I. HOA MÙA XUÂN

Chieko để ý thấy những đóa hoa tím đã nở trên cây phong.
- Ôi cả năm nay nữa chúng cũng nở kìa? - Hơi thở mùa xuân mơn trớn thoảng vào Chieko.
Trong khu vườn nhỏ bé cây phong hóa ra đồ sộ, thân nó to ngang hơn chính Chieko nhiều lắm. Nhưng lẽ nào có thể đem cái thân cây đầy rêu, phủ lớp vỏ chai sần, nứt nẻ, sánh với thân hình con gái của Chieko...
Vừa đúng ngang tầm eo lưng, cây phong hơi vẹo về bên phải, rồi đến đoạn cao hơn đầu nàng lại thoắt vươn sang phải thành một vòng cung mà chính từ khúc cong này cành tỏa ra mọi phía, che phủ cả khu vườn. Những cành dài trĩu xuống vì sức nặng bản thân chúng, chạm đầu cành tới đất.
Dưới chỗ thân cây đột ngột uốn cong một chút là hai hốc lõm con con, nơi những cây hoa tím mọc. Cứ xuân sang chúng lại trổ hoa. Trong chừng mực mà Chieko còn nhớ được thì trên thân cây vốn bao giờ cũng có hai khóm hoa.
Khóm trên cách khóm dưới một khoảng trọn một xiaku 1. Khi đã là cô gái trưởng thành, Chieko thường hay tư lự: liệu có khi nào hai cây hoa tím trên dưới gặp được nhau không? Liệu chúng có biết đến sự tồn tại của nhau không? Nhưng với chúng thì các chữ "gặp", "biết" mang được ý nghĩa gì kia chứ?...
Hoa nở không nhiều - thấy chỉ ba đến năm vành hoa nhỏ là cùng. Nhưng dù sao cứ xuân sang, trong hai hốc nhỏ bé trên thân cây phong, chồi mới lại nhú lên, hoa lại nở.
Chieko thường ngắm hoa từ chỗ lối đi, hoặc khi đứng trước gốc cây. Nàng nhìn chúng, mắt ngước từ khóm dưới lên khóm trên mà lòng bồi hồi, lúc lấy làm ngạc nhiên cho "kiếp sống" khác thường ấy của loài hoa tím, lúc cảm thấy một cảm giác cô đơn đôi khi đến lạ.
- Chính đây là nơi chúng đã lớn lên...Rồi sống...- nàng thầm thì.
Khách khứa đến cửa hàng vẫn tỏ vẻ thán phục cây phong nhưng hầu như chả có ai để ý thấy những cây hoa tím đang khiêm nhường trổ hoa. Cái cây cổ thụ làm người ta kinh ngạc bằng sức mạnh của mình, mà khúc thân mọc điểm rêu xanh gợi ra sự nể trọng và tạo thêm cho cây phong một nét mỹ cảm riêng. Hai khóm hoa tím nhỏ nhoi, nương náu trên đó, dường như lu mờ hẳn trong khúc ngợi ca sự hùng vĩ và vẻ đẹp kia.
Song lũ bướm thì có biết chúng. Vào đúng cái giây phút Chieko để ý thấy những đóa hoa tím đã nở, cả một đàn bướm trắng nhỏ xíu nãy giờ lượn vòng sát đất sán lại gần các đóa hoa. Trên cây phong những chồi non hồng hồng đã bắt đầu nứt ra, và trên cái nền ấy sắc trắng toát của lũ bướm nổi lên rực rỡ. Lá và hoa của loài hoa tím hắt chút bóng mờ lên lớp rêu xanh trên thân cây.
Đấy là một ngày xuân dìu dịu. Bầu trời phủ đầy mây, như vẫn thường thấy vào tiết khai hoa.
Chieko còn ngắm hoài những đóa hoa tím, kể cả sau lúc lũ bướm đã bỏ chúng bay đi.
- Cảm ơn, vì cả năm nay nữa các bạn cũng nở tuyệt vời đến thế, - đôi môi nàng thì thầm không thành tiếng.
Bên dưới mấy khóm hoa, ngay cạnh đám rễ phong là cây đèn lồng cổ. Một pho tượng nhỏ chạm vào phần dưới trụ đá của nó. Cha đã giải thích cho Chieko rằng đấy là Đấng Cơ đốc.
- Lẽ nào không phải là Đức bà Maria đồng trinh ạ? - Bấy giờ, Chieko hỏi. - Con đã thấy rồi: to lắm, giống như tượng đài Tendgin 2 ở Kitano ấy.
- Nếu vậy thì hài đồng đâu? - Cha bác lại.
- À mà đúng thế thật, - Chieko gật đầu rồi hỏi: - Trong các cụ tổ tiên nhà mình có người theo đạo Cơ đốc sao?
- Không. Cây đèn này là do, hoặc người làm vườn, hoặc người buôn bán đồ đá chạm mang đến. Nó chả phải là thứ quý hiếm lắm đâu.
