Bài Giới Thiệu Của Thi Văn Sĩ Hà Huyền Chi
Bước vào thế giới văn chương của Hà Phương Hoài, là đến với cõi riêng của thực và ảo. Ở một mặt khác của đời thường. Hà Phương Hoài không có tham vọng làm văn chương, anh mượn ngôn từ và bối cảnh dã sử của thời hậu Tây Sơn để ký thác tâm sự và ước nguyện bình sinh.Qua phần tiểu sử, ta thấy anh là một sỹ quan Lực Lượng Đặc Biệt. Một thứ lính Mũ Xanh, dữ dằn nhất, thiện chiến nhất có khả năng tiềm phục sâu trong lòng địch. Thường trực đối diện với mọi gian nguy, bất trắc. Một mình.Tôi từng biết Hà Phương Hoài làm thơ, Hà Phương Hoài viết kịch, dù chưa từng diện kiến. Những vần điệu, lớp lang của sáng tác anh hầu như đều mang nặng chiến đấu tính và hoài cảm. Nhưng con người đa năng của anh chỉ thực sự biểu lộ ngoạn mục trong tiểu thuyết dã sử Cơ Trời Vận Nước. (Cuốn tiểu thuyết đầu tay đã được anh cẩn trọng cưu mang trong suốt 10 năm.) Bằng lối văn chững chạc, chừng mực, Cơ Trời Vận Nước đã được thành hình, bổ khuyết, hoàn chỉnh không ngừng. Không mỏi mệt. Chiếc áo đường phù phiếm như bí kíp, kỳ tích qua Quỳnh Hoa Bảo Điển, Bảo Đao Đồ Long...là điều cần thiết trong tác phẩm Kim Dung. Tiểu thuyết Hà Phương Hoài cũng có Thiên Thư an dân trị quốc và chìa khóa Âm Dương cho một kho tàng vạn quốc.Kim Dung đưa ra những cơ may làm tiêu chuẩn cho sự tăng tiến, thăng hoa của những nhân vật, nhằm giải thích luận đề:Tài không đợi tuổi và thiện luôn thắng ác... Hà Phương Hoài cũng vậy, nhưng phần lớn các cơ may của nhân vật chính là do sự đam mê tìm tòi, luyện tập võ công, hơn là những kỳ tích nhằm thuyết minh một chữ nhẫn. Với tâm địa hiền lương, trung hậu, nặng lòng vì chính nghĩa Quốc Gia dân tộc. (Nhưng giữa nhẫn nhục và nhu nhược có một lằn ranh nhỏ như sợi tóc.) Tôi tìm gặp được sự thích thú khi đọc Cơ Trời Vận Nước của Hà Phương Hoài. Với căn bản võ Bình Định, Thái Cực Quyền, tác giả đã vận dụng sức lôi cuốn qua nhiều trận thư hùng và tình tiết của chuyện kể. Tôi như tin rằng ta đã có một cuốn Thiên Thư và cặp chìa khóa Âm Dương cho một kho báu vạn năng.Và nhiều lúc tôi đã cố dằn lòng để không hỏi tác giả về những nghi vấn ấy. Qua 10 chương sách với hơn 300 trang in chữ nhỏ, Hà Phương Hoài đã dẫn người đọc lướt qua thời điểm từ khoảng 1945 dến 1975. Trọng tâm của tác giả nhằm chứng minh là ngoài những cô hồn ác đảng, chúng ta cũng còn vô số người hiền lương chính khí. Và dẫu chúng ta đã mất nước nhưng vẫn không mất những tấm lòng quả cảm kiên trì. Họ quyết tâm cùng đất nước sinh tồn. Họ sẵn sàng sắp lại ván cờ tàn. Làm lại từ khởi đầu, và chấp nhận mọi nghịch cảnh. Với hai bàn tay không. Và một tấm lòng báo quốc.Hà Huyền Chi