Chương 01
I Khi vợ ngài mục sư(1) bỏ đi cùng một anh chàng không xu dính túi, để lại hai đứa con gái nhỏ chỉ mới chín và bảy tuổi, tai tiếng bay xa không biết đâu là bờ. Ngài mục sư là một người chồng tốt. Quả thật, tóc ông đã điểm bạc. Nhưng hàm ria mép của ông vẫn đen, ông đẹp trai và còn tràn trề những khát khao thầm kín dành cho người vợ xinh đẹp buông thả của mình. 1. Nguyên văn: vicar - một chức danh của mục sư phụ trách giáo khu thuộc Giáo hội Anh. Tại sao cô lại bỏ đi? Tại sao cô bất thần giở chứng cao chạy xa bay như thể bị phát rồ vậy? Chẳng ai đưa ra câu trả lời. Những người ngoan đạo đơn giản gọi cô là mụ đàn bà hư hỏng. Còn một vài phụ nữ tử tế thì im lặng. Họ hiểu vì sao. Hai đứa con gái bé bỏng không bao giờ hiểu. Chúng bị tổn thương và mặc nhiên cho rằng mẹ chúng không cần đến chúng nữa. Cơn gió chướng chẳng mang đến điềm lành cho ai đã cuốn gia đình mục sư vào dòng tàn lụi. Nhưng hãy nhìn xem! Ngài mục sư, với chút tài năng viết lách và phản biện cũng như hoàn cảnh đáng thương được giới mọt sách cảm thông, đã tìm được kế sinh nhai ở làng Papplewick. Chúa đã bù đắp cơn rủi ro bằng một tòa mục sở ở miền thôn dã phía Bắc. Tòa mục sở là một ngôi nhà bằng đá xấu nằm bên bờ sông Papple, trước cửa ngõ dẫn vào làng. Xa xa phía trên giao điểm của dòng nước và đường cái là những guồng quay sợi lớn cũ kỹ một thời chạy bằng sức nước. Con đường đánh vòng lên triền đồi, dẫn vào những lối đi lát đá hiu quạnh của ngôi làng. Gia đình mục sư đón nhận sự thay đổi đã được định đoạt thông qua việc thuyên chuyển vào tòa mục sở. Vị mục sư, nay là giáo khu trưởng(2), đón mẹ già, chị gái và anh trai từ thành phố về ở chung. Hai bé gái bước vào một môi trường sống khác hẳn với mái ấm xưa. 2. Nguyên văn: rector - chức danh của mục sư đứng đầu một giáo phận thuộc Giáo hội Anh. Lawrence sử dụng chức danh này để chỉ nhân vật Arthur Saywell từ đây cho đến suốt cuốn truyện. Người dịch mạn phép gọi ông đơn giản là “mục sư”. Ngài mục sư, bấy giờ bốn mươi bảy tuổi, biểu lộ một nỗi đau buồn mãnh liệt và không mấy tôn nghiêm sau sự ra đi của người vợ. Các quý nương cao thượng đã phải ngăn ông khỏi tự sát. Tóc ông gần như bạc trắng, và ánh mắt của ông dại đi thảm hại. Chỉ cần nhìn ông là người ta thấy ngay toàn bộ tình thế đã xảy ra tồi tệ ra sao, và bản thân ông bị mang tiếng thế nào. Thế nhưng đâu đó vẫn có dấu hiệu sai lầm. Một số quý nương, những người đã dành cho ông mục sư niềm cảm thông sâu sắc nhất, giờ đây ngấm ngầm không ưa vị giám khu trưởng. Khi tất cả mọi việc đã qua, ông không khỏi âm thầm tự thị về mình. Hai bé gái hẳn nhiên chấp nhận quyết định của gia đình, theo kiểu cách mập mờ của trẻ con. Bà nội, đã quá bảy mươi với thị lực đang giảm sút, trở thành nhân vật trung tâm của ngôi nhà. Cô Cissie, hơn bốn mươi tuổi, xanh xao, ngoan đạo và mòn rữa như