Cây đèn chắc hẳn được chế tác lâu lắm rồi, ngay từ hồi bắt đầu những vụ đàn áp người theo đạo Cơ đốc 3. Mưa gió hàng trăm năm đã làm hao mòn thứ đá không lấy gì làm rắn chắc lắm, nên bây giờ khó có thể phân biệt nổi hình dáng đầu, thân, với hai chân. Cung cách chạm cũng chả được tinh xảo lắm. Hai ống tay áo chùng quá dài, gần xấp xỉ tới vạt dưới. Đã có lúc nào đấy trên thân tượng là hai cánh tay bắt chéo dáng cầu nguyện, nhưng giờ thì người ta chỉ còn biết phỏng đoán như thế dựa vào chỗ phần nào lồi lên ở nơi trước kia là hai cánh tay ấy. Dù sao, pho tượng cũng gợi lên một ấn tượng khác so với hình ảnh Phật hoặc Dgidgio 4.
Liệu xưa kia, những người theo đạo Cơ đốc có tôn kính cây đèn này không, hay nó chỉ đơn giản là một thứ đồ trang trí ngoại bang, ai mà biết được. Chứ giờ đây, nó ở cạnh rễ cây phong già, dưới những cây hoa tím trong khu vườn cửa hiệu thuộc sở hữu cha mẹ Chieko, cũng chỉ nhờ vẻ cổ kính của nó mà thôi. Nếu có ai đó trong đám khách khứa để mắt đến cây đèn, cha Chieko vắn tắt giải thích thêm: "Tượng Chúa Cơ đốc". Song hiếm khách chú ý đến chiếc đèn đá xuềnh xoàng cạnh cây phong già. Mà nếu có để ý thấy thì ngay đấy lại quay đi, có một hai cây đèn đá trong vườn âu cũng là chuyện bình thường.
Chieko rời mắt khỏi mấy cây hoa và bắt đầu quan sát kỹ hình ảnh Đấng Cơ đốc. Nàng không theo dự trường truyền giáo, song, để làm quen với tiếng Anh, nàng vẫn đến nhà thờ Cơ đốc và thậm chí còn đọc cả các sách Tân ước, Cựu ước. Theo nàng, đem cắm nến hay đặt hoa trước cây đèn cũ kỹ có hình tượng Đấng Cơ đốc thì cũng không ra làm sao: trên đó không khắc cây thánh giá.
Đôi lúc nàng có cảm giác như những đóa hoa phía trên pho tượng chính là trái tim của Đức bà Mang đồng trinh.
Nàng lại đưa mắt từ cây đèn sang những đóa hoa lần nữa. Rồi bất giác nhớ đến lũ dế mà nàng giam trong chiếc hũ Tamba 5 cổ. Nàng đã bắt đầu nuôi dế ngay sau khi lần đầu thấy những cây hoa tím trên cây phong già. Dăm năm về trước, nàng đến thăm nhà cô bạn học và đã nghe thấy ở đấy lũ dế rúc. Người bạn gái tặng nàng mấy con dế - mọi sự cũng bắt đầu từ đó.
- Tiếc là phải giam chúng trong cái hũ tối tăm, - lúc ấy Chieko buồn rầu.
- Nhưng thế còn tốt hơn việc bắt chúng chẳng bao lâu phải chết trong lồng, - cô bạn bác lại.
Chieko biết có những ngôi chùa người ta chuyên nuôi dế rồi bán ấu trùng của chúng. Thì ra, ở Nhật không ít người thích chơi dế.
Khi lũ dế của nàng sinh sôi nảy nở, phải cần đến cái hũ thứ hai. Những con dế vừa ra đời khoảng mồng một tháng bảy, thì từ giữa tháng tám đã bắt đầu rúc.
Chúng sinh ra, véo von rúc, sinh sôi nẩy nở rồi chết trong cùng một cái hũ chật chội, tối tăm. Điều đó cho phép bảo tồn nòi giống. Chứ ở trong lồng thì kiếp sống ngắn ngủi chỉ một thế hệ đã dành sẵn cho chúng. Mà suốt đời ở trong hũ thì với chúng đấy là biểu hiện của cả thế giới, cả vũ trụ...
Thời xa xưa bên Trung Quốc, câu chuyện "Cả thế gian trong hũ" rất nổi tiếng. Chieko biết nội dung truyện ấy: những tòa lâu đài vàng và những ngọn tháp ngọc bích mọc lên trong lòng một cái hũ diệu kỳ, nó đầy những rượu quý, những cao lương mỹ vị. Cái hũ là hiện thân của một cõi thế hoàn toàn khác đầy quyến rũ, siêu thoát khỏi kiếp sống phù du... Một trong vô vàn câu chuyện về những vị tiên ẩn dật...
Lẽ tự nhiên, lũ dế sa vào hũ không vì ác cảm với thế giới này và có lẽ thậm chí cũng không đặt thành điều xem chúng đang ở đâu. Chúng chỉ đơn giản sinh tồn, mà không màng tới cuộc đời nào khác.
Nhưng đây mới là điều khiến Chieko ngạc nhiên nhất: hóa ra là nếu cứ giam trong hũ cùng một số những con dế ấy và không thỉnh thoảng thả vào đấy những cá thể đực khác thì các thế hệ mới sẽ đâm thoái hóa dần do hôn phối cùng huyết thống lặp đi lặp lại. Để tránh chuyện này, những người chơi dế trao đổi với nhau các con đực.
