Chương 1

LTS: Một nhân vật bước ra từ tiểu thuyết, đi tìm bản thể của nó. Nhân vật đó đi tìm tác giả, tưởng tượng lại tình yêu với người đã sáng tạo ra mình. Nhân vật đó viết ngược lại câu chuyện đã được viết. Nhân vật đó nhân đôi, rồi nhân đôi nữa, ra nhiều giả thể, trong nhiều thời gian. Nó vừa là mảnh vụn của những mẫu có thật, vừa là phản chiếu của đời sống nhìn từ cửa kiếng trong nhà tù, vừa là người nhìn chính mình trên màn ảnh lớn. Có thể nói rất nhiều về câu chuyện của “tôi”- cũng có khi là “Đởm”– một con người giữa hai tấm gương mà phản chiếu qua lại sẽ tạo ra trùng điệp các hóa thân. Sẽ khó phân biệt được ai là nguyên bản và ai là phiên bản.Con ve có đặc tính là làm người ta tưởng nó đang kêu ở chỗ này mà thực ra nó nằm ở chỗ khác, càng đi sâu vào truyện sẽ càng mất phương hướng, dù những ý tưởng phức tạp được thể hiện bằng một lối viết trong sáng và đơn giản.

Cấu trúc xoay vòng, như câu chuyện của đèn kéo quân, bất cứ đoạn nào, chương nào, cũng có thể là mở đầu và kết thúc.

Cấu trúc mở, như một căn nhà với tất cả các phòng trổ cửa hướng ra ngoài, có thể đi vào nhà bằng bất cứ cánh cửa nào. Đường đi từ cửa này sang cửa khác sẽ kiến tạo một bản đồ khác cho căn nhà. Càng đi càng thấy kiến trúc biến đổi, ngoắt ngoéo. Sẽ có thể hoang mang vì không gian truyện dựa trên những mã số biến hóa, gây ảo giác chóng mặt.

- Tiểu thuyết của cô không có sức mạnh của sự điên khùng.

- Tôi không điên. Tôi hoàn toàn kiểm soát phương trình sáng tác của tôi. Tôi rất sáng suốt.

- Cô dùng phản ảnh của các tấm gương để làm lạc đường câu chuyện, cả độc giả lẫn nhân vật, họ không biết họ là ai, họ vào trong truyện, họ là nhân vật và họ ra khỏi truyện, họ trở thành người thực.

Càng cố phân biệt đâu là truyện và đâu là truyện trong truyện, lại càng hỗn loạn. Nhưng sẽ không có chuyện lạc đường ở đây, vì tất cả các con đường cũng như các cách đọc đều là khả thể.

Mà nếu lạc đường, lại càng hay.

Một buổi sáng hè bình thản Oanh dẫn tôi tới nhà xuất bản. Nàng để tôi ngồi trong một cái ghế bành bằng da mát rượi trong khi ông giám đốc đưa cho tôi cuốn sách mới in còn thơm mùi mực.

Ông ta trông như một con mọt sách, cũ kỹ, ngoài thời gian, chỉ biết sống giữa các trang sách, với khuôn mặt khô sạch như một tờ giấy bản, đôi mắt thông minh, hiền từ, sau đôi kính dầy như hai hòn bi.

Oanh ngồi cạnh tôi, trên thành ghế. Tôi ngửi mùi thơm nhẹ của nước hoa mà nàng thường dùng trong những ngày hè, mùi thoang thoảng như mùi thị, mũi nhãn, mùi vải, có lẽ của mùi lúa chín.

Nàng mở nhanh những trang giấy quạt chút gió nhẹ và mát, bằng lòng về cách trình bầy của cuốn truyện, rồi tìm đoạn mà nàng đã tả sự gặp gỡ giữa nàng và tôi.

Ông giám đốc ân cần nhìn chúng tôi như nhìn hai nhân vật sống bằng chữ, bằng lời, vừa thoát khỏi cuốn truyện để thể hiện thành người thực, cũng như ông vừa là người vừa là con mọt sách.

Ông lắng nghe giọng đọc trong trong của Oanh, mơ màng cùng tôi, lẫn vào sự quyến rũ của một buổi sáng đẹp.

