Tôi tập tành viết lách mấy năm chỉ gây được sự chú ý của... hai người. Người thứ nhất là... anh tôi. Anh ấy vì muốn khuyến khích thằng em nên truyện nào của tôi anh cũng đều theo dõi
đọc và vừa đọc vừa... vỗ taỵ Rồi có lẽ độc diễn cái màn vỗ tay lâu quá đâm mệt nên một hôm anh gọi điện thoại cho tôi, bảo:
- Chú viết quanh đi quẩn lại chỉ có mỗi một đề tài. Nhàm lắm. Viết cái gì khác đi.
Tôi hỏi:
- Viết cái gì khác?
Anh đáp:
- Truyện tình chẳng hạn.
Tôi giật mình. Ừ nhỉ, sao tôi viết bao lâu rồi mà chưa hề viết một truyện tình? Mà có phải tôi khô khan gì cho cam! Lúc chưa lấy vợ tôi cũng có năm ba cuộc tình, cũng lãng mạn ch" tàu lắm; rồi lấy vợ, mà vợ cũng là kết quả của một truyện tình, không phải như vậy sao? Thế mà tại sao khi viết tôi không hề đá động gì tới truyện tình? Tôi đâm ra suy nghĩ vẩn vơ.
Suy nghĩ vẩn vơ rồi tôi quyết định: Ừ, sẽ viết một truyện tình. Một truyện tình thật lâm ly, bi đát, ướt át. Tôi bắt đầu ngó ngang ngó dọc, chúi mũi vào rình mò thiên hạ coi họ yêu đương ra sao, nói năng, hờn giận, khóc lóc, cười cợt ra sao, nhất nhất tôi đều ghi lại, cất kỹ để dành làm tài liệu viết truyện.
Chắc độc giả sẽ thắc mắc. Việc gì phải rình mò thiên hạ; cứ lấy ngay những cuộc tình của mình, thêm thắt chút đỉnh có phải tiện việc sổ sách hơn không. Vì ai yêu mà chả vậy. Yêu chết lên chết xuống hay đại khái bình thường thì căn bản cũng giống nhau. Nghe cũng có lý. Nhưng thú thật: Kẹt lắm! Kẹt cái ông độc giả trung thành thứ hai là... bạn tôi. Ông ấy chơi thân với tôi từ hồi còn nhỏ xíu nên bất cứ hang hóc, ngõ ngách nào trong đời tôi ông ấy đều biết rất rành rọt. Vì vậy cứ mỗi lần có một khuôn mặt mới xuất hiện trong truyện của tôi là lập tức ông ấy dòm lom lom vào quá khứ, lục lạo tìm kiếm coi con cái nhà ai, sống ở đâu, làm nghề gì, liên hệ với tôi ra sao, rồi ông ấy gọi điện thoại chất vấn:
- Thằng Tâm qua rồi hả? Con Bích đang ở Cali hả?
Tôi hỏi lại:
- Ai nói với mày vậy?
Ông ấy đáp:
- Tao đọc truyện của mày.
Chết thật! Dĩ nhiên khi viết mình phải mượn đỡ mấy khuôn mặt chung quanh, những khuôn mặt của người thân, bạn bè, bồ bịch mình rồi phịa ra, thêm mắm thêm muối cho nó mặn mòi mà ông bạn tôi cứ một hai tưởng thật. Một lần ông ấy hỏi tôi:
- Mày gặp con Dung rồi hả?
Tôi ngạc nhiên:
- Con Dung nào?
Ông bạn cười hô hố trong điện thoại:
- Còn làm bộ nữa. Con Dung bồ mày hồi học ở Trần bình Trọng đó chớ con nào. Mày giấu ai chớ giấu tao sao được.
Tôi cáu:
- Việc đếch gì phải giấu mày. Mà ai nói với mày tao gặp con Dung?
- Tao đọc cái truyện mới đăng trên báo của mày.
