Khó có thể tìm ra lời giải thích xác đáng, vì sao tay thư ký công đoàn lại giao tôi cái giấy đi nghỉ dưỡng. Hắn chỉ nói vỏn vẹn có một câu: "Vậy là thêm cho cậu nửa tháng lương nghe. Kẻo cậu lại phê bình tôi không quan tâm". Tôi nhìn tờ giấy nghỉ dưỡng như nhìn một tờ giấy lộn, ánh mắt thờ ơ, nhưng tôi không quên dòm vào mặt tay thư ký công đoàn, vốn có ác cảm. "Cảm ơn" - Tôi bảo. Muốn chọc tức chơi, tôi nói thêm: "Anh nên cho tôi cái quyền là có nên cho phép mình được nghỉ hay không đã". Tay thư ký công đoàn chớp ngay: "Nếu không đi phải báo ngay cho tôi để sắp xếp cho người khác. Nhưng tôi nhắc lại - nửa tháng lương cán sự 4 của cậu đấy". Tôi muốn phỉ nhổ vào bộ mặt đen đúa, môi thâm của tay thư ký nhưng rồi tôi lạnh tanh trả lời bằng một cái nhếch mép. Chẳng lẽ, họ "thông cảm" cho cảnh tôi góa bụa? Vợ tôi đã mất hơn một năm. "Ồ không phải! Ông Quyên cũng chết vợ. Bà Lụa cũng chết chồng. Ông Tảo đứa con trai cũng mới có giấy báo tử ở Campuchia... ". Tôi gạt lý do thứ nhất. Thôi đích thị rồi. Tôi đập tay đánh đét xuống mặt bàn khi nghĩ tới bài báo. Tôi không biết viết báo, nhưng cô phóng viên báo tỉnh quá ư nhiệt tình đã xin bài phát biểu của tôi trong một hội nghị khoa học. Tôi không để ý. Cách đây vài hôm, tay thư ký công đoàn kiêm trưởng phòng của công ty chìa ra trước mặt tôi tờ báo, cười nham nhở: "Chết thật, bữa nay cũng viết báo... ". Dù chẳng mấy ưa hắn, tôi vẫn cười đỏ mặt khi nhìn tít bài do Tòa soạn đặt "Vài suy nghĩ về công nghiệp hóa... " cùng với cái tên tôi in đậm ở cuối bài. Hèn chi, tay thư ký cứ nhai đi nhai lại cái khoản hai trăm ngàn tôi được hưởng trong 15 ngày nghỉ dưỡng. Nếu thế thì tôi cứ nghỉ. Dại gì! Ngót hai chục năm đeo đẳng với nghề, chả lẽ tôi không có quyền nghỉ ngơi? Ít nhất, trong 15 ngày15 ngày ấy, tôi khỏi phải nhìn thấy cái bộ mặt luôn soi mói, vặt vãnh của tay trưởng phòng hành chính. Tôi biết, cả ngày hắn chẳng làm gì cả. Đúng 7 giờ sáng, hắn có mặt loạt soạt ngồi đọc báo. Một cuốn sổ công tác mở ra hờ hững. Nhưng giá có một ai rẽ vô văn phòng sẽ bắt gặp ngay một bộ mặt nửa như trang nghiêm, chú mục vào công việc, nửa như có ý nhìn xem kẻ kia đến là ai. Số thời gian rảnh rỗi trong ngày, hắn sẽ đếm bước chân của mình qua các phòng làm việc và nghe ngóng. Hắn sẽ không cần biết lao động "chất xám" là gì và làm cách gì để có được một sáng kiến khoa học, một sáng tạo... Bởi vậy, tay trưởng phòng hành chính thấy tôi có bài in báo đã ngạc nhiên. Nhưng tôi coi cái việc vô tình được đi nghỉ dưỡng như một cuộc trốn chạy. Rằng tôi sẽ thoát được cái không khí tù hãm của gian phòng làm việc luôn vẩn lên mùi thuốc lá, tránh phải nhìn