Nàng tả tôi như sau đây:

"Hồi đó tôi mới lên bẩy tuổi, trong những ngày vô tận của nghỉ hè, thường ra ngồi trên vệ cỏ của một con đường mòn ngắm mặt trời lặn trên đồng quê mênh mông. Đó là một con đường nhỏ, chạy vòng qua những thửa ruộng đầy nước sáng loáng như các tấm gương, xa tít mù tắp cho tới con đường lớn chặn ngang chân trời giữa hai rặng cây cao. Theo tôi biết thì con đường lớn sẽ đi ngang qua một cái cầu xi măng rồi song song với đường tầu điện sẽ chạy tới Hà Nội, một tỉnh thành xa lắc xa lơ.

"Trong vùng quê này, vùng Quang Tó, mỗi một hoàng hôn là một hội ánh sáng tưng bừng. Chân trời đỏ ối đủ các mầu đỏ, mầu hồng, mầu da cam, mầu vàng, lẫn ngay cả chút mầu tím ngắt, mầu bạc trắng như vẩy cá. Các tia sáng rọi qua các đám mây vần vụ lưng trời thành những hình thù đủ loại: quái vật dữ tợn, núi biển êm dịu như bông gòn, chiến sĩ cưỡi rồng, sư tử, đang giơ đao, kiếm chém nhau, các cô gái đứng hay ngồi rải rác. Theo chiều gió, họ gặp nhau, rồi rời nhau để biến dạng dần dần, không kịp yêu nhau, ghét nhau, đánh nhau, giết nhau. Trong khi vùng quê nhộn nhịp những tiếng ếch, nhái, dế mèn, châu chấu, ve sầu, nhất là ve sầu, kêu inh ỏi làm rung động của bầu không khí êm ả của chiều tà.”

Oanh ngừng đọc, nhìn thoáng tôi, phần như dò hỏi, rồi ngước mắt lên ông giám đốc. Ông ta mỉm cười, đôi kính phản chiếu mấy cánh cửa sổ cao thành các hình cong cong trong suốt với nền trời xanh điểm vài đợt mây trắng.

- Anh còn nhớ không?

Nàng hỏi tôi bất thình lình, làm tôi giật mình. Vâng, tôi nhớ. Vì có những kỷ niệm mà chúng ta không bao giờ quên được, dù chúng không giữ hoàn toàn tính cách nguyên thủy, nhưng chúng vẫn làm ta xúc động, bồi hồi, như được sống lại các mảnh vụn đó một cách trọn vẹn. Kỷ niệm chung của Oanh và tôi không hoàn toàn giống nhau, nhất là nàng lại kể lại dưới hình thức tiểu thuyết, làm tôi ngỡ ngàng.

Tôi lại lắng nghe Oanh đọc. Cô gái mang lại khay nước trà đá trong cái ly lấm tấm nước.

"Dưới mặt nước phẳng lặng của các thửa ruộng, ánh nắng soi từng chi tiết một, cho tới đáy bùn lầy mầu nâu tươi. Các con bọ nước đen xì chạy loăng quăng cùng các con nhện nước chân dài lêu nghêu, làm nhăn mặt nước thành những vòng sóng nhỏ.

Tôi ngồi ngắm cảnh như vậy, rất lâu mà không chán, chờ đợi Oanh sẽ đến, tôi biết thể nào nàng cũng sẽ đến, vì chưa bao giờ nàng mải vui mà quên hết các lời hẹn hò.

Tôi sung sướng, bình tĩnh như kẻ trúng số, giấy số đã nằm chắc trong túi, chỉ có việc đi lĩnh tiền thôi, vì trong báo đã đăng các số trúng và tôi có một trong các lô trúng giải lớn.

Tôi ngồi như vậy từ lâu chờ Oanh như chờ sự giải thoát khỏi tất cả phiền muộn của đời tôi.

Và tôi đưa mắt tìm con ve sầu mà tiếng kêu có vẻ gần đâu đây. Con ve có đặc tính là làm người ta tưởng nó đang kêu ở chỗ này mà thực ra nó nằm ở chỗ khác, để đánh lừa những kẻ thù. Vì vậy mà tôi tìm nó trên cành cây, rồi dọc thân cây, rồi lại rời mắt lên một cành khác. Sau cùng tôi tìm thấy nó nằm ẩn vào một gốc cây vỏ xù xì. Một mùi khói rơm rạ ở đâu thoảng tới, in vào trí nhớ còn non của tôi một dấu hiệu mà không bao giờ tôi quên nữa, đó là mùi của đồng quê, của hoàng hôn xuống, của ngây thơ, của tình thương mới nở.

