Ngạn ngữ có câu rằng: Làm giàu là đầu mọi sự nghĩa là hết mọi sự Ở đời phải nhờ có của mới làm cho nên; như thân thể một người tri giác vận động đều nhờ cái trí khôn ở đầu. Đạo làm người ta có no ấm mới có học hành, có học hành mới có công này nghiệp khác, nên trị nhà trước phải mưu cho người nhà no đủ rồi mới dạy đường lễ nghĩa, mà phong hóa trong một nhà mới được túc mục(#1); nước cũng phải mưu cho nước nhà giàu thịnh rồi mới sửa sang chế độ, mà cơ đồ một nước mới được vững bền. Không giầu thì nghèo, đã nghèo thì hèn, đã hèn thì yếu, bấy giờ đói rét thiết thân, có lúc nào nghĩ đến lễ nghĩa, mất cả công lý; ngoài cách lần hồi để cầu sống, thù phụng để kiếm ăn, thì không còn có tài sức mà làm được việc gì ở đời nữa. Vậy làm giàu thật là đạo sinh tồn của loài người, là gốc văn minh của thế giới.
Làm giàu có đạo không? Và đạo làm giàu là gì? Sách Đại học nói rằng: "Sinh nhiều, ăn ít, làm mau, dùng khoan" giữ bốn đạo ấy cho gan thì giầu. Thật đấy, hay làm mà không tần tiện, như người kiếm cá bỏ giỏ thủng trôn, tần tiện mà không có gan, như người đi câu mà ngồi không nóng chỗ, xưa nay mấy người đã có tiếng là tay làm giầu nào ai sinh trưởng trên núi tiền non bạc, chẳng qua là những người hay làm, hà tần hà tiện, lại thêm có tính nhẫn nhục quyết đoán hơn người.
Hãy xem câu chuyện một người làm giàu này, dù phép làm giàu chưa phải là chính đáng mà gan làm giầu thực đã tuyệt đối một đời. Kẻ đọc câu chuyện này cũng chẳng cần suy tìm chứng cứ có thực hay không, chỉ đem hai cái gia đình mà so sánh, thì thấy cái đạo làm giàu này thực có chân lý và chân thú.
Trong tỉnh Nam Định về phủ Thiên Trường, trước có người đàn bà họ Trần, mới ngoài hai mươi tuổi, mà góa chồng chưa có con, có nữ công, có tư sắc; trong lối xóm nhiều người hỏi, chưa chịu lấy ai, còn những kẻ thiếu niên nghịch ác hay nói chòng ghẹo, hễ thấy mặt chị ta nghiêm nghị, thì không dám giở thói khinh bạc ra nữa. Ai cũng bảo chị ta còn kén chồng, cứ ở một mình, đi làm thuê mà kiếm ăn.
Sau có một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi tự đến mà dạm lấy. Nói mình là họ Lý, ở cùng một xứ, góa vợ đã hơn hai năm, có một đứa con riêng, còn nhỏ phải mượn người nuôi. Mình đi làm công trong nhà máy, ăn công mỗi ngày là bốn hào. Coi dáng người cao mà mảnh, hai con mắt dài mà đen, ngoài mặc cái áo thâm đã sờn tay, đi đôi giầy da đầy những bụi. Tiếng là người lao lực, mà có vẻ nhàn nhã, mới trông biết ngay là người có tinh thần hơn là lữ lực(#2).
Chị chàng kia xem người vừa ý, không còn đắn đo hơn thiệt gì cả; hai bên đính hôn với nhau. Trong lời giao ước không ai có của tây riêng gì, có một điều phải giữ là trong việc làm ăn của người chồng, dù đi sớm về khuya, người vợ không được can thiệp và ngăn trở.
Từ bấy giờ hai người lập nên một cái gia đình nho nhỏ ở trong một cái nhà thuê có ba gian; một gian làm phòng ngủ, một gian làm phòng ăn, còn một gian để người chồng làm việc riêng, chồng cứ sáng đi tối về, vợ cũng làm thuê kiếm được mỗi ngày một phần tiền công của người chồng. Hai bên ăn cần ở kiệm, cách sinh nhai càng thấy khó nhọc bao nhiêu, thì tình thương yêu nhau lại càng thiết tha bấy nhiêu.
