Nhiều năm qua, mỗi lần kéo valise ra xe, đi phi trường, tôi thường tự hỏi: Di chuyển, phải đó là định mệnh mới, chính và, cuối, đời mình? Lần nào tôi cũng nghe được câu trả lời dứt khoát, mạnh mẽ, không. Tôi không hề có chung mơ ước với tác giả Vang Bóng Một Thời; khi ông cho thấy, ông rất tâm đắc với câu nói của một nhà văn tây phương, rằng, lúc chết, ông muốn người ta lột da ông, làm valise, cho ông được đi tiếp.

Tôi vẫn nghĩ, nếu được lựa, chọn, tôi chọn ở bền chặt, ở dài lâu một nơi chốn. Nếu được lựa, chọn, một ngày nào, tôi muốn báo, đền quê hương tôi, phần thịt, xương mục, nát của mình. Ngay nhúm da vô nghĩa, nếu không thành phân bón cho cây, cỏ; tôi cũng mong, chí ít, nó sẽ là thực phẩm cho côn trùng...

Mấy lúc gần đây, tôi chợt hiểu, tôi không chỉ nợ con người, đất nước, (mà,) tôi còn nợ rất nhiều côn trùng... Tôi biết, có người sẽ khó nhịn cười, khi nghe tôi, khẳng định: Côn trùng, (thú vật nữa,) là những người bạn thân thiết nhất của tôi, suốt thời thơ ấu!

Nhiều năm qua, mỗi lần kéo valise ra xe, đi phi trường, tôi thường tự hỏi: Di chuyển, phải đó là định mới, chính và, cuối đời mình? Lần nào, tôi cũng nghe được câu trả lời dứt khoát, mạnh mẽ, không...

Tôi vẫn nghĩ, nếu được lựa, chọn, tôi chọn ở bền chặt, ở dài lâu, một nơi chốn...

Như vừa qua, khi kéo chiếc valise lên xe của N., ra phi trường John Waynes, chờ chuyến bay đi Hoa Thịnh Đốn, tôi trực nhớ, cách đây đúng một tuần, chuyến bay từ Sydney mới thả tôi xuống phi trường LAX. Khả năng tự điều chỉnh giờ giấc, điều chỉnh thân, tâm với mỗi nơi chốn, trong tôi, chưa thích ứng; tôi lại giam, nhốt tôi trong một chuyến bay đằng đẵng, khác.

Lúc được mời lên lên sân khấu, phát biểu, đầu óc, máu huyết tôi còn bồng bềnh, nhập nhoạng Sydney, Blue Mountain, Melbourne, Yra, Garden Grove, Westminster, Cleveland, Falls Church...

Tôi tự hỏi, phải xu hướng định cư, xu hướng bền chặt... (nên,) trước mấy trăm thân hữu, cuộc họp mặt ở Hoa Thịnh Đốn, tôi nói: Nơi chốn, tự nó không có một giá trị, một ý nghĩa nào, nếu không có con người. Chính con người cho nơi chốn một linh hồn, một trái tim, và từ đó, nơi chốn mang ít, nhiều ý nghĩa... "

Tôi nói, chính những người có mặt ở đấy, đêm đó, đã cho Hoa Thịnh Đốn, một linh hồn, một trái tim.

Và, một trong những nơi chốn, tôi mơ ước trở lại, khao khát được sống với, là Hoa Thịnh Đốn...

Nửa đêm, tôi mang niềm mơ ước được sống với một số nơi chốn, cùng tôi, lên xe Phó Ngọc Văn. Nửa đêm, mơ ước về một nơi chốn, cùng tôi, trôi trong biển sương mùa, Virginia, mùa đông.

Trôi cùng tôi, còn là hình ảnh những pho tượng trắng co ro, ké né cạnh những gốc phong cổ thụ, trơ xương, và, con suối đóng băng, chẻ đôi cánh rừng, sau lưng ngôi nhà Nguyễn Mạnh Hùng, đường Wynford.

Trôi cùng tôi, còn là những bờ, luống kỷ niệm Victoria, tươm, nóng lênh đênh. Trôi cùng tôi, còn là ngọn đèn, tiếng hát, căn phòng Melbourne, lỗ mỗ thương yêu, loang lổ ký ức.

