1Giữa một đường truông thăm thẳm, vắng vẻ và âm u, không một xóm nhà, ít người qua lại, có một cái am nhỏ. Am ấy mới cất, độ non ba năm thôi. Trong am, chỉ có một sư cụ già, thui thủi một mình, quanh năm chẳng được ai thăm viếng. Trước am, nơi giữa sân, chất sẵn một đống củi, vừa lớn , vừa cao ngất, củi sắp vuông vắn, thẳng thắn, dường như được săn sóc chẳng khác một vườn kiểng do một vị lão trưởng giả chăm nom.Một hôm, trời đã tối rồi, nhà sư vừa lên đèn được một chặp, thì có hai người khách đến trước ngưỡng cửa, vái mà thưa rằng :- Bạch sư cụ , nhờ ngọn đèn dắt dẫn, chúng tôi mới dõi đến đây. Mong nhờ sư cụ cho tá túc một đêm , sáng mai chúng tôi sẽ lên đường.Nhà sư ung dung , chắp tay đáp :- Mô Phật , cửa thiền bao giờ cũng mở rộng cho người lỡ bước.Rồi dừng một phút, dường như để trấn tĩnh nỗi vui đương sôi nổi trong lòng, nhà sư tiếp :- Ngót ba năm nay, tôi mở am nơi này, không được một ai đến viếng. Ngày nay là ngày ước nguyện, may được hai ngài quá bước, ghé nghỉ chân. Âu cũng là duyên trước... Nói xong, nhà sư dọn cơm chay cho khách dùng, và câu chuyện không đề, vô tình dẫn khách đến câu hỏi :- Bạch sư cụ, chẳng hay sư cụ thích tụng kinh nào ?Vui sướng, vì như gặp bạn tri âm, nhà sư đáp :- Tôi quy y Phật pháp từ thuở bé, rừng thiền có thể nói rằng đã viếng khắp nơi. Cách ba năm nay, lòng huệ được mở ra... Và từ ấy, tôi chỉ tụng kinh Di Lặc.Một người khách hỏi :- Sư cụ có thể cho tôi biết duyên cớ vì sao chăng ?- Mô Phật. Chỉ có lời nói mà độ được người, tôi sao dám tiếc lời ? Vậy tôi xin vui lòng nói cho hai ngài rõ. Bởi tôi đọc qua các kinh sách, thấy rằng Phật Thích Ca khi đắc đạo, có dạy : Hai ngàn năm trăm năm về sau, Phật pháp sẽ đến chỗ chi ly, ấy là hồi mạt pháp. Di Lặc sẽ xuống trần mà cứu độ chúng sanh và chỉnh đạo lại. Nay cũng đã gần đến kỳ hạn. Chắc là Phật Di Lặc đã xuống trần mà độ kẻ thành tâm tu hành. Bởi lẽ ấy tôi có nguyện tụng đủ một nghìn lần kinh Di Lặc. Nếu lời nguyện được ỵ, ấy là tôi sẽ đắc đạo.Người khách thứ hai hỏi :- Sư cụ đã tụng được bao nhiêu lần rồi ?- Đã được chín trăm chín mươi chín lần rồi. Bây giờ, chỉ còn lần thứ một nghìn; lần tụng của đêm nay. Chắc hai ngài trước có duyên lành, đêm nay đến mà chứng kiến tôi tụng lần thứ một nghìn ấy... Đến đây, bữa cơm chay đã mãn. Khách mệt mỏi, xin ngả lưng. Nhà sư dọn dẹp trong am cho thanh khiết, rồi bước tới trước bàn Phật, khêu bấc đèn dầu, mở kinh ra mà khởi sự tụng. Tiếng tụng kinh chậm rãi, như nện vào không gian. Thỉnh thoảng một tiếng chuông ngân lên, đánh dấu chuỗi tiếng mõ dài đăng đẳng... 2 Trước khi nhắm mắt ngủ, hai người khách còn trao đổi vài câu :- Tội nghiệp thay cho sư cụ già , quá mê tín, mất sáng suốt, mà không giác ngộ. Phật pháp lập ra đã hai nghìn năm trăm năm về trước, tránh sao cho chẳng có chỗ lỗi thời. Nhận thấy chỗ lỗi thời, các môn đệ ắt phải lo tài bồi, phát xiển mối đạo. Thế là có tư tưởng này, học thuyết nọ ; rồi sanh ra môn ra phái. Ấy là nguồn gốc của sự chi li. Nay rừng thiền đã hơn tám mươi bốn ngàn cội khác nhau , ấy là lẽ dĩ nhiên vậy.