Khi mặt trời vừa nhô lên trên rặng cây phượng đỏ chói, mọc cạnh sân trường tiểu học, nằm trên bờ sông Tây Thượng, người cựu chiến binh Hải Quân cụt một chân trái, đã tập tễnh mang xấp truyền đơn của hội cựu Thương phế binh, lên đường đi về khu chợ mới, nằm tuốt dưới cầu Bao Vinh. Dù đoạn đường khá xa nhưng đối với anh, đâu có nhằm nhò gì so với những con đường đồi khấp khỉu thẳng tắp, trong khu vực nằm kế cận trại giam cải tạo, mà anh đã đi lên xuống nhiều năm, trên chiếc nạng gỗ. Sáng nay là ngày nhóm chợ đầu tháng, nên chợ chắc chắn là sẽ đông đúc hơn thường lệ. Chú Màng nói như vậy khi chú ấy đến gặp anh tối hôm qua:

" Nhờ niên trưởng ngày mai đi phân phát hộ chúng em những tờ truyền đơn gây quĩ cho anh em thương phế binh, để mình có một ít ngân khoản cứu trợ nhau."

Sau khi đưa cho anh tập truyền đơn, Màng vội vàng leo lên chiếc xe xích lô, đạp đi đến những anh em quen biết để nhờ họ ngày mai đi phân phối tại nơi khác. Màng là một cựu Chuẩn úy, Sĩ quan đoàn viên thuộc Liên Đoàn đặc nhiệm tại Thuận An. Trong ngày Huế thất thủ, Màng chán nản khi thấy quân lính tranh nhau xuống tàu, phân tán hỗn độn. Dân chúng hoảng hốt bỏ Cố đô vì đã có kinh nghiệm Tết Mậu Thân, sợ Ở lại chết không có đất chôn.

Màng bị đẩy theo làn sóng người lên một chiến đĩnh nhỏ của Lực Lượng như người mất trí. Anh ta chẳng có vợ con gì cả, cha mẹ thì đã chết từ lâu, chỉ có một thằng em trai đi Biệt Động Quân, nay đang ở đâu trên Ban Mê ThuộT, ít khi liên lạc nên anh cũng không biết sống chết như thế nào. Màng theo cuộc di tản vào đến Sài gòn vừa đúng lúc miền Nam sắp sửa đầu hàng, anh không muốn đi qua Mỹ, biết làm gì bên đó. Vì thế sau ngày 30 tháng 4, anh lại tìm đường trở về Huế, ra trình diện và đi cải tạo hơn sáu năm. Màng vẫn thấy may mắn hơn những chiến hữu khác vì anh ta không bị tàn tật và còn rất khỏe mạnh nhờ biết tập thể dục hàng ngày, lại thêm lao động chân tay, vát cây đốn củi dưới nắng mưa của núi rừng Lao Bão. Thế mà không bị bệnh cũng nhờ phước nhà.

Sau khi được thả ra khỏi trại cải tạo, Màng đi làm công cho một ông bà già vớt cát trên sông Hương, đúng là nghề của chàng, suốt ngày lặn hụp như lúc xưa còn ở trong Hải Thuyền. Làm được hơn một năm, Màng bắt đầu muốn làm một cái gì để giúp cho các bạn thương phế binh đồng đội cũ, mà muốn như thế phải có phương tiện di chuyển. Vì vậy anh thuê một chiếc xe xích lô cũ, vừa chở khách qua ngày vừa liên lạc với các đàn anh chiến hữu, tổ chức một hội cựu Thương phế binh trong vòng bí mật, để giúp đỡ lẫn nhau.

Thương phế binh là nạn nhân của chiến tranh, những người chịu thiệt thòi nhất trong cuộc chiến, bị quên lãng không những chỉ bởi chính quyền cũ hay mới mà ngay từ tất cả người thân thuộc. Họ không muốn gánh nặng lo lắng chăm sóc cho các người tàn phế, dù cho những người đó là bà con hay chồng của mình. Đây là trường hợp của người niên trưởng của Màng.