Trôi cùng tôi, còn là những ngọn nến, đêm, sông Hương, rằm tháng Bảy, (với Hạnh, xưa,) khi ngược chiều xa lộ 95, là những đôi mắt xe, bập bềnh, trôi, chậm. Trôi cùng tôi, còn là câu thơ mới của Phó Ngọc Văn: Chẻ đôi xa lộ, bỗng sầu tự nhiên...

Tôi không nghĩ Phó Ngọc Văn chỉ muốn đọc tôi nghe, câu thơ kia, như một bộc bạch tâm sự Văn, những năm, tháng gần đây. Tôi nghĩ, có thể, Văn muốn chia sẻ với tôi, những chia cắt, đứt lìa tự nhiên, tựa đó mới chính là khuôn mặt đích thực đời sống. Tôi nghĩ, bạn tôi, có thể, muốn nhắc nhở, dẫu cho chúng tôi có gánh, vác trên vai, mối sầu muộn nào, (thì,) cũng là lẽ đương nhiên, thường hằng của mỗi con người. Mối sầu, (sự phiền muộn) dường không còn là loại xa xí phẩm, đồ trang sức cần thiết cho tâm hồn, thuộc riêng một giới nào nữa. Nó không còn thuộc về một chiếc linh hồn nhỏ / mang mang thiên cổ sầu, như hế hệ đàn anh của chúng tôi. Thế hệ Huy Cận.

Bất hạnh, (khuyết tật,) tôi nghĩ, đã là tấm thẻ nhận dạng của thế hệ chúng tôi, cùng nhiều thế hệ kế tiếp.

Bất hạnh, (khuyết tật,) như tình yêu, giúp chúng ta trưởng thành; đồng thời giúp thế hệ sau, sống được, sống cùng, lớp trước.

Tôi biết, tôi đã mang câu thơ bạn tôi, đi xa, quá xa chiếc bóng nó. Bởi vì khi bạn tôi viết chẻ đôi xa lộ, bỗng sầu tự nhiên, có dễ, nó chỉ có nghĩa: chẻ đôi xa lộ, bỗng sầu tự nhiên thôi. Chính tôi, đúng vậy, chính tôi phá hỏng chữ tự nhiên (mà,) tôi thích.

Tôi cho là đáng kể nhất trong câu thơ đó.

Nhưng, tôi cũng tin, bạn tôi đủ rộng lòng, xóa bỏ lỗi tôi; như Hoa Thịnh Đốn, đủ bao dung, để tha thứ, cảm thông tôi, một khi Hoa Thịnh Đốn biết, giữa Virginia, (mà,) tôi nhớ biết bao, Melbourne.

Nhiều năm qua, mỗi lần kéo valise ra xe, đi phi trường, tôi thường tự hỏi: Di chuyển, phải đó là định mệnh mới, chính và, cuối, đời mình? Lần nào tôi cũng nghe được câu trả lời dứt khoát, mạnh mẽ, không...

Nếu được lựa, chọn, tôi chọn ở bền chặt, ở dài lâu, một nơi chốn. Thí dụ, Melbourne.

Tôi trở lại Melbourne, sau mười hai năm.

Mùa hè, Melbourne, thành phố vẫn nhận được những cơn mưa bụi vào sớm mai, buổi chiều, hay cuối khuya kia, nhưng chẳng nhờ thế (mà,) nó không khô, cháy cuống họng vì mùa hè, chói gắt đường phố.

Mùa hè, Melbourne, mười hai năm gặp lại, đã mở lớn cánh cửa tình yêu thứ nhất, dành cho tôi, như sự dang rộng đôi tay nhung lụa của người mẹ (thay vì cha) mừng đón đứa con hoang đàng trở về.

Melbourne, mười hai năm gặp lại, đã mở hết cánh cửa tình yêu, mùa hè, cho tôi, sớm hôm, đời khác. Ngay cả mùa hè, có như ai đó, (phải chăng, Phạm Duy,) cho rằng, chúng ta chỉ có một mùa hè thôi... , (thì,) nó cũng đã là một ân sủng, một tặng phẩm lớn lao, tôi không hề mơ tưởng, nhận được từ Thượng Đế.

