Tiếng mưa rơi lớn hột lộp độp đập vào cửa kính đánh thức tôi dậy vào lúc gần sáng. Cái heater gần đó tỏa hơi nhiệt phà một luồng ấm áp về phía tôi; dù vậy, do thói quen tôi vẫn vói tay kéo chăn đắp lên tận cổ, rồi quay mặt vùi vào gối cố ngủ tiếp. Cuối tuần, tôi không phải dậy sớm. Công việc, bài vở gì thì cũng để đấy, tà tà rồi sẽ tính. Ngay cả nỗi quay quắt nhớ him...cũng để đấy! Tuần trước, tôi đã giận dỗi nói với him là tôi sẽ để him tự do, mình không còn nợ nần gì nhau nữa...để rồi hai ngày sau lại chính tôi gọi him trước, nghe him chọc tưởng you không gọi nữa, và Duy lập lại y chang những câu, những chữ Mỹ tôi dùng, thế có ức không?
Nhưng tôi không ngủ tiếp được. Một trong hai tên hàng xóm dậy tắm sớm, không rõ tên nào, mở nước vòi sen chảy ào ào. Rồi trong tiếng nước, có tiếng hát trầm trầm...Năm năm rồi không gặp...từ khi em lấy chồng...Thì ra tên Bắc Kỳ. Cái studio của tôi sát với studio của hai tên con trai, trong cao ốc của trường đại học. Qua muộn, học trễ, chớ họ đã lớn, và dĩ nhiên rất VN, chỉ chuyên nhạc Việt. Loại buồn. Loại tình mất, tình lỡ, tình dở dang. Nhạc của họ buồn quá! Lời ca, tiếng đàn đều buồn. Hình như những người qua sau, họ có nhiều tâm sự hơn. Cứ tối tối 10, 11 giờ khuya -họ thích thức khuya- Họ đàn, họ hát. Đêm thanh vắng, trong giấc ngủ chập chờn, nửa tỉnh nửa mê, nhiều khi tôi không phân biệt tiếng hát tôi nghe đó đến từ ngoài đời hay trong giấc mơ?
Còn tôi thì khi rời VN, quê cha đất mẹ, tôi chỉ mới năm tuổi, học chữ Việt vừa xong vần xuôi chưa qua vần ngược, dù nghe cũng khá rành vì bố mẹ và các anh chị lớn nói tiếng Việt ở nhà, nhưng tôi có thói quen nói tiếng Mỹ, vì có gì nghĩ trong đầu, nói ra nhanh hơn. Tôi học Shakespeare, Hemingway, Hawthorne, Faulkner... dễ dàng. Chỉ khi lâu lâu cuối tuần về nhà gặp lúc nghe điện thoại dùm và phải trả lời bằng tiếng Việt là tôi sợ, tôi lúng túng không biết phải kêu bác hay chú, cô hay dì, anh chị, rồi xưng cháu hay em. Viết lời nhắn xuống cho người nhà, tôi bỏ dấu lung tung. Thành thật mà nói và cũng xấu hổ mà nói tôi thoải mái với bạn bè cùng lứa, cùng qua Mỹ một lượt.
Mới đầu nghe họ ca hát khuya như vậy, tôi thấy khó chịu, lâu dần thì cũng quen. Đi ngủ trong tiếng hát cũng như được ai đó hát ru cho mình dễ ngủ. Cũng chẳng qua mắng vốn lần nào, nghĩ lại, thật may, không thì... tôi sẽ cảm thấy bức rức, vì họ dễ thương, tử tế lắm. Một lần ba mẹ tôi ở xa lên thăm tôi mà hôm đó có test ở trường tôi về trễ, ba mẹ tôi đợi ở ngoài hành lang, hai anh thấy vậy bèn mời ba mẹ tôi vào phòng của họ ngồi đợi, và rồi rót nước pha trà mời ba mẹ tôi. Về nhà ba mẹ tôi kể lại và khen hết lời. Mẹ nói, con nên học hỏi lối cư xử của các anh ấy. Các anh nói tiếng Việt rành lắm, con ạ!
