Năm ấy Uyên theo dì Út về quê nghỉ hè. Đó là một thị xã nhỏ nhắn, dễ thương nằm bên bờ sông Hậu.

Vì không quen đi xa nên gần như cả đêm Uyên nôn nao không sao ngủ được cứ soạn đi soạn lại mớ hành lý khiêm tốn: mấy bộ quần áo đẹp, quyển nhật ký - người bạn thân nhất, vài thứ lặt vặt con gái như son phấn, gương lược... Dì Út như bị lây cái nôn nao của Uyên nên cũng không ngủ, cứ nằm ngắm Uyên cười.

Sáng sớm không kịp ăn sáng, hai dì cháu Uyên hấp tấp ra bến xe đò.

Gọi bằng dì chứ thật ra dì Út mới 19 tuổi, lớn hơn Uyên hai tuổi. Mẹ Uyên thứ hai, lấy chồng và sinh Uyên ở Sài Gòn. Dì là con út, ở với ngoại. Học hết phổ thông, dì thi vào Nhạc viện thành phố. Giờ hai dì cháu cùng về quê nghỉ hè.

Chẳng bao lâu, chiếc xe đò đã ra tới ngoại thành. Giờ đây phố xá với bụi bậm, khói xe... đã lùi lại đằng sau, trước mắt Uyên chỉ còn những cánh đồng lúa, nơi đã thu hoạch, nơi thì chín vàng, nơi đang còn xanh mướt. Không khí mát dịu trong lành. Xa xa vài ngôi nhà tranh ẩn mình trong những khóm cây đang bị bao bọc bởi làn sương mù mỏng như khói, mơ màng, yên lắng. Vài con trâu nhởn nhơ gặm cỏ, vài người nông dân lửng thửng vác cuốc ra đồng. Trên trời không hiểu loài chim gì cứ thản nhiên chao lượn... Mới xa thành phố một chút mà Uyên đã ghi nhận biết bao điều lý thú. Lòng cô bé lâng lâng cảm xúc...

Buổi trưa qua phà sông Tiền. Qúa trưa một chút qua phà sông Hậu. Xế chiều Uyên đã ngồi trong vòng tay của ngoại.

Tối, không hiểu bằng cách nào biết được mà nhóm bạn cũ của dì Út kéo đến muốn chật nhà gồm phe kẹp tóc lẫn phe mày râu. Cả bọn ngồi quay quần trong phòng khách. Dì Út giới thiệu:

- Đây là Minh Uyên, cháu kêu mình bằng dì, con bà chị Hai. Còn đây là Oanh, Trâm, Mi bạn thân của dì. Kia là Duy và Thịnh.

Tên Duy lên tiếng ngay:

- Xin Minh Uyên nghe rõ chớ nhầm: Mình là Duy chớ không phải Suỵ Còn thằng này là Thịnh mà không thinh đâu.

Uyên cười. Cả bọn trố mắt nhìn cộ Chị Oanh buột miệng xuýt xoa:

- Tâm có nhỏ cháu dễ thương quá ờ ơi! Em học lớp mấy rồi? - Vừa hỏi, chị vừa vuốt tóc Uyên.

- Dạ, qua hè... cháu lên lớp mười hai.

Cả bọn cười ồ làm Uyên đỏ mặt. Thực tình thì Uyên không biết phải xưng hô thế nào. Vậy mà chưa hết, tiếng cười vừa lắng thì tên Duy lại lên tiếng:

- Kỳ này “dì Út” định nghỉ hè bao lâu?

- Ai là dì Út của “mấy người”? - Chị Oanh sừng sộ ngay - Vừa phải thôi! Đừng thấy người ta hiền rồi ăn hiếp.

Buổi gặp gở đầu tiên ấy câu chuyện chỉ xoay quanh Uyên. Tên Duy thì chọc Uyên, còn chị Oanh thì bênh. Nhiều lúc chị Oanh bị đuối lý, ức quá chị bảo dì Út đuổi Duy về. Cuối cùng thì huề cả làng, chẳng ai đuổi ai, chẳng ai giận ai, lại còn kéo nhau đi... ăn chè!

Trong quán Uyên ngồi gần Thịnh. Bấy giờ anh mới hỏi:

- Hình như Minh Uyên ít khi về quê?

- Dạ... cháu có về hai lần, hồi còn nhỏ. Nhà cháu đơn chiếc, vả lại...

Thịnh quay mặt, cười tủm tỉm, chắc anh cười cách xưng hô của Uyên. Thịnh đẹp trai. Mới đầu tưởng anh nhút nhát, nhưng không phải, tại tính anh trầm.

- Uyên đừng gọi anh bằng chú. Bộ anh già lắm sao?

Uyên bối rối:

- Tại... là bạn của dì Út. Anh Thịnh học chung với dì Út Uyên à?

- Ờ, ngày xưa. Còn bây giờ anh đi làm.

Từ bên kia bàn, Duy nghe lóm được chuyện. Hắn lên tiếng:

- Nếu mà gọi chú bằng anh, coi như chú đã hy sanh cuộc đời...

Chị Oanh chồm lên:

- Lại bép xép! Đàn ông con trai gì cái miệng không kéo da non.

Cuộc khẩu chiến có nguy cơ lại bùng nổ nếu như chị Trâm và chị My không kịp ngăn lại...

oOo

Buổi chiều, Uyên đang thơ thẩn dạo chơi trong công viên bờ sông thì nghe có tiếng gọi:

- Xin chào Minh Uyên! Uyên thấy quê ngoại thế nào? - Thịnh từ đâu bỗng xuất hiện làm cô bối rối.

- Chú... anh... Thịnh!

- Uyên chưa trả lời câu hỏi của anh?

- Dạ, quê ngoại tuyệt lắm anh ạ: thiên nhiên tươi mát, không khí trong lành. Chẳng bù cái thành phố chỗ em sống. Mà anh biết không, em mê cái công viên này từ nhỏ qua một cuốn sách...

- “Hè Muộn” phải không Uyên?

- Dạ phải. Ôi, anh Thịnh cũng đã đọc cuốn sách đó à?

- Chẳng những đọc mà cũng mê nó như Uyên.

- Thật vậy sao? Anh Thịnh còn nhớ tên hai nhân vật ấy không?

- Nhớ chứ. Thằng Vũ...

- Con Thúy! - Chẳng hiểu sao Uyên buột miệng thốt lên tiếp lời Thịnh – Ôi, em thương hai đứa bé ấy lắm. Mà anh Thịnh nè, theo như trong truyện thì ngày xưa, phía trên mỗi chiếc ghế đá như thế này đều có một giàn hoa giấy, phải không anh? Em nhớ, sau mỗi ngày làm lụng vất vả, thằng Vũ và con Thúy lại trở về đây, ngồi trên chiếc ghế đá này, nhìn ra dòng sông này...

- Công nhận Uyên nhớ tài thật. Thế Uyên đọc lâu chưa?

- Hồi Uyên chín, mười tuổi.

- Uyên thích văn chương, vậy ở lớp chắc Uyên học giỏi văn?

- Ngược lại thì có. Còn anh Thịnh? – Uyên hỏi rồi chợt thấy Thịnh nãy giờ vẫn đứng nên cô vội vàng nói thêm – Ý chết chưa! Anh Thịnh ngồi xuống đi, Uyên xin lỗi...

Vừa nói Uyên vừa nhích người sang bên nhường chỗ cho Thịnh.

Mặt trời chiều đỏ ối ngã dần về phía cuối sông. Một vài con thuyền chèo ngược nắng. Sóng lăn tăn. Gió chiều làm rối tung mái tóc Minh Uyên. Chợt có ai đó gọi đò. Thịnh đứng dậy nói nhỏ:

- Minh Uyên ngồi chờ anh một lát. Anh đưa khách qua sông rồi quay lại ngay.

Nói xong anh biến đi. Liền sau đó Uyên thấy bóng con thuyền anh chấp chới trên dòng sông, rồi cũng chẳng bao lâu anh trở về ngồi xuống bên cộ Anh giải thích:

- Ban ngày anh đi làm, tối anh chèo đò đưa khách sang sông nếu như có khách nào cần. Uyên không ngạc nhiên chứ?

- Không, em không ngạc nhiên. Em còn thấy cái nghề này thi vị nữa!

- Thi vị thì cũng thi vị, nhưng nếu có một nghề nào khác thì tốt hơn. Bây giờ anh cần tiền nuôi mẹ nên anh có thể làm bất cứ nghề gì.

Nghe Thịnh nói vậy, Uyên biết gia cảnh anh đang khó khăn, vì thế cô lái câu chuyện sang hướng khác. Họ nói chuyện vui vẻ đến tối mịt Uyên mới ra về.

Đêm ấy Uyên muốn hỏi dì Út về hoàn cảnh của Thịnh, nhưng sợ dì cười nên thôi. Khuya, Uyên vẫn nằm mở mắt nhìn lên trần nhà, xem những con thằn lằn đuổi nhau rồi nghĩ ngợi mông lung. Cũng đêm ấy, lần đầu tiên trong đời, Uyên ngượng ngùng viết tên một người con trai vào trong nhật ký...

