Chương 1

.

Quay lưng giữa bước đường về.

Lắng nghe nhìn lại bên hè phố đêm.

Thành đô mờ mịt im lìm.

Ngủ say, và chẳng ai tìm dấu theo.

A.E . Housman Cửa địa Ngục.

(Đan - Chinh dịch ).

Nguyên tác.

Midmost of the homeward track.

Once we listened and looked back,

But the city, dusk and mute,

Slept, and there was no pursuit.

Hell Gata.

Vào cuối mùa đông năm em tôi qua đời, tôi trở về Hoa Thịnh Đốn lần đầu tiên sau nhiều năm xa cách. Tôi trở về vì em tôi đã điện thoại cho tôi hay thân phụ chúng tôi đau nặng và rất có thể ông bị ung thư. Từ Luân Đôn, tôi vội vàng bay về phi trường Quốc Tế Dulles bằng phi cơ phản lực, đón một chiếc tắc xi phóng về Hoa Thịnh Đốn, và ghi tên tại Marlyn, một khách sạn nhỏ ở đường N là nơi nhiều người thuộc Toà Lãng Sự Anh và Sở Ngoại Kiều vẫn thường trú ngụ vì tiền phòng không đắt và vì nó khiến cho họ liên tưởng đến những lữ quán xinh xắn bên nước Anh.

Tôi cạo râu một cách chớp nhoáng trước khi đi gặp em tôi tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia để cùng uống một chầu rượu và ăn một bữa cơm tối. Sau khi ăn uống xong, chúng tôi sẽ lái xe về Warrenton, ở quận Fauquier trong tiểu bang Virginia để thăm ba tôi và người em gái của tôi vừa từ Cựu Kim Sơn bay sang đây.

Đây là một chuyện trọng đại không thể nào tránh khỏi. Từ đó là một cơn ác mộng sáng loà với đống bùn nhơ kết hợp bởi phản trắc, ngoan cố và ngu si. Tôi nói như tthế mặc dầu tôi biết rõ trong đống bùn này còn có hai điều tốt đẹp và cả hai đều không phải là việc do tôi làm.

Stuart Dunbar thông tín viên đang xuống giá hiện giúp việc cho United Publications và vẫn thường sống trong căn nhà của tôi ở Luân Đôn tại đường Stration mỗi khi không đi gây rối ở những nơi nào khác trên thế giới, là một người mà bất cứ ai từng có chút liên hệ, cũng phải nhìn nhận vô cùng hung bạo. Người thuộc dòng họ Dunbar, như bao nhiêu vị về các đời trước, là một con người lãng mạn, luôn luôn sẵn sàng xem việc làm tan nát cõi lòng như một cuộc trao đổi cảm giác, kiêu hãnh với chiếc lông trắng phất phơ trên cái đầu lấm máu, gần như chỉ có thể học hỏi bằng chính kinh nghiệm của mình, rất ít khi có thể hiểu được những người khác làm sao đến nỗi cơ thể không còn vẹn toàn chỉ vì kém thông minh.

Chắc quý bạn nghĩ rằng có lẽ tôi đã chớp được một chút lương tri ấu trĩ không giống như khi tôi đoạt Hải Quân Bội Tinh hồi tôi còn là một Trung úy trẻ tuổi trong Binh Chủng Hải Quân. Thật ra đó chỉ là sự việc gần như may mắn bất ngờ. Tôi đã có một hành động tuyệt vọng nhưng khẩn thiết để đưa đơn vị của tôi thoát khỏi một tình trạng bế tắc mà chính tôi đã dẫn họ vào đó vì thiếu khả năng quan sát trước rồi mới thay đổi chiến thuật. Quý bạn nên hiểu rằng tôi không được khiêm nhượng về vụ này. Tôi thường thức giấc giựa đêm tối, hồi tưởng chuyện xưa và toát mồ hôi đầy mình, nhớ lại những tên địch núp bắn trên ngọn cây, những viên đạn trọng pháo tua tủa rơi xuống như mưa, khẩu súng máy nhả đạn rào rào trong đám lá mã đề (1)chỉ cách đầu mấy phân cần phải bị tiêu diệt thì mọi người mới có thể di động. Tôi thao thức, toát mồ hôi tưởng những cảnh này không phải vì sợ hãi mà vì một nỗi khó chịu hết sức mơ hồ. Tôi không nhiều tưởng tượng đến nỗi phải sợ hãi, nhưng tôi có đầy đủ lý do để khó chịu.

