Chương 1

Cô giáo Minh bước xuống xe, vội vã chạy vào nhà, rón rén đến cạnh giường mẹ

Mấy hôm nay, bệnh bà cụ lại cùng nguy kịch hơn nhiều, nhất là hôm trời trở rét. những cơn gió bấc đã làm bà cụ khàn đặc cả tiếng. Thỉnh thoảng cơn suyển nổi lên, bà cụ nhăn mặt, ôm ngực thở khò khè,  tường như cứ thế, thì đến tắt hơi dần mà Iịm đi mất

Có khi đang làm việc trong lớp, Minh chợt nghĩ đến lúc mẹ nằm đờ người, há hốc mồm mà líu lưỡi lẩm bẩm khấn Phật Trời phù hộ cho chóng được về với ông bà ông vải, thì Minh nóng ruột, sôi gan, những mong hết giờ để được loanh quanh bên giường bệnh.

Minh khẽ mở màn ra. Bà cụ gà gà ngủ. Nàng yên tâm, lắng tai nghe, thấy mẹ thở lúc to lúc nhỏ không đều, như rên rỉ mệt nhọc lắm. Nhìn mấy hòn than ở hỏa lò đun thuốc đã vạc, bỗng nàng thở dài. Nhưng một luồng hơi lạnh, thoảng vào mặt, làm cho bà cụ tỉnh giấc, mở choàng mắt ra.

Bạ cụ uể oải nhìn Minh, Minh đặt tay lên trán mẹ rồi dịu dàng, hỏi:

- Mẹ ngủ có lâu không?

Bà cụ vừa cố lắc đầu, vừa cố nói:

- Nào có ngủ được.

Minh đặt chồng sách đang cầm ở tay lên mặt bàn, rồi vén áo, trèo lên giường, ngồi ở phía trong. Mẹ Minh đưa mắt trông theo con, rồi cất giọng nhọc nhằn, hỏi:

- Không dạy võ?

Minh thò tay vào chăn, sờ nắm lấy cổ tay mẹ, rồi tủm tỉm đáp:

- Không, con xin phép về sớm.

Bà cụ lắc đầu, có ý không bằng lòng:

- Chớ thế nữa, cứ làm cho hết việc đã.

Minh cảm động, hỏi:

- Mẹ thấy thế nào?

Bà cụ lắc đầu, rồi nhìn Minh một lúc chòng chọc, như trong bụng còn điều gì muốn nói vậy. Một lát, bà cựa nghiêng, và bảo Minh:

- Này chị Giáo, ghé xuống mẹ nói chuyện.

Minh cúi gần mẹ, cố lấy vẻ mặt ngoan ngoãn để giấu sự bực mình, vì nàng đoán ra cả những lời mẹ sắp nói.

Bà cụ kéo mẩu chăn để đệm lưng, rồi thở hổn hển. Lúc bấy giờ cơn ho lại nổi lên. Bà cụ súng sắng ho, giật cả lưng lẫn tay để hắt ra những tiếng đau đớn như rút gan, rút ruột. Minh vội vàng ôm lấy mẹ, vuốt ngực mẹ, mà nước mắt chạy quanh.

Trận ho dữ dội vừa qua, bà cụ nằm lả trên tay Minh, lim dim, há miệng, nhăn mặt thở dốc ra và ú ớ kêu trời.

Một lát, bà cụ mở mắt nhìn con, lắc đầu nói:

- Chết mất! Con ạ.

Không thể đau thay mẹ được, Minh nhăn nhó:

- Khổ quá! Mẹ ơi!

Minh khẽ đặt mẹ xuống giường, đắp lại chăn. Bà cụ nói:

- Con ạ, đằng bà Tuần lại vừa cho người đến nói đấy.

Minh cau mặt, tức tối đáp:

- Họ ác quá, họ cứ bắt tội mẹ phải nghĩ ngợi.

Bà cụ đặt ngửa bàn tay răn reo vào lòng Minh:

- Thế thì con bằng lòng đi cho mẹ yên tâm.

Minh không đáp, nhưng lẩm bẩm:

- Họ lợi dụng cả lúc người ta ốm. Sao mà ích kỷ lắm thế!

- Cứ những cơn như vừa rồi thì mẹ tưởng chết ngay. Hay Trời Phật cho mẹ sống thêm ít nữa để liệu định cho con xong bổn phận của mẹ đã.

