Tiết trùng dương mới chớm, trời se lạnh. Mặt sông sáng lên dưới ánh trăng khuya như cố giao hòa một lần cuối cùng trước khi trời sáng. Bóng đêm lẫn trốn dần. Vài mạch nước nhỉ bò ra từ kẽ đá làm chứng cho âm thanh róc rách suốt đêm quạ Ở đầu một mỏm đá, một chú sóc con nhảy phóc lên, cuộn chiếc đuôi tròn vo như cuốn chiếu, giương đôi mắt bé tí nị như hai giọt sương nhìn liếng thoắng, kêu lên vài tiếng rồi lại trốn vào hang.

Dưới cội thông già, Sư ngồi tréo chân chữ ngũ, quần dính đầy hoa cỏ may lẫn hơi sương, đăm chiêu. Đôi vai rộng nhưng gầy, bất động trong mảnh áo màu hạt dẻ. Đôi tay dài, ngón tay thon nhưng gân guốc, lần một cách vô tình tràng hạt to, đen nhánh. Chưa có một tia nắng đầu ngày nào tìm đến, nhưng trời đã nhá nhem. Sao trốn dần vào khoảng trời rộng, đùn đẩy một áng mây chùng xuống thấp, xám xịt, rồi ửng dần. Sáng.

- Ngươi đã đi suốt đêm quả Một giọng nói phát ra từ sau lùm cây, trầm ấm, đầy nhân từ. Liễu Đạt giật mình khi câu hỏi chen vào dòng tâm tưởng. Từ mỏm đá trước mặt, bóng một người bước lên, nhô cao, cắt ngang một khoảng trời xanh lợ Dường như không có gì làm cho Sư chú ý, xâu chuỗi trên tay vẫn nhích dần từng hạt trong vô thức. Sự im lặng như một câu trả lời nhũn nhặn, bất kể câu hỏi ấy của ai.

- Chưa yên sao?

- Ba cõi như mộng, có gì không yên! Liễu Đạt đáp như đang ở trong mộng.

- Thế thì cần gì phải đi suốt đêm?

- Ngắm màu ngọc của trăng, ngửi mùi hương của đất, nếm khí lạnh của trời.

- Đất trời đâu lại chẳng có, hà tất phải lội ra đến đây?

Câu hỏi dồn dập kéo Liễu Đạt ra khỏi cơn nói mộng. Sư ngước nhìn lên, ngạc nhiên khi thấy Đại sư Viên Quang. Một ánh mắt sáng rực bị đôi lông mày dài chận xuống, chiếu thẳng vào tận tâm can Liễu Đạt. Một thoáng bối rối, Sư đứng lên, hai tay chắp lại, cúi đầu:

- A- di- đà Phật!

Mới gắn được một câu Phật lên môi là Liễu Đạt lại thấy toàn thân tê cứng. Chỉ có một thứ chất lỏng nào đó chạy rần rần châu thân. Đại sư Viên Quang thật ra chỉ là sư huynh của Liễu Đạt, đệ tử của Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc, nhưng tuổi tác và đạo phong đều đáng bậc thầy của Liễu Đạt. Sư thầm nghĩ: Vị trụ trì Tổ đình Giác Lâm làm gì mà xuất hiện giữa rừng rú Trấn Biên giờ này, một sự ngẫu nhiên trùng hợp?

- Chẳng có gì là ngẫu nhiên cả! Giảng Phật lý bao nhiêu năm rồi lại tin rằng có cái gì nằm ngoài nhân duyên sao?

Liễu Đạt lạnh toát mình khi thấy Đại sư Viên Quang đọc được cả suy nghĩ của mình. Sư cúi gập người xuống, miệng lẩm bẩm:

- Bần tăng hổ thẹn, hổ thẹn …

Viên Quang phóng tiếp một ánh nhìn vào tận sào huyệt cuối cùng của lớp ngôn ngữ hào nhoáng kia:

- Hà cớ phải xưng là bần tăng. Phú tăng thì đã sao nào! Bần phú mà làm gì, phú bần thì tự thầy biết lấy mà thôi!

Bao nhiêu năm làm Giảng chủ chốn kinh kỳ, giờ bị một lão tăng tước sạch nhuệ khí, Liễu Đạt líu ríu, khoát tay ngang hông Đại sư Viên Quang thỉnh Ngài ngồi xuống tảng đá của mình, rồi tự ngồi bên cạnh, tỏ vẻ nhún nhường. Viên Quang đổi giọng:

- Nghe nói Thầy đã lìa khỏi Kinh đô Huế, vào lại Gia Định trụ trì chùa Từ Ân. Lão tăng chưa có dịp đến thăm. Nay Thầy lại băng rừng lội suối ra đây giữa đêm hôm khuya khoắt, chắc là có điều gì trắc ẩn? Hòa thượng Bổn sư viên tịch cả năm rồi!