Một hôm, anh chồng từ ngoài đem về cho vợ mấy tấm bánh và mấy trái quả, vừa cười vừa nói:
- Lâu nay chúng ta đã từng kham khổ, nay sẽ nếm chút ngọt bùi.
Người vợ cầm lấy, rồi cứ phàn nàn rằng:
- Vợ chồng mình ăn dè uống sẻn còn lo không đủ mà nuôi con; người ta không phải là sắt đá sao cũng có lúc hu hâm(#3), có dè sẻn được ít nhiều cũng đề phòng khi thiếu thốn. Nếu cứ như ai bóc vắn cắn dài, ngày nắng chẳng nghĩ đến ngày mưa, như thế chỉ gọi là đời ăn xổi.
Người chồng nghe nói sửng sốt mà nói rằng:
- Hôm nay nhân lĩnh tiền công làm ngoài giờ, chúng bạn rủ đi mua vui một vài chén rượu. Sực nhớ đến kẻ ở nhà cà chua mắm mặn, mới cắp nắp về một chút, gọi là cùng nhau sẻ ngọt chia bùi; ai ngờ trung tín mà phải tội như mình cũng là vô lý quá!
Bấy giờ hai vợ chồng cứ nhìn nhau mà cười, lại đem bánh và quà chia nhau mà ăn; tưởng cái ý vị đoàn viên bây giờ, không còn có miếng cao lương nào mà ngon ngọt hơn được. Cả ngày cũng như một lúc, cả năm cũng như một ngày, nghe tiếng nào cũng là lời âu yếm, trông mặt ai cũng có ý hả hệ Thiên đường ở đâu? Cực lạc ở đâu? Chính ở trong ba gian nhà vợ chồng người chung ái.
Sáu năm trời đã được hai con, mà hai vợ chồng chưa hề có một điều gì chếch lệch(#4). Cái sinh hoạt chung của hai người như thế tưởng đã là hả hê, song tình ý riêng của mỗi người hãy còn ở trong u uẩn. Lạ thay! Cả năm không thấy người chồng có tới lui với ai, cũng không hề có thấy một người nào lui tới. Lạ hơn nữa! Là người đi làm cả ngày lao lực mà tối về cũng không say ngủ ngon ăn; cứ tự thương tự lương(#5) một mình, bao nhiêu điều hơn điều thiệt của mình không hề có đem ra mà chuyện trò với vợ.
Người vợ dù giữ lời giao ước cứ việc ai nấy quản mà cái mối nghi trong óc đã không sao gỡ cho tan. Một hôm đêm đã khuya, sực thức dậy, thấy phòng bên bóng đèn còn sáng, mới lén lại xem. Thấy người chồng đang đưa ghế mà ngồi, một tay đỡ trán. Một lúc rút tờ giấy trong ngăn bàn ra mà viết; lâu lâu gục đầu xuống ghế mà nằm, như thế năm sáu đêm liền, như có tai hạn gì sắp đến phải lo phương tính kế để tránh đi cho khỏi.
Hình dung anh ta ngày càng khô cả(#6), tinh thần ngày càng hoảng hốt; người vợ thấy thế làm sợ, chồng không nói, vợ không hỏi, sợ quá ra mà đến nỗi nào chăng.
Hôm sau, người vợ đánh bạo đến mà hỏi; vừa đến trước cửa, nghe tiếng sùng sục như chim gù. Bước vào thấy người chồng nghiêng đầu nằm trên cái ghế, mặt trắng bệch như đất vôi. Vội vàng cầm lấy tay mà hỏi, thì đã mê mẩn không biết gì nữa.
- Trời ơi! Không biết cái sự bí mật gì, nó làm cho chồng tôi lo nghĩ mà đến thế này!