thể bị một thứ sâu bọ nào đục khoét từ bên trong, nhận trách nhiệm quản gia. Chú Fred, một người đàn ông cáu bẳn với gương mặt nhợt nhạt ở độ tứ tuần, sống bê bối một cách cô độc, ngày ngày đều ra thị trấn. Và ngài giám khu trưởng tất nhiên có vị trí quan trọng thứ nhì, sau bà nội. Mọi người gọi bà nội là Trưởng Mẫu(3). Bà là một trong những sinh thể già nua, khôn ngoan và thô kệch đã quen làm mọi việc theo ý mình cả đời bằng cách lợi dụng sự yếu đuối của những người xung quanh. Bà nắm bắt vị thế của mình rất nhanh. Vị giám khu trưởng vẫn còn “yêu” người vợ tội lỗi của mình, và sẽ mãi “yêu” cô đến chết. Vậy thì… suỵt! Ðừng xâm phạm đến tình cảm thiêng liêng của ông ấy. Trái tim ông ấy vẫn phụng thờ người thiếu nữ trong trắng ông đã cưới và tôn sùng. 3. Nguyên văn: The Mater - Mẹ. Bấy giờ, bên ngoài thế giới xấu xa kia, người đàn bà nhơ nhuốc đã bội phản ngài giáo khu trưởng và từ bỏ những đứa con bé bỏng của mình đang lang thang vô định. Cô ả đã bị gông xiềng vào một gã trẻ trai hạ tiện, người chắc chắn sẽ mang cô ả đến với sự tha hóa mà cô ả xứng đáng được hưởng. Hãy hiểu cho ra lẽ, và khép miệng lại! Bởi hình ảnh cô dâu trẻ tinh khôi như bông tuyết trắng ngần vẫn nở rộ trong trái tim thanh cao của mục sư. Ðóa hoa này không hề tàn héo. Còn sinh vật đã cuốn gói với gã trẻ trai hạ tiện kia thì không liên quan gì đến ông. Trưởng Mẫu, người một thời đã thu nhỏ mình lại như một góa phụ tầm thường dưới mái nhà bé hẹp, giờ đây leo lên chiếc ngai chủ chốt trong tòa mục sở, xác lập lại địa vị già nua của mình. Bà sẽ không để mình bị hạ bệ. Bà ranh mãnh buông một tiếng thở dài kính trọng đối với lòng trung thành mục sư dành cho đóa hoa tuyết trắng tinh khôi, đồng thời làm bộ chê trách nó. Trong sự tôn kính quỷ quyệt dành cho tình yêu vĩ đại của con trai, bà không nói lời nào chống lại nhánh tầm ma đã nảy nở trong thế giới xấu xa kia, kẻ một thời được gọi là phu nhân Arthur Saywell ấy. Giờ thì ơn trời, cô ả đã tái hôn và không còn là phu nhân Arthur Saywell nữa. Chẳng còn người đàn bà nào mang tên ngài giáo khu trưởng nữa. Bông tuyết trắng tinh khôi sẽ nở rộ mãi mãi kia không có danh xưng. Cả gia đình nhớ về cô như Kẻ-vốn-dĩ-là-Cynthia. Tất cả những điều này là dòng nước chảy trong cối xay của Trưởng Mẫu. Nó bảo đảm cho bà chống lại ý định tái hôn của Arthur. Bà nắm ông trong tay nhờ chính sự yếu hèn nhu nhược, tính tự ái hay né tránh của ông. Ông đã cưới một bông tuyết trắng bất tử. May mắn cho ông! Ông đã bị tổn thương! Bất hạnh cho ông! Ông đã đau khổ. A, đúng là một trái tim yêu đích thực. Và ông đã… tha thứ! Phải, đóa hoa tuyết trắng đã được thứ tha. Ông thậm chí còn để phần di chúc cho cô phòng hờ khi nào tên vô lại kia… Nhưng im nào! Ðừng có mà nghĩ nhiều quá đến thứ tầm ma dễ sợ bên ngoài thế giới tởm lợm kia! Kẻ-vốn-dĩ-là-Cynthia. Hãy để bông