Nhìn thấy hai gạch hiển thị trên Quick Stick , tôi nhảy cẫng lên như một đứa trẻ. Mẹ tôi đang loay hoay trong bếp ngơ ngác nhìn rồi vẻ mặt bà sung sướng khi tôi tuyên bố: Có bầu. Chồng tôi có nhà lúc này, hẳn tôi đã ôm anh ấy và hôn chùn chụt. Nghe tin này chắc anh mừng lắm, phải báo anh thôi. Tôi gọi cho anh. Máy bận. Lát sau tôi gọi cho anh lần nữa. Máy vẫn bận luôn. Tôi trách, cơ quan hành chính sao lắm nhu cầu điện thoại, hẳn có những việc không phải công việc, là những việc linh tinh, giống như việc tôi báo cho chồng rằng tôi có bầu chẳng hạn. Mà cũng chẳng chỉ báo cho chồng, ngay trong lúc này đây, tôi muốn la lên cho cả thế giới biết việc trọng đại này. Tôi hình dung ra anh khi nghe điện thoại, lúc ấy mặt anh câng câng nói với mọi người vợ mình có thai, rằng mình sắp làm cha, rằng mình nhờ thằng Dương người Bắc làm bố nuôi đứa bé… Rồi anh loay hoay ở bàn làm việc suốt buổi mà chẳng làm gì ra hồn, đầu óc đễnh đãng như người thừa mứa hạnh phúc. Cũng có thể anh xin về sớm, mua vội món quà bên đường tặng tôi, anh ôm tôi vào lòng, ẵm tôi xoay ba vòng rồi nhẹ nhàng đặt xuống nụ hôn. Hai đứa nhìn vào ống Quick Stick, tôi chỉ anh xem hai gạch màu hồng rồi hai đứa cười cười… Buổi tối anh chở tôi đi ăn những món tôi thích, tôi sẽ hỏi bà chủ quán món gì bổ thai. Anh ép tôi ăn, khi ấy tôi chẳng sợ mập, người ta bảo bà mẹ mang thai lên hơn chục ký là vừa. Với tôi bây giờ không phải là chuyện mập ốm, mà là đứa bé, là thiên chức làm mẹ, là hình hài của tình yêu giữa tôi và anh. Cầm máy, tôi nhấn những con số quen thuộc. Lần này, chính anh là người nhấc máy.***Ba tháng, bụng tôi bắt đầu phát triển. Những chiếc áo cũ lần lượt được thay bằng những áo rộng xuềnh xoàng. Tôi đi đâu, gặp người quen thấy bụng cũng trầm trồ xít xoa, hỏi tôi thích trai hay gái. Đem chuyện về kể chồng, chồng bảo trai hay gái cũng được. Nói vậy nhưng trong thâm tâm chúng tôi vẫn thích trai hơn. Quan niệm của người làm việc nhà nước trai trước cho chắc, chúng tôi cũng không nghĩ khác. Với anh, vấn đề không phải trai hay gái trước mà là chúng tôi phải có hai con, một trai một gái cho gia đình có nếp, có tẻ. Vào cơ quan, chị chủ tịch công đoàn hay sờ bụng tôi, chị nói đùa đoán xem cu Tý hay cái Hĩm. Tội nghiệp chị, từ ngày biết tôi có bầu, chị xin cho tôi không đi kiểm hoá. Tôi xuống công tác văn phòng, chị không cho đứng máy photo, sợ thai nhi ảnh hưởng, không cho leo lầu, bảo đi đứng cẩn thận trong ba tháng đầu. Đêm nào chồng tôi cũng ép uống sữa, loại hộp hình trụ có ảnh bà bầu ngoài bìa. Uống nhiều đâm ngán, khi ấy tôi thường giãy nãy. Anh càng ân cần, tôi càng thấy mình trẻ con. Có hôm anh mệt ngủ sớm tôi phải mắc mùng, sáng ra anh la, bảo có bầu không được vói lên, nguy hiểm. Buổi tối anh chở tôi đi ăn ốc, ngán ốc ăn cua, ngán cua ăn hột vịt lộn, toàn món bổ xương. Có hôm tôi thích rau má, anh bảo thứ đó uống vô loãng máu. Rồi hai đứa đánh đu đánh võng trên xe cà tàng, anh vui như tết, chiếc xe chạy trên ổ gà lổm ngổm, tôi nhắc khéo anh chở cả con, thế là anh từ tốn hẳn. Hôm đi khám thai, thấy đàn bà con gái đông như trẩy hội ở phòng chờ đợi, người cho con bú, người ấn ấn đầu vú cho sữa đừng rịn ra, tôi thấy mặt anh đỏ ửng. Trên đường về tôi cố vặn hỏi có phải anh ngại, anh thừa nhận mình chưa quen đấy thôi, em có bầu lần sau chắc hết. Tạt vào nhà sách, anh tặng tôi quyển Những điều cần tránh khi mang thai, định mua thêm cuộn băng nuôi dạy con nhỏû, tôi ngăn