Nói đoạn, người vợ đi ngay đến thầy thuốc. Thầy đến xem rồi, bảo rằng không hề gì, người này dùng sức óc quá độ, mà sinh ra chứng hôn vựng(#7). Không lâu sẽ tỉnh lại, song phải nghĩ trí khôn dương sức mạnh(#8); nếu không, phải lại, nên một chứng rất nguy hiểm.
Bấy giờ người vợ cứ theo lời thầy dặn, ngồi một bên mà coi sóc người chồng. Nhân tìm mấy cái thư của người chồng đã viết mà xem, thì thấy đều là những công việc trong một cái Công ty thóc gạo ở tỉnh ấy. Trong thư nói những phương lược phải sắp đặt thế nào, để cứu lại những sự thua thiệt trong việc buôn bán.
Người vợ nghĩ rằng: Nhân sao người này lại can thiệp đến việc công tỵ Nếu những cái thư này là mệnh lệnh cho công ty phải theo thì vận mệnh cái công ty này hẳn ở trong tay người này, nếu phương lược trong cái thư này không thi hành được, thì công việc cái công ty và trách nhiệm của người này sẽ có quan hệ lớn lắm. Nghĩ thế rồi người vợ đem mấy cái thư đi mà gửi, rồi lại về cứ ngồi một bên người chồng mà chờ cho tỉnh lại.
Nguyên lai họ Lý chính là người quản lý ở cái công ty trong tỉnh ấy là sở buôn bán gạo thóc để chở ra ngoại quốc. Từ khi góa vợ mới trá hình ra người làm công mà đi lấy vợ kế. Thuê sẵn một cái nhà kín để thay hình đổi dáng, cứ tối ngày từ công ty ra về, thì mặc cái áo làm công mà về nhà vợ, lại cứ sáng ngày từ nhà vợ ra đi, thì lại mặc áo quản lý mà vào làm việc. Giữ cách bí mật như thế, đã sáu năm trời, không cho ai biết.
Năm ấy xảy ra nước ngoài có việc chinh chiến, ảnh hưởng lai láng đến cả việc buôn bán trong xứ, nhất là việc chở chác(#9) gạo thóc lại càng khó khăn. Trách nhiệm một người quản lý trong công ty bấy giờ chẳng khác gì ông tướng coi một đạo binh, điều khiển bố trí quyền ở một tay, được thua lên lui sai nhau nửa bước; vậy phải lo nghĩ sắp đặt hết mọi sự trong công ty, từ thay đổi người làm cho đến thêm bớt giá hàng. Không một việc gì là không phải sửa sang cân nhắc lại, suốt ngày không đủ, kế một phần đêm, hao tổn tinh thần, đến nỗi sinh ra một chứng hôn vựng.
Lúc tỉnh lại, thấy người vợ còn quỳ một bên mà cầu khẩn, thực mình không biết hồn đã ra khỏi phách tự bao giờ, bàng bàng hoàng hoàng(#10) lại đòi đi ra làm việc ngaỵ Người vợ thuật lại lời thầy đã bảo và nói:
- Bấy lâu ăn nhịn để dành, cũng có dư được ít nhiều đủ cho chồng nghỉ mà dưỡng bệnh.
Người chồng nói:
- Sợ không đi sẽ mất chỗ làm công, thì lấy gì mà nuôi con nuôi vợ.
Vợ nói:
- Người ta đi làm để nuôi vợ nuôi con; nếu dùng sức quá đến nỗi thân không còn thì vợ con còn trông vào đâu được.
Nói rồi cứ cầm tay mà khóc.
Người chồng nghe nói bất đắc dĩ phải ở nhà mấy tuần lễ. Hồi nghĩ đến tình thế cái công ty mình đã nguy núng lắm, trong khi mình vắng mặt, có khi đã vỡ lở thế nào rồi đây. Những phương lược mình đã kế hoạch ra trong mấy cái thư, nay cũng lạc vào tay ai, có khi ông xanh xanh(#11) cố ý phạt người mệnh lãng(#12). Lại nghĩ đến cái vốn riêng của mình từ sáu năm nay lấy tiền công và tiền hoa hồng bỏ vào công ty, tính ra cũng có hơn một vạn đồng bạc. Nếu cột cái đã đổ thì kèo bám vào đâu; bấy nhiêu năm khổ trí khổ lòng đã hóa ra cái dã tràng xe cát biển.
