thấy bên này bà Mị vừa rẽ qua con đường đan xi măng để vào vuông vườn nhà.

Sáng nay bà Bảy hàng xóm có bảo bà sang lấy mớ rau muống nước mà bà Bảy cắt ngoài ruộng từ chiều hôm qua. Đúng ra, bà Bảy cắt rau về xắt cho gà và cá. Nhưng rau xanh rì, rất dài. Phần đọt non ngắt chừa lại luộc, xào. Đoạn già hơn và xấu mới cho gà và cá.

Tay cắp mớ rau trong cái nón lá cũ, bà Mị đi thẳng ra sau chòi bếp. Tới cửa bếp, bà sững lại. Một giây, cái nón đựng rau buông rơi xuống đất, bà lập cập ào vào:

- Cái thằng ôn dịch này, mày làm cái gì vậy hả?

Lúc này Diễm mới bật thốt nên lời:

- Má ơi! Cứu con!

Bà Mị giật mạnh tay Kiềng ra khỏi người Diễm và xô anh ta:

- Mày đi ra mau! Cái thằng trời đánh. Tao đã nói bao nhiêu lần mà mày vẫn cứ như vậy là sao hả?

Kiềng thụt lui ra cửa nhưng sừng sộ:

- Tui cũng nói bao nhiêu lần nữa má mới thấu hả? Má ở đó mà ngăn cản đi. Tui thì tui không bỏ cuộc đâu.

- Cái thằng trời đánh. Trước sau gì nó vẫn là em gái của mày. Tao còn sống thì mày đừng hòng làm loạn.

Kiềng hậm hực bỏ đi. Bà Mị giận dữ toan ví đuổi theo nhưng Diễm níu lấy bà:

- Má à! Thôi kệ ảnh. Má đừng đuổi theo ảnh làm gì.

Bà Mị nhìn Diễm lo âu:

- Nó không làm gì con chứ?

Diễm lắc đầu nói nhỏ:

- May mà má về tới, ảnh làm con sợ quá chừng.

Sự tức giận khiến nhịp tim bà Mị đập nhanh, mặt bà từ tái chuyển sang đỏ lựng. Bà phải kéo cái ghế đẩu bên bàn ngồi xuống.

Diễm bước ra, thụp xuống nhặt cái nón lá và mớ rau muống lên.

Bà Mị nhìn cô. Đứa con gái mới ngày nào còn nhỏ xíu mà bây giờ đã lớn. Nó thật sự đã là một cái bông bụp đẹp và thơm ngát. Ấy là nhà khó khăn nên nó giản dị không đua đòi chưng diện như mấy đứa con nhà khá giả. Vậy mà thằng con trời đánh của bà còn nảy sinh tà ý. Chắc phải tìm cách đưa Diễm đi khỏi đây mới yên tâm được.

Diễm lấy rổ tre treo trên vách đựng rau muống. Cô giũ giũ chiếc nón rồi phe phẩy nó để quạt mát bà Mị:

- Má đừng nghĩ ngợi nữa má. Nghĩ ngợi xíu, má rửa mặt rửa tay rồi ăn cơm. Rau muống để chiều luộc nghen má.

Bà Mị thở hắt:

- Má không thể không lo nghĩ được Diễm à. Con lên nhà nói chuyện với má đi.

Diễm theo mẹ vào nhà. Ngôi nhà mái tôn xi măng, tường xây gạch từ năm nào tới bây giờ vẫn chưa tô. Nền gạch Tàu bạc thếch vì thời gian và mưa nằng.

Đồ đạc trong nhà cũng chẳng có gì nhiều và đáng giá. Diễm chỉ nhớ mang máng. Cô nghe mẹ kể lại nhà sa sút là vì ông Vươn. Ông làm không nhiều mà còn nghiện rượu. Khi ông chết vì trúng gió, bà Mị tưởng mình đã nhẹ nợ và nhờ được đứa con trai. Nào ngờ nó tiếp tục là người làm khổ bà. Bỏ bê học hành, ăn chơi lêu lổng. Còn so bì rằng, bà yêu thương lo lắng cho đứa con giá “bá vơ” quá nhiều.

Diễm ngồi xuống bên cạnh mẹ ở chiếc đi văng kê trên nhà.

Bà Mị im lặng chưa nói gì. Diễm chưa bao giờ thấy thái độ thế này ở mẹ. Cô linh cảm bà sắp nói với cô chuyện gì đó rất quan trọng. Nhưng là chuyện gì nhỉ? Cô hồi hộp nôn nao lẫn lo lắng song không dám hỏi.

Bà Mị xoay người qua, nhìn ngắm Diễm bằng ánh mắt ngập tràn yêu thương trìu mến.

Diễm cũng nhìn bà. Khuôn mặt bà giờ hằn rất nhiều nếp nhăn. Sâu bên đuôi mắt hằn dài vết chân chim là ánh nhìn ngân ngấn nước.