Cuộc chiến trên chiến trường vừa chấm dứt sau ngày đất nước mất vào tay của Cộng sản, thì cuộc tranh đấu với những niềm khổ nhục để sống còn trong các trại giam và trại tù cải tạo bắt đầu từ giây phút đó. Đặc biệt là đối với những Sĩ quan thuộc chế độ cũ có dính líu đến tình báo, an ninh mà họ đã thi hành vì công vụ và trách nhiệm lúc trước. Niên trưởng của Màng cũng ở trong trường hợp này, anh bị bắt làm tù binh sau khi cụt mất một chân trong chuyến công tác tại Cửa Việt, ngay trước khi Huế di tản và sau đó bị giam cầm chung trong trại giam của Màng, sau năm bảy lăm. Màng nhớ lại những kỷ niệm của hai người nhất là trận lụt năm bảy ba, mà chiến thuyền Yabuta của Màng phải vượt giòng nước lũ tràn từ sông Hương đổ ra biển Thuận An, để đi cứu chiếc PBR của Giang Đoàn Tuần thám bị lạc đường trong đêm tối trên đường về căn cứ và bị mắc cạn tại một cồn đất gần đó. Trung úy Sĩ quan tình báo phải được vị Liên Đoàn trưởng ôm dìu và lội đến chiến thuyền của Màng nằm cách đó khoảng 100 thước và đang tung giây tiếp cứu. Trong đêm đó khi nhìn tấm thân gầy còm của vị niên trưởng đang run cầm cập dưới cơn gió lạnh trong đêm vắng, sau này Màng không thể tưởng tượng con người này lại có một tinh thần chịu đựng dũng mảnh trong những chuỗi ngày tù đày trong trại cải tạo trên chiếc nạng gỗ.

Màng còn nhớ lại ngày hôm ấy, trong một buổi sáng mùa thu, lá rừng bắt đầu thay đổi qua màu vàng úa, cơn gió miền nhiệt đới bớt nóng oi bức và nắng vàng đã soi bóng trên con suối nhỏ cạnh trại giam. Tất cả đang sửa soạn lên đường lao động, niên trưởng của Màng được gọi lên văn phòng trại để thông báo tin gia đình. Mọi người đều ngạc nhiên vì ít khi trại viên được gọi lên về những lý do như vậy, ngoại trừ trường hợp thật khẩn cấp. Quả thật đúng như Màng lo sợ sẽ có chuyện không lành xảy ra cho vị niên trưởng thân yêu của mình. Màng được cán bộ Cộng sản cho biết là hai hôm trước, chiếc xe đò chở vợ và con gái của vị niên trưởng bị nổ tung vì chạy qua một quả mìn còn sót lại, trên con đường đất dẫn đến trại giam. Vợ của niên trưởng bị thương nhẹ, riêng cô con gái độc nhất vừa lên chín tuổi bị tử nạn. Sau đó gần hai năm trước khi Màng được thả ra, Màng lại được tin vợ của người niên trưởng này đã rời Huế vào Sài gòn và có lẽ đã vượt biên đi Mỹ cùng với gia đình giàu có của bà ta. Niên trưởng của Màng được trả tự do trong đợt phóng thích tù nhân chính trị đầu tiên của Cộng sản, về ở trọ với người em gái và đứa con trai của cô này tại làng Tây Thượng gần Huế.