Câu hỏi chưa được trả lời, Viên Quang đã nhắc đến Hòa thượng Bổn sự Dường như trong cách nói của Đại sư Viên Quang có nhiều ẩn ý. Liễu Đạt tỏ vẻ phân trần:

- Bạch Hòa thượng! Đường xá quá xa xôi cách trở, Hòa thượng Bổn sư viên tịch mà bần đạo chẳng hay biết gì. Sau nhận được tin mới có cớ xin phép Hoàng thượng về thọ tang, coi sóc chùa Từ Ân. Việc trụ trì chùa Linh Mụ Ở kinh đô giao lại cho vị khác.

Viên Quang cúi nhặt vài nhánh lá khô trước mặt gom lại nhóm lửa. Liễu Đạt vội tìm mấy gốc cây gần đó thêm vào. Từng cụm khói trắng cuộn lên, nhưng ánh lửa không làm sáng hơn không gian quanh đó bởi mặt trời đã ló dạng. Viên Quang nhìn kỹ khuôn mặt người huynh đệ út oi của mình. Vài nếp nhăn ở đuôi mắt có dấu hiệu của tuổi tác, nhưng ánh mắt thì không lẫn vào đâu được, sáng rực, đen tuyền, đầy cảm tính, lấp lánh dưới cặp mày ngài rậm và sắc; mũi cao, môi đỏ, da dẻ vẫn mịn màng và tươi rói. Đại sư thầm nghĩ: “Chà! Cái khuôn mặt này và cái tài giảng thuyết kia, các cung phi mỹ nữ ở hoàng cung không chết mê chết mệt thì thôi!”

Liễu Đạt cố ý phá vỡ cái yên ắng trống vắng nãy giờ, nhỏ nhẹ thưa:

- Bạch Hòa thượng! Trước khi Bổn sư viên tịch có dạy bảo điều gì chăng?

Viên Quang cúi đẩy một khúc củi khô vào đống lửa vừa cháy bén, ôn tồn đáp:

- Hòa thượng bảo với lão tăng rằng Ngài rất lo cho Thầy. Tổ có tiên đoán rằng Thầy khó tránh khỏi mối dây ràng buộc của nghiệp duyên, nhất là khi mỗi tháng 8 ngày vào nội cung giảng thuyết, gần nhiều với nữ sắc quyền quý.

- Quan trọng là tâm chí của mình. Sắc tức thị không. Phật đạo cao thâm, cư trần bất nhiễm trần. Chẳng phải trước khi bần đạo ra đi, Hòa thượng đã dạy như thế!

Đại sư Viên Quang nói thẳng:

- Chỉ sợ pháp nhược ma cường. Danh vọng và quyền uy, từ xưa đã làm bao kẻ choáng ngợp. Huống chi Thầy đường đường là một Quốc sư đương triều, bao người ngưỡng mộ.

Liễu Đạt chống chế:

- Bần đạo đã bình yên trở về đấy thôi!

Câu trả lời của Liễu Đạt làm cho sự cố gắng chia sẻ của Viên Quang trở nên thiếu tác dụng. Đại sư đi thẳng vào vấn đề, mạnh mẽ hơn:

- Và sau đó là Hoàng cô Tế Minh Thiên Nhật đã vào Gia Định?

- Bạch Hòa thượng! Chùa Từ Ân vốn là nơi Tiên đế từng ẩn cư trong thời chạy loạn Tây Sơn, đó cũng là nơi hạ sanh Hoàng tử Đởm, tức đương kim Hoàng thượng. Việc triều đình phái Hoàng cô vào chùa Từ Ân cúng dường và chiêm lễ cũng là việc hiển nhiên.

Viên Quang bỗng phá lên cười ha hả, rồi cất giọng ngâm:

“Đời ẩn sĩ con còng già bỏ tô?