thấy những đĩa tách cáu bẩn vương vãi những bã trà và đống giấy tờ sổ sách xếp cao như núi. Tự do trong 15 ngày ngắn ngủi của một đời người, vốn suốt quanh năm ngày tháng phải chúi mũi vào công việc, và lo cho đứa con mất mẹ, lo cơm nước chợ búa và lo cho những cuộc họp... Hai dãy nhà hai tầng, thêm hai dãy nhà trệt cao ráo, sạch sẽ, một dãy dùng làm nhà quản trị, phòng xem ti vi, một dãy dùng làm nhà ăn, nhà bếp... Đấy là tất cả những gì thuộc về cơ ngơi của nhà nghỉ Công đoàn, đặt trên một đỉnh đồi cao lộng gió. Đứng từ đó, có thể nhìn thấy cả một vùng biển rộng, với xóm chài Cầu Bóng. Thấy lưỡi cát kéo dài từ Ba Làng cho đến tận ngôi biệt thự Cầu Đá, dài chừng 7 cây số. Hòn Rùa, Hòn Tre như bị thu nhỏ lại trong một tầm nhìn bao lạ Còn những con thuyền máy như những chiếc lá tre quăng rải rác trên một tấm thảm xanh nhìn đến nhức mắt. Tôi cảm thấy sung sướng khi đặt mình trên tấm nệm mút êm ái, nằm vô tư lự suốt cả buổi sáng chờ đến giờ ăn cơm trưa. Lại họp - họp để quán triệt nội quy an dưỡng, thông báo chế độ. Trong bữa ăn, tôi đã nhìn suốt lượt hai trăm con người cùng đi an dưỡng nhưng tôi chẳng quen biết một ai cả. Càng hay, tôi muốn được thảnh thơi. Sang ngày thứ hai, số người ăn trong phòng vơi đi quá nửa. Ngày thứ ba, còn một phần năm. Và sang ngày thứ năm, chị cấp dưỡng chỉ dọn ra một mâm vừa đúng ba cái chén, ba đôi đũa. Tôi đói, ngồi chờ mất gần nửa giờ đồng hồ để nhìn những con ruồi bay loạn xạ hạ cánh xuống dãy bàn ăn trống rỗng và chỉ chực xâu xé vào mâm cơm đã được đậy lồng bàn. Đến lúc ấy, hai trại viên an dưỡng mới xuất hiện. Một ông cán bộ trạc tuổi ngót 60, dáng người hom hem, ốm yếu. Sau này tôi biết, người đàn ông ấy mắc bệnh hen suyễn mãn tính. Còn người thứ hai là một phụ nữ tuổi trên dưới ba mươi. Trông vóc dáng và cách đi đứng nói năng của cô ta, tôi đoán là người có chồng con. Nhưng phải công nhận đây là người đàn bà có nhan sắc, trông thật ưa mắt. Tôi cũng sẽ không bao giờ được biết lý do vì sao Nguyệt - tên người đàn bà - được nghỉ dưỡng. Chẳng ai ở vào hoàn cảnh như tôi lại đi hỏi một người phụ nữ, ngay giây phút đầu tiên đã gây cho người ta cảm tình, điều ngớ ngẩn ấy. Tôi lấy làm thích thú khi được ngồi chung bàn ăn với một phụ nữ đẹp, duyên dáng, nhưng là sự duyên dáng kín đáo của người phụ nữ biết tự trọng trước mặt người đàn ông xa lạ là tôi. Tôi ăn rất ít, không hẳn vì món ăn kém ngon. Càng không phải vì bữa ăn ít người không còn đông vui tấp nập như ngày đầu nhập trại. Té ra hơn hai trăm thành viên đi nghỉ dưỡng đã nhận tiêu chuẩn về nhà tự "an dưỡng". Hai chục ngàn đồng không phải là to nhưng đủ để phụ vào đồng lương ít ỏi