Lúc năm giờ chiều, khi tôi bước vào quầy rượu dành riêng cho hội viên ở Câu Lạc Bộ Bái Chí Quốc Gia, tôi có cảm tưởng mình mới cách biệt chừng một tuần lễ, Richard đang thi hành phận sự phía sau quầy, làm công việc thường lệ cho những người thường lệ. Căn phòng ăn dài ở phía cuối quầy rượu náo động với những tiếng chuyện trò. Tôi có thể trông thấy Metcalf, viên đại úy cao lớn, có thói quen ăn cơm chiều rất sớm đang ngốn ngấu một trong những dĩa xà lách đặc biệt của ông ở tận mút phòng; một người mà tôi đã từng quen biết vào một buổi tối ở Cựu Kim Sơn lúc ông ta đang lo lắng vì một thứ giấy tờ hết hạn.

Richard lên tiếng khi tôi vừa gác chân trên cây sắt dưới quầy và đặt khủyu tay vào một vũng bia chưa kịp lau trên mặt quầy:

- Chào ông Dunbar. Vui mừng được gặp lại ông. Ông dùng một ly Gentleman pha đá nhé?

- Chào anh Richard. Tôi cũng rất vui vì gặp anh. Không, hãy cho tôi một ly Martini, không pha gì hết. Đừng bỏ ô liu. Chỉ vắt chanh.

Anh nhếch cặp lông mày rậm lên với tôi trong lúc khởi sự rót Martini. Anh ta vẫn còn nhớ tới sở thích ngày nào của tôi hồi tôi sống ở Hoa Thịnh Đốn. Thứ Whisky đặc biệt ở Câu Lạc Bộ Báo Chí vốn nỗi tiết tuyệt ngon nhưng cũng rất đắt, được mệnh danh là “Virginia Gentleman” vì được chế tạo bởi một nhà quí tộc ở Virginia trong quận Fairfax là một vùng có nhiều ngọn đồi kế tiếp nhau. Richard thề rằng anh ta hãy còn nhớ ngày Câu Lạc Bộ bán ra thứ rượu này lần đầu tiên với giá mười lăm xu một ly và các hội viên đều thích uống nóng. Tôi thấy khó tin được rằng sở thích của con người đã đổi thay quá nhiều như thế, một kẻ dễ tin và tôi vẫn thường đánh giá quá cao những sở thích và trí thông minh của mọi người . Đó không phải là một sự việc khó làm.

Tôi đứng ở quầy gần nửa tiếng đồng hồ, uống cạn ly Martini đầu tiên một cách từ từ trong lúc chờ đợi Ted và nhìn những người quen cũ ra vào. Phần đông đều chuyện tró với tôi tựa hồ họ mới gặp tôi ngày hôm qua, mặc dầu chỉ có một người thật sự như thế. Tiếng ồn ào ở quầy rượu và trong phòng ăn giảm dần trong lúc các hội viên lần lượt đi ra, một số người về thẳng nhà, một số người khác trở xuống các văn phòng của họ ở phía dưới tầng thứ mười ba là tầng lầu được Câu Lạc Bộ xử dụng. Đây là một trong rất nhiều điều khác lạ của Hoa Thịnh Đốn: không một tòa nhà nào có thể cao hơn vòm Điện Capitol (2) .Toà nhà này đặt ra một giới hạn mười ta tầng cho mọi cao ốc và mọi tính toán của các kiến trúc sư cùng các nhà thầu khoán xây cất đều lấy đó làm chuẩn Câu Lạc Bộ không tin dị đoàn, nên vẫn gọi tầng thứ mười ba là tầng thứ mười ba.

Tôi không lấy làm ngạc nhiên nhiều vì Ted trễ hẹn. Ted là một trong những nhân vật tuổi trẻ tài cao tại RIEC – Radio Instrumerntation and Electronic Corporation- một công ty lừng danh và lớn nhất ở Hoa Thịnh Đốn trong lãnh vực nghiên cứu và phát triễn kỹ nghệ các vùng ngoại ô. Mới ba mươi sáu tuổi, Ted đã lên phó chủ thịch công ty RIEC, đặc trách các công tác kỹ thuật, và tôi hết sức hãnh diện có một người em trai xuất sắc như thế. Dù phải ở trong ngành Hải Quân ba năm tại Triều Tiên, tương lai của Ted vẫn không bị ảnh hưởng. Tôi biết Ted vẫn thường làm việc thêm ngoài giờ nên không thấy lo ngại.

