Hồi 1

Đánh Cướp Bích Ngọc

Trời sắp sang xuân, đã gần ngày Tết Nguyên Đán, khí hậu nơi Thành Bải Đinh rất lạnh.

Không gian màu xám! Gió heo may thổi từng hồi. Con sông liền quanh kinh thành nước đóng thành băng chặt cứng, khiến người ta có cảm tưởng như có thể dùng xe đi qua sông được. Nhất là về đêm, hơi lạnh lại càng tăng thêm!

Nền trời không một ánh sao! Tất cả chỉ là một vũ trụ mờ ảo, u huyền!

Trong thành Bảo Định rất ít người qua lại. Những kẻ nhàn hạ phong lưu thì cù co trong các tửu điếm, dùng những lạc thú say mê để sưởi ấm cuộc đời, còn những kẻ nghèo khổ nhà nhà đều cửa kín then cài, không dám chường mặt với cảnh trời rét mướt ấy.

Tuy nhiên, với một vài công việc cần thiết phải xê dịch đó đây, thỉnh thoảng trên đường vắng người ta cũng thấy một vài chiếc kiệu hoa hay một vài cỗ xe, nhưng tất cả đều trùm kín trong những tấm màn dày bịt.

Đặc biệt, đêm nay trên đường phía Nam vòng thành bỗng xuất hiện một con tuấn mã, sắc đen tuyền, trên lưng có chở theo một tráng niên, râu ngắn, đầu đội nón da, mình mặc áo dạ hành.

Trong bóng tối đen đặc ấy không ai thấy rõ mặt mày người ấy ra sao, nhưng cứ thấy gã ngồi thẳng lưng trên yên ngựa với cử chỉ mạnh bạo, chứng tỏ gã xem thường cái lạnh giá băng trong đêm tối mịt mù kia vậy.

Bấy giờ, bên đường có một quán rượu, ánh đèn bên trong le lói, nhưng cửa đóng kín, người ta chỉ nghe tiếng nói ồn ào bên trong của các bợm nhậu.

Bỗng nhiên, cánh cửa tửu điếm hé mở. Bên trong có một tráng hán bước ra, co ro trong bộ quần áo lót bông dày cộm. Gã bợm nhậu này thân hình tuy cao lớn, nhưng có vẻ yếu đuối, vừa bước ra đã rùng mình lảm nhảm:

– Ôi! Trời lạnh quá! Cứ thế này mãi thì chết mất.

Vừa nói, hắn vừa rụt mình vào.

Bỗng hắn nghe tiếng vó ngựa nện trên đường xa, phăng phăng tiến đến, hắn trố mắt nhìn, rồi lảm nhảm:

– Trời khuya gió lạnh thế này tại sao có kẻ cỡi ngựa đi ngoài đường. Chúng nó điên rồi sao?

Nói chưa dứt lời, bóng ngựa đã hiện ra. Người kỵ mã không để ý đến tửu điếm, cũng không nhìn gã bợm nhậu, chỉ cho ngựa đi chậm lại một chút, đồng thời kéo chiếc mũ da xuống che lấy nửa mặt.

Gã bợm nhậu trong quán ló đầu nhìn ra, trông thấy người kỵ mã, đôi mày hơi nhíu lại một chút, tỏ vẻ nghi ngờ và nói:

– Sao giờ này mà hắn lại có mặt nơi đây?

Nhưng hắn là ai? Người kỵ mã kia là ai? Có quen biết gì với gã bợm nhậu trong quán không, điều đó không ai biết.

Mùi rượu từ trong quán bốc ra, trộn với khí lạnh đêm trường làm cho người kỵ mã cảm thấy khó chịu.

Bỗng người kỵ mã vung roi quất mạnh vào mông con tuấn mã một cái, con ngựa nhảy lồng lên, phóng chân chạy như tên bắn. Cử chỉ này chứng tỏ người kỵ mã cũng đang thèm rượu nhưng vì công việc đã dự tính nên đành nhịn nhục, không ghé vào quán.

Tiếng vó ngựa trong phúc chốc đã rời xa tửu điếm, biến dạng trong màn đêm.

Chàng kỵ mã đi một lúc, rẽ quanh qua cửa thành phía Nam, vượt qua một ngôi cổ miếu.

Người lính gác cửa thành trông thấy nhưng vì gió lạnh, không dám chận hỏi.

Ra khỏi cửa thành, chàng kỵ mã thúc ngựa đi nhanh hơn, dọc theo đại lộ Chánh Định. Đi độ vài dặm, thì con tuấn mã dừng lại dưới một gốc cây thùy dương nơi ven đường. Chàng kỵ mã đôi mắt sáng rực nhìn về xa xa, có vẻ như chờ đợi và quan sát một cái gì vậy. Chàng ta lẩm bẩm:

– Lạ thật, sao giờ này hắn vẫn chưa đến?

