Cổng ngôi biệt thự ấy vào loại đẹp nhất phố. Hai cột cổng xây tròn, đỡ một mái bằng đúc bê tông chìa ra vỉa hè rộng đến mức mấy chục người có thể trú mưa, trú nắng cùng một lúc. Trên mái rủ đều xuống những chùm hoa đăng tiêu, mùa hè nở đỏ như chùm lửa. Hai cánh cổng sắt sơn màu xanh da trời, trang trí những họa tiết hình hoa loa kèn cứng cỏi và những chiếc lá dài uốn lượn một cách mềm mại. Suốt ngày, hai cánh cổng đóng im ỉm, chỉ hé mở khi những người chủ ngôi nhà có việc, phải dắt xe máy lách ra. Nghịch cảnh với chiếc cổng rất "tây" ấy là một hàng cháo gánh bán trước cổng. Mỗi sáng, vào lúc phía đông vừa hừng lên những áng mây hồng, bà chủ gánh hàng đã móc một cái bảng bằng sắt tây, đề chữ: "Cháo cá lóc kính mời" lên cánh cổng. Sau khi treo biển hiệu, bà hàng nhanh tay dàn khoảng chục chiếc ghế con ra khắp mặt cổng. Khách ăn hàng mỗi lúc một đông, vào lúc đông nhất có tới mười lăm người, thiếu ghế, có người phải ngồi xổm nhưng ai cũng vui vẻ và vừa lòng. Những bát cháo cá nóng hổi, bốc hơi nghi ngút, người nào người nấy phải vừa ăn, vừa thổi. Mùi cháo cá thơm lừng, cái mùi thơm gây cho ta cảm giác có vị ngọt ngào của đồng nội. Người "nghiện" cháo cá vừa nghĩ tới đã tứa nước miếng. Khách hàng phần lớn là người lao động có tuổi. Họ là những bác đạp xích lô, những bà, những cô bán rong, những cụ già ngồi trông nhà, thỉnh thoảng có vài cô nữ sinh khuân ghế ra một chỗ cách biệt, vừa ăn vừa cười nói ồn ã. Cách đây một tháng, khi chủ gánh hàng là một cô gái trẻ thì đã thấy lác đác có thêm những chàng thanh niên áo sơ-mi đóng trong quần âu, chân diện giày da, đến ngồi xổm, húp cháo cá lóc, nhưng mắt thì dán vào thân hình nở nang của cô bán hàng. Ăn một bát cháo mà có chàng ngồi lì đến nửa tiếng đồng hồ. Mà cô hàng đẹp thật, càng nhìn lâu càng phát hiện thêm những nét duyên dáng thâm kín của cô.

"Cô bé này cương nghị lắm, khó mà "cưa" đổ!" - Một chàng sáng nào cũng ngồi lì đến nửa tiếng nhận định như vậy. Còn các bà, các cô ăn quen thì bảo: "Cô bé bán hàng có duyên thật, chẳng để mất lòng ai" và ngày nào họ cũng hỏi thăm:

- Má cháu đâu mà cháu phải đi bán hàng?

- Má con bệnh.

- Bệnh gì? Có nặng lắm không?

- Bệnh liệt, nên con phải ngồi hàng thay má con lâu dài.

Thấy đôi mắt cô rớm lệ nên không ai hỏi thêm nữa.

Trước đây, má cô ngồi hàng, đã thành nếp, cứ bảy giờ ba mươi là vãn khách và hàng cũng vừa hết, trong nồi chỉ còn một bát cháo "gốc". Khi đó, cánh cổng sắt hé mở, chiếc xe Dream bóng loáng và cậu chủ quần áo thẳng nếp cũng vừa lách ra là má cất lời đon đả:

- Mời cậu xơi cháo ạ!

