Xưởng đúc tượng tối tăm và ẩm thấp tới nỗi ai đang ngang qua cũng nghe rõ tiếng sụt sịt mũi của bố con người thợ đúc. Xưởng nằm ở trên đê Yên Phụ, gồm ba gian lợp lá cọ mốc xỉn. San sát hai bên chân đê là nhà nghỉ, nhà hàng, phòng xông hơi, mát xa... Nhưng đỏ rực dưới nắng là những toà biệt thự cao tầng mái chóp, với những ô cửa sáng loáng đón gió sông Hồng. Hà Nội phố đang vươn ra phía này, có lẽ vì nhiều gió và hơi nước nồng nàn, cũng có lẽ đơn giản hơn,những chủ nhânthành đạt cuả biệt thự mái chóp muốn ngắm hoa nở trên mặt phù sa.

Chẳng hề e ngại trước sự thành đạt san sát xung quanh, những pho tượng nứt nẻ cứ phơi mình trước cửa xưởng đúc, người nghệ nhân già vẫn cúi đầu cần mẫn với nắm bột thạch cao. Ranh giới giữa nghề đúc tượng và điêu khắc thật quá mỏng manh, như tia nắng vươn qua mặt đất để định rõ sáng trưa chiều tối. Nhưng tiếng sụt sịt thì có thể phân biệt được hơi thở yếu ớt của người già mắc bệnh suyễn, thứ hơi thở xuyên qua cuống khí quản như luồng gió khó nhọc kuồn qua ống khói cũ kỹ bám đầy muội và phân dơi. Luồng gió có thể thổi tắt ngọn lửa cháy bập bùng trong quả tim nhẫn nại đang đun bóng sinh khí tràn khắp cơ thể già nua của người nghệ nhân già.

Cô con gái thoạt nhìn chẳng ai để ý tới. Cô nhỏ như một bông hoa móng rồng, tóc cuốn cao lên đỉnh đầu, mũi miệng chìm lấp trong bột đất. Chỉ có đôi mắt hơi hiêng hiếng có vẻ gì đó ấm áp. Gió từ phía sông Hồng thổi tới cũng man mác nồng ấm như thế. Lúc cô giao hàng, khách tưởng cô đang trò chuyện với Đức Thánh Mẫu miệng cười tươi, váy hồng nở xoè từ ngang rốn xuống bàn chân trắng như ngó sen của bà. Họ thành tâm trao tiền của cô bé không thiếu đồng nào. Cô tên là Đoá.

Mỗi tuần độ hai, ba bận, xưởng đúc cha con người thợ già lại có nhóm khách ồn ào viếng thăm. Họ là những nhóm sinh viên điêu khắc, bút vẽ và giấy làm phác thảo giắt trong bị cói, quần jean áo phông bụi bụi. Họ cười nói ồn ĩ, khuấy động không gian tĩnh lặng của xưởng đúc. Trong nhóm có vài cô gái như đàn ông, mái tóc cao, điệu bộ không theo trật tư nào. Đoá thường lén quan sát họ, để rồi khi cô vuốt nhẹ vào hông một bức tượng còn ướt, khiến cho vẻ đẹp của bức tượng đó ẩn chứa nét tinh nghịch trẻ trung. Cô nhẫn nại bê từng pho tượng ra sân cho đám nghệ sĩ tương lai đo đo tính tính. Họ hỏi cô những câu ngớ ngẩn và cùng cười rộ lên. Cô rụt rè cười theo, trong lòng vui hẳn. Hầu như chẳng ai chú ý đến vẻ ngoài của Đoá. Họ chỉ nhìn các pho tượng, sờ khẽ vào chúng, sợ nhỡ chẳng may nữ thần Vênuýt gãy thêm khúc tay còn lại, hoặc giả cái đầu thần Đavít rơi xuống vỡ đôi. Nhưng cái sờ tay khẽ khàng của những đám khách cũng đủ làm các pho tượng chịu đựng thử thách. Nhưng những thử thách đó còn không đáng sợ bằng việc thỉnh thoảng có một vài gã mặt mày đen nhẻm, môi thâm sì vì rượu và khói thuốc xộc thẳng vào góc xưởng tóm lấy một pho tượng lắc qua lắc lại rồi hất hàm hỏi:

-Bao nhiêu?

Ông già ngơ ngẩn một khắc rồi ra giá:

-Mươi lăm!