lại, bảo băng này trên tivi đã phát. Tôi lựa dĩa CD, cố tìm list lạ nhưng vô ích bởi chương trình top ten bây giờ luôn có bài trùng. Tôi đã đọc quyển sách đâu đó nói rằng khi phôi thai được vài tháng đã biết nghe, vì thế tôi thường nghe nhạc, nghe nhiều sau này đứa bé biết đâu có thẩm âm cao, từ đó trở thành nhạc sĩ hay ca sĩ chẳng hạn. Nghĩ đến đó tôi cười cho ý nghĩ phù du của mình. Chồng tôi thực tế hơn, anh ấy muốn con thành đạt và có nhân cách dù làm nghề nào cũng được. Mỗi lần tranh cãi bao giờ tôi cũng thua anh, nhưng anh nhượng bộ, anh sợ tôi buồn, tôi buồn sẽ sinh con mặt buồn thiu, anh vẫn thường nói thế. Chúng tôi giao ước cho anh đặt tên nếu sinh con gái, tôi sẽ đặt tên nếu sinh con trai. Kể từ đó hai vợ chồng ngấm ngầm chọn tên cho con, dù chẳng ai nói ra.***Năm tháng, bụng tôi tròn lẳn. Tôi mập hẳn ra, chỉ tội trên mặt nổi đầy tàn nhang. Họ nói khi mang bầu bà mẹ xấu đi thì đứa con sau này đẹp ra, hoặc khi mang bầu bà mẹ cứ nhìn người đẹp, ảnh đẹp sau này đứa con cũng đẹp. Vì thế đêm nào tôi cũng nhìn chồng, nhìn chằm chằm vào mắt, vào mũi anh ấy, nhìn khi anh ngủ, khi anh xem tivị Biết chuyện anh bảo nhìn anh anh ngượng, hôm sau chẳng biết sưu tầm đâu ra anh đưa tôi xấp ảnh diễn viên Hàn Quốc. Tôi la ó nói rằng muốn con giống anh, chính anh không thể ai khác. Rồi anh vào tủ lấy quyển album ngày cưới. Hai đứa xem hình rồi chỉ chỏ bảo nét này giống anh, nét này giống em… và chúng tôi rất muốn con mình là kết quả những ưu điểm của cha, của mẹ cộng lại. Chúng tôi mong vậy, nhưng hình thể chúng tôi chỉ mức trung bình trong mắt người dễ tính. Tôi tóc tai quăn tít, anh nước da đen sạm, nếu giống hai gien này, anh đùa khi đó tụi mình đi diện con lai. Thỉnh thoảng anh vẫn đùa, vẫn trò chuyện với bé dù chưa biết giới tính, chưa đủ hình hài. Hôm lĩnh lương, tôi mua heo đất to đùng mang về rồi tuyên bố chắc nịch cùng anh: Tích lũy. Tôi nhẩm tính sẽ xài bao nhiêu, dành dụm bao nhiêu trong tháng, để khi sinh, nào tiền dịch vụ, nào tiền tã lót, nào tiền bồi dưỡng cho chị hộ lý để chị luôn mỉm cười. Chồng tôi thấy con heo đất trách yêu:- Nuôi chồng không nỗi mà lại nuôi heo.- Nuôi heo dễ hơn nuôi chồng, thích thì cho ăn, không thích thì thôi, không cafe thuốc lá, không uống được rượu bia, em nuôi chắc mập.Mập đâu chưa biết, chỉ biết bao giờ nó cũng đói rỗng. Thấy tôi lo xa, anh ấy thú nhận đã tính hết rồi, chỉ chờ ngày sinh đẻ. Hôm đi siêu âm xem trai hay gái, tôi thấy có cặp vợ chồng bước ra hớn hở, cũng có cặp ỉu xìu như muốn đổ lỗi cho nhau. Tôi nghĩ trai hay gái cũng vậy, trong việc này không ai lỗi cả, lỗi chăng chỉ là quan niệm. Khi đến lượt tôi, bác sĩ nói siêu âm hơi sớm. Nhìn gương mặt cầu khẩn của tôi, ông ra chiều thông cảm. Lát sau ông đưa tờ giấy, ghi kết quả siêu âm con gái, tôi đưa cho anh, anh nhìn tôi cười cười. Tôi hình dung con bé giống cha, có nước da nâu là lạ, kiểu model thời thượng bây giờ. Rồi chồng đi làm về sớm đón con, tranh thủ buổi tối chở con học múa, Chủ nhật đi dạo công viên, cả gia đình chụp hình, tay con ôm gấu bông, người chụp hình giơ tay bảo nhìn ông và cười, mà ông có gì để nhìn. Con chạy lăng xăng, ve vãn hàng đồ chơi bằng mủ, rồi con chỉ búp bê, khi ở nhà thứ này có đầy. Chiều ra về, tôi ngồi phía sau, con ngồi ba ga phía trước, tay cầm bong bóng, con hát líu lo: “Ba thương con vì con giống mẹ…”.