Truyện hài hước và đậm chất dân gian, được kể bằng giọng văn "tỉnh khô", rất thuần phác và "đặc Nga". Qua đó, vẻ đẹp của những tâm hồn nông dân Nga đã dần được bộc lộ. Cả nhân vật và người đọc đều như chếnh choáng trong men say của tình yêu con người và cuộc đời, người ta quên cả tuổi già và cái chết, hay cái chết cũng là một lý do để ta yêu đời hơn. Fazil Iskander là một trong số ít các nha văn Xôviết nổi tiếng hiện vẫn đang sung sức trong công việc sáng tạo.
Chegem một bà lão nông có chồng bị chết. Trong thời gian chiến tranh ông bị thương và mất một bên chân. Từ đó tới lúc chết ông đi bằng nạng. Nhưng ngay cả khi phải đi nạng ông vẫn tiếp tục làm việc và vẫn là một chủ nhà hiếu khách, như thời trước chiến tranh. Trong các buổi liên hoan, giỗ tết, ông uống rượu không thua kém bất cứ ai, và sau mỗi lần như vậy, trên đường về nhà, đôi nạng của ông cứ như thể đang bay. Không một ai biết được ông say hay ông tỉnh, là vì cả khi tỉnh lẫn lúc say bao giờ ông cũng vui vẻ.
Thế rồi ông chết. Người ta chôn cất ông trọng thể. Cả làng tới khóc ông. Nhiều người từ các làng khác cũng tới viếng ông. Ông là người dễ chịu thế đấy. Và bà vợ già của ông rất đau buồn.
Ngày thứ tư sau tang lễ, bà lão nằm mơ thấy ông. Như thể đang đứng trên một con đường nhỏ dẫn tới một ngọn núi nào đó, ông nhảy lò cò bằng cái chân lành và yêu cầu bà:
- Vì Chúa, bà hãy gửi cho tôi đôi nạng. Không có nạng tôi không thể tới thiên đường được.
Bà lão tỉnh giấc, xót thương ông lão của mình. Bà cố đoán: giấc mơ vừa rồi là có ý gì nhỉ? Mà mình gửi nạng cho ông ấy bằng cách nào đây?
Đêm hôm sau bà lão lại thấy giấc mơ cũ. Ông lão vẫn khẩn cầu bà gửi cho đôi nạng, không thì ông chẳng tới được thiên đường. Nhưng mà gửi thế nào? - Bà lão nghĩ ngợi và tỉnh giấc. Nhưng bà không sao nghĩ ra được cách. Nếu lại mơ thấy ông ấy đòi nạng, thì mình sẽ hỏi thẳng ông ấy xem sao, bà quyết định.
Bây giờ bà lão nằm mơ thấy ông lão của mình hằng đêm, và hằng đêm ông hiện về đòi nạng. Còn bà thì luôn bị rối trí trong giấc mơ, không sao chộp được cơ hội để hỏi ông lão cho đúng lúc, giấc mơ cứ trôi tuột đi đâu mất. Cuối cùng bà cố giữ bình tĩnh, bắt đầu thức trong giấc mơ. Và bây giờ, vừa thoạt nhìn thấy chồng, không chờ ông mở miệng, bà hỏi liền:
- Thế gửi nạng cho ông bằng cách nào được?
- Gửi qua người làng chết đầu tiên, - ông lão trả lời, rồi ngồi xuống đường, xoa xoa cái mỏm chân cụt của mình, chắc lò cò mãi cũng mỏi. Bà lão thương ông tới nỗi khóc cả trong mơ.
Tuy nhiên, khi tỉnh giấc, bà lại thấy dễ chịu. Bây giờ thì bà đã hiểu phải làm như thế nào rồi. Có một ông già sống ở cuối làng. Ông này từng là bạn của chồng bà lúc sinh thời. Họ thường hay uống rượu với nhau.
- Ông sướng thật đấy, - ông bạn già từng nói với ông lão, - ông có uống bao nhiêu thì lúc nào cũng có hai cái nạng nó đỡ, còn tôi thì rượu nó cứ nhè chân mà táng.
Khi đó ông bạn còn đùa cợt như thế, vậy mà giờ đã ốm nặng, nằm đó chờ chết.
Vậy là bà lão quyết định đến nói khó với bạn chồng, nếu được chấp thuận, thì khi ông chết bà sẽ đặt đôi nạng của chồng mình vào quan tài, để ông chuyển giúp khi nào họ gặp nhau.
Buổi sáng bà lão nói ý đồ của mình cho người nhà nghe. Trong nhà còn có anh con trai, cô con dâu và một thằng cháu nội đã lớn. Khi nghe bà lão kể sẽ tới gặp ông già sắp chết đề nghị cho để đôi nạng của chồng mình vào quan tài, thì tất cả đều cười bà, như thể cười một bà già rất hủ lậu. Đặc biệt thằng cháu nội cười rất to, như một người có học nhất nhà, thì nó đang chuẩn bị tốt nghiệp lớp 10 mà lại. Tất nhiên, cô con dâu không bỏ qua cơ hội, cũng cười rũ ra, mặc dù, khác với con trai, cô chưa tốt nghiệp lớp 10. Vừa cười, cô vừa nói:
- Việc ấy bất tiện lắm, - đề nghị một ông già đang sống chết đi để bỏ đôi nạng của chồng mình vào quan tài!
