Hai gia đình rất giàu ở Việt Nam, qua bên này vẫn còn giàu. Sơn và Phượng quen từ bên đó, qua Mỹ cặp luôn cho đến lúc lấy nhau. Sơn là bạn của cậu nên nhiều lúc Phượng cứ quen miệng kêu Sơn là cậu Sơn. Thấy cặp đó “xưa như trái đất, rất đẹp đôi. Nhà bên Sơn có bốn trai, mặt được hết. Nhà bên Phượng, một trai một gái. Bây giờ nghe Sơn và Phượng ly dị rồi, ừ thì ngoại tình, ghen tuông, làm khổ nhau, sống chung không được nữa, vợ đổ thừa chồng bay bướm, chồng đổ thừa vợ lẳng lơ, tát tai nhau chán, xách nhau ra tòa xé giấy hôn thú, hai bên cha mẹ bênh con mình đều không thèm nhìn nhau nữa.

Họ trẻ nên họ nông nỗi, lấy nhau chưa được một năm, chưa có con, thì chia tay. Thời gian bồ bịch còn dài hơn thời gian ở với nhau. Cha mẹ hai bên qua đây mang được tiền, làm đám cưới lớn, vậy mà không bền, quả đúng như người xưa từng nói đám cưới rình rang cũng không cho là bảo đảm, nhất là tại xứ này, thích thì ở, không thích thì mạnh ai đường nấy đi. Tin ly dị đó tuy vậy cũng làm sửng sốt nhiều người, vì thuở đó, vấn đề ly dị trong cộng đồng Việt ở đây còn ít lắm. Con gái kín cổng cao tường, đi chung với con trai còn sợ mang tiếng. Quen con trai nhiều sợ không lấy được chồng!

Phượng chạy theo một ông bị vợ bỏ, vợ bỏ nhưng có tiền có địa vị, dân du học trước 75. Sơn chỉ có nước tiếc vợ ngẩn ngơ mất hồn, nói thôi là thôi, ở xứ này bố mẹ cũng không can gián được, mấy cặp già qua đây đời sống khó khăn, cô đơn, cũng cãi nhau như mổ bò, cứ toác miệng ra cãi, đem con cái ra làm trọng tài, đâu còn cảnh đóng cửa phòng nói nhỏ với nhau nữa, nên bây giờ có khuyên lơn, con cái cũng đâu có nghe. Lối sống tự nó thay đổi dần dần theo hoàn cảnh. Sau đó, Sơn lông bông, không ở lâu một chỗ, không làm giốp nào quá một năm. Hận đời, hận đàn bà, chửi rủa, tuổi chưa tới ba mươi. Bố mẹ bất lực đau lòng, nát ruột nhìn con. Ai muốn vậy đâu. Trời không thương thì đành chịu.

Bố mẹ Phượng thì thở dài chuyện của Phượng, mẹ Phượng có phân trần với những người quen, nói về chàng rể mới: ly dị, 3 con, lớn hơn con Phượng nhà tôi gần 15 tuổi, nhà tôi đâu có chịu. Không chịu thì làm gì? Sinh con chứ ai sinh được lòng. Bà con nghe xong kín đáo lắc đầu, đâu dám cười ai, bởi vì ai biết được, “cười người hôm trước hôm sau người cười. Anh này có tiền cho Phượng xài, dân ăn diện mà không tiền thì như cụt cẳng cụt tay -bố mẹ có tiền nhưng còn lo những ngày về hưu nên chưa rộng rãi cho con. Phượng sắm một cái áo dạ vũ đủ đi hết nửa tháng lương của một gia đình nào đó. Một cái ví bằng da cá sấu cũng mấy trăm bạc. Cuối tuần phải có tiền cho Phượng đi làm đầu, làm móng tay. Cặp mắt, chiếc mũi... chắc là có sửa chút đỉnh rồi!

Mới đầu, ông bà cụ giận Phượng lắm. Lâu ngày cái giận nguội dần, cha mẹ nào đi giận mãi con cái. Phượng đưa anh chồng mới về, anh cũng biết nịnh mẹ vợ, cứ mẹ mẹ với con con khi nói chuyện với bác Thành gái, ngồi bên cạnh bác chỉ bác đánh bài. Anh sành đánh bài, mê đỏ đen, bác Thành gái cũng mê đỏ đen. Bà con nói lấy lòng, là bác có thằng rể quí hóa quá. Có người nghe vậy phì cười nói theo ừ, quí hóa quá, có thêm tay đánh bài, sau này có đi đánh bài ở Long View thì có thằng rể đưa đi, chỉ réo một tiếng, khỏi phải năn nỉ bác Thành trai.

