Giời đương giữa trưa, nóng như nung như đốt. Mấy khóm trúc cùng mấy cây tử vi ở vườn cảnh sân trước vẫn im phăng phắc. Những rặng cúc vạn thọ thì hoa cùng lá đều héo rũ xuống đất.

Chúng tôi vừa ăn cơm xong. Cụ giáo Koát cùng tôi đương nằm đối diện nhau ở hai bên bàn đèn thuốc phiện. Thỉnh thoảng cụ tiêm xong lại đưa dọc tẩu về phía tôi và mời tôi: "Xơi một điếu", nhưng lần nào tôi cũng từ chối: "Xin mời cụ, quả tôi không sao được". Cụ cũng không có ép nài quá, vì cụ cũng chẳng muốn cho tôi mắc cái bệnh phù dung này làm gì.

Được một lúc, cụ Giáo đặt dọc tẩu xuống giường, nằm ngửa nhìn lên mái nhà. Trước tôi còn tưởng cụ nằm nghĩ điều gì, sau nghe thấy tiếng ngáy se sẽ, mới biết rằng cụ ngủ.

Tôi nằm một mình, buồn quá, nghĩ quanh nghĩ quẩn: Rõ chán chửa! Mình đương ở Hà Nội, tự nhiên mò lên đây, tưởng để xa lánh nơi thành thị huyên náo mà đến hưởng vài ngày cái thú thanh nhàn ở chốn quê mùa tĩnh mịch; ai ngờ lên nằm bẹp ở một xó nhà gianh nóng nực mà nhìn ngọn đèn nha phiến, mà nghe tiếng dọc tẩu khè khè bên tai. Rõ buồn quá! Chán quá!

Bỗng dưng nghe thấy có tiếng thét mắng rầm rĩ ở sau nhà giáo, rồi kế đến từng tràng lời thô tục cùng là những câu chửi rủa bẩn thỉu mà chỉ có đàn bà nước ta là thường dùng thôi. Tôi toan hỏi xem tiếng huyên náo ấy ở đâu đến thời thấy tên người nhà cụ Giáo đứng nói một mình rằng:

- Mợ Ba đã cãi nhau với bà Ba rồi!

Lúc bấy giờ cụ Giáo đương thiu thiu giấc điệp nha phiến, chợt có tiếng ầm ỹ như tiếng lệnh đánh bên tai, liền giật mình ngồi nhổm dậy, hỏi tôi rằng:

- Cái gì thế?

Tôi tủm tỉm cười mà đáp lại rằng:

- Chả biết mợ Ba với bà Ba nào đương cãi nhau đấy.

- à... à... à... ! Lại ngỡ là cháy nhà ở đâu. Tệ quá! Mình vừa chợp mắt được một tị.

Nói xong, cụ lại toan nằm ngủ.

- Này cụ, bà Ba với mợ Ba nào thế?

- Sao ông biết là bà Ba với mợ Ba?

- Tôi thấy thằng Dục (tên người nhà cụ giáo Koát) nó bảo thế; nhưng tôi không biết bà Ba nào với mợ Ba nào.

- Bà Ba là vợ ba quan Phủ mà mợ Ba là con dâu thứ ba quan Phủ.

- à! Thế ra lại chuyện mẹ chồng con dâu đấy phải không? Thưa cụ?

- Nào có phải mẹ chồng con dâu, ông ngồi thong thả, tôi kể đầu đuôi câu chuyện cô Ba này, ông nghe.

Cụ giáo Koát nói dứt câu, liền mở chụp pha lê lấy kéo chữa ngay ngắn ngọn đèn lại, rồi tay cầm dọc tẩu, tay cất tiêm, lấy thuốc tiêm một điếu hút. Đoạn, nằm ngửa nhìn theo làn khói từ từ bay lên nóc nhà, hình như cụ nằm nghĩ xếp trước câu chuyện sắp kể, để cho các đoạn được có liên tiếp với nhau vậy.

Tiếng chửi rủa ở bên phủ thời lúc bấy giờ có phần lại dữ dội hơn trước, lại thêm tiếng trẻ con khóc, tiếng chó cắn nữa, khiến cho một xóm rất tĩnh mạc đã trở nên một nơi rất huyên náo.

