Vườn bà Cả có hai cây cau lão. Người ta bảo là hai cây cau sanh đôi.

Cây gì thì có thể sanh đôi, như me, xoài sanh đôi. Không phải hột nó mọc lên hai cây một lúc, mà khi lên mầm nó nảy ra hai nhánh cùng lớn bằng nhau nên khi lớn lên người ta tưởng đó là 2 cây nên gọi là sanh đôi.

Như cây gõ, hột đâu mà nó mọc lên hai cây song song. Để dân làng gọi là cây "gõ đôi" và lấy đó làm tiêu chuẩn để đi về khỏi sợ lạc nẻo. Còn đây là hai cây cau mọc lên song song nên gọi nó là cây "cau sanh đôi" nhưng gẫm cho cùng, cau là một, dừa là hai, làm sao sanh đôi được?

Nhưng chuyện người đời nói mãi, có khi cũng thành xuôi, quấy cũng thành phải, láo thành thiệt.

Như ở xóm tôi có thằng Tý. Hình như trời sanh nó ra để nói láo, cho nên nó nói 10 chuyện thì nên bỏ qua 9 chuyện còn một chuyện thì chỉ nên tin một phần 10 là vừa. Một hôm nó đi ruộng về, nó bảo ở làng dưới có con trâu 2 đuôi. Thế là người này truyền cho người kia rồi người ta rủ nhau đi xem "trâu 3 đuôi" nhưng đến nơi thì không thấy trâu bò đâu hết, vì làng đó người ta làm ruộng bằng cách cuốc giồng khoai rồi bang ra cấy chứ không có cầy bừa bằng trâu như những làng bên cạnh. Thế là thằng Tý cười ha hả: ai bảo tin tui thì ráng chịu.

Một hôm nó đi rừng đốn củi về nó bảo nó gặp một người đàn bà lông lá như khỉ. Bà ta ãm một đứa con nửa trên là người nửa dưới là khỉ. "Bà ta không còn nói được tiếng người, chỉ ra dấu". Nghe thằng Tý thuật lại vớinhững chi tiết rành mạch cụ thể như vậy người ta lại tin nó nói thật và lại len lén rủ nhau đi xem "bà khỉ". Khi xem về, người ở nhà hỏi: "Có thiệt không?" thì trả lời, "lên rừng xem thì biết! (chớ không chịu nói sự thực) Thành ra ai cũng muốn biết sự thực nên mắc lừa thắng Tý.

Nó lừa người ta không phải để lấy tiền lấy bạc làm giầu làm có gì mà nó nói láo thành thói quen. Mãi rồi có câu: "Muốn bán ghe thì nghe thằng Tý." Chả là ở vùng này ghe xuồng là phương tiện giao thông chính. Tý nói láo mãi rồi đến tai ban Hương chức hội tề. Ông Cả bèn kêu nó đến giằn mặt:

- Mày nói láo giỏi lắm hả mậy? Đâu mày nói láo tao coi. Không nói được, tao còng đầu". Thằng Tý gãi đầu gãi tai, khúm núm:

- Dạ đâu có Cả! Con nói thiệt không à.

Rồi cúi chào lễ phép và quay đi. Ông Cả gọi giật lại:

- Này, mai trở vào cho Trùm đóng trăn mày vì tội nói láo nghe!

Thằng Tý lại khúm núm:

- Dạ cho con ngày mốt được không ạ! Dạ ngày mai là ngày bố con làm kỵ cơm cho ông nội con ạ! Con xin kính mời Cả và ban hội tề đến uống rượu!

Ngày mai ông hương Bộ, hương Hào đến nhưng thấy nhà cửa vắng teo, nên hai ông qua quán bên cạnh ngồi chờ. Chập sau thấy ông Cả khăn áo chỉnh tề đến. Nhìn trong nhà không thấy có vẻ gì đám tiệc cả, ông Cả gọi thằng Tý đến hỏi:

- Sao mày mời tao và ban hội tề tới mà không thấy gì hết vậy?

Thằng Tý gãi đầu gãi tai:

- Dạ thì Cả bảo con nói láo cho Cả coi! Ông Cả bảo:

- Mày tới nhà làng để tao cho Trùm đóng trăn mày!

- Dạ, cái trăn con đã đem về đây hồi tối. Vậy con không phải vô nhà làng.

- …!!! Vậy mai mày đến trèo cau cho tao!

- Dạ, hai cây cau sinh đôi! Con phải chờ má con sanh ….đã để trèo mới được.

- Mày, thằng láo thiên láo địa láo Bà Rịa láo vô!

Miệng tuy nói vậy nhưng bụng….ông Cả tin rằng nhà ông có cây cau sanh đôi thật.

Bạn đọc thân mến,

Tôi ghi câu chuyện này nhân đọc quyển "Ai Giết Hồ Chí Minh?" của Minh Võ. Sách dày trên 300 trang, tôi đọc đến trang 183 thì nghỉ mệt, nhân đó nhớ ra câu chuyện này: Thằng Tý láo.

Vì trong sách có câu: "Nói láo, ban đầu người ta không tin, nhưng cuối cùng rồi người ta tin". Cũng như có câu: "Nói láo như VẸM!"

Thật vậy chúng nói láo từ lúc mới khóc chào đời (1930), giải tán đảng Cộng Sản (1945) cho đến tên Chúa đảng sanh ra ngày tháng năm nào đều bịa. Rồi đến lúc lão "theo Mác Lê" là chuyện ai cũng biết, vào ngày 2-9-69 nhưng rồi đề là ngày 3-9-69. Ngoài ra còn vô số chuyện bịp trong cuộc đời hắn không thể nào liệt kê ra hết nổi. Có thể nói lão nói láo và đám tay chân lão bịa láo về lão không còn biết đâu là sự thực trên con người Hồ chí Minh. Ngay như cái tên này, Hồ Chí Minh cũng không phải là của lão.

Minh Võ viết quyển sách này với sự nghiên cứu công phu, lập luận vững vàng với bằng chứng cụ thể, lời văn giản dị để chứng minh một điều rất giản dị là: "Thằng Tý nói láo mãi, rồi có ngày ông Cả cũng tin nó" và khuyên ta một điều cũng rất giản dị là "đừng nên tin thằng Tý, để khỏi bị nó lừa."

Theo tôi, viết một tác phẩm mà khi đọc xong, độc giả còn nhớ một câu thì đó là tác giả đã thành công.

Bây giờ trong đầu tôi lại đậm thêm hình ảnh "thằng Tý" là nhờ nhà bình luận Minh võ. Xin hãy đọc Minh Võ để khỏi mắc lừa "thằng Tý" như ông Cả và ban hội tề đã mắc lừa "đám giỗ". Và nhân đây cũng xin ghi lại câu nói của cựu hoàng Bảo Đại (1948): "Chúng ta đều đã mắc lừa bọn du côn."

Tháng tư năm 2002

Hết