Khoảng sáu tháng sau khi làm việc xúc cát từ đáy sông Hương và tìm được địa chỉ niên trưởng của Màng, anh cựu chiến binh Hải Thuyền liền vội tìm đến thăm vị niên trưởng và chia buồn với người đàn anh bất hạnh này. Sau đó Màng cũng đưa một phần số tiền đã dành dụm được cho người niên trưởng, để giúp đỡ một phần nào cảnh túng thiếu của người bạn cũ. Ban đầu người niên trưởng nhất định từ chối, nhưng sau đó thấy Màng năn nỉ và nước mắt chảy xuống má, niên trưởng cảm động nhận lấy món quà của anh chàng Hải Thuyền cứng đầu ngày xưa, rồi hai anh em ôm nhau khóc ròng và tâm sự suốt đêm. Kể từ ngày đó, tình chiến hữu đã trở thành tình anh em ruột thịt đậm đà, Màng để dành tiền và viết thư cho những vị Sĩ quan Đơn vị trưởng cũ mà anh biết địa chỉ tại Mỹ, yêu cầu giúp đỡ cho niên trưởng của mình. Số tiền nhận được rất khá, nên Màng sắm cho niên trưởng một chiếc chân giả loại tối tân với phụ tùng rất tốt, tháo ra gắn vào dễ dàng và rất nhanh, đi đứng thoải mái, không khác gì chân thiệt.

Hôm vừa nhận được thư của vị Liên Đoàn trưởng Liên Đoàn đặc nhiệm, hai anh em vừa đọc vừa khóc, nhớ đến tình thầy trò, nhớ lại những chuyến hải hành đêm, những trận phục kích trong vùng địch. Tất cả nay chỉ còn trong dĩ vãng chán chường. Hai đứa thương mến và thông cảm cho vị cựu Chỉ huy trưởng, một người một hoàn cảnh, chúng nó dù thiếu thốn về vật chất nhưng mỗi buổi sáng vẫn còn thích thú hít hưởng không khí trong lành của đất Mẹ, chỉ tiếc là trong hoàn cảnh cực khổ và môi trường khác biệt với ngày xưa cũ. Còn những người ra đi, đâu biết sẽ có ngày thấy lại nơi chôn nhau cắt rún và rồi khi tuổi đời bóng xế, chỉ mong tìm một thoáng dư âm kỷ niệm, trong đêm dài vắng lặng trên xứ lạ quê người, hầu thỏa lòng thương nhớ cố hương mà cũng không được, để sau cùng phải gửi nắm tro tàn của thể xác tại miền đất lạnh xa xôi.

Công tác thành lập hội Ái hữu Thương phế binh tiến triển rất tốt đẹp, kết quả khả quan đến độ Màng được các bạn trong nhóm cảnh cáo cho biết hình như cán bộ đang theo dõi và có ý định gây khó dễ cho tổ chức. Màng mỉm cười khi nghe tin này, anh biết bộ mặt thật của chúng nó quá mà, từ xưa đến nay vẫn thế, không có gì thay đổi được con người vô lương tâm. Thương phế binh, luôn luôn là nạn nhân bất lực trước mọi hành động vô nhân bất nghĩa của tất cả chế độ, đã quay lưng và phủi tay trước những con người bất hạnh này, xem họ như là một gánh nặng của xã hội, vì không còn tiềm năng sản xuất. Thế mà khi có người vì lòng nhân từ, nhớ ơn những nạn nhân chiến tranh này, ra tay giúp đỡ thay cho chính quyền và xã hội, thì lại bị gây khó dễ, bị hăm dọa đủ điều. Thật là bất công và khó hiểu. Tuy không chú tâm nhiều đến điều này, Màng cũng thông báo cho niên trưởng biết để đề phòng và ngay chính mình, Màng cũng cẩn thận hơn trước.

Người cựu chiến binh Hải Quân khập khểnh đi về hướng chợ mới, chỉ còn khoảng nửa cây số nữa là tới nơi. Trên đường người đi tấp nập, kẻ gánh người gồng đi vượt qua trước anh ta. Tiếng người cười nói vui vẻ, tiếng trẻ nít vui đùa tíu tít. Anh vươn vai, nở vòng ngực, thở ra, hít vào thật mạnh không khí trong lành của buổi sáng, nhìn lên bầu trời xanh dương. Từng đàn chim én lượn vòng trên những mái tranh che vội trong khu chợ mới, tơ trời phất phới theo cơn gió nhẹ ban mai. Trời hôm nay trong vắt không một gợn mây như hứa hẹn một ngày nắng ấm cuối mùa thu.