Cũng đã thành lệ, cậu chủ không bao giờ ngoảnh lại nhìn và cũng không bao giờ trả lời, mà nhảy lên xe, mắt nhìn thẳng, khởi động máy và phóng vút đi. Từ ngày cô gái ngồi bán hàng thì cái nếp ấy xem ra ngày một xộc xệch. Khi cánh cổng hé mở, đầu chiếc xe Dream thò ra, hàng của cô tuy cũng chỉ còn bát cháo "gốc", nhưng khách "ngồi lì" vẫn còn hai ba người, cô chưa kịp thu dọn những chiếc ghế con nằm rải rác ở khắp cổng vướng đường xe ra, thế là cậu chủ cáu. Cô bán hàng phải làm vẻ tươi cười, đon đả:

- Mời cậu xơi cháo ạ!

- Vớ vẩn, cháo với lão!

Ấy là mọi hôm như thế, còn sáng nay thì cậu chủ đã điên tiết thực sự. Chiếc cổng hé mở, đầu xe vừa thò ra thì đã vấp ngay vào một chiếc ghế, khựng lại. Cậu chủ chống xe rồi len người ra, chân đá những chiếc ghế bắn tung xuống lòng đường, miệng hét:

- Làm ăn bừa bãi thế này mà trông được sao?

Cô gái ngây người, miệng lắp bắp:

- Xin lỗi cậu, bữa nay mải hàng quá, tôi chưa kịp dọn.

Mặt cậu chủ đỏ găng, một tay chống nạnh, một tay chỉ thẳng vào mặt cô gái, quát:

- Từ mai dẹp, không bán chác gì ở đây nữa, nghe không?

Nói xong, cậu chủ đùng đùng lên xe phóng vút đi.

Cô gái lụi cụi thu nhặt những chiếc ghế mà nước mắt rơi lã chã. Mấy tay khách "lì" ngơ ngác, không hiểu đầu cua tai nheo ra sao, chờ cô gái thu dọn xong quang gánh mới dám cất lời hỏi:

- Này em, cái thằng ấy là cái thá gì mà dám mắng em?

- Không có chuyện gì đâu, em xin các anh.

Cô gái ấy là Hai Thảo, con gái má Năm trong xóm của những người lao động nghèo. Cha mất khi Hai Thảo mới mười tuổi và dưới Thảo là hai đứa em nữa, đứa nhỏ lên hai và đưa lớn lên năm tuổi. Một mình má buôn bán thúng mủng, chạy vạy nuôi ba đứa con. Từ ngày thuê được cái cổng của biệt thự làm nơi ngồi bán cháo cá lóc thì mấy mẹ con có khá hơn chút đỉnh. Mấy chị em Thảo năm nào cũng được đến trường. Thảo rất thương má, đi học về là luôn chân luôn tay, phụ giúp má chợ búa, làm hàng và tất bật với công việc nội trợ trong nhà. Số phận người nghèo thường hay gặp rủi rọ Công việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió thì má lăn đùng ra bệnh. Một cơn cảm sốt nhẹ lúc nửa đêm làm má liệt nửa người. Ngày ngày, Thảo cũng phải chạy thày, chạy thuốc, châm cứu cho má. Mấy hôm nay, má đã ngồi dậy được. Tia hy vọng vừa lóe lên thì nỗi thất vọng buổi sáng nay lại dập tắt. Nếu từ sáng mai cậu chủ không cho ngồi nữa, má con Thảo sẽ không biết dựa vào đâu mà sống. Đặt gánh hàng vào nhà, Thảo lấy vạt áo lau nước mắt rồi đơm bát cháo gốc vào mời má ăn. Ngày má còn ngồi hàng, bát cháo này thường dành cho Thảo. Chính ra, bát cháo ấy là phần của cậu chủ, vì trong hợp đồng với bà chủ ngôi biệt thự có điều khoản: mỗi tháng, vào ngày mồng năm, má phải nạp cho con trai bà ba trăm ngàn đồng và hàng ngày, nếu cậu chủ muốn thì ăn hàng không phải trả tiền. Đã thành lệ, ngày nào má cũng phải dành bát cháo gốc để mời cậu chủ, nhưng chẳng bao giờ cậu màng tới, nên bát cháo ấy mới đến lượt má con Thảo. Bữa nay, thấy con gái vừa bưng bát cháo, vừa thút thít, má Năm hốt hoảng hỏi:

- Có chuyện gì thế con?