Khổ quá, tôi không có được một trí tưởng tượng phong phú để có thể tạo ra những nhân vật kì dị, lạ lùng, đọc xong là nhớ cả đời nên đành phải lôi bạn bè thân thích của mình vào truyện. Hơn nữa làm như vậy còn có cái lợi là tha hồ nói... xấu những người mình không ưa. Chẳng hạn như tôi thích người nào thì cho người đó đi Tây, đi Mỹ, ăn sung mặc sướng, hưởng đầy đủ mọi tiện nghi vật chất; kẻ nào khó ưa tôi bắt ở riết trên các khu kinh tế mới của Việt cộng, còng lưng cuốc đất làm rẫy từ sáng sớm cho đến tối mịt mà vẫn không đủ ăn. Tôi muốn thằng bạn nào ra khỏi tù thì nắm cổ lôi ra, buồn buồn còn cho nó đi Canada, đi Úc; còn thằng nào hồi xưa lỡ làm phật lòng tôi thì tôi bắt nó ở riết trong tù, bị hành hạ xanh xao mặt mày cho bỏ ghét. Rồi tôi còn nặng tay hơn, cho người này chìm tàu chết trên biển, người kia bị hải tặc hiếp v.v. Cho nên nghe ông ấy hỏi tôi hoảng quá vội vàng giải thích:
- Ê, mày đừng nghĩ con Dung bị hải tặc hiếp thật đó nhé. Nó đã sang đây hay còn ở Việt nam tao chẳng biết; nhưng mai mốt lỡ mày gặp nó mà cái đầu bùn của mày cứ lởn vởn ba cái vụ đó thì kẹt cho tao lắm.
Tôi nghe ông ấy cười khà khà trong điện thoại mà ứa gan.
Rồi bây giờ tôi định viết một truyện tình mà lại mượn đỡ chính mình thì lúc phải diễn tả chuyện mây mưa, ông bạn tôi tưởng là tôi đang làm cái việc ấy thì... kỳ lắm. Cho nên tôi sẽ kể một truyện tình, nhưng xin thưa trước là một truyện tình của thiên hạ, không phải của tôi.
* * *
Tôi bắt đầu yêu từ năm mười ba tuổi. Người xưa thường nói: Nữ thập tam, nam thập lục, mà tôi thì mới mười ba tuổi đã biết yêu rồi. Tình yêu không phân biệt... tuổi tác. Mười ba tuổi yêu cũng được, có sao đâu?
Tôi yêu một cô bạn hàng xóm. Nàng cũng mười bạ Thật ra chúng tôi quen nhau từ nhỏ vì nhà hai đứa ở cạnh nhau, chỉ cách một hàng rào dâm bụt. Không như nàng thơ của Nguyễn Bính:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Hình như nàng có nỗi buồn giống tôi...
Chúng tôi chẳng có nỗi buồn nào mà cũng không sống trong cô đơn. Chúng tôi sống vui vẻ, bình đẳng.
Làng tôi trẻ con chơi với nhau không phân biệt phái tính, giai cấp. Những lúc nàng theo tôi đánh đáo, u mọi, nếu nàng thua tôi vẫn bắt nàng cõng tôi long nhong y như đối với những thằng bạn trai khác. Có lẽ vì thấy như vậy thua thiệt quá, thỉnh thoảng nàng bày trò buôn bán, hoặc trò nữ công gia chánh. Trong các trò chơi này tôi luôn luôn bị làm... con cho nàng sai bảo, may mắn lắm là được làm em, chưa bao giờ tôi ngoi lên được chức... chồng để ngồi rung đùi chờ vợ đi chợ về nấu nướng cho ăn. Những lần đó tôi thật tối tăm mặt mũi. Mà khổ cái bọn con gái khi chơi những trò ẻo lả đó thì lại điệu bộ, kiểu cách, rắc rối vô cùng. Hết lấy cho... má cái này thì chạy đi tìm cho... chị cái khác. Chao ơi, thật là mất mặt nam nhi chi chí.