Con ve chọn phía mặt trời lặn, chắc là để sưởi nắng. Nó có vẻ đang tham thiền hay đang mơ màng dưới ánh sáng rực rỡ, thân nó lóng lánh, cặp cánh mỏng và trong rung lên theo nhịp của tiếng nó ca hát. Chung quanh nó, rải rác khắp nơi, lẩn vào các cây nhãn, cây vải, các con ve khác cũng say sưa ca lên rầm rĩ.

Bây giờ tôi nhìn rõ con ve sầu, nó to gấp ba lần các con ve khác, chắc nó là một loại ve sầu rất hiếm, vì chưa bao giờ tôi thấy một con ve như vậy, mình nó đen xì vòng vàng giống như mình một con ong. Tôi tự hỏi nó nghĩ sao khi tự thấy khác hẳn các con ve khác, không những to lớn mà lại đen với những vòng vàng. Đôi mắt nó tròn và lóng lánh, gồm hàng trăm mắt nhỏ, nhìn về vô tận, nhìn đồng quê bát ngát, nhìn mặt trời đỏ ối. Cánh nó mỏng và trong, gấp dọc theo thân mình, chân nó có đầy gai và móng nhọn móc sâu vào vỏ cây. Ở đây, tôi nghĩ thầm, nó thực là đúng chỗ, cùng với các con ve khác, yên ổn ca hát cho tới đêm tối.

Tôi rón rén tới gần nó, bắt được nó trong tay, tuy tôi sợ nó cắn tôi. Nó rên rỉ khe khẽ, vỗ cánh một cách vô ích. Tôi mang nó về Hà Nội. Trong toa xe điện xộc xệch bằng gỗ, nó bị đầy ải, cô đơn theo nhịp bánh xe bằng thép nghiến đều trên đường sắt. Nó không vỗ cánh nữa, chỉ se sẽ kêu. Tôi vuốt ve nó, an ủi nó và hiểu sự hãi hùng cùng cực của nó, làm như tôi cảm trước số phận cô độc của tôi trong một thế giới thờ ơ, khắt khe. Tôi muốn nó được trở về với đồng loại. Mẹ tôi, ngồi cạnh tôi, thả con ve ra cửa sổ xe điện. Nó bay vào đêm tối, gió chiều ngập toa xe. Xe điện chạy rầm rầm về phía tỉnh thành, về phía ánh đèn điện bắt đầu ló ra. Tôi tự hỏi nó làm thế nào mà trở về quê cũ được. Thực ra nó không tìm thấy đường về, nó sẽ rơi vào một cái sân hiu quạnh bao bọc bởi bốn bức tường đá tổ ong.

Oanh đã tới, đứng sau lưng tôi trong khi tôi bận nhìn trời đất, nhìn con ve, nhìn các nhân vật bằng mây diễn kịch, nghe ếch nhái ca hát. Nàng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển như một con rắn bò sát trên mặt đất. Nàng đứng lại cách tôi tám thước, nhìn tôi bằng con mắt đen tím, mỉm cười gặp gỡ, làm dịu hẳn đôi môi hồng nhạt và bình thản.

Tôi ngoảnh lại nhìn khuôn mặt trái xoan của nàng, làn tóc bay nhẹ lấp lánh trong ánh nắng, đẹp và sạch sẽ như một cô gái làm kiểu mẫu quảng cáo cho nước hoa.

Nàng đi về phía tôi kêu lên:

- Tôi tìm Đởm khắp mọi nơi. Tôi lạc vào các làng mạc, các hoàng hôn cô liêu, cho đến bây giờ mới gặp Đởm!

Oanh cúi mình lên tôi, bóng nàng chùm ngập lên tôi, kéo dài thành một vệt đen mênh mông trong ánh nắng quái xiên ngang. Vì sự trớ trêu của một cô phù thủy tinh nghịch nào đó, tôi tự nhiên trở thành nhỏ xíu, chỉ cao bằng ngón tay trỏ và Oanh khổng lồ, đối với tôi, như một cô King Kông.