Tôi nằm chờ đã hơi nóng ruột, liền giục cụ giáo Koát rằng:

- Câu chuyện thế nào? Thưa cụ? Cụ kể cho tôi nghe mấy.

Cụ giáo đã nhắc tiêm, tiêm điếu thứ hai, bèn vừa tiêm vừa kể rằng:

*

* *

"Quan Phủ này đổi về đây đến nay được ba năm, sau tôi gần hai năm, nhưng ông ấy lấy cô này từ ngày ông ấy còn ở phủ Thường. Tôi với ông ấy là bạn đồng khoa mà lúc bấy giờ tôi lại đương ngồi Huấn đạo Hoàn Long, nên thỉnh thoảng tôi cũng có đến chơi. Ông ấy tiếp đãi tôi rất tử tế, ông ấy vốn là một người tốt lắm, xuềnh xoàng thế nào xong thôi, mà lại có bụng thương dân.

"Cách gần một năm, tôi không đến phủ chơi, mà tôi cũng không nghe thấy ai nói chuyện đến quan phủ Thường. Là vì rằng: Ngài tính làm Huấn đạo mà lại mắc cái bệnh phù dung này thì còn hay đi chơi đâu được nữa mà biết chuyện người khác.

"Một hôm tôi ra Hà Nội, bỗng gặp ông ấy ở phố Hàng Lọng, ông ấy liền kéo ngay về phủ.

"Hai người vừa tới cổng phủ, đã nghe tiếng ai the thé ở trong phủ, hình như có người đàn bà nào đương thét mắng đầy tớ. Khi vừa qua công đường thì trông lên thềm nhà tư thất, thấy một người đàn bà đương ngồi xếp bằng ở trên cái giường có giải chiếu hoa, đương xỉa xói vào mặt một đứa con ở đứng khoanh tay cúi đầu và tựa vào cột nghe chửi.

"Người đàn bà nghe thấy tiếng giầy chúng tôi, liền quay lại, rồi thu vạt áo làm như bộ sắp đứng dậy, nhưng kỳ thực có đứng dậy đâu, chỉ hơi ngả đầu chào tôi. (Bà ta thấy tôi, người cũ kỹ mà lại ăn mặc lôi thôi thế này, hèn nào mà chả làm ra mặt khinh bỉ), rồi nghiễm nhiên nói với quan Phủ, coi như là tôi không có ở đấy:

"- Ông về mà xem đầy tớ ông này! Ai lại mình mệt không ăn được cơm, nhờ nó nấu cho niêu cháo mà nó nấu đặc thế này thì ăn làm sao được?!... Hử con ranh kiả!

"Nói đoạn, liền cầm bát cháo hắt ngay vào mặt đứa con ở, may chỉ tới ngực nó thôi, chứ vào mặt thì có lẽ con bé bị bỏng róc da chứ chẳng chơi.

"Cháo chảy ròng ròng từ vạt áo đứa ở xuống đất, thành một đống ở bên chân cột, trông rất gớm ghê như người nào mới nôn oẹ ra vậy.

"Quan Phủ nhìn tôi một cách bẽn lẽn, rồi quay lại mắng con ở:

"- Muốn sống quét ngay đi, rồi xéo xuống nhà! Lại bảo bà Phủ: (Vì tôi chắc người ấy là bà Phủ).

"- Cô bảo nó làm cơm, có quan Huấn Hoàn Long là bạn đồng khoa với tôi. (ý chừng cụ phải kể lý lịch tôi ra thế thì cô Phủ mới cho bữa rượu tinh tươm hẳn!).

"Đoạn, gọi lính bảo ra Chánh đội mượn bàn đèn, nhưng tôi thấy cô Phủ có ý không bằng lòng, nên từ chối ngay rằng:

"- Tôi cơm xong mới ăn thuốc, và ăn cũng không mấy.

"Đến bữa cơm thời quan Phủ, cô Phủ và tôi cùng ngồi bàn ăn. Lúc bấy giờ tôi mới nhìn rõ mặt cô Phủ.