Tôi không than khi họ ca hát thì bù lại, khi bên tôi có party ồn ào, thường là những tối thứ sáu hay thứ bảy với hard rock, soft rock, họ cũng không nói gì. Gặp nhau ở hành lang hay trong thang máy, hai bên thân thiện chào nhau. Có lần, một anh giữ thang máy cho tôi bước vô, hỏi:
− Đêm qua party vui hả?
Bất ngờ nghe hỏi như vậy, tôi giật mình ấp úng sợ bị than phiền. Nhưng anh cười nói tiếp liền:
− Cô bé hát cái bản gì...nghe hay lắm!
Bữa đó sẵn vui tôi đã hát một bản của Debbie Gibson.
− You like that song? (Anh thích bản nhạc đó?)
Thấy anh gật đầu, tôi sung sướng khoái chí mời hai anh khi nào rảnh qua chơi... với bọn trẻ.
Về kể cho đám bạn nghe, chúng nó kêu Oh, my gosh! Vì sợ mất tự do, sợ bị sửa sai khi nói tiếng Việt bậy, có mấy anh không lẽ lại cứ bô bô xổ tiếng Mỹ, sẽ bị cho là mất gốc? Nghe đám bạn nói cũng có lý, nhưng đã lỡ mời mọc giờ biết tính sao đây? Chợt một ý nghĩ thoáng qua đầu, tôi vui vẻ nói:
− Thì mình nói ít thôi.
Nhỏ Katie (tên Việt của nó là Vân Khanh) bĩu môi:
− Nói ít là nói như thế nào? Theréll be no fun! (Không có vui!)
Tôi năn nỉ:
− Please try. Theý re very nice!...
Katie hỏi tiếp bằng tiếng Anh:
− Không có mời phần ăn phải không? Mình order pizza đó!
− Chắc là mấy anh ăn được mà! Cousin của mi mới qua đó, ảnh ăn ... như mình! Chẳng lẽ mình ăn mà không cho hai ảnh ăn?
Ai dè! Hai anh còn có tài nấu nướng! Anh Phiên làm món thịt bò lá chanh chi đó, khệ nệ mang đồ nghề qua bên cái bếp của tôi trổ tài. Anh Long mang qua chè đậu xanh có bỏ cái sợi chi xanh xanh trong đó ăn nghe sực sực, lạ miệng! Các anh đang học lấy bằng cao học, chứ không phải lính mới tò te gì cả. Anh Phiên làm TA, phụ tá chấm bài cho thầy. Anh là người hay đánh đàn ghi-ta, hát nhạc vàng, giọng anh thật ấm.
Tôi rụt rè nói với anh:
− Em muốn chơi mấy bản nhạc Việt mà anh hay đàn, mà... không đọc được ... chữ Việt!
Được anh khuyên:
− Dễ thôi! Chùa Cổ Lâm mở lớp Việt Ngữ hoài, các em đi học đi rồi sẽ viết giỏi, nói giỏi, mấy hồi.
Katie hỏi bằng tiếng Anh:
− Rồi phải học chung với mấy em nhỏ 5, 6 tuổi à?
− Có lớp cho các em lớn như các em nữa.
Mới đầu cũng tính nói ít, nhưng rồi không khí vui vẻ, cởi mở, nên tụi bạn tôi cũng không còn ngại nữa, làm cái phòng ồn ào quá chừng.
Thế là từ đó cuối tuần tôi bỏ ra mấy tiếng để đi học lớp Việt Ngữ. Còn chở nhỏ Katie nữa chứ, cực tấm thân, vì chiều thứ sáu nó lại “về quê ở Lynnwood, tôi phải chạy ngược lên hướng bắc đón nó. Nhưng tôi không dám than vì tôi cần đồng minh. Và hai đứa âm thầm đi học, chưa cho người nhà hay liền. Tôi bị mẹ tôi la oan, sao cuối tuần chạy về có một chút rồi đi, con.