Rồi chàng phóng mình nhảy xuống ngựa, nhẹ nhàng như một chiếc lá khô bay, không phát ra một tiếng động nào. Chàng lại úp tay xuống đất, cau mày quan sát.

Bỗng nhiên, đôi mắt chàng mở to lên, miệng lẩm bẩm:

– Chúng nó đến đây rồi! Hay lắm!

Cùng với cử chỉ vui vẻ, chàng kỵ mã rút trong người ra một tấm khăn vuông màu trắng, bịt mặt lại chỉ chừa đôi mắt mà thôi.

Hành động có vẻ bí mật này của chàng kỵ mã nếu có ai theo dõi sẽ thấy đầy lo âu, sợ sệt.

Quả nhiên, không lâu lắm, từ xa có tiếng vó ngựa dội lại.

Với tiếng vó ngựa ấy, chàng kỵ mã đoán không lầm, ít ra cũng có hai người sắp đến nơi.

Đợi cho tiếng vó ngựa đến gần, chàng kỵ mã dùng một thân pháp kỳ ảo nhảy phóc lên lưng con ngựa ô của mình, phóng ra giữa lộ, đứng chặn ngang trước mặt như cản lối đi.

Cũng trong lúc đó, bóng hai con ngựa từ xa hiện đến với tốc độ rất nhanh.

Tuy trời lạnh nhưng hai con ngựa mới đến mình đẩm mồ hôi, chứng tỏ chúng nó đã dùng hết tốc lực qua một quãng đường dài. Vừa thấy trước mặt có kẻ chận đường, hai con ngựa mới đến bỗng nhiên giảm tốc lực.

Bây giờ người bịt mặt mới thấy rõ, trên lưng con ngựa đi trước là một người mặc áo vàng, bên ngoài choàng một chiếc hồ cừu, còn người cỡi ngựa đi sau mặc áo màu xanh, lưng đeo trường kiếm.

Người đi trước lớn tuổi hơn, mặt đầy kinh ngạc quay lại nói với người đi sau:

– Chắc là hắn đón đường rồi!

Người đi sau trố mắt nhìn một lát rồi đáp:

– Chúng ta đi chậm lại đã.

Giọng nói của hai người này đúng là giọng Hà Nam.

Trong lúc hai người này trao đổi nhai vài câu thì hai con ngựa của họ cũng đã bước tới, còn cách người bịt mặt đang đón đường không xa mấy.

Với kinh nghiệm giang hồ, đã từng phiêu du đâ đó, người đi trước tỏ vẻ điềm đạm, cất giọng lễ phép nói:

– Xin các hạ nhường đường cho chúng tôi qua.

Người bịt mặt không đáp, đôi mắt bắn ra hai luồng nhãn quang sáng rực, rồi ngửa mặt lên trời cười lớn, tiếng cười trộn trong gió lạnh nghe rùng rợn làm sao.

Tiếng cười làm rơi những mãng tuyết đọng trên cành cây kẽ lá phát ra tiếng động như mưa.

Qua một lúc, tiếng cười im bặt. Người bịt mặt cất giọng sang sảng hỏi lớn:

– Hai ngươi có phải là Song Kiệt Thần Kiếm đó không?

Tiếng nói của người bịt mặt còn lạnh hơn băng tuyết, khiến cho người đi trước lo ngại chưa kịp đáp lời thì người đi sau lướt tới, ôn tồn nói:

– Các hạ nhận xét quả không lầm. Chính tôi là Hồ Hình Kiếm Bùi Nguyên và anh tôi đây là Âu Liêm Kiếm Bùi Dương. Chẳng hay giữa đêm khuya các hạ có việc gì mà đến đây đón đường vậy?

Người bịt mặt cười nhạt, nói:

– À! Thì ra hai người là Song Kiệt họ Bùi đã vang danh trong giới tiêu cuộc.

Bùi Nguyên hỏi:

– Xin cho biết các hạ là ai?

Người bịt mặt «hừ» một tiếng, đáp:

– Trong đời chưa ai dám hỏi đến tên ta.

Sự thật Song Kiệt họ Bùi cũng biết gã bịt mặt là ai rồi.

Đã một năm qua, trong giang hồ vừa xuất hiện một quái nhân, võ công quán tuyệt, hành động xuất quỷ nhập thần, giết người như đồ tể, chuyên đi cướp giật những báu vật do các tiêu cuộc chuyên chở từ nơi này đến nơi khác, tuy nhiên không một ai biết rõ tên họ và tông tích của người ấy.

Bởi vậy, cuộc gặp gỡ bất ngờ hôm nay, Song Kiệt họ Bùi cảm thấy như mình gặp một hung thần vậy.