Lên non cao còn sợ nước triều dâng

Bụi lấm áo phủi hoài tay cũng mỏi

Nên đôi khi ẩn sĩ cũng ưu phiền”(#1)

Ngâm đến câu thứ tư, Viên Quang nhìn thẳng vào mặt Liễu Đạt, vừa dò xét, vừa trêu chọc. Liễu Đạt cảm thấy vị đại sư huynh này đã thấu rõ tâm ý của mình. Im lặng giây lâu, Liễu Đạt xuống nước:

- Thực ra khi giảng thuyết trong nội cung, có Hoàng cô, tuy đã lớn tuổi, nhưng cứ mãi theo nhận làm đệ tử và hết sức hầu cận bần đạo. Bần đạo biết Hoàng cô có tình ý nên một mực nghiêm minh. Hôm trước nghe nói Hoàng cô vào Gia Định, bần đạo đã có ý đi tránh ra vùng Biên Hòa này nhập thất, một phần để lánh duyên, một phần để hạ thủ công phu, tăng tiến đạo nghiệp, nhưng sợ rằng sẽ làm mếch lòng triều đình, xảy ra chuyện không hay, nên đành phải ở lại tiếp Hoàng cô.

Viên Quang lại phá lên cười, đùa cợt:

“Anh sợ anh mau thành chánh qua?

Nghìn năm không thấy dấu chân em”.

Chưa bao giờ Liễu Đạt thấy mình bị tấn công mạnh mẽ như vậy. Đó là sự xúc phạm một Quốc sư đương triều, một gáo nước lạnh tạt vào ngọn lửa đang hừng hực cháy. Tài giảng thuyết thao thao bất tuyệt ngày nào trốn đi đâu mất. Trước vị đại sư huynh được Bổn sư giao phó chăm sóc những huynh đệ còn lại, Liễu Đạt xem Viên Quang như bậc thầy của mình. Giờ phút này, đúng là Viên Quang thấy rõ từng đường tơ kẽ tóc những ngổn ngang trong lòng mình, Liễu Đạt phải từ bỏ lớp mặc cảm cuối cùng để được chia Xẻ:

- Hôm nay Bần đạo đã bỏ đi.

- Đó là một sự chạy trốn!

- Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức.

- Lại là khẩu nghiệp của giảng sư.

- Giảng Phật lý mà cũng bị khẩu nghiệp à?

- Nói cho sướng mồm, cố nói cho hay, cho đúng, khiến người khác phải nghe theo, phải bái phục, đó chẳng phải là khẩu nghiệp đó sao?

­- Nếu không thế thì làm sao xiển dương Phật pháp?

- Nếu không biết phải làm sao thì làm sao mà giảng?

- Trước hết phải làm cho họ tín thuận.

- Biết làm vừa lòng là biết cách gạt gẫm.

Liễu Đạït toát mồ hôi, nhìn sững Đại sư Viên Quang như một lời thú tội. Sư sửa lại tư thế ngồi, ngước nhìn Đại sư Viên Quang đầy khẩn khoản:

- Bạch Hòa thượng! Bây giờ bần đạo phải làm sao?

Viên Quang đổi giọng, đầu gật gật, đầy thiện ý:

- Thầy là một vị tăng sĩ tốt. Lão tăng nãy giờ có hơi quá lời, nhưng nếu không như thế thì làm sao thấy được vấn đề. Thầy có trí tuệ hơn người, giới hạnh nghiêm minh, đạo nghiệp vững vàng. Chắc thầy tự biết phải làm gì.

- Bần đạo chỉ sợ Hoàng cô tình ý sâu nặng. Nếu một phen đoạn tuyệt, e rằng Hoàng cô liều mình quyên sinh, như thế sẽ xảy ra chuyện lớn.

Viên Quang tỏ vẻ thấu hiểu, lựa lời phân giải:

- Ngày xưa Thượng hoàng Nhân Tông bỏ triều đình lên Yên Tử, biết bao cung phi đã nhảy xuống suối tự vẫn để biểu hiện sự trung thành. Điều Ngự Giác Hoàng vẫn cương quyết xả tục xuất gia, sau thành Tổ sư khai sáng một Thiền phái. Nơi các cung phi nhảy xuống trầm mình, sau triều đình phải lập đàn giải oan. Tên suối Giải Oan nay vẫn còn. Bậc đại trượng phu phải biết tự mình dứt đường ái nhiễm. Còn nghiệp cảm của chúng sanh mỗi mỗi phải tự mang, đâu có ai thay thế cho ai được. Thầy chẳng thể tự cứu thì làm sao cứu được ái nghiệp nặng nề của kẻ khác ?