Bây giờ đang xuân, chưa phải là mùa thu lúc lũ dế bắt đầu rúc, song những cây hoa tím không vô cớ nhắc nàng nhớ đến lũ dế.
Chính Chieko đã bỏ lũ dế vào cái hũ tối tăm, chật chội kia, còn những cây hoa tím, sao chúng có thể lâm vào chốn quá ư bất tiện cho chúng vậy? Tuy nhiên, hôm nay mấy cây hoa tím lại nở, rồi lũ dế mới sẽ sinh trưởng và sẽ rúc.
"Vòng quay sự sống trong thiên nhiên ư?... - Chieko vén lại sau tai mớ tóc vừa xổ ra, vờn trong làn gió xuân nhè nhẹ. - Còn ta?..." - Nàng nghĩ, tự ví mình với những cây hoa tím và lũ dế.
Ngoài Chieko ra, chả một ai lưu tâm đến mấy khóm hoa tím mộc mạc vào cái ngày tràn đầy sự bừng tỉnh của mùa xuân, của thiên nhiên ấy.
Tiếng nói cười vui nhộn từ cửa hiệu vẳng tới. Những người làm công rục rịch đi ăn trưa. Chieko nhớ ra buổi hẹn đã định và đi thay quần áo.
Hôm trước Xinichi Midzuki đã gọi điện tới mời Chieko đi xem anh đào nở ở chùa Heian Dgingu. Bạn anh - một sinh viên - cách đây nửa tháng vào làm gác cổng vườn chùa lấy hương, báo cho biết hiện giờ anh đào đang giữa kỳ nở rộ. - Một khi tay canh gác mới vào ngạch ấy nói thì có nghĩa là, tin hết sức chính xác đấy. - Xinichi bật cười khe khẽ. Tiếng anh cười khe khẽ nghe có vẻ khoái chá.
- Anh ấy sẽ trông coi luôn cả chúng ta chứ? - Chieko hỏi.
- Có thế anh ta mới là người gác cổng! Để ý tất những ai vào vườn chùa, - Xinichi đáp, - mà nếu chị lấy làm khó chịu, Chieko ạ, ta có thể đến từng người một rồi sẽ gặp nhau trong vườn chỗ rặng anh đào. Chừng nào chị chưa đến thì ngắm hoa một mình vậy. Anh đào nở làm sao chán được.
- Nếu vậy, dễ thường anh cứ đi luôn một mình có hơn không?
- Đồng ý thôi. Nhưng e là tối nay trời đổ mưa, hoa sẽ rụng mất.
- Cảnh hoa rụng cũng rất tuyệt.
- Những cánh hoa vấy bùn, tơi tả vì mưa - đấy mà là cánh hoa rụng ư?? Chị biết rồi kia mà: Hoa rụng... 6.
- Người gì đến khó chịu!
- Ai trong chúng ta kia chứ?
Mặc xong chiếc áo khuông giản dị, Chieko rời nhà.
Chùa Heian Dgingu, nổi danh với ngày lễ Kỷ Nguyên của mình, được coi là không cổ lắm. Người ta dựng lên ngôi chùa này vào năm 1895 để tưởng niệm thiên hoàng Kammu 7, người hơn ngàn năm trước đã hạ chiếu thiên đô về chỗ bây giờ là Kyoto.Cổng tam quan và chùa ngoài giống y như cổng Otemmon và cung Daigokuden ở Heian. Cũng hệt như về sau người ta trồng cam, chanh và anh đào vậy. Từ năm 1932 trở đi, ở chùa người ta bắt đầu tưởng nhớ cả Komay 8, vị thiên hoàng mà sau ông người ta lại dời đô từ Kyoto về Edo tức Tokyo ngày nay. Vườn chùa ở Heian Dgingu thành ra một trong các địa điểm ưa dùng nhất để tổ chức hôn lễ.
Cánh rừng nhỏ những cây anh đào rủ, đã tô điểm cho khu vườn một vẻ riêng biệt. Không phải vô cớ mà giờ đây người ta nói: "Cố đô có nhiều loài hoa, duy chỉ có anh đào đủ thủ thỉ cùng ta: đấy mới đích xuân sang!"
Chieko bước vào vườn chùa, nàng lặng người đi, không sao rời mắt khỏi rặng anh đào rủ. Những đóa hoa sắc hồng đẹp lạ lùng khiến tâm hồn nàng tràn đầy niềm rạo rực thiêng liêng. "Ôi, vậy là cả năm nay nữa ta đã gặp gỡ mùa xuân" - đôi môi nàng thầm thì không thành tiếng.
Chieko không hình dung thật rõ nơi Xinichi đang đợi nàng, nàng không biết đại để anh ta có đến không. Định bụng tìm anh ta đã, rồi sau hẵng ngắm hoa, nàng cất bước xuôi xuống phía dưới theo lối mòn bao phủ giữa đám mây hồng của loài cây đang khoe sắc.
Kia, nàng đã thấy Xinichi ngoài bãi cỏ. Anh ta nằm trên cỏ, hai tay gối đầu.

