Năm học vừa qua, tôi về thực tập sư phạm tại một trường phổ thông trung học cấp 2 tận miền quê Diên Khánh. Đang quen với nếp sống mà mọi hoạt động đều dồn dập quay cuồn trong nhịp điệu Pop-Rock và muôn ánh đèn màu ở thành phố du lịch Nha Trang, đám sinh viên chúng tôi thích thú đến ngở ngàng trước khung cảnh yên bình, tươi mát và khỏe khoắn của vùng thôn dã. Mỗi hừng đông thức dậy, tôi luôn luôn có cảm giác lâng lâng, sảng khoái khi nhìn ra dòng sông Cù trong vắt, êm đềm chảy qua trước ngôi nhà tranh phụ huynh học sinh cho tạm trú. Quanh quất bên tôi, hương bưởi, hương chanh, hương cau, hương dừa... ngan ngát, ngạt ngào.

Đêm khuya - nhất là đêm trăng - vùng quê có không khí im lìm, tĩnh lặng, trong lành thật huyền dịu. Sự huyền dịu thẳm sâu, bàng bạc trong hồn tôi cảm giác lạ vô tận, vô cùng của vũ trụ và như được nghe những lời thầm thì ru dỗ của trăng sao...

Hướng dẩn thực tập nhóm tôi là cô giáo Tôn Nữ Thanh Trà - một phụ nữ Huế, không đẹp, nhưng có duyên, dịu dàng và đôn hậu. Như con sông chảy qua làng quê chân chắt, ẩn sau vẻ lặng lẽ, thâm trầm của cô là cả một sự trong sáng, bao dung, độ lượng và đầy bí ẩn.

Đợt thực tập qua nhanh. Hôm chia tay, đoàn thực tập tổ chức đêm lửa trại liên hoan văn nghệ. Giữa khuya trăng vằng vặc, quanh đống lửa hồng dần tàn, có ai đó đề ra một trò chơi. Mỗi người hãy tự kể một điều gì đó về mình.

Cô Tôn Nữ Thanh Trà đã say sưa kể cho chúng tôi nghe về người ông của cô.

* * *

Hồi đó, tôi là một con bé lên sáu, ốm tong teo, nhút nhát. Chị tôi đã là một thiếu nữ đi học ở trường huyện, vài tuần mới về nhà một buổi rồi lại vội vã đi ngaỵ Trong mắt tôi, chị xinh đẹp và đài các như một một nàng công chúa trong những chuyện cổ tích ông tôi thường kể cho tôi nghe. Vô phúc, mẹ tôi qua đời vì bạo bệnh. Cha tôi rầu rĩ, đau buồn sinh tật uống rượu, rồi bỏ nhà đi biệt tăm từ ấy. Ông tôi đưa hai chị em tôi về nuôi và cho ăn học.

ông tôi làm nghề xẻ gỗ. Ông cùng với đoàn thợ lên rừng đốn cây, đóng thành bè, theo sông Trà Khúc xuôi về. Bè súc được kéo lên bãi cỏ, dưới gốc đa đình làng. Họ làm lán xẻ gỗ. Thường thường, mỗi chuyến lên mạn ngược mất nửa tháng thì số gỗ đủ xẻ hết trong vòng hai tháng.

Thời trai trẻ, ông tôi làm công nhân trên thành phố. Sau khi bà tôi mất, ông bỏ thành phố về làng...

Những lúc cùng đoàn thợ lên rừng, ông gởi tôi sang nhà chú thím tôi. Chú tôi hiền, ít nói lại đông con. Bữa ăn vẫn thường nhiều khoai sắn, ít cơm. Và tôi thường gặp ánh mắt nhìn xoi mói của thím tôi. Cứ như cái áo hoa tôi đang mặc hay đôi guốc tôi đang mang là nguyên nhân của sự thiếu ăn nhà thím vậy.