Xoa đầu Diễm, bà Mị nói:

- Phải như vậy thôi Diễm à.

- Là sao hả má? Con không hiểu. Má định làm gì à?

- Ừ. Hôm nay thì không kịp. Nhưng con hãy chuẩn bị đi. Mai con lên Sài Gòn sớm đi. Con hãy lên Sài Gòn tìm gặp mẹ ruột của con.

Môi Diễm mím lại. Hai từ “mẹ ruột” thoát ra từ miệng bà Mị chẳng khác nào gáo nước lạnh tạt vào, buột tận tim cô. Hình ảnh của người gọi là “mẹ ruột” ấy đã nhạt nhòa từ lâu. Cô không còn hình dung rõ nét được. Mà trong tiềm thức thì cô cũng chỉ có duy nhất một người mẹ. Bà đang ngồi sát bên cô đây.

Bà Mị ôn tồn nói tiếp trước khi Diễm có ý kiến phản đối:

- Má biết con thương má, con xem má là mẹ ruột của con. Khi nhắc chuyện này con không thích. Nhưng má … má đã nghĩ kỹ rồi Diễm ạ. Đó là cách duy nhất. Chứ con ở lại đây, má e là sẽ không giữ được. Anh Hai con bây giờ như bị ma ám. Nói nó không biết nghe đâu. Con nghe lời má nghen Diễm. Tìm gặp mẹ ruột của con, chẳng những con được an toàn mà tương lai sẽ sáng sủa hơn. Chứ còn như bây giờ, cho dù không phải lo âu anh Hai con thì con cũng chẳng có tương lai chắc chắn. Diễm à! Con hãy nghe lời má nghe con. Coi như con hãy vì má đi con.

Diễm ngồi lặng thinh.

Bà Mị nói hoàn toàn có lý. Bằng tình thương và sự cố gắng của bà, cộng với sự nỗ lực của bản thân, Diễm đã tốt nghiệp trung học. Giờ thì cầm tấm bằng mà chưa biết phải tiếp tục theo hướng nào. Con đường đại học quá xa xôi mịt mờ. Diễm không dự thi vào trường nào. Cô biết cho dù mình có đậu cũng không đủ tiền bạc để theo học. Cô bàn với bà Mị định sẽ theo một khóa dạy may công nghiệp. Chỉ vài tháng, cô có thể xin vào một xí nghiệp may cỡ vừa tại tỉnh này hoặc trên Sài Gòn. Nhưng cho tới hôm nay tất cả vẫn còn là dự tính. Càng ngày Kiềng càng hung tợn hơn. Anh ta thẳng thừng tuyên bố sẽ không cho Diễm đi học hành gì hết. Cô phải ở nhà và trở thành vợ anh ta.

Kiềng làm cho Diễm và cả bà Mị lúc nào cũng bất an, phập phòng lo sợ.

Nhưng Diễm chưa từng nghĩ đến một ngày cô sẽ rời xa nơi này, rời xa bà Mị. Người đã là mẹ của cô khi cô vừa bốn tuổi.

Bà Mị cầm ngang cườm tay Diễm bóp nhẹ:

- Con có nghe má nói không vậy Diễm?- Giọng bà khẩn trương, thúc giục – Có những việc nếu cứ trù trừ thì không được đâu con.

Diễm run run giọng:

- Má ơi! Con không đành lòng bỏ má lại đây. Mà chỉ có má là mẹ của con thôi. Con không đi tìm người đó đâu.

Bà Mị lại bóp nhẹ tay Diễm, nói dịu dàng:

- Đừng nói vậy, con gái à. Dù thế nào thì bà ấy vẫn là người sinh con ra và chăm sóc ẵm bồng con mấy năm trời. Bây giờ gặp chuyện cấp bách con tìm về bà ấy nhờ sự giúp đỡ là đương nhiên rồi. Cũng vì an toàn và tương lai của con, con mới đi, không thể gọi là bỏ má.

Bà Mị tiếp tục dịu dàng nhỏ to thuyết phục Diễm cho tới lúc hai mẹ con ngồi ăn cơm trưa.

Suy cho cùng, chẳng còn cách nào khác Diễm phải đồng ý. Sau bữa cơm trưa, bà Mị giục cô chuẩn bị gói ghém đồ đạc. Bà lục tủ, vét gần hết số tiền mình đang có, gần bốn trăm ngàn đồng, cho Diễm làm lộ phí.

Ba giờ chiều, Diễm chuẩn bị xong. Cô nói với bà Mị:

- Má à! Con qua nhà Huy Phong một lát nghe má. Con muốn nói cho ảnh biết mai con đi.

Bà Mị thoáng băn khoăn:

- Liệu như vậy bà Phấn có thọc mách tới tai anh Hai con không?

Diễm trấn an bà:

- Không có đâu má ơi. Con chỉ nói với một mình Huy Phong và con sẽ dặn ảnh giữ kín.