Ngoài những trò chơi đã kể, tôi lại rất thích tắm sông, nhưng ba má tôi sợ tôi chết đuối nên cấm tiệt. Tôi phải lẻn đi. Trưa trưa tôi ra bờ sông, cởi trần tồng ngồng long nhong xuống nước, bơi lội thỏa thuê chê chán rồi leo lên bờ mặc quần áo vào. Về nhà, má tôi thấy quần áo tôi khô ráo bà đâu biết được. Nàng cũng thích tắm sông nên thường theo tôi mỗi trưa. Dĩ nhiên nàng không cởi tuốt ra như tôi. Chúng tôi quen như vậy.
Thời gian trôi đi, chúng tôi chơi đùa, đánh đáo, u mọi, bắn chim, đá dế, tắm sông tắm suối với nhau thật vui vẻ, vô tư không thắc mắc, áy náy, ngại ngùng gì cả.
Nhưng một hôm chúng tôi ra đến bờ sông, như thường lệ, tôi cởi phăng chiếc áo quăng trên bờ cỏ rồi sửa soạn cởi quần, tôi bỗng nghe nàng gọi:
- Quân.
Tôi nhìn sang; nàng ngập ngừng:
- Để vậy tắm không được à?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại sao?
- Ai lại tắm truồng, kỳ chết.
Cha chả, thật là rắc rối! Chớ lâu nay tắm như vậy hoài có sao đâu, bây giờ bày đặt kỳ với không kỳ. Tôi gạt phắt:
- Chớ hồi trước tới giờ mấy kỳ?
Hình như nàng hơi đỏ mặt, ấp úng:
- Hồi trước khác, bây giờ khác.
- Khác chỗ nào?
- Bây giờ mình lớn rồi.
Lớn rồi? Tôi tò mò ngắm nàng. Ừ nhỉ, nàng lớn rồi. Lớn hồi nào mà tôi không haỵ Tóc bắt đầu để dài, da thịt bắt đầu nẩy nở, ngực đã hơi vun. Thấy tôi ngó lom lom, nàng giận giỗi bỏ về.
Trưa hôm đó tôi tắm một mình. Dĩ nhiên tôi cởi tuốt ra hết. Tôi bơi lội, vùng vẫy một mình trong giòng nước thênh thang mà đầu óc cứ vẩn vơ về những điều nàng nói. Nước mát mơn trớn, vuốt ve thân thể tôi trần truồng. Tôi mơ hồ một cảm giác nhột nhạt kỳ lạ.
Tôi bắt đầu để ý quan sát nàng. Nói chuyện với tôi nàng không mày tao nữa mà kêu tên và xưng tên. Nàng thường hay săm soi, chú ý đến cách ăn mặc; quần áo, tóc tai lúc nào cũng thẳng thóm, mượt mà. Nàng từ chối không tham dự vào những trò phá phách, đùa nghịch, không thường cùng bọn con trai chúng tôi tắm nắng dầm mưa nữa.
Những thay đổi của nàng kéo theo sự thay đổi ở tôi. Tôi bắt đầu e dè, không còn tự nhiên đùa giỡn, vật lộn với nàng. Tôi cũng có cảm tưởng như mình đã... lớn.
Đường về nhà chúng tôi phải qua một chiếc cầu bắt ngang một con mương. Chiếc cầu làm bằng thân cây dừa, người ta vạt bằng mặt để đi cho dễ. Chúng tôi đã qua lại trên chiếc cầu này hàng trăm lần, chưa lần nào bị té. Ngay cả những lúc rượt đuổi nhau, chúng tôi chạy băng băng trên thân cầu không chút ngượng ngập, vấp váp. Vậy mà không biết sao lần đó nàng lại té.