Anh chợt thấy lòng mình thắt lại khi tưởng nhớ đến đứa con gái bị chết cũng vào mùa thu năm đó và người vợ đã quên hết tình nghĩa ra đi không một lời giã biệt trong một buổi sáng trời vừa vào xuân. Còn đâu những chuỗi ngày vàng của ngày xưa cũ, bên nàng tay trong tay cùng sánh bước trên bãi biển nhiều gió của Thuận An trong buổi sáng mùa hè, hay dưới rặng thông già bên núi Ngự Bình, trên đồi Vọng Cảnh khi còn yêu nhau trong lứa tuổi học trò. Những buổi hẹn hò trong rạp chiếu bóng Châu Tinh, Tân Tân, dấu diếm, e thẹn với nụ hôn tình tứ. Anh còn nhớ rất rõ trong giấc mơ hằng đêm, vào những buổi chiều tắt nắng, hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc Honda, chở theo bé, chạy qua chiếc cầu nhỏ trên thôn Vĩ Dạ, qua Giã Viên, đến quán chè quen thuộc trên Cồn Hến, để thưởng thức ly chè đậu xanh đặc nước đá bào ngọt lịm. Nàng thường ăn chè đậu váng đặc, bé thì thích ăn chè hạt sen. Gia đình thường chọn những đêm trăng rằm cho những chuyến đi qua Cồn Hến, vì anh muốn nhìn trăng lên từ những hàng dừa xanh bên giòng sông Hương, nước trong vắt đang lờ lững chảy.

Tiếng người gọi nhau ơi ới đưa anh về thực tại từ giấc mơ dĩ vãng. Anh đã đến khu chợ mới và chọn một chỗ ngồi cho mình trên chiếc băng gỗ công cọng, móc túi lấy cuộc băng keo để dán một tờ truyền đơn trên băng ghế. Một xấp giấy viết thư màu xanh nhạt rớt từ túi quần xuống đất. Anh thờ thẫn nhặt lên, một bức hình cũ chụp hồi bé còn mới hai tuổi cùng với hai vợ chồng, nằm giữa những tờ giấy mỏng. Anh liếc nhìn, thở dài, hai tay hơi run rẩy, rồi xếp lại bỏ vào túi quần.

Tiếng máy xe Honda nổ dòn xen lẫn tiếng ồn ào của buổi nhóm chợ. Anh vừa lấy chiếc hộp trống bánh Lu để ra bên cạnh chỗ mình ngồi, vừa nhìn về chiếc xe Honda chở hai thanh niên, mặt mày lạ hoắc, đang thỉnh thoảng liếc về phía anh rồi nhìn đi chỗ khác khi gặp ánh mắt của người thương phế binh. Nhớ lại lời cảnh cáo của Màng, anh hơi phân vân, nhưng rồi khi những người qua lại, chào hỏi và bỏ tiền vào chiếc hộp, sau khi đọc tờ truyền đơn, anh quên mất và không chú ý đến hai người đó nữa.

Buổi chợ nhóm đến khoảng ba giờ chiều thì tan dần, mọi người từ từ sửa soạn ra về. Anh thu xếp vài tờ truyền đơn còn lại, đóng nắp hộp tiền quyên được và đứng dậy tập tễnh đi. Anh vừa đi vừa nghĩ đến khuôn mặt ngạc nhiên và vui vẻ của Màng khi nhìn thấy kết quả của một ngày vận động quyên góp tiền hôm nay. Thế mới biết người dân chân thật dù sống dưới bất cứ chế độ nào, họ cũng giữ được tấm lòng từ thiện, thương người cố hữu và sẵn sàng chia sẻ niềm bất hạnh của những đồng hương thiếu may mắn.