Melbourne, mùa hè, mở cho tôi cánh cửa mang tên Hà Công Phúc, Lê Văn Thanh, Hồ Công Lộ, Nguyễn Thuyên... những con người quá mức thiết tha với Việt Nam; những trái tim qúa mức mẫn cảm với tổ quốc.

Melbourne, mùa hè, mở cho tôi cánh cửa, bước vào ngôi nhà Lê Thanh Cảnh. Nơi tôi không chờ đợi được thấy dáng ngồi rất Serenata, được nghe tiếng đàn (hay nỗi lòng) rất Serenade, từ những ngón tay mười chín, hai mươi, chạy trên phiếm dương cầm của một giáo sư piano, là chị Cảnh. Cùng với mưa (như bụi,) rơi bên ngoài tòa lâu đài, tôi cũng cũng không chờ đợi được nghe Giáo sư Nguyễn Xuân Định, nói về ngữ pháp, và, nhất là, tiếng hát rất Anh Ngọc, của ông.

Melbourne, mùa hè, mở cho tôi cánh cửa, bước vào ngôi nhà của một Trần Quốc Đông, người bạn thời niên thiếu.

Cùng với mùa hè Melbourne, Đông cho tôi những chăm sóc chu đáo, những lo lắng tế nhị, những thăm hỏi, nhắc nhở dịu dàng... Như thể tôi không phải là thằng bạn thời niên thiếu của Đông; (mà,) tôi là đứa em út, thất lạc bao năm, bỗng không Đông tìm lại được...

Tôi nghe lòng mình mềm, sũng với cảm tưởng, vợ chồng Trần Quốc Đông muốn chăm chút, đền, bù cho đứa em út kém may mắn... Và, tôi đã thọ, hưởng một cách tận tình, hạnh phúc, những tình cảm này, từ bạn. (Tuồng ngay tôi, cũng thấy tôi là đứa em út thiếu may mắn của vợ, chồng Đông vậy.)

Cũng tại tòa nhà mới mua của Đông, mùa hè, Melbourne, tôi được nghe, biết bao tiếng hát. Tôi thọ, hưởng biết bao thương yêu; nhất là tấm lòng, tiếng hát Hương-Thuận.

Tôi muốn nói với Hương-Thuận, đừng cho tôi thêm nữa, thương yêu. Đừng cho tôi thêm nữa, trên ngọn tình sầu; k. khúc của lê; ơn em; trong tay thánh nữ, có đời tôi...

Đừng cho tôi thêm nữa, chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời; đêm, nhớ trăng saigòn, người về như bụi; hãy bảo tôi; em ngủ trong một mùa đông,...

Cũng trong tòa nhà của Đông, tôi muốn nhờ Hương-Thuận, nói với người con gái, dừng cho tôi thêm nữa: ngày dù xa khơi có luyến tình người - giọng buồn không vơi sẽ tắt nụ cười - một ngày yêu nhau, buồn cho chín kiếp thương đau - rồi về mai sau, có nhớ tình đầu - ngày buồn không vơi, chắp nối hận sầu - một ngày xa nhau - chỉ còn thương đau - chỉ còn thương đau...

Duyên Thề, phải đó là nhan đề ca khúc? Tôi cố để không nói với Hương-Thuận, với người hát rằng, đó là bài hát đã ở với tôi, khi tôi còn tấm bé. Ca khúc mà người anh thứ hai của tôi, (anh Dư,) cuối năm 1954, từ chối di cư vào Nam; trước khi lặng lẽ bỏ nhà, bỏ Hà Nội, một mình trốn về Hà Nam, tìm lại ngôi nhà chôn nhau cắt rốn, từng hát, từng tặng lại chị Quy tôi, như kỷ niệm (tường chừng duy nhất, cuối cùng, cho một chia tay chị, em, vĩnh viễn!)

Melbourne, mùa hè, mở cho tôi cánh cửa tiếp xúc với những người trẻ đặc biệt của Victoria.