-Mười!

-Không,mười bốn bác ạ.

-Mẹ kiếp! Nhìn này, rõ ràng có vết nứt. Chỉ mười hai thôi.

Đoá bước theo khách ra cổng, rụt rè:

-Pho tượng ấy không chỉ đúc bằng khuôn đâu, bác ạ.

Nghe giọng cô bé, người khách dừng lại, hờ hững:

-Vậy đúc bằng gì?

Đoá xèo bàn tay phải thô kệch ra dưới nắng:

- Cháu lấy tay vuốt. Cháu... xoa tay lên môi nàng.

-Nàng... ?

Cô bé run lên. Dường như điều linh thiêng đã bị tiết lộ. Nhưng đã mấy tuần nước sông Hồng mấp mé phía dưới chân đê phụ, cha cô ho và sụt mũi liên tục. Không thấy khách đến đánh hàng đến đánh hàng đều như trước...

ánh nắng quái mùa nước lên rọi vào pho tượng Chúa Mẫu đội khăn trông lung linh khác thường. Người khách ngây ra nhìn pho tượng và rồi như có ma lực nào đó hút ông quay lại góc xưởng. Ông mua pho Chúa Mẫu đội khăn rồi mua tiếp hai pho Mục đồng múa, một pho mộc, còn một pho đã được phun sơn xanh đỏ. Đoá cầm xếp tiền, rụt rè tiễn khách. Ra đến cổng, ông bỗng chạm vào tay cô bé thì thào:

- Đôi tay này của côgiá bao nhiêu?

Đoá giật bắn mình lùi sâu vào sau cánh cổng tre.

-Bao nhiêu?

Người khách ngoác miệng, cố nặn ra một nụ cười đầu hàm ý.

-Cô cứ nghĩ kỹ đi. Rồi cô sẽ có khối tiền.

-Cháu không làm được gì cả nếu không có bố giúp.

Ông ta phảy tay:

-Lão già ấy cạn kiệt vốn rồi. Đúc tượng thì dễ, còn đúc thành thì... Cô có đôi tay vàng, chính cômách cho tôi biết. Nghĩ kỹ đi nhé, cô bé.

Rồi ông vẫy tắc-xi, mất hút trong dòng người hối hả đổ vào nội thành.

Đoá vẫn đứng bên cổng, giấu hai bàn tay sau lưng như sợ người khách kia quay lại túm lấy tay cô lôi đi. Một ổ kiến lửa đùn từ dưới lòng đất lên xum xút quanh hai bàn chân trần của cô bé rồi thì nhau đốt. Đến lúc ấy cô mới co chân chạy vụt vào nhà.

-Có chuyện gì vậy?

Ông già hỏi con. Đoá ngồi thụp xuống khẽ vuốt ve bộ ngực trần của nàng Vênuýt. Không thấy Đoá nói gì, ông già tiếp:

-Cái gì ông ban nãy hoá ra lại dễ, gái nhỉ. Ngày nào cũng có người hào phóng thế, chẳng mấy chốc bố tích góp đủ tiền xây cất cái mái chóp cho mày. Lại chả ối anh theo ấy à!

Đoá cứ nghĩ mãi đến lời đề nghị kỳ quặc kia, đến nỗi cứ ngây người ra giữa đống tượng đúc hỏng vứt chỏng trơ ngoài lán phụ. Ông già nghĩ: quái lạ, hôm nay con bé làm sao vậy? Đoá nghĩ: mình đúc được các pho tượng nhưng mình không phải là nhà điêu khắc. Ông già lại nghĩ: quái, con bé độ này lớn phổng lên rồi mà ta không để ý, áo chật mất độ chừng gang tay. Đoá mỉm cười: mình không thích lấy chồng.

Quả thật, may mà Đoá thuộc hạng nhỏ xíu, mỏng manh, nếu không cha con người thợ đúc tượng khó được yên ổn với mấy tay buôn hàng thạch cao. Hoặc là ngược lại, Đoá đi lấy chồng rồi thì ông già làm sao xoay xở được với cái xưởng đúc ẩm thấp, chồng chất tượng này?

Đoá gò người nhào bột đất. Tĩnh lực dồn vào đôi tay. Mỗi pho tượng Mẫu ra đời, linh hồn cô lại vẹn đi một chút. Điều này ngay cả trái tim bé bỏng của cô cũng không lường tới. Và rồi khi say được công việc, cô quên đi lời đề nghị kỳ quặc kia. Cô cần mẫn làm việc, thành kính cúi đầu xuống thế giới im lặng bí ẩn của các vị thánh.