Nghĩ đến đây, gan càng tức, ruột càng nóng, một hôm quyết lén vợ mà ra đi. Trước đến ngay cái nhà kín, cho người tìm mấy số nhật báo trong những ngày mình đi vắng, lia con mắt mà đọc mấy hàng cận sự(#13), không thấy có nói gì đến việc công ty gạo thóc, mới chắc ý mà đi đến công tỵ Vừa đến cửa, còn thấy rậm rột kẻ ra người vào; lúc vào phòng giấy lại thấy người phó quản lý và các thư ký đều đến mà trình việc; trong ngoài mọi sự quang cảnh vẫn như thường.
Có một điều lấy làm lạ là mọi việc sắp đặt trong công ty đều như ý mình mới định. Hỏi ra mới biết từ mấy tuần lễ trước, có tiếp được thư quản lý thì các việc trong công ty đã cứ theo phương lược chỉ định mà thi hành. May mà các việc đều trúng thời cơ, cho nên sự giao dịch trong công ty lại được vững vàng như trước. Lấy mấy cái thư ấy ra xem thì chính là thư của mình, mà chữ đề bì thư lại là tự tích của người vợ.
Người chồng nghĩ lấy làm lạ, việc mình chưa hề có hở han với ai sao mà vợ mình lại gửi những cái thư này trong lúc mình còn hôn vựng. Nếu vậy, chẳng những vợ mình đã biết mình là người trọng yếu trong công ty, lại biết những cái thư này có quan hệ trong việc buôn bán của mình nữa. Những cái thư này thực đã tạo hóa(#14) cho công ty, mà tay kẻ đã gửi thư lại là tay tạo hóa cho cái thư ấy.
Thôi mình đã phụ hẳn một người tri kỷ bấy nhiêu lâu, đầy đoa. nhau vào trong chốn lầm than; nghĩa kia nên trọng, tình nọ đáng thương, còn biết trông thấy nhau đấy làm sao cho phải.
Lúc về nhà, trông thấy vợ, vội vàng cầm lấy tay mà nói rằng:
- Mình ơi, tôi đã là người rất hèn hạ, vì đã đem lòng khi trá mà đãi kẻ chí thành; tôi đã là người bạc hạnh, vì đã dùng cách tàn nhẫn mà đãi kẻ chí thân; tôi lại là một người chí ngu, vì đã để việc bí mật cho mình biết cả. Thôi chẳng qua cái chí hướng của tôi đã quyết, nó bắt tôi tệ bạc cùng mình; tôi cũng trông mong rằng cái chí hướng ấy đáng cho mình tha thứ cho tôi.
Người vợ nói:
- Từ thuở mới gặp nhau, thiếp vốn biết chàng là người có chí lạ, tính tình độ lượng khác kẻ hạ lưu, khi ăn nói, lúc ra vào, đều đủ cho người ta suy xét. Vì đã giữ lời giao ước, cho nên không dám căn vặn, cũng không dám sai nghị Thiếp nhận lấy những cái thư kia mà gửi là vì nghĩa vụ người đàn bà phải giúp đỡ chồng trong khi hoãn cấp. Nghĩ như thiếp đã thóc mách đến việc riêng của kẻ khác, cũng là phạm tội thày lay(#15), thiếp xin chàng tha thứ cho điều ấy.
Người chồng nghe nói, cứ cầm lấy tay người vợ mà nói:
- Hôm nay đã là ngày chúng ta bắt đầu đi đến con đường đã chỉ định, chính là ngày chúng ta mở cái màn hắc ám mà ra chốn quang minh. Hồi tưởng thân thế chúng ta từ sáu năm về trước chẳng khác chi người say rượu, vào trong đám đông, cứ bị kẻ đẩy người du, mà mình cứ mê mẩn lao đao như cuồng như dại.
