Người Việt mình sống trên đất Mỹ, mỗi lần mua một tờ lịch mới cho năm sắp đến thì ai cũng lật xem mồng một Tết rơi vào ngày nào trong tuần. Điều này rất quan trọng vì nếu năm nào Tết trúng nhằm ngày giữa tuần thì kể như khỏi ăn Tết vì ai cũng phải đi làm. Sở làm ở Mỹ, công cũng như tư, họ đâu cho phép người mình nghỉ việc một vài ngày để lo Tết nhứt gì đâu.

Năm nay gia đình Khá có vẻ như muốn ăn Tết lớn. Nhưng muốn vậy, phải lo coi ngày trước đã. Cả tháng nay, Khá cứ canh chừng gọi đến Pháp Quang, tiệm bán hình tượng, Kinh sách và lịch Phật ở đối diện thương xá Phước Lộc Thọ để hỏi thăm có lịch mới chưa. Sư cô nói: "Thường thường đầu tháng 12 thì có."

Thế là ngay ngày thứ bảy đầu tháng 12, sau khi gọi điện thoại hỏi lại lần nữa cho chắc chắn, Khá bảo con trai chở mình đi mua lịch. Hằng, vợ Khá, cũng đi theo để mua thức ăn gần đấy. Cả nhà ba người lên chiếc xe Avalon màu đỏ rượu chát của Khương, chàng nha sĩ tốt nghiệp hơn một năm nay.

Khương là cái đinh để các cô gái ở Los Angeles nhắm vào. Trẻ tuổi, đẹp trai, có bằng cấp, làm ra tiền, đó là tiêu chuẩn của các thiếu nữ nhan sắc, thời thượng, ở thành phố được mệnh danh là "Saigon nhỏ" này. Nhưng hình như chưa ai được Khương chú ý. Chẳng phải anh là người lãnh cảm vô tâm nhưng vì anh vốn chịu ảnh hưởng của cha mẹ, chú trọng quá nhiều vào đời sống nội tâm đạo hạnh lại đặt nặng vấn đề hiếu thảo thành ra chàng và các cô cứ như là hai đường thẳng song song.

Những người ngấm nghé muốn làm suôi với vợ chồng Khá cứ tấm tắc khen thầm:

"Sao họ khéo sinh đứa con trai ngon lành đến thế!"

"Thật là tài đức song toàn!"

"Ai được làm dâu nhà ấy tha hồ hưởng phúc lộc. Ông bà ấy tu hành, hay bố thí giúp đỡ, con cháu thừa hưởng bao nhiêu là ân đức!"

Nhưng cũng lắm cô "cua" mãi chẳng được gì lại thầm thì phê phán:

"Con trai gì mà cù lần!"

"Ai lấy anh ta phải làm dâu cả đời!"

Có người chanh chua hơn:

"Tôi dám đoan chắc ai không biết tụng kinh niệm Phật thì khó lọt vào nhà ấy!"

Mặc ai nói gì thì nói, Khương không quan tâm. Chàng tự thấy mình là người may mắn được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh. Không những cha mẹ chỉ lo săn sóc, trưởng dưỡng chàng mà còn dạy dỗ chàng phương cách sống thiện hảo, lợi mình lợi người và chỉ bày con đường hướng thượng giải thoát theo giáo lý Phật đà. Nhờ cùng chung lý tưởng với cha mẹ nên Khương không bao giờ cảm thấy cô đơn dù anh là con một và chưa có người yêu.

Từ nhà ra đến phố, thường ngày đi chừng 45 phút nhưng hôm nay mới sáng sớm đã kẹt xe nên cả tiếng đồng hồ rồi mà chưa tới đường Bolsạ Phải rồi, tháng này ai cũng lo chuẩn bị mừng Giáng Sinh, không những họ đổ xô đi mua sắm mà thôi, lắm người, nhất là các cô các cậu lại có dịp đi dạo, đem sự trẻ trung, yêu kiều của mình tô điểm cho phố phường thêm khởi sắc.

Khá ngồi trong xe, phóng tầm mắt nhìn ra xạ Hai bên đường đầy những cờ treo, hoa kết. Màu xanh lá cây sậm đi với màu đỏ của bông trạng nguyên và những ngôi sao kim tuyến, những bông tuyết trắng phau là màu sắc và hình ảnh tiêu biểu của mùa lễ lớn này.

Bao giờ cũng vậy, mỗi khi đường phố, tiệm buôn bắt đầu nhộn nhịp, tưng bừng trong không khí và nhạc mừng Nô-en, Khá bồi hồi nhớ lại kỷ niệm đầu tiên khi gia đình chàng mới định cư tại Mỹ. Mười tám năm rồi còn gì! Hồi đó, Khương chỉ là một cậu bé bảy tuổi, ốm tong teo, nhút nhát và hay khóc; còn vợ chồng Khá tuy còn trẻ nhưng vốn liếng Anh văn thật là ít ỏi.

Nhà thờ Tin Lành bảo lãnh gia đình anh từ đảo Bidong đem về một khu vực ngoại ô của Los Angeles. Họ mướn sẵn cho Khá một chỗ ở tại chung cư Evergreen. Rồi thì mỗi người trong nhà thờ mang đến một món: từ cái giường, tấm nệm, cho đến nồi niêu chén bát, quần áo, khăn lông, bàn chải... Ông mục sư khệ nệ bưng đến một cái truyền hình cũ nhưng còn tốt và bảo cả nhà hãy cố gắng xem nghe tin tức mỗi ngày vì đó là cách học Anh ngữ tốt nhất.

Khá không ngờ từ một kẻ tay không ở đảo mới sang mà trong phút chốc, chàng có đủ mọi thứ cần thiết cho một gia đình. Bởi vậy, đối với anh, mùa Giáng Sinh ở đây thật ấm tình người. Những ngày đầu tiên trên vùng đất mới, con người có nhiều mặc cảm và bơ vơ, nếu có kẻ giúp đỡ đúng lúc, mình sẽ dễ dàng cảm thông được tình nhân loại. Trái tim của kẻ cho và người nhận cùng mở ra và nhờ đó tình người được truyền đạt một cách giản dị và trực tiếp, không cần qua ngôn ngữ, cũng không bị ngăn ngại vì màu da, địa vị hay tôn giáo. Khá nhận thấy rõ ràng như vậy.

Sự tương trợ này không phải chỉ có giá trị về vật chất, nó là một sự hỗ trợ mạnh mẽ về tinh thần, giúp vợ chồng Khá dẹp bỏ mặc cảm tự ti, cảm thấy phấn chấn, tin tưởng hơn trên bước đường lập nghiệp. Điều ấy thật quí báu vô cùng. Bởi vậy, vợ chồng Khá cùng tự nguyện sau này sẽ vận động lập ra một tổ chức giúp đỡ những người mới định cư, không phân biệt sắc tộc.

Hai năm sau, Khá từ giã những người bạn nhà thờ để dời nhà về đây cho tiện việc đi làm. Bấy giờ, họ đã có xe, hai vợ chồng cùng đi làm chung ở một hãng điện tử và Khương thì dạn dĩ hơn với những người bạn cùng lớp.

Khoảng thời gian 1978-1980, người mình vượt biên ồ ạt và tựu về Cali ngày một đông. Trong số những người đồng hương quen biết, vợ chồng Khá kết thân với vợ chồng Nguyên. Bác sĩ Nguyên thuộc hàng trí thức, đã từng đi du học tại Hoa Kỳ nên sang đây có thể hành nghề lại ngay; vợ Ông là y tá. Họ mở phòng mạch tại Los Angeles, giúp ích cho người mình không nhỏ. Khá quen Nguyên nhân một buổi đi khám sức khỏe, bữa đó phòng mạch vắng người nên có dịp nói chuyện lâu và hai người đều vui mừng khi biết họ cùng chung gốc gác ở Cần Thơ.

Vợ chồng Nguyên tánh tình đơn giản, bình dân làm cho vợ chồng Khá không có mặc cảm khi giao tiếp, lâu dần trở nên thân. Bấy giờ, Khá có dịp bày tỏ ý nguyện giúp đỡ người mới định cư của mình.

Bác sĩ Nguyên nói:

— Tôi tán thành dự tính thiện nguyện của anh nhưng nếu công tác xã hội ấy mà được kết hợp cùng ý hướng phát triển Phật Pháp thì lại hay hơn. Người mình lìa bỏ quê cha đất tổ, sống tha hương nơi đất khách nhiều khi không khỏi cảm thấy bơ vợ Nếu cùng kêu gọi nhau qui về một hướng, chung lo tu học thì tinh thần của chúng ta sẽ được an ổn hơn. Xưa nay, đạo Phật vẫn gắn liền với quê hương và dân tộc, nay mình quay về nương tựa nơi Tam Bảo chẳng khác nào được sống trong lòng quê hương, lại còn được muôn vàn lợi lạc nhờ giáo lý Phật đà.