Hôm ấy chúng tôi đi học về- nàng và tôi học cùng trường cùng lớp. Chúng tôi đi song song với nhau suốt đoạn đường từ trường về nhà, nói chuyện vui vẻ. Đến đầu cầu, tôi dừng lại nhường cho nàng qua trước. Tôi... lớn rồi mà, phải lịch sự một chút chứ. Nàng bước lên cầu; tôi đứng nhìn theo. Không hiểu sao ra đến giữa cầu, tôi thấy nàng chệch một bước chân và chao mình rơi tòm xuống mương. Tôi hoảng hốt quăng cặp vở chạy đến, ngồi quặp chân vào thân cây dừa lấy thế chịu để kéo nàng lên. Chúng tôi loay hoay một hồi, không biết sao tôi cũng trật chân rơi xuống mương. Mương mùa đó cạn nước nhưng đầy bùn. Toàn thân chúng tôi bê bết bùn đất. Tôi nhìn nàng rồi phá ra cười, nhưng nàng thì cười không nổi, mặt mày bí xị. Thấy nàng sắp khóc, tôi nín cười bảo nàng đu hai tay vào thân cây dừa, hai tay tôi ôm ngang hông nàng đẩy lên. Tay nàng đầy bùn nên không thể bám chặt vào thân cầu, mà tay tôi cũng đầy bùn nên không thể đẩy nàng lên cao được. Chúng tôi cứ loay hoay, tuột lên tuột xuống như hai con ếch nhảy hoài không ra khỏi vũng bùn. Tôi bảo nàng:
- Rán lên chớ; lần này chắc được.
Nàng lại đu người vào thành cầu. Tôi ôm ngang hông đẩy nàng lên. Tôi cố gắng đẩy. Lớp áo nàng đang mặc tuột dần ra. Bàn tay tôi trơn chạy trên da thịt nàng, vuốt ve, mơn trớn trên ngực nàng mới nhú. Một cảm giác rân rân, tê mê kỳ diệu phiêu phiêu trên mười đầu ngón tay rồi lan dần ra khắp người. Tôi đứng ngẩn ngợ Mà hình như người nàng cũng run lên. Nàng buông tay và tôi bất ngờ hứng trọn lấy thân thể nàng. Nàng nhìn tôi một thoáng rồi bẽn lẽn quay mặt đi, đôi mắt lomg lanh một nỗi niềm thầm kín.
Năm đó chúng tôi đều mười ba tuổi.
*
Chúng tôi song đôi nhau đi suốt quãng đời học sinh tươi đẹp với một tình yêu thơ mộng, tinh khôi. Những ngày cùng đến trường, những đêm làm bài chung, những ngày mưa, những tháng nắng lúc nào cũng có nhau. Cả hai chúng tôi cùng đậu tú tài một, rồi nàng nghỉ học xin đi dạy. Tôi tiếp tục học thêm một năm nữa. Đậu xong tú tài hai, tôi vào lính. Hôm trước khi đi trình diện, tôi và nàng rong chơi với nhau suốt một ngày. Chúng tôi đi dạo khắp xóm làng, thăm tất cả bạn bè quen biết y như một cặp vợ chồng mới cưới. Đêm hôm đó chúng tôi ngồi dưới tàn cây trứng cá bên hông nhà nàng. Cây trứng cá xòe cái tàn rộng phủ sang bên sân nhà tôi mà thuở nhỏ chúng tôi vẫn thường tranh nhau hái những trái chín đỏ ửng. Chúng tôi nhắc nhau về kỷ niệm thời thơ ấu và bàn bạc về những ngày sắp tới. Trăng sáng mông lung huyền ảo; đêm im vắng; cây bông sứ ở góc vườn tỏa hương thơm ngào ngạt và tình yêu thì đầy ắp trong tim chúng tôi. Nàng ngồi dựa đầu vào vai tôi, mái tóc dài lấp lánh ánh trăng đêm phủ lòa xòa trên bờ vai thon nhỏ của nàng và một phần trên mặt, trên má tôi. Tôi hít thở mùi thơm của tóc, của da thịt nàng ngây ngất. Nàng mơ màng nhìn lên bầu trời đêm lấp lánh những vì sao, rồi kể tôi nghe chuyện tình Ngưu Lang, Chức Nữ. Giải Ngân hà, tháng tám mưa ngâu, kẻ đầu sông Tương, người cuối sông Tương... Giọng nàng buồn bã, rồi nàng đọc câu thơ:
Em đứng bên này sông
Trông mưa về cuối phố
Người ở đâu chưa về
Trăm năm xin chờ đợi.