Hai Thảo òa lên tức tưởi, mãi sau mới nói lên lời:

- Má ơi! Cậu chủ bảo là sáng mai không được dọn hàng nữa.

- Con cư xử với người ta thế nào mà đến nông nỗi ấy? Hay là tháng này con trả tiền không đúng hẹn? Hay là con không mời mọc cậu ta chu đáo?

- Đúng là tháng này con chưa thu xếp được tiền trả cậu ấy. Mấy tháng nay, nhà mình bao nhiêu khoản phải chi tiêu, con cũng định dăm hôm nữa thì thu xếp đủ. Sáng nay, cậu ấy cáu vì con chưa kịp thu xếp mấy chiếc ghế...

- Con làm ăn bừa bộn trước cổng biệt thự như thế, ai người ta để yên. Khổ nỗi, má lại không đi được, chẳng lẽ nhờ ai khiêng má đến van xin bà chủ.

- Má! Hay là để con nghĩ cách khác...

- Không được đâu con ơi! Chỗ ấy khách đã quen hàng. Vả lại, mình cần người ta, chứ người ta cần gì mình. Thôi má xin con, sáng mai con cứ dọn hàng rồi lựa lời mà van xin cậu chủ. Được cậu ấy thương tình bỏ qua thì chắc bà chủ cũng không nỡ lòng nào...

Thảo nuốt cái cục nghèn nghẹn ở cổ rồi lặng lẽ nâng thìa cháo, bón cho má. Má Năm nuốt miếng cháo mà thấy đắng ngắt.

* * *

Buổi tối, phòng khách ngôi biệt thự sáng trưng ánh điện. Máy điều hòa nhiệt độ mở hết cỡ, kêu ri ri như tiếng dế. Trên bộ sa lông, cậu chủ nằm dài thoải mái như đang nằm hóng mát trên bãi biển. Má cậu, bà chủ ngôi biệt thự, vừa đi tiếp khách nước ngoài về, mặt bự son phấn. Cậu con nhấm nhẳng nói với mẹ:

- Con đã nói với má bao nhiêu lần rồi. Ba trăm ngàn đồng chẳng đáng là bao, má cho thuê chỗ cổng ấy làm cho nhà mình bệ rạc quá.

- Người ta chỉ bày biện có một lúc buổi sáng mà đủ tiền cho con ăn quà sáng. Con ráng chịu đựng để đỡ cho má một khoản chi.

- Sáng nay con đã báo với cô bán hàng là từ nay dẹp tiệm. Bạn con đứa nào đến cũng kêu, nhà có cái cổng đẹp thế mà để nhếch nhác quá, chắc là ba má cậu dạo này túng bấn lắm. Nhất là mấy đứa bạn gái...

- Con tránh đi, đừng hẹn bạn đến buổi sáng sớm.

- Nhưng thỉnh thoảng có đứa rủ con đến trường.

- Nhà người ta hoàn cảnh khó khăn, kêu nài mãi, má động lòng. Con không cho người ta ngồi nữa, sao không bàn với má trước.

- Tháng này quá quy định năm ngày rồi mà người ta đã đưa tiền cho mình đâu!

- Chết, sao con không nói cho má hay? Thôi đây, con cầm tạm năm trăm ngàn, tháng này lại có ngày sinh của con.

Cậu chủ vùng dậy, nhếch mép cười:

- Má tính kỹ chưa đấy? Năm nay là năm cuối cùng, ra trường con phải kỷ niệm đàng hoàng để chia tay bạn bè. Năm trăm ngàn? Mời có nổi hai người khách không? Sao má keo thế?

- Con định mời bao nhiêu khách?

- Hai chục là ít!

- Năm nay con có phải thi lại như năm ngoái không mà khuếch trương thế?