Tiếng nàng tròn và ngọt ngào thì thầm như sấm vào tai tôi:

- Cưng ơi!

Oanh ngồi xuống, mặt tắm trong ánh nắng vàng khè, mắt trong như thủy tinh tím ngắt. Nàng phá ra cười vì tôi nhẩy vội để tránh khỏi bị đè bẹp bởi đôi mông của nàng.

- Xin lỗi, tôi đã làm Đởm sợ hãi!

Tôi chưa kịp làm gì thì Oanh đã tóm được tôi bằng hai ngón tay. Nàng đặt tôi vào lòng bàn tay, nâng tôi lên miệng nàng để hôn tôi:

- Coi kìa! Các cô bạn tôi đang chạy tới!

Và tôi nhìn phía đằng xa một đàn con gái đang nhịp nhàng chạy, người này lẫn vào người kia, thành một khối uyển chuyển. Họ đều trầm xuống, như trong một giấc mơ lạ lùng. Chân, tay, đùi họ mạnh mẽ căng ra, co lại trong nhịp chạy, nổi bật các bắp thịt, họ cười nói vui vẻ tắm trong ánh nắng còn âm ấm. Tôi biết họ, như người ta biết nhau trong một giấc mơ dù chưa bao giờ gặp nhau, nhưng đối với họ tôi chỉ là một đồ chơi, một hình nộm bằng gỗ nhỏ xíu. Họ có ngờ đâu tôi là một người đàn ông trước khi bị biến thành đồ chơi, và một ngày nào đó tôi sẽ thoát khỏi ảo thuật để trở lại thành người.

Các cô gái kêu lên:

- Chào anh Đởm!

Họ vây tròn Oanh và tôi. Còn tôi thì vẫn đứng trên bàn tay Oanh như một anh hề làm trò vui cho các cô gái trẻ. Họ trêu ghẹo tôi, chọc tôi, cù tôi. Bích, cô gái trẻ nhất và ngây thơ nhất trong bọn lấy ngón tay út cù tôi. Tôi cười đến nỗi suýt ngã ra khỏi lòng bàn tay Oanh. Bích cười bảo tôi:

- Chưa cù mà đã cười!

Tôi vội trốn trong các ngón tay Oanh.

Sau khi đùa nghịch chán chê, các cô gái trải khăn bông xuống đất, người thì nằm dài, người thì ngồi, người thì đứng, như những bức tượng, thân thể, ngực bụng, mông, vai, mắt nửa nhắm nửa mở. Mặt trời bây giờ đã lặn sát chân trời, ánh nắng xiên song song mặt đất.

Gió chiều lên, hơi lành lạnh. Bích đặt tôi giữa đôi vú tròn và xinh xinh của nàng, như giữa hai cái đồi cát nhỏ. Tôi cố giấu sự thèm muốn của tôi bằng cách nằm sấp trên ngực Bích, cảm thấy làn da của nàng mềm, ấm, các sợi lông tơ mịn như mây. Tôi hôn đầu vú hồng hồng của nàng làm nàng mỉm cười bí mật, thân thể hơi rợn lên.

Chiều xuống càng nhanh. Các vì sao bắt đầu lần lượt nhấp nhánh giữa các làn mây tím. Gió bây giờ nổi lên, quét lá tràn mặt đất. Các cô gái bỗng không cử động nữa, yên như các bức tượng muối, yên bặt trong gió lốc cuốn tròn cỏ may và bụi đất. Tôi vội cuốn mình vào trong vài cái lá khô. Bích tan dần trong cơn lốc cùng các cô gái khác, cùng với Oanh thành muối trắng, thành bụi nhỏ. Chẳng bao lâu chung quanh tôi chẳng còn ai nữa. Chỉ còn tôi chơ vơ đứng trên một đống cây khô mà gió đã tạc lờ mờ thành hình các cô gái.”

Làm sao cho Oanh hiểu rằng quê tôi xa lắm, mãi tít trong làng Quang Tó bao bọc bởi hàng ngàn ruộng nước, bờ tre rậm rạp? Đêm nay giao thừa, tôi lại nhắc điều đó cho Oanh. Nàng nắm tay tôi:

- Xa, gần, đâu có gì quan trọng?

