Quán chè chén của tôi đã hơn hai chục năm tuổi, từ hồi giá có 5 xu cho đến bây giờ 500 một chén. Tôi vốn là con của bố tôi, người được mẹ tôi, con gái quan Hoàng Trọng kính nể. Chỉ riêng việc sáng sáng bà thức dậy kính cẩn rửa chén pha trà cho chồng cũng đủ thấy bà coi bố tôi là bậc đại phu.

Tôi lớn lên lấy được tấm chồng cũng môn đăng hộ đối, lẽ ra quanh năm chỉ biết nội trợ tề gia nhưng đùng một cái đổi đời, đi làm viên chức ít năm rồi thành người bán quán. Ngôi biệt thự cổ của gia đình tôi thành khu tập thể thì tôi được chia lại một phòng tầng trệt và chỗ hàng hiên. Quán mở ở đó.

Hằng ngày, ông bán chuối rong, anh thợ sắt, bác công nhân làm đường hay chú thư viện cũng vài bận vào quán để ngồi. Người thì bắn điếu thuốc lào uống chén nước nóng, người làm điếu Bông sen, hay mảnh kẹo vừng, buôn thất nghiệp lãi quan viên cũng là đủ để nuôi con thờ chồng cho trọn.

Nhà đối diện với cổng trường Mỹ Thuật nên các cậu sinh viên ghé quán nhiều hơn cả và chính họ đã để lại cho tôi những ấn tượng trong câu chuyện này. Cậu A, cậu B, cậu C, cậu D và cậu N... những người học năm thứ nhất. Cậu nào cũng có một bảng gỗ dán to đèo ở sau bóp-ba-ga xe đạp, mặt giấy bồi trên đó vẽ hình hoa. bằng chì than quay ra ngoài và một cái bảng pha màu con con gọi là palét treo ở ghi đông. Tóc cậu nào cũng để dài, quần áo mặc có vẻ xộc xệch, đi guốc mộc, tay chân khẳng khiu gọi nhau là "mét". Trong câu chuyện tên các danh nhân nổi tiếng hay tên các trường phái hội hoa. được nhắc đến thường xuyên. Năm sau cái bảng của sinh viên khoá ấy đã bé hơn một tí, hình hoa. quay vào trong. Năm thứ ba thì không đèo bảng theo nữa, năm thứ tư thì số người đến trường vơi hẳn đi. Đến năm ôn thi tốt nghiệp lại trở về gần đủ nhưng hầu hết đều không còn nói những câu chuyện trước. Họ không mang sách vở, bảng gỗ... theo nữa mà mỗi cậu có thêm một cộ Cô M, cô T, cô O, cô Q và cô L... Các cô ngồi quán của tôi đợi các cậu hết giờ lên lớp ra đón. Cô nào cũng trẻ, cũng xinh, gương mặt ngời ngời hạnh phúc. Đôi nào đôi ấy yêu nhau thắm thiết đến mức người ngoài nhìn thấy phải chạnh lòng.

Các cô đều có vẻ mặt của con nhà lành nhưng nhiều khi chờ đợi các cậu suốt cả ngày, ăn uống vất vưởng như dân bờ bụi. Nửa năm đầu, mỗi ngày cô nào cũng ngồi với hai chén trà, sáng và chiều, nửa năm nữa thì các cô uống nhiều hơn và thời gian chờ trong một ngày cũng dài hơn. Chẳng mấy khi thấy các cô phàn nàn. Các khuôn mặt chờ đợi đầy vẻ héo hon, những đôi mắt đỏ lên đau đáu nhìn vào cổng trường, ấy thế mà trống tan trường là thay đổi, là lanh lợi hoạt bát hẳn lên. Các anh chàng cũng thế, chạy như bay từ trường ra đến với các cô, rồi đôi nào đôi nấy đèo nhau bằng những chiếc xe đạp cọc cạch toa? đi khắp phố phường. Cũng có hôm có đôi còn quay về quán xin ngồi trú mưa. Tôi đã đi ngủ còn nghe được những lời âu yếm gần sáng tỉnh dậy vẫn thấy câu chuyện của chàng nàng không dứt ở hàng hiên. Tôi được biết sau này tất cả các đôi đều đã lấy nhau. Người thì thành đạt, người còn vô định. Có cậu giờ đây nhìn tôi bằng nửa con mắt, tên của cậu ta tôi đọc thấy ở những tờ báo khách hàng đọc rồi bỏ lại quán, nghe nói cậu ta bây giờ nhiều tiền. Có cậu một thời chỉ đi kẻ vẽ khẩu hiệu, vẽ áp phích giờ cũng mở phòng tranh. Có cậu vẽ mẫu quần áo, có cậu là trưởng phòng, có cậu uống rượu nhiều đến mức thành danh nhân tửu quán...