Nhưng bà lão đã nghĩ kĩ rồi:
- Thì tôi có bảo ông ấy chết ngay đâu, - bà lão trả lời. - Ông ấy chết, khi nào tới số. Chỉ cần ông ấy đồng ý mang theo đôi nạng.
Bà lão minh mẫn, và là người khá tế nhị, đã trả lời như vậy. Và mặc cho mọi người can ngăn, ngay ngày hôm ấy bà vẫn tới nhà bạn chồng. Bà mang theo nhiều quà, phần biếu người ốm, phần để ông lão sắp chết cùng người nhà ông đỡ bất ngờ trước lời đề nghị của mình.
Ông già nằm trong buồng, tuy đang ốm nặng, song vẫn ngậm chiếc tẩu bằng gốm. Họ nói một chút về đời sống, bà lão không dám ngỏ lời đề nghị, vì cứ thấy ngượng ngượng thế nào. Vả lại, trong buồng còn có cô con dâu và mấy người nhà đang ngồi. Hoá ra bà lão còn tế nhị hơn là chúng ta tưởng lúc đầu. Nhưng tự ông già ốm đã giúp bà - ông nhớ lại chồng bà bằng những lời lẽ tốt đẹp, sau đó thở dài nói thêm:
- Rõ là tôi sắp sửa được gặp ông nhà đây.
Lập tức bà lão hoạt bát hẳn lên.
- Nhân tiện, - bà lão vào đề, bắt đầu kể cho ông nghe về những giấc mơ của mình và việc ông chồng đề nghị gửi đôi nạng cho ông qua người làng nào chết đầu tiên. - Tôi không giục bác, - bà lão nói thêm, - nhưng nếu việc đó xảy ra thì cho phép tôi để đôi nạng vào quan tài của bác, để chồng tôi còn cà nhắc mà tới được thiên đường.
Ông lão sắp chết cùng với cái tẩu trong miệng là người sâu sắc nước đời, thậm chí còn là một ông chủ hiếu khách, song cũng không tới mức bỏ nạng người khác vào quan tài mình. Quả ông không muốn tí nào cái việc này. Ngượng ư? Cũng có thể ông sợ những người làng khác tới dự đám tang nghĩ ông bị tàn tật. Nhưng nói thẳng thì bất tiện. Chính vì vậy ông bèn vòng vo với bà lão.
- Sao, chả lẽ những người Bônsêvích còn chưa đóng cửa thiên đường ư? - ông thử đánh trống lảng.
Nhưng, hoá ra, bà lão không chỉ tế nhị, mà còn rất bướng bỉnh. Là vì bà tha thiết muốn nhờ ông chuyển đôi nạng cho chồng mình ở thế giới bên kia.
- Chưa, - bà lão chắc chắn - họ không làm nổi việc này.
Khi đó ông già quyết định từ chối khéo bằng cách nói đùa.
- Tốt nhất bà cứ để vào quan tài một chai đế xịn, - ông đề nghị, - khi nào gặp ông nhà, chúng tôi bù khú với nhau.
- Bác chỉ được cái hay đùa, - bà lão thở dài - còn ông lão nhà tôi thì đang đợi, đêm nào cũng đòi gửi nạng.
Ông già sắp chết hiểu rằng khó lòng thoát được bà lão này. Nhưng ông không muốn chết, lại càng không muốn mang theo nạng vào quan tài.
- Nhưng mà giờ thì tôi làm sao đuổi kịp ông ấy nữa, - nghĩ một chút, ông nói tiếp - ông ấy chết cách đây những một tháng. Thậm chí tôi còn ngờ liệu mình có được đi trên con đường ấy mà lên thiên đường không cơ đây. Có những tội lỗi...
- Tôi biết tội của bác rồi, - bà lão không chấp thuận. Nhưng mà bác thấy đấy, ông lão nhà tôi cũng mắc cái tội y như của bác, vậy mà vẫn được lên thiên đường. Còn về chuyện đuổi kịp, thì bác đừng nói, kẻo người ta cười cho. Ông lão nhà tôi có một chân, chưa lò cò xa được đâu. Giả thử bác chết vào ngày mai, ấy là tôi chỉ giả thử thôi, chứ không dám giục bác, thì ngày kia là bác đuổi kịp ông ấy rồi. Ông ấy chẳng đi đâu mất đâu...
Ông già tiếp tục nghĩ ngợi. Nhưng lúc đó cô con dâu đã xen vào câu chuyện. Nãy giờ cô chỉ ngồi nghe họ nói.