Từ năm 25 tuổi tôi đã ra học nghề buôn bán, ở trong công ty gạo thóc, cũng là tay kinh kỷ(#16), tiền công mỗi tháng có 200 đồng, còn hai phần hoa hồng, một năm trong tay có kiếm ra ngót 3 nghìn đồng bạc, lấy vợ cũng con nhà phong thể, cách cư xử cứ phải theo bậc thượng lưu; và việc giao tiếp bên ngoài, cũng tập thói sang trọng. Cái nhà ở đã lớn, thì phục dịch phải dùng nhiều người, nào xe, nào ngựa, nào bồi, nào bếp, lại còn cơm ngang khách tạm, trong nhà bao giờ cũng có hơn mười miệng ăn. Đã là nhà phú quý phải đủ lối hào hoa, nào đồ trang sức, nào đồ trưng bày, chỗ nào cũng muốn cho đẹp mắt, việc gì cũng muốn cho hơn người, vợ cho chồng lên bực thượng lưu, chồng cũng không chịu để vợ ra người đạm bạc. Thị dục càng lắm, tổn phí càng nhiều, chúng tôi trước còn háo hấc(#17), sau ra chán chường, trước còn đua tranh sau ra phiền não. Mặt ngoài ai cũng tưởng là vẻ vang, mà nội tình biết đâu là khốn nạn.
Một hôm nhân thừa tiền, tới nhà một người quen mà giật mượn. Vừa vào gặp có khách chơi, chủ nhân cứ ép tôi vào cuộc. Nể bạn tôi cũng theo đỏ đen một vài tiếng, mà ai cũng khen là nước bạc sành. Hôm ấy được ít nhiều là may, mà trong lòng thực cũng tưởng mình là có duyên cờ bạc. Một lần khác, vừa chi lương(#18) về, tính ra không đủ tiêu, quen mui, tôi lại tìm ngay vào tiệm bạc. Ai ngờ mới nửa giờ đồng hồ bao nhiêu tiền lưng đã bay lên chùa con chim mất cả.
Về nhà, sợ đàn bà dầy dật(#19), cứ tìm cách giấu quanh, rồi cứ giật đầu cá vá đầu tôm, lâu lâu thông ra một một món nợ lớn. Người ta nói: "To cánh bè dài dòng văn tự" hết mọi sự đã dùng để vẽ vời cho chúng tôi một bức tranh sang trọng(#20), lại là những chão gai dây sắt ràng buộc chúng tôi vào một cảnh khó khăn...
Thương hại thay cho người bạn tôi trước vốn là người đa sầu đa bệnh, từ khi trong gia đình đã gây nên cái phong trào phản mục(#21) thì đêm ngày chỉ ăn giận uống hờn. Hại người thay là cái bệnh thất tình, sự vui thì ít, sự lo thì nhiều, lần lữa mãi thành ra một chứng không ăn không ngủ. Người thì bảo là ma làm, người thì bảo là hậu sản, thang thuốc nào cũng không hiệu, bùa chú nào cũng không linh, có chăng mình biết bệnh mình, trước là thị dục quá độ, sau là điều dưỡng thất nghi, tôi tự mình làm nên còn mong cầu khấn đâu được. Tưởng thân thế chúng tôi bấy giờ, như một con tằm đã rút ruột ra, mình buộc lấy mình cho đến chết.
Năm 31 tuổi thì goá, mà trong tay thực không còn một đồng. Kể từ ngày từng trải thói đời mà việc sinh nhai của tôi cũng đổi lốt thay dây từ đó. ấy là cái kinh lịch của tôi tự sáu năm về trước, còn từ khi đã giữ vững cái chủ nghĩa "có gan làm giàu", tránh hết mọi sự phù phiếm ở đời, nay mới biết cái lạc cảnh trong gia đình có giá trị là thế.
Nói chuyện rồi, đưa vợ và mấy đứa con lên ở một cái nhà lầu thật cao. Kìa hai vợ chồng người quần xanh áo cộc hôm qua, nay đã là ông chủ bà chủ cái công ty gạo thóc trong tỉnh.