Minh rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào:

- Mẹ yếu, con còn bụng nào nghĩ đến việc ấy nữa! Bận sau, mẹ nên làm cho người ta hết hy vọng để mẹ khỏi bị quấy rầy.

Bà cụ cựa tay, lắc đầu:

- Con lầm, mẹ hy vọng chứ không phải người ta hy vọng. Mẹ nói nhiều mệt lắm. Con nên vâng lời mẹ. Mẹ biết mình mẹ chẳng sông được mấy ngày nữa. Định liệu được cho con, thì mẹ chết mới yên tâm.

Thấy hai dòng lệ từ từ ứa ra mắt mẹ, và chảy từng nấc xuống thái dương gồ ghề, Minh sụt sịt khóc. Bà cụ nói tiếp:

- Người ta thuỷ chung, giữ lời ông Tuần giao ước với thầy nhà ngày xưa. Giá người khác, thì cứ như ông Tuần với thầy mất đi rồi, không bao giờ người ta nhắc nhỏm để thông gia với một nhà tầm thường như nhà ta nữa. Từ ngày thấy mẹ yếu, bà Tuần thỉnh thoảng đến chơi, lại hay biếu xén, thật là tử tế, quý hóa.

Rồi lả cổ tay, bà cụ lim dim mắt, thở hổn hển và nói rời rạc:

- Thế nào? Con có cho mẹ được hả không ?

Minh cảm động quá, không biết đáp thế nào được. Nhưng nhanh trí, nàng vờ nhìn ra siêu thuốc.. rồi vội vàng nói lảng:

-Kià không khéo thì cạn hết.

Minh nhanh nhảu mở màn, xuống đất, đến ngồi cạnh hỏa lò, kênh nắp ấm và thổi lửa. Vẻ mặt trầm ngâm, trong khoảng khắc nàng vụt nghĩ lan man biết bao hiêu việc.

Nàng không muốn trả lời trước mặt mẹ nàng rằng không thuận lấy Sanh, một người nàng chưa thuộc tính nết, và nàng chưa biết mặt. Nàng không tò mò muốn biết mặt Sanh, vì nàng không bao giờ để ý đến Sanh dù nàng đã thấy nhiều lần, bên bà Tuần cho người sang nói chuyện.

Lời giao ước gả con cho nhau, theo ý nàng, chỉ là câu gắn bó cho thêm thân của hai người bạn thân nhau ngày xưa trong khi vui chuyện. Nhưng thời buổi mổi lúc một khác. Ngày nay, người ta trọng tự do, và cần tự do, nhất là trong việc hôn nhân, có quan hệ đến hạnh phúc một đời. Những cái các cụ ưa, không phải rồi con cháu cũng phải ưa. Nàng có học, lại biết nghĩ. Vả việc nhân duyên của nàng, quyền nàng được có người mà yêu mà quý để vợ chồng nương tựa lẫn nhau. Vậy chồng nàng phải là người của nàng. Thế thì khi con đã khôn lớn, bậc cha mẹ chỉ nên tự nhận là những người cố vấn mà thôi.

Rồi Minh so sánh các bạn, Mai thì được cha mẹ cho tùy tâm, nên đã vì ái tình mà kết hôn với một người trong ý tưởng. Loan thì vì sự gả bán ép nài, đến nỗi vợ chồng không hợp tính nhau, rồi bị mẹ chồng và chế độ gia đình cũ áp chế, nay hai người ly dị, suốt đời Loan tai tiếng hoặc lẻ loi.

Sở dĩ ít lâu nay, Minh không muốn nghe mẹ nói đến việc trăm năm của nàng, vì Minh đã yêu Nhã, là anh họ Xuân, một người bạn gái.

Đã ba năm nay, Minh và Nhã quen biết nhau, rồi yêu nhau. Cuộc quen biết gây nên đầu tiên vì những bài Nhã đăng báo. Minh phục Nhã là người có quan niệm mới về gia đình. Rồi những buổi gặp gỡ chuyện trò trong nhà Xuân, làm cho hai người hiểu nhau hơn. Minh ước ao được Nhã làm chồng, hay ít ra cũng được người chồng như Nhã. Nàng xem ra, Nhã cũng chỉ muốn có nàng làm vợ. Nhiều lần Xuân đã nói với Minh lòng ước ao của Nhã. Song, những cuộc gắn bó ngấm ngầm ấy chưa lúc nào lộ ra lời nói với nhau, chắc rằng tại một đôi khi, Minh có tỏ cho Nhã biết nàng chưa thể nghĩ đến chuyện thành gia thất, vì nàng cần phải gây dựng cho em trai nàng hiện đang đi học. Vả về phần Nhã, Nhã cũng vừa phải chịu tang cha chưa được một năm.