Mấy hôm sau, thỉnh thoảng Uyên vẫn gặp Thịnh, Uyên ngồi với anh trên chiếc ghế đá mà có lẽ ngày xưa thằng Vũ và con Thúy vẫn ngồi, đến khi trên trời lấm tấm những vì sao cô mới về.

Có lần Thịnh rủ:

- Nếu Uyên thích đi đò trên sông thì anh tình nguyện chở Uyên đi?

Uyên đồng ý. Thế là họ đi. Thịnh chèo ở đằng lái, Uyên ngồi giữa. Một lúc sau Thịnh lên tiếng:

- Bao giờ thì Uyên về trên ấy?

- Còn lâu lắm, anh Thịnh đừng lọ Chừng nào chán Uyên mới chịu về.

- Hè năm sau Uyên có định về đây thăm... ngoại nữa không?

- Uyên chưa biết. Điều này còn phụ thuộc vào... mẹ Uyên.

Thịnh gần như ngừng chèo, chiếc thuyền cứ xoay tròn theo dòng nước...

Đêm đó, khi bầu trời đã lấm chấm những vì sao, Uyên trở về nhà. Dì Út trao cho Uyên lá thư của mẹ. Trong thư mẹ tỏ ra lo lắng về tình hình chiến tranh biên giới nơi Uyên đang ở. Mẹ còn nói thêm là bịnh của ba tái phát và đề nghị Uyên về gấp.

Năm đó toàn bộ biến giới phía Nam bị lấn chiếm. Nhưng bấy giờ thực lòng mà nói Uyên không hay biết gì, đúng hơn là không quan tâm gì, bởi chiến tranh còn chưa chạm đến tuổi học trò của Uyên. Dù vậy, vâng lời mẹ. Uyên quyết định phải về. Vậy là kỳ nghỉ hè không trọn vẹn.

Sáng sớm dì Út đưa Uyên ra bến xe đò. Khi xe lăn bánh, chỉ còn một điều làm Uyên áy náy là cô không kịp từ giả Thịnh.

Khoảng một tháng sau Uyên nhận được thư Thịnh. Anh viết:

“Biên giới... ngày... tháng...

Uyên ơi, chắc Uyên không ngờ hôm nay Uyên lại cầm trên tay bức thư của anh chàng lính mới? Và Uyên ạ, dù là lính mới nhưng bọn anh đã thực sự vào trận rồi.

Vài ngày sau cái đêm hôm ấy không thấy Uyên trở lại, anh tìm gặp “dì Út”, mới biết là Uyên đi. Anh không trách gì Uyên, chỉ thương Uyên không được vui trọn một mùa hè. Phần anh, sau đó ít lâu anh cũng đi, không phải đi một mình mà đi cùng cả lũ bạn bè, có cả Duy nữa. Không thể không đi khi chỉ trong một sớm một chiều giặc sẽ đánh đến nhà mình. Và bọn anh đã phải đánh trả lại ngay sau khi chưa kịp học thành thạo cách sử dụng vũ khí. Đọc thư, chắc Uyên không cảm nhận được mùi vị của chiến tranh đâu, còn anh, khi viết cho Uyên những dòng này, bên tai vẫn không ngớt tiếng đì đùng, và không gian sặc mùi thuốc súng. Những người dân vô tội vẫn tiếp tục ngã xuống... Nhưng thôi, nói chi hoài về súng đạn, chết chóc làm Uyên sợ. Anh hy vọng chiến tranh sớm kết thúc, để sang năm, anh được đón Uyên về quê ngoạn nghỉ hè. Chiều chiều chúng mình sẽ tới công viên bờ sông, ngồi trên chiếc ghế đá mà ngày xưa thằng Vũ và con Thúy đã ngồi, lúc ấy anh sẽ kể cho Uyên nghe những gì Uyên thích. À quên, sang năm anh xin tình nguyện trồng lên chiếc ghế đá ấy một giàn hoa giấy... ”

Đó là lá thư duy nhất Uyên nhận được của anh. Hết hè năm ấy, dì Út trở lên thành phố. Uyên hỏi tin tức về anh, dì Út lắc đầu. Có dịp về quê, khi trở lên Sài Gòn, Uyên lại hỏi, dì lại lắc. Có thể dì đã biết rồi nhưng muốn dấu Uyên. Cuối cùng dì đành nói thật: cả Duy và anh đều không về.

Bao năm rồi Uyên chưa trở lại quê ngoại. Không hiểu bây giờ chiếc ghế đá “của thằng Vũ và con Thúy” ở công viên bờ sông có còn không?

Hết