Như Quốc Tuấn, đã làm tôi bất ngờ, tới ngỡ ngàng, khi trên sân khấu Happy Receptions, Quốc Tuấn hát Dòng suối trăm năm. Tôi không chờ đợi Tuấn yêu thích bài này. Tôi càng không chờ đợi Tuấn hát nó. Vậy mà, Tuấn đã hát. Tuấn hát với tất cả trân trọng, tấm lòng gửi vào những vết thương tôi, e nhiều đời khôn khép miệng.

Chẻ đôi sông, núi: kênh, mương cạn / đêm quấn khăn vào sâu ấu thơ / chẻ đôi thân, thế: mù tăm tích / ta nghĩa trang nào chôn cất nhau?

Không! Tôi không chờ đợi, điều đó. Cũng như tôi không chờ đợi, nghe tâm sự của Trần Quốc Hùng, người lính, người tù cải tạo, (luật sư hôm nay,) sau hai mươi sáu năm bặt tin nhau, nơi quê người.

Tâm sự hay, mối tình đầu đời của Hùng, với Lê Thị Kim Hường Trâm, cháu ruột của tôi? Tâm sự hay, niềm ngậm ngùi, nỗi bất hạnh (tật nguyền) của thế hệ Hùng và Trâm?

Tôi không biết tôi phải chọn điểm đứng nào giữa hai đầu tan vỡ?

Bây giờ Trâm đã có gia đình. Hùng cũng vậy.

Tôi chỉ có cho tôi, xúc động. Tôi nghe gai ốc trên da thịt, từng hồi. Tôi điếng lặng, nghe Hùng kể, trong một lá thư nào đó, Trâm thẳng thắn cho Hùng biết, hãy quên Trâm đi. Thời gian, khoảng cách, quê người đã biến Trâm thành một kẻ khác, từ tâm hồn tới hình hài! Trâm thực tế, Trâm mặt đất... như bất cứ một người phụ nữ Việt Nam nào, khi bước ra từ cái melting pot của xã hội Hoa Kỳ...

Và, Hùng, một mình, đi tiếp con đường lý tưởng thời tuổi trẻ. Hùng, một mình, đi tiếp con đường Hướng Đạo, con đường Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc...

Bây giờ, mỗi ngày, với bút hiệu Quốc Việt, Hùng gửi tấm lòng, trái tim nước non của mình, trên làn sóng SBS, Victoria...

Sau khi chia tay Hùng, tôi chợt nghiệm thấy: Nếu có những giọng nói có khả năng mang chúng ta bay thẳng tới tương lai, thì cũng có những giọng nói, tự thân, có âm lực ném trả chúng ta, ngược về quá khứ.

Qúa khứ, gần ba chục năm. Qúa khứ, ngôi nhà, Trương Minh Giảng. Qúa khứ, Huế, Quảng Trị, Vũng Tầu, Thị Nghè... Qúa khứ, những ngày chinh chiến một thời của Hùng, và Hường Trâm; và tôi, hôm nay, tật nguyền (trong nghĩa nào,) trước mối tình của họ!

Qúa khứ, tôi nghĩ, nếu muốn, tự nó cũng có thể làm lấy cho nó một buổi kỷ niệm, mang tên ba mươi năm. Như người ta thường tổ chức những buổi kỷ niệm... ba mươi năm lấy nhau vậy!

Nhưng, nồng nàn trên mọi nắng, gió; sâu, lắng dưới mọi bất hạnh (tật nguyền,) Melbourne, mùa hè, đã mở cho tôi cánh cửa bé dại; cho tôi gặp lại những người bạn côn trùng, thời thơ ấu.

Đó là người con gái tên K., từ hàng ghế khán giả, đứng lên, xúc động hỏi tôi về con dế trong Trên ngọn tình sầu.

Trên sân khấu Happy Receptions, mười hai năm, gặp lại, tôi nói, tôi là đứa trẻ không may mắn. Với một bàn tay, có tới sáu ngón tay, tôi không chỉ tật nguyền tinh thần, như nhiều người thế hệ tôi, mà, tôi còn tật nguyền thể chất nữa...

Tôi nói, tuổi thơ tôi, giới hạn trong khu nhà của gia đình tôi, ở Phủ Lý. Tuổi thơ của tôi, quanh quẩn với mẹ, chị vú, u già, người chị gái sát tôi... Bạn tôi là... côn trùng, cùng nhiều sinh vật nhỏ bé, khác...