Tuyết cũng chung chí hướng với chồng:

— Người mình qua đây được sung túc về vật chất, được sống trong một nước tự do, làm dân một cường quốc mạnh nhứt thế giới nhưng thử hỏi lại xem, có ai cảm thấy hạnh phúc hoàn toàn đâu? Ai cũng có vấn đề riêng, ai cũng có nỗi khổ riêng, lắm kẻ còn đòi tự tử nữa. Đức Phật nói 'tâm bình, thế giới bình', bởi vậy cái tâm mới là phần chủ chốt, nếu mình không biết điều phục cái tâm thì có lẽ được lên cõi trời cũng không thấy sướng, huống hồ chi ở Mỹ quốc này."

Vợ chồng Khá nghe vậy càng thêm phấn khởi. Thế là họ cùng hợp sức với vợ chồng bác sĩ Nguyên, bắt đầu vận động thành lập "Hội Phật Học và Tương Tế."

Thuở ấy, ở đây chưa có hàng quán như bây giờ nhưng thèm phở hay bún riêu, bún bò Huế, bún thịt nướng thì cũng có những chỗ bán chui, bán trong nhà và thực khách đều là người quen biết. Nhờ những nơi này, Khá có dịp gặp gỡ người đồng hương, kêu gọi họ tham gia vận động lập hội.

Phải thành thật nói rằng do tiếng tăm và uy tín của bác sĩ Nguyên, hội Phật học được thành lập nhanh chóng và ngày càng có thanh thế. Nhờ những lớp giáo lý căn bản do bác sĩ Nguyên và một số Phật tử thuần thành đảm trách, vợ chồng Khá—và cả Khương sau này—dần dần am hiểu Phật pháp, tuy chưa sâu nhưng vững về nền tảng.

Thời còn ở Việt Nam, Khá ít có dịp đi chùa nhưng tối nào anh hoặc vợ cũng thắp nhang bàn Phật. Trước khi ngủ, anh luôn luôn niệm thầm "Nam mô A Di Đà Phật". Đó là thói quen từ nhỏ.

Anh nhớ thuở còn thơ, mỗi kỳ nghỉ hè đều được về quê ngoại ở làng Rạch Miểu, tỉnh Mỹ Thọ Ban ngày chơi giỡn thì vui đáo để nhưng ban đêm anh rất sợ ma vì vườn cây rậm rạp tối om om, ở chung quanh nhà thỉnh thoảng có tiếng kẽo kẹt như võng đưa, lại thêm những tiếng cắc kè tặc lưỡi, tiếng dừa rụng xa xa nghe phát sợ; vậy mà ác nghiệt thay, nhà vệ sinh lại xây ở sân sau. Bữa nào không nín nổi phải kêu dì út dẫn ra nhưng khi lớn hơn một chút, bị mấy anh em cô cậu, bạn dì chế diễu hoài vì tánh sợ ma của mình nên anh không kêu ai đưa đi và kết quả là cứ "tại chỗ" hoài, ướt lênh láng cả.

Ông ngoại hiểu cớ sự, một hôm dẫn anh đến trước bàn thờ Phật, nói với anh:

"Con thấy không, nhà mình thờ Phật, không ma nào dám vô!"

Anh mếu máo:

"Nhưng ban đêm ma ở đầy ngoài sân, con hổng dám ra ngoài!"

"Nếu con ra ngoài, con cứ niệm Phật, Phật đi theo con, ma không dám xuất hiện đâu. Con tin ngoại đi!"

Rồi ông chỉ hình Phật, nói:

"Đây là đức Phật A Di Đà, đây là Bồ tát Quán Thế Âm. Con đọc tên Phật lên thì bảo đảm không có ma nào dám phá con."

Từ khi được "bùa hộ mạng" đó, mỗi khi cần đi ngoài vào ban đêm, Khá niệm Phật liên tục không ngớt, khi trở vào nhà cũng tiếp tục niệm cho đến khi ngủ mới yên chí. Riết rồi thành thói quen. Khá thầm cám ơn ông ngoai và phục Phật quá, bởi vì từ đó trở đi, anh không còn sợ ma và không bị ai chọc ghẹo vì tánh nhát gan nữa.

Anh tin Phật từ đấy nhưng vốn liếng Phật học của anh chẳng có gì hết. Nếu không nhờ hội Phật học chắc cả đời anh cũng không hiểu được ba chữ Phật, Pháp, Tăng, nói chi là Kinh nhật tụng, những lý nghĩa về vô thường, khổ, không...

Mấy năm sau, nhờ có quí tăng ni ra hải ngoại nên chùa chiền lần lượt mọc lên. Vợ chồng Khá thường dẫn con trai đi chùa vào các kỳ lễ lớn để Khương có dịp kết duyên với Phật pháp. Gia đình anh được nghe quí thầy giảng dạy nhiều điều lợi ích nhưng không vì thế mà anh bỏ lớp giáo lý, các buổi pháp thoại tại trung tâm Phật học cũ vì ở đấy có không khí thân tình cởi mở và bài vở được các cư sĩ soạn thảo công phu.

Nhưng mấy năm gần đây, hội Phật học có sự chuyển biến về khuynh hướng. Người ta thích bàn luận về Thiền, nghiên cứu về Thiền học nhiều hơn là giáo pháp và tụng kinh. Các cư sĩ trí thức hay nói về nghi tình và thích thú trong việc luận giải các công án! Khá mơ hồ cảm thấy những người bạn đạo của mình đang đi lệch đường và rơi vào tình trạng chấp lý bỏ sự. Nhưng anh không dám góp ý vì luôn luôn anh có mặc cảm là người ít văn hóa lại kém khuyết về kiến thức Phật học so với những đạo hữu ấy.

Gia đình anh âm thầm rút lui ra khỏi nhóm, chỉ còn hợp tác với họ về các công việc xã hội và cứu trợ thôi. Anh nhận thấy tuổi đời đã chồng chất, sức khỏe ngày một kém suy, nếu không quyết tâm chọn một pháp môn tu và hành trì cho đến nơi đến chốn thì sẽ luống uổng một kiếp người.

Anh muốn chuyên tu Tịnh Độ vì đó là pháp môn dễ thực hành và có thể trong một đời được giải thoát, nhưng anh chưa có đủ tín giải. Lòng tin của anh đối với pháp tu này, lúc nhỏ, do ông ngoại anh truyền lại và sau này, qua các buổi tụng kinh A Di Đà cầu siêu mà anh phát khởi lòng ham chuộng cảnh Cực Lạc Tây Phương, chỉ vậy thôi.

Tin mà không hiểu, theo anh, đó chưa phải là chánh tín. Khá chẳng thể phát khởi lòng tin chơn chất như những người dân quê ở làng Rạch Miểu—họ tin tưởng một cách thiết tha về lòng từ bi tiếp độ của đức Phật A Di Đà nên đem cả thân tâm mà giao phó cho ngài—vì Khá đã trót đi vào con đường lý giải cả chục năm naỵ Nếu sự tu trì mà không kèm theo lý giải thì anh chẳng thể tinh tấn được.

Vì thế, anh phát nguyện dành ra 3 năm chuyên tâm nghiên cứu và hành trì pháp tu Tịnh Độ. Từ đó anh ăn chay trường, mỗi sáng dậy sớm lần tràng hạt trước khi đi làm và đêm đêm thì tụng kinh A Di Đà. Cuối tuần, ngày thứ bảy, nếu không bận các việc xã hội, từ thiện thì cả nhà anh đi chùa. Chùa cách xa hơn 2 giờ lái xe nhưng anh không ngại đường xa vì ở đó có vị sư trụ trì đang hoằng dương pháp môn Tịnh Độ. Anh mượn của thầy khá nhiều sách quí nên ngày chủ nhật, Khá dành trọn 10 tiếng đồng hồ để nghiền ngẫm, đọc kỹ từng trang. Chỗ nào không thông thì ghi xuống chờ dịp hỏi thầy cho thấu đáo. Nhờ có thầy hết lòng hướng dẫn và nhờ sự quyết tâm của mình, lần lần Khá được chỗ tâm đắc.

Càng thông lý nghĩa, anh càng tin sâu, nguyện thiết và hành trì hết sức nghiêm mật. Cho đến gần đây, như được sự cảm ứng mầu nhiệm từ hồng ân của đức từ phụ A Di Đà, anh biết mình phải làm gì.

Anh bày tỏ cùng vợ ý định muốn tổ chức một ngày pháp thoại với chủ đề "pháp môn Tịnh Độ" để có cơ hội thức tỉnh các đạo hữu trong hội Phật học vốn là thiện hữu tri thức của anh ngày trước.