Tôi vừa gọi thêm một ly Martini nữa thì ống loa giọng trầm đặt trên trần vang lên tiếng gọi tên tôi. Đó là giọng của người nữ điện thoại viên đang muốn tìm tôi. Tôi liền cầm ly đi tới máy điện thoại gán trên tường ngay bên ngoài cửa ra vào quầy rượu và dở máy lên. Tiếng cô gái trả lời ngay:

- Thưa ông Dunbar, có người muốn nói chuyện với ông. Ông vui lòng chờ một chút xíu.

Tôi nghe một tiếng cạch nhỏ, rồi cô gái nói tiếp với người kia:

- Thưa ông, có ông Dunbar đây.

Sau đó là giọng của một người hoàn toàn xa lạ với tôi:

- Ông Dunbar? Tôi là Trung Úy Dennison, thuộc ban điều tra của Sở Cảnh Sát Đô Thị Hoa Thịnh Đốn ; Tôi gọi ông từ nhà người em trai của ông. Tôi đã tìm thấy một ghi chú trên cuốn sổ tay của ông ấy và được biết ông ấy có hẹn gặp ông vào lúc năm giờ.

Tôi cảm thấy như có một lưỡi dao xoi vào bụng.

- Em tôi hiện không có mặt ở đây Trung úy có thể cho tôi biết có chuyện gì vậy ?

- Một tai nạn nhỏ. Ông vui lòng nghé qua nhà em ông ngay bây giờ ? Chắc ông biết chỗ ?

- Vâng, tôi biết . Tôi sẽ đến đó trong vòng mười lăm phút là tối đa.

Tôi đã từng chạm trán nhiều lần với những viên thám tử cảnh sát trong hầu hết mọi quốc gia mà quý bạn có thể gọi tên ra và tôi đã học được một điều : hỏi họ trong điện thoại là một việc vô ích và càng hỏi họ nhiều câu chừng nào thì lại càng vô ích hơn chừng đó. Nhưng tôi phải giữ gìn lời nói. Tôi cũng được biết rằng các viên Trung úy thám tử cảnh sát rất ít khi điều tra những tai nạn nhỏ. Thật đáng ngại vì Ted không đích thân nói chuyện với tôi. Tôi cố nhớ lại trong cuộc điện dằm ngắn ngủi, viên Trung uý có nhắc đến hai chữ án mạng hay không. Chắc chắn ông ta không nói. Nhưng tôi vẫn bước nhanh gần như chạy ra hành lang tới thang máy trong một nỗi lo láng băn khoăn cực độ. Mãi khi vào trong thang máy rồi, tôi mới nhận thấy mình đang cầm ly Martini theo trên tay. Tôi đặt cái ly ngay trên sàn và nhìn rượu trong ly rung nhẹ theo chuyễn động của thang máy

Nhà của Ted nằm trong một cao ốc tương đối mới ở Đại lộ Massachusetts ngay lối ra Công Trường Scott. Tôi đón một chiếc tắc xi ở đường Mười Bốn bên cạnh Press Building và tới nơi năm phút sau đó. Xe phải chạy vòng quanh Hội Tiến Bộ Khoa Học Hoa Kỳ có lối kiến trúc khá lạ lùng, rồi qua một khải hoàn môn của Công Trường, và cuối cùng vào một đoạn đường cong. Tôi cố không suy nghĩ.

Tôi đã ngửi thấy mùi nồng nặc trong lúc bước vào căn nhà ở tầng lầu trên cùng, đi qua trước mặt người đàn ông vận thường phục vừa mở cửa cho tôi. Trước hết là mùi cháy, phảng phất khắp nơi với một mùi nặng hơn ngửi muốn nôn. Tôi biết ngay đó là mùi gì . Tôi còn nhớ rõ mùi này từ Tarawa, một đảo san hô trong Quần đảo Gilbert, nơi chúng tôi đã dùng súng phun lửa lần đầu tiên để quét sạch những công sự phòng thủ mà các kỹ sư đại tài Nhật Bản đã xây cất để cho Hải Quân Hoàng Gia đồn trú. Đó là mùi thịt người cháy.

Người đàn ông đã mở cửa cho tôi đi theo vào tận trong phòng khách, và bảo:

- Tôi là Mike Dennison. Ban nãy chính tôi đã nói điện thoại với ông.

Tôi chăm chú nhìn ông ta với vẻ nóng nảy :

- Em tôi đâu ?