Người bịt mặt thấy Song Kiệt họ Bùi đứng thừ người ra liền nạt lớn:

– Hãy mau để lại những báu vật gì của các ngươi hiện có.

Bùi Dương lớn tiếng hỏi:

– Nếu vậy hôm nay các hạ đón đường anh em chúng tôi chỉ với mục đích ấy thôi sao?

– Phải.

– Nếu vậy thì thật khó mà tuân theo lời thỉnh cầu của các hạ. Chúng tôi là những người của tiêu cuộc sai phái, tất nhiên phải có bổn phận bảo vệ báu vật.

Người bịt mặt cười lớn:

– Hừ! Các ngươi là kẻ đã từng ngang dọc khắp nơi, mang danh hào hiệp chẳng lẽ không tự hiểu bản lãnh của mình?

Bùi Nguyên nói:

– Nếu các hạ muốn đoạt báu vật, trước hết phải lấy đầu anh em chúng tôi đã, nhưng điều đó quyết không phải dễ.

Người bịt mặt cười nhạt:

– Thôi được! Ta sẽ lấy đầu các ngươi trước, nếu các người muốn.

Bùi Nguyên hơi giận bốc lên, không sao nhịn ducợ cười gằn một tiếng:

– Anh em ta đã mười mấy năm xuôi ngược giang hồ chưa từng gặp ai phách lối như vậy. Chắc các hạ không muốn sống nữa chứ gì?

Bùi Dương cũng phụ họa vào:

– Không cần phân định phải trái với hắn làm chi cho mất thì giờ vô ích. Cứ ra tay tranh thắng phụ là hơn.

Người bịt mặt với cử chỉ khinh khi, gật đầu nói:

– Rất hay.

Đoạn rẽ cương cho con tuấn mã đi vào một bãi đất hoang gần đấy. Vừa đi, người bịt mặt vừa quay lại nói với Song Kiệt họ Bùi:

– Khoảng đất này làm mồ chôn xác hai anh em ngươi cũng tốt đấy chứ?

Song Kiệt họ Bùi tuy nổi danh giang hồ, đã từng làm mưa làm gió trong các tiêu cuộc, sát hại không biết bao nhiêu là thảo khấu. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chiến đấu, họ không bao giờ tự phụ, vì biết rằng võ học là một khu rừng mênh mông vô tận. Đã vậy, tiếng đồn quái khách vô danh vừa xuất hiện không phải là kẻ tầm thường, do đó họ rất dè dặt.

Khi con tuấn mã vừa đặt chân lên khoảng đất hoang, người bịt mặt chỉ lắc mình một cái đã bay vụt xuống đất như một lằn tên, khiến anh em Song Kiệt họ Bùi không rõ hắn ta dùng thân pháp gì ảo diệu như vậy.

Song Kiệt họ Bùi đều tắc lưỡi khen thầm:

– Thần diệu thay!

Bùi Nguyên lướt ngựa tới trước, nói:

– Tuy chưa cùng nhau giao đấu, nhưng anh em chúng tôi cũng đoán biết các hạ là một anh hùng tráng sĩ võ lâm rồi! Còn chúng tôi là người của bảo tiêu cuộc, có trách nhiệm bảo vệ vật báu không thể để lọt vào tay người khác. Nếu các hạ thông cảm được trách nhiệm của chúng tôi, xin chớ bắt buộc anh em chúng tôi phải vì nhiệm vụ mà vô lễ với các hạ.

Người bịt mặt cười lớn, nói:

– Ta đã biết báu vật tong người của anh em các ngươi là món gì rồi! Báu vật đó phải về tay ta, không thể chối cãi, ta đã từ ngàn dặm lặn lội gió sương đến đây, không lẽ không tiếp nhận một báu vật mà ta đang cần?

Sự thật anh em Song Kiệt họ Bùi dùng lời ôn hòa tiếp đãi người bịt mặt không phải vì họ hèn nhát mà chỉ vì họ không muốn đem sinh mạng ra liều lĩnh với một kẻ có bản lãnh cao cường mà giang hồ chưa ai biết tên. Khi nghe người bịt mặt nói như vậy, anh em Song Kiệt không sao nhịn được nữa, đưa mắt nhìn nhau ngầm ra hiệu giao đấu.

Trong lúc đó, người bịt mặt đã sẵn sàng đứng trong tư thế của mình, hai chân hơi dang rộng ra, song chưởng thủ sẵn nơi hông.

Bùi Nguyên phi thân xuống ngựa, rồi đưa tay vỗ vào mông ngựa một cái, con ngựa như hiểu được ý định của chủ, cất mình nhảy ra xa hơn một trăm thước rồi đứng đó chờ đợi.