Tôi kể tên những người bạn tôi thời thơ ấu. Tôi nói, họ có tên là cào cào, châu chấu, dế cơm, dế trũi, dế đá...

Tôi kể tên những người bạn tôi thời thơ ấu. Tôi nói, họ có tên là ếch, nhái, chuột bạch; chim sẻ, chào mào, chim sáo... Tôi nhắc tới tên cá đuôi cờ, cá rô, cá bò, cá trê, cá chép...

(Những con cá tôi lấy trộm từ mỗi mẻ cá mẹ tôi mua từ chợ hay, người ta mang đến tận nhà... Tôi thả bạn tôi vào những chum, vại chứa nước mưa. Tôi cũng thả các bạn tôi vào bể nước lớn... Nơi hàng năm, tới mùa mơ chín, mẹ tôi mua mơ về, ngâm muối, làm ô mai cung cấp cho các đại lý...

Các Bạn tôi, dù khỏe như cá bò, cá trê, dù tôi có lén thăm nom, thả cơm cho bạn hàng ngày, thì, cuối cùng, bạn tôi vẫn bỏ tôi đi! Bạn tôi vẫn... chết.

Sự bỏ đi vĩnh viễn của các bạn tôi, dĩ nhiên chỉ khiến một mình tôi buồn. Nhưng ngặt nỗi, cái chết của các bạn tôi, lại làm tanh, thối bể nước, chum, vại... Với chum, vại còn dễ, chúng nhỏ thôi; nhưng cực nhất, phiền phức nhất, là sự xúc bể... Những người làm của mẹ tôi phải dùng bàn chải cứng kỳ cọ thành và, đáy bể trước khi đổ nước mới vào, ngâm nhiều ngày... và, cứ thế, cho đến khi bể nước thực sự hết mùi...

Tôi nghĩ, mẹ tôi biết tôi là thủ phạm chứ! Nhưng lần nào bà cũng la toáng lên. Bà làm bộ hỏi u-già, chị vú của tôi, biết đứa nào thả cá vào hồ, chỉ cho bà, bà sẽ, đánh cho nó một trận... nên thân... cho nó chừa!

Lần nào, tôi cũng trốn sau các vựa lúa, hoặc chạy băng qua mấy chiếc sân lớn, tới khu đất bán đồ xây cất... Tôi làm bộ tha thẩn đứng nhìn mấy dây thiên lý bò dọc theo bờ tường, như thể chẳng một liên hệ mảy may gì tới những xáo trộn, ồn ào kia!...

Trên sân khấu Happy Receptions, tôi trả lời K., khi tôi viết con dế buồn tự tử giữa đêm sương... , ý tôi chỉ muốn nói, tôi không có tuổi thơ, hay tuổi thơ tôi bị thắt cổ chết một cách tức tưởi, âm thầm, không ai hay biết, chẳng ai buồn để ý...

Tôi đâu ngờ, sự thành thật, như một đền đáp của riêng tôi, trước lòng chân thiết của những người trẻ ở Happy Receptions, như Hồng Liên, Đinh Hương, Tuấn Kiệt, Xuân Hùng, Nghiêm Lệ, Anh Đào... lại khiến K. bưng mặt khóc suốt...

Nếu Anh Đào không kể lại, tôi đâu biết, câu trả của tôi, làm K. nhớ lại người chị, vài năm trước, một đêm, cũng tự tử bằng cách... thắt cổ.

Tôi không biết, liệu có liên hệ gần, xa nào giữa con dế buồn... trong thơ tôi và cái chết của người chị của K.(?) Vì, khi tôi hỏi Anh Đào, K. đâu? K. đâu rồi? Thì Anh Đào bảo, cô đã bỏ về ngay lúc chương trình vừa chấm dứt. Lúc mọi người bận rộn, tíu tít chụp hình, chụp ảnh với tôi, trên sân khấu!