Liễu Đạt cúi đầu suy ngẫm hồi lâu, toan bày tỏ ý định của mình. Khi ngước lên, Đại sư Viên Quang đã biến đâu mất, chỉ nghe gió phần phật một luồng như cánh hạc lướt quạ Cỏ vẫn còn ngậm hơi sương, trăng hạ huyền nhạt dần rồi mất hẳn giữa thu không. Bên kia sông, nắng mới đã tươi non màu lá mạ. Bóng chim tăm cá vẫn thi thoảng vẽ giữa trời nước yên bình những nét thật thanh tân. Đến giờ này Liễu Đạt mới chứng kiến được thần thông quảng đại của Viên Quang, Đại sư đã đến kịp thời kịp lúc độ cho mình vượt qua một cửa ải vô cùng khắc nghiệt. Liễu Đạt chắp hai tay hướng về một phương, mắt nhắm nghiền thành khẩn như đang đảnh lễ mười phương mây trắng nhiệm mầu.

Trời vừa lên cao, Liễu Đạt cũng thấy thân mình thấm mệt, Sư ngả người trên mặt đất đầy hoa dại, hai tay vòng ra sau, đặt dưới ót. Lâu lắm Sư mới được dịp nằm ngửa nhìn trời cùng với cỏ hoa. Đời chật quá, nào phải dễ đâu đâu cũng kiếm được một chỗ nằm. Mây đổi từ trắng sang hồng, rồi tản ra. Đằng kia một cụm, lẻ loi hơn, nhưng được cái ít vướng víu, bay thong thả giữa nền trời xanh. Không biết lan man được mấy phút giờ, tự dưng Liễu Đạt thở dài, nửa như muốn trút bỏ, nửa hãy vẫn còn vương. Sư hồi tưởng lại những cuộc tiếp kiến với Hoàng cô mấy hôm trước. Những ngày Hoàng cô đến chùa Từ Ân cúng dường, mọi thứ đều được sắp xếp tươm tất theo yêu cầu của các mệnh quan triều đình. Mỗi sáng Sư trụ trì phải ra tiếp trà như đề nghị. Khách đường được bài trí đơn sơ một cội lão mai không hoa ít lá, được cắm trong chiếc độc bình màu xanh ngọc, dưới cổ bồng vài nét thảo thư cùng triện son hình quả đậu. Ngoài di ảnh Tổ sư trên cao, vách ngoài treo buông thả một bức mặc trúc vẽ trên giấy xuyến chỉ, bồi cẩn thận trên nền lụa màu mỡ gà. Bức tranh này do chính Hoàng cô Tế Minh Thiên Nhật vẽ tặng sư Liễu Đạt trước lúc từ biệt kinh đô về lại Gia Định. Bộ trường kỷ bằng gỗ mun là quà của quan Tổng trấn thành Gia Định cúng dường cho Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc thời Ngài còn tại thế, vốn được xem như tự bảo, được bài trí khá trang trọng giữa Khách đường mỗi khi có trầm và nến thắp lên để tiếp thượng khách. Nghi thức tiếp vị Hoàng cô của đương kim Hoàng thượng cũng chỉ đơn sơ có bấy. Chỉ có khác là vị khách quý này được ngồi ngắm chính bức họa của mình, thay vì từ vị trí đối diện với Tự chủ như đã an bài, lại là trên một chiếc đôn thấp bên cạnh Thiền tăng. Bấy nhiêu thôi cũng là điều bất ổn, khi mà các quan và thị tùng “được phép lui ra”, miễn hầu khi Hoàng cô hầu trà Trụ trì mỗi sáng. Buổi sáng thứ tư, dường như việc thỉnh an hay mạn đàm thi họa không còn nhã hứng, Hoàng cô chợt hỏi:

- Đệ tử đã quấy rầy thầy nhiều quá?

- Không dám, đó là một vinh hạnh của bần tăng.

- Nếu đệ tử muốn được thầy tự tay thế phát cho xuất gia, được sớm hôm hầu hạ, chẳng hay ý Thầy thế nào?

Liễu Đạt hơi bị sốc bởi đề nghị ấy. Sư bối rối, ra hiệu cho thị giả Mật Dĩnh lui ra. Tỳ nữ đang đứng hầu bên Hoàng cô cũng ra ngoài. Khách đường thoang thoảng hương trầm, Sư nhấp một ngụm trà như cố che giấu sự bối rối. Trên vách Khách đường, di ảnh Tổ sư Phật Ý Linh Nhạc nhìn xuống đầy uy nghiêm. Sau khi ngước nhìn từ dung của Bổn sư, Liễu Đạt xoay qua Hoàng cô, nhỏ nhẹ:

- Bần tăng tài hèn đức mọn, chưa dám nhận đệ tử xuất gia. Tế Minh có thể đến thọ giáo với Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang chùa Giác Lâm, hay làm đệ tử Tăng cang Tổ Ấn Mật Hoằng chùa Linh Mụ, gần hoàng cung, mọi bề tiện lợi hơn.