- Tôi cũng đồng ý với anh về chỗ đó , và nghĩ thêm rằng : Nếu bây giờ có một vị Di Lặc xuống trần, thì vị ấy có trọng trách cất nhắc Phật pháp cho kịp với mọi sự tiến hóa của mọi sự việc từ hơn hai nghìn năm nay. Và trách nhiệm của mỗi tín đồ của Phật là dọn mình cho sẵn, để đón rước cái Pháp mới sắp ra đời. Chớ mê mải trong việc gõ mõ tụng kinh, há chẳng phải là phụ lòng mong của Thích Ca chăng ?Lời nói của hai người khách giữa cái am vắng vẻ, không dè có kẻ trộm nghe. Kẻ nghe trộm này là một con thằn lằn, đến ở am khi am vừa mới dựng lên , và đã từng nghe 999 lần kinh, nên có linh giác, nghe được tiếng người, biết suy nghĩ và phán đoán. Câu phê bình của hai người khách đã giúp cho con thằn lằn giác ngộ. Nó vốn biết nguyện vọng của nhà sư : là hễ tụng xong lần thứ một nghìn, thì nhà sư sẽ lên giàn hỏa mà tự thiêu... Rồi nó nghĩ : nhà sư lòng còn mê tín, chưa được giác, phỏng có thiêu thân, thì làm sao nhập được Niết Bàn ? Hay là ta tìm thế ngăn người, đừng để cho người thiêu thân, đợi chừng nào người được giác rồi sẽ hay ?Rồi con thằn lằn quyết định : Phải ngăn ngừa, đừng để nhà sư tụng xong lần thứ một nghìn. Nó nghĩ được một kế : Ấy là bò lên bàn Phật, đến dĩa đèn dầu, rán sức mà uống cạn dĩa dầu. Bấc sẽ lụn, đèn tắt, nhà sư không thấy chữ mà tụng nữa.Một sức mầu nhiệm đã giúp cho con thằn lằn đạt được ý nguyện : chỉ trong một hơi mà dĩa dầu đã cạn : bộ kinh chỉ tụng được quá nửa mà thôi. Đèn tắt, nhà sư ngạc nhiên, nhưng nghĩ : hai người khách là kẻ phàm tục, không được duyên lành chứng giám việc đắc đạo của mình. Âu là xếp kinh, nghỉ, chờ ngày mai khách lên đường, sẽ tụng lần thứ một nghìn ấy.Nhưng, sau đó đêm nào cũng vậy, buổi đọc kinh chưa xong mà đèn lại tắt đi. Nhà sư có lúc tính tụng kinh lần này vào khoảng ban ngày , nhưng nhớ lại khi xưa đã có lời nguyện tụng kinh vào lúc khuya, tĩnh mịch, nên không dám đổi.Và một đêm kia, dằn lòng không được, tuy tụng kinh mà mắt chốc chốc nhìn lên dĩa dầu để xem sự thể do đâu , nhà sư bắt gặp con thằn lằn kê mỏ mà uống dầu. Nổi giận xung lên, nhà sư dừng gõ mõ, và mắng rằng :- Loài nghiệt sức ! Té ra mi ngăn ngừa không cho ta được đắc đạo !Rồi tay cầm dùi mõ, nhà sư nhắm ngay đầu con thằn lằn mà đập mạnh. Con thằn lằn bị đánh vỡ đầu, chết ngay. Hôm ấy, nhà sư tụng xong lần kinh, bước lên dàn hỏa , tự châm lửa mà thiêu mình.3 Và cũng đêm ấy, hai cái linh hồn được đưa đến trước tòa sen của Phật. Uy nghiêm, ngài gọi nhà sư mà dạy :- Nhà ngươi theo cửa thiền từ thuở bé, mà chẳng hiểu bài học vỡ lòng của pháp ta là thế nào ! Pháp ta đã dạy phải trừ hết dục vọng thì mới đắc đạo, mà ngươi dục vọng lại quá nhiều : bởi việc muốn đắc đạo, để được thành Phật kia cũng là một cái dục vọng. Có dục vọng ấy là Tham ; bởi tham nên giận mắng con thằn lằn, ấy là Sân; bởi sân nên tưởng rằng trừ được con thằn lằn thì tha hồ tụng kinh, rồi đắc đạo, ấy là Si. Có đủ Tham Sân Si tất phải phạm tội sát sanh, thì dầu ăn chay trường trọn đời, cũng chưa bù được.Tội ngươi lới lắm, phải rán tu luyện thât nhiều mới mong chuộc được. Vậ y ta truyền cho Kim Cang, La Hán hốt cho hết đống tro do xác ngươi thiêu mà hóa ra, rồi đem tro ấy tung khắp bốn phương trời. Mỗi một hột tro đó sẽ biến sanh thành một người. Chừng nào mọi người ấy đắc đạo , đám chúng sanh ấy sẽ đượ quy nguyên, trở hiệp lại thành một , thì nhà ngươi sẽ đến đây mà thành chánh quả.Rồi Phật cho gọi hồn con thằn lằn mà dạy :- Nhà sư chưa được giác mà làm tội, tội ấy đáng giá là một mà thôi. Còn nhà ngươi, được giác một phần rồi , mà làm tội, thì tội đáng kể là mười.Con thằn lằn lạy mà thưa rằng :- Bạch Phật tổ, lòng của đệ tử vốn là muốn độ nhà sư, dầu nát thân cũng không tiếc. Chẳng hay đệ tử có tội chi ?Phật phán :- Muốn độ người, kể thiếu chi cách, sao ngươi ngăn đón việc tụng kinh của người ? Đã đành rằng việc tụng làm của nhà sư là một việc mê tín, nhưng dầu là mê tín, song vẫn là một tín ngưỡng. Cõi Phật vốn là cõi tự tại. Nếu phạm đến tự do tín ngưỡng, gọi là để dắt người vào, thì làm sao cho được. Bởi ngươi không dùng phương pháp tự do, người là kẻ mất tự do, thì cả hai làm sao được vào cõi tự tại ?Một lần nữa, con thằn lằn được giác, quì lạy mà xin tội :- Xin Phật tổ mở lòng từ bi, cho đệ tử hóa sanh một kiếp nữa , để dùng phương pháp tự do mà độ vô số chúng sanh do những hột tro, mà các vị Kim Cang, La Hán vừa tung ra đó.Phật đáp :- Ta cho ngươi được toại nguyện.Hồn con thằn lằn vừa muốn lạy Phật mà đi đầu thai, thìsực nhớ lại, nên bạch rằng :- Xin Phật tổ dạy đệ tử phải hóa sanh làm kiếp chi ?Phật đáp :- Nhà ngươi đã gần bến giác, phải tự mình chọn hình thể mà hóa sanh. Tự do chọn lựa mới có thể luyện mình để bước vào cõi tự tại.4 Hồn con thằn lằn từ ấy trôi theo mây gió, không biết trụ vào đâu, để có thể vừa dùng phương pháp tự do mà độ người, vừa có thể độ được đông người, số người đông như số hột tro do một cái xác thiêu ra. Thật chưa hề có lúc nào có một linh hồng bị trừng phạt phải đau khổng đến thế... Một hôm trong hồi xiêu bạt, hồn con thằn lằn thấy bóng của một trong hai người khách đã đến am thủơ nọ , mà câu chuyện nghe lóm đã làm duyên cho mình mấy năm đau khổ.Thằn lằn vội vã bay theo vái chào và kể nỗi niềm đau đớn :- Ngài đã giúp cho tôi giác ngộ được một ít , có hay đâu tôi phải mang cái nghiệp vô định này. Đã trót làm ơn, xin độ cho tôi đến bờ bến.Người đáp :- Cái khổ của ngươi là ngươi đã phát tâm cứu độ muôn vàn chúng sinh do những hạt tro mà đầu thai nên. Tâm ấy là lửa thiêng. Nó đốt lòng ngươi, cưỡng lại mà cãi, sao cho được ? Âu là , ngươi nghe theo nó mà hành cái hạnh ấy đi !- Nhưng mà, làm sao bây giờ ?- Bấy lâu nay, ngươi đã nghe tụng kinh. Kinh dạy bài học căn bản là Bi. Ngươi phải có lòng Bi , mà thương muôn vàn hột tro ấy !