° ° °

Chieko không dự tính gặp Xinichi ở cái tư thế như thế. Nàng thấy bực mình. Người gì, đã có hẹn một cô gái trẻ lại nằm xoài ra trên cỏ? Không hẳn cái thói vô giáo dục của anh ta, cũng không phải thái độ khinh thị trong tư thế anh ta khiến nàng tức giận, mà đúng hơn nàng chỉ đơn thuần thấy gớm ghiếc vì anh ta nằm như thế trước mặt nàng. Trong đời nàng, nàng chưa quen với sự như thế. Rồi nàng nghĩ: không khéo anh ta vẫn nằm xoài trên bãi cỏ trường đại học đúng lối ấy mà tranh luận khoa học với bạn bè chăng. Thì đây, lúc này anh ta đang nằm, ý chừng theo tư thế mình quen thuộc. Chỗ chọn nằm thì do thiện cảm với mấy bà cụ ngồi lê đôi mách bên cạnh - thoạt tiên ngồi ghé xuống một bên, sau rồi nằm xuống cỏ và thiu thiu ngủ.
Hình dung xong toàn bộ cảnh đó, Chieko đã suýt bật cười, song nàng kìm được và đỏ mặt. Nàng đứng một lát trước Xinichi không dám đánh thức anh ta, rồi định đi. Cho đến giờ nàng chưa từng nhìn mặt người đàn ông đang ngủ nào gần đến thế...
Trên người Xinichi là chiếc áo vét sinh viên cài hết cúc, mớ tóc chải gọn gàng. Anh ta nằm, hai hàng lông mi dài nhắm nghiền, nét mặt anh ta có một cái gì đó thật trẻ con.
- Chieko! Xinichi kêu lên và nhóm ngay dậy.
Vẻ mặt cô gái thoắt thành ra giận dỗi:
- Anh không thấy xấu hổ sao. Ai lại ngủ ở một chỗ như thế này?
Mọi người đi qua đều ngoái lại nhìn.
- Tôi có thể ngủ ư, sao biết chị đã ở đây, ngay từ giây phút chị lại gần.
- Người gì đến khó chịu.
- Chị tính sẽ xử sự làm sao, giả sử khi nãy tôi không gọi giật lại?
- Thế anh giả vờ ngủ khi biết tôi đã ở đây hả?
- Bấy giờ tôi nghĩ: trước mặt mình là một nàng tiểu thư đầy hạnh phúc, rồi không rõ vì sao tôi thấy buồn, cuối cùng thì đầu hơi đau đau...
- Tôi ư? Tôi mà hạnh phúc?!...
- ...
- Vậy ra, anh ấm đầu à?
- Không sao, qua khỏi rồi.
- Mà hình như, sắc mặt anh không được nhuận thì phải.
- Không, không, mặt mũi đều ổn cả thôi.
- Cứ sáng loáng như lưỡi kiếm ấy.
Người quen kẻ thuộc vốn trước đây cũng đôi khi đem ví nét mặt anh với thanh kiếm, nhưng từ miệng Chieko thì anh nghe điều ấy đây là lần đầu.
- Thanh kiếm này sẽ chẳng đánh gục ai đâu. Chỉ vì quanh đây toàn hoa mà, - anh bật cười.

° ° °

Chieko bước lại phía lối đi. Xinichi theo sau nàng.
- Tôi có ý định dạo khắp những cây anh đào đã ra hoa, - nàng nói.
Nếu đứng ở chỗ rẽ vào lối đi phía ấy, những cây anh đào nở lập tức gợi ra cảm giác mùa xuân. Kìa mùa xuân thật rồi! Các cành cây buông rủ đúng là bị những đóa hoa kép màu hồng kéo trĩu đến tận đầu mút nên dường như không phải chúng nở trên cành nữa mà là các cành cây sinh ra chỉ để nâng đỡ những đóa hoa.
- Anh đào ở đây tốt lạ thường. - Chieko nói rồi dẫn Xinichi tới chỗ đường đi đột ngột quặt ra phía ngoài. Đằng kia, sừng sững một cây anh đào đồ sộ, cành tỏa rộng. Xinichi đứng cạnh Chieko, say mê ngắm cái cây.
- Chị xem kìa, đó chính là nữ tính đấy! Cả những cành cây mềm mại buông rủ, cả bản thân những đóa hoa nữa - dịu dàng quá, thướt tha quá, - Xinichi thốt lên.
Trên cây đào hùng vĩ là những đóa hoa kép màu hồng hơi pha sắc tím.
- Không, thật quả tôi không hình dung thấy nó mang nữ tính đâu, trong cách nó đâm hoa biết bao là sự lộng lẫy và duyên dáng đến khó tả, - làm sao với tới được!
Sau đấy họ cất bước về phía hồ. Đằng ấy, nơi con đường thu hẹp lại, người ta đã bố trí sẵn các ghế băng và trải một tấm thảm đồ chơi trên bãi cỏ. Các khách vãn cảnh thì ngồi ghế nhấm nháp nước trà.