Nhưng trong giấc ngủ chập chờn, Đoá cứ nhìn thấy ông khách đòi mua tay mình, mồ hôi toát ra như tắm. Sáng ra khi mặt trời vừa rạng phía bên kia hồ, Đoá đã thắp nén hương, run rẩy cắm lên bàn thờ. Những mảnh khói hương cũng run rẩy bay lên. Lúc đó ông già ngừng ho, từ trong giường nhìn ra. Ông chẳng nghĩ gì cả, chỉ lo lắng khi ngắm con.

Một thời gian sau người khác lại đến đánh hàng. Lần này ông không cò kè gì, lẳng lặng bốc hết những pho tượng trong xưởng, kể cả những pho còn chưa kịp ráo nước sơn. Đoá nhìn tấm lưng to bè của ông cúi gục xuống xếp tượngvào xọt, hoảng sợ. Thực ra cô cũng chẳng biết mình sợ điều gì nơi người đàn ôngkỳ quặc đáng tuổi cha chú côkia, nhưng cái cung cách mua hàng của ông cô chưa thấy bao giờ. Ông cũng không nhắc tới lời đề nghị lần trước, nhưng cô cứ giật mình thon thót. Ngộ nhỡ ông ta hỏi, cô biết trả lời sao? Thì nói không, nhưng rõ ràng ông ta đang là khách hàng lớn của cha con cô, nói không cứ thấy áy náy thế nào...

Khách đi rồi, Đoá vẫn chưa hết run. Cô nhìn quanh xưởng, thấy trống hoác. Ông già đang phấn khởi vì bán hết hàng, lại được giá, như khoẻ hẳn ra, đổ đất bột ra sân hùng hục nhào. Đoá ngửa mặt nhìn trời rồi cắn vào tay mình một cái. Đây là cô không biết rằng linh hồn cô đã bắt đầu mỏi mòn vì cơm áo.

Đám sinh viên lại đến làm sôi động cả nhà xưởng. Họ đo đo tính tính, rồi vẽ phác la liệt trên những tờ giấy bồi. Cha con Đoá vui hẳn lên. Ông già chỉ tay vào con gái, bảo đám sinh viên:

- Đứa nào nặn được pho tượng giống hệt nó, ta cho theo không.

Cả lũ nhao nhao ”Cháu!“, ”Cháu cơ!“, ”Con bố a... !“.

Tưởng là nói vui, ai ngờ cả ngày hôm đó và nhiều hôm sau nữa, có một cậu và hai cô sinh viên cứ hì hục phác tượng Đoá. Đến lúc đó họ mới phát hiện ra vẻ đẹp ẩn sâu trong ánh mắt, gương mặt cô bé thợ mà mọi khi họ chẳng để ý đến. Đoá thấy ngượng, thấy bực mình với bố, nhưng cũng tò mò muốn thấy mình được tạc lên bằng bột đá và thạch cao.

Trong vòng một tuần, những bức tượng mang hình hài Đoá đã nằm la liệt một góc xưởng. Lúc thì ở tư thế nhào đất, lúc ở tư thế quỳ gối xuống mặt xưởng, đầu cúi gục bên một pho tượng đất, lúc giơ cùi tay vuốt mồ hôi ngang mặt. Trong con mắt người thợ già chẳng có pho nào đạt. Nhưng ông vẫn nâng niu từng pho tượng đặt dưới ánh nắng mặt trời, rồi ngắm nghía suốt vào lúc rảnh rỗi.

Đám sinh viên lại biến mất, để lại những pho tượng mộc dở dang trong góc. Cuộc sống hai cha con người thợ đúc lại lặng lẽ như thường nhật.

Một hôm, cậu sinh viên tên Nam quay trở lại nói muốn mua tất cả những pho tượng họ làm hồi nào về trưng bày trong một phòng triển lãm. Thậm chí anh ta phát giá cao, rồi rút cả tập tiền ra trả, không cần đợi ý kiến ông già. Đoá thì ngượng chín mặt, trốn vào góc xưởng.

-Nhưng... tôi có thể giữ lại một pho?