- Ông ấy hiện không còn ở đây. Ông Dunbar, ông nên ngồi xuống đây và uống với tôi một ly trong lúc tôi kể lại hết câu chuyện cho ông nghe.

- Tôi vẫn bình thường mà. Tôi không muốn uống. Có chuyện gì vậy? Lửa cháy?

- Vâng . Dường như người em của ông đã đi ngủ hơi muộn và còn muốn hút một điều thuốc lá cuối cùng. Cả chiếc giường cháy tiêu gần hết.

Tôi đứng sững nhìn ông ta một hồi lâu, mà sự thật không trông thấy ông ta. Tôi có cảm giác tựa hồ ai vừa trùm kín đầu tôi bằng một cái bao bố khiến tôi không còn trông thấy ánh sáng và trở nên khó thở. Trong bóng tồi lờ mờ tâm trí tôi cố lục soát lại hằng trăm mớ ký ức. Ted khóc nức nở hôm bị té khỏi cột buồm rơi xuống một đống sắt vụn ở boong trước, Ted đấu côn cấu năm cuối cùng ở Đại học đường Virginia. Ted với chiếc vĩ cầm và ngón đàn tuyệt diệu trong một ban nhạc tài tử ở Luân Đôn, con người tài hoa, linh hoạt cùng với vợ là Amanda và hai đứa con trong cảnh gia đình đầm ấm.

Một lúc sau tôi mới biết mình đang ngồi xuống, với đôi mắt nhắm nghiền. Tôi biết nước mắt chảy dầm đìa trên mặt tôi khi tôi mở mắt ra và nhìn Dennison lại.

Ông ta liền bảo :

- Ông Dunbar, tôi rất lấy làm buồn tiếc. Nhưng tôi không tìm được cách nào khác để tỏ thật với ông.

Tôi đáp :

- Không đâu. Tôi đã ngửi thấy mùi và đoán biết được. Bây giờ tôi nghĩ tôi có thể xin ông một ly rượu ông vừa nói ban nãy.

Ông ta đi tới tủ rượu ở cuối phòng khách và mang trở lại cho tôi một ly whisky đậm đặc, một loại rượu đặc biệt sản xuất ở Tô Các Lan. Tôi đang uống thì hai người từ trong phòng ngủ đi ra phòng khách. Một người là một viên Đại úy Sở Cứu Hỏa. Người kia có thân hình gầy cao, mái tóc hoa râm trông chừng năm mươi tuổi. Ông ta là một con người hoàn toàn xám, tóc xám, mắt xám, áo quần xám. Ông ta đội một cái mũ cũng màu xám. Dennison giới thiệu ông ta trước :

- Ông Dunbar, đây là ông Dillingham - John Dillingham. Và đây là Đại úy Hobbes chuyên viên thuộc Sở Cứu Hoả.

Mặc dầu đang thảng thốt, tôi vẫn để ý ông ta không chịu giới thiệu rõ Dillingham. Dennison nhìn tôi chăm chú hơn và nói tiếp:

- Tôi cần hỏi ông một vài câu, nếu ông cảm thấy khoẻ.

Tôi bảo:

- Bây giờ tôi đã như thường.

Dillingham lấy cái ly khỏi tay tôi và đi rót thêm whisky. Ông ta vẫn chưa nói một tiếng nào.Khi ông ta đem ly rượu trở lại, tôi đứng dậy và bước tới khung cửa sổ lớn ở bức tường phía Bắc. Tôi có thể trông thấy tháp Gloria in Excelsis của giáo đường vươn lên khỏi các ngọn cây, và đỉnh nhọn của ngôi nhà thờ Hồi Giáo như gần hơn. Tôi nhìn quanh phòng trong lúc tôi quay người lại để đối diện với họ. Căn phòng trông tựa hồ Ted đã tiếp khách trong đêm vừa qua. Trên chiếc bàn thấp, ba cái ly còn một chút rượu dưới đáy. Dennison trông thấy tôi đang nhìn mấy chiếc ly và lên tiếng trước:

- Em của ông đã tiê²p khách trong đêm qua. Căn cứ theo đó thì có cả thảy hai người, một đàn ông và một đàn bà. Lúc đó đêm đã khuya lắm. Vào khoảng hai giờ sáng nay, một người láng giềng ngửi thấy mùi khói và gọi Sở Cứu Hoả. Họ đã kéo tới đây với đầ đủ người và dụng cụ, họ luôn luôn như thế đối với các cao ốc lớn dùng làm nhà ở. Nhưng đám cháy chỉ là một vụ hỏa hoạn nhỏ. Chỉ nội trong phòng ngủ.