- Nếu như ở đấy quả thật có cái gì đó, - cô mím môi, nói, - chúng con xin bố để một bao hạt dẻ vào quan tài. Ông anh tội nghiệp của con sinh thời thích hạt dẻ lắm...
Tất cả các cô con dâu đều giống nhau, lúc nào cũng chen ngang, - bà lão nghĩ bụng.
- Này, các người, tôi thấy hình như các người muốn biến cỗ quan tài của tôi thành cái xe chở hàng đây! - ông già kêu lên, rồi quay sang bà lão, nói thêm: - Tuần sau bà tới đây, lúc ấy tôi sẽ trả lời dứt khoát.
- Có muộn không bác? - Bà lão hỏi, rõ là cố khắc phục sự tế nhị của mình - Là tôi hỏi vậy, chứ không có ý giục bác.
- Không muộn, - ông lão trả lời chắc chắn rồi làm một hơi thuốc.
Chuyện chỉ tới thế, bà lão ra về. Khi về tới nhà, vừa bước chân vào bếp, bà nhìn thấy một cảnh tượng hoàn toàn bất ngờ. Thằng cháu hay giễu cợt của bà cùng với cái chân băng bó, chống đôi nạng của ông nội đứng giữa bếp.
- Chuyện gì thế này, mày bị làm sao thế hả cháu? - Bà lão hốt hoảng, cuống cuồng.
Hoá ra, khi bà đi tới nhà ông lão sắp chết, thì cậu quý tử trèo lên cây để hái quả óc chó Hi Lạp, rồi bất thình lình đạp phải một cành khô, cành gãy, cu cậu rơi từ trên cây xuống, chân bị gãy khá nặng.
- Nạng bị dùng rồi, - thằng cháu nói, - cảm phiền ông nội đợi cho một tháng.
Bà lão yêu ông lão của mình, nhưng bà cũng rất yêu thằng cháu hay cợt nhả này. Hiện giờ cháu bà cần nạng hơn. Ông nó có phải đợi một tháng cũng chẳng sao, bà nghĩ, đường tới thiên đàng thời tiết đâu có xấu như ở ta. Vả lại, ông lão mà bà vừa tới thăm, cứ theo như bà đã quan sát, thì có thể
giữ được một tháng nữa, có khi còn lâu hơn. Nhìn khói bay từ chiếc tẩu của ông ấy thì biết.
Nhưng có một chuyện đáng ngạc nhiên hơn cả - ông lão của bà không thấy hiện về trong giấc ngủ để đòi nạng nữa. Hoàn toàn không thấy hiện về. Chắc hẳn ẩn đâu đó để chờ thằng cháu lành chân. Hằng sáng nằm nhớ lại những giấc mơ cũ, bà lão lại thương chồng. Thế nhưng thằng cháu đã bỏ nạng, vậy mà ông nó vẫn không thấy về trong giấc ngủ của bà. Có khi ông lão đã lò cò tới được tới thiên đường rồi cũng nên, chắc là phải bám vào những bụi cây ven đường. Bà lão nghĩ vậy và thấy yên tâm hẳn.
Còn ông lão sắp chết, sau chuyến tới thăm của bà, bỗng nhiên khoẻ hẳn, trở nên nhanh nhẹn lạ thường, tới mức không được lịch thiệp lắm đối với một cụ già. Quả là ông rất không muốn mang theo vào quan tài mình nạng của người khác. Thì tự ái chứ: cả đời đi đứng bình thường, tự dưng lại để nạng trong quan tài bao giờ. Ông lão ấy sống cho tới tận giờ, mặc dù từ đó tới nay đã năm năm trôi qua. Ông chăn dê trong rừng, ngày ngày chặt những cành dẻ tơ cho chúng ăn, cả những lúc đó cũng không rời cái tẩu khỏi miệng.
Chát một nhát rìu! Khà một hơi thuốc! Chát một nhát rìu! Khà một hơi thuốc! Chát một nhát rìu! Khà một hơi thuốc! Thần chết nhìn từ xa nghiến răng trèo trẹo: Cái thế giới này giá có nổ tung thì lão già đáng nguyền rủa kia cũng chẳng thèm để ý! Đành phải đợi dê của lão ăn no đã.
Và tất cả chúng ta cũng sẽ sống, một khi ông lão vẫn: "Chát một nhát rìu! Khà một hơi thuốc!". Còn đàn dê thì chẳng bao giờ biết đến thế nào là no.
Đào Tuấn Ảnh dịch từ nguyên bản tiếng Nga
Chu' thi'ch:
(*) Ở đây tác giả nhại lại môtíp truyện cổ tích "Ông lão đánh cá và con cá vàng " của A. Puskin: "Ngày xửa ngày xưa có một ông lão sống với mụ vợ của mình...". Tuy nhiên diễn biến câu chuyện theo hướng ngược lại với truyện cổ tích. Tác giả đã mượn cách kể chuyện, kết cấu cổ tích để kể về chuyện thời nay, đây là một trong những đặc điểm của thi pháp văn học hậu hiện đại .