Một người đàn bà An Nam xuất thân đi lấy Tây, ngoài hai mươi năm son phấn lẫy lừng, nghĩa tình vẹn đủ, nay đến cảnh già, quyết chí trở về quê... Gái về già với quan về hưu, hai cảnh ngộ cũng như nhau là một.

Buổi sáng hôm ấy, rèm trời vừa hé đỏ, cát bụi vẫn ngủ yên... lững thững ra đi cùng anh bạn thân gậy trúc. Trước cái cảnh lúc tan sương, nào mong được có những điều nên thưởng!

Đến đầu phố kia, lù lù một cái xe hơi chở hàng đỗ trước một căn nhà cửa mở. Kẻ thầy người tớ đương tíu tấp khiêng chở lên xe. Cái giường tây sơn trắng, những khung ảnh thiếp vàng, những bồ nứa kẹp, những hòm khóa chuông... đã lần lượt xếp để lên xe.

Ai dọn nhà sớm thế? ?Khách qua đường biết vậy, nào để ý đến làm chi.

Chợt nghe tiếng trên từng lầu thứ ba: "Nay bác Cả! Xếp bồ lên trên hòm, mà đặt nhẹ tay, kẻo vỡ cả đấy".

Tưởng là ai? Nào hay đâu người quen biết cũ, từ sáu bẩy năm về trước. Chữ quen biết ta nói đây là dùng đúng theo nghĩa hẹp, chớ vội tưởng giọng hàm hồ ấy của hạng làng chơi non nớt.

Vành khăn non ưa vấn bên vai, tiếng cười chào khách đã từ trên lầu cao buông xuống.

- Bao lâu ta mới gặp nhau. Trông ông vẫn trẻ. - Bàn tay bà M.S. đưa cho ta bắt vẫn còn mũm mĩm như xưa, mà móng tay vẫn còn giữ gìn sạch sẽ.

- Tôi trông bà dù có phần đổi khác, nhưng cái dáng điệu, cái cốt cách vẫn khiến cho người ta phải tưởng tượng đến cái đẹp của bà ngày trước.

- Nhà dọn bề bộn, chẳng có nước mời ông. Tôi được chánh phủ cho giấy về hưu đây, ông ạ - Bà thấy ta có vẻ ngạc nhiên không hiểu, liền cười to (hai hàm răng vẫn trắng, cái đồng tiền vẫn xinh):

Tôi già rồi! Nơi đô hội chẳng phải là chỗ nương thân của tôi nữa. Tôi định về quê làm ruộng đây.

- Thực sao? Thưa bà.

- Chết nỗi! Đời dối tôi thì có, tôi chưa dối đời bao giờ. Ông đã rõ ngay từ khi lấy quan tôi, ấy là đối với chồng Tây cũng vậy, chưa hề có...

- Thế, thưa bà đã lấy qua chồng Tây sao?

Bà cười (cái cười chỗ này có lẽ là cái cười đau đớn mà mỉa mai). Cái đoạn trường ấy, ông sẽ rõ sau. Phải từ ngày quan tôi tạ thế, vì buồn mà tôi đi xa một độ, lên ải Nam Quan, sang địa phận Tầu. Lúc ấy lưng vốn tôi có tới sáu, bảy vạn đồng, ấy là tiền tôi buôn bán để ra, ấy là tiền tôi tằn tiện mà có, ấy là tiền tôi lo công giúp việc cho quan, cho dân, cho đủ hạng người mà xếp thành một cái vốn tọ Bạn trăm năm kia dù đã khuất, nhưng sắc trời cho tôi vẫn còn. Tôi nghĩ đời một người đờn bà như tôi, lúc còn trẻ ra lấy Tây đã có câu thề: nếu chẳng báo được ơn cha mẹ, nếu chẳng giúp được chỗ họ hàng, nếu chẳng ghi được công đức cho dân làng mình sinh trưởng thì thà gửi thân đất khách, chớ chẳng theo cáo chết ba năm quay đầu về núi. Thề xưa nay đã trọn, thân mình còn vương vít với nợ trần làm chi.

Chí tôi đã quyết rồi, cho nên lúc ấy lời ong giọng bướm thiếu gì, mà tôi chỉ phú cho cái cười, yêu gác để ngoài tai.

Nhưng phong trần đã đầy vào kiếp, ắt phải có phen sỉ nhục một lần mới thôi. Trước bốn năm nay người chị em giới thiệu một chàng: râu mày nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao. Cái lễ phép Tây, chàng đã học thuộc lòng từ ngày sang đi đấu xảo, cái lời tán tỉnh ta, chàng đã thạo chuyên khoa từ lúc tấp tểnh rao lời. Bao lâu chàng đi lại tôi chỉ coi như người khách tới lui. Ông còn lạ gì lòng tôi bất nhẫn, chẳng cự tuyệt ai bao giờ.

Cái vốn to kia có người trông nom mà biết dùng thì cơ nghiệp nên to, biết đâu chẳng giúp một vài phần cho nước cho nhà. Thôi! Cái ngày nghĩ đến thế tức là ngày tin trao khối tình với khối bạc cho anh chàng, mà tức là ngày tôi mắc bợm với chàng Khanh từ đấy.

Chàng cùng tôi bốn năm mở nghiệp ở tỉnh xa, mất của cũng có, mà lỗ lời cũng có, kết cục lại thì cái số sáu, bảy vạn đồng tiêu tan cùng khói xe hơi. Sau đức ông chồng tôi ham mê một chị Tây lai, vì nghe đâu chị vốn liếng cũng có hàng ngàn. Chàng muốn dỗ tôi im hơi lặng tiếng để ra tay vơ vét rồi sau sẽ cùng nhau hưởng. Chao ôi! Mong chồng nên ông, ai muốn chồng làm mặt ma cô!

Thế là cuộc bách niên giai lão của hai tôi ngắn ngủi được vài bốn năm.

Tiếng nói lúc này nghe như giọng người cầm nước mắt. Cái cười khanh khách lại làm át giọng bi ai, và bà nói luôn: Thôi nói ra còn dài lắm. Ông chỉ nên biết rằng tôi làm tôi chịu, chẳng trách trời, cũng chẳng oán người. Cái thân thế tôi ngày nay chỉ còn trông vào hai chữ "an nhàn" mà thôi. Cho nên tôi dọn về quê, là mong được sống cùng cây cỏ, mà xa bụi chốn phồn hoa".

Boom! Boom! Còi xe báo sắp chạy. Cậu người nhà lên thưa đồ đã xếp xong.

Ta đứng dậy chào, mong có một ngày được nghe hết chuyện, để kiếm cách tạ từ với người quen biết.

*

* *

Còi kêu khói tỏa, xe chạy mịt mù, cánh hồng bay bổng...

Khách đi đường đứng lại coi, người đôi bên hàng phố ngẩn ra nhìn, ta lủi thủi trong bụi bay ánh sáng...

Ngoại hai mươi năm thân thế, lập nổi cơ đồ trong bàn tay trắng, mà nay danh tiếng với bạc vàng chỉ thành một giấc mộng không. Cái án ấy nên pho tiểu thuyết.

Trích từ

Tuyển tập truyện ngắn đầu thế kỷ XX

Hết