Nhưng một chuyện cũng liên quan tới những người bạn tôi thời thơ ấu, tôi biết rõ, nhờ nhân vật trong chuyện, còn sống, sau này, trở thành bạn tôi, là Nguyễn Vũ Nhã. Nhã kể, những năm đầu tỵ nạn, một đêm, cuối thập niên 70, ở San Jose, khi tuyệt vọng như những cánh tay bạch tuộc, chặn bít mọi nẻo đường sự sống, Nhã quyết định bước vào ngõ hẹp duy nhất (mà,) tuyệt vọng chừa lại cho Nhã là: tự vẫn!

Trước khi uống thuốc, tự kết liễu đời mình, Nhã viết nguệch ngoạc mấy chữ vào tấm napkin, nơi bàn ăn: con dế buồn tự tử giữa đêm sương...

Nhã kể, sớm mai, các bạn chung nhà, không thấy Nhã dậy để chuẩn bị đi học, lại tình cờ đọc được dòng chữ nguệch ngoạc của Nhã, họ chạy lên lầu, xô cửa phòng Nhã...

Khép lại một trong những chương sách buồn bã nhất đời mình, Nhã gượng cười, bảo tôi, Nhã đâu ngờ, chính con dế, (một trong những người bạn tôi thời thơ ấu, đã tự tử trong thơ tôi,) lại là kẻcứu mạng Nhã.

Sau này, trong bài Thơ từ note book tháng 12-96 hay những cám dỗ của nửa sự thật, bên kia, đề tặng Nguyễn Vũ Nhã, có đoạn, tôi viết:

ngọn đèn cám dỗ tôi / bằng ly nước, những viên thuốc độc và, quyết định tự tử của con dế / em cám dỗ tôi / bằng bước trở lại / (của chính tôi) / từ bên kia cánh cửa thần chết /... (#1)

Nhưng, nồng nàn trên mọi nắng, gió; sâu, lắng trên mọi bất hạnh (tật nguyền,) Melbounre, mùa hè, cũng đã mở cho tôi cánh cửa tuổi trẻ, với Kiệt, Hùng, Chí Thượng, Thanh Trúc... Ở chương trình phát thanh mang tên VVV...

Từ những người trẻ này, một người trẻ, có dễ trẻ nhất, trong số họ, bước ra, hỏi tôi có đọc The Thorn Birds, của Colleen McCullough? Cô bé hỏi tôi, có đọc Hermann Hessẻ Câu chuyện dòng sông?

Tôi nói, có. Có chứ. Chẳng những tôi đọc, mà nó còn là một trong những cuốn sách tôi thường mang theo, trong những chuyến đi dài ngày.

Tôi nói và, chỉ cho cô bé thấy những đoạn tôi gạch dưới. Chẳng hạn đoạn đối thoại giữa Meggie và cha Ralph, nơi chương thứ 16:

"... Her hand stole along his bare arm, tenderlỵ ?Dear Ralph, I do see it. I know, I know... Each of us has something within us which won?t be denied, even if it makes us scream aloud to diẹ We are what we are, that?s all. Like the old Celtic legend of the bird with the thorn in its breast, singing its heart out and dying. Because it has to, it?s driven to... Everyone singing his own little song, convinced it?s the most wonderful song the world has ever heard... All we can do is suffer the pain, and tell ourselves it was well worth it.? " (#2)

Tôi trả lời cô bé, cùng lúc nhận ra, cô cũng chính là người hát Duyên Thề, buổi tối, trong ngôi nhà Trần Quốc Đông.)

Tôi nhớ, khi đọc truyện này, tôi rất thích những đoạn cậu học trò Tất Đạt, ngây ngô trong vòng tay ái ân lão luyện của kỹ nữ Kiều Lan... Tôi cũng rất thích cái theme hay cái manifesto (theo cảm nhận của tôi,) khi Hermann Hesse nhấn mạnh ý niệm mọi tìm kiếm chân lý, chỉ có thể thực hiện được bằng sự kinh qua bản thân, chính mình. Nó không thể từ kẻ khác; dù người ấy là Đức Phật...

Bởi, một khi phải dùng tới ngôn ngữ, để truyền đạt, thì ngay Đức Cồ Đàm cũng phân chia sự vật, ý niệm thành nhiều phần, dạng khác nhau. Trong khi chân lý, đại ngã, thậm chí hòn đá, là một -- là hòn đá, vậy thôi...