- Tôi vốn thương nhà sư, mới dại dột mà làm cho nhà sư phát nộ. Thì tôi cũng sẵn lòng thương những ai mà những hạt tro ấy đầu thai nên.- Tốt lắm ! Tốt lắm. Đã có Đại Bi, phải thêm có Đại Trí. Muốn cứu độ muôn vàn hột tro ấy, ngươi hãy lấy Trí mà tìm biện pháp nào để cứu độ chúng. Chớ tình thương mà không có thêm phương pháp để thực hiện tình thương ấy, thì tình thương chỉ là một sự than khóc sướt mướt và vô bổ mà thôi.Lời của người làm cho hồn con thằn lằn đại ngộ một lần nữa. Nó phóng quang mà nhìn khắt trần gian, để kiếm xem hiện nay, những hạt tro do các vị Kim Cang, La Hán tung rải đang đầu thai nên gì. Lạ thay, những hạt tro này , bởi tiền kiếp mắc tội Tham Sân Si nên chẳng được đầu thai làm người, lại đầu thai là lũ chuột. Chúng không được sống dưới thanh thiên bạch nhật ; ngày chúng phải chui rúc trong hang ; tối lén bò ra ăn vụng, ăn vặt. Thế mà chẳng được yên thân, chúng bị một lão mèo to tướng, mắt sáng như sao, nhìn thấy rõ trong đêm tối, vuốt bén như gươm, tay lẹ như chớp, thêm thèm thịt chuột ăn bao nhiêu cũng không đã, lão mèo ngày lừ đừ ngủ, để ban đêm rình chụp chuột mà ăn tươi nuốt sống. Đời của chuột đã khổ rồi , mà bị lão mèo càng thêm khổ não, lòng phập phồng lo sợ. Rút vào hang cả ngày lẫn đêm, thì đói. Ló ra, thì sợ mèo chụp ăn. Hồn con thằn lằn, thấy chúng chuột như vậy, thương cảm vô cùng.5Bỗng nhiên nó thấy lũ chuột tìm chỗ an toàn mà khai đại hội. Nó bèn vận thần thông nhĩ, mà nghe lũ chuột nói với nhau những gì. Nó nghe một con chuột cống khởi nói như thế này :- Hỡi đồng loại chúng chuột ! Đời của chúng ta khổ não lắm rồi. Ngày ở hang để tránh người đập giết , tối mới dám ló ra mà ăn vụng. Thế mà chồng lên cái khổ ấy, chúng chuột ta còn gặp cái đại họa là lão mèo. Vì lẽ đó mà tôi triệu tập tất cả lại , để bàn tính coi có cách nào để thoát cái đại họa ấy chăng ?Một chuột con, còn hăng tiết, hùng biện hỏi :- Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết ! Chúng ta phải hiệp bầy lại , một lượt tiến tới mà cắn mèo. Một mình mèo làm sao cự lại cả bầy chuột ?Một chuột già, mình đầy thẹo , kêu chít chít nói :- Đừng có dại ! Đừng có dại ! Thuở tôi còn trẻ, tôi có nghe theo luận điệu ấy. Chúng tôi có tổ chứa một bộ đội chuột , đến mấy trăm con, xông tới mà toan cắn mèo. Thế mà mèo chỉ quơ tay một cái , là ngủm một chuột. Mấy trăm con chuột của bộ đội chết sạch. May mà tôi rán được. đầy mình thương tích, thoát chết chạy về, cả tháng mới lành. Kinh nghiệm của chuột già này, xin các thanh niên chuột nên gẫm cho kỹ. Chớ liều lĩnh mà thiệt mạng , lại không có chút kết quả nào !Lời của chuột già như gáo nước lạnh làm dập tắt lửa hăng của chuột con. Các chuột im lặng khá lâu, thì có một con chuột nhỏ nhẹ nói :- Chuột mà tranh đấu với mèo , thật là không nổi. Ta tránhnó thì hơn.- Đúng vậy !- Phải lắm !