tuyết trắng bung xòe ngoài tầm với, trên đỉnh cao dĩ vãng. Hiện tại là chuyện khác. Ðám trẻ được nuôi dạy trong bầu không khí tự-thần-thánh-hóa-bản thân và miễn-bàn-đến khéo léo này. Chính chúng cũng thấy đóa hoa tuyết trên đỉnh cao ngoài tầm với. Chúng cũng biết nó ngự trị đơn độc trên đỉnh nguy nga cách biệt h cuộc đời chúng, không ai được chạm vào. Trong khi đó, đôi khi người ta vẫn nghe thấy mùi vị xấu xa, tởm lợm của lòng ích kỷ và dục vọng tha hóa từ thế giới bẩn thỉu ngoài kia tràn về. Cái mùi của cây tầm ma dễ sợ, Kẻ-vốn-dĩ-là-Cynthia ấy. Cây gai này quả thật đã xoay xở từ xa để luồn vài dòng nhắn gửi tới các con gái mình. Và trước cảnh đó, Trưởng Mẫu tóc bạc âm thầm lắc đầu ghét bỏ. Bởi nếu Kẻ-vốn-dĩ-là-Cynthia quay lại, sẽ chẳng còn chỗ cho Trưởng Mẫu. Nỗi hằn thù kín đáo được truyền từ bà nội già nua sang đám con gái, máu mủ của thứ cây gai đầy dục vọng tội lỗi ấy, bằng ý tưởng Cynthia đã có thái độ miệt thị dữ dội với bà. Trộn lẫn vào những gieo rắc này là ký ức xa vắng của đám trẻ về ngôi nhà thực của chúng, tòa nhà sở ở miền nam, cùng người mẹ hấp dẫn nhưng không đáng tin cậy lắm của chúng, Cynthia. Mẹ toát ra hào quang rực rỡ và sức sống tràn trề, tựa hồ một vầng mặt trời linh động mà đáng sợ trong nhà, cứ đi đi về về không ngớt. Bọn trẻ luôn luôn đánh đồng sự hiện diện của mẹ với ánh sáng lẫn hiểm nguy, với sức hút lẫn cái tôi dễ sợ. Giờ thì sức hút ấy không còn nữa, và bông tuyết trắng đã đóng băng nơi nấm mồ như một vòng hoa bằng sứ. Mối nguy hiểm của sự bấp bênh, dạng hiểm nguy bất thường của lòng vị kỷ, như loài hổ báo sư tử, cũng đã tiêu tan. Chỉ còn lại sự ổn định hoàn hảo cho mọi người được tàn lụi đi trong an bình. Nhưng đám trẻ đang lớn. Và chúng càng lớn, những phân vân thắc mắc trong chúng càng rõ rệt và linh hoạt hơn. Trưởng Mẫu càng cao tuổi, cặp mắt bà càng mờ dần. Người ta phải dẫn bà đi lại. Bà ngủ đến giữa trưa mới dậy. Thế nhưng dù đã lòa hay liệt giường, bà vẫn cai quản ngôi nhà. Hơn nữa, bà chẳng phải liệt giường. Bất cứ khi nào mọi người có mặt, Trưởng Mẫu cũng hiện diện trên ngai. Bà quá tinh khôn để bị xao lãng. Nhất là khi bà có kình địch. Kình địch của bà là cô cháu gái út, Yvette. Ðối với Kẻ-vốn-dĩ-là-Cynthia, Yvette có phần vô tâm không để bụng. Nhưng cô bé ngoan ngoãn hơn chị mình. Có lẽ bà nội đã nắm thóp cô đúng lúc. Có lẽ Ngài mục sư yêu quý Yvette, và nuông chiều cô một cách trìu mến nồng nhiệt, đến mức ông có thể nói: ta chẳng phải một gã trai già mềm lòng, khoan dung đấy ư! Ông thích sự yếu mềm trong từng chân tơ kẽ tóc. Bà biết rõ những quan niệm này của ông về chính mình, và bà lợi dụng chúng, lấy chúng để tô điểm cho ông cùng cá tính của ông. Ông muốn thấy chính mình mang một tính cách quyến rũ, cũng như nữ giới muốn thấy chính mình ăn vận quyến rũ vậy. Và Trưởng Mẫu khôn khéo đắp nốt ruồi