Vợ con anh góp ý nên tổ chức vào ngày Tết vì đầu năm ai cũng hoan hỉ và hăng hái. Anh đồng ý. Hằng và Khương lúc sau này trở thành những người bạn đạo, chẳng những đã cùng anh tu học mà còn sẵn sàng chia xẻ những kinh nghiệm, kiến thức, tư duy...

Khá đang thả hồn về dĩ vãng bỗng nghe Hằng nói gì đó, anh trở về với thực tại, xoay ra sau hỏi vợ:

— Em nói gì anh không nghe?

Hằng lặp lại:

— Em hỏi anh: bữa nay muốn ăn bánh hỏi với mì căn xào không?

Khương đáp thay cha:

- Dạ con muốn!

Hằng mắng yêu:

— Thằng khỉ! Tao hỏi ba mầy mà! Ăn "chay đụng" (đụng gì ăn nấy) như mầy thì món nào chẳng dược.

Khá cười:

— Thì nó trả lời giùm tui đó!

Xe lăn bánh, từ từ đưa gia đình Khá vào phố chợ lao xao nhưng giữa cảnh tấp nập "ngựa xe như nước, áo quần như nêm" Khá vẫn thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng như đóa sen tự soi bóng mình trên mặt hồ êm ả: "tâm bình, thế giới bình."

*

Vợ chồng bác sĩ Nguyên rất vui khi được tin Khá mời tất cả đạo hữu đến họp mặt tại nhà anh vào mồng 2 Tết.

Tuyết nói với chồng:

— Ảnh chỉ mấy năm nay như lui về một góc, không giao tiếp chi với bạn bè; em cứ sợ mình vô tình làm điều gì phật ý anh chị ấy.

Nguyên tỏ vẻ hiểu biết:

— Cá nhân mình thì không làm gì anh ấy buồn nhưng có lẽ vì ảnh chọn lối tu riêng nên không lui tới đạo tràng, vậy thôi.

Tuyết chép miệng:

— Tu thì phải đến đạo tràng, phải nhờ thiện hữu tri thức chớ ở nhà tuyên bố "Phật tại tâm" thì bao giờ mới "ngộ" được ông Phật trong tâm, phải không mình?

— Em nói đúng. Nhưng trường hợp của anh Khá thì lại khác. Ảnh ở nhà lo tu dữ lắm. Ảnh tu pháp môn Tịnh Độ. Anh đoán có lẽ anh ấy đã có sở đắc nên muốn gặp các bạn để chia xẻ. Như vậy cũng tốt.

Tuyết cảm thấy phấn khởi:

— Thế thì hay biết mấy! Để em kêu gọi các đạo hữu tham gia cho đông đủ.

... Và họ cùng đến nhà Khá vào 9 giờ sáng ngày chủ nhật, mồng 2 Tết, theo lời mời của gia chủ, với một ít hoa quả, bánh mứt.

Vợ chồng Khá đón khách từ ngoài sân, nét mặt hân hoan rạng rỡ. Tết năm nay không lạnh lắm nên hoa hồng và thược dược nở đầy trước sân, khoe sắc màu tươi thắm trong nắng ấm vàng tươi.

Bên trong, phòng khách đã được dọn trống, ghế ngồi kê quanh tường. Hai chục cái ghế cũng vừa đủ cho khách và chủ. Trong lúc Khá và con trai lo tiếp khách, Hằng nhận hoa và trái cây, trân trọng đặt lên bàn thờ Phật rồi bưng nước mời mọi người.

Sau những câu chúc tụng xã giao ngày đầu năm, Khá từ từ đứng lên, anh nói, giọng hơi run run vì cảm xúc:

— Tôi thành thật cám ơn các đạo hữu đã đến đây thật đông đủ, điều đó nói lên đạo tình của chúng ta vốn rất thâm sâu và vững bền. Cũng vì đạo tình ấy, tôi mời quí bạn đến đây để cùng trao đổi và góp ý về pháp môn Tịnh Độ mà gia đình tôi đang tu tập. Những câu hỏi, cho đến những chất vấn của các đạo hữu sẽ giúp chúng tôi có dịp nghiệm xét kỹ hơn về pháp môn này.

Bác sĩ Nguyên thoải mái đề nghị:

— Tôi nghĩ chúng ta nên tạo không khí vui vẻ tự nhiên cho buổi pháp thoại này thì hay hơn vì như thế ai cũng có thể dễ dàng góp ý, nhất là những cô cậu sinh viên Phật tử sẽ không ngại ngùng vì câu "kính lão đắc thọ."

Nhóm trẻ hoan nghinh, vỗ tay cười. Khá cũng bớt hồi hộp, anh ngồi xuống, trong tư thế sẵn sàng.

Tuyết nóng lòng hỏi ngay:

— Xin anh cho biết vì lý do nào anh tin tưởng vào pháp môn Tịnh Độ?

— Tôi có duyên với môn này từ nhỏ. Tôi nói sự thật nầy ra, ai muốn cười thì cứ cười nghe. Hồi nhỏ tôi sợ ma lắm, mà mỗi kỳ nghỉ hè đều thích về quê ngoại để cùng với mấy người con của dì, cậu tôi bơi xuồng, trèo cây hái trái, chơi nhà chòi, hưởng thú nhà quệ Ban ngày vui đáo để nhưng hễ tối xuống là tôi sợ lắm vì nhà quê không có điện mà bóng tối lại dầy đặc trong các lùm cây. Thêm tiếng cóc nhái, ảnh ương kêu inh ỏi quanh nhà... Thấy tôi sợ hãi thái quá, ông ngoại tôi dạy tôi niệm Phật. Mỗi khi niệm Phật, tôi thấy lòng không còn sợ hãi. Hơn thế nữa, khi ra đời, gặp những chuyện phiền não khó nhẫn, tôi liền khởi câu niệm Phật thì tự nhiên được an ổn. Về sau, tôi lại được chứng kiến cái chết êm thắm, tươi tỉnh của ông ngoại tôi, của cậu tôi và được nghe kể về một số trường hợp vãng sanh của người trong làng Rạch Miểu, kẻ thì biết trước ngày chết, người ngồi chắp tay niệm Phật mà đi, người thì tự sắp đặt mọi chuyện hậu sự, từ giã bà con lối xóm rồi nhắm mắt như ngủ, đi êm ru lúc nào không ai hay... Nhiều lắm! Quê ngoại tôi thuở ấy chưa có chùa, vậy mà người này dạy người kia niệm Phật rồi được Phật rước cả... Tôi tự xét mình tuổi ngày một lớn, phải lo tu gấp nên quyết định niệm Phật cầu về Tây phương. Tu theo những pháp môn khác, tôi e rằng không đủ sức vì tự biết mình nghiệp chướng sâu dày, nếu chỉ dùng tự lực chắc chắn không đảm đương nổi, phải nương nhờ Phật lực mới mong một đời liễu sanh thoát tử.

Bác sĩ Nguyên có vẻ đắn đo suy nghĩ nhưng rồi ông quyết định, nói:

— Dù anh tu theo pháp môn nào trong đạo Phật, chúng ta cũng có chung một vị bổn sư là Thích Ca Mâu Ni Phật, phải không? Nếu tôi không lầm thì chính ngài đã dạy: "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy là chỗ nương tựa của chính mình." Vin vào lời dạy ấy, tôi nghĩ rằng chúng ta tu là để thanh tịnh tâm ý. Nếu tâm tịnh thì Phật độ tịnh, đó là Niết Bàn thiết thực tại thế mà chúng ta được hưởng ngay trong cuộc sống này, đâu đợi khi chết về Cực Lạc mới được an hưởng, mà biết chắc cõi Cực Lạc ấy có thực không hay chẳng qua đó chỉ là cảnh giả dụ, tượng trưng thôi?

Nhóm trẻ vốn chịu ảnh hưởng nhiều của khoa học thực nghiệm lại được học Thiền tại hội Phật học mấy năm nay nên gật gù có vẻ đồng ý với lập luận của bác hội trưởng. Tuy nhiên, Nghiêm thắc mắc, giơ tay hỏi:

— Cháu cũng nghĩ vậy, nhưng đối với những trường hợp vãng sanh có thật mà bác Khá kể đó thì nên hiểu như thế nào?

Nguyên đáp không do dự:

— Niệm danh hiệu Phật cho đến mức thuần thục, nhất tâm không loạn thì cũng như người tu thiền đạt đến chánh định. Có định thì sinh huệ; đắc huệ thì thấu rõ việc sinh tử nên chuyện thoát hóa không có gì trở ngại. Trong Thiền tông cũng rất nhiều vị biết trước ngày chết, làm kệ lưu lại đời sau. Trăm sông đều đổ về biển. Bao nhiêu pháp môn cũng dẫn đến một cứu cánh là giải thoát mà thôi. Nên tùy theo thời thế và căn cơ mà chọn lựa pháp cho xứng hợp thì sự tu học mới có kết quả.