Quán của tôi cũng thay đổi, từ lúc ghế băng, bàn gỗ ghép qua ghế đẩu bàn đá, rồi ghế nhựa bàn nhựa to đến ghế nhựa bàn nhựa đôi. Từ lúc kẹo bột kẹo vừng kẹo dồi bia Hà Nội rởm đóng chai đến bia hộp của hãng bia hàng trăm năm tuổi. Tóc tôi giờ chuyển từ một màu sang hai màu rưỡi. Chồng tôi đã trở về ở hẳn trong nhà, ngày ngày đọc sách như bậc thánh hiền.

Thi thoảng tôi có nhìn thấy các cậu và các cộ Có cô vẫn đẹp, hình như càng nhiều năm càng đẹp, cái đẹp đằm thắm, u uẩn nhưng hiền hậu. Có cô đã là hiệu trưởng, hiệu phó một trường đại học đã đi làm bằng xe máy xe hơi nhưng cái cô ngồi với cái cậu nửa đêm hôm đó ở hàng hiên nghe đâu lại sống một mình. Còn cái cậu cùng cô đêm ấy thì thi thoảng lại trở lại hàng hiên nhà tôi với một cô gái trẻ, bằng tuổi cô gái cái đêm ngày xưa ấy...

Quán của tôi người ta không uống bia nhiều, cũng không có hát xướng như chếch bên kia đường. Vẫn đôi khi có ông vá xe vào bắn điếu thuốc lào, vẫn các sinh viên năm thứ nhất thứ hai nhưng các cô các cậu hầu hết bây giờ tóc nhuộm và mặc "mốt" Hàn Quốc. Họ vào quán có khi chẳng để uống gì mà để nhìn nhau. Cũng có khi uống nhiều thứ như nước cam vắt, nước chanh muối, chè đi-mát, hồng- đào, lip-tông hay vương-mẫu- đơn... cũng được bày ra nhưng uống rồi không một ai không đòi thêm một chén nước chè. Tôi cũng thế, chồng tôi cũng thế, anh bảo dù lúc xa nhau đói khổ hay vấn vương những hạnh phúc mơ màng đã uống đến uýtki, cônhắc mà vẫn phải thèm thêm chén nước chè Thái.

Biệt thự này chúng tôi đã mua lại được cái quyền chính chủ, mà tôi vẫn không đóng cửa hàng. Mở quán không để kiếm tiền nuôi nhau nữa mà như là một thói quen, một số phận, một an bài thú vị mà thượng đế gửi tặng. Không phải chỉ vì cái quán như một con mắt đời nhìn vào thời gian và không gian, nhờ quán mà thấy được đổi thay nằm trong cái không thay đổi mà cái quán cho chúng tôi một liên hệ với nước chè.

Sáng sáng tôi đun nước pha trà như thực hành nghi lễ cho một ngày. Tôi rót nước từ cái ấm ủ ra chén cho một ai đó cũng giống như tôi dâng tặng cho họ, dâng tặng cho đời một đoá hồng. Dù bất cứ đó là ai, nghệ nhân hay chính khách, giàu có hay cầu bơ, dù thuỷ chung như nhất hay đã đa phương đa dạng đa đối tác... Nhờ bán quán chè chén mà tôi hiểu cuộc sống nó là như thế: Vận hành đi mãi, đổi thay ngày ngày, chỉ có thú uống chè chén là bất biến nếu một ngày ta quên, ta không được uống ta sẽ thấy lòng mình bồi hồi bâng khuâng khó tả.

Hết