***Bảy tháng, bụng tôi vượt mặt. Bây giờ tôi thường khệ nệ đi bộ quanh vườn cho dễ sinh. Nhã Ca là tên chồng đặt cho con khi vừa siêu âm. Cũng kể từ đó anh lấy tên con gái làm bút danh cho mình. Tôi đùa: “Sau này con thành nhà văn, lấy tên gì hở anh”. Anh giật mình, bảo làm nhà văn khổ lắm, cứ phải trăn trở cuộc sống liên tục. Sau đó chúng tôi hướng nghiệp đủ nghề cho con, khi con chưa chào đời. Mẹ tôi nghe chuyện, bà la: “Mong mẹ tròn con vuông là được”. Rồi mẹ kể mỗi lần mẹ sinh là mỗi lần vượt cạn. Ăn cơm với muối, nằm than, uống nước củ nghệ pha nước tiểu trẻ con, vậy mà khi ra cử mẹ vẫn trắng hồng, chắc nịch. Thấy tôi lè lưỡi, mẹ bảo chúng mầy rõ gớm, chẳng bù cho ngày xưa còn bé, mẹ vẫn thường nhai cơm cho ăn, thức ăn đỏ lỏm, vì khi đó mẹ biết ăn trầu. Ngày trước ông bà dạy sao làm vậy, chưa biết khoa học là gì. Rồi chúng tôi lớn lên trong sự nghèo khó, cứ thế trải dài đầy ắp những buồn vui, lấy câu hát ru của mẹ làm ký ức tuổi thơ cho mình. Tôi hình dung ra mẹ ru con, bây giờ bà sắp ru cháu, những bài hát ru mà mấy mươi năm bà không quên một từ, điều mà sau này có con, có cháu tôi không bao giờ làm được. Khi tôi sắp có con cũng là khi tôi thương mẹ nhất, nhìn mẹ cười nhăn nheo cằn cỗi, tôi man mác buồn, thấy những điều thiêng liêng cũng mong manh quá đỗi.Chồng tôi dạo này vui hẳn, hết giờ làm việc anh chạy về nhà, không lang thang quán bia bình dân ven đường, dạng thường thấy khi tan sở. Hôm thì anh mua chiếc nôi, bữa anh mua ghế ngồi cho con. Có lần chở tôi đi chợ, anh chỉ vào những chiếc áo đầm nhỏ tí được may cầu kỳ ren xanh, ren đỏ. Thấy bé gáiù bụ bẩm trong tiệm, anh nhìn mê tít rồi lấy tay nựng nựng, đứa trẻ nhìn anh hoảng hồn khóc điếng. Mọi người nhìn anh cảm thông, lời xầm xì lan ra góc chợ. Những ngày sau đó, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ cho con trước khi chào đời, để được điều này, đêm nào anh cũng gồng người viết lách. Thấy anh vất vả tôi cũng trằn trọc, rồi anh giục tôi ngủ, bảo nằm nghiêng cho tốt thai nhi, cố đừng để cúm, phải giữ sức khỏe để sau này còn thi mẹ khỏe con ngoan. Có hôm con đạp đau điếng, tôi khoe, anh nói còn nhỏ mà quậy, tôi nói giống anh, anh lại cười toe toét.***Chín tháng, tôi mệt mỏi nhiều, di chuyển càng nặng nề hơn. Tôi xin nghỉ phép, nghỉ sớm vài ngày trước khi sinh con. Chồng tôi khuyên dưỡng sức, tôi tham lam đi làm tranh thủ từng ngày trong bốn tháng phép. Cuối cùng tôi cũng nghe anh. Suốt ngày ở nhà buồn bã, tôi đọc lại những tờ báo cũ, nghe hết đĩa nhạc đã mua từ trước, đôi khi cáu gắt mắng chó, chửi mèo. Chồng tôi rất tâm lý, tối nào anh cũng ân cần hỏi han, hỏi tôi thấy thế nào trong người. Rồi anh pha nước, lấy khăn lau mặt cho tôi, chuẩn bị chỗ nằm cho tôi ở cử. Hôm đau bụng đẻ, thấy anh luống cuống thật tội nghiệp. Nằm trong bệnh viện, tôi đau đớn chụp cắn tay anh, anh cắn răng chịu đựng. Tôi mệt lã người như muốn ngất đi, giây phút đau điếng ngất trời. Bỗng tiếng khóc của con vang lên làm tôi khóc theo, tôi khóc vì hạnh phúc, thế là Nhã Ca cũng chào đời. Lát sau chồng tôi và mẹ bước vào, bác sĩ thông báo: “Con trai, ba ký”, khác kết quả siêu âm ban đầu. Tôi thấy mặt mẹ và chồng ngẩn ngơ rồi sung sướng ngắm nhìn thằng bé. Trong khi mọi người vừa ngạc nhiên vừa hạnh phúc thì chỉ mỗi bác sĩ đỡ đẻ là thản nhiên, bởi những chuyện tréo ngoe thế này thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Chồng tôi không kìm được xúc động, anh hôn tôi rồi nắm tay thỏ thẻ: “Thế là mọi dự định của chúng mình đều thay đổi, kể cả tên con…”. Tháng 8/1999