Hoàng cô cúi mặt xuống, đôi má ánh lên dưới ngọn bạch lạp nơi góc tường. Dường như có hai giọt châu đính trên lưỡng quyền hồng phấn. Tuy tuổi tác đã lớn, nhưng rõ ràng các cung nữ trong triều không ai sánh nổi nét đài các của Hoàng cộ Tuổi cập kê thì khuê cung băng giá, gác tía lầu son im ỉm một niềm kiêu bạt. Giờ xuân qua mấy độ thì tim rung loạn nhịp, thổn thức quàng xiên giữa trơ vơ nến lụn tơ chùng. Tế Minh lẩm bẩm như nói với chính mình:

- Đệ tử chỉ theo Thầy, không chịu theo ai khác đâu ! Có đến chết cũng không rời Thầy !

Câu nói lí nhí, ra chiều nhỏng nhẻo và lả lơi, nhưng chắc hẳn Liễu Đạt nghe không sót một chữ. Sư choáng váng đứng dậy, gọi thị giả Mật Dĩnh ra châm thêm trà, rồi xin phép Hoàng cô vào phương trượng, hôm khác sẽ tiếp kiến nữa.

Đêm ấy Liễu Đạt bỏ đi.

* * *

Chùa Đại Giác nằm giữa cù lao Phố, tỉnh Biên Hòa. Đó cũng là một Tổ đình lớn giữa vùng Đồng Nai - Gia Định này. Tổ sư Nguyên Thiều cũng đã từng trác tích tại đây. Phía sau chùa có một thảo am nhỏ, vách đất, nền gạch Tàu, rất xinh xắn và thoáng mát. Liễu Đạt sau một giấc ngủ dài trên đồi cỏ hoang đã lần đến chùa Đại Giác. Trời đã xế chiều, Sư xin vào tá túc, gặp lại mấy vị Tăng quen trước kia đã từng xuống Gia Định tham dự trường Hương ở Giác Lâm. Được vị Thủ tọa ở chùa dắt đi xem các phòng ốc, Liễu Đạt nhã ý xin mượn tịnh thất sau chùa để nhập thất một thời gian, không ngờ được hứa khả. Ngay đêm ấy Sư vào thất quét bụi và xông trầm cùng khắp, rồi đến bàn Phật thắp hương phát nguyện: “Nếu không dứt được nghiệp ái sâu dày, quyết sẽ không bước ra khỏi thất”.

Về phần Hoàng cô Tế Minh Thiên Nhật, sau khi Trụ trì chùa Tứ Ân đi mất thì cứ nằm trầm tư buồn BÃ, không màng ăn uống. Ba ngày trôi qua, sức khỏe sa sút trầm trọng. Sợ Hoàng cô quá buồn thảm, tuyệt vọng, gây chuyện không hay ở chùa, Sa- di Mật Dĩnh đành phải cho hay Trụ trì nhập thất ở chùa Đại Giác. Từ Huế vào Gia Định mà Hoàng cô còn vào được, huống hồ Gia Định với Biên Hòa. Hoàng cô cấp tốc báo cho quan trấn Gia Định là sẽ ra chùa Đại Giác để cúng dường. Sau khi lễ Phật, Hoàng cô nhờ Sa- di Mật Dĩnh đưa đến tịnh thất.

Cửa thất vẫn đóng kín, im lặng như tờ. Hoàng cô đi quanh mấy vòng, rồi đến trước cửa lễ ba lễ, quỳ xuống nói vọng vào:

- Bạch thầy! Đệ tử sắp hồi cung nên đến đây xin thầy cho diện kiến lần chót trước khi lên đường.