Nghe má hỏi, cậu giật thót tim. Cậu là sinh viên năm thứ tư của Trường đại học Luật. Ba năm qua, năm nào ba má cậu cũng đặt giải thưởng một chuyến du lịch Xingapo nếu cậu không phải thi lại, vậy mà chưa năm nào cậu đạt được. Năm nay, thi hết kỳ I, cậu nợ tới hai môn. Cậu đang phát sốt phát rét vì phải ôn thi trả nợ, nhưng nghe má hỏi thì cậu tảng lờ và làm ra vẻ tự tin:

- Năm nay con sẽ không phải thi lại môn nào và cuối năm thi tốt nghiệp nhất định sẽ đỗ ngay vòng đầu.

- Nếu đúng như vậy, dăm bữa nữa, ba con đi công tác Canađa về, má sẽ bàn với ba tổ chức sinh nhật con thật to, cho chúng mày đi Vũng Tàu xả láng một chuyến.

- Hoan hô má!

Cậu cười gượng, nhưng bụng lại lo lọ Sáng mai, trường cậu trao các giải thưởng sinh viên xuất sắc. Người ta có mời má cậu đến dự vì cơ quan bà là một trong những đơn vị tài trợ giải thưởng cho nhà trường. Má cậu mà đến, chuyện học hành của cậu sẽ bị vỡ lở, cái ngày sinh nhật đầy hào hứng kia sẽ bị phanh lại, úi sùi như năm ngoái - mỗi suất một trăm ngàn đồng tại Nhà hàng Đông Á. Đến nước này, cậu đành đánh bài liều, ỉm luôn cái giấy mời của má.

* * *

Cậu chủ dậy sớm hơn mọi ngày. Vừa trên giường thả chân xuống đất, cậu đã lao ngay ra cổng. Ngoài cổng mọi hôm ồn ã, hôm nay vắng ngắt. Cô hàng cháo cá lóc nghỉ hàng thật. Một vài khách hàng quen đứng ngẩn ngơ trao đổi với nhau:

- Mẹ Ốm, chắc hôm nay cô bé cũng ốm nên mới nghỉ hàng thế này.

- Tội nghiệp gia đình ấy, gánh cháo nuôi cả nhà...

Cậu chủ bâng khuâng nghĩ thầm: Mới dọa thế mà cô ta đã nghỉ. Thế mới biết con gái nhát thật. Hay là cô ta ốm? Cậu lững thững đi vào nhà, đánh răng, rửa mặt. Hôm nay cậu phải đến trường sớm hơn mọi hôm nửa giờ. Khẩn trương mọi việc, vậy mà khi cậu đến hội trường, người đã đông nghịt. Hôm nay toàn trường dự lễ phát thưởng cho sinh viên giỏi. Cậu là sinh viên năm thứ tư, đáng lẽ phải ngồi ở mười hàng ghế đầu, nhưng cậu lặng lẽ tìm một chỗ khuất để bạn bè không nhìn thấy. Trên lễ đài, đại biểu ban tổ chức giới thiệu chương trình, thày hiệu trưởng đọc diễn văn, cậu chẳng hề để ý vì còn mải lo tổ chức sinh nhật sắp tới sẽ ăn món gì, nghe loại băng nhạc nào và mời những ai. Mãi khi sang phần phát thưởng, ban tổ chức có lời giới thiệu đặc biệt và cả hội trường im phăng phắc mới làm cậu sực tỉnh và chăm chú nhìn lên, lắng nghe:

- Trường ta năm nay có một hiện tượng đặc biệt, đáng để cho sinh viên học tập - Ông hiệu trưởng trịnh trọng tuyên bố - Sinh viên năm thứ hai Hoàng Thị Thảo có kết quả học tập ở tất cả các môn đều đạt 9 và 10. Em là con một gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ bị liệt. Hiện cả gia đình bốn miệng ăn đều trông vào gánh cháo cá lóc em bán mỗi sáng. Em xứng đáng được nhận giải thưởng sinh viên xuất sắc. Trân trọng mời em Hoàng Thị Thảo lên nhận giải thưởng và tặng phẩm của hãng giải khát thành phố gửi tặng.

