Ngày xưa, có một đứa bé thông minh tên là Nguyễn Kỳ, mẹ mất sớm, người cha lấy vợ khác. Kỳ bị dì ghẻ hành hạ ác nghiệt, phải bỏ nhà mà đi. Kỳ lang thang đó đây, xin ăn qua ngày. Một hôm, cụ Cử làng Địch Vọng ở Hà Đông thấy Kỳ mặt mũi khôi ngô, thông minh mới hỏi có biết chữ không. Kỳ xin giấy bút rồi ngẫu hứng viết thành một bài thợ Thoáng nhìn qua nét bút rắn rỏi mà nhẹ nhàng, rồi đọc đến những bài thơ với những lời lẻ bóng bẩy ngụ ý nói đến cảnh ngộ khốn khổ của người trẻ tuổi, cụ Cử liền ngỏ ý muốn giúp cho Nguyễn Kỳ ở lại nhà và dạy cho học. Sẵn khiếu thông minh, chỉ trong mấy năm, Nguyễn Kỳ chẳng những học hành theo kịp các bạn trước mà lại còn nổi tiếng giỏi văn thơ. Một ngày tiết xuân, có người bạn học rủ Kỳ đi xem tế lễ ở làng. Thấy bạn trai cùng lứa khoác áo diêm dúa, còn mình thì quần thô áo vải đã sờn rách, Kỳ không khỏi buồn tủi, lẫn vào đứng ở một góc đình, khuất sau cột lớn. Trong khi đó, đám đông người chăm chú theo dõi một cô đào khá xinh đẹp lộng lẫy đang múa hát. Mọi người như dại như ngây đua nhau thưởng tài người đẹp. Cô đào vừa hát, vừa múa, như bay như lơợn, khi lướt qua phía góc đình trông thấy Kỳ đứng buồn dựa cột, bỗng nhiên nàng sững sờ dừng lại, tắt tiếng hát, ngừng điệu múa, mắt đăm đăm nhìn thư sinh nghèo rồi vội quay đi. Qua hôm sau, Nguyễn Kỳ đang ngồi ở nhà ngang vắng đọc sách, thì thấy cô đào hát hiện ra. Nàng chân thành bảo Kỳ: "Sao người có tài lại gặp số phận hẩm hiu như thế này"? Rồi van nài Kỳ nhận lấy những nén bạc và mấy xấp vải của nàng đưa tặng. Kỳ lễ phép từ chối song nàng khéo nằn nì, rồi bỏ đi ngay không kịp cho Kỳ thốt lời cảm tạ. Cách ít lâu nàng trở lại, rồi thỉnh thoảng lại đến thăm Kỳ, mỗi lần đều dọn dẹp trong phòng học, vá mạng quần áo, nấu thức ăn, khuyến khích chàng học tập, y như nàng là vợ của Kỳ. Sự thân mật giữa hai người ngang tới đó. Nguyễn Kỳ kính nàng như một người bạn gái thân, và những lời lẽ, cử chỉ, bao giờ cũng ở trong khuôn phép. Song lâu ngày chàng hiểu biết nàng hơn, trở nên thân thiết hơn mà cũng dễ dàng rung cảm trước sắc đẹp của nàng hơn lên. Một hôm, chàng làm một cử chỉ suồng sã trong lúc không tự chủ, rồi đâm ra ân hận ngay khi thấy nàng nghiêm nghị trách móc: "Anh chớ vội tưởng lầm. Em tìm đến anh vì em nghĩ đến tương lai đời em. Thói thường những đào hát như em không nghĩ đến ngày mai, cho nên tới lúc luống tuổi rồi, chỉ gặp phải những kẻ không đâu. Vì thế em muốn trong lúc đang còn trẻ, có một nơi xứng đáng nương cậy về sau, cho đến khi đầu bạc răng long. Anh lại coi em như phường liễu ngỏ, hoa tường, làm thế nào mà em còn gần gũi với anh được nữa"? Nguyễn Kỳ xin nàng tha lỗi và từ đó càng kính trọng đối với nàng hơn nữa. Mấy năm về sau, gần đến kỳ thi, trước ngày lên đường, Nguyễn Kỳ ân cần bảo nàng: "Trong cuộc đời nghèo khó của anh, anh đã được may mắn gặp em. Công ơn của em