"Cô ta vào khoảng hăm hai hăm ba, người vừa tầm, trông cũng phải phải, không đẹp không xấu, mà ăn vận cũng đơn sơ, không có trang sức gì lắm, chỉ đeo có cái nhẫn mặt ở ngón tay út, chứ không có đeo hạt đeo xuyến gì cả.

"Giọng cô ta như cái lệnh vỡ! Từ đầu bữa đến cuối bữa chỉ nghe thấy tiếng cô ta. Nào gọi bếp hâm thức nọ hâm thức kia; nào mắng bếp làm món này vụng, món kia mặn quá; nào quan Giáo xơi bóng đi - quan Giáo xơi giò đi. Rồi lại nói đến chuyện thằng Chánh tổng này bảo, thằng Chánh tổng kia bảo, thằng Lý trưởng kia xem... Thôi thì chẳng chuyện gì là cô ta không nói đến nữa.

"Ăn xong, tôi xin về, Quan Phủ giữ lại, nhưng tôi nhất định không ở, nói có việc cần phải về ngay. Cô Phủ thời mời lấy mời để:

" - Thế nào? Quan Giáo đòi về à? Hãy ở chơi đã chứ? Về, tôi giận đấy! Chúng mày đi lấy bàn đèn đi.

"Tôi cứ một mực xin về, Quan Phủ bèn bảo đóng xe tiễn tôi ra ga".

*

* *

Nói đến đây, cụ giáo Koát ngồi dậy, tháo tẩu, lấy móc nạo sái... Tôi nóng ruột muốn nghe nốt câu chuyện cô Ba, liền hỏi:

- Thế rồi sao nữa cụ?

Cụ giáo tủm tỉm cười mà đáp rằng:

- Hãy thong thả, để tôi đánh xong lượt sái đã, rồi sẽ kể tiếp theo.

- Cụ kể chuyện khéo lắm, chuyện hiện thời kể như cụ thế mới phải. Lý thú lắm!

Cụ giáo nghe tôi phỉnh mấy câu, đắc chí cười ha hả!

- Ừ, ông tính tôi kể chuyện có giỏi không? Nhớ kỹ lấy rồi viết tiểu thuyết nhé!

- Xin vâng. Mà xin chép y như nhời cụ kể không thêm không bớt chút nào.

Lúc này, tiếng cãi cọ Ở bên tuy đã bớt, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn văng vẳng đến bên tai. Ngoài những tiếng ấy không còn cái tiếng người, tiếng vật nào khác nữa, khiến cho tôi lại nghĩ đến cái cảnh trầm mặc ở nơi thôn dã, mà lúc mảng nghe chuyện không nghĩ đến.

Cụ Giáo đánh sái đã xong, đặt nạo xuống khay, rồi vừa viên vừa kể rằng:

*

* *

"- Quan Phủ cho xe tiễn tôi ra ga. Tôi ngồi trên xe nghĩ thầm rằng: "Quái! Mấy lần trước mình đến chơi, sao không thấy cô này". Nghĩ thế rồi liền hỏi người lính cầm cương xe:

"- Cậu Quyền, bà Phủ này là bà thứ mấy thế?

"- Thưa cụ, bà Ba.

"- Thế bà Cả còn không?

"- Bẩm, bà Cả mất rồi.

"- Còn bà Hai?

"- Bẩm, không thấy nói đến bà Hai bao giờ. Nghe như cũng mất rồi thì phải.

"- Bà này người đâu? Cậu có biết không?

"- Thưa cụ, người Hà Nội phố Hàng Bè... Bẩm, đến nơi rồi, mời cụ vào ga lấy vé.

"Tôi xuống xe rồi, còn hỏi với người lính một câu:

"- Bà Ba đã có cậu, cô nào chưa?

"Người lính vừa rẽ cương ngựa, vừa đáp:

"- Bẩm, quan Phủ con mới lấy bà Ba con được mấy tháng nay.

"- Thế à!... Thôi cậu đánh xe về nhé. Nhờ cậu về bẩm quan rằng tôi có nhời cảm tạ quan nhé.

"Được ba bốn tháng, tôi thăng Giáo thụ phủ này, nên lâu không nghe thấy ai nói đến chuyện Quan Phủ Thường nữa.