Lời ông hiệu trưởng vừa dứt, cả hội trường vỗ tay như sấm. Một cô gái từ hàng ghế đầu bước lên.

- Xinh quá! Xinh quá!

Có tiếng xuýt xoa bên cạnh làm cậu chủ cứ phải dướn lên nhìn. Đúng là Thảo, cô hàng cháo cá lóc ở cổng biệt thự nhà cậu. Ngày thường, cậu không để ý, vì cậu cho rằng, những người như thế làm sao là sinh viên được, giá như cậu được một lần gặp cô ấy ở trường, chắc là cậu sẽ không có hành động khiếm nhã với cô như sáng quạ Một sinh viên xuất sắc như thế được nhà trường và cả xã hội quan tâm, vậy mà mình phớt lờ, thày giáo và bạn bè biết chuyện "cậu chủ" của mình, họ sẽ cười thối mũi. Càng nghĩ, cậu càng thấy buồn. Cậu lấy xe, phóng qua nhiều phố rồi cuối cùng dừng lại bên bờ sông. Gió sông thổi lên mát rượi, cậu thả hồn theo sóng nước lăn tăn và tự hỏi: Đầu óc mình không đến nỗi nào mà sao mình lại phải thi lại nhỉ?

* * *

Thảo dọn hàng mà trong bụng luôn thấp thỏm. Cô đã dự định mấy phương án: nếu cậu chủ cho ngồi, cô sẽ luôn để mắt cho gọn gàng, nhất là lối xe ra vào của cậu chủ; còn nếu cậu chủ kiên quyết đuổi, cô đành phải gánh hàng đi bán rong. Khách bữa nay đông, ai cũng hỏi:

- Sao sáng qua cháu nghỉ hàng?

- Dạ, con bận công chuyện.

- Các bác ăn quen, thiếu một bữa thấy nhớ. Cháu phải ngồi đều đều nghe!

- Dạ con biết vậy, nhưng còn phải phụ thuộc vào cậu chủ nhà...

Thảo dịu dàng trả lời, mọi người đều ái ngại cho cô.

Hôm nay hàng hết sớm, chưa đến bảy giờ ba mươi, Thảo đã thu dọn ghế ngồi chờ. Nếu cậu chủ làm to chuyện, Thảo sẽ gánh quang gánh về thẳng; còn nếu cậu đã nguôi ngoai, cô sẽ lựa lời thuyết phục để cậu cho ngồi hàng ở đây. Cánh cổng kẹt mở, Thảo thót tim. Không thấy đầu xe Dream thò ra mà đã thấy cậu chủ đầu trần, chân dép, đứng sững trước mặt. Thảo đâm lúng túng. Cô cúi mặt như người chờ đón lời phán xét của cấp trên. Nhưng thấy cậu cứ đứng im nhìn, Thảo đành lên tiếng trước:

- Thưa cậu! Má con tôi có lời xin lỗi và gửi cậu tiền tháng này.

Cậu chủ đỏ bừng mặt khi thấy Thảo đưa tập tiền ra. Cậu đẩy tay cô lại:

- Thôi, Thảo cứ giữ lấy làm vốn, cuối tháng hoặc tháng sau đưa luôn một thể.

Thảo ngạc nhiên tròn xoe mắt. Cô nhìn thẳng vào đôi mắt cậu chủ và hỏi:

- Sao cậu biết tên tôi?

Cậu chủ gãi đầu, gãi tai:

- Tôi biết lâu rồi, từ hôm má Thảo ngồi hàng ở đây cơ.

- Xạo!

Thảo tự cười thầm vì cô dám có lời bông lơn với cậu chủ như vậy. Còn cậu chủ mặt mũi cứ đỏ dần lên như mặt gà cọi.

Cậu ấy thẹn đây!

Hết