Bác Thành trai không thích đánh bài, chỉ mê coi phim chưởng đấm đá của đại văn hào Kim Dung, bác rành những môn phái; ngoài ra, thú vui cuối tuần của bác là tưới cây, trồng hoa, cắt cỏ, cho cá ăn. Hồi đó, chiều vợ, bác đưa bà đi, nhưng đến nhà người ta ăn uống xong tới mục mang bộ bài ra đánh, sát phạt cho hết weekend, thì bác cứ ngồi chóc ngóc coi TV chờ vợ, rồi nằm xa-lông ngủ lăn lóc như kẻ không nhà, bực quá trời, nhưng cứ bấm bụng “nice với vợ, vì bác nghĩ cũng già cả tới nơi rồi, cứ để bả vui. Mới 50 tuổi ngoài mà người Việt mình có thói quen cứ than già rồi, nhìn Mỹ kìa, ở tuổi đó, họ còn lấy vợ lấy chồng, cô dâu mặc áo cưới màu trắng, làm lễ ở nhà thờ, cũng sụt sùi khóc như con gái lần đầu tiên về nhà chồng. Ai làm gì thì làm, bác trai không rờ tới một con bài. Bác cho biết lý do: ông cụ thân sinh ra bác ngày xưa cũng vì mê cờ bạc mà bán hết ruộng đất làm anh em bác phải chịu cảnh khổ và còn bị họ hàng gièm pha chê cười nữa.

Mọi việc rồi cũng đâu vào đó, vẫn chưa mất con, lại thêm rể và... mấy đứa cháu kêu ngoại, ngoại... - Con đời trước của thằng rể. Thằng John, thằng Jimmy và con Julie.

Bác Sắc ở chùa Việt Nam nói:

− Bác thế là nhất! Đốt giai đoạn. Không phải giữ cháu ngày nào, rửa trôn, chùi đít, đút cơm, số bác sướng nhé, tụi nó lớn hết cả rồi, đằng nào cũng là cháu, phải không ạ!

Ừ thì nhất. Bác Thành gái gật gù trả lời, nhưng trong bụng nghĩ Phượng còn trẻ, chỉ mới 28, rồi thì nó sẽ đẻ cho bà một đứa cháu. Phải là cháu ruột của mình, bà mới chịu.

Ông bà chỉ có hai đứa con, lâu nay trông chờ nơi Phượng, chứ thằng Du thì coi như bỏ đi từ hồi 75, chẳng học hành gì, đi Alaska làm tôm cá rồi mùa không có tôm cá làm thì về lại Seattle mang tiền cúng hết cho mấy sòng bạc, rồi làm hãng gỗ, rồi chạy bàn, lái xe cam nhông cho hãng Coke chở nước ngọt đem giao mấy cái siêu thị, rồi theo bạn bè bỏ đi Texas, thỉnh thoảng gọi phôn về, bị Ông chửi mỗi bận ông cầm phôn. Có một thằng con trai duy nhất, không trông mong được gì, xấu hổ ngượng ngùng với bạn bè. Ông chửi hoài, rồi Du không thèm gọi nữa. Mấy tháng rồi, giờ không biết nó trôi giạt về đâu. Cứ coi như chẳng có đứa con trai đó.

Nhớ con trai, bác gái cằn nhằn chồng tại ông nghiêm khắc với nó quá. Nói thì nói vậy, chứ bà bắc phôn nói chuyện với con là bà cũng la con. Bố cứng mẹ nhu, đằng này cả bố lẫn mẹ đều cứng thì Du nghỉ chơi luôn. Đến lúc cần gọi con thì ông bà mới sực nhớ ra là đã chẳng bao giờ lấy địa chỉ hay hỏi phôn. Đời sống bên này có những nỗi khổ mà biết thổ lộ cùng ai! Ông an ủi bà:

− Khi nào con gọi, tôi sẽ khuyên nó về đi học lại. Về ở gần rồi mình sẽ nhỏ nhẹ hướng dẫn dần dần. Cũng không muộn đâu!