Khá gật đầu:

— Tôi đồng ý với anh về vấn đề này nhưng khi nãy anh nói: "biết đâu cảnh Cực lạc chỉ là sự giả dụ hay tượng trưng." Tôi cũng đã đọc nhiều sách giải thích kinh A Di Đà bằng lý, cho rằng Cực Lạc là trạng thái an vui của tự tâm; Tịnh Độ là trở về được với sự thanh tịnh của trí huệ và sự an lạc của lòng từ bi; Liên hoa hóa sinh là biết giữ thân tâm không nhiễm sự Ô trọc như sen "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" thì mới hưởng được trạng thái lâng lâng thoát tục của tự tâm. Rồi từ đó, muốn tiến tu thêm, phải thường quán chiếu, thấy chung quanh mình, từ rừng cây, suối nước, tiếng chim kêu... đâu cũng là đạo mầu; lại phải tu Thất Bồ Đề phần (ao bảy báu) và thành tựu Bát chánh đạo (nước tám công đức) thì dần dần sẽ chứng quả vô sanh (hoa nở thấy Phật chứng vô sanh).

Xét về lý giải thì không có gì sai nhưng nếu giảng kinh như vậy là chấp lý bỏ sự. Đó là một sơ sót lớn nếu không nói là sai lầm. Tôi tin cảnh giới Cực lạc là cảnh thật, không phải là sự giả dụ đâu. Vì sao? Vì Phật, Tổ không bao giờ nói dối. Kinh A Di Đà tả rõ cảnh trí, đời sống cùng sự tự tại thảnh thơi của người dân nước Cực Lạc, nhiều vị sư trước khi viên tịch cũng nói lên cảnh vi diệu được Quán Âm, Thế Chí đến rước. Còn ngài Huệ Viễn là một thiền sư chứng ngộ mà lại ra công hoằng dương Tịnh Độ, khuyên người người niệm Phật cầu vãng sanh thì đó chẳng phải là lời nói suông.

Hơn nữa, nếu có chánh báo thì phải có y báo, như chánh báo của Phật Thích Ca là thân có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, y báo của ngài là cõi Ta Bà; còn y báo của Phật A Di Đà là cõi Cực Lạc. Hễ có chánh báo tất nhiên phải có nơi để quả báo ấy nương tựa, sinh ra và lớn lên. Người gieo nhơn Tịnh Độ lẽ nào không được quả Tịnh Độ sao? Người chuyên tâm niệm Phật thì quyết định về xứ Phật, không đi nơi nào khác.

Ở thế gian, một vị tu sĩ còn có thể lập đạo tràng hóa độ chúng sanh, lẽ nào oai đức như chư Phật mà không có một cõi an lành để nhiếp hộ chúng sinh sao?

Tôi tin lòng từ bi và nguyện lực của đức Phật A Di Đà, người không bao giờ làm ngơ trước bất cứ ai hết lòng kêu cứu, mong thoát khỏi bể khổ sinh tử, cầu vãng sinh về cõi Tịnh của ngài.

Hằng xen vào, nhắc khéo chồng:

— Nãy giờ anh toàn nói về sự. Còn lý thì sao?

Khá thầm cám ơn vợ, anh tiếp:

— Là Phật tử hẳn chúng ta tin rằng ai cũng có Phật tánh nhưng sở dĩ chúng ta không hội nhập và không diệu dụng được như chư Phật, chư Bồ tát, bởi vì từ vô thỉ đến nay, Phật tánh ấy bị vô minh che lấp. Nay nhờ Phật chỉ dạy, mình biết rõ nơi bản tâm có kho tàng vô giá liền tự quay về, bỏ trần hiệp giác. Không chạy theo trần cảnh mà biết quay về sống với Phật tánh chơn như bằng cách nhứt tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì chẳng khác nào đem giọt nước nhỏ bé của mình hòa vào biển pháp giới của Tàng thân A Di Đà Phật, giọt nước này cũng thành biển cả mênh mông mà sông ngòi ao rạch không thể nào sánh được.

Nếu không nhờ nguyện lực của đức Phật A Di Đà thì kẻ phàm phu đầy nghiệp chướng khó thể trong một đời mà có thể giải quyết xong việc sinh tử. Như bậc Tu Đà Hoàn còn phải trải qua 7 lần sanh lên trời, 7 lần trở lại nhân gian mới tiêu hết hai món kiến hoặc, tư hoặc mà chứng quả A La Hán. Người tu thiền dù một phen tỏ ngộ nhưng nếu không chứng đắc cũng khó lòng thoát ra khỏi vòng luân hồi.

Bỗng một giọng ồ ồ cất lên:

— Thưa, căn cứ vào đâu mà bác nói như vậy?

Khương có dịp thay thế cha trả lời cho người bạn trẻ:

— Ấn Quang đại sư đã nói: "Ngộ vẫn còn trong vòng ấy!"

Qúi hỏi tiếp:

— Vậy ngộ và chứng khác nhau ra sao?

Khương từ tốn giải thích:

— Theo chỗ tôi học hỏi thì được biết như vầy: "ngộ cũng như người đang lạc trong rừng rậm mà tìn thấy được lối ra, còn chứng là đã vượt thoát ra khỏi nơi nguy hiểm tối tăm rồi, an ổn ngồi trong nhà một cách vô sự.

Khá gật đầu, tiếp:

— Trong thế gian này biết bao nhiêu người tu mà mấy ai đã "ngộ" đâu, nói gì là "chứng". Còn những điều chúng ta học được qua kinh sách, qua các bài giảng chỉ là kiến giải thôi. Kiến giải, nếu không dùng nó như một phương tiện để sửa đổi tự tâm thì thật ra không ích lợi gì trong giây phút tứ đại phân lỵ Lúc đó, tơ lòng trăm mối, nơi nào nặng thì sa, nghiệp mới nghiệp cũ níu kéo, nợ nào mạnh thì thắng. Nhưng nghiệp vốn không có tự tánh nên tâm có thể chủ động mà chuyển nghiệp. Nếu tâm chuyên chú cảnh Tây phương thì thần thức khi thoát ra cũng hướng cảnh phương Tây như nam châm hút sắt và dĩ nhiên là với sự quyết tâm cầu vãng sanh như vậy của chúng sinh, đức Phật A Di Đà không từ bỏ ai, dù đó là kẻ đã trót gây tạo ác nghiệp nhưng biết ăn năn sám hối.

Hoàng thấy mình còn quá trẻ để nghe nói về sự chết, anh phát biểu:

— Cháu nhớ một thiền sư đã nói:

"Sống ngày nay, biết ngày nay

Còn Xuân Thu trước ai hay làm gì."

Sống thực sự trong giây phút hiện tại, không nghĩ về quá khứ, không sợ hãi tương lai vì tương lai là cái gì chưa đến. Như thế thì tâm mình được thảnh thơi hơn. Đang còn sống mà ngày tối nghĩ tới cái chết hoài, cháu cảm thấy như mình tự hăm dọa mình và quên sống. Cuộc sống dù vô thường nhưng đẹp và đáng sống lắm chứ!

Khá thầm khen người bạn trẻ thông minh, anh lựa lời đáp:

— Với cậu thì tôi không lo nhưng nhóm trẻ hiện sinh mà vớ được hai câu thơ ấy của Thuyền Lão thiền sư thì ắt là họ mừng lắm vì tưởng rằng sống phóng túng buông thả, không cần lo cho tương lai là hợp với đạo Thiền. Nhưng thật sự không phải vậy. Bởi vì muốn có thể sống trọn vẹn cho giây phút hiện tiền, mình phải biết buông xả mọi vọng tưởng điên đảo. Niệm Phật là một phương cách buông bỏ dần những xao động lăng xăng để trở về Nhứt Tâm. Trở về Nhứt Tâm mới thật sự sống, còn sống như phàm phu chỉ là nửa tỉnh nửa say, thật là uổng phí tháng ngày. Sống với Nhứt Tâm rồi thì dù thân chưa về Cực Lạc mà tâm đã an ổn vô ưu rồi, đâu đợi đến khi chết mới hưởng thú vãng sanh!

Quyền, bác phó hội trưởng, bây giờ mới lên tiếng:

— Nước Cực Lạc trong kinh A Di Đà mô tả là cõi toàn vui không khổ, dẫy đầy vàng bạc châu báu, không cần làm việc cũng có ăn; như vậy người dân nước đó chỉ lo vui hưởng thôi vì chẳng có điều chi phải lo lắng, phải đối phó. Vậy tôi xin lỗi: Cực Lạc Tây Phương khác cõi dục giới, sắc giới chỗ nào?