Tôi nghiêng người đưa hai tay ôm lấy mặt nàng. Nàng hơi ngước mắt lên nhìn tôi. Ánh trăng chảy qua kẽ lá tàn cây trứng cá rơi đúng vào đôi mắt nàng long lanh. Tôi hôn nàng. Chúng tôi hôn nhau. Cái hôn đầu tiên trong đời. Cái hôn đầu tiên của tình yêu chúng tôi.
Rồi chúng tôi thì thầm trao nhau một lời hẹn trăm năm.
*
Tôi vào lính rồi đi lung tung. Địa danh nào ở đầu cái thư của tôi cũng làm nàng ngạc nhiên thích thú. Thư nàng viết:
"... Sao anh đi lung tung như con thoi vậy? Mới ở tuốt trong Nam anh đã chạy ra Trung; mới nghe anh kể chuyện những hàng cây thốt nốt ở biên giới Việt-Miên, thoắt đã thấy anh lặn hụp trong giòng sông giới tuyến; chưa kịp dạo chơi với anh quanh cái vườn cao su ở thánh thất Tây Ninh trầm mặc nghi ngút khói hương, anh đã lôi tuột em ra thăm những lăng tẩm, đền đài, cung điện ở Huế. Mà đi nhiều như vậy có mệt không anh? Chắc mệt nhưng vui anh nhỉ? Em ao ước được cùng anh đi khắp đất nước như vậy. Nghe anh tả cảnh chiều chiều ngồi nhìn nắng tắt trên những ngọn đồi chập chùng cỏ tranh ở cao nguyên hay những đêm nằm lơ mơ trong rừng dừa bạt ngàn ngoài Bình Định nhìn ánh trăng loang loáng trên tàu lá mà em thích mê đi. Em kể chuyện đất nước trong thư anh cho lũ học trò nhỏ nghe; chắc chúng chẳng hiểu được đâu; nhưng em vẫn làm vì như vậy em có cảm tưởng lúc nào anh cũng ở bên em. Quân ơi, chúng ta yêu nhau và gần gũi nhau suốt một thời mới lớn, bây giờ tự nhiên xa anh em đâm ra hụt hẩng, chới với... Này, mà anh đi nhiều như vậy, tim anh, óc anh đầy những cảnh đẹp, người đẹp, anh có còn chỗ nào cho em nữa không?... "
Đó là những cái thư lúc đầu chúng tôi mới xa nhau. Về sau chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, tôi kể cho nàng nghe về những trận đánh đẫm máu, những nhà cửa, ruộng vườn tan hoang, những trẻ thơ, người già vô tội chết oan, những bạn bè phút trước còn ngồi nhậu nhẹt, phút sau đã tai mắt tanh banh thì giọng thư nàng đầy hốt hoảng, lo âu, buồn bã:
"... Eo ơi, cho đến bây giờ ngồi viết thư cho anh mà em vẫn còn phập phồng, sợ hãi. Anh biết không? Tuần trước, nửa đêm họ về lôi ông Chủ tịch xã ra bắn. Bác Sáu đó, anh còn nhớ không? Họ bảo bác là nguỵ quyền ác ôn gì đó. Mà em thấy bác có ác ôn gì đâu. Bác hiền như cục bột. Thỉnh thoảng bác vẫn mang cho em cái thư của anh mặc dù đó không phải là phần việc của bác. Em như vẫn còn thấy nụ cười thật lành của bác hôm nào. Bây giờ thì... Quân ơi, làng mình không còn được như xưa nữa".
"Mà thư của anh cũng làm em héo hắt ruột gan. Sao đánh nhau dữ vậy anh? Anh rán giữ mình. Đêm đêm em vẫn cầu nguyện cho anh. Hôm qua em sang nhà, má bảo em có viết thư cho anh thì nhắc anh má dặn như vậy. Rồi má thở dài nói hòn đạn mũi tên không có mắt. Má nói không biết nó ham gì mà đi lung tung. Má nhìn em; còn em thì chỉ biết khóc. Quân ơi, anh biết không, em lo cho anh biết chừng nào".