- Ừ, con đi đi. Nhanh nhanh rồi về nghe con.

Diễm “dạ” và chạy đi ngay.

Nhà Huy Phong cách nhà cô chỉ hai mươi mét vuông vườn, chưa đầy hai trăm mét. Cô biết đường tắt nên càng gần hơn.

Băng qua sau rào đất nhà bà Tám Thượng, Diễm vào nhà Huy Phong bằng ngõ sau.

Mọi khi, mỗi lần cô qua đây như đã thỏa thuận trước, cô sẽ đến gần cửa sổ phòng Huy Phong. Phong sẽ nhìn thấy cô và đi ra sau đó vài phút.

Lần này, Diễm đứng đó có đến gần mười phút vẫn không thấy bóng dáng Huy Phong đâu, còn phân vân không biết đến sát cửa sổ ngó vào phòng Huy Phong hay đi vòng ra phía trước vườn thì có tiếng dép lê lẹp xẹp cùng với giọng tằng hắng rất quen thuộc.

Diễm giật mình quay lại. Cô đang đứng dưới cây mận tán còn thấp khá sum suê nhưng thấy mình thật trơ trọi.

Bà Phấn đứng cách cô cỡ vài bước chân. Bà có lẽ trẻ hơn bà Mị dăm bảy tuổi và trên khuôn mặt hài hòa vẫn lưu lại nhiều nét đẹp đầy cuốn hút của thời xuân sắc.

Ngay sau khi về sống ở nhà bà Mị một thời gian, Diễm biết bà Phấn và rồi kết bạn với Huy Phong con trai bà. Có điều bây giờ thái độ bà Phấn đối với Diễm không còn vui vẻ như trước. Lạnh lùng, khó chịu…rất dễ nhận ra là ý bà bây giờ không muốn Diễm gần gũi Huy Phong nữa.

Diễm cụp mắt, lúng búng:

- Dạ, con chào cô Phấn.

- Ừm… - Bà Phấn gật đầu kẻ cả và cái nhìn thì soi mói một cách cố ý – Con Diễm lấp ló sau nhà cô chi vậy?

- Dạ… con qua gặp anh Phong có tí chuyện.

- Giữa thằng Phong nhà cô với con thì có chuyện gì?

Diễm ngắc ngứ. Làm sao cô có thể nói với bà rằng cô muốn gặp Phong để tạm biệt anh?

Bà Phấn nói tiếp:

- Cô khuyên con nghe Diễm. Con đừng tới lui gặp gỡ thằng Phong nhà cô nữa. Nó không rảnh rang như con. Về nghỉ hai ba ngày rồi nó còn quay lên Sài Gòn lo học hành. Con cũng biết Huy Phong nhà cô từ nhỏ tới giờ học giỏi mà.

- Dạ…

Diễm nghe mà chưa hiểu bà Phấn đang vòng vo dẫn dắt mình đi tới đâu.

- Bởi vậy chuyện học hành của nó hãy giờ là quan trọng nhất. Cô không muốn nó bị phân tâm vì bạn bề linh tinh. À, nó vừa đi hồi trưa rồi. Có gì con nói với cô, nay mai cô gọi điện thoại nhắn lại cho.

Diễm gượng gạo:

- Dạ, cũng không cần đâu, cô ạ! Con cứ tưởng anh Phong còn ở nhà. Thôi, con phải về đây. Con chào cô!

Diễm lủi thủi ra về cũng bằng ngõ sau. Cô không hề biết trong phòng Huy Phong nằm ngửa trên giường mắt thao láo nhìn lên trần nhà.

Cửa phòng mở, bà Phấn vào, Phong vẫn không động đậy.

- Nó về rồi! – Bà Phấn nói và bước hẳn vào phòng – Con làm cho mẹ ngạc nhiên đó nghe. Dạo trước luôn tranh thủ mọi cơ hội qua mặt mẹ để đi gặp nó. Sao tự nhiên bữa nay con nhờ mẹ đuổi nó về?

Huy Phong khẽ gắt:

- Mẹ nói nhiều quá. Mẹ đã làm xong việc con nhờ, con cảm ơn mẹ, được chưa? Bây giờ con muốn được yên tĩnh. Mẹ ra ngoài giùm con đi.

Sợ cậu con trai cưng nổi cáu thật sự, bà Phấn lật đật nói:

- Ừ ừ, mẹ ra ngoài. Con cứ nghỉ ngơi đi.

Bà Phấn ra ngoài, môi nở nụ cười thật tươi. Bà không biết là chuyện gì, nhưng hành động vừa rồi của Huy Phong cho thấy mối quan hệ của nó với con Diễm đang có vấn đề. Chắc khá nghiêm trọng. Cầu trời nó sẽ nghe lời bà, chia tay con Diễm thật sự. Bà chẳng mong gì hơn.