Hằng giơ tay xin đáp:

— Cực Lạc quốc sở dĩ được thành lập là do nguyện lực của đức Phật A Di Đà nhằm cứu độ chúng sanh theo phương cách của riêng ngài. Làm dân nước ấy không khác chi được vào học tại một đạo tràng vĩ đại, đẹp đẽ, trang nghiêm. Nơi đó, học chúng luôn luôn đượm nhuần Phật pháp vì từ tiếng chim hót, tiếng nước chảy cho đến là cây khua động đều phát ra những pháp âm vi diệu không dứt khiến cho mọi người luôn luôn nhớ niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Nhờ hoàn cảnh thanh tịnh tuyệt hảo, nhờ Phật lực và nhất là vì sự tu trì không gián đoạn nên dần dần hành giả dứt bỏ được tam độc tham sân si, phá trừ vô minh từ thô đến tế. Tiến trình tu chứng cứ tiếp tục mãi cho đến ngôi vị không còn thối chuyển rồi viên thành Phật đạo. Như vậy Tây phương Cực Lạc là cõi để tu hành đâu giống như các cõi trời chỉ biết vui chơi hưởng thụ. Chư thiên ở cõi trời hễ hưởng hết phước thì đọa còn dân nước Cực Lạc nhờ công đức tu tập chắc chắn không sợ sa rớt trở lại chốn luân hồi. Mỗi học viên của đạo tràng Cực lạc đều sẽ thành Phật cả, mau hay lâu tùy theo trình độ, căn cơ và sự nỗ lực của chính mình.

Thu Cúc, cô sinh viên Phật tử sắp tốt nghiệp Dược khoa, rất thích thú theo dõi câu chuyện. Cô có dịp góp lời:

— Cõi Cực Lạc dẫy đầy vàng bạc, lưu ly, ngọc quí, lại không cần phải lo vấn đề ẩm thực, y phục, vật dụng... thì có lẽ người dân xứ ấy không khởi lòng tham muốn.

Hằng gật đầu đồng ý:

— Chẳng những không khởi lòng tham của cải tài vật mà theo tôi nghĩ, họ cũng không có cơ hội để khởi lòng ái dục vì dân xứ ấy từ liên hoa hóa sanh, mang thân đồng nam cả.

Tôi biết có người vào chùa tu mà chỉ nguyện kiếp sau được thân nam; nếu người ấy nguyện sinh về Cực Lạc thì đương nhiên cũng được thân nam rồi, lại còn thoát ra khỏi vòng sinh tử, có hoàn cảnh tiến tu mãi cho đến khi thành tựu đạo quả; thật lợi lạc muôn ngàn trăm ức lần hơn.

Bác sĩ Nguyên vẫn tiếp tục vấn nạn:

— Tôi được biết cõi Tịnh Độ có nhiều phẩm vị khác nhau nhưng riêng đối với những người đới nghiệp vãng sanh, tuy được về cõi Cực Lạc rồi nhưng nghiệp trần còn mạnh, tham sân si còn nhiều thì làm sao họ tránh khỏi sự đọa lạc trước cảnh sung sướng đầy đủ, muốn gì được nấy?

Khá chẳng lúng túng, anh đáp ngay:

— Anh cũng biết hễ "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Được ở cõi Phật, một môi trường hoàn hảo, ngày ngày đều nghe pháp, được Phật lực gia hộ, được làm bạn cùng những bậc thánh thì lâu ngày nghiệp cũ cũng tiêu dần. Duy thức học có câu: "Bất khả tư nghì huân, bất khả tư nghì biến" mà. Sự tiêm nhiễm biến đổi con người một cách không thể tưởng tượng được, chính mình còn không biết nữa. Về Cực Lạc rồi thì dần dần chuyển phàm thành Thánh cả, làm sao có sự đọa lạc?

Bác Trần Kim đang nghiên cứu kinh điển Tiểu thừa, giờ có dịp hỏi:

— Sao tôi không thấy kinh sách Tiểu thừa nói đến pháp tu Tịnh Độ, vậy môn này có phải là do đời sau chế ra không?

Khá đã chuẩn bị cho câu hỏi này, anh đáp:

— Kinh điển Tiểu thừa không nói đến vì đây là một pháp môn Đại thừa, điều đó dễ hiểu thôi. Tông Tịnh Độ căn cứ trên ba kinh là Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ và A Di Đà. Sơ Tổ là ngài Huệ Viễn ở Trung Hoa.

Đạo hữu Trần Kim hỏi vặn lại:

— Người tu Tịnh Độ tự cầu cho mình được vãng sanh, không cứu giúp được ai, đó là tinh thần của Đại thừa sao?

— Người niệm Phật cầu vãng sanh phải khởi lòng từ bi, hay bố thí giúp đỡ, khuyến khích người người cùng tu, như vậy mới có thể khế hợp cùng tâm đại từ đại bi của đức Phật, hơn nữa, khi hồi hướng phát nguyện, hành giả luôn luôn nguyện cho mình và tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo, không chỉ nghĩ tới riêng mình. Đó là tinh thần của Đại thừa.

Trần Kim tiếp:

— Mục đích của đạo Phật là phá trừ ngã chấp, pháp chấp. Người tu Tịnh Độ tin cõi Tây phương Cực Lạc là thật có, vậy là pháp chấp; mong về đấy hưởng sự an vui, đó là ngã chấp. Như thế có đúng với chánh pháp chăng?

Khá thích thú được chất vấn như vậy. Anh ôn tồn đáp:

— Quả thật trong giai đoạn đầu tiên, vì chưa chứng ngộ, ngã chấp và pháp chấp của phàm phu được vãng sanh vẫn còn y nguyên. Những người nầy phải nương vào búp sen mà tu trì, cho đến khi hoa nở mới được thấy đức Phật A Di Đà, được nghe Phật thuyết pháp. Đến khi chứng được quả vị vô sanh, ngã pháp đều buông bỏ, như trứng gà đã nở ra, gà con được tự tại đi đứng, không cần gà mẹ ấp cũng không cần cái vỏ bao bọc che chở nữa. Bấy giờ họ trở thành những vị Bồ tát không thối chuyển, tùy nghi phương tiện mà hóa độ chúng sanh.

Bác Quyền tiếp lời vấn nạn:

— Chỉ niệm Phật thôi mà được thoát ly sinh tử, việc đó nghe dễ dàng quá, đến nỗi thành khó tin.

Khá gật đầu:

— Thật vậy. Tịnh Độ là pháp khó tin. Những pháp môn khác phải tốn bao nhiêu là công sức mà chưa thấy chi còn người niệm Phật chẳng cần biết gì khác ngoài việc tin Phật, niệm Phật và cầu vãng sinh; dễ dàng mà kết quả lại lớn lao, vi diệu.

Nhưng nếu xét cho kỹ thì pháp tu Tịnh Độ cũng gần đủ Bát Chánh Đạo. Trước nhất, người nguyện sinh Cực Lạc phải là người có Chánh kiến, thấy rõ nỗi khổ sinh tử bức bách, thú vui dục lạc là chất độc hại người, tình cảm luyến ái là sợi dây ràng buộc. Lại thêm sự thôi thúc của nghiệp lực thường xui khiến mình làm điều quấy, việc ác nên chưa chắc kiếp sau được trở lại làm người. Vì vậy, họ hướng tâm về cõi Cực Lạc, quốc độ của đức Phật a Di Đà mà phát nguyện vãng sanh về đó để có thể xa lìa mọi khổ nạn và chấm dứt chuyện sinh tử luân hồi.

Họ tin rằng lời phát nguyện của đức Phật A Di Đà quyết không dối gạt chúng sinh nên thường nhớ Phật, kêu gọi ngài cứu độ bằng cách trì danh hiệu của ngài hoặc quán tưởng hình ảnh của ngài. Đi, đứng, nằm, ngồi, một lòng chăm chú không xao lãng công phu, không quên hạnh nguyện, không nghĩ tưởng chuyện gì khác, đó là chánh niệm.

Khi được chánh niệm trong 1úc hành trì, họ tự cảm thấy thân tâm thanh tịnh, an ổn nên càng siêng năng không biếng trễ, đó là chánh tinh tấn. Cho tới khi công phu đạt tới chỗ nhất tâm bất loạn thì toàn tâm là một khối vững vàng, không còn xao động vì ý thức phân biệt bên trong hay vì trần cảnh xoay chuyển bên ngoài, ấy không gọi là chánh định sao?

Đạt được chánh định rồi, niệm Phật với hành giả là một. Từ đấy, toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm nên mọi ý hướng suy nghĩ đều hợp với chánh pháp (chánh tư duy) nên luôn luôn muốn làm những sự hòa vui, lợi lạc, thí xả cho người. Tư tưởng đã như thế thì những hành vi thể hiện ra bên ngoài từ lời ăn tiếng nói cho đến cách xử sự, nghề nghiệp sinh sống đâu lẽ nào không đầy đủ chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh hay sao?