Hình như ông tôi loáng thoáng hiểu điều ấy. Ông nói với chú tôi gì đó, nhưng cớ sự còn tồi tệ hơn nhiều. Thím tôi lồng lộn như một con cọp cái. Tôi mất hồn, ra hè đứng khóc tức tưởi. Khi ông tôi về nhà. Tôi úp mặt vào người ông. Từ chiếc áo nâu, tỏa ra mùi mồ hôi, mùi nhựa cây quen thuộc. Tôi miên man chìm vào giấc ngủ, vào cơn mơ có những khu rừng đại ngàn... Văng vẳng bên tai tôi, có tiếng hát ru của ông tôi. Giọng ông tôi lê thê, trầm ấm. Mãi gần đây, tối mới biết ông tôi là một ca sĩ không chuyên của nhà máy, người làng không ai biết điều này cả. Ông chỉ hát ru tôi ngủ. Và họa may, mấy con chim sẻ trước mái hiên nhà là nghe được giọng hát của ông tôi.

* * *

Chưa bao giờ tôi được đi xạ Tôi mới chỉ đi từ đầu làng xuống cuối xóm, ra bãi sông rồi về nhà. Đi đâu tôi cũng thấy rợp bóng trẹ Còn đường làng thì khúc khuỷu. Những ngõ nhỏ, buổi sáng rộn ràng bầy chim sẻ, buổi trưa đong đưa tiếng cu gù, buổi chiều oang oang tiếng sáo sậu cãi nhau... Rồi cò, quạ, diều hâu, chèo bẻo râm ran ngoài vườn, ngoài bãi. Tôi cùng lũ trẻ vừa chơi bán hàng xén vừa hát:

”Bồ các là bác chim ri, chim ri là dì sáo sậu, sáo sậu là cậu sáo đen, sáo đen là em tu hú, tu hú là chú bồ các... ”

Ở quê tôi, mùa hè nắng như đổ lửa, mùa nước ngang trời, gió bão ràn rạt thổi quạ Những người trong làng tôi tháng ba ngày tám vẫn ăn đong từng bữa. Tôi thường nghe thím tôi ru con út:

”Gánh nghèo mà đổ lên non

Co chân mà chạy, nghèo còn theo sau... ”

ông tôi thường nói: “Đói quá, nhiều lúc người ta sinh ra cáu gắt. Thím con là người tốt”.

Quanh năm, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người dân quê tôi chất phác làm lụng. Những điều họ nói ra, bao giờ cũng đơn giản, mộc mạc, bình dị và dễ hiểu. Có lẽ vì vậy mà những điều chị tôi và các bạn của chị nói chuyện lúc nào tôi cũng thấy lạ.

Và từ đó, kho từ vụng của tôi có thêm một từ mới. Trong số những câu chuyện mà các bạn của chị tôi trao đổi với nhau, tôi chợt nghe từ “Hạnh phúc”. Tôi không hiểu hạnh phúc là gì. Nhưng nó ngân vang trong tâm trí tôi, lung linh, kỳ ảo một cách lạ thường. Tôi không dám hỏi chị tôi. Và tôi nôn nóng, bồn chồn chờ ngày ông trên mạn ngược về.

* * *

Thoạt tiên, ông tôi tỏ ra rất ngạc nhiên. Ông nhìn tôi bằng ánh mắt ngỡ ngàng. Tôi ấp úng, muốn oà lên khóc:

- Con nghe chị hai và các bạn chị nói... Con chỉ... Con chỉ... muốn hỏi cho biết...

ông tôi xoa nhẹ đầu tôi:

- à... Ông sẽ giải thích cho con nghe ngay bây giờ.

ông trầm ngâm rút chiếc điếu cây ở thắt lưng ra, mắt lơ đãng nhìn lên mái hiên nhà. Ông rít một hơi thuốc dài, trề môi phà ra những vòng khói tuốc dày đặc. Rồi ông đột ngột hỏi tôi:

- Đôi chim sẻ thường đậu mái hiên nhà mình đi đâu rồi, con biết không?

Tôi thút thít:

- Chiều hôm qua, con chỉ thấy một chú chim sẻ bay về. Nó cứ chao liệng, nghiêng ngó. Nó kêu lên những tiếng chiêm chiếp rồi bay ra bờ tre ngoài bến sông. Ông tôi nói:

- Đó là con chim trống.

Tôi tròn xoe mắt:

- Thế còn con chim mái đâu rồi hở ông?