"... Anh nhớ cây trứng cá bên hiên nhà em mà cái tàn của nó phủ sang cả bên sân nhà anh không? Nó bắt đầu có trái chín rồi đó. Mỗi chiều cơm nước xong rồi, chẳng biết làm gì em vẫn thường hay ra đứng thơ thẩn nhìn, tiện tay em hái một trái. Trái trứng cá tròn ve, bóng mượt như một hòn bi trông rất thích, em mới biết tại sao lúc nhỏ mình hay giành nhau; bây giờ thì trái đầy ra đó mà chúng ta có còn b" bỏng, thơ dại như xưa nữa đâu".
"Cây trứng cá đó đã sống bao lâu rồi nhỉ; dễ chừng có bằng tuổi chúng mình. Nó đã chứng kiến tuổi thơ của chúng ta; rồi chứng kiến tình yêu của chúng ta; và bây giờ nó lại làm chứng cho những khắc khoải, lo âu, những đợi chờ mòn mỏi của em. Anh biết không? Nhiều đêm, nhất là những đêm trăng sáng, em vẫn thường ra ngồi nơi chúng ta đã ngồi, đã hôn nhau. Em ngồi nhìn ánh trăng lạnh lẽo chảy tràn lan trên lá trên cây mà nghĩ đến anh, mơ tưởng đến anh. Em như một chinh phụ chờ chồng. "Chàng thì đi vào nơi gió cát, đêm trăng này nghỉ mát phương nao?" Nỗi lòng đó bây giờ em mới thấm thía. Anh biết không? "Em sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo. Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da"... "
Tuy vậy, thỉnh thoảng tôi cũng nhận được cái thư vui vui của nàng:
"... Hôm qua tình cờ em đọc một bài thơ rất haỵ Em viết ra đây cho anh nhé:
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui...
Có đúng vậy không anh? Cái ông nhà thơ đó cứ mỗi lần đụng trận mà còn sống thì phải về Sông Mao phá phách chơi hả anh? Còn anh, sau mỗi lần đụng trận anh làm gì? Anh đã từng chia sớt nỗi sầu của anh với ai chưa? Em có chị bạn bảo mấy ông lính là... ghê lắm. Chẳng phải đợi chị ấy nói em mới biết. Em biết anh ghê lắm từ... khuya rồi. Anh chết với em đó nhé!
Mà Quân này, chị bạn em cũng có chồng lính, lâu lâu mới về thăm chị một lần. Mỗi lần anh ấy về là chị vui lắm. Vui chứ sao không, phải không anh? Quân, hay chúng ta làm đám cưới. Anh xin nghỉ phép rồi chúng ta làm đám cưới. Chứ chúng ta còn chờ cho đến bao giờ? Chiến tranh này thì chờ cho đến khi nào mới chấm dứt? Anh biết không? Cưới hay không cưới thì em cũng lo lắng như nhau; nhưng cưới rồi em khỏi lo mất anh. Anh ở đâu đâu, làm gì em làm sao biết được? Anh "chia sớt nỗi sầu" của anh lung tung với ai em làm sao biết được. Rồi lúc nào đó anh chia hết nỗi sầu, anh hóa vui quên mất đường về, em mới biết làm sao? Anh biết không? Nhiều lúc em thấy cô đơn kinh khủng. Ngoài việc dạy lũ học trò nhỏ, em chẳng biết làm gì; mà học trò cũng càng ngày càng vắng đi. Quân ơi, em yêu anh lắm, anh biết không?... "
Tôi đọc mãi những lá thư "anh biết không?" của nàng rồi thư tôi cũng đầy những "em biết không?". Anh yêu em lắm, em biết không?
Chúng tôi thư từ liên lạc với nhau thường xuyên. Tôi viết cho nàng bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào có dịp. Tôi yêu nàng. Tôi yêu cả tình yêu đẹp đẽ của chúng tôi...