Tôi nhớ, tôi đã không thấy cần thiết hỏi tên, địa chỉ, hoặc số điện thoại của cô bé. Vì cô bước ra từ đám người trẻ nhất, tôi được tiếp xúc, sinh hoạt, sống cùng, như Kiệt, Hùng, Chí Thượng, Thanh Trúc, nên tôi gọi cô là Thanh Tịnh. Và, tuồng, cô cho tên gọi, chỉ là chuyện nhỏ.

Phải, tất cả chỉ là chuyện nhỏ, khi chúng tôi có thể nói chuyện với nhau, về những chuyện (tưởng chừng) ghê gớm, lớn lao hơn...

Như khoảng cách chỉ một đường tơ mơ hồ giữa chính, tà, một trong vài theme lớn của truyện Kim Dung. Như tính tri kỷ tới não lòng (bất nhân?) của đôi bạn Khúc Dương / Lưu Chính Phong trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Thanh Tịnh hỏi tôi có chú ý tới sự bình thản của Lưu Chính Phong, khi tiếp nhận tin con ông bị giết?

Thanh Tịnh hỏi tôi, có quan tâm đoạn Cha Ralph trong The Thorn Birds, thú nhận với Cha Bề Trên: ông thấy mình là kẻ tội lỗi -- Thì, Cha Bề Trên bảo cha Ralph rằng, con người, dù là ai, cũng không thể xét tội mình...

"Vì phán xét là quyền của Chúa. Chỉ riêng Chúa mới có quyền năng ấy."

Chuyện nhỏ! Nhỏ thôi. Nhỏ quá đi chứ, khi cô cho tôi biết, cô đã đọc vì em, tôi đã làm sa di; tiếng kêu nào / bên kia thời tiết /; tôi, ấu thơ và, mẹ; ở chỗ nhân gian không thể hiểu...

Nhưng tôi không biết, có phải là chuyện nhỏ chăng, khi cô nêu vấn đề kiếp khác, đời sau theo quan điểm Phật giáo, và sự phủ nhận tin tưởng này, theo Ky Tô giáo...

Cô nêu vấn đề Việt Nam, đất nước sau 1975...

Trở lại California, với nợ áo, cơm, đời thường, đọc lại Câu Chuyện Dòng Sông, The Thorn Birds, Tiếu Ngạo Giang Hồ... ; nhớ lại những phát biểu bất ngờ của Thanh Tịnh, những câu nói / hỏi (cũng đầy bất ngờ Thanh Hồng, Hương Thuận, Chí Thượng, Kiệt, Hùng, Thanh Trúc... Ở Melbourne, mùa hè, tôi càng nghiệm ra: Tên gọi hay, bất cứ một danh từ, một lý thuyết, một nhân danh nào, xét tới rốt ráo, cũng chỉ là... chuyện nhỏ.

Đúng vậy! Chuyện nhỏ!

Qua Thanh Tịnh, qua các tác phẩm, tôi thêm hiểu rõ, đạo đức, chân lý nào cũng đều có đủ, hai mặt. Như Tất Đạt nói với Thiện Hữu rằng, thế giới

... Hoàn hảo trong mọi giây phút, mọi tội lỗi đều mang theo với nó sự ân xá, mọi trẻ con đã là những ông già tiềm tàng, mọi mầm non đã sẵn mang chết chóc, và trong mọi người hấp hối, đã có sự sống vĩnh cửu. Một người không thể nào thấy được người khác đã đi bao xa, đức Phật hiện hữu trong kẻ trộm cướp và tay bạc bịp. (... ) Bởi thế đối với tôi dường như mọi sự vật hiện hữu đều tốt cả - chết cũng như sống, tội lỗi cũng như thánh thiện, khôn ngoan cũng như điên rồ... (#3)

Trở lại California, với nợ áo, cơm, đời thường, những lúc dành giựt được từ bàn tay khắc nghiệt ngày, tháng dăm mụn, miểng thời gian thư thả, tôi lấy làm tiếc, đã không nói được với những người trẻ, với Thanh Tịnh, mùa hè, Melbourne, những suy nghiệm mới của mình.

Chẳng hạn, tôi cho rằng, người ta không chỉ học được nhiều điều, từ kho kinh nghiệm của những người từng trải, mà, người ta còn học được rất nhiều điều, từ những trong sáng, tinh khiết nữa.