cho một gia đình nghèo khó cho con chút cá, rau trong bữa ăn. Hỡi ôi, những ông cha bà mẹ Việt Nam của tôi, chẳng mấy ai nỡ để cho con cái mình chịu khổ cực rồi chọn lấy cái sướng cho riêng mình! Còn những người quản lý ở nhà nghỉ dưỡng cũng đâu có đáng trách? Họ cũng là những ông bố bà mẹ. Họ cũng có những đứa con. Cũng bận trăm công ngàn việc để lo cải thiện đời sống. Càng ít công việc, càng haỵ Vậy chẳng hóa ra, ba chúng tôi đây là những kẻ nhàn rỗi? Ông già nọ vợ con ở ngoài Phú Yên. Con tôi, đã được ông bà nội đưa ra Hà Nội chăm sóc. Và quả thật tôi thấy ngượng khi thò tay nhận lấy vài chục ngàn bạc đem về nhà, thà là tôi nằm đây ăn nghỉ. "Em là con người tự do!" Nguyệt tuyên bố vào buổi sáng hôm sau khi tôi đã trở thành một người có đủ tin cậy, ít ra là một người bạn trong mười ngày còn lại của đợt nghỉ dưỡng. Ông già chiếm một phòng ở tầng trệt. Tôi ở đầu phòng tầng hai, quay mặt lên hướng tây. Nguyệt ở căn phòng cuối hướng đông, nhìn ra biển. Tôi muốn đến chỗ cô phải qua một hành lang dài hun hút, qua các căn phòng luôn đóng kín cửa. Chính trên chiếc ghế gỗ trước cửa phòng Nguyệt, hay trên những chiếc ghế xi măng đặt dưới gốc dừa trồng quanh chân đồi, tôi và Nguyệt đã nói mọi chuyện trên trời dưới biển. Một ngày chúng tôi có đến 8 giờ để đàm tiếu. Và đêm nữa. Lúc đầu còn thêm ông già. Nhưng ông ta không chịu nổi những cơn gió biển, chỉ ngồi chừng một giờ đồng hồ là tìm cách tháo lui. Vậy là chỉ còn lại tôi với Nguyệt cùng với bầu trời mùa hè vằng vặc ánh trăng. Đã nhiều lúc, tôi ngồi nhìn cô, trong lúc cô vẫn kể cho tôi nghe một câu chuyện nào đó ở trường nơi cô đang dạy học. Chẳng lẽ đấy là tình yêu? Tình yêu trong tôi đã chết. Chết sau đêm tân hôn, và đã thật sự bị đẩy lùi vào dĩ vãng cùng với đống tã lót sau khi đứa con trai ra đời, cùng với bộ mặt luôn cau có của Hòa. Tôi điên lên vì sự túng thiếu vây bủa, vì những mốt nọ, quần kia của vơ... Đã vậy, còn phải lo đối phó với sự trù úm của tay "trưởng phòng vô tích sự". Rồi vợ tôi chết trong một ca ung thư dạ con. Đã lâu rồi cái khái niệm tình yêu với tôi chỉ còn nằm trong sách vở, trong trí tưởng tượng bịa đặt của những tay nhà văn, trong ánh mắt yêu đời đến ngây thơ của đám thanh niên mới lớn, tôi chưa thể là già nhưng không còn gọi là trẻ nữa. Chẳng lẽ, người đàn bà đã có hai mặt con này lại đang nhen nhóm trong tôi ngọn lửa tình yêu? Sẽ không bao giờ tôi hiểu được vì sao Nguyệt không chịu theo gia đình chồng vượt biên, đành chịu để mất hai đứa con trai. Vì sao, một cô gái không chịu theo cha mẹ để định cư hợp pháp tại Mỹ. Một cô gái đã có 13 năm sống trong dòng tu kín, nhập thế để đi làm nghề dạy