Có tiếng máy Honda rú mạnh từ phía sau lưng, tiếng máy xe mà anh đã nghe hồi sáng sớm khi vừa đến chợ, anh tránh vào lề đường và quay lại để nhìn. Bỗng nhiên khi tiếng máy xe đến gần, anh cảm thấy như có một bàn tay giựt mạnh chiếc hộp bánh Lu, rồi người anh bị đạp thật mạnh về phía trước. Anh mất thăng bằng trên chiếc chân giả bên trái. anh té sấp xuống đất, đầu anh đập mạnh trên những hòn đá sỏi. Anh cảm thấy máu mũi hình như đang chảy ra. Thế rồi những cú đấm tới tấp vào mặt, vào người, tóc anh bị kéo lên cao, rồi đầu anh bị đánh mạnh xuống đất. Hai tay anh chơi vơi bất lực, như muốn níu kéo một cái gì đã mất và sắp mất. Anh thoáng nghe tiếng người la hốt hoảng kêu cứu đâu đây, và rồi anh thấy mình nhẹ hẳn lên, hồn anh từ từ bay lên cao, anh mơ thấy bé đang mỉm miệng cười, dang tay chờ đón linh hồn anh.

Màng vừa gò mình trên chiếc xe xích lô, vừa nhấn mạnh bàn đạp. Anh càu nhàu trong miệng : " Biết rứa thì đừng đón ông khách cuối là kịp đón niên trưởng trước khi chợ tan rồi." Khi qua đến ngã ba gần đến khu chợ, anh vội vàng lách qua một bên và thắng gấp để tránh chiếc Honda, chở hai người thanh niên, mặt mày có vẻ hốt hoảng, xả hết tốc lực chạy ngược về phía xe của Màng. Anh chửi thề trong bụng rồi tiếp tục nhấn bàn đạp lái chiếc xích lô về phía người niên trưởng, giờ đây có lẽ đang tập tễnh trên chiếc chân bị cụt.

* * * * *

Màng ngồi trên chiếc ghế đá trong một công viên tại thành phố Sài gòn hoa lệ ngày xưa. Tiếng máy xe gắn máy, tiếng còi xe hơi inh ỏi, tiếng ồn ào của một trong những nơi nhiều bụi bậm và không khí ô nhiễm nhất thế giới. Anh thả hồn mình vào trong những ý tưởng chán chường.

Sau khi chôn cất xong người niên trưởng thân yêu, Màng không còn ý chí muốn sống tại quê hương nữa. Một cây làm chẳng nên non, vả lại anh đã mất đi rồi, còn ai để tâm sự, để nghe những lời khuyên nhủ thành thật về triết lý của cuộc đời. Thế rồi khi nhận được thư chia buồn của vị Liên Đoàn trưởng cũ từ Mỹ gửi về, thông báo cho Màng biết về chương trình xuất ngoại nhân đạo " H.O. ", anh tập họp các bạn và cho biết ý định của mình. Màng quyết định vào Sài gòn, sống tạm thời với người em trai, trước ở Biệt Động Quân, đi cải tạo bảy năm,hiện nay về sinh sống với vợ và hai con tại đây. Màng giúp em giao hàng hằng ngày trong khi chờ xin đi qua Mỹ theo diện "H.O." này.

Trong hơn một năm sống tại Sài gòn, Màng thấy bổn phận của mình như đã được an bày cho anh khi đến đất Mỹ. Hằng ngày đi giao hàng ngang qua những con đường phố, Màng thấy trên những vĩa hè, những thương phế binh cụt hai chân, trên chiếc nạng gỗ hoặc may mắn hơn, ngồi trên những xe lăn, tay cầm chiếc lon sữa bò, xin người qua lại giúp đỡ.