Đêm giao thừa, đêm củ mực tối như mực, thì có ai đi chơi, ngoài chúng tôi? Bánh chưng đã được vớt ra từ lâu, lửa rơm đã tàn, chỉ còn than đỏ ngoi ngóp trong tro trắng. Đèn nến sáng rực bàn thờ, khói hương bay ngào ngạt.

Bỗng pháo nổ rầm rĩ khắp cả tỉnh. Mùi diêm sinh thơm nồng, xác pháo đỏ đầy sân lẫn vào hoa đào. Các hoa thủy tiên bắt đầu nhú bông. Oanh và tôi vừa kịp tới nhà các bạn ăn tết. Họ ăn, uống, hát, vui vẻ. Thực là "thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh". Đêm nay Oanh uống nhiều, mặt như có vẻ tân, hừng hừng dưới ánh nến. Nàng thì thầm kể rằng ngày xưa, cách đây sau bẩy chục năm, 1909, bà cô nàng, cũng tên là Oanh, đã tới thăm đền Vòng ở cách Hà Nội 35 cây số. Và cô nàng đã gặp một anh lính thú. Câu chuyện được Oanh kể lại trong cuốn sách của nàng. Tôi xin chép lại đoạn đó, vì có nhiều sự trùng hợp thú vị:

"Bổn phận hàng ngày của anh lính là đứng canh trong một sân đền kít gạch Bát Tràng dưới nắng hè chang chang, giữa hàng ngàn cây nhãn cổ thụ um tùm xanh sẫm.

Oanh, vì bà cô cũng tên là Oanh, đi lang thang từ miếu này đến đền kia, từ sân này đến hồ nọ, bỗng gặp anh lính thú đứng bất động. Nàng bật kêu khẽ, nhưng lại bình tĩnh ngay, nâng cái máy chụp hình lên chụp. Anh lính mỉm cười rất nhẹ, nhưng vẫn không nhúc nhích. Oanh cố nhiên mặc theo thời trang thời đó: món quai thao, áo the đen, vấn khăn nhung, đi giầy cong. Giữa lúc này thì đàn ve bùng ra ca hát mạnh đến nỗi làm rung cả không khí, buổi trưa nóng. Đàn ve, không hiểu tại sao, có lúc im bặt hết, rồi cùng một lúc lại kêu cùng một lượt. Oanh rất ngạc nhiên tại sao ở đây lại nhiều ve sầu thế, hàng ngàn, hàng triệu con. Bây giờ là đúng giữa trưa, nắng khô làm đọng cả thời gian và tiếng ve trở thành tiếng ru ngủ, đưa người ta vào cõi mộng miên man.

Thái bình đã đến từ lâu, lâu lắm rồi, mà anh lính vẫn trơ trơ chống giáo đứng canh hàng giờ, im như các tượng đá chung quanh, không hề cử động, không mỏi, không mệt, đến nỗi biến thành một phần tử kiến trúc trong khu đền này.

Thời đó, quan niệm xây đền không xây cao, mà chỉ xây theo chiều ngang, sân này nối sân kia, đền này tiếp theo đền khác, hồ nước lại nối hồ nước. Các sân thường rất lớn, có khi trơ trụi lát gạch, có khi có tượng voi, chiến sĩ, tượng tướng giữ trận, quan lại đứng chầu với hia và mũ, cầm hốt trong tay.

Giữa các sân trống trải đó, người ta xây đền với các mái bằng ngói dẹp. Bóng mặt trời buổi trưa che mất cột, kèo, cửa ngõ, làm người ta có cảm tưởng các mái vĩ đại đang nổi lờ đờ trong không.