Bùi Dương đoán biết trận đấu sắp diễn ra khá quan trọng. Một là họ sẽ giết chết được một quái nhân, kẻ đã từng gây khủng khiếp trong giới bảo tiêu; hai là họ sẽ bỏ xác nơi đại lộ Bảo Định này.

Vì nghĩ như vậy, Bùi Dương cũng lập tức phi thân xuống ngựa, lướt tới gần anh mình để sẵn sàng hợp công giao đấu.

Ba người đứng theo vị trí hình chữ phẩm, đưa mắt nhìn chòng chọc vào đối phương.

Gió rừng, tuyết lạnh như không còn một ai để ý nữa, mà mỗi đấu thủ trong người nhưnóng ran lên. Bầu không khí ấu trường cực kỳ căng thẳng.

Người bịt mặt «hừ» một tiếng, nói:

– Hai anh em nhà ngươi hãy cùng nhau hợp lực giáo công đi, đề ta khỏi mắc công hai lần giao đấu.

Lời nói vừa dứt, thân mình người bịt mặt chỉ lắc nhẹ một cái đã phóng tới tấn công vào Bùi Nguyên.

Bùi Nguyên vội chuyển mình để tránh, ngờ đâu người bịt mặt không đánh vào Bùi Nguyên mà bật uốn cong mình lại đánh ngược về phía Bùi Dương với chiêu thế thần tốc.

Chỉ mới chiêu đầu, bản lãnh của người bịt mặt đã biểu lộ một sắc thái cao diệu, khiến anh em họ Bùi phải nể sợ.

Vì bị tấn công bất ngờ, Bùi Dương không kịp ứng phó, phải dùng thế «Đảo cước thất tinh bộ» búng mình lộn ra đằng sau một vòng để tránh, đồng thời rút cây Âu Liêm Kiếm cầm tay chờ cho địch thủ xông đến sẽ dùng độc chiêu hạ sát.

Nhưng người bịt mặt hình như đã biết ý định của Bùi Dương, vội xoay mình lại, dùng tay trái kích mạnh vào ngực Bùi Nguyên.

Trong lúc đó, Bùi Nguyên cũng đã rút cây Lập Bích Hoa, một thứ vũ khí lợi hại như loại trường kiếm, ra để đối phó.

Vừa thấy đối thủ quay sang đả kích, Bùi Nguyên đã lẹ làng né tránh rồi đâm thẳng mũi kiếm vào «Tiêu huyệt» nơi dưới bụng của địch nhân.

Người bịt mặt không chút chậm trễ, đưa tay mặt lên một vòng, chưởng phong phát ra ào ào như vũ bão, đẩy vụt mũi trường kiếm của Bùi Nguyên sang một bên.

Qua hai chiêu thế đầu, đôi bên bắt đầu hăng say chiến đấu.

Trong lúc Song Kiệt họ Bùi dùng vũ khí thì người bịt mặt vẫn với hai bàn tay không nhưng uy mãnh lạ thường, lúc thì dùng chưởng phong, lúc lại dùng quyền pháp, có lúc lại biến quyền thành trảo.

Người ta chỉ thấy một bóng mờ ẩn hiện xoắn vào anh em họ Bùi không rời ra một giây phút nào.

Song Kiệt họ Bùi trong lúc giao tranh cố nhận định xem người bịt mặt thuộc vào môn phái nào để truy tầm tông tích, nhưng không phân tách được, bởi vì người bịt mặt lúc thì dùng «La Hán Quyền» của Thiếu Lâm, lúc lại sử dụng «Thất Thập Cầm Nã Trảo» của Võ Đang, có lúc lại dùng «Thần Hạc Quyền» của phái Nga Mi.

Các chiêu thế trên đối với giang hồ võ lâm cũng chẳng có gì quan trọng, nhưng điều đáng nói là chỉ có một người mà sử dụng cùng lúc nhiều thế võ của nhiều môn phái thì thật là chuyện hy hữu trên thế gian. Chẳng những thế, lối sử dụng chiêu thức của người bịt mặt lại rất tinh vi khiến anh em họ Bùi mỗi lúc càng thêm bối rối. Trước mặt họ như thấy có hàng chục địch nhân cùng hợp sức tấn công vậy.

Cứ mỗi lần người bịt mặt vũ động thế công là nhắm ngay vào yếu huyệt trên người Song Kiệt đánh tới không sai một ly nào. Anh em Song Kiệt phải cố hết mình mới duy trì nổi trận đấu.

Bùi Dương lòng lo lắng, nghĩ thầm:

“Ở đâu phát xuất ra một nhân vật kỳ quái như thế này. Trong chốn giang hồ ta chưa từng nghe ai nói đến bao giờ.”.

