Tình yêu - hôn nhân ư, tựa như cành hoa tươi trong vườn, nhưng cứ hễ cắt đem cắm lọ chỉ được ba ngày là héo. Không quá bi quan để nói con người trong những thói hư, thói dễ chán sự yên ổn, nhăm nhăm "khám phá người mới - quảng canh, không chịu thâm canh tình yêu"... đã khiến nó chịu nhiều sứt đầu mẻ trán nhất. "Cỏ" của ý Nhi, giống như một tiếng thở dài của người đã đi qua nhiều vĩ tuyến để nhìn và yêu lại vạt nắng chiều trong vườn nhà chị. Thoa đã điện mời anh vào giải quyết chuyện ly hôn giữa hai người. Anh đã hẹn Thoa ở toà án vào lúc 13 giờ. Nghĩ đến việc phải trông thấy nhau, phải trò chuyện, chào hỏi, anh gần như sợ hãi. Lạy trời cho mọi việc được nhanh chóng. Lạy trời. Một giọt nắng rơi chỗ góc bàn tựa đồng xu vàng. Còn 6 tiếng đồng hồ rỗi rãi. Anh không muốn dàn mặt các ông chú, bà bác, các bà chị, các cô em quá yêu thương, quá để ý đến cuộc đời anh. Anh không muốn nghe cái Hạnh rền rĩ: “Khổ thân anh, em đã bảo mà... ”. Anh không muốn nghe chị Lan dịu dàng: “Cậu lúc nào cũng hậu đậu, vội vàng. Ngày bé cậu cứ hết sưng đầu gối lại trầy tay... ”. Không, anh không muốn gặp bất cứ người quen nào, anh không muốn bất cứ ai nhắc đến Thoa, đến cuộc hôn nhân của họ. Nhưng chỉ một mình... Liên. Phải rồi, chỉ có Liên là người anh có thể trò chuyện vào lúc này. Liên là bạn học của anh từ ngày vào đại học. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà hàng chục cô nàng xinh đẹp đã vào cái năm thứ nhất ấy. Cả khoa, cả trường nhốn nháo vì các nữ sinh mới nhập học. Bọn con trai lớp anh vênh váo như nhà có kho báu. Đối với anh, trong cái kho báu đó, Thục Anh quý giá hơn cả. Cô xinh đẹp, thông minh và hát rất hay. anh và cô đã trở thành một cặp tuyệt hảo. Họ đi đâu cũng có người ngoái nhìn. Những đêm liên hoan, anh đệm đàn cho cô, họ là cặp giai nhân tài tử đích thực. Họ cưới nhau vào những ngày cuối cùng của năm thứ tư. Bà con, thầy cô, bạn bè hân hoan cùng họ. Âậy vậy mà cuộc chung sống của hai người lại buồn chán, tẻ nhạt. Thiếu những ánh mắt thán phục, thiếu những lời khen ngợi, thiếu những tràng vỗ tay, họ như cá thiếu nước. Sau một năm Thục Anh bỏ nghề, xin chuyển sang làm phiên dịch ở Bộ Ngoại giao. Cô xinh đẹp, tươi tỉnh hơn, chăm sóc anh nhiều hơn, cho đến ngày nhân một chuyến công tác đến Italia, cô đã không trở về. Những tin tức anh nhận được trái ngược nhau đến độ kỳ quặc. Lúc thì Thục Anh đã lấy một tay tỉ phú, lúc thì Thục Anh thất nghiệp, đi hát ở quán bar. Lúc khác lại có tin Thục Anh qua Đức, qua Pháp... không có lời nhắn nào từ cô. Anh đột ngột xin chuyển về một vùng quê xa Hà Nội. Ở đó anh có một gian phòng 15m2 như các giáo viên khác. Ngoài giờ dạy, anh đọc sách và giúp các học sinh giỏi. Mọi người nể sợ anh vì lòng tận tuỵ câm nín