Đấy là luận theo thành quả tu tập mà nói người tu pháp môn Tịnh Độ thực hiện đầy đủ Bát Chánh Đạo; còn đối với người sơ cơ thì như ở quê ngoại tôi, người ta dạy cho nhau rằng kẻ niệm Phật cầu sinh Cực Lạc mà muốn được Phật rước thì phải tu nhơn tích đức. Người tu nhơn tích đức ắt là phải có chánh ngữ rồi, họ lại không làm những điều trái với luân thường đạo lý, đó là chánh nghiệp và dĩ nhiên họ không sống bằng nghề đồ tể cũng không sát sanh hại vật để có món ăn ngon; đấy là chánh mệnh. Dùng giới mà tu định, từ định sinh huệ, thật cũng không khác với đạo Thiền, phải không?

Khá dùng một mũi tên bắn cùng lúc hai mục tiêu, vừa thỏa mãn Trần Kim vừa nhắm vừa lòng bác sĩ Nguyên, người chú trọng thiền học.

Quả nhiên, hai người ấy kín đáo nhìn nhau rồi gật gù, ngồi im.

Nhưng bác Quyền vẫn còn thắc mắc:

— Theo chỗ tôi biết, tu Tịnh Độ có bốn phương pháp, đó là trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật và thật tướng niệm Phật. Thật tướng niệm Phật thì cao siêu quá, ít ai hiểu tới nói gì là thực hành. Riêng với ba phương pháp đầu thì tôi e rằng trái với tinh thần của kinh Kim Cang. Vì sao? Kinh dạy rằng:

"Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhân hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai."

Dùng sắc, thanh mà cầu Phật là tà đạo vì chỉ chạy theo vọng tưởng, làm sao tỏ ngộ Chơn Như?

Khương nghe câu hỏi, lấy làm thích thú vì đó cũng là lời chất vấn của anh trước kia khi gặp thầy T.H. Khá hiểu ý con, dành cho Khương trả lời.

— Cháu xin phép nói. Về vấn đề nầy, bổn sư của cháu đã giảng khá kỹ càng, nay cháu xin lập lại một cách đại lược thôi.

Phàm sự vật gì cũng có thể, tướng và dụng. Thể là bản chất thực sự của các pháp nhưng Thể lại tùy theo duyên mà sinh ra tướng và dụng. Thí dụ như đất sét là cái thể chung mà lại từ đất sét có thể làm ra lu nước, bình bông, nồi niêu, chén dĩa, ly tách... mỗi thứ đều có hình dáng màu sắc khác nhau và tùy theo hình tướng ấy mà sự sử dụng cũng sai khác. Tuy vậy mà tướng và dụng ấy không tách rời khỏi thể vì ngay nơi tướng dụng lại là tánh thể.

Cũng vậy, ngay nơi tướng phàm phu là tánh thể Như Lai nên hành giả phải nhờ tướng mà nhập tánh như ngài Quán Thế Âm Bồ tát nhờ vào âm thanh mà trở về với tánh nghe thường hằng không đổi, đắc nhĩ căn viên thông; ngài Đại Thế Chí nhờ niệm Phật mà được lục căn viên thông. Đó là từ tướng mà nhập tánh cả.

Pháp môn Tịnh Độ tuy không dùng phương pháp phản văn văn tự tánh như thế nhưng mà hằng ngày cứ niệm Phật, tưởng Phật thì dần dần cũng bội trần hiệp giác được. Buông bỏ cảnh trần để sống với giác tánh Như Lai thanh tịnh, đó là đúng với tinh thần phá tướng hiển tánh của kinh Kim Cang rồi, đâu có gì sai khác. Hiểu đúng theo tinh thần ấy thì không rơi vào lỗi lầm cố chấp nơi ngôn ngữ văn tự vậy.

Nhóm Phật tử trẻ thấy Khương luận thuyết lưu loát, lấy làm phục lắm. Thu Cúc nghe mấy người bạn của mình phê bình Khương: "Anh ta khờ khạo, nhút nhát, cù lần lắm" thì cô cứ in trí như vậy nên có vẻ xem thường chàng nha sĩ này, nay biết sự thật trái ngược hẳn.

Nhưng Quyền không phải là người dễ thuyết phục. Ông tiếp tục theo ý ông:

— Người tu Thiền khi thấy cảnh lạ, hiện tượng lạ xuất hiện còn phải bác bỏ không tin vì hễ tin thì lọt vào lưới mạ Đằng này, người theo phép quán tượng, quán tưởng niệm Phật lúc nào cũng tưởng tượng ra hình ảnh của Phật A Di Đà thì không khỏi có ngày gặp ma giả Phật, rồi đi sai đường, rơi vào tà đạo.

Khá công nhận:

— Anh nói đúng. Nhưng 2 pháp tu trên thường là người có lợi căn một chút mới dám theo. Khi dụng công hành trì quán tượng hay quán tưởng niệm Phật thì luôn luôn phải tâm niệm rằng "vạn pháp duy tâm", nghĩa là biết rằng cảnh ấy không thật có, chỉ từ tâm tưởng của mình hiện ra thôi. Đề cao cảnh giác như vậy thì dù ma giả dạng hiện ra cũng phải tan biến đi. Trên thực tế thì đa số đều theo pháp trì danh niệm Phật vì dễ dàng hơn và có thể dụng công bất cứ lúc nào, khi đi đứng, lúc nằm ngồi; ngay cả khi làm việc mà không cần sự cố gắng chú tâm vào công việc, cũng niệm Phật được.

Hằng có dịp xen vào:

— Tôi nhớ có đọc trong một quyển sách mà tôi quên tựa rồi, kể lại bước đường hoằng pháp độ sanh của đức Phật Thích Cạ Một hôm ngài đi ngang qua một lò rèn, thấy anh thợ rèn đang làm việc cạnh một lò lửa đỏ nóng hừng hực, mồ hôi đổ như tắm. Anh cầm cái búa thật to, cố dùng hết sức mạnh đập vào thanh sắt đã được nung đỏ để làm dụng cụ gì đó. Mỗi lần đập xuống một nhát búa, anh lại la lên như để lấy sức mạnh thành ra nơi ấy âm thanh chát chúa, chỏi tai khiến cho công việc của anh thêm nhọc nhằn. Phật khuyên anh mỗi lần hạ búa xuống, thay vì la hét như vậy, anh nên đọc hồng danh đức Phật, do công đức niệm Phật, anh sẽ được Phật rước về cõi Tịnh Độ.

Bà Tư vốn là người hàng xóm của vợ chồng Khá. Bà không đủ sức để hiểu hết những gì mọi người đang thảo luận nãy giờ nhưng nghe Khá trình bày, bà sinh lòng tin tưởng pháp môn niệm Phật. Bà rụt rè hỏi:

— Như tui đang làm ở xưởng maỵ May theo lối dây chuyền, tôi chỉ ráp có một đường thôi thành ra dễ lắm, vậy trong lúc may tôi niệm Phật được không?

Hằng sốt sắng:

— Dạ, dĩ nhiên là được rồi. Nhưng chắc là phải niệm thầm chớ mình niệm ra tiếng, những người Mỹ làm chung họ không biết mình muốn cái gì.

Nghe Hằng nói, ai cũng bật cười rần. Không khí nhờ thế không còn căng thẳng vì sự tranh luận.

Tuyết cũng có vẻ "chịu" môn Tịnh Độ rồi, hỏi thêm cho rõ:

— Niệm Phật phải liên tục không gián đoạn mới mau được thuần nhất. Như tôi, ở sở thì bận rộn tiếp xúc với khách, về nhà mới có thể niệm được nhưng mà về nhà thì phải nấu cơm, kho cá, phải quét dọn lau chùi, lại còn vấn đề vệ sinh cá nhân... Những lúc đó mình niệm Phật được không?

Hằng vui vẻ:

— Tôi được biết Ấn Quang đại sư rất kỹ lưỡng về chuyện này. Ngài nói: "Ngoài những thời khóa ấn định để lễ Phật và lớn tiếng niệm hồng danh A Di Đà thì trong bất cứ công việc nào, mình cũng thầm thầm niệm Phật được cả. Niệm thầm thôi, vì thí dụ như đang ở trong nhà tắm mà mình cứ lớn tiếng niệm Phật thì như vậy thiếu sự cung kính, nghiêm trang. Niệm thầm cũng có công đức không thua gì niệm lớn.

Bà Tư hỏi thêm:

— Tôi thấy nhiều người khi niệm Phật thì lần chuỗi. Vậy tôi nên sắm một xâu chuỗi không?

Hằng đáp một cách sốt sắng:

— Thầy tôi dạy rằng khi niệm Phật mà lần chuỗi thì dễ được "niệm chắc" và có thể ấn định số chuỗi hằng ngày không sợ biếng trễ. Còn niệm không, tâm dễ đi rong, sinh lười biếng hoặc được "niệm lép" thôi.

— Niệm chắc, niệm lép là sao?