Nhưng một ngày thư tôi bỗng dưng bị trả lại. Tôi hoảng hốt viết tiếp nhiều lá nữa nhưng đều bị trả lại hết. Tôi buồn bã kêu thầm "Anh mất em rồi, em biết không?"
*
Bẵng đi hơn mười năm, một hôm bất ngờ tôi gặp lại nàng tại một siêu thị Ở Hoa Kỳ. Hôm đó tôi đang đứng lựa mua một số thịt đóng hộp để dành ăn trong tuần. Đầu kia dãy kệ, tôi nghe tiếng một bé trai vòi vĩnh mẹ:
- Mẹ mua cho con hộp kẹo này.
Tiếng người đàn bà dịu dàng nhưng cương quyết:
- Không được, ở nhà có kẹo rồi; mà con ăn nhiều kẹo quá hư răng hết đấy.
Tôi nghe giọng nói đó rất quen nên ngạc nhiên quay lại nhìn. Người đàn bà mặc một chiếc váy đen và chiếc áo màu xanh da trời đang cúi xuống thì thầm dỗ thằng bé. Mái tóc dài rũ xuống che khuất một phần khuôn mặt. Tôi sửng sờ. Nàng đó chứ còn ai nữa. Mái tóc đó, khuôn mặt đó, bờ vai nhỏ nhắn yêu kiều đó rất quen thuộc với tôi. Tôi đứng chôn chân nhìn như không tin ở mắt mình. Hình như có linh tính bị nhìn trộm, nàng ngẩng đầu quay lại. Bốn mắt nhìn nhau. Nàng cũng sửng sờ, bàn tay đặt trên vai thằng bé ơ hờ buông thõng xuống; rồi nàng đứng dậy. Tôi chạy vội đến:
- Không ngờ gặp lại em ở đây.
Nàng chớp mắt cảm động:
- Em cũng không ngờ.
Sau phút xúc động ban đầu, chúng tôi hỏi thăm nhau. Tôi xoa đầu thằng b" đang đứng trố mắt ra nhìn quên cả đòi mua kẹo. Tôi bảo nó:
- Chiều quá nó sẽ hự Bác cho đó; con cảm ơn bác đi.
Thằng bé ôm chầm lấy gói kẹo rồi lí nhí cảm ơn tôi. Chúng tôi bỏ siêu thị vào một quán nước. Tôi hỏi thăm về đời sống của nàng, về những ngày tháng cũ. Nàng trách tôi:
- Sao hồi đó anh trốn em?
Tôi ngạc nhiên:
- Trốn? Anh gởi thư đến nhà em bao nhiêu lần đều bị trả lại.
Nghe tôi nói nàng sửng người. Hồi lâu nàng lên tiếng:
- Ba má em dọn nhà đi tỉnh khác. Em gởi thư cho ba má anh, không thấy trả lời; gởi cho anh, thư bị trả lại. Một lần em tìm ra nhà anh thì nhà đã dọn đi nơi khác. Nàng dừng lại rồi buồn bã tiếp:
- Sao có sự trùng hợp oan nghiệt như vậy.
Tôi cố nén tiếng thở dài. Số trời đã định. Tôi hỏi:
- Em lấy chồng lúc nào?
Nàng đáp:
- Trước bảy lăm một năm.
- Vui vẻ chứ? Anh ấy bây giờ làm gì?
Nàng im lặng không đáp, nhìn mông lung ra cửa quán. Nột lát nàng cất giọng ngậm ngùi:
- Anh ấy chết rồi; chết lúc đi lấy gỗ trong trại tù cải tạo.
Tôi nói xin lỗi rồi ngồi im. Thằng bé đang đùa nghịch với ly nước. Nó cầm cái muỗng nhỏ gõ lanh canh vào thành ly.
- Hồi đó em buồn lắm. Em cứ thắc mắc tự hỏi không biết đã làm gì để tự nhiên anh cúp hết mọi liên lạc. Không có má em theo khuyên giải, can ngăn thì em đã tự tử rồi.