Lại một điều sai lầm. Suốt đời ông, ông cứ ước con ông học thành ông này ông nọ mà quên là ông chẳng bao giờ hướng dẫn con, thiếu căn bản nên Du đâm ra không thích học nữa, nếu muốn học thì đã học từ lúc mới qua, nhà có tiền của, Du đâu cần phải đi làm ngay. Cứ nói chuyện học, Du không muốn nghe, giải pháp này không ổn. Bắt về lấy vợ để lo làm ăn, xứ này, con gái họ cũng kén chọn, đòi hỏi lắm, không bằng cấp, không nghề ngỗng bảo đảm, ai thèm chịu, trai thừa gái thiếu, cái đám con trai ra bằng kỹ sư “nhiều như vịt còn phải “phơi kia kìa, ở đó mà không có chi.

Bây giờ mỗi khi nghe nhà mấy ông bà bạn có con ra bác sĩ, nha sĩ, kỹ sự.. là ông buồn, buồn đến thúi ruột. Bây giờ đã buồn, huống chi về già! Bố mẹ già còn khổ vì con, hèn gì Phượng chả muốn đẻ, con với cái!

Ở nhà hiu quạnh thì buồn, ngồi vào sòng bài nghe mấy mụ lắm chuyện khoe con, khoe cháu thì nhức cái đầu. Cái sướng của mấy mụ xí xọn đó là được khoe cháu với bác Thành gái, một người có tiền của mà đường con cái bất hạnh quá. Luật bù trừ, bà giàu có cỡ đó mà con cái học hành đàng hoàng thì bà còn khoác lác cỡ nào, thả dàn mà ca, nói trời nói đất, ai chịu nổi. Thật sự thì bác Thành gái chỉ có tật nói nhiều, chứ cái ruột rỗng lắm.

Tháng mười một, mưa mù trời mù đất. Có ba ngày mưa mà nước sông dâng lên ngập lụt nhà cửa cây cối ở nhiều nơi. Nửa đêm chợt thức giấc nằm nghe mưa rơi lộp độp ngoài cửa kiếng, ông nhớ tới thằng con lâu lắm rồi nó chưa về nhà. Lo quá, ông cứ đâm nghĩ dại. Nếu nó chẳng may bị Mỹ đen Mỹ trắng giết ở một xó xỉnh nào thì chắc ông bà cũng chẳng biết. Mà ông cũng sợ những cú phôn nửa đêm khuya khoắt, cảnh sát cho biết hung tin. Ông biết vợ cũng thức giấc và chắc cũng đang nghĩ tới thằng Du như ông.

Ông đứng lên, lại bên cửa sổ, nhìn ra sau vườn. Vườn sau thật rộng, ông trồng vài cây táo Mỹ, lê Mỹ, lê Tàu, lê Nhật, vài khóm hoa hồng, một góc dành cho đủ loại rau sống: rau răm, húng cay, húng nhủi, tía tô, kinh giới, quế, cải, ớt, cà chua, hành hương, tỏi... Mấy cây lê Tàu, lê Nhật, mùa hè năm nay đã nặng trĩu những trái là trái, mọng nước... rụng la liệt đầy gốc cây vì ông bà ăn uống không bao nhiêu cũng lười hái. Những năm trước, bôm lê sai trái, bà còn hái cho vào bao giấy đem cho Food Bank giúp đỡ người nghèo. Mấy lúc sau này buồn về con cái, bà không thiết làm gì, rồi lại sợ phải giải thích chuyện của con, ai gọi phôn bà cứ nói tránh đi, không mời ai đến nhà mà cũng chẳng thăm viếng nhà ai, cứ để nhà hoang vườn vắng, ra vô chỉ là “cặp già với nhau. Mấy hôm rày, mưa gió bão bùng làm nghiêng ngả mấy khóm hồng ông cũng không buồn thu dọn mà bà cũng chẳng buồn ngó ngàng.