"Cách hai năm sau, một hôm thầy Chánh đội đến nói với tôi rằng: Quan Nguyễn Văn Hưng sắp đổi lên đây. (à, tôi quên chưa nói cho ông biết tên Quan Phủ là Nguyễn Văn Hưng). Tôi nghe nói giật mình hỏi dồn mấy câu:

"Ông Nguyễn Văn Hưng đổi lên đây à? Ai bảo thế? Tin ấy có đích không?

"- Bẩm đích lắm. Chỉ mươi hôm nữa là Quan Phủ mới dọn đồ lên đây thôi. Bẩm chúng tôi sắp đi đón ngài.

"Tôi được tin ấy, nửa mừng nửa sợ. Mừng là mừng được người bạn đồng khoa sắp sửa lại là bạn đồng thành; sợ, là sợ phải gần cái khoản ấy thì cũng hơi phiền.

"Quan Phủ về nhậm chức được dăm hôm, tôi sang chơi, ngài giữ lại ăn cơm. Bữa cơm hôm ấy cũng na ná như bữa cơm ở phủ Thường. Cô Ba thời tính nết vẫn không đổi một chút, cái giọng the thé vẫn còn y như cũ. Duy có một điều khác là khi ở Thường Tín thì chỉ có Quan Phủ, cô Phủ với tôi, ngồi ăn cơm mà thôi. Bây giờ lại thêm một cậu cũng cùng ngồi ăn. Sau tôi hỏi mới biết cậu ấy là con thứ ba quan Phủ, đã học được mấy năm ở trường Cao đẳng, thi hỏng, nên bây giờ ở nhà. Cậu ta, trông người cũng thông minh, mà ăn nói lại lễ phép lắm, nói chuyện với tôi cứ một điều con, hai điều con. Nhưng lúc cậu ta ứng đối với cô Ba thì ra hẳn một người vô lễ. Nói trống không, chẳng thưa gửi gì cả, mà cô Ba thì vẫn làm ra mặt yêu mến cậu ta lắm. Anh Ba ăn thịt đi. Anh Ba gắp đồ ăn đi chứ!

"Đến lúc mang đồ nước ra, cô Ba mời tôi ăn mứt dứa:

"- Này Quan Giáo xơi thử miếng mứt dứa xem làm có khéo không! ấy cháu nhà tôi nó làm đấy.

"Bỗng có tiếng "ứ ừ" thật to ở trong buồng bên cạnh liền ngay chỗ kê bàn ăn.

"Cô Ba thấy tôi có ý nhìn vào buồng thời mặt tái mét đi rồi nói lảng ra chuyện khác ngay.

"Trưa hôm ấy, tôi vừa về tới nhà, đã nghe thấy tiếng cãi nhau rầm rĩ ở bên phủ, cũng y như lúc ban nẫy vậy. Sau tôi hỏi ra mới biết rằng người kêu "ứ ừ" là vợ cậu Ba ngồi ăn cơm hôm ấy. Chính mợ ta đã làm mứt dứa, thấy cô Ba bảo mình là cháu thời lộn tiết lên mà ở trong buồng nguýt ra. ấy từ đấy đến nay, hai bên vẫn đôi co nhau như thế mãi đấy, làm cho tôi thỉnh thoảng lại mất giấc ngủ trưa".

- Thế cụ có biết cô Ba này trước là nghề gì? Đã lấy ai chưa? Hay là lấy ngay Quan Phủ?

Tôi chỉ biết bà cụ sinh ra cô ta bán củi ở phố Hàng Bè thôi.

Bóng chiều đã xế, ngọn cây đã phe phẩy, tôi bèn rủ cụ Giáo hãy cất bàn đèn, ra bờ ao sau nhà ngồi chơi mát.

Bỗng nghe có tiếng đưa võng cọt kẹt, rồi có tiếng người con gái ru em, nghe rất dịu dàng mà lại rất sầu não.

Hát rằng:

"Mấy đời sấm trước có mưa!

Mấy đời dì ghẻ có ưa con chồng!

"Bồng bống bông".

Cụ giáo Koát liền chỉ tay sang bên phủ mà bảo tôi rằng:

- ấy, đã sắp đấy!

Trích từ Tuyển tập truyện ngắn đầu thế kỷ XX