của anh. Rồi anh lấy Thoa, một cô giáo cùng trường. Cuộc hôn nhân gây sửng sốt cho gia đình và bạn bè bởi sự bất xứng giữa hai người. Thoa là một phụ nữ quá bình thường so với người vợ trước. Họ sinh con gái. Đứa bé xinh xắn là tất cả niềm vui của anh. Lâu lắm anh mới lại cười đùa. Anh hát lại những bài hát cũ. Rồi anh bỗng nhớ Thục Anh như điên dại, nhớ cái bóng dáng vẫn đứng cạnh anh trong những đêm ca hát thời sinh viên. Anh về Hà Nội, đến Bộ Ngoại giao tìm tung tích Thục Anh nhưng không có tin tức xác thực. Có lẽ họ đã quên cô hoặc không muốn nhắc tới cô. Anh về nhà, mua rất nhiều quà cho Thoa và bé Thuý. Con bé ngồi giữa đống đồ chơi mắt sáng rực, luôn mồm nói những câu không đầu không cuối. Anh nhìn con mà ứa nước mắt. Anh không biết anh muốn gì. Anh tìm Thục Anh để làm gì. Anh còn yêu cô hay đó chỉ là sự luyến tiếc đời sống thị thành? Tại sao anh lại lấy Thoa? Một đời sống lành mạnh như thế này không đủ sao? Liệu anh có thể rời xa bé Thúy không? Chiều chiều anh dắt bé Thúy đi chơi qua mấy con đường vắng. Trông họ như hai kẻ đi lạc. Thoa không căn vặn anh về chuyến đi Hà Nội, về những thay đổi của anh. Cô vẫn chăm nom anh thật chu đáo, dịu dàng nhưng anh thấy cô gần như đã mất đi vẻ hồn nhiên. Ngày trước, nghe tiếng xe đạp của anh, dù đang thổi cơm, giặt giũ, cô vẫn chạy ù lên đón anh, cất chiếc mũ, chiếc cặp, sắp lại đôi dép cho ngay ngắn. Bây giờ cô vẫn làm tất cả mọi việc, cô vẫn cười, có điều đôi mắt cô không còn cái ánh hạnh phúc của ngày trước. Cho đến chiều 30 Tết năm đó, sau khi làm mâm cỗ cúng, cô nhờ anh thắp hương cho ông bà. Cô lau bàn, thay ấm trà mới như có khách. Rồi cô mời anh uống nước. Cô cầm chén trà giữa hai bàn tay, những ngón tay rất tròn trịa. Cô nói, mắt nhìn vào chén trà đang khẽ sóng sánh, “Em nghĩ anh nên chuyển về Hà Nội một thời gian. Công việc ở đây chưa xứng với sức của anh. Sau này nếu anh muốn về lại cũng không khó”. Cô ngừng lại một lát như để lấy hơi rồi nói tiếp, mà có khi mấy năm nữa em về Hà Nội theo anh cũng không chừng. Em có người chị con bác làm ở bộ lâu năm, chị ấy có thể giúp được. Anh nuốt ngụm trà, nói khẽ: “ắn Tết xong rồi tính!”. Tết năm đó họ sống với nhau gượng nhẹ như đang cầm trên tay một vật quá mỏng manh. Rồi anh về Hà Nội, ở nhờ nhà người chị ruột. Nhà rộng, anh có riêng cho mình một phòng nhỏ. Trên bàn làm việc anh để một bức ảnh của Thục Anh ngày còn đi học và một bức ảnh chụp gia đình anh. Thoa ôm bé Thúy nhìn anh âu yếm. Còn Thục Anh thì thật xa cách. Anh yêu tất cả họ nhưng anh không làm sao thu xếp một cuộc đời có họ. Anh hoà vào dòng chảy của thị thành một cách tự nhiên. Anh gặp lại bạn cũ, quen thêm bạn mới. Nhưng anh không thật thoải mái, thậm chí thấy ngượng nghịu giữa họ. Anh không