đối với anh rất nặng, anh nhớ đến trọn đời. Rôi đây xa cách nhau, một ngày kia thế nào anh tìm được em"? Nàng nói: "Sau này, nếu anh không quên, thì em sẽ tìm đến anh. Bằng như chúng ta không cần phải gặp nhau nữa, thì anh muốn biết tên họ làng mạc của em cũng vô ích. Về phần em, em không dám đòi hỏi anh hứa hẹn gì cả. Chỉ có trời biết lòng em". Đến khi Nguyễn Kỳ thi đỗ, trở về quê, cha chàng buộc lấy một người con gái nhà môn đăng hộ đối. Nguyễn Kỳ hết sức từ chối, nghĩ đến người bạn gái ân nhân, nhất quyết thà chết hơn là phụ bạc người. Chàng đem chuyện cũ thưa lại, song cha chàng gạt đi, cho đó chỉ là một chuyện trai gái thường tình, và chàng bây giờ đã đỗ đạt danh phận ắt sẽ chóng quên một ả đào hát. Người cha viện lý lẽ để chống lại ý muốn của con, nghiêm khắc bảo không bao giờ nhận một ả đào hát làm con dâu. Nguyễn Kỳ đau khổ âm thầm, thấy lòng vẫn yêu và kính mến cô đào như xưa, cho là mình không thể quên người, dù đôi bên chưa có một lời thề hẹn. Song lễ giáo cay nghiệt của người cha đưa ra, rồi bổn phận của người con bắt buộc, cuối cùng chàng phải vâng lệnh mà cưới vợ. Đến năm sau, chàng ra kinh thi tiến sĩ, cô đào ngày trước tìm đến gặp, mang biếu chàng đủ thứ. Trông thấy vẻ ngượng nghịu của người bạn cũ, nàng đoán hiểu, rồi nói: "Anh không cần phải nói ra nữa, em cũng đã thấy rõ. Âu đó cũng là số phận đã định thế, mỗi người mỗi con đường... " Rồi nàng từ biệt hẳn mà đi. Khoa thi năm ấy, Nguyễn Kỳ đỗ tiến sĩ, được bổ làm quan ở triều, rồi đi sứ qua Tàu. Đến khi trở về, luôn mười năm trời, chàng giữ chức quan to ở kinh đô và các tỉnh. Sau một cuộc dẹp loạn ở Hải Dương, Nguyễn Kỳ được vua ban tước quận công. Danh vọng cao, tiền bạc sẵn, con cái đông, chàng không còn ước ao điều gì nữa. Tuy thế, mỗi khi nhắc đến thưở thiếu thời khốn khó của mình với bạn hữu, Nguyễn Kỳ thấy nghẹn ngào, xốn xang trong lòng. Chàng đã nhiều lần sai người thân tín đi tìm cô đào ngày xưa, nhưng khôn thấy bóng dáng đâu cả. Một tối, trong bữa tiệc ở nhà công hầu họ Đặng, giữa đám con hát và nhạ công ngồi bên dưới, quận công Nguyễn Kỳ để ý người đàn bà gõ sanh có vẻ mặt quen thuộc. Hỏi ra mới rõ chính là người bạn gái ân nhân ngày xưa. Lại nghe kể rằng mười năm trước nàng có lấy chồng, một người lính quê ở Thái Nguyên. Chồng đi trận chết, nàng vẫn ở vậy, có ít tiền dành dụm được đem nuôi mẹ già, chẳng may bị đứa em bất hạnh lấy sạch, nàng phải đưa mẹ già lên ở kinh đô, kiếm sống lần hồi, trở lại nghiệp hát. Nguyễn Kỳ xúc động tận đáy lòng, mời mọc hai mẹ con về ở trong dinh. Vì nghĩ tới mẹ già mà nàng nhận lời. Nguyễn Kỳ dành cho một ngôi nhà riêng và không để cho thiếu thốn một thứ gì cả. Một năm sau bà cụ mất, Nguyễn Kỳ cho chôn cất trọng thể. Xong rồi nàng cám ơn và xin phép từ biệt. Nguyễn Kỳ không giữ lại được, nài nỉ nàng nhận lấy vài nén bạc, nàng cũng khước từ mà ra đi.