ông kéo tôi vào lòng:

- Bữa trước, chim mái gặp vợ chồng nhà quạ ngoài cây đa đình làng. Vợ chồng quạ từ trên núi bay xuống. Chim sẻ vợ nghe kể chuyện về núi cao thì thích lắm. Quạ bảo trên đó có những cánh rừng đại ngàn, hoa trái nhiều không kể xiết. Những dòng xuối trong vắt, rì rào, len lỏi dưới những hàng thông già. Còn ở đây mới chán làm sao - Vợ chồng quạ dẩu mỏ khinh khi - Quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy bờ tre, mấy nóc nhà và những cánh đồng lúa phẳng lì.

Chim sẻ vợ mù mẫn, bỏ chồng trốn theo vợ chồng quạ, bay lên núi. Chưa kịp bay đến núi, dọc đường nó bị một con ác là mổ cho một cái. Chim sẻ rớt xuống một mỏm đá. Trong cơn hấp hối, nó tình cờ nghe được câu chuyện của đôi vợ chồng chim sẻ núi. Sẻ núi vợ bảo chồng, ngày mai nó sẽ theo vợ chồng nhà quạ xuống đồng bằng. Ở dưới đó - chim sẻ núi vợ hào hứng nói - loài chim sẻ lót tổ dưới mái hiên nhà người, khỏi sợ dông bão, cũng chẳng lo sợ lũ chồn cáo đến phá tổ. Ở dưới đó, loài người sống hòa thuận. Họ hát những bài dân ca, nghe hay hơn cả tiếng chim họa mi hót. Những cánh đồng mênh mông chạy đến tận chân trời. Loài chim không hề lo cái đói rập rình nữa...

ông tôi trầm ngâm châm lại điếu thuốc cây. Tôi hỏi:

- Tất cả những chuyện đó, làm sao ông biết?

ông bẹo má tôi:

- Buổi sáng sớm, ông đang chống bè về xuôi, chim sẻ vợ rớt ngay dưới chân ông. Trước khi soải cánh buông xuôi, nó đã kể cho ông nghe... Nó nói với ông: “Hạnh phúc là khi được sống dưới một mái nhà với những người mà mình yêu quý.” ”Và khi ta được làm công việc yêu thích” - Ông muốn nói thêm với chim sẻ như vậy. Nhưng chim sẻ đã chết trên tay ông. Hạnh phúc vốn đơn giản mà nhiều khi phải trải qua nhiều đau khổ ta mới nhận ra...

Năm tôi lên mười, làng bị một trận dịch tả. Ngày nào cũng có vài đứa trẻ trong xóm lìa đời. Những người lớn cũng ra đi. Con út nhà chú thím tôi nhắm mắt, cả nhà khóc lóc vật vả. Ông tôi vẫn còn ở trên núi. Tôi bò về nhà, lết lên giường, cuộn người trong chiếc chiếu rách rồi thiếp đi.

Khi tỉnh dậy, tôi lờ mờ nhận ra gương mặt của ông tôi, đằng sau là một người cao lớn, da sần sùi như da voi, đen như cột nhà cháy. Đó là một ông già người dân tộc. Ông tôi đã cuộn tôi trong tấm chăng chạy một mạch gần ba mươi cây số lên đây. Ông cụ người Raglai đã cứu tôi thoát chết, nhưng đến lượt ông tôi thì ông cụ bó taỵ Cơn dịch từ tôi cùng những trận sốt rét âm ĩ trong người đã quật ngã ông.

* * *

Bao nhiêu năm đã trôi quạ Bây giờ, tôi đã là một cô giáo. Tôi đang sống với chồng và đứa con gái dưới mái nhà ông tôi để lại. Mấy hôm trước, đứa con gái năm tuổi của tôi từ ngoài cổng chạy ù vào nhà. Nó sa vào lòng tôi, ngước đôi mắt đen tròn nhìn tôi rồi đột ngột hỏi:

- Mẹ Ơi, mẹ nói cho con nghe, hạnh phúc là gì?

Tôi ôm chặt con gái. Cả một quá khứ xa xăm chợt ùa về. Tôi lại như nhìn thấy ông tôi. Gương mặt ông giãn ra sau làn khói thuốc dày đặc. Lại nhìn thấy đôi mắt nhân hậu của ông tôi. Tôi thì thầm kể cho con gái nghe:

- Chuyện xảy ra lâu rồi con ạ. Hồi đó, mẹ hãy còn là một cô bé như con bây giờ. Còn ông cố con...

Tôi nghẹn ngào, nước mắt chảy tràn lan trên má, mãi vẫn