Nên biết, Bùi Dương là một tay đã từng giao du đây đó, khắp giang hồ không một nhân vật nào mà chàng không gặp qua một lần, thế mà đối với người này chàng mù tịt, không làm sao biết rõ xuất xứ. Cứ giọng nói của người bịt mặt thì có thể nghi người ấy là người Hà Bắc, nhưng luận về võ công thì người bịt mặt lại ràng về các công phu võ học trong các danh phái Trung Nguyên. Đó là một điều lạ.

Qua gần năm mươi hiệp giao tranh, anh em Song Kiệt đã đem hết bản lãnh công phu của mình để đấu, nhưng vẫn không sao khống chế nổi đối phương.

Như thế chứng tỏ võ công của người bịt mặt cao diệu đến mức nào rồi.

Đêm càng khuya, gió tuyết càng lạnh lẽo hơn. Những mảnh tuyết theo gió tạt đến chỗ ba người thì bị chưởng phong quạt mạnh ra, tơi tả khắp một vùng.

Bấy giờ, tuy người bịt mặt đang ở thế thượng phong mà vẫn chưa hạ nổi hai đối thủ. Có lẽ hắn ta bực vì kéo dài cuộc chiến, nên thình lình hét lên một tiếng, phô mình nhảy lên cao, lộn ngược thân hình lại rồi dùng chân đá mạnh vào Bùi Nguyên một cái.

Khi thấy đối phương sử dụng công phu kỳ quái ấy, anh em Song Kiệt họ Bùi thất thanh kêu toáng lên:

– Đúng là hắn rồi!

Vừa hét, Bùi Nguyên vừa quay mũi kiếm một vòng, dùng thế «Bá vương cử đỉnh» chém ngược lên.

Nhưng người bịt mặt trong lúc thân mình đang lơ lửng trên không bỗng nhiên xoay một vòng nữa, vọt thẳng lên cao hơn một thước, rồi dùng chân trái đá bồi một cước nữa vào lưng Bùi Nguyên. Thân pháp lanh lẹ phi thường.

Cái đá của người bịt mặt đã dùng gần hết công phu nội lực nên có sức mạnh ngàn cân.

Bùi Nguyên không sao tránh kịp, chỉ ré lên một tiếng rồi ngã lăn xuống đất.

Miệng ói máu tươi, chết ngay tại chỗ.

Trong lúc đó. Người bịt mặt từ trên không đáp xuống một cách nhẹ nhàng.

Bùi Dương thấy anh mình bị tử thương, đôi mắt đỏ ngầu, hơi giận bốc lên ngùn ngụt, hét lớn:

– Quân khốn nạn! Anh em chúng ta có thù oán gì mà ngươi nhẫn tâm hạ sát?

Vừa nói vừa vung kiếm xông vào đâm chém người bịt mặt như mưa bão.

Tuy nhiên, lối đánh của Bùi Dương lúc này là lối đánh liều mạng, chỉ biết đem hết sức mình để trả thù cái chết của người anh, thực ra chiêu thế không còn sắc bén nữa. Bởi vậy, chỉ giao tranh độ hai mươi hiệp thì Bùi Dương đã thở hào hển.

Trước đây, Song Hiệp hợp công giao đấu mà chưa thắng nổi người bịt mặt thì bây giờ Bùi Nguyên đã chết, còn một mình Bùi Dương làm sao đương cự nổi?

Người bịt mặt tỏ ý khinh khi, không thèm tránh né, còn ưỡn ngực ra như thách đố.

Bùi Dương trong lúc giận dữ không phân biệt âm mưu của địch, thấy đối thủ để ngực trống, không đề phòng liền vung trường kiếm đâm tới.

Chẳng ngờ, người bịt mặt hít vào một hơi làm cho ngực lép lại hơn một tấc.

Mũi kiếm của Bùi Dương mất đà, đâm trợt ra ngoài, còn Bùi Dương thì té nhủi tới.

Thừa cơ hội ấy, người bịt mặt đưa tay trái lên phất một cái, đánh dội ngược Bùi Dương trở về.

«Ự»!

Chỉ nghe «ự» một tiếng, thân mình Bùi Dương đang chúi xuống bỗng đứng dựng lên.

Nhưng chưa hết, tay trái người bịt mặt vừa phát ra một chưởng thì tay mặt hắn lại từ trên đánh xuống thật mạnh. Bàn tay của gã nhanh như điện chớp, chỉ loáng mắt, thân hình Bùi Dương bị đánh bật lên rồi lại bị nện xuống.

Chỉ nghe Bùi Dương kịp rú một tiếng đau đớn, vai trái bị nát ra, sức đánh của người bịt mặt làm cho hai chân Bùi Dương lún sâu xuống đất gần một tấc.