- Hay lắm! Chuột kia nói tiếp :- Muốn tránh mèo, ta phải nghĩ cách nào báo cho ta biết sự hiện diện của mèo. Để ta tránh trước, khỏi sợ bị mèo chụp. Cách ấy , tôi nghĩ rằng ta nên treo một cái lục lạc nơi cổ của lão mèo. Lão đi đến đâu, lục lạc rung vang báo tin cho chuột ta hay, mà lánh trước.Hồn cho thằn lằn nghe kế ấy, thuật lại cho người nghe. Và phê bình :- Quả là Đại Trí !Nhưng hồn con thằn lằn nhìn mãi, thấy lũ chuột im phăng phắc, chẳng có chuột nào động đậy, chẳng chuột nào thốt một lời, mà cũng chẳng chịu giải tán, cho chuột nào trở về hang nấy. Hồn con thằn lằn hỏi người :- Sao lũ chuột lại như vậy ?Người đáp rằng :- Bởi lũ chuột hèn nhát. Tuy kế là hay, song chẳng có chuột nào có cái Dũng, dám đeo lục lạc mà mang vào cổ lão mèo, để tự cứu, mà cũng để cứu đồng loại. Có Bi mà không Trí, là vô bổ. Có Bi và Trí mà thiếu Dũng, là vô hiệu. Bi, Trí, Dũng là ba cái chân vạc , thiếu một chân ấy là vạc nghiêng đổ đi.- Làm sao bây giờ ?- Ngươi muốn cứu chuột, ngươi phải làm chuột. Ngươi phải đầu thai làm con chuột có Đại Bi mà biết thương đồng loại, có Đại Trí mà biết đem lục lạc mang vào cổ của lão mèo, có Đại Dũng mà dám hi sinh, liều mình, chẳng sợ mèo ăn tươi nuốt sống , mang lục lạc xông đến gần lão mèo.Lời của người làm cho hồn con thằn lằn đại ngộ lần nữa. Muốn cứu độ hạng nào, phải hoà mình vào hạng ấy. Thích Ca đã từ chối ngôi báu, vì Thích Ca muốn hòa mình vào chúng dân, để cứu độ chúng dân. Hồn con thằn lằn muốn cứu độ lũ chuột thì hồn con thằn lằn phải hòa mình vào lũ chuột, đầu thai làm con chuột, về muôn vàn cạnh khía, thảy đều không khác gì với giống chuột. Chỉ khác có một chút xíu là trong tâm hồn của con chuột này có Đại Bi, Đại Trí và Đại Dũng mà thôi. Có được đại ngộ ấy, thằn lằn ta bèn đâu thai làm chuột.6 Bởi là do con thằn lằn đâu thai, nên khi chuột ta sanh ra, thì hình vóc còn mang máng giống con thằn lằn. Mẹ nó lầm tưởng là rồng. Bèn đặt tên cho nó là Long Thử.Long Thử lớn lên, có vẻ trầm ngâm, đạo mạo. Lời nó kêu chít chít nào, nghe cũng có ý nghĩa u thời mẫn thế. Một hôm nó gọi một bạn chuột lực lưỡng theo nó. Té ra, nó đã gặp được nơi góc tàu ngựa , một cái lục lạc to bằng quả trứng, nên về gọi bạn theo nó. Đến nơi, nó nằm ngữa ra, ôm lục lạc vào lòng, và bảo bạn cắn đuôi mà kéo, như là kéo xe vậy. Kéo nó tới đâu, thì tiếng lục lạc kêu lên rổn rảng. Mà bạn nó, vì cắn đuôi nó mà kéo đi chỉ nghe theo lịnh nó chít chít điều khiển, nên chẳng biết trước sẽ hướng vào đâu, thành ra không sợ sệt chi. Long Thử ra lịnh cho kéo đến lão mèo, tính đem lục lạc mà mang vào cổ lão mèo, như trước kia, lúc nó còn là hồn con thằn lằn, nó đã nghe nói vậy.Nằm một góc, lừ đừ, lão mèo nghe vang tiếng lục lạc. Bèn giương mắt nhìn, chẳng biết con gì, đầu chẳng thấy mặt mũi chi, chỉ thấy một cái vòi quơ qua quơ lại, để tìm phương hướng, lại có đến tám chân lại chổng lên mà nghỉ , mà kêu rống chẳng ngơi. Lão mèo quá sợ, nhảy phóc lên nóc nhà, kêu "miao!" rất là kinh hãi.Lũ chuột núp trong hang, nãy giờ thấy mèo rình, không dám ra. Con nào đói thì mau mau đi tìm mà ăn vụng. Một số