sao xua đi ý nghĩ rằng mọi thứ lễ lạt, hội hè của họ có cái gì đó giả tạo. Đôi khi anh đến rồi đột ngột bỏ đi. Anh biết anh làm phiền họ. Anh biết có một cô nàng rất xinh đã nói sau lưng anh: Tay này dở người hay sao ấy. Thỉnh thoảng anh lại về thăm Thoa. Có lần anh đưa bé Thúy lên Hà Nội. Con bé như ngây dại trước người xe, phố xá. Nó bắt anh dừng lại để nó xem đèn xanh đèn đỏ, xem người ta đột ngột đứng dừng lại rồi đột ngột ào qua đường. Nó cười như nắc nẻ: “Sao người ta buồn cười thế hả bố?”. Bác Tâm mua cho nó một con lật đật to đùng. Đêm nó cho con lật đật nằm bên cạnh, lúc lúc lại chạm tay để con lật đật kêu bính bong, bính bong... Rồi anh nhận được thư Thoa. Cô nói cô đã gặp lại Bình, một người bạn học cũ vừa từ chiến trường về. Cô yêu quý Bình và nghĩ rằng giữa cô và Bình có nhiều gần gũi hơn. Cô rất mong anh hiểu cô. Anh xé toạc bức thư, đùng đùng ra bến xe về quê. Đang bước xăm xăm anh xuýt va phải một người. Liên đứng trước mặt anh từ khi nào. Có lẽ Liên đã nhìn thấy và chú ý đến vẻ mặt khác thường của anh từ một lúc trước. Thay cho câu chào, chị vừa cười vừa hỏi: “Đi đâu mà đằng đằng sát khí thế này”?. Trời ơi, lại là Liên, tại sao bao giờ cũng là Liên. Anh chực kêu to lên rồi kìm lại được. Hồi xảy ra chuyện Thục Anh, xấc bấc xang bang như thằng mất trí, anh cũng tình cờ gặp Liên ở nhà một người bạn. Liên đã cùng anh chạy hết nơi này đến nơi khác tìm tin tức Thục Anh. Đến khi đã hết hy vọng, Liên chỉ bảo: Âu cũng là số kiếp! Nào Thục Anh có sung sướng gì”. Liên mời anh vào quán nước bên đường, kêu hai ly nước chanh. Anh nuốt ngụm nước chanh khó khăn như đã từng nuốt ngụm nước trà chiều 30 Tết năm nào. Anh kể lể mọi sự với Liên. Liên chăm chú nghe. Bao giờ Liên cũng chăm chú nghe. Liên bảo anh: “Tôi nói Định đừng giận, trên đời không có người phụ nữ thứ hai như Thoa đâu. Cô ấy muốn giải phóng cho anh đó. Chắc chắn Định phải về gặp Thoa nhưng không phải hôm nay. Đừng làm điều gì dại dột xúc phạm cô ấy. Còn một điều nữa rất quan trọng là bé Thuý. Anh nên để Thoa nuôi con, vì cô ấy chắc chắn sẽ nuôi dạy con bé nên người”. Liên không nằm trong số các “hoa hậu” của lớp anh nhưng cô có một giá trị không dễ tìm thấy trong đời. Cô điềm đạm, đằm thắm, chân tình. Có lẽ cô đã có một chút tình cảm với anh hồi họ còn đi học. Có lần nhắc đến đám cưới của anh và Thục Anh, cô đã vừa cười vừa nói: “Này, tôi đã ăn kẹo với một chút cay đắng đấy nhé”. Đó là lần duy nhất cô bày tỏ tình cảm với Định. Rồi không hiểu từ lúc nào, cô có vẻ như một người chị của anh. Cô lúc nào cũng đúng. Có điều, Liên chỉ thực sự đúng trong các việc của người khác. Liên lấy chồng muộn. Khi cô quen Thiện, anh đang được in truyện ngắn đầu tay. Thiện đem tặng cô những tờ báo có