«Bịch»! Thân hình Bùi Dương đã trở thành một cây thịt, ngã quị xuống, tắt thở.

Thế là hai thi hài của Song Kiệt họ Bùi đã nằm yên trên mặt tuyết.

Người bịt mặt cười lên một tiếng, bước tới xác Bùi Dương lục soát một hồi nhưng không thấy gì. Hắn lại đến xác Bùi Nguyên lục soát một hồi nữa. Tiếp đó, hắn lấy ra một vật sáng chói, đưa lên trời ngắm nghía.

Thì ra, đây là viên «Ma Đầu Bích Ngọc», một vật quý trong võ lâm.

Người bịt mặt bỏ viên ngọc vào túi với cử chỉ thận trọng, đưa mắt nhìn xung quanh, không thấy một người nào nên yên lòng lên ngựa, ra roi cho con tuấn mã phóng đi như tên.

Màn đêm vẫn lạnh lùng trong gió tuyết!

Song Kiệt họ Bùi đã chết!

Bảo vật «Ma Đầu Bích Ngọc» đã lọt vào tay người bịt mặt.

Nhưng kẻ giết Song Kiệt đoạt «Ma Đầu Bích Ngọc» là ai?

Thật không ai hiểu nổi.

Người ta chỉ biết kẻ giết được Song Kiệt họ Bùi đoạt Bích Ngọc thì võ công không phải là hạng tầm thường trong thiên hạ.

Cái tin Song Kiệt họ Bùi bị giết được đồn đãi khắp giang hồ.

Chẳng bao lâu, các tiêu cuộc ở hai miền Lưỡng Hà (Hà Nam, Hà Bắc) đều khiếp đảm. Tiêu cuộc nào cũng đề cao cảnh giác, cố tránh né không để cho hàng hóa của tiêu cuộc rơi vào tay người bịt mặt.

Có nhiều cao thủ võ lâm hay tin giang hồ vừa xuất hiện một kỳ nhân, muốn tò mò tìm kiếm để hiểu rõ lai lịch nhưng người nào đã chạm mặt nhân vật kỳ bí này đề không sống sót trở về.

Tiếng đồn vang dội khắp đó đây.

Khổ hơn là các tiêu cuộc cứ lần lượt bị người bí mật chận đánh chết lần lượt, cho đến nỗi không còn một cao thủ nào dám lãnh sứ mạng áp tải hàng hộ!

Chỉ trong vòng một năm, trong số mười bảy vị tiêu đầu của mười sáu tiêu cuộc thì đã bị người bí mật giết chết hết mười ba người. Trong số mười ba tiêu đầu này, có kẻ bị giết dọc đường, có kẻ bị giết tại nhà. Nhưng trước sau vẫn không ai biết nhân vật kỳ bí đó là ai, tông tích ra sao cả.

Cứ có vị tiều đầu chết là tiêu cuộc ấy bị tan rã vì không còn ai kế vị để chống lại mọi biến cố bên ngoài.

Để giải quyết việc này, các vị tiêu đầu phải liên kết lại để chống chế với nguy cơ đang đe dọa họ, nhưng vì quyền lợi trên nghề này, họ không thể làm như vậy được. Một tiêu cuộc bị hủy diệt thì mối lợi sẽ đưa về các tiêu cuộc còn lại.

Cho nên, chỉ một năm, người ta chỉ còn thấy trên giang hồ còn có bốn tiêu cuộc, nhưng «Hồng Viễn Tiêu Cuộc» ở Hà Bắc và «Ngọc Bảo Tiêu Cuộc» ở Hà Nam lại sợ hãi đến nỗi phải đóng cửa.

Như vậy, Lưỡng hà duy nhất chỉ còn có hai tiêu cuộc là «Hùng Phong Tiêu Cuộc» và «Phi Long Tiêu Cuộc». Hai tiêu cục này vì có hai vị Tổng tiêu đầu khá lợi hại thành thử còn duy trì được.

Vị Tổng tiêu đầu của Hùng Phong Tiêu Cuộc là Trung Châu Nhất Kiếm Âu Dương Bình, tuổi đã bảy mươi, nhưng võ công quán triệt thiên hạ, có một công phu đặc dị lừng danh giang hồ là môn «Chưởng Trung Kiếm». Chính môn võ công lợi hại này đã giúp Âu Dương Bình khét tiếng Trung Châu. Ông ta lại còn có một hoài bão là muốn dùng môn công phu đặc dị ấy để giao đấu với người bí mật, trừ hại cho đồng nghiệp. Tuy nhiên, Âu Dương Bình chưa lần nào chạm mặt đối phương.

Còn Tổng tiêu đầu «Phi Long Tiêu Cuộc» là Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh. Người này nổi danh trong giang hồ rất sớm, mới có tám tuổi đã gia nhập vào tiêu cuộc, và mười năm sau nghiểm nhiên trở thành một vị Tổng tiêu đầu.