- Chieko, Chieko! - Từ ngôi Thanh tâm đình nằm dưới tán lá rợp - nơi cử hành nghi lễ trà đạo - cô bạn gái Masako của nàng chạy ra. Cô ta mặc chiếc kimono diện lễ tay thụng.
- Chieko, giúp cho một tay nào! Mình mệt quá! Suốt tháng phải phụ giúp Xenxay 9 rồi.
- Phận sự gì vậy? Chắc không ngoài rửa chén.
- Rửa chén thôi cũng được, hay là, cậu pha trà nhé?
- Mình không đi một mình.
Mãi lúc bấy giờ Masako mới để ý đến Xinichi đứng gần đó và thì thầm hỏi:
- Chồng chưa cưới cậu hả?
Chieko khẽ lắc đầu.
- Người tử tế chứ?
Chieko gật.
Xinichi quay lưng về phía họ và chậm rãi đi lên trước.
- Hay cậu uống trà nhé? Lúc này trong đình vắng khách đấy, - Masako mời.
Chieko chối từ rồi bám theo Xinichi.
- Cô bạn cùng học nghi lễ trà đạo với tôi. Một cô gái đẹp, đúng không nào?
- Không có gì đặc sắc.
- Khẽ chứ! Cô ấy nghe thấy đấy. - Chieko quay về phía Masako còn đứng bên trà đình và nháy mắt làm hiệu với cô ta.

° ° °

Họ xuôi lối mòn lại gần hồ. Ngay sát bờ, đám lá nhọn đuôi diều tươi lên mơn mởn, còn loài hoa súng thì khẽ đung đưa êm ả, trải rộng trên mặt nước những chiếc lá tròn trĩnh. Gần hồ anh đào không mọc.
Vòng qua hồ, Xinichi và Chieko ra tới con đường hẹp. Nơi đây, dưới tán lá xanh ngự trị cảnh tranh tối tranh sáng. Mùi lá non và đất ẩm phảng phất. Phút chốc con đường đã dẫn họ tới một khu vườn rộng có hồ ở giữa. Hồ lớn hơn cái hồ mà họ vừa đi qua. Cảnh vật vụt trở lên sáng sủa nhờ những cây anh đào đầy hoa in bóng trên mặt nước hồ.
Những khách du lịch nước ngoài chốc chốc lại bấm máy ảnh lách tách. Còn kia, bên phía bờ đối diện, giữa đám cây cối mọc lên một cây lệ mộc khoác bộ y phục giản dị kết bằng những bông hoa trắng. Chieko nhớ đến Nara 10. Xung quanh bao nhiêu là thông - không to lắm nhưng dáng đẹp. Giá một khi không có anh đào ra hoa, chỉ tấm áo màu xanh của thông thôi cũng đã thỏa mắt. Cho dù bây giờ đây, màu xanh trinh nguyên của thông và làn nước hồ trong vắt có lẽ chỉ là nền tôn thêm những đóa anh đào phớt hồng.
Xinichi bắt đầu men theo các phiến đá trồi lên khỏi mặt nước, qua hồ trước. Chỗ được mệnh danh là "Bến vượt đầm". Các phiến đá phẳng, tròn tròn - y hệt người ta xẻ từ cột Tori 11 ra vậy. Chieko đành vắt lại vạt gấu kimono cho gọn.
- Sẵn sàng bế tiểu thư Chieko sang đấy ạ, - Xinichi ngoái lại phía cô gái, nói to.
- Rất cảm kích trước thái độ hết sức tao nhã của anh, - Chieko châm chọc.
Có các phiến đá tiện lợi nhường ấy thì đến một bà lão cũng cứ việc yên trí mà đi.
Những chiếc lá hoa súng bập bềnh bên các phiến đá, còn ở ven hồ bên kia là rặng thông hắt bóng xuống mặt nước.
- Những hòn đá này đã được sắp xếp dưới nước sao cho chúng tạo thành một bức vẽ trừu tượng, - Xinichi nhận xét.
- Thì người ta vẫn bảo mọi vườn Nhật đều là trừu tượng mà. Anh nhớ cây xughigoke 12 trong vườn chùa Daigodgi chứ. Không có ai là không phán ngay: "bức vẽ trừu tượng"... Rõ chán.
- Có lẽ ở đấy thì nó gây cảm tưởng trừu tượng. À nhân tiện, ở chùa Daigodgi, người ta sắp sửa hoàn tất việc trùng tu ngôi chùa tháp năm tầng. Nhân dịp sắp đến hội lễ. Chị không định viếng qua một chút à?
- Bây giờ thì khéo ngôi chùa lại thành tươi rói như Đền Vàng 13 mới chứ gì?
- Không, nó có bị cháy như Đền Vàng đâu, người ta chỉ dỡ ra rồi dựng lại như mới. Lễ vào chính giữa mùa hoa anh đào thành thử người thì chắc chả vắng...
- Nhưng dù sao thế gian cũng chẳng còn gì đẹp hơn anh đào nở hoa...