— Cũng như lúa có hột chắc hột lép. Hột chắc thì ích lợi nhiều vì có thể ăn hoặc làm giống gieo trồng tạo ra cây lúa; hột lép chỉ toàn vỏ trấu, không nẩy mầm thành cây được, cũng không ăn được. Niệm chắc là cả thân tâm đều qui hướng về hồng danh A Di Đà, hòa hợp cùng pháp thân thanh tịnh của Phật vốn sẵn đủ nơi tâm của mình. Niệm như vậy thì tâm khế hội cùng chánh lý, không còn điên đảo phân biệt. Lúc lâm chung mà niệm được 10 câu chắc thật như vậy thì tức khắc vãng sanh Tịnh Độ.

Còn "niệm lép" hay tán tâm niệm Phật là miệng tuy niệm Phật mà tâm nghĩ tưởng buông lung không giữ nó lại một chỗ được. Mới niệm Phật thì đa số chúng ta đều "niệm lép" cả nên rất cần xâu chuỗi nhưng mà lâu ngày dần dần trở nên thuần thục. Cho nên "niệm lép" cũng có ích lợi của nó, như lúa lép hay trấu có thể dùng để chụm đốt thay củi, chừng thành tro rồi còn dùng làm phân bón nữa. Lúc đầu dù tán tâm niệm Phật, cứ tiếp tục hành trì, đừng nên thối chí nản lòng.

Lần chuỗi là phương tiện để cột thân tâm lại một chỗ, khi tâm thuần rồi thì chẳng nên dùng chuỗi nhiều vì lâu ngày gân tay bị động dễ sinh bịnh. Chỉ cần niệm niệm nối nhau không dứt là được.

Bác sĩ Nguyên còn ấm ức vì gốc thiền của ông rất mạnh. Ông lên tiếng:

— Nếu giữ cho niệm niệm nối nhau không dứt thì có khác chi người tu thiền tham thoại đầu. Một chữ "Vô" dán nơi trán hay một hồng danh Phật gắn liền trong tâm nào có khác gì nhau?

Khá xen vào, đáp:

— Khác chớ sao không? Tỉ như anh có chiếc xe, tôi cũng có chiếc xe, anh lên xe lái thẳng đến chỗ anh muốn đến, còn tôi cứ lái chạy hoài không biết rồi mình sẽ đi đâu. Tu Tịnh Độ quan trọng và khác Thiền ở chữ Nguyện. Tin Phật, niệm Phật và nguyện vãng sanh Cực Lạc, cứ nhắm đích đó mà đi tới, bao nhiêu công đức đều hồi hướng vãng sanh Cực Lạc thì chắc chắn là được mãn nguyện.

Chương ngồi cạnh Nguyên nãy giờ chưa nói chi, giờ mới hỏi:

— Sao lạ vậy? Người niệm Phật liên tục như anh nói đó, nếu không nguyện sinh về Tây phương Tịnh Độ thì không được vãng sinh. Vậy lòng từ bi của đức Phật ở đâu? Anh căn cứ vào đâu mà nói như thế?

— Chẳng phải Phật không có lòng từ bi mà vì người ấy không muốn thì Phật đâu lôi kéo họ về Tây phương được. Nghiệp (hoặc nôm na nói là số phận) của chúng sanh đều do mình tự chiêu cảm, không ai có thể giúp được. Tôi nhớ, một người bạn đã hỏi bổn sư tôi như thế này: "Trong Kinh nói có hằng hà sa số Phật, mỗi đức Phật đều có quốc độ trang nghiêm thù thắng, sao chư Phật không đem hết chúng sanh về cõi nước của mình để không còn ai khổ nữa?"

Thầy tôi đáp: "Tỉ như có người đó ngày tối nhậu nhẹt say sưa, trộm cắp, cờ bạc, đến nỗi cứ vào tù ra khám hoài, thầy thương xót anh ta, tới kêu người ấy vào chùa ở với thầy thì được yên vui, người đó chịu không? Chắc chắn là không rồi vì anh ta cho rằng ở chùa đâu vui vẻ gì, tối ngày cứ nghe pháp tụng kinh hoài, chán chết. Anh ấy cứ chạy tìm thịt cầy, rượu đế và các lá bài đen đỏ vì đối với anh, những thứ ấy đầy quyến rũ, chúng thu hút anh một cách mãnh liệt, thành ra đâu ai cứu anh được. Chừng nào anh thức tỉnh ăn năn, muốn cải tà qui chánh và nguyện tạo dựng một đời sống bình yên tươi sáng hơn thì thầy mới giúp anh được. Đức Phật cũng vậy, tuy ngài có lòng từ bi vô lượng mà chúng sanh cứ ngoảnh mặt làm ngơ hoặc là đôi khi cũng tu mà tu lấy lệ, tu qua loa thì nghiệp cũ của họ còn lẫy lừng quá, họ lại không quyết tâm về Cực Lạc thì đâu Phật nào cứu họ được. Chỉ kẻ nào biết vận dụng ý chí, dùng tâm nguyện chiến thắng nghiệp lực thì khi ấy lòng từ bi của đức Phật mới có tác dụng và Phật mới cứu họ được.

Khương rót thêm nước cho mọi người, anh trở lại chỗ ngồi rồi tiếp lời cha:

— Phật chỉ độ được những người hữu duyên, cho nên xét trong 48 lời nguyện của Pháp Tạng tỳ kheo là tiền thân của đức Phật A Di Đà thì người tu pháp môn Tịnh Độ cần hội đủ ba yếu tố: tín, hạnh, nguyện. Tín là một lòng tin tưởng Phật A Di Đà và cõi Tịnh Độ của ngài, hạnh là hết lòng niệm Phật hoặc quán tưởng ngài, tức là tạo duyên thân cận với đức Phật và nguyện là phát tâm muốn được vãng sinh về cõi Cực Lạc phương Tây, dù cho công đức tu hành có thể được về cõi trời hay được trở lại chốn nhân gian làm vua cũng không ham. Tin sâu, hành vững, nguyện thiết thì thành tựu.

Thu Cúc nhìn Khương, hỏi:

— Tôi không hiểu tại sao phàm phu chúng ta nghiệp chướng sâu dày mà niệm Phật trong một thời gian ngắn cũng có thể vãng sanh, thoát ly sinh tử. Trong Cao Tăng truyện, các vị ấy đâu chỉ tu trong một đời mà đắc đạo...

Khương cười, sốt sắng giải thích:

— Một hạt cát nhỏ bỏ xuống nước thì chìm nhưng tảng đá to để trên thuyền vẫn có thể đem qua sông qua biển. Chiếc thuyền ví như lòng từ bi của chư Phật. Với lòng từ bi rộng lớn và nguyện lực thâm sâu, đức A Di Đà sẵn sàng tiếp dẫn những người tuy trót tạo nghiệp tội nhưng quyết tâm cải tà qui chánh, quyết lòng mong về cõi Tịnh Độ. Lên đó rồi thì được làm bạn cùng thánh chúng, an vui tu tập, dần dần cũng chuyển phàm thành thánh.

Thúy có vẻ như đã nghiêng hẳn về pháp môn Tịnh Độ, cô phát biểu:

— Được về cõi Tịnh Độ mà tu thì cứ đi lên mãi, không sợ sa rớt hay lui sụt. Ở trần gian nầy, dù làm một đại tăng cũng chưa bảo đảm, tại vì chung quanh có nhiều cám dỗ quá! Đến như quốc sư Ngộ Đạt, đã mười kiếp tu hành thanh tịnh rồi, vậy mà khi ngồi trên pháp tòa làm bằng gỗ trầm trước sự cung kính của vua quan bỗng khởi một niệm cống cao ngã mạn làm hư cả sự nghiệp tu hành, thật là uổng.

Tuyết vừa giơ tay vừa hỏi:

— Sao tôi nghe nói pháp tu niệm Phật chỉ thích hợp với những ông già bà cả hoặc những người quê mùa không biết gì hết, chỉ nhờ lòng tin mà vào thôi?

Khá giải thích:

— Như nãy giờ chúng ta đã phân tích, pháp môn niệm Phật không phải là một pháp tu tầm thường đâu. Tại thấy dễ quá rồi ai cũng coi thường hoặc là không tin nổi.