Đàm Minh tuy trẻ tuổi hơn Âu Dương Bình, song tánh tình hào sảng, cố mộng lớn, nên tất cả những con cái của mười ba tiêu đầu bị giết đều được Đàm Minh đem về nuôi dưỡng tử tế.

Cũng nên biết trong thời bấy giờ, cái nghề tiêu cuộc tuy làm ra rất nhiều tiền, song ăn tiêu cũng quá quắc. Nhiều tiêu cuộc khi còn hành nghề thì giàu sang phung phí, đến lúc hết hành nghề thì nhà cửa túng thiếu không có một đồng một chữ để nuôi thân. Bởi vậy, khi mười ba tiêu đầu bị giết thì các con cháu họ bơ vơ, phải tìm đến người thân để xin tá túc.

May thay, trước tình hình đen tối ấy, lại có được một người hào hiệp như Đàm Minh thì còn gì quý hơn.

Đàm Minh đem tất cả các con cháu của mười ba tiêu đầu về nuôi, rất được giang hồ ca tụng và ai nấy tin tưởng vào võ công siêu việt của Đàm Minh có thể trừ được con người bí mật kia, đảm bảo cho tiêu cuộc của ông khỏi bị hủy diệt.

Tuy vậy, người bí mật còn đó, chưa ai biết rõ tông tích của hắn ra sao! Tại sao hắn lại chuyên môn tiêu hủy các tiêu cuộc trong giang hồ? Thật là một điều bí mật, không ai có thể hiểu được.

Nhiều nghi vấn đã được đặt ra để xác định nguồn gốc và hành động của gã bịt mặt nhưng tất cả cũng chỉ là nghi vấn mà thôi.

Rồi một hôm ...

Tại Bắc Kinh, trước cổng thành có một quán trà nổi danh là trang nhã nhất, người ta thấy có hai vị khách giang hồ từ bên ngoài bước vào.

Người đi trước râu tóc bạc phơ, mặt mày quắc thước, đôi mắt sáng rực như hai luồng điện, nước da hồng hào chứng tỏ một nội lực rất uyên thâm. Người này trạc độ bảy mươi tuổi.

Còn người đi sau là một trung niên, trạc độ ba mươi tuổi, vẻ mặt phong lưu, thân hình trang nhã, tuy đẹp người nhưng bên trong hàm chứa một sức mạnh vô bờ bến.

Những người khách đang uống trà trong quán thấy hai người này vào, vội đứng dậy cúi chào tỏ vẻ kính trọng vô cùng.

Hai người khách mới vào chọn một chiếc bàn nơi giữa quán, ngồi đối diện nhau.

Tiểu nhị bưng khay trà đến mà họ cũng chẳng cần để ý, đoán chừng như họ đã quá quen thuộc với cảnh trí này.

Mở đầu câu chuyện, chàng trung niên hỏi ông lão:

– Thưa lão tiền bối! Kỳ này lão tiền bối từ Hà Nam đến Bắc Kinh hẳn có việc lạ chứ?

Ông lão vuốt hàm râu bạc nói:

– Cũng có chút việc, nhưng không quan trọng lắm đâu.

Chàng trung niên như hiểu ý ông lão, hỏi dồn:

– Chắc lão tiền bối đang để ý đến câu chuyện người bí mật xuất hiện trong giang hồ quấy rối các tiêu cuộc chứ gì?

Ông lão mỉm cười, nói nhỏ hơn:

– Chuyện đó cũng một phần, nhưng dù sao kẻ bí mật âm thầm tiêu diệt các tiêu cuộc cũng là điều đáng cho chúng ta lo lắng chứ!

Qua vài câu trao đổi, những người khách trong quán đều đã đoán biết ông lão này chính là Trung Châu Nhất Kiếm Âu Dương Bình, còn người trung niên trẻ tuổi kia chính là Đàm Minh. Cả hai người đều thuộc vào hàng cao thủ đương thời.

Tuy trước mặt Đàm Minh, Âu Dương Bình tỏ ý không quan tâm đến người bí mật nhưng thực sự ông ta từ Hà Nam đến đây không ngoài mục đích tìm Đàm Minh để bàn chuyện diệt trừ mối hại trong nghề. Tánh Âu Dương Bình ngạo nghễ nên không muốn để lộ cho kẻ khác thấy mối lo ấy.

Đàm Minh sau khi hội kiến với Âu Dương Bình lại tỏ ý cáo từ và nói:

– Âu lão tiền bối, chúng ta sẽ gặp lại nhau trong vài ngày tới. Hiện giờ tại hạ đang có chút việc, cần vắng mặt nơi này, xin lão tiền bối tha cho cái tội thất lễ.