Từ khi mẹ nàng bị bệnh một ngày một tăng, thuốc thang đã thay đổi lắm thầy mà bà cụ chắc tránh chẳng khỏi số, thì mỗi khi nàng thấy bà mối của Sanh đến thúc giục tán tỉnh khéo léo với mẹ, nàng lại buồn. Nàng có kể tâm sự cho Xuân nghe, để câu chuyện đến tai Nhã. Song nàng tin rằng nàng không phải lấy Sanh, vì nàng không thể lấy Sanh, cho nên nàng không tuyệt vọng hẳn. Nàng có ngờ đâu phải nghe những lời nằn nì tha thiết quá của mẹ khi nãy đầu.

Bỗng nghe thấy tiếng phều phào của mẹ gọi, Minh giật mình. Nàng thưa, rồi vội vàng đứng dậy, trong bụng rối beng. Trước khi đến cạnh giường, nàng phải tự ra một câu hỏi:

-  Có nên làm trái ý mình để yên lòng mẹ trong những giờ cuối cùng không?

Mở màn ra, Minh thấy mẹ ngơ ngác nhìn phía cửa, lắng tai nghe, rồi hỏi:

-  Hình như có ai gọi?

Có tiếng gõ cửa thật. Bà cụ nhăn hàm răng ra cười khó khăn, nói:

- Mẹ còn sáng tai, có lẽ đêm nay chưa việc gì.

- Con đi mở cửa nhé.

Minh ra nhà ngoài, đắn đo lấy một tiếng trả lời dứt khoát của câu hỏi vừa rồi. Nhưng không thể được.

Nàng thờ thẫn và như cái máy, nàng vặn then cửa. Thì bỗng nàng rủn người sợ hết vía: Người đến chơi đó là bà cả Tài.

Bà cả Tài nhăn nhở cười, nói toang toang như quên là đến nhà người ốm vậy:

- Chào cô Giáo, cụ còn sốt không? Gớm ban nãy cụ ly bì lệt bệt, tôi sợ quá.

Minh chán nản, trả lời khẽ:

- Cảm ơn bà, mẹ tôi đang chợp mắt, mà tôi thì bận quá.

Minh không muốn tiếp bà cả Tài, nên nói thế. Vả nàng nhất định không mời. Nhưng bà cố đến đây có việc hệ trọng nên đi thẳng vào nhà trong. Minh giận đầy ruột, ngăn lại nói:

- Bà Cả! mẹ tôi ngủ. Bà vào thăm mẹ tôi, tôi cảm ơn bà, mời bà ở ngoài này nói chuyện cũng được.

Tài vừa đi vừa quay lại, ha hả cười:

- Bà cụ có ngủ được đâu. Tôi biết mà!

Minh bất đắc dĩ đi theo, rất bực mình. Chẳng phải Minh bực mình về cách khiếm nhã của Tài nhưng chính vì Tài là bà mối của Sanh.

Tài tay xách ghế mây đặt mạnh sát đầu giường người ốm, vừa ngồi, vừa vén màn, hỏi:

- Thế nào, cụ thấy sao?

Mẹ Minh giật mình choàng dậy, thấy Tài thì gật đầu, cười. Tài nhìn Minh, lắc đầu, nói thầm:

- Khó lắm.

Rồi nói to gọi Minh:

- Cô Giáo bắc ghế lại đây nói chuyện! Gớm! Tôi cũng là cái thân tội. Các ông các bà cứ làm rầy rà tôi mãi.

Nói đoạn trơ tráo, Tài cười một nhịp rất to và rất vô duyên. Minh bẽn lẽn đừng bên cạnh bà, quờ quạng cái tráp trầu. Tài lại gọi:

- Cô Giáo ngồi đây. Độ này cô hồng hào lắm nhỉ! Đừng quên tôi nhé.

Thấy Minh không đáp và cúi đầu, Tài hất hàm, liếc mắt hỏi ý bà cụ. Bà cụ lắc đầu. Tài biến sắc, rồi nghiêm nghị, nói:

- Này cô Giáo ạ, sao cô nỡ để cụ nói mãi về chuyện ấy thế? Còn đám nào hơn nữa mà cô phải đắn đo?

