Ngày xưa, có một thiếu nữ con nhà khuê các, không hiểu vì duyên cớ gì mà cạo đầu đi tu rồi lặn lội qua Tây phương tìm Phật. Trải qua rừng sâu núi hiểm, thân gái một mình, nàng chịu biết bao gian nguy cực khổ. Thấy nàng mộ đạo, đức Thích Ca hóa ra người ăn xin để thử lòng nàng. Người ăn xin ấy nhờ nàng cho gói cơm khô duy nhất của nàng mang theo để ăn đỡ đói. Nàng cám cảnh nghèo khó của người ăn xin, bèn niềm nở cho cả gói cơm khô của mình. Phật động lòng nên trước khi từ biệt, có truyền cho nàng bốn câu kinh và dặn rằng khi nào gặp tai nạn thì niệm lên, tứ c nhiên sẽ gặp sự may mắn. Một hôm, trời đã về chiều, chân mệt mỏi, nàng lạc vào giữa đám rừng âm ụ Bỗng trước mặt xuất hiện lờ mờ một ánh đèn trong túp lều tranh bên sườn vắng. Nàng hối hả rảo bước đến gõ cửa xin trọ lại đêm. Có tiếng lanh lảnh trong lều đưa ra, rồi tiếp đến tiếng cười giòn giã. Mụ Chằng vốn hay ăn thịt người nên khi đánh hơi thấy nàng thì vội vã nhe nanh nhọn chơm chởm phá lên cười để toan nuốt sống nàng. Nàng bèn niệm lên bốn câu kinh: Thiên la thần, địa la thần, Nhân ly nạn, nạn ly thân, Nhất thiết tai ương, hóa vi thần, Nam mô A di đà Phật! Tức thì mụ Chằng sợ hãi đến trước mặt nàng mà năn nỉ. Liền đó, ở ngoài có tiếng gào thét làm chuyển động cả khu rừng. Đó là con của mụ Chằng sắp về, cũng ghiền thịt như mẹ nó. Chằng con vừa bước vào nhà đã đánh hơi mùi thịt. Khi thấy nàng núp trong buồng, Chằng con lôi ra toan nuốt sống. Nàng nhắm mắt đọc kinh. Bỗng Chằng con thấy ruột gan như bị cào xé, tay chân rụng rời. Chằng con năn nỉ nàng, rồi sau khi nghe nàng thuyết pháp, Chằng con muốn chuộc tội đầy dẫy của nó, bèn móc ruột, lấy trái tim nhờ nàng đem dâng Phật, rồi ngã lăn ra chết. Sáng hôm sau, nàng buộc quả tim vào hành lý rồi nhắm hướng Tây mà đi mãi. Đi độ năm bảy ngày, quả tim sình lên mùi thối, nàng bèn vứt nó vào bụi rậm. Qua nhiều ngày gian lao, vất vả, ni cô trông thấy thấp thoáng trước mắt ánh sáng chói lòa trên nóc điện vàng ròng xứ Phật. Càng đi đến gần, mùi hương ngào ngạt của Tây phương tỏa ngát trên đường đi. Mặc dầu gần đuối sức, ni cô dấn bước mau, tới gần thành Cực Lạc. Đến cửa ngọc đi vào đất Phật, ni cô đã kiệt sức, đưa tay lên gõ, cửa vẫn khép chặt. Gõ mạnh, thì thấy một vị Bồ tát hiện ra trước mặt mình chói lòa hào quang, lên tiếng hỏi: "Nam mô A di đã Phật! Chúng sinh lòng tưởng tới Phật mới xa xôi lặn lội tìm tới Tây phương. Vậy chẳng hay dọc đường có ai nghĩ tới Phật nữa không?" Ni cô bèn đem chuyện Chằng con gửi trái tim mà kể lại. Bồ tát bảo rằng cửa Phật chỉ mở khi nào ni cô mang đến trái tim đã hứa dâng cho Phật. Nghe thấy vậy, ni cô nức nở khóc, thưa rằng mình không còn sức quay trở lại tìm kiếm trái tim đã vứt dọc đường. Bồ tát mới nói rằng: "Nếu vậy thì ta sẽ cho ni cô đôi cánh để bay cho khỏi mệt". Thế rồi Bồ tát niệm một câu kinh, tức thì ni cô biến thành một con chim. Cô gái đang đội mũ đen ni cô nên đầu hóa đen, mắt vừa khóc hóa đỏ, và bộ quần áo nâu thành bộ lông màu đà. Từ đó con chim bay đi tìm trái tim, hết lùm nọ đến bụi kia, thỉnh thoảng lại kêu lên than vãn: "Tội nghiệp! Tội nghiệp!" mà không bao giờ kiếm ra vật Chằng con đã giao phó cho nàng dâng lên Phật. Do tiếng kêu của con chim màu đà, người ta đặt tên cho nó là bìm bịp.