Nhà tôi ở bên kia sông, chỉ cách thị xã một con đò. Vậy mà so với nhà cậu tôi thì đã rất quệ Mẹ tôi duy là nhà giáo nhưng hàng ngày sau khi lên lớp về, mẹ cởi ngay chiếc áo dài màu xanh nước biển để mặc bộ bà ba cũ kỹ rồi xăn quần tới gối hái rau, nuôi cá, nuôi heo. Còn ba, từ sáng tới chiều chỉ mặc độc một chiếc quần cụt, cặm cụi ở ngoài vườn. Những lúc ấy nhìn ba "rõ ràng là bác nông dân thực thụ", không thể nào hình dung được cách đây chưa lâu, ba đã từng là một vị chỉ huy Trung đòan. Ba vừa làm vừa hát những bài ca về cuộc trường chinh dời non lấp biển của con người. Ba thường nói với mẹ : "Qúa khứ, tôi là người lính không đến nỗi tồi, nhưng đó là quá khứ. Người ta không phải chỉ sống bằng quá khứ. Bây giờ mình phải tập trung cho chiến lược VAC". Còn với chúng tôi, người hứa hẹn : "Các con cứ yên chí. Chỉ vài năm nữa, vườn cá này và đàn heo, đàn gà này... sẽ nhả ngọc phun châu, giúp chúng ta xây dựng một lâu đài lý tưởng... Ở thôn quê mà có được cơ ngơi ấy mới sướng, chứ ở thành phố bụi bặm, ồn ào, bon chen mệt cả người".

Chẳng biết đến bao giờ lâu đài lý tưởng của chúng tôi mới được dựng lên, nhưng bây giờ nhà tôi so với nhà cậu tôi đúng là một trời một vực.

Mấy lần được mẹ dẫn đến chơi nhà cậu Hai, tôi lại thầm ao ước : Bao giờ cha mẹ tôi mới xây được một ngôi biệt thự cao sang nhường ấy. Thích nhất là bồn cá trước sân có hòn non bộ, những con cá rô phi, cá chép vàng no nê bơi lội nhởn nhợ Nhà chỉ có cậu mợ và chị Dân mà có tới hai lầu. Chị Dân có một phòng riêng trên tầng hai học bài, nghỉ ngơi rất yên tĩnh. Lúc nào mệt chị lại ra ban công nói chuyện với mấy chậu phong lan hoặc xuống lầu một bấm máy xem phim. Nhà cậu ngày nào cũng có tiệc, khách ra vào nườm nượp. Chiếc bàn tròn ở phòng khách luôn luôn bóng loáng và đầy những dĩa thức ăn thơm phức, nhìn cũng biết là ngon. Cái gì ở nhà cậu cũng tuyệt vời. Ước gì...

Một buổi sáng chủ nhật, cậu mợ tôi về quệ Ba mời cậu mợ uống nước rồi dẫn mọi người ra ao xem kéo cá. Còn mẹ, tất tả chạy ra chợ mua thức ăn thêm. Bữa cơm hôm ấy thiệt vui. Lúc gần về, cậu hỏi cả nhà :

- Thằng Tâm năm nay học lớp mấy ?

Ba tôi đỡ lời :

- Năm học mới cháu vào lớp mười.

Cậu tôi khẽ nhíu mày :

- Điều kiện học hành ở đây liệu rồi có thi chuyển cấp được không ?

Ba tôi tỏ ra rất tự tin. Ông mỉm cười ý nhị :

- Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Thằng này cũng tạm được. Năm nay lên ngồi ghế lớp mười chắc ăn.

Cậu có vẻ như đang suy nghĩ một điều gì đó hệ trọng.

- Tôi tính thế này, cô chú thấy được không ? Thằng Tâm ở đây học hành khó mà thành đạt. Về thành phố, tiếp cận với văn minh, năng khiếu của nó mới có dịp phát huỵ Vợ chồng tôi cũng có nhiều công việc phải vắng nhà luôn, cho thằng Tâm lên ở với con Dân cho có chị có em.

Nghe cậu nói, tôi mừng rơn, nhưng cha mẹ lại có vẻ phân vân :

- Thằng Tâm ở nhà còn lười lắm. Lên đấy cậu, mợ nuông chiều nó lại đổ đốn ra.

- Cô chú cứ yên chí, sang bên ấy thằng Tâm có khối việc để làm.