học và sống ở một vùng quê với những người dân thật thà, chất phác nhưng nghèo đói? Nguyệt không nói ra điều bí mật ấy, cũng như mối tình của cô và anh thợ may giờ đã ung dung ở Canadạ Cô câm lặng như tượng Đức Mẹ đồng trinh trong ngôi nhà thờ Đá. Và tôi, tôi cũng chẳng cần biết. Nhưng sự quý trọng cũng như lòng thiện cảm với tôi của Nguyệt thì tôi cảm nhận được qua ánh mắt của cô. Té ra Nguyệt quá rành khu đồi La San. Vào một buổi chiều, khi ánh nắng tàn trên những chỏm núi đã bao quanh thành phố, chúng tôi đi chơi trên những con đường rải nhựa lẩn khuất quanh khu đồi. Ở đây có những con đường mòn dẫn vào ngôi nhà thờ nhỏ cả chục năm đã trở nên hoang phế. Những tảng đá nằm rải rác dưới gốc cây si, cây xoài để lại chứng tích của đám sinh viên lên đây học thi, đi picnic vào ngày chủ nhật. Có những lúc tôi và Nguyệt ngồi bên nhau hàng giờ để nghe cái âm thanh vi vút của gió đùa trên những chòm lá thông xanh, hoặc ngồi bên ghềnh đá theo dõi những con cá leo bằng hai chân, quật đuôi để lên mỏm đá tránh sóng. Không ai nói gì cả. Chỉ thỉnh thoảng nhìn nhau với ánh mắt không cần né tránh. Có lẽ vậy là quá đủ và hạnh phúc với tôi - một người sống đơn độc và luôn giày vò bản thân bởi những chuyện không đâu. Hoặc Nguyệt kể chuyện. Tôi nghe cái âm thanh dịu dàng trong lời nói của cô hơn là cần biết kết cục của câu chuyện. Có một lần, Nguyệt đột ngột hỏi tôi: "Anh thích tôi phải không?". Tôi tự ái bởi chữ "thích". Giá như cô nói "yêu", hẳn tôi đã gật đầu, thú thật cái cảm giác có thật của lòng tôi lúc ấy. Tôi không trả lời chỉ cầm lấy một bàn tay của Nguyệt vuốt lên những chùm ngón tay như những búp măng. Và tôi châm thuốc hút. Còn cô, như đã quên câu hỏi, đôi mắt mơ màng nhìn ra ngoài Hòn Đỏ, nơi có dải khói xanh bốc cao. Còn thím Tư nấu ăn ở trại an dưỡng, trong lúc ngồi nhìn tôi và Nguyệt ăn cơm lại bảo: "Đẹp đôi đấy... Cô chú tìm hiểu xong báo cáo với tổ chức, cưới cho lẹ. Tôi nói bỏ qua nghe... Thôi thì rổ rá cạp lại". Cả tôi và Nguyệt đều cười vui. Nhưng tôi thì hơi giận thím Tự Tình yêu sao có thể gọi là "rổ rá cạp lại". Không, tôi quyết định cãi tới cùng. Tôi yêu Nguyệt, nhưng khi tôi đứng trước mặt nàng tôi lại câm nín. Và tôi sợ nữa, khi tôi nói ra sự thật ấy với Nguyệt, tôi sợ sẽ mất nàng. Tôi muốn giữ cho tôi những giây phút đẹp đẽ của đời người. Hạnh phúc ấy tôi đã không tìm thấy được ở Hòa, vợ tôi. Không thể nào có được trước nhiều người đàn bà mà tôi đã gặp trong cuộc đời... Tôi đang sống giữa những ngày êm đẹp. Buổi sáng chủ nhật của kỳ nghỉ dưỡng ngày thứ mười hai, Nguyệt dậy sớm sang rủ tôi đi tắm. Tôi dũng cảm nhận lời cùng còn một lẽ biết chắc là "ông già khốt" - Nguyệt gọi ông già đi nghỉ dưỡng như vậy, đã được con gái đón về từ chiều hôm trước. Trong lúc Nguyệt đứng ngoài cửa chờ, tôi lại loay hoay với chiếc quần xà lỏn. Rõ khổ quần xà lỏn của tôi: ống rộng, xếch, màu vàng cứt ngựa - thứ quần phát cho lính, họ đem ra bán rẻ. Chẳng lẽ tôi đi tắm với một cô gái bằng chiếc quần "xà lỏn" như vậy? Rốt cục tôi tự an tủi: mình có cặp đùi to, chắc - cặp giò cầu thủ sẽ cứu nguy cho cái quần lót đáng ghét. Nguyệt hồn nhiên và hào hứng với buổi đi tắm nên không để ý tới sự lúng túng của tôi. Bãi đá dưới chân Hòn Chồng lạnh ngắt sương đêm. Nước ròng để lộ ra những tảng đá đen trơn nhẫy rêu. Gió sớm mơn man trên da thịt làm tôi thấy lành lạnh, càng ngại nước. Tuyệt nhiên, tôi không hé ra cho Nguyệt biết điều này. Sống ở Nha Trang có hơn chục năm, nhà cách mặt biển chưa tới cây số, nhưng những lần đi tắm biển của tôi tính ra chưa đến mươi lượt. Vài tháng trời không ló mặt ra tới bãi cát là chuyện thường. Nhưng giá về quê, ra Hà Nội, bạn bè có ai đó khen bãi tắm Nha Trang sạch đẹp, thì tôi sẵn lòng mô tả về biển Nha Trang, về giống cá ngựa cường dương, về những đảo yến khiến thiên hạ phát thèm... Dĩ nhiên không phải tôi không biết bơi. Hơn một lần tôi đã vượt phá Tam Giang, sông Bồ. Hình như Nguyệt có ý đợi tôi xuống nước trước. Loay hoay mãi vài phút, tôi mạnh dạn cởi quần áo dài và lao xuống biển trong chiếc quần xà lỏn kiểu lính. Lúc tôi trồi lên khỏi mặt sóng, cả cơ thể Nguyệt hiện ra như một pho tượng thạch cao trong bộ áo tắm mầu xanh có kẻ sọc trắng. Đôi chân thon dài, eo nhỏ, còn bộ ngực nhô cao. Cô nhìn tôi cười thật tươi rồi đứng từ mỏm đá lao xuống mặt nước xanh thẳm. Cô sải cánh bơi ra xa, bỏ mặc tôi lại phía sau loay hoay giữa một vùng rong mới bị sóng đêm qua đánh tấp vào bờ. Thoáng một giây, lúc Nguyệt bơi lao ngang qua trước mặt tôi, thân hình cô có những khoảng trắng đen chìm trong nước, dậy lên trong tôi một cảm giác ham muốn. Giây phút ấy qua nhanh, trả lại cho tôi sự mệt mỏi và cảm giác chán ngán khi nghĩ rằng chỉ ba ngày nữa "niềm tự do ưu ái" của tôi sẽ mất. Tôi lại trở về với căn phòng chật chội ngửi thấy cái mùi hôi nồng của khói thuốc lá, thấy bước đi còm cõi, bệnh hoạn của tay trưởng phòng hành chính, tay chắp sau đít đi ngoài hành lang với đôi mắt nhòm ngó. Tôi sẽ gặp lại những kẻ chỉ muốn bổ óc mình ra xem đang nghĩ điều gì. Và đám bạn bè công chức của tôi, trong những giây phút ngồi bù khú quanh ấm trà, điếu thuốc, hào hứng kể cho nhau nghe về một tay giám đốc nọ làm thất thoát bạc triệu, bạc tỷ, một quan chức nọ sắp ra hầu tòa... Hoặc háo hức báo tin đã bán "xuôi" được chú heo không bị