Họ đã men theo các phiến đá sang tới bờ bên kia với cánh rừng thông ngoạn mục và tiến về phía "lâu kiều". Người ta gọi thế vì chiếc cầu này có hình dáng hao hao một cung điện, chứ nó cũng có tên riêng: Taihaykaku - An tĩnh cung. Dọc lan can là dãy ghế có lưng tựa thấp làm chỗ cho mọi người nghỉ chân. Từ chỗ này mở ra quang cảnh tuyệt vời của khu vườn rộng mênh mang bên kia hồ.
Mấy người khách vãn cảnh ngồi ghé xuống ghế ăn uống qua quýt. Trẻ con chạy qua chạy lại giữa cầu.
- Anh lại đây, Xinichi, - Chieko gọi. Nàng ngồi xuống ghế trước và để lòng bàn tay xuống chỗ bỏ trống bên cạnh.
- Tôi đứng một chút, chứ ngồi thì tôi thích ngồi cạnh chân chị hơn... - Xinichi bông đùa đáp lại.
- Xin anh xem như tôi không nghe thấy gì hết. - Chieko buộc anh ta ngồi xuống cạnh nàng rồi nói. - Tôi đi kiếm thức ăn cho lũ cá chép đây.
Chẳng mấy chốc nàng quay lại và bắt đầu ném thức ăn xuống hồ. Tức khắc cả một đàn cá chép bơi lại, thậm chí có vài con còn nhảy lên, cố đớp mồi ngay trên không. Chúng lượn tròn dưới nước.
Hình bóng những cây anh đào và thông xao động.
- Anh không muốn cho chúng ăn sao? - Chieko xướng lên.
Chàng trai không đáp.
- Anh giận tôi ư?
- Không hề.
Họ im lặng ngồi hồi lâu. Xinichi nhìn xuống nước, vẻ mặt đã tươi tỉnh dần.
- Anh nghĩ ngợi chuyện gì đó phải không? - Chieko phá tan sự im lặng.
- Đơn giản vậy thôi... Quả là có những giây phút chả phải nghĩ gì hết. Với lại, lúc ngồi cạnh một nàng tiểu thư hạnh phúc thì chính bản thân mình cũng được nàng bao phủ trong hơi ấm của tuổi thanh xuân hạnh phúc.
- Tôi hạnh phúc là sao? - Chieko ngạc nhiên. Một thoáng buồn lướt qua trong mắt nàng. Mà cũng có thể, đấy chỉ là một lay động nhẹ của làn nước nàng đang nhìn. - Bên kia cầu có một cây đào mà tôi đặc biệt thích, - Chieko vừa nói vừa rời thế đứng dậy.
- Có lẽ nó kia thôi. Ở đây cũng có thể thấy mà.
Thật vậy, cây anh đào đẹp lạ thường. Nó đứng đó, buông cành, chẳng khác nào một cây liễu rủ. Chieko bước vào dưới tán che của nó, và một cơn gió nhẹ làm rớt xuống vai nàng, xuống bên chân nàng mấy cánh hoa. Những bông hoa rụng phủ đầy mặt đất phía dưới cây anh đào, bảy tám bông gì đó dập dờn trên mặt nước. Có sào trúc chống đỡ cành, vậy mà những đầu cành thanh mảnh, kết đầy hoa, vẫn rủ sát đất.
Qua kẽ hở cành lá đan quyện nhau hiện ra ngọn núi mang trên mình trang phục màu xanh của mùa xuân.
- Chắc là, phần kéo dài của rặng Đông Sơn, - Xinichi nói.
- Đỉnh Daimondgi đấy, - Chieko đáp.
- Không lẽ Daimondgi cao thế?
- Có cảm giác vậy bởi vì anh ngắm nó qua những cành cây ngập hoa.
Họ đứng dưới cây anh đào và không muốn rời đi nữa.
Xa xa một chút mặt đất rải cát trắng thô hạt, còn dịch ít nữa về phía bên phải là những hàng thông cao tuyệt đẹp.
Lúc họ qua cổng Otemmon, Chieko đề nghị:
- Sao ta lại không sang chùa Kiyomidzu nhỉ?
- Kiyomidzu ư? - Xinichi ngạc nhiên. Nét mặt anh như muốn nói: nhưng ở đấy thì có gì thú vị cơ chứ?
- Tôi muốn được từ đấy ngắm Kyoto về chiều, xem cảnh mặt trời lặn trên Tây Sơn.
- Thôi được, ta đi nào.
- Đi bộ, bằng lòng chứ?
Đường không phải là gần. Tránh các dãy phố ồn ào có xe điện chạy, họ đi một vòng khá xa theo con đường dẫn đến chùa Nandgendgi, vòng đằng sau chùa Chionin rồi qua đầu bên kia công viên Maruyama, men theo một lối mòn hẹp tiến lại gần chùa Kiyomidzu. Mọi vật xung quanh đã mờ mờ chìm trong màn sương chiều.
Trong sân - vừa là bậc thềm rộng, để tổ chức các buổi công diễn của nhà chùa, - không có ai ngoài một đám các nữ sinh viên. Khuôn mặt của họ trắng lên mờ ảo trong thời khắc hoàng hôn đến gần.
Chieko thích tới đây vào giờ này. Sau lưng họ, trong ngôi chùa chính, những ngọn đèn lồng đã phát sáng. Chieko không dừng lại mà cắt ngang bục thềm rộng và qua cửa chùa Amida, lại gần phật điện.