Tiếng nói của cậu như một quyết định cuối cùng. Buổi tối, lúc ngồi lại với tôi, ba có vẻ không vui. Ông chỉ nói : "Ba cũng biết con thích được lên thành phố, tuổi trẻ ai cũng ưa điều mới lạ, nếu con muốn con cứ đi, nhưng ba thấy con chưa đủ lông đủ cánh để bay xạ Dù đoạn đường từ đây đến nhà cậu mợ chỉ cách một con đò". Nói rồi ông bảo tôi đi ngủ. Gần sáng trời lạnh, giật mình thức giấc tôi vẫn thấy đốm lửa ở đầu điếu thuốc lập lòe trong đêm.

Sáng hôm sau, mẹ tôi dẫn tôi sang giao cho cậu mợ. Chị Dân đón tôi như một cô bé nhà giàu được tặng thêm một chú búp bê.

Một ngày, hai ngày, rồi một tuần trôi qua, tôi như sống trong niềm vui của một thế giới mới. Tại đây, cái gì cũng đầy đủ, đẹp mắt, thích thú... chỉ có một điều : Hình như ngày nào, cậu cũng mang từ đâu về nhà một chuyện gì đấy, không vui. Mới buổi chiều hôm Tết trung thu, sau khi một người khách ra về, cậu nặng lời với mợ :

- Đây là lần cuối cùng, từ đây bà không được nhận quà của người ta nữa đấy.

Giọng mợ tôi vẫn nhẹ nhàng nhưng ở khóe miệng lại nhếch một nụ cười rất lạ :

- Ô kìa ! Sao dạo này ông thay đổi nhiều vậy ?

- Bà không biết đấy, báo chí nó vạch ra một lô, một lốc. Có kẻ phải đưa mặt lên truyền hình cho thiên hạ coi chơi.

- Vì tội gì ?

Cậu hất đầu về phía gói quà.

Vậy mà chỉ một lát sau, cậu mợ tôi lại cặp kè trên ghế salon để xem tiếp bộ phim dài nhiều tập của Hồng Kông, đánh đấm triền miên. Chị Dân đang ngồi học ở trên lầu, nghe tiếng kêu khóc thất thanh vội kéo tôi chạy xuống, tới nơi lại thấy cha mẹ đang "vui vẻ", liếc qua màn ảnh, thì ra một pha vô cùng hấp dẫn. Chị vội gối đầu lên đùi mẹ, hai chân duỗi dài trên ghế.

Những chuyện như vậy thường diễn ra rất tự nhiên và bất ngờ, nên tôi không biết phải lách đi chỗ khác hay cứ tự nhiên như người trong nhà. Dần dà, tôi bắt đầu cảm thấy mình luôn là một người thừa. Có thể, đấy chỉ là mặc cảm, tôi vẫn sống thoải mái và được hưởng mọi ưu ái như một thành viên trong gia đình. Cậu mợ may cho tôi hai bộ đồ mới, tôi cũng được dành riêng cho một căn phòng để học tập, đọc sách và nghỉ ngơi. Không ai quấy rầy, la ó. Ăn uống thì ngoài ba bữa chính, đói lúc nào tôi có thể tự do pha sữa, mì gói hoặc lấy thức ăn bao giờ cũng đầy ấp trong tủ lạnh.

Nhà cậu quá rộng mà chỉ có ba người. Cậu thuê một bà già - bà Tư - độc thân, khoảng sáu mươi tuổi, làm người ở quét dọn, lau chùi, giặt giũ, cơm nước hàng ngày. Bà kê một chiếc giường nhỏ ở luôn dưới bếp. Phải công nhận, bà là người sạch sẽ, siêng năng và nhân hậu. Nhiều lúc, thấy bà bận rộn tôi mon men đến gần xin làm giúp, nhưng bà một mực không cho, bà bảo : "Việc của các cô các cậu bây giờ là học cho giỏi". Tôi thấy thương bà quá. Nếu như bà nội, bà ngoại tôi còn sống ? Cậu mợ và chúng tôi có bổn phận thay nhau cơm bưng nước rót để nội ngoại phần nào được an ủi lúc tuổi già. Thế mà bà Tư hàng ngày phải dậy từ năm giờ sáng giặt giũ, lau nhà, nấu nước... chờ cho chúng tôi ăn sáng xong, dọn dẹp rồi đi chợ. Có lúc, tôi cũng thấy băn khoăn vì bà Tư không bao giờ ngồi ăn chung với cả nhà. Một lần tôi lân la lại gần bà bắt chuyên và khẩn khoản mời bà từ nay cùng ăn cơm với chúng tôi cho vui. Bà có vẻ trầm ngâm như suy nghĩ điều gì, rồi vỗ vỗ vào cánh tay tôi nói khẽ : "Cậu thông cảm cho tôi, tôi cũng phải biết cương vị của tôi nữa chứ !".