đăng truyện của anh. Anh thường mặc chiếc sơmi màu cỏ úa, tóc hơi dài, khuôn mặt xương và xanh xao. Anh và mấy người bạn vừa uống thứ nước trà đen như nước thuốc vừa nhắc Tsêkhov, Lỗ Tấn, Hêmingway, Moravia... Liên bị lôi cuốn vào niềm say mê của họ. Liên nhận lời lấy Thiện vào mùa đông năm đó giữa bao lời chúc tụng của giới văn nghệ. Nhưng niềm say mê văn chương của Thiện chỉ là một thứ tình cảm, một sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Nó tàn lụi rất nhanh khi anh được về làm biên tập văn học ở một tờ báo. Bây giờ, anh và mấy người bạn mò tìm cái “gu” của mỗi tờ báo để viết sao cho thích hợp, cho dễ được in. Những truyện ngắn mang tên Duy Thiện với các cuộc tình tay ba, tay tư, những trang viết mùi mẫn về chuyện chăn gối... được in rất nhiều. Rồi tập sách thứ nhất ra đời. Tập sách thứ hai có sự tài trợ của một giám đốc nào đó. Những cú điện thoại, những lời thăm hỏi đầy tâng bốc. Liên nghĩ sao căn phòng của họ quá chật. Cô buộc lòng phải nhìn, phải nghe thấy tất cả. Nhưng cô không đọc Thiện, không đọc một dòng nào. Đôi khi dọn dẹp phòng, cô không muốn cả chạm tay vào mấy tờ báo nọ. Mà Thiện cũng không quan tâm đến điều đó. Thiện đang lo chạy chân trưởng ban. Anh về nhà lúc thì vui, lúc thì buồn, lúc khác lại cáu gắt chỉ vì những thành công những thất bại của cuộc tiến thân. Rồi Thiện làm Trưởng ban Biên tập thật. Nhà lúc nào cũng đầy nghẹt các nhà văn tương lai. Họ giống như Thiện ngày trẻ. Liên nhìn họ với một chút cảm thông và với rất nhiều nghi ngại. Văn chương với Thiện thực sự chỉ còn là một phương tiện. Một hôm đi dạy về, Liên nghe Thiện đang điện thoại cho một vị lãnh đạo để xin một chuyến công cán ở ngoại quốc. Anh cúi mình trên chiếc điện thoại, bộ điệu, lời lẽ khúm núm như đang đứng trước “xếp”. Âậy vậy mà anh và đám bạn đã không tiếc lời nhiếc móc, dè bỉu sự dốt nát và hèn hạ của chính cái ông mà anh đang cầu cạnh kia. Liên thấy ớn lạnh. Chị bước nhẹ qua mặt chồng, thay quần áo rồi đi nằm luôn. Liên ốm một trận kinh khủng. Giữa lúc đó thì Thiện nhận được hộ chiếu đi nước ngoài. Liên gượng dậy, đi lại, nói cười để Thiện yên tâm. Thực lòng chị mong Thiện ra đi sớm phút nào hay phút ấy. Liên về nhà mẹ, trở lại đi dạy. Khi Thiện về Liên không đi đón và cũng không trở về căn phòng cũ. Liên chỉ nói với Thiện: “Có lẽ một người khác sẽ thích hợp với anh hơn”. May mà Thiện hiểu. May mà họ chưa có con. May mà mọi việc êm xuôi. Liên sợ sự Ồn ào, sợ miệng lưỡi của giới văn nghệ - cái giới luôn luôn thêm giấm ớt vào mọi sự kiện. Sau đó Liên vào Nam, ở nhờ nhà người chị và đi dạy. Người chồng sau của Liên lớn hơn cô cả chục tuổi. Kỳ là học trò bổ túc văn hoá của Liên. Vợ Kỳ đã mất vì bạo bệnh, để lại cho Kỳ một đứa con trai. Những năm