Ông già nhìn chăm chăm một một pho tượng. Trong con mắt ông càng ngày cái pho tượng nhỏ xíu mang hình hài con gái tưởng chừng như xấu xí ấy càng như lung linh huyền ảo hơn. Ngay cả Đoá lúc này cũng giật mình khi nhìn thấy pho tượng. Nó nằm lẫn trong đám tượng từ lúc nào, với tư thế quỳ, hai tay đan nhau đặt chếch sau gáy, mặt ngửa lên cao, miệng cười mơ màng. Bức tượng giống Đoá quá, nhưng cũng khác xa Đoá bởi cô chưa bao giờ biết quỳ như thế, đặt tay như thế... Cô nhìn chăm chăm vào bức tượng, thấy đôi tay dường như động đậy.

-Cái bức tượng này có phải cậu nặn không?

Nam nhìn pho tượng lắc đầu:

-Bọn cháu chưa hề nghĩ ra tư thế này. Hay là ai đó ở nhóm khác?

Rồi anh quỳ xuống, kêu lên:

- Đẹp quá! Bác thật là khéo. Chỉ có bác mới làm được một pho tượng như thế này - Rồi anh nài nỉ - Để cho cháu bức này. Cháu sẽ đặt tên là Cô gái đúc thánh nhé.

Và Nam cũng mang được mấy bức tượng đi. Nỗi đau cùng niềm vui nho nhỏ khi thấy chàng trai mê hình hài con mình cứ len lỏi bóp nghẹt tim ông già. Biết đâu rồi Đoá sẽ có nơi chốn tử tế. Một ngày nào đó có người sẽ tìm đến gương mặt thật của pho tượng, cơ ngơi này sẽ khá lên...

Vài hôm sau, Đoá kiếm cớ đạp xe lên phố. Từ hôm dò hỏi được chỗ trưng bày những pho tượng Đoá1, Đoá 2, và Cô gái đúc thánh, sự tò mò cứ thôi thúc cô tìm đến. Cô chải đầu bốc lên như cách mấy cô sinh viên trường mỹ thuật vẫn chải, khoác cái áo bố mới mua cho, nom trong gương khác hẳn cô Đoá thường ngày, rồi dắt xe ra ngõ.

Đến nơi Đoá rụt rè gửi xe, rồi rụt rè bước vào phòng trưng bày. Cô thấy mình lọt vào một thế giới kỳ ảo với những bức tranh và những pho tượng đẹp tuyệt trần nằm ngồi đủ kiểu. Rồi cô nhìn thấy Đoá 1, Đoá 2, Đoá 3 với Cô gái đúc thánh nằm khuất trong một góc tối. Cô tần ngần ngắm những dáng hình mình bằng đất và thạch cao, lòng tự hỏi : họ có phát hiện ra mình xấu không nhỉ? rồi cô thấy buồn vì cái góc tối.

Những lần sau Đoá đến phòng trưng bày thì bà già trông xe bắt chuyện:

-Cháu mê tranh nhỉ?

Đoá ngập ngừng:

Đạ... Cháu chỉ thích xem mấy pho tượng.

-Có một ông cũng vậy. Thỉnh thoảng lại chống gậy đến nhờ ta dắt vào trong đó. Ông ấy đến chỗ có mấy pho tượng nom chẳng có gì, cứ sờ nắn mãi ra chiều mê lắm. Mà trông cháu cứ ngờ ngợ như đã gặp ở đâu đó rồi thì phải?

Đoá quay mặt đi. Bà trông xe ồ lên:

- Đấy, mới nhắc đã thấy ông ta đến. Thiêng thế!

Bà ta quày quả chạy ra đỡ ông khách mù. Đoá lùi vào góc nhà để xe, thấy người đàn ông nom quen quen. Cô tò mò nhìn qua cửa sổ phòng trưng bày. Bà già trông xe nhắc:

-Lúc ra ông nhớ gọi tôi kẻo khua gậy làm rời hết các thứ.

Người đàn ông đứng im lìm một lúc trong bóng tối mờ mờ rồi ông ta từ từ quỳ xuống, lết tới bức Cô gái đúc thánh, lấy tay khẽ vuốt lên đôi bàn tay đặt sau gáy. Từ lúc nào, bà già trông xe đã đứng sát bên Đoá, nhỏm người nhìn qua khe cửa giống hệt cô. Bà thì thảo:

-Ông ta như người... bị mộng du! Mê tượng đến thế thì...