Âu Dương Bình với giọng cười khoan thai, nói:

– Được, được! Xin Long Hình Bát Chưởng cứ tự tiện. Lão phu còn ở chơi Bắc Kinh này mấy hôm. Còn đủ ngày giờ hầu tiếp Đàm huynh.

Đàm Minh giã từ ra đi. Âu Dương Bình lấy phòng tạm trú trong khách điếm.

Phong cảnh Bắc Kinh bấy giờ tấp nập, khách thường qua lại dập dìu. Đêm đến, đèn đuốc sáng choang, vẻ phồn hoa đô hội tưởng như một thế giới thiên đàng vậy.

Tuy bên ngoài có vẻ kiêu sa, phóng đãng, nhưng bên trong chứa đựng không biết bao nhiêu những cảnh tượng gian manh, cướp bóc, giết người trong cái xã hội về đêm ấy.

Âu Dương Bình lưu lại Bắc Kinh vừa dạo chơi được hai ngày thì bỗng xảy ra một việc kinh hoàng.

Đêm đó, Âu Dương Bình vì dạo chơi hơi mỏi mệt nên tối về hơi ngủ say.

Thình lình, trên mái ngói có một tiếng động làm cho ông ta thức giấc. Tiếng động rõ ràng là tiếng bước chân của người có thuật kinh thân cao cường.

Âu Dương Bình liền bắn mình dậy, mở cửa sổ, phi ra ngoài, bắt gặp trên mái nhà có một bóng đen đang phi thân lao đi vun vút. Không bỏ lỡ cơ hội và mục đích Âu Dương Bình lần nầy đến đây là dò la tung tích người bí mật, lẽ nào ông ta lại bỏ qua một khách giang hồ có công lực cao siêu như vậy? Âu Dương Bình liền phóng mình lên mái ngói đuổi theo bóng đen vun vút.

Bấy giờ, trong khách điếm có một đứa bé trạc độ tám tuổi đang đêm ra sân tiểu, thấy một bóng người phi thân lướt qua. Theo nhận định của nó thì bóng ấy giống Đàm Minh. Vì thường ngày Đàm Minh hay lui tới khách điếm này nên nó quen mặt.

Nhưng nó lại nhủ thầm:

“Chẳng lẽ Đàm Tổng tiêu đầu, một người nổi danh lại hành động lén lút trong đêm tối như thế sao? Chắc là không phải.”.

Vì nghĩ như vậy, nó không nghi bóng đen vừa lướt trên mái ngói là Đàm Minh nữa.

Và, chỉ vài phút sau, chính Âu Dương Bình lại đuổi theo cái bóng đen này.

Hai ngày trôi qua.

Cả thành Bắc Kinh sôi động với cái tin Âu Dương Bình, vị Tổng tiêu đầu Hùng Phong Tiêu Cuộc Hà Nam, bị người bịt mặt giết chết nơi ngoại ô Bắc Kinh.

Âu Dương Bình bị người bịt mặt đánh trúng một chưởng nơi giữa ngực, làm cho lồng ngực bể nát ra. Ngược lại, Âu Dương Bình bản lãnh cũng không vừa, trước khi chết, ông ta đã đem hết tàn lực đánh trúng vào mặt đối thủ làm cho đối thủ vỡ nát cả mặt mày chết liền tại chỗ.

Vì bị nát cả mặt mày nên không ai còn nhận dạng ra người bí mật đó là ai.

Họ lấy y phục và chiếc khăn bịt mặt để truy tìm tung tích nhưng rốt cuộc vẫn không khám phá được gì hơn. Thế là người bí mật chết nhưng tông tích vẫn chìm sâu trong bóng tối.

Còn Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh sau khi nghe Âu Dương Bình bị chết lòng buồn vô hạn, ông đem thi thể người bạn đồng nghiệp tống táng rất trọng thể.

Tại Bắc Kinh, quần hùng đưa đám rất đông, hầu hết giang hồ võ lâm đồng đạo đều có mặt. Họ vì ngưỡng mộ danh tài của Trung Châu Nhất Kiếm Âu Dương Bình cũng có, mà có kẻ vì tò mò muốn chứng kiến cái chết bí mật ấy cũng có.

Đối với uy thế của các tiêu cuộc giang hồ, từ khi Âu Dương Bình chết, tiêu cuộc Hà Nam bị tiêu tan thì thanh danh của Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh và Phi Long Tiêu Cuộc lại càng được nể trọng thêm.

Không một ai còn dám phá phách, cướp bóc tiêu cuộc này nữa.

Đã vậy, việc nuôi nấng con cái của các tiêu đầu đồng nghiệp đối với Đàm Minh lại còn làm cho võ lâm đồng đạo nể phục bội phần.