Minh nghẹn ngào không đáp. Tài lại nói:

-  Ban nãy cụ lớn tôi bắt tôi đến đây nói chuyện nhưng cụ nhà vẫn chưa trả lời dứt khoát. Phải, Trời sinh ra thế, đằng nào cũng tùy ở cô. Này cô ạ, tội gì, bên ấy người ta mặn đáo để.

Thấy Minh thờ ơ quay mặt vào tường, Tài chép môi thì thầm với bà cụ, rồi nói to:

-  Thật, tôi tưởng cậu Sanh làm rể cụ thì đáng lắm. Tuy người ta không làm gì, nhưng người ta con quan. Con quan mà chẳng danh giá như ông Tham, ông Đốc à? Thôi, cô làm dâu nhà ấy, thật là sung sướng. Cậu ấy thì hiền lành, ngoan ngoãn. Cụ lớn tôi thì phúc hậu chiều chuộng các con. Cô về đây, rồi muốn đi làm nữa cũng được, bằng muốn an nhàn, thì cứ xin thôi, người ta thiếu gì của chìm của nổi. Mấy cái nhà trên hàng Đường, cho thuê cũng thừa ăn thừa tiêu. Các cụ ngày xưa chọn con dâu ngay từ lúc bé mà khéo lạ! Cô Giáo nhà với cậu Sanh thật là tốt đôi!

Thấy ngứa tai, Minh đáp:

-  Thưa bà, chẳng hay cụ lớn nhà có kham nổi hai hàm răng trắng của tôi không ạ?

Tài cười:

-  Người ta cũng ưa tân thời đáo để đấy, cô ạ. Cụ lớn tôi thì kỹ tính cẩn thận, nhưng đến cái trung hậu, thương người thì không ai bằng.

Mẹ Minh gắt:

-  Sao con nói càng làm vậy. Con không nghĩ đến mẹ một tí nào hay sao?

Nói đoạn, ôm ngực, ho. Minh vội vàng đỡ mẹ. Bà cụ lử người, thở dốc một hồi. Minh đau xót, lườm Tài, rất ác cảm. Một lát bà cụ gật đầu, gọi Minh, Minh cúi xuống nghe:

-  Mẹ đã nói nhiều lần, vậy con hiểu bụng mẹ. Mẹ không còn sống được mấy nữa, mà con thì đã lớn. Giá con và em con thành gia thất cả rồi, thì mẹ thật yên tâm. Thế này thì thành ra mẹ chưa được việc gì đối với gia đình mà mẹ đã vội bỏ hai con bơ vơ, mẹ đành tâm thế nào được?

Minh ngậm ngùi, chùi nước mắt, không đáp.

-  Mẹ còn ngoắc ngoải là để nghe ý định của con. Sống thêm ngày nào mẹ đau đớn thêm ngày ấy, con ạ.

Minh cảm động quá, sụt sịt khóc.

- Mẹ ơi!

Tài giục:

-  Thế thì cô cứ ừ xem nó ra làm sao nào! Còn gì dễ cho bằng tiếng ừ nữa. Đứa trẻ mới học nó cũng biết ừ. Nào ừ đi chóng ngoan nào!

Rồi cho là câu pha trò đậm, Tài cười ngặt nghẹo.

Bỗng ở ngoài đường, một người âu phục lạ mặt thập thò dòm vào, và gõ cửa cạch cạch. Minh ngạc nhiên, những bỗng một tia hy vọng nảy ra trong óc nàng:

“Hay là người của Nhã?”

Nàng chạy ra cửa, vui vẻ như đón một vị ân nhân.

Thấy Minh nhìn, người âu phục cúi chào rất lễ phép:

- Thưa bà, chúng tôi hỏi thăm, đây có phải nhà bà giáo Minh?

Càng ngạc nhiên, Minh càng mừng thầm.

- Vâng, thưa ngài hỏi gì?

Vẫn lễ phép, người khách nói:

- Thưa bà, chúng tôi muốn giáp cụ để được hầu chuyện.

Minh khấp khởi:

- Thưa ngài, ngài cho chúng tôi biết ngài định hỏi mẹ tôi gì, để tôi vào nói trước, vì mẹ tôi yếu.

Người khách mỉm cười gật đầu:

- Thưa bà, cụ yếu, chúng tôi đã biết, xin bà tha thứ cho tôi sự đường đột này.

Lửa hy vọng ngùn ngụt trong lòng Minh:

- Không hề gì, mời ngài vào chơi.

Trong khi theo Minh, vị khách quý xưng danh và nghề nghiệp, thì ra ngài là chủ xe và đoàn đám ma...