Ở đây trên chỗ cao nhất cũng lại có một khoảnh sân riêng mà ngay sau đó là vách dốc đứng. Bản thân khoảnh sân cũng như mái che bên trên lớp vỏ cây bách dường như bay trên vịnh dốc. Sân không lớn, song từ đây mở ra một cảnh trí Kyoto và Tây Sơn đầy ấn tượng.
Dưới kia, thành phố đã lên đèn, nhưng trời còn khá sáng.
Chieko đến gần lan can và hướng mắt về đằng tây. Tưởng chừng, nàng đã quên bẵng Xinichi. Chàng trai lại gần, đứng cạnh nàng.
- Xinichi này, vậy mà tôi là đứa con bị bỏ rơi đấy, - bỗng dưng Chieko thú nhận.
- Con bỏ rơi!
- Phải, người ta đã lén vứt bỏ tôi.
Xinichi sửng sốt đến nỗi thoạt tiên nghĩ, có lẽ chữ "con bỏ rơi" Chieko dùng không phải theo nghĩa đen, mà chẳng qua nàng định gắng lý giải tâm trạng mình thôi.
*

- Con bị bỏ rơi... Xinichi lẩm bẩm trong miệng. - Không lẽ đến chị còn tự coi mình là con bỏ rơi? Nếu vậy thì tôi còn là con bỏ rơi gấp mấy...trong thâm tâm ấy. Mà có lẽ, tất cả mọi người đều là những đứa con bị bỏ rơi cả: khi người ta sinh ra là lúc thánh thần lặng lẽ vứt họ vào thế giới này.
Xinichi ngắm nét mặt Chieko nhìn nghiêng: phải chăng, chính là ánh lung linh chiều tà và cái đêm mùa xuân đang đến gần đã gợi lên nơi cô gái một nỗi buồn chóng qua? - Cũng có thể, công bằng hơn phải coi con người không phải là những đứa con bị bỏ rơi, mà là con cái của thánh thần: các thánh thần vứt họ xuống trái đất chúng ta để rồi lại cứu vớt... - Xinichi kết luận ý kiến mình.
Chieko đăm đăm nhìn những ánh đèn chiều sáng rực của Kyoto, dường như nàng tuyệt nhiên không nghe Xinichi nói. Thậm chí nàng cũng chẳng quay về phía anh ta.
Xinichi cảm thấy Chieko có buồn rầu thật. Anh đã muốn trấn tĩnh lại để chạm vào vai nàng, song nàng dịch ra tránh.
- Đừng khuấy động một kẻ bị bỏ rơi làm gì, - nàng lẩm bẩm.
- Tôi đã chả nói rằng những kẻ bị bỏ rơi là con của thánh thần sao? - Xinichi cao giọng bác lại.
- Nói thế cao siêu quá tôi hiểu thế nào được. Tôi đâu phải con rơi của thánh thần, những người bình thường - cha sinh mẹ đẻ - vứt bỏ tôi đấy chứ.
...
- Thật đấy! Người ta bỏ tôi ở lối vào cửa hiệu của chúng tôi.
- Không thể như thế được!
- Thực thà mà nói, tôi không định thú nhận với anh đâu - ngẫu nhiên tôi buột miệng thôi, nhưng đấy là sự thật!
...
- Ngắm Kyoto về chiều từ chỗ này, thế là bất giác, tôi chợt bán tín bán nghi: có thực tôi sinh ra trong thành phố này không?
- Chị lạ lùng làm sao. Thế chị có biết mình đang nói gì không?
- Cớ gì tôi phải nói dối?
- Chả lẽ chị không phải là con gái độc nhất và hơn nữa, còn được yêu quý hết mực, của một nhà doanh nghiệp sao? Của đáng tội, người con gái một lại cứ bị những ý tưởng kỳ quặc ám ảnh...
- Quả là cha mẹ vẫn yêu quý tôi... cho dù tôi là đứa con bị bỏ rơi.
- Ai xác nhận được chuyện đó?
- Xác nhận ư? Chứng nhận là bờ rào ở lối vào nhà tôi. Các hàng rào nó biết, - giọng Chieko nghe xúc động. - Có một lần - dạo ấy tôi đã học trung học - mẹ tôi đã gọi lên và thú thực rằng bà không phải mẹ đẻ tôi, rằng bà đã đánh cắp tôi từ lúc tôi còn ẵm ngửa. Có điều, cha mẹ hình như không ước định với nhau trước nên ngay từ đầu đã kể ra những chỗ khác nhau ông bà nhặt được tôi. Cha thì nói là dưới rặng anh đào ở Ghion, còn mẹ thì nói bên bờ sông Kamogaoa. Vì lòng trắc ẩn ông bà không muốn thừa nhận là đã nhặt tôi ở ngay cạnh cửa hiệu nhà mình...
- Thôi thì... Thế có biết tí gì về cha mẹ đẻ không?
- Cha mẹ đối với tôi nhân từ quá nên tôi cũng không nảy ra ý định tìm kiếm cha mẹ đẻ nữa. Có lẽ, ông bà cũng đã từ lâu an nghỉ trong một đám mồ nào đó không ai biết ở nghĩa trang Adaxino rồi. Nơi chỉ có những tấm bia mộ cũ nát.