con buôn chèn giá. Còn tôi, cũng chẳng hơn gì họ, quẩn quanh trong mớ buồn vui ấy. Treo trước mắt tôi là bát cơm manh áo hàng ngày, viên thuốc cho con khi trở trời trái gió, phấp phỏng kỳ tăng lương có kẻ xấu bụng xoi mói. Phải chăng, Nguyệt của tôi đã thoát ra được mối lo toan nhỏ bé, hèn mọn ấy? Bởi hiển nhiên, cô nằm phơi gần trọn cơ thể mình trên mặt nước ngoài xa kia, ngửa mặt nhìn bầu trời cao vời vợi, có những dải mây trắng vắt ngang. Nàng hạnh phúc quá. Niềm hạnh phúc mà tôi luôn khát khao mơ ước. Và mỗi khi trí tưởng tượng phóng túng vượt ra khỏi đầu óc tăm tối u buồn của tôi, y như nó vấp phải một bức tường vô hình đánh bật trả lại. Tôi như kẻ ham bóng đá bị việt vị, giật mình bởi tiếng còi của người trọng tài tinh quái. Chả lẽ, tôi hèn kém hơn Nguyệt? Chỉ vài chục sải bơi, tôi đã ra tới chỗ Nguyệt. Cô nằm im, tay chân khua nhẹ dưới nước để giữ thế cân bằng và như không biết tôi đến gần. Tôi lẹ làng lặn xuống và ngay lúc ấy, gặp ngay khuôn mặt Nguyệt trong nước. Cô cũng lặn xuống theo tôi. Chúng tôi quấn lấy nhau như những sợi dây leo trong rừng già và hai môi tìm đến nhau... Tôi bơi trong một niềm khoái cảm, cái sức sống bất diệt trong tôi như được đánh thức trở dậy sau những ngày tháng tê liệt, héo mòn. Tưởng đâu đã chết. Vào đêm thứ 13 của "mười lăm ngày hạnh phúc", tôi bị cảm nhẹ. Khoảng chín giờ tối, Nguyệt sang thăm tôi. Cô cầm theo cốc nước cam. Nguyệt vào, tôi biết nhưng không lên tiếng và nằm im trong khoảng sáng mờ ảo của ngọn đèn ngủ. Cô cầm lấy bàn tay tôi, nâng đầu tôi dậy ép uống cạn cốc nước cam. Bàn tay nàng mát rượi. Nguyệt không nói gì, cúi xuống hôn lên trán, lên đôi mắt và cuối cùng lên đôi môi khô nẻ và nóng bỏng của tôi. Tôi mê man cảm nhận nụ hôn nồng ấm, mãnh liệt. Và suýt ngạt thở vì mùi nước hoa và son phấn. "Anh nghỉ cho khỏe". Nguyệt chỉ nói vậy. Lúc tôi tỉnh dậy, căn phòng vẫn sáng mờ, nhưng trống rỗng và lạnh lẽo. Nguyệt đã về bên phòng riêng. Nàng để lại trong tôi một niềm vui khó tả, như thể có hàng nghìn đợt sóng dội vào bờ đá dữ dội và mạnh mẽ. Tôi được Nguyệt yêu và tôi cũng rất yêu nàng. Té ra cái tay thư ký công đoàn kiêm trưởng phòng hành chính đã mang đến cho tôi một nguồn hạnh phúc mà chính hắn và cả tôi nữa đều không thể ngờ tới. Giờ phút này, tôi không có lý do gì để phát biểu, ngược lại còn phải biết ơn hắn là đằng khác. Sáu giờ sáng hôm sau, tôi ăn mặc chỉnh tề đi sang phòng Nguyệt. Cửa phòng khép hờ, nhưng bên trong vắng lặng. Chiếc giường nàng thường nằm, chăn màn xếp gọn gàng và không có một chút hơi ấm. Cầu thang, khoảng sân đều vắng vẻ, không còn để lại một chút dấu vết nào của Nguyệt. Nàng đã đi rồi!