duyên lên từng khuyết điểm, nhược điểm của ông. Tình mẫu tử chỉ dẫn cho bà thấy những điểm yếu của con trai, và bà giúp ông che đậy, trang hoàng lên chúng. Ấy thế mà Kẻ-vốn-dĩ-là-Cynthia! Nhưng đừng nhắc đến cô ta trong mối liên hệ này. Dưới mắt cô ta, ngài mục sư gần như là một gã gù ngu ngốc. Buồn cười một nỗi, bà nội ngấm ngầm ghét bỏ Lucille, cô cháu lớn, hơn là đứa cháu nhỏ được nuông chiều Yvette. Lucille, cáu kỉnh và hay bứt rứt, có ý thức rõ ràng về quyền hành của bà nội hơn em gái Yvette trái tính lơ đễnh. Cô Cissie, ngược lại, ghét Yvette. Cô ghét cả cái tên của cháu gái. Cuộc đời cô Cissie đã cống hiến cho Trưởng Mẫu, cô biết vậy, và Trưởng Mẫu biết cô biết vậy. Năm tháng qua đi, điều ấy trở thành thông lệ. Sự hy sinh của cô Cissie đã là một thông lệ mà mọi người, kể cả chính bản thân cô, chấp nhận. Cô cầu nguyện rất nhiều về việc ấy. Chứng tỏ người phụ nữ đáng thương cũng có tình cảm riêng tư gửi gắm đâu đó. Cô đã thôi làm Cissie, đã để mất cuộc đời và giới tính của mình. Và giờ đây, khi cô trườn dần đến tuổi ngũ tuần, những cơn giận dữ lạ lùng thường bùng lên nơi cô như những ánh lửa xanh lè, khiến cô mất cả lý trí. Nhưng bà nội, bằng quyền lực của mình, đã kiềm hãm cô lại. Bởi mục đích cuộc đời cô là trông nom Trưởng Mẫu. Ngọn lửa địa ngục xanh lét hằn thù trong cô Cissie đôi khi bùng lên trước lớp trẻ. Người phụ nữ khốn khổ vẫn cầu nguyện, mong ơn trên thứ tha cho mình. Nhưng những gì người ta làm cho cô thì cô không đời nào tha thứ. Và sự cay độc thi thoảng lại bật ra trong dáng điệu của cô. Tâm hồn Trưởng Mẫu chẳng phải ấm áp, từ ái gì. Chẳng qua bà khôn khéo tỏ ra như thế. Và thực tế dần dần hé rạng trước hai cô cháu gái. Bên dưới chiếc mũ ren lỗi thời, mớ tóc bạc và lớp lụa đen bọc quanh thân thể mập mạp phình về phía trước, người đàn bà này mang một trái tim xảo quyệt, không ngừng kiếm tìm quyền lực nữ giới cho riêng mình. Và bà duy trì quyền lực thông qua sự yếu hèn của những con người mụ mẫm, trì độn mà bà đã dưỡng dục, khi vòng đời bà tiếp tục lăn từ thất thập đến bát thập, rồi từ bát thập bước vào một quãng đời mới, tuổi chín mươi. Có cả một truyền thống “trung thành” trong gia đình này: trung thành với nhau, đặc biệt là với Trưởng Mẫu. Trưởng Mẫu tất nhiên là trụ cột của gia đình. Gia đình là bản thể mở rộng của chính bà. Ðương nhiên bà bao bọc nó với quyền lực của mình. Và đương nhiên các con trai con gái yếu ớt, rã rượi của bà phải trung thành. Bên ngoài gia đình có gì cho chúng ngoài hiểm nguy, chấn thương và nhục nhã? Chẳng phải mục sư đã chiêm nghiệm điều đó trong cuộc hôn nhân của mình? Vậy thì giờ hãy cẩn trọng! Cẩn trọng và trung thành, đối mặt với thế giới! Hãy để những căm ghét và xích mích trong phạm vi gia đình bao nhiêu tùy thích. Và dựng lên trước thế giới bên ngoài bức rào kiên cố của đồng nhất và hòa hợp.