Bên trong vẫn im lặng. Hoàng cô vẫn mãi quỳ trước cửa. Nắng chiều chếch qua mái hiên, hắt một chiếc bóng khẳng khiu lên ngạch cửa. Dáng dấp thon thả vẫn làm nền cho những đường cong uyển chuyển. Đường ngôi rẽ cao, sóng mũi thẳng, khuôn mặt trái xoan lấm tấm mồ hôi. Nắng yếu dần, bóng người quỳ càng dài ra, trễ xuống. Hoàng cô vẫn quỳ đó, chờ đợi, thử thách lòng kiên nhẫn. Chưa bao giờ trong đời, Hoàng cô phải quỳ lâu như thế. Chưa bao giờ trong đời, trái tim vị Hoàng muội của vua Gia Long lại thổn thức đến thế. Chưa bao giờ trong đời, vị hoàng cô của vua Minh Mạng nghĩ rằng một cô gái của Hoàng gia lại phải quỳ mọp nhiều canh giờ để xin một chút lòng thương tưởng của một vị Thích tử xưng bần. Gió chẳng buồn thổi giùm cho xiêm y đẫm mồ hôi ráo bớt. Nắng chẳng buồn soi nữa để bóng chiếc tường rêu đỡ phải nhạt nhòa. Tế Minh đuối sức, đổ xuống bên thềm trăng chập choạng. Khi tiếng chuông trước chùa Đại Giác ngân lên báo hiệu tới giờ Tịnh độ, Tế Minh hướng vào trong tịnh thất, khẩn khoản:

- Bạch thầy! Nếu thầy không tiện ra tiếp, xin thầy cho đệ tử nhìn thấy bàn tay thầy thôi cũng được, đệ tử cũng hân hoan mà ra về.

Ba lần nói vọng vào. Im lặng giây lâu, một khoảng thời gian đủ dài để người ta hiểu được thế nào là giá trị của sự chờ đợi, một bàn tay thon thả từ từ đưa ra cửa nhỏ, nơi mà hằng ngày đưa thức ăn vào thất. Hoàng cô lao đến, ôm lấy bàn tay một cách mừng rỡ, hôn lấy hôn để lên từng ngón nồng nàn, nước mắt ràn rụa.

Bóng đêm đã phủ dày quanh ngôi cổ tự. Hoàng cô được đưa về nghỉ tại phòng khách của chùa. Bên thềm trăng của thảo am nhỏ bé, sương nhỏ từng giọt xuống đám hoa thạch thảo chen lẫn chùm hoa tỷ muội, rồi lan ra, ướt lạnh cả thềm hiên. Bên trong leo lét một ngọn đèn, lắt lay trước luồng gió loạn. Nhưng bầu dầu vẫn đầy, vách phên vẫn kín, ngọn đèn rồi trở lại yên tĩnh, sáng hơn. Như một lần rùng mình đối diện với hư vô ngát lạnh, ảo hình của tam giới mộng cũng vừa tan. Như một vực thẳm vừa khơi mào thách thức khí lực bình sinh, một bước nhảy vừa phóng đi vượt qua mọi miền huyễn hóa. Như dòng sông man mác xác đào trôi, lữ khách vân du qua bến bờ thực tại. Một thoáng vô cùng, bờ bên kia nhìn lại, ai đứng đó mỉm cười.

Đêm khá sâu, bỗng có tiếng kêu to ở hậu liêu chùa Đại Giác, mọi người choàng dậy. Thảo am phía sau chùa bốc cháy, lửa khói dâng cao ngùn ngụt, sáng rực cả một góc trời. Cuối chân mây, bóng một người lướt đi cùng Thiền trượng trên vai, nhẹ nhàng như gió thoảng.

Mọi người tìm mọi cách để dập tắt lửa, nhưng đành bất lực. Gió bốn phía thổi loạn, tường rêu cũng ngả đổ. Thảo am cháy rụi, chỉ còn thấy ngay chính giữa những ngổn ngang than hồng hừng hực, dáng một người ngồi đoan nghiêm trong tư thế Thiền tọa an nhiên, châu thân một vầng lửa sáng thuần thanh tạo thành hình ngọn đuốc, ngùn ngụt bốc lên cao. Khi rơm mục và đất khô đang ngún dần mảng tường cuối cùng, người ta kịp phát hiện một bài kệ Niết Bàn viết bằng mực đen còn tươi rói. Bức thảo thư vừa mạnh mẽ, rắn rỏi như dao cùn chém đá, vừa nhẹ nhàng, trôi chảy tợ lưu thủy hành vân, phóng khoáng cõi tâm, trong ngần nét đạo:

“THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần

THÀNH không vẩn đục vẫn trong ngần

LIỄU tri mộng huyễn chân như huyễn

ĐẠT đạo mình vui đạo mấy lần”.

Mùa An Cư năm Tân Ty.

Chú thích:

(1-) Thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh.

Hết