Tôi bùi ngùi:
- Anh bị phạt mấy lần rồi bị đuổi ra khỏi binh chủng. Gởi thư cho em thì thư bị trả lại. Anh nghĩ chắc em chán không muốn lấy chồng lính. Có lẽ số trời đã định như vậy.
Thằng bé làm đổ ly nước ra bàn. Nàng nạt thằng con, cầm cái khăn giấy lau chỗ nước đọng rồi bất chợt đổi giọng vui vẻ:
- Anh làm gì mà lang thang một mình ở siêu thị? Chị đâu rồi?
Tôi vờ:
- Chị nào?
Nàng cười:
- Anh còn làm bộ. Vợ anh chớ chị nào.
Tôi đùa:
- Còn gởi ở nhà ông bà nhạc. Anh ở lính sống chết không biết chừng, lại đi lung tung bất định nên không có thì giờ lấy vợ. Hết lính lại tù. Bây giờ sang đây đàn ông đâm ra lạm phát nên cứ phải làm ông nội trợ bất đắc dĩ, như em thấy đó.
Nàng lườm tôi:
- Anh cứ làm bộ tả oán. Em còn lạ gì anh. Quỷ quái không ai bằng.
- Anh làm gì mà quỷ quái?
Nàng nguýt tôi, nhắc lại chuyện cũ:
- Mới mười ba tuổi đã lợi dụng mò mẫm người ta rồi, còn nói là không quỷ quái.
Tôi phân trần:
- Cái đó thật oan cho anh; chỉ vô tình thôi; mười ba tuổi biết gì mà mò với mẫm.
Tôi thấy lại ánh mắt long lanh của nàng hơn hai mươi năm trước:
- Không biết gì! Không biết gì mà ôm riết lấy người ta.
Tôi bật cười, trêu nàng:
- Mà "người ta" có thích không?
Tôi nghe nàng hứ nhỏ, đỏ mặt thẹn thùng.
Mấy tháng sau chúng tôi làm đám cưới. Một đám cưới muộn màng. Chú rễ đã quá nửa đời người và cô dâu có một nhóc tì lon ton đoạn hậu.
* * *
Tôi vừa kể xong một truyện tình. Một truyện tình có hậu nhưng tầm thường; không có những gút mắc li kì, những cụp lạc gay cấn, không thịt da nhễ nhãi, không rên không lạ Tóm lại, một truyện tình vô vị, nhạt phèo.
Mấy lần đọc lại tôi đã toan chia cách họ ra. Dễ quá mà. Chẳng hạn, sau một thời gian chung sống, người vợ đổi tánh bỏ chồng đi và thảm cảnh xảy ra; hoặc người chồng bị bệnh chết vì hậu quả của thời gian ở tù bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn; hoặc người vợ bi... đụng xe. Cái gì chứ chết thì có thiếu gì cách và bỏ nhau thì có chán vạn gì lý do.
Nhưng tại sao phải chia cách họ rả Không phải người ta yêu nhau là để kết hợp nhau, cùng nhau đi hết một đời ư? Nếu không thì yêu nhau làm gì? Tại sao kể một truyện tình thì phải có những trắc trở, oan khiên, những lừa đảo, những sở khanh ruồng bỏ, những dập liễu vùi hoa, và kết cuộc thì phải tan tác, phải đôi ngã chia ly, người đầu sông Tương, kẻ cuối sông Tương mới kích thích người đọc, người nghe, mới làm cho họ bị ám ảnh lâu dài? Còn một cuộc tình êm xuôi tốt đẹp, một tấm lòng thủy chung, son sắt lại là tầm thường nhạt nhẻo, lại chẳng gây nên một xúc động, một ám ảnh lâu dài nào ư? Nếu đúng thế thì thật là bi đát quá.
Cho nên tôi để vậy. Họ bắt đầu yêu nhau khi còn thơ và giữ được tình yêu đó qua bao nhiêu bể dâu của đời sống, họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Không nên như vậy sao?