Hobbes góp lời:

- Nếu nhân viên cứu hỏa không đến kịp thì nhất định lửa đã lan qua các phòng khác.

Dennison gật đầu :

- Đúng thế. Lửa đã bắt cháy từ chiếc giường . Xác chết đã teo lại, e không thể nào nhận diện nổi.

Chắc hẳn mặt tôi lúc bấy giờ trắng ra như tờ giất, khi tôi hỏi lại:

- Có cần phải nhận diện hay không?

- Chúng tôi còn chưa biết được. Sáng ngày mai người ta mới nghiệm thi. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi đã tìm thấy vật này.

Ông ta xòe bàn tay ra cho tôi xem. Chiếc chẫn lớn và đắt tiền của Ted nằm giữa lòng bàn tay ông ta. Tôi không dám sờ vào đó. Nó đã hóa thành màu đen và chảy mất một nửa nhưng tôi vẫn nhận ra.

Tôi bảo:

- Cái đó của Ted.

Dennison đặt chiếc nhẫn lên mặt bàn.

- Ông Dunbar, tôi cần phải hỏi ông một vài câu.

Tôi trả lời:

- Xin ông cứ hỏi.

Cả hai chúng tôi lại ngồi trở xuống

Dennison nhìn tôi một cách nghiêm trang và bắt đầu chất vấn:

- Em ông đã có vợ phải không?

- Ted ly dị cách đây ba năm. Bà vợ cũ hiện giờ sống tại Seatle.

- Mấy người con?

- Hai. Bọn chúng đều ở với bà mẹ.

- Em ông có nghĩ đến việc tục huyền?

- Điều này tôi không được rõ. Trong thư, Ted không hề nói gì với tôi về chuyện đó.

- Còn bạn gái?

- Tôi cũng không biết vì Ted không bao giờ nhắc tới.

- Quan điểm chính trị của ông ấy như thế nào?

- Tôi không tin Ted thích chuyện chính trị. Em tôi đã sống ở quân Columbia.

- Tôi biết. Điều tôi muốn nói là .... có khi nào ông biết em ông đặc biệt lưu ý đến chuyện chính trị ngoài lề.

Dillingham lên tiếng lần đầu tiên:

- Ông Dunbar, điều Trung uý Dennison muốn nói, mặc dầu ông ấy không biết hỏi sao cho thật tế nhị, là ông có bao giờ nghĩ rằng em ông có chân trong một tổ chức nào bị Biện lý Cuộc xếp vào loại phá hoại Quốc gia.

Tôi gay gắt hỏi:

- Ông Dillingham, có phải ông muốn tìm một chiếc giày trong ống quần hay không?

Ông ta đáp:

- Tôi chỉ hỏi chứ không trả lời.

- Thế thì ông là một người khờ dại quá sức.

Trước lời sỉ mắng của tôi, ông ta vẫn thản nhiên :

- Có lẽ đúng thế. Nhưng câu hỏi đó nhắm một mục đích đứng đắn. Ông có vui lòng trả lời ? Hay là mình tiếp tục qua vấn đề khác ?

Tôi đành phải dấu dịu :

- Tôi xin lỗi vì đã mất bình tĩnh ? Không , tôi không hay biết gì về hội hè theo kiểu đó. Nhưng nhất định các ông có nhiều phương tiện để tìm hiểu một cách chính xác hơn tôi. Chẳng lẽ ông không xem được hồ sơ cá nhân của các vị phó chủ tịch và các cấp chỉ huy trong những công ty nghiên cứu và phát triển kỹ thuật phòng ngự ? Tôi tin chắc trong đó có đầy đủ mọi chi tiết.

Dillingham nhìn nhận :

- Chuyện đó đâu có trái phép. Tôi đã xem được tất cả.

- Và ông nghĩ sao về vụ này?

- Sau này mình sẽ bàn lại kỹ hơn. Mike , anh cứ tiếp tục đi.

Dennison liền khởi sự hỏi:

- Ông gặp em ông lần cuối cùng vào lúc nào?

Tôi đáp:

- Cách đây độ một năm. Ở Luân Đôn, nơi tôi hiện làm việc.

Dillingham lại chen lời:

- Ông Dunbar, ông hiện làm gì?

- Ông là Trưởng Chi Nhánh tại Âu Châu của hãng United Publications.