Oanh chỉ có một mình trong sân gạch, đứng cách anh lính 8 thước (khi Oanh gặp tôi nàng cũng đứng cách tôi 8 thước). Nàng giữ ý tứ và ngạc nhiên vì sự có mặt của anh lính trong khung cảnh trầm lặng của rừng nhãn, inh ỏi của đàn ve, và cổ kính của đền đài. Đôi mắt tím than của Oanh dò xét anh lính. Anh ta vẫn đứng yên. Nàng tiến lại gần thêm chút nữa, ngắm nghía, đắn đo. Khoảng cách này thực hợp để chụp hình anh lính. Mấy ngón tay trắng trẻo của Oanh loay hoay vặn máy. Đó là một cái máy chụp ảnh vuông như cái hộp, bọc da đen. ống kính đủ sáng để chụp hình đẹp trên phim bằng kính mỏng. Oanh nhân tiện ngắm anh lính qua máy ảnh. Anh ta đội cái mũ làm bằng đồng, 4 mảnh đồng được nối vào nhau bằng sợi dây da trâu. Như mọi tất cả các anh lính khác thời đó, anh ta mặc một cái áo nâu đỏ, một cái quần trắng, bắp chân bó bằng vải đỏ. Một cái áo giáp bằng da trâu che ngực và lưng anh ta. Trên trán có tràm ba chữ "cảm tử quân".

Anh lính liếc nhanh nhìn Oanh, còn nhanh hơn cả máy chụp hình, anh ta đã nhận thấy rằng mũi Oanh cao và thẳng, khác hẳn các cô gái mũi tẹt mà anh quen, và đôi môi hồng, làn da trắng, làm tăng cái duyên sẵn có của Oanh, khác mầu da bánh mật mà anh thường gặp. Anh ta biết rằng qua đôi mắt tím đen kia hình ảnh của anh đã lọt vào tận đáy mắt Oanh, như một sự đụng chạm cụ thể. Trong vài giây, Oanh bối rối, nhưng nàng lại tự chủ được ngay. Nàng lại trở thành một khách du lịch đi ngoạn cảnh các đền đài cổ. Tấm hình được đăng trên một tuần báo văn chương. Bây giờ tôi còn giữ một bản, nhưng tấm ảnh hình như cũ hơn một thế kỷ, mái ngói đã xiêu vẹo, các tượng thì sứt mẻ, có cái mất đầu, mất tay. Gạch trong sân đã phủ rêu và vài chỗ ngập cỏ dại. Binh phục của anh lính thì vá víu nhiều chỗ, cây giáo cũng mất mũi nhọn. Nhưng bọn ve sầu vẫn ca hát, qua tấm hình, y như buổi chiều mà tôi ngồi chờ đợi Oanh tới. Tôi để đàn ve ru tôi vào tiếng ếch nhái, châu chấu, dế mèn, mà cánh đồng quê này có rất nhiều.

Đêm nay, năm cũ qua năm mới, tôi lắng nghe Oanh kể chuyện anh lính thú đời xưa. Rượu nồng đã cạn, pháo còn lác đã nổ đâu đây. Tôi nói với Oanh rằng sự gặp gỡ anh lính thú là điềm báo hiệu sự gặp gỡ giữa nàng và tôi. Oanh kéo tay tôi đứng dậy:

- Thôi, đừng nói nữa. Ra nhẩy đi anh!

Tôi đứng lên, ôm Oanh vào tôi. Tôi tưởng tượng như tôi là anh lính. Dẫu rằng nếu anh ta ở đây, anh rất có thể nhẩy với Oanh, uống và hát với Oanh, rồi sẽ yêu Oanh như tôi đang yêu nàng.

*

* *

Mùa thu đến với lá vàng xào xạc trên mặt đường vắng. Những lá nhỏ còn xanh tấp tới như một tấm mành treo trên nền trời xanh biếc. Con ve sầu khi ca hát suốt cả mùa hè bây giờ run rét trong một cái sân vắng teo. Nó rơi vào cái sân này vì kiệt sức và đói khát, thất vọng vì thiếu mặt trời, nhớ tiếc thời huy hoàng nhẩy múa đã qua. Mỗi lần lướt bên tai ve sầu, gió thu lại hỏi:

- Hỡi cô gái đẹp! Cô bao nhiêu tuổi?

- 18 tuổi, ve sầu trả lời. Tôi đói và khát!

Nhưng gió đã đi nơi khác, leo qua tường đá tổ ong, len lỏi vào lá cây dây leo. Gió sẽ trở lại, và sẽ hỏi ghẹo hoài cô gái. Gió thu lạnh, mây thu xây thành, trong sân hiu quạnh, cô ve sầu vẫn run sẽ trong cái áo dạ hội mỏng manh, rách rưới, làm hở hang cái thân thể đều đặn để gió vô tình vuốt ve.