Đời sống xứ này, lo thì có đủ thứ để lo, và buồn thì lúc nào cũng có thể buồn được. Cái ám ảnh già lú lẫn mà phải cô đơn sống một mình mấy lúc sau này cứ đeo đuổi theo ông hoài. Phượng bây giờ đã theo chồng qua Trung Đông làm cho một hãng dầu. Du vẫn biền biệt phương nào. Chuyện nhà đã thế, trong vòng hai năm nay ông bà lại còn chứng kiến vài người bạn thân qua đời. Người đau vài năm, người bất thình lình ra đi, làm ông bà nghĩ rằng rồi cũng tới phiên mình thôi.

Những năm đầu mới qua còn bận rộn với đời sống mới, lăn lộn với công ăn việc làm, đâu có thời giờ nghĩ chuyện già cả, bệnh tật. Bây giờ ăn uống chi cũng sợ, sợ mập, sợ cao máu, sợ trữ nhiều chất mỡ trong người làm nghẽn mạch máu. Sống xứ Mỹ càng ngày càng thấy buồn. Thương cho mình, thương cho những anh em HO mới qua. Tuần trước có một ông HO mới vừa tự tử chết, ông này cứ than cái xứ gì buồn quá, nhà vắng như Chùa Bà Đanh, không nghe tiếng xích lô máy, tiếng rao hàng trong xóm. Bên này ai cũng đi làm, đi học, ban ngày làm gì có người ở nhà. Nghe nói tinh thần của ông này từ ngày ở tù cải tạo về đã yếu đuối rồi, ở VN lúc nào cũng phải có người ở bên cạnh. Nhiều người sống phải thấy người Việt, phải nói tiếng Việt, không thì chịu không nổi. Ông ra đi, xác ông thành tro bụi, thôi cũng xong phần ông, chỉ tội cho người thân ở lại bơ vơ lạc lõng nơi xứ người.

Thấy nỗi bất hạnh của người ta mà cũng ngậm ngùi cho nỗi buồn của mình. Hai bác cứ than thở, không còn thiết làm gì. Nhớ tới lời ông Nhơn bạn bác nói hôm nọ:

− Tôi mong được chết sớm. Sống lâu mà lú lẫn chỉ làm khổ con cháu.

Bác Thành trả lời:

− Ai mà chẳng muốn vậy. Số phần cả. Muốn cũng đâu có được.

Mà bụng bác thì nghĩ mình có con mà cũng coi như là không có con.

Ông Nhơn cứ tiếp tục với dự án:

− Lo cho các cụ là khi các cụ lú lẫn không thể săn sóc cho chính các cụ. Con cháu thì vẫn phải tiếp tục với công ăn việc làm đâu thể bỏ mà ở nhà săn sóc cho các cụ được. Để các cụ Ở nhà một mình cũng đâu có được. Xin lỗi nói không được đẹp lắm, lúc mà các cụ ỉa đái cũng lo không được, mình phải làm sao đây? Trường hợp này thì chỉ có giải pháp duy nhất là phải cho các cụ vào viện dưỡng lão, để có người săn sóc bên cạnh. Mà cho vào một nơi lạ người lạ tiếng, các cụ sợ hãi tội nghiệp. Tôi nghĩ rồi, nghĩ nhiều lần rồi... hãy mở một viện dưỡng lão cho người Á Châu. Mở một viện dưỡng lão thì đâu phải dễ. Phải đúng tiêu chuẩn chính phủ. Rồi cách thức điều hành phức tạp lắm. Chỉ còn cách là xin mở một khu cho người Á Châu, bác sĩ, y tá và người làm cũng là người Á Châu, trong một viện dưỡng lão đã có sẵn. Coi như là một nhánh Đông nhánh Tây nào đó. Đau ốm có miếng cháo ăn, thấy quen thuộc là thấy ấm cúng phần nào. Chứ mấy cụ làm sao ăn được súp Mỹ, nhạt nhẽo. Rồi vài năm mươi năm nữa cũng tới bọn mình...

Bác Thành chợt thấy vui vui. Phải rồi, ý kiến của anh Nhơn rất hay. Mình hãy còn trẻ, đủ trẻ để làm một cái gì cho thế hệ già ở xứ này. Cũng là chuẩn bị cái già cho chính thế hệ mình. Không thể nào cứ ngồi mà than thở mãi cho một bất hạnh riêng tư. Đời sống chỉ là cõi tạm, thì chết ở quê nhà hay ở xứ người thì cũng vậy thôi.

Linh Vang (Tacoma)