Chẳng hạn, tôi cho rằng, khi Tất Đạt hay, Hermann Hesse còn đặt vấn đề đại ngã, sự không có thời gian, vì chỉ có cái duy nhất là hiện tại, hiện hữu, thì, mặc nhiên, ông đã làm một so sánh, hay liên tưởng tới tiểu ngã, quá khứ, tương lai...

Bởi, cũng ông, chính ông nói, khi chúng ta còn phải dùng tới văn tự, ngôn ngữ để truyền chân lý, thì tính giới hạn, nhị nguyên cũng đã có mặt trước khi văn tự hay, ngôn ngữ được sử dụng...

Tôi nghĩ, có dễ, chúng ta chỉ nên tự hỏi mình: Chúng ta có đang thực sự sống (?) Và sống thế nào? Sống với một đấng thiêng liêng, (tôi gọi là Đấng Một,) hay mình ên, ngoài vũ trụ?

Ngay vấn đề huyết thông, tương quan cha mẹ, con cái, tình yêu, vợ chồng, tôi cũng muốn kể với các bạn trẻ, với Thanh Tịnh rằng, tôi đọc được đâu đó, những câu hỏi (nhắc nhở?) đại loại:

-Chẳng qua, chúng ta đã không chịu nhận chân sự thật: Những đứa con chỉ mượn cửa ngõ cha mẹ, để với dạng con người, chúng tiếp tục nghiệp chúng?

Hoặc:

-Qua nhiều đời kiếp, thế hệ, chúng ta vẫn không đủ ngay thẳng, công bình, để nhìn nhận rằng, việc sinh thành ra những đứa con, từ chúng ta, cũng chỉ là một thứ nghiệp, (mà,) chúng ta phải trả, vậy thôi!...

Nhiều năm qua, mỗi lần kéo valise ra xe, đi phi trường, tôi thường tự hỏi: Di chuyển, phải đó là định mệnh mới, chính và, cuối, đời mình? Lần nào tôi cũng nghe được câu trả lời dứt khoát, mạnh mẽ: không...

Tôi vẫn nghĩ, nếu được lựa, chọn, tôi chọn ở bền chặt, ở dài lâu một nơi chốn. Nếu được lựa, chọn, một ngày nào, tôi chọn báo đền quê hương tôi, phần thịt, xương mục, nát của mình. Ngay nhúm da vô nghĩa, tôi cũng mong, nếu không thành phân bón cây, cỏ; chí ít, cũng sẽ là thực phẩm cho côn trùng.

Mấy lúc gần đây, tôi cũng chợt nhận ra, tôi không chỉ nợ con người, đất nước; (mà,) tôi còn nợ rất nhiều những người bạn tôi, thời thơ ấu...

Và, hôm nay, tôi lại cảm nghiệm thêm (rằng,) tôi đã nợ mùa hè, Melbourne...

Một trong những nơi chốn, tôi sẽ chọn ở bền chặt, ở dài lâu, nếu được phép.

Nhưng trên tất cả, tôi nghĩ, chung quy, vẫn là cái nghiệp và, sự kỳ diệu của bàn tay Đấng Một.

Như con dế tôi bắt nó phải tự tử (trong thơ tôi, cách đay nhiều chục năm) âu cũng là nghiệp của nó!

Như mùa hè, Melbourne, những cánh cửa, đêm, tiếng hát, mưa, tôi và những người bạn tôi, thời thơ ấu, lại đang nắm tay nhau, bước vào nghiệp, khác?

Chú thích:

(1-) Hoa Nào Tin Quả Đắng Đến Không Ngờ! / Flowers Can?t Believe Fruits Would Grow That Bitter! Du Tử Lê, Song ngữ. Tủ sách văn học Nhân Chứng, Calif., Mar., 1999.

(2-) The Thorn Birds, C. McCullough, First Avon Printing, New York, June, 1978.

(3-) Câu Chuyện Dòng Sông, Hermann Hesse, Bùi Giáng Dịch, Chùa Khánh Anh, Bagneur, Pháp, XB, 1985.

Du Tử Lê

(Calif. Feb. 2002)

Hết