Tôi vẫn giữ tấm ảnh cô gái ve sầu, tóc dài chấm mông, trần truồng, đứng co ro vào một góc tường. Chân không ngập lá khô. Nàng thu tay trên ngực xinh xắn, da nàng vẫn sạch sẽ, trừ vài vết bùn rêu. "Chết trong một cái sân hiu quạnh, chết không ai hay, chết xó, chết xỉnh, tôi làm sao mà chết như vậy được?" Cô gái buồn rầu tự hỏi.

Cô ve sầu giương giương cánh đã rách, cố bay lên mà không được, chỉ làm cánh rách thêm. Nàng quay lại chỗ cũ, làm như là chỗ đó đã được chỉ định từ lâu. Thôi, từ nay hết bay nhẩy cành này qua cành khác, say mê ca hát với mùa hè, với nhựa cây ngọt ngào, với những ngày hội hè, nhẩy múa chân không, váy mỏng bay tung, lộ đôi chân dài nõn nà.

*

* *

Dưới ánh đèn lộng lẫy, cô gái để mồm gần sát vào mi-crô mà hát, tiếng thầm thì kêu gọi tha thiết trong một bầu âm thanh trầm trầm và mênh mang. Mắt cô to, mắt ve sầu, mắt gồm hàng trăm mắt phần tử, khi nửa nhắm, nửa mở, khi thì nhìn thẳng ném những tia sáng đủ mầu, vừa giải bầy các lời nhạc, lại vừa như từ chối các lời đó.

Ngồi trong một góc xa, trước một ly Gin-Tonic, tôi để tiếng hát ru tôi vào thế giới của các đứa trẻ khổ sở. Và cô ve sầu là nàng tiên che chở chúng tôi.

Ban đồng ca gồm các cô gái mặc đồ đen và các cậu trai mặc đồ trắng hát phụ hoạ: "Đừng để nàng tiên rơi vào trong một cái sân vắng.” Rồi lại hát trả lời: "Không! không bao giờ em yêu anh!" Cô ve sầu, tung làn tóc xoã lên vai, quyết định đau khổ:

“Vâng! vâng! Không bao giờ em quên anh!"

Tôi nhủ thầm: "Chúng ta sẽ không bay qua biển dưới các vì sao nhấp nhánh. Hành trình của chúng ta sẽ không còn một dấu vết nào." Và tôi cũng buồn khổ như cô gái. Tôi muốn Oanh có mặt cạnh tôi, nắm tay tôi, thì thào đọc vào tai tôi những bài thơ vô tận. Rồi bất chợt cô gái vươn thân mình mỏng manh lên, quay tròn bắt đầu múa. Cô hất mạnh đầu làm tung bay tóc, chợt đứng khựng lại, rồi nhìn phải nhìn trái, y hệt con gà trọc đang khiêu khích địch thủ, rồi lại múa như hoa đào bay một ngày Tết. Nàng có trí nhớ phi thường từng cử chỉ dù nhỏ nhặt của bài múa. Nàng sống bản khiêu vũ này, chứ không phải là múa thôi, làm tôi ngây người ra nhìn.

Rồi không biết sao, tôi đi theo cô gái, quàng tay lên cái eo xinh xinh, như eo của một con ong, cảm rõ rệt từng cử động nhỏ của thân thể nàng. Chúng tôi hòa lẫn vào đám đông ra nhẩy. Cô ve sầu tiếp tục hát khe khẽ, nhưng rất đam mê. Sự giải thoát chợt đến. Không còn có thảm kịch nữa, không còn bùa ngải. Tất cả trở nên bình thường. Còn có gì bình thường hơn cái quán khiêu vũ này, nơi mà tôi đã mời cô gái tới? Đứa trẻ bơ vơ sống trong hầm tối – Tôi sẽ đọc đoạn này trong cuốn truyện Oanh viết – và cô ve sầu đoạ đầy, biến thành một cặp trẻ tuổi đang ôm nhau nhẩy như tất cả các cặp trẻ tuổi khác.