Ngọn Tây Sơn nhuốm ánh hoàng hôn dìu dịu, và cả nửa bầu trời bên trên Kyoto kia dường như phủ trong màn sương màu hồng tía.

° ° °

Xinichi không sao tin được rằng, người ta đã lén vứt bỏ hay thậm chí còn đánh cắp Chieko. Nhà Chieko nằm ngay giữa khu phố các thương gia bán buôn. Cho là có thể gặng hỏi những người láng giềng và sẽ làm sáng tỏ mọi chuyện đi, song lúc này Xinichi quan tâm đến vấn đề khác kia: vì sao Chieko bỗng dưng thổ lộ với anh nàng là đứa con bị bỏ rơi?
Giọng Chieko chân thực, trong đấy cho thấy cả vẻ đẹp làm xúc động lòng người lẫn một sức mạnh tinh thần lớn lao. Xinichi hiểu, khi thổ lộ với anh, cô gái không tìm kiếm sự thông cảm.
Không nghi ngờ gì nữa, Chieko đoán chừng chàng trai phải lòng nàng. Phải chăng nàng quyết định nói cho anh biết về thân phận mình đơn thuần vì lòng hàm ơn? Lẽ ấy Xinichi ngờ lắm. Ngược lại thì đúng hơn: lời lẽ nàng nghe như thể nàng đang khước từ trước mối tình của anh. Có lẽ, cũng chắc là thế ngay cả trong trường hợp giả sử nàng có bịa ra cái tiểu sử "con bỏ rơi"... Hay là, Chieko thổ lộ cho ta biết để chứng tỏ ta nhầm khi ta mệnh danh nàng là "hạnh phúc"? Giá như vậy thì hay quá. - Xinichi nghĩ rồi nói:
- Chắc là, tiểu thư Chieko buồn khi biết mình là con bỏ rơi chăng? Nàng buồn phải không?
- Không chút nào! Tôi không buồn, mà tôi cũng không thành ra buồn.
...
- Mãi tới lúc tôi xin phép vào đại học thì cha bảo điều đó sẽ gây trở ngại cho người duy nhất thừa kế ông và tôi nên để tâm trí chăm chút đến chuyện buôn bán của ông thì hơn.
- Chuyện xảy ra năm kia phải không?
- Phải, năm kia.
- Việc gì chị cũng làm theo ý cha mẹ à?
- Tất nhiên.
- Nếu là việc xuất giá thì sao?
- Ông bà bảo sao, tôi sẽ làm vậy, - cô gái đáp không một chút do dự.
- Thế nghĩa là, chị không hề có ý kiến riêng lẫn tình cảm riêng ư?
- Trái lại, cả cái nọ lẫn cái kia đều có thừa, mà điều đó gây ra cho tôi vô khối phiền muộn.
- Thì chị vẫn đang kiềm chế, dằn nén chúng đấy thôi.
- Không, tôi không dằn nén gì hết.
- Lúc nào chị cũng nói như đánh đố. - Xinichi cười xòa, song giọng anh run run. Anh tì ngực vào lan can, cúi gập người, cố nhìn mặt nàng. - Tôi muốn được ngắm đứa con bỏ rơi hay đánh đố, - anh thủ thỉ.
- Tối quá. - Chieko cười mát và ngoảnh về phía Xinichi. Đôi mắt nàng long lanh. - Anh làm tôi sợ đấy. - Nàng trông lên mái ngôi chùa chính. Lợp lớp vỏ bách thô dày, nó như sáp lại gần họ vẻ đe dọa, áp đảo bằng cái đồ sộ đen tối của mình.

--------------------------------
1Một xiaku tương đương 30 cm.
2Tendgin: tức Michidjane Xugaoara, nhà thảo mỹ tự, bác học và thi sĩ thế kỷ thứ IX, người được tôn thánh.
3Vào khoảng ba mươi năm đầu thế kỷ XVII.
4Dgidgio: thần Phật giáo, phù hộ trẻ em và những người lữ hành.
5Tamba: Một vùng ở Trung Honshu, hay còn gọi là Hondo, đảo lớn nhất quần đảo Nhật Bản với những thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Kyoto..., nổi tiếng về nghề làm đồ gia dụng bằng gốm.
6"Hoa rụng không về cành nữa": biểu tượng hàm ý tình yêu đã mất sẽ không bao giờ trở lại.
7Vua Nhật Kammu (737-806).
8Vua Nhật Komay (1831-1866).
9Xenxay: tiếng xưng hô hàm ý kính trọng đối với thầy học, thầy thuốc... Ở đây ý nói thầy dạy nghi lễ trà đạo.
10Nara: Kinh đô đầu tiên của Nhật Bản.
11Tori: cổng ở trước chùa Thần đạo (Shinto) gồm hai cột tròn và một xà ngang.
12Xughigoke: loài cây có lá giống như lá kim của cây thông liễu.
13Đền Vàng xây dựng năm 1397, bị thiêu hủy năm 1950, nay đã trùng tu.