Đoá không biết mình đã bỏ về như thế nào, cô chỉ nhờ là cô đã nhận ra ông già đồi mua tay của cô, rồi sau không thấy đến mua hàng nữa. Trong đống cạc của nhóm sinh viên để lại, cô không thấy có địa chỉ của Nam. Nhưng rồi Đoá đã tìm được nhà anh qua nhờ bạn cùng học.

-Anh biết ai làm ra pho tượng ấy, đúng không?

Nam lặng lẽ gật đầu

-Bố tôi đấy! Nhưng rồi mẹ tôi phát hiện ra. Bố tôi nhờ tôi mang đến tặng cô.

Đoá nhăn mặt:-Tại sao anh lại để lẫn vào đống tượng ở góc xưởng. Tại sao lại giả vờ không biết?

Nam quát lên khiến Đoá giật mình:

-Thế cô thích được cái ông già gàn dở ấy vuốt ve à? Bây giờ tôi mới biết cô cũng chẳng phải là một cô gái hương đồng gió nội gì. Cô cũng say mê bản thân mình.

Đoá trừng trừng nhìn Nam

-Tại sao cô lại tìm đến chỗ trưng bày? Sao cô không quên phắt tượng của cô đi?

-Thế tại sao anh lại đến mua tượng tôi? Tại sao anh không đập nát chúng ra?

Nam khẽ khoát tay:

-Tại... giấc mơ của bố tôi và tôi!

Đóa hỏi

-Ông ấy mơ gì?

-Mơ làm chủ những nghệ nhận đúc tượng trên xứ sở này. Mơ tất cả các cửa hàng bán tượng phải mua tượng của ông. Rồi... mơ đôi tay cô.

-Tôi không hiểu.

-Có gì mà không hiểu. Ngay cả tôi, dù không thích cũng cứ phải học điêu khắc.

Đoá nhớ đến cái pho Đóa 3 do chính Nam đúc. Nó cứ trơ trơ như thiếu vắng cái gì.

-Rồi sao ông ấy lại bị như vậy?

-Tai nạn xe máy! Chỉ đơn giản thế thôi. Một ngón tay bằng xi măng cứng nhắc của pho Thánh Mẫu đã chọc vào matứ phải khi ông ấy ngã, mắt trái dạo này cũng mờ dần. Có khi chỉ vì những điều rất ngớ ngẩn mà tan tành mọi giấc mơ phải không cô? Bây giờ thì ông ấy chỉ còn biết chống gậy và im lặng, ngay cả những lời trách mắng của mẹ tôi, bố tôi cũng không đáp lại.

Đoá nhìn người con trai trước mặt mình, khẽ hỏi:

-Vậy còn... giấc mơ của anh?

Nam im lặng nhìn ra đường phố tấp nập, phía xa nữa là hồ Tây lộng gió.

-Tôi không hiểu tại sao cô lại đến đây. Nếu cô không đến, tôi đã có thể quên cô...

Hôm đó Đoá đã đạp xe đến khắp mọi nơi, đếm xem có bao nhiều cửa hàng bán tượng, bao nhiêu xưởng đúc tượng trong thành phố. Cô đạp xe với lòng ham muốn kỳ lạ. Gương mặt đỏ hồng,mắt sáng rực, tóc xoã tung trong gió, nắng và bụi. Đó là một ngày đẹp trời, chùa Phục Linh khánh thành mời du khách và Phật tử viếng thăm.

***

Đoạn kết 1:

Về sau Đoá trở thành bà chủ lớn chuyên kinh doanh tượng thánh các loại. Nam luôn mâu thuẫn với chính mình: nửa muốn trở thành nghệ sĩ, nửa sợ đoá không kham nổi việc kinh doanh, trở thành cái bóng của vợ.

Còn người nghệ nhân già cho đến lúc chết vẫn tưởng cô con gái tự nặn Cô gái đúc thánh. Nhưng ông chết nhẹ nhàng và thanh thản.

Hàng ngày bố chủ rể vẫn lén viếng thăm Cô gái đúc thánh, rờ rẫm lên cơ thể nàng đến độ nhẵn bóng.

Đoạn kết 2:

Đoá quyết học và thi đỗ vào trường mỹ thuật. Cô đỗ thủ khoa khi ra trường, nhưng mãi vẫn chưa đủ tiền mua lại pho Cô gái đúc thánh, dù nó bị bụi phủ mờ.

V.T.X.H