Mấy tháng sau, tôi đem khả năng Việt Ngữ của tôi ra trổ tài với Duy, vì tôi biết Duy sẽ ngạc nhiên lắm. Lúc nói chuyện tôi chêm dần tiếng Việt vô. Duy nghe được vì Duy hơn tôi vài tuổi và khi qua Mỹ, Duy đã học lớp ba, đọc báo Việt còn được. Tôi chờ, và chờ, sao không nghe Duy nói gì hết, rồi một ngày Duy chợt hỏi:
− Ai dạy mà dạo này ăn nói ... hay quá vậy?
Tôi sung sướng nói:
− Ý của Duy là Hạ Cơ nói ... tiếng Việt ... hay? Nói thì đâu có gì, tui còn viết được chữ Việt nữa đó, cái đó thì mới hay.
− Còn viết được?
− Nhờ tui đi học đó!
Hết câu, tôi cười hí hí trong phôn. Thầy cô lớp Việt Ngữ khen tôi học nhanh. Tôi còn đang định đem văn của Thanh Tịnh ra đọc trong phôn -long distance- Để hù Duỵ..
Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường...
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học....
Nhưng tôi chợt nhớ là đang nói chuyện đường dây viễn liên mà tôi là người gọi. Thôi chờ khi nào Duy gọi Duy trả tiền thì tôi sẽ đem ra khoe cũng không muộn. Tôi phải dặn chứ không anh chàng bận rộn với những projects này nọ, tôi chờ không nổi lại đi gọi trước.
− Lần sau Duy gọi nhé!
Duy không biết gì cũng ừ. Tôi phải tính toán như vậy, vì tôi còn đang là... học trò nghèo mà.
Trước khi cúp phôn, tôi còn biết nói... hôn anh trăm cái... bằng tiếng Việt, làm Duy sững sờ!
Bây giờ đi ăn phở tôi đã biết đọc menu. Tôi mạnh dạn gọi. Cho một tô phở đặc biệt, gầu, tái, nạm, thịt bò viên và một ly chè ba màu- Chứ hồi xưa tôi chỉ kêu con số. Thêm nữa, cho ít nước béo, nhé. Tôi đã lấy message, ghi lại được bằng tiếng Việt. Mẹ tôi là người mừng nhất. Nhưng tôi khoái một điều là bà chị hai của tôi không còn dọa, lỡ con gái nào viết thư tình lăng nhăng bằng tiếng Việt cho thằng Duy, mày không đọc được là khổ. Tôi khiêng hết sách, truyện Việt ở thư viện về. Tôi còn nhờ thư viện nơi tôi ở mượn sách từ những thư viện khác. Tôi đã biết thưởng thức những áng văn hay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Mê Hồn Bướm Mơ Tiên của nhà văn Khái Hưng. Đoạn tả lúc chàng sinh viên canh nông Ngọc xuống xe, bước bộ tìm đường lên chùa Long Giáng, bị đám con gái Bắc Ninh đang làm ruộng trêu chọc, rồi gặp chú tiểu Lan đang gánh sắn về chùa, đồi núi và nắng vàng của buổi chiều, trời ơi, cảnh vật thật tuyệt. Tôi cũng viết thư tình hay ác liệt. Dĩ nhiên là bằng tiếng Việt. Đó là Duy nói chứ không phải tôi tự phụ khen tôi như vậy. Anh nói anh sẽ đóng tập giữ hết những lá thư tình đó... dành về sau cho tôi ra một cuốn sách... để đời!
Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ tới hai anh hàng xóm của tôi thời ở UW. Nghe các anh hát nhạc Việt, tôi đi học chữ Việt, nhờ đó mà lạc vô được thế giới văn chương Việt Nam. Nếu tôi không biết chữ Việt, chắc chắn là tôi vẫn có cơm ăn... ngày một bữa, chỉ là món ăn tinh thần mình chịu thiệt thòi mà mình không hay thôi.