đông lại bu quanh Long Thử , lên tiếng chê bai :- Việc này có gì là khó ? Ai mà nằm ngửa ôm lục lạc chẳng được ? Vì lối ăn cắp trứng ấy, chuột nào mà chẳng biết ? Chỉ vì mèo dại, thấy hai con chuột cắn đuôi nhau , lầm tưởng là con quái gì, mà sanh ra sợ thôi !Chẳng dè , nằm trên mái nhà, lão mèo nghe và hiểu tiếng chuột, lão nhìn xuống, thấy quả là Long Thử ôm lục lạc, nằm ngửa cho một chuột khác cắn đuôi; và cái mà lão lúc nãy tưởng đâu là cái vòi quơ qua quơ lại, thật sự, chỉ là cái đuôi chuột ! Lão vừa thẹn cho lão, vừa phục Long Thử đa mưu, vừa phát ghét lũ chuột vô ân, đã buông lời chê bai kẻ mới cứu mình khỏi nạn. Từ trên mái nhà, lão mèo phóng xuống, mỗi một tay hay chân, sè vuốt mà móc họng một chuột. 7Tất cả các chuột khác hoảng chạy tứ tán. Long Thử và bạn nó cũng giựt mình , hoảng hốt chạy theo , chun vào hang mà trốn. Chừng tinh thần định tỉnh lại lũ chuột bèn lập tòa án chuột để mà xử Long Thử. Long Thử bị buộc tội là Thử gian, làm chuột mà lãnh lịnh của mèo, hại loài chuột của mình. Bằng cớ là bấy lâu nay, lão mèo mỗi lượt chỉ móc họng được một chuột mà thôi; còn bây giờ, mèo và Long Thử toa rập, để cho mèo giết một lần đến 4 trự chuột. Nếu không nhờ Thử gian đồng lõa mà giúp , dễ gì mèo chụp một lượt đến 4 chuột ? Lời buộc tội quá hữu lý như vậy , đủ bằng cớ thiết thực như vậy , dễ gì Long Thử đem tâm tình của mình, một tâm tình vô hình, không biết tựa vào đâu mà chứng minh, để nói rằng mình chỉ có lòng cứu độ loài chuột, chớ chẳng có dạ phụng sự cho mèo để hại chuột ? Long Thử bị kết án tử hình. Điều này nó dễ chấp nhận, nếu nó phải đem cái chết của nó làm điều kiện, để cứu độ loài chuột, mà nó quá thương yêu. Song cái bản án của nó , "tội Thử gian", làm cho nó đau khổ vô cùng ; vì nó mang một cái oan vô tận, không ai giải cho được.8Lòng oan của nó xung lên, thành một vùng trở lực, tận đến cõi trời Đâu Suất. Ở cõi trần không thấy chi cả. Còn ở trên kia, trở lực ngăn cho Thần Tiên không lui tới được làm cho lưu thông phải nghẽn. Thần Tiên phải hội nhau lại , tính làm sao cho việc đại bất công này được giải, thì vũ trụ mới tuần hoàn theo trật tự. Bàn cãi rất lâu, Thần Tiên tìm ra được một biện pháp, là bấy lâu nay, người ta đếm mười hai chi (tí, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi) , thì mỗi chữ này vốn là trừu tượng, không có nghĩa gì; nhưng bắt đầu từ bây giờ, phải cho loài người hiểu rằng chữ đứng đầu tất cả, là chữ Tí, phải dành để cho Long Thử tượng trưng. Những đức tánh quý báu của nó, mà đặt ra làm chủ tể cho luân lý, thì vũ trụ mới vận hành điều hòa được.Từ ấy, hỏi đứa trẻ nào, nó cũng biết "tí là con chuột". Nhưng từ ấy nhẫn nay, loạn lạc vẫn kéo dài hoài; bởi loài người chưa giác ngộ, cứ lầm tưởng chuột ấy là thứ "chuột tham, sân, si" kia. Chừng nào, đứng đầu cho cuộc vận hành của vũ trụ là con Long Thử, con chuột học được, và hành được theo Bi, Trí, Dũng thì may ra , nguồn Thanh Bình mới khai được.