Anh chợt liên tưởng đến người niên trưởng cụt chân quá cố của mình mà không cầm được nước mắt. Màng móc trong túi áo trận bạc màu ra một phong bì, bên trong đựng lá thư màu xanh và một bức hình nhỏ của gia đình người niên trưởng. Màng có hứa với em gái của niên trưởng trong ngày đưa đám là khi Màng đến đất tự do, sẽ tìm ra địa chỉ của vợ niên trưởng và Màng sẽ gửi lá thư tâm tình mà ông đã viết nhưng không gửi đi. Màng đã tìm ra người em trai của bà vợ này, còn sống tại Sài gòn, anh có đến thăm và hỏi địa chỉ của bà tại Mỹ, nói là để chuyển lại những vật kỷ niệm của niên trưởng cho bà ta.

Tháng ngày trôi qua chậm chạp, nhất là đối với những người chờ đợi được chấp thuận ra đi. Thế rồi sau hơn sáu tháng bồn chồn lo âu vì không biết giấy tờ có đầy đũ hay không, Màng lên máy bay rời đất Mẹ, trong một buổi sáng trời mưa ngập đầy đường. Nhìn quê hương chìm dần dưới cánh bay, Màng không cầm được nước mắt. Thôi hết rồi đất nước thân yêu, thôi xa rồi người niên trưởng quí mến. Nhưng Màng biết nhiệm vụ truyền thông của mình đang chờ đón Màng tại nơi xứ tự do, nơi có nhiều phương tiện để Màng tiếp tục vận động giúp đỡ cho thương phế binh tại quê nhà, những người đang bị xã hội bỏ quên, trong kiếp sống còn lại của những người thiếu tình thương và không may mắn.

* * * * *

Người đàn bà dáng dấp nho nhỏ, trong chiếc quần Jean màu xanh nhạt, chiếc áo sơ mi để hở cổ, mang giày tennis, đang tưới cây trước một căn nhà kiểu rambler xinh xắn. Tiếng của phát ngôn viên từ radio cho biết tin tức khí tượng hôm nay tại Nasville, có thể có mưa giông vào buổi chiều. Bà ta lắc đầu cằn nhằn không vừa ý vì thời tiết xấu.

Chiếc xe bưu điện dừng lại trước nhà, người đưa thư vẫy tay chào, nói vài câu xã giao rồi bỏ thư từ vào thùng và tiếp tục lái xe chạy đi giao cho những nhà bên cạnh. Bà vợ ngừng tưới cây, quay vào nhà trong gọi lớn bằng tiếng Mỹ:

- " Honey, please get the mail for me, thank yoụ"

Ông chồng Mỹ, với mái tóc trắng nhiều hơn đen, bụng lớn hơn vòng ngực, trong chiếc quần sọt, xệ xuống khỏi rún, áo thun ba lỗ, đủng đỉnh từ từ ra mở hộp thư, vừa đi vừa đọc những giấy tờ vừa được gửi tới. Ông đến cạnh bên bà vợ người Việt Nam, đưa một phong bì có vẻ hơi dày hơn lá thư thường. Bà ta mỉm cười cám ơn ông chồng Mỹ, cầm chiếc bì thư với dòng chữ không quen thuộc của cậu em trai ở Sài gòn.

- " Tại răng lại viết bằng tiếng Việt có đánh dấu đàng hoàng mà lại không có địa chỉ của người gửi? " Bà phân vân và thắc mắc không biết lá thư này của ai gửi và từ đâu tới, vừa quan sát phong bì vừa lẩm bẩm:

-" À, mà có dấu của bưu điện, để thử xem thật kỹ nào, thư không phải xuất phát từ Việt Nam, Frederickburg VA? Virginia, USA? Thư được gửi từ tiểu bang Virginia, của ai rứa hè? "

Bà tò mò xé vội lá thư; một chiếc ảnh nhỏ rơi xuống đất... Trong nhà, văng vẳng từ bộ máy stereo của cậu con trai riêng của ông chồng Mỹ, giọng hát của ca sĩ Real McCoy trong bản nhạc " Another Night " đang thịnh hành tại Hoa Kỳ:

-" Another night, another dream... In my dream, I dreamed of you... "

Hoa Thịnh Đốn, Xuân Kỷ Mão

Lê Bá Thông

Hết