Hình như... tôi đã nghe ai nói ở đâu về "cương vị".

A... tôi nhớ ra rồi ! Cũng một người ở cho nhà Bá Hộ trong vở cải lương "Đời Cô Lựu".

Tôi thoáng buốn, nhưng ở tuổi tôi cái gì cũng mau quên. tôi cũng mau quên đi như mấy chuyện mà tôi đã từng nghe, từng thấy vài hôm trước. Công việc chiếm mất nhiều thời gian của tôi lúc này là cuộc phiêu lưu trong tủ sách của chị Dân với những cái tên vô cùng hấp dẫn. Có lần, tôi mải mê đến nỗi không nghe cả tiếng mưa rơi lộp độp ngoài vườn.

Hôm ấy là chiều thứ bảy. Tôi đang bị hút vào bộ "Hồng Lâu Mộng", bỗng nghe có tiếng ai la lớn ngoài sân : "Giờ này mấy người còn ngủ hay sao mà để quần áo ngoài trời mưa ướt hết cả rồi". Tôi giật mình như kẻ trộm bị bắt quả tang, vội vàng chạy xuống sân. Mợ tôi giận đến tím cả mặt. Bồ đồ "mốt" nhất mợ tôi may để chiều nay đi đám tiệc mà tôi lại quên để trời mưa ướt hết. Tôi cũng không nhớ mấy ngày bà Tư bệnh nặng phải xin nghỉ sang nằm ở nhà dưỡng lão. Chị Dân đi dự sinh nhật người bạn gái. Lúc này, tôi không biết phải làm gì nên chỉ ấp úng được một câu : "Con xin lỗi mợ". Mợ tôi không nói câu nào. Kể từ hôm ấy, một nỗi lo sợ mơ hồ luôn luôn ám ảnh tôi và tự nhiên tôi cố tìm cách né tránh mợ. Nhưng... làm sao tránh khỏi khi người ta sống chung một nhà.

Mấy hôm sau, cậu mợ lại có việc đi đâu đấy. Tôi thấy mợ ngồi trước bàn trang điểm rất lâu. Còn cậu thì dẫn xe ra sân, đợi. Lúc bước ra tới cửa, mợ quay lại dặn chị Dân :

- Hôm nay bà Tư còn bệnh, con ở nhà giặt giũ, đi chợ rồi về nấu cơm...

Tôi hồi hộp chờ nghe một câu sai bảo của mợ : "Còn thằng Tâm, cháu tiếp chị tưới hoa, lau nhà... ". Nhưng không. Mợ chỉ nói chuyện với chị Dân rồi quày quả bước đi, coi như không có mặt tôi ở đấy. Khi tiến xe đã xa dần ngoài cổng, tôi vẫn đứng lặng, âm thầm nhớ về một con đường nhỏ trải cát vàng dẫn đến một ngôi nhà sàn ở phía bên sông. Giờ này chắc mẹ đang xắn quần tới gối thảy rau, cám cho cá ăn. Còn ba vẫn ở trần trùng trục vun xới cho từng gốc táo. Hình như tôi nghe có tiếng cuốc hăm hở của ba và tiếng ca tha thiết của ông : "Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm".

Ngày mai ? Không, ngay trong ngày hôm nay tôi phải trở về. Mới có hơn một tháng mà tôi tưởng chừng đã xa cha mẹ hàng mấy mươi năm. Tôi sung sướng nghĩ đến chiều nay, tôi sẽ ra vườn hái táo với ba như ngày nào. Thỉnh thoảng có trái táo lờn nhất ông lại gọi : "Tâm ơi, đến ba cho". Mẹ, hễ trông thấy tôi ra vườn, lại hỏi : "Con học bài xong chưa ?". Những lúc ấy nhìn mẹ, tôi cảm thấy yên lòng.

Còn ở đây ?

Tôi sợ hãi nghĩ đến bữa cơm trưa nay, phải ngồi đối diện với mợ. Tự nhiên miệng tôi đắng ngắt...

Giờ đây, tôi mới lờ mờ hiểu được tại sao đêm trước khi tiễn tôi đi, ba không ngủ ! Bởi lẽ, chính người cũng đã từng đi ở đợ, đã từng ăn cơm của nhà người !

Hết