Ông ta quay sang nhìn Dennison và gật đầu. Dennison lại tiếp tục chất vấn :

- Có phải em ông đang đi nghĩ phép ? Ông ấy còn đi đâu khác nữa ?

- Tôi không chắc mình còn nhớ rõ. Hình như là Đan Mạch , Áo, Pháp và một nơi nào đó ở Thụy Sĩ , có lẽ Bernese Oberland. Ted rất thích trượt tuyết.

- Không có một nước nào ở bên kia bức màn sắt ?

Tôi kềm chế cơn nóng giận của mình một cách khó khăn, cố nghĩ rằng ông ta không có chủ tâm nhục mạ.

- Theo tôi biết thì không có. Nhưng tôi không làm sao biết hết mọi chuyện.

Dennison liếc nhanh Dillingham. Tôi không để ý kỹ nhưng tôi có cảm tưởng Dillingham vừa ra dấu cho ông ta. Dennison gấp cuốn sổ tay lại.

- Ông Dunbar, ông có định ở lâu tại Hoa Thịnh Đốn?

- Tôi chưa biết. Tôi sẽ phải đi xuống Warrenton rồi trở về đây thu xếp về việc mai táng.

Cổ họng tôi nghẹn lại trong lúc tôi nói mấy lời này và tôi lo sợ sắp sửa khóc nữa. Nhưng tôi trấn tĩnh được.

Dillingham bảo:

- Chắc phải mất một thời gian. Trước hết ngày mai người ta mới khám tử thi. Và chúng tôi chưa muốn câu chuyện lên mặt báo.

Tôi nhìn sửng Dillingham. Chắc hẳn vẻ ngạc nhiên của tôi hiện rõ trên mặt, nên ông ta nói tiếp:

- Có nhiều điều chúng tôi cần phải xem xét thật kỹ trước đã. Không có gì nghiêm trọng lắm. Chắc Mike sẽ có thể kể hết đầu đuôi cho ông nghe sau bốn mươi tám giờ. Trong lúc chờ đợi, ông có thể dành cho tôi một chút thời giờ vào sáng ngày mai?

- Để làm gì ?

- Tôi có một vài điều muốn hỏi ông. Mong ông vui lòng?

Tôi không dằn được nóng nảy:

- Tôi hết hiểu nổi rồi! Chuyện gì mà kỳ lạ thế này? Đây chỉ là một tai nạn hay là ông ... ông không tin rằng đây là một tai nạn?

Nhưng ông ta vẫn bảo :

- Ông Dunbar, ông vui lòng đợi tới ngày mai.

- Vâng. Mấy giờ?

- Chiều chiều một chút, chắc thuận tiện cho ông? Ông hãy ghé văn phòng tôi, nếu ông muốn , rồi sau đó tôi sẽ mời ông uống một ly rượu.

Ông ta đưa cho tôi một tấm danh thiếp lấy từ trong cuốn sổ tay, trên đó ghi:

John Dillingham

Phòng 30, 2091 đường R

Tây Bắc Hoa Thịnh Đốn

Tôi nói với ông ta:

- Tôi đoán chừng sẽ từ Warrenton trở về lúc năm giờ chiều.

- Tốt lắm. Tôi sẽ chờ ông.

Ông ta gật đầu với Dennison và Hobbes rồi đi ra. Ông ta khép cửa lại một cách êm nhẹ.

Dennison quay sang tôi :

- Ông Dunbar, thế là xong. Tôi sẽ khóa cửa lại sau khi mình đi.

- Thế là xong, một cách êm ru như thế này à ? Trung úy có nghĩ rằng tôi cũng đang muốn hỏi một vài câu ?

- Nếu ông hỏi, tôi sẽ không thể trả lời được. Tôi thành thật xin lỗi trước. Ngày mai chúng tôi sẽ biết thêm nhiều điều và có lẽ chính ông Dillingham sẽ kể lại với ông. Ông sẵn sàng ra về chứ ?

Tôi sẵn sàng để ra về. Dennison dùng xe cảnh sát đưa tôi về tới khách sạn Marlyn và tôi gọi Laura ở Werrenton để cho hay tôi sẽ xuống đó sáng ngày mai, còn Ted thì vừa được đề cử đi công tác ở xa.

Chú Thích.

(1) Plantain: một thứ cây vùng nhiệt đới, có lá giống như lá chuối ( Chú thích của dịch giả)

(2) Capitol: Tòa nhà ở Hoa Thịnh Đốn, nơi Quốc hội Hoa Kỳ dùng để nhóm họp ( c.t.c.đ.g.)