Kỳ ở chiến trường, thằng Luỹ sống với ông bà nội. Luỹ đã lớn, nó rất yêu đứa em trai do mẹ Liên sinh ra. Kỳ là người từng trải, bao dung. Liên quý trọng Kỳ như quý trọng một người anh. Mấy lần đến chơi nhà, nhìn sự ấm cúng, thảnh thơi của Kỳ và Liên, anh vẫn nghĩ: Một cuộc hôn nhân như thế này có lý hơn, nó tránh cho người ta những đam mê quá độ, những thất vọng ghê gớm. Anh giở sổ tay tìm địa chỉ của Liên. Liên mới rời nhà về ngoại ô thành phố. Phải mất đến nửa giờ đồng hồ anh mới tìm được nhà. Sau cánh cổng sắt lớn là một khu vườn khá rộng. Phía góc vườn có ai đang lúi húi trồng xới cỏ. Anh bấm chuông và lập tức nhận ra khuôn mặt Liên dưới vành nón trắng. Liên đưa tay làm hiệu chào anh, tay bê bết bùn đất. Liên có vẻ không ngạc nhiên khi trông thấy anh dù đã lâu họ không có tin của nhau: - Định vào nhà đi. Tôi rửa tay rồi vào ngay. Ông xã tôi đang ở Hà Nội. Bọn nhỏ thì đi học. Anh chưa kịp ngồi thì Liên đã vào tới nơi. Má chị đỏ hồng, mấy sợi tóc loà xoà bên trán. Liên có vẻ rất hài lòng với mọi điều. - Để tôi đi pha nước mơ chùa Hương đãi khách Hà Nội. à mà này, sao mặt mũi bần thần như người sắp ra hầu toà vậy. - Hầu toà thật. - Tôi tưởng mọi việc đã xong lâu rồi. - Nào đã xong. Ký xong giấy là tôi ra khỏi nhà. Đồ đạc, quần áo bỏ lại cả. Họ vừa điện khẩn mời tôi vào 13 giờ chiều nay. - Thôi được rồi, uống nước đã. Còn 4, 5 tiếng nữa cơ mà... Đi đâu mà vội mà vàng... Bữa nay tôi mời anh ăn cơm chay. Tôi mới học được mấy món hay và đẹp lắm. Tôi nghĩ cũng phải thay đổi ít nhiều cách nghĩ, cách tổ chức cuộc sống... Liên chợt dừng. Có lẽ cô thấy mình nói nhiều quá. Anh biết Liên cố ý đùa vui để anh được nhẹ lòng. Liên chạy lên chạy xuống giữa phòng khách và nhà bếp. Định vừa uống nước mơ vừa nhìn bãi cỏ trước mặt. Cỏ xanh mướt, mịn màng. Anh hỏi Liên: - Này, cỏ đẹp vậy mà Liên còn lúi húi làm gì ngoài vườn ấy? - Ôi trời, cỏ - Liên kêu lên. Từ hồi về đây đã 3 lần trồng cỏ rồi. Lần đầu nhờ người ta. Tưới tắm mãi, lúc cỏ lên mới thấy đủ thứ cỏ tạp nhạp, cao thấp lổng chổng. Mình nhổ bỏ, trồng lại một thứ cỏ khác, lại cũng không phải thứ mình thích. Lại nhổ. Lần này thì thận trọng hơn, trồng từng khoanh một. Đúng là thứ mình muốn. Thế nhưng cỏ lên thì bao nhiêu thức khác cũng mọc theo. Nào cỏ gấu, nào cỏ chỉ, nào dền, nào me đất... Phải nhổ dọn những thứ đó hàng ngày. Trồng cỏ mà cũng quá tam ba bận đấy. Liên chợt dừng lại. Anh cũng thấy má mình nóng ran. Cả hai người cùng nghĩ đến lần li dị vợ này của anh. Anh nhìn Liên, chợt thấy sống mũi cay cay. Anh muốn nói với Liên một điều gì như lời cảm ơn về những gì chị đã làm, về chính cuộc đời thuần khiết của chị. Nhưng anh lại nói: - Tôi thấy vườn cỏ đã đẹp lắm. Chắc chẳng phải trồng lại một lần nữa đâu. 9-98