Tổ thứ 13 của pháp môn Tịnh Độ, đại sư Ấn Quang nói rằng: "Người niệm Phật, như giữ được tâm niệm hợp với chánh lý thì trong một hạnh gồm đủ cả: Luật, Giáo, Tịnh, Thiền; vậy pháp nầy là Viên giáo. Lại tu Tịnh Độ thì mau lẹ, nhờ sức từ của đức Phật, một đời được vãng sanh, đó gọi là đốn." Một pháp môn viên đốn,vi diệu như thế đâu phải chỉ dành riêng cho ông già bà cả. Chỉ vì người già hay theo Tịnh Độ nên người ta hiểu lầm như vậy. Còn những người không biết gì hết, chỉ một lòng tin thôi, thì lại rất quí đối với pháp tu này vì họ niệm Phật với lòng thành kính thiết tha như con nhớ mẹ. Con nhớ mẹ mà mẹ lại mong con thì chắc chắn mẹ con sẽ sum họp một nhà. Còn những người thích kiến giải thì tâm trí hay suy lường, phân biệt, khó phát lòng tin chơn thiết nên ít thành công. Riêng đối với những bậc thượng căn đại trí thông suốt tam tạng kinh điển thì pháp môn này lại rất xứng hợp. Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài Đại Thế Chí đã thưa cùng đức Phật Thích Ca rằng đã nhờ pháp "Niệm Phật Tam Muội" mà ngài được viên thông. Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài sau khi lần lượt chứng Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng và tiến lên các nấc thang trong Thập Địa rồi mà khi gặp Phổ Hiền Bồ tát, ngài cũng khuyên Thiện Tài nên hồi hướng sinh về thế giới Cực Lạc để mau tròn quả Phật.

Tại nước Ấn Độ thuở xưa, ngài Thế Thân là Thiền tổ thứ 21 đồng thời là một đại luận sư mà cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc. Rồi đến đời Đông Tấn ở Trung Hoa, thiền sư Huệ Viễn, sau khi đắc chứng thiền cơ, trí huệ thông suốt thì lui về Lô Sơn lập ra Liên Xã, khuyên người người niệm Phật cầu vãng sanh vì thấy rõ thời mạt pháp, nếu không nhờ sức từ và nguyện lực của đức Phật A Di Đà tiếp dẫn thì vạn người tu khó được một người liễu sanh thoát tử. Ngài trở thành vị tổ đầu tiên của pháp môn Tịnh Độ của Trung Hoa. Sau đó, các vị đại đạo sư như Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo, Thừa Viễn, Pháp Chiếu, Vĩnh Minh, Liên Trì, Ngẫu Ích... đều dùng pháp tu Tịnh Độ mà tự lợi, lợi thạ Vì vậy, có thể nói Tịnh Độ là pháp môn hết sức vi diệu, không bỏ sót ai, là liều thuốc trị liệu chung cho vạn ức người.

Tín lại cất giọng ồ ồ "vịt đực" lên, vấn nạn liền:

— Thưa bác, hồi nãy bác nói chánh báo ra sao thì y báo cũng xứng hợp như thế ấy nhưng tại sao môn Tịnh Độ lại thu nhiếp từ bậc Đại Bồ tát đến đại đạo sư cho về ở chung một chỗ với những kẻ phàm phu mới vừa đới nghiệp vãng sanh?

Khương đáp thay cha:

— Như người trong cùng một quốc gia, tuy có chung cộng nghiệp nhưng vì biệt nghiệp khác nhau nên có kẻ giàu người nghèo, kẻ thông minh người ngu tối, kẻ đẹp người xấu, kẻ sang người hèn v.v...

Ở Tịnh Độ thì chia làm 4 khu vực riêng biệt:

* một là cõi thánh phàm cùng chung sống. Chúng sinh niệm Phật vãng sinh thường được tiếp dẫn về đây.

* hai là cõi phương tiện hữu dư: dành cho bậc nhị thừa, tuy đã đắc A La Hán, dứt kiến hoặc, tư hoặc rồi nhưng vẫn còn vi tế vô minh.

* ba là cõi thật báo vô chướng ngại: dành cho các vị Bồ tát từ Sơ địa đến Đẳng giác.

* bốn là cõi thường tịch quang: là cõi của bậc Diệu Giác đang tiến đến cứu cánh Phật.

Những bậc ở cõi trên thì qua lại thông thương với các cõi dưới được nhưng những vị Ở cõi thấp thì không thể thấy biết về các cõi cao hơn vì vô minh còn làm chướng ngại.

Trong bốn cõi trên, mỗi cõi lại chia làm 9 phẩm, cao thấp chẳng đồng vì công đức tu hành sâu cạn khác nhau. Bởi thế, đại sư Ngẫu Ích có dạy rằng: "Chúng ta có được vãng sanh hay không, hoàn toàn do nơi chúng ta có lòng tin tưởng và phát nguyện hay không; còn phẩm vị cao thấp đều do nơi chúng ta thọ trì danh hiệu Phật sâu hay cạn."

Bà Tư bây giờ đã hoàn toàn tin tưởng. Bà nhìn Khá với đôi mắt cảm phục và biết ơn. Bà cất tiếng hỏi:

— Ba tôi năm nay đã 76 tuổi, hai chân yếu không đi đứng gì được, nằm hoài một chỗ nên có lúc tỉnh, lúc mệ Như vậy tu Tịnh Độ cầu vãng sanh được không?

Hằng đáp, giọng quả quyết:

— Chắc chắn là được. Nhưng mà ông cụ phải có lòng tin tưởng và muốn cầu sanh Cực Lạc. Chờ khi nào ông cụ khỏe khoắn tươi tỉnh, chị nên thỉnh một vị chân tu đến thuyết pháp cho cụ nghe. Từng tuổi đó rồi, dễ thức tỉnh lắm. Lại mang tấm thân bịnh hoạn, không còn quyến luyến ham thích gì nữa nên dễ buông bỏ thân tâm. Buông xuống hết rồi chí thành niệm Phật, cầu cứu đức A Di Đà, lẽ nào Phật không rước?

Bà Tư e ngại:

— Lúc tỉnh, có thể cụ còn thầm thầm niệm Phật được, lúc mê thì sao?

Khá:

— Theo tôi được biết, lúc mê, thần thức vẫn còn đó, tức là A Lại Gia thức vẫn tiếp tục hoạt động, chị cứ mở băng tụng kinh A Di Đà và băng niệm Phật cho cụ nghe, Bát thức của cụ sẽ thu nhiếp chủng tử Phật vào tâm. Chủng tử Phật nhiều thì trở thành cận duyên và nhờ đó cụ có tư lương để về nước Phật. Còn những khi cụ tỉnh táo, con cháu nên ngồi chung quanh niệm Phật lớn tiếng cho cụ niệm theo để tạo sự tinh tấn cho cụ.

Bà Tư buột miệng khen:

— Hay thiệt!

Bác sĩ Nguyên đến bây giờ mới mở lời tán thán:

— Anh Khá, ý quên, đạo hữu Minh Khai, thật khéo tu và khéo giúp người cùng tụ Tôi công nhận lý thiền cao siêu, thâm diệu nhưng sức chúng ta khó tu vì gia duyên ràng buộc và nghề nghiệp chiếm hết thì giờ, nghiệp chướng phàm phu thì quá mạnh. Nếu tu trọn đời nầy chưa chứng ngộ thì chưa biết kiếp sau nghiệp lực lôi cuốn mình về đâu, có chắc được thân người nữa chăng? Hay là nhờ chút dư phước được sinh lên cõi trời, lo say sưa hưởng thụ, đến khi hết phước lại đọa?

Thân người khó được, Phật pháp khó tìm, Tịnh Độ khó tin; nay nhờ đạo hữu, tôi phát khởi lòng tin nơi pháp môn Tịnh Độ. Nhưng vì tôi đã trót gieo duyên với Thiền nên không bỏ được, tôi sẽ kết hợp Thiền Tịnh song tụ Ý anh nghĩ sao?

— Thật là tuyệt! Tịnh có Thiền như cọp thêm cánh, mười người tu, mười người được. Chư tổ đã nói vậy.

Thu Cúc lấy làm lạ, hỏi:

— Cháu vẫn nghe các thiền sư tuyên bố: "Gặp Phật giết Phật, gặp ma chém ma", đó là thái độ phóng túng và phá chấp một cách tuyệt đối để giúp hành giả buông bỏ hết mọi sự đối đãi, phân biệt, nhị nguyên; còn người tu Tịnh thì phải lấy sự tôn trọng, cung kính, lễ bái làm đầu. Hai thái cực ấy làm sao có thể kết hợp lại được? Xin bác hội trưởng giảng cho.

Hằng nhìn đồng hồ, nhắc khéo:

— Muốn nói về Thiền Tịnh song tu chắc phải chờ một dịp khác vì bây giờ đã đúng ngọ, ai cũng đói bụng cả rồi phải không? Nhất là ngày Tết nữa, nhiều món ăn ngon đang chờ.

Khương nhanh nhẩu đáp:

— Dạ phải!

Thu Cúc nhìn anh, cười. Khương hồn nhiên bào chữa:

— Tôi xấu chứng đói lắm!

Trước khi bà con rã hàng ngũ để lo bữa ăn trưa, Trần Kim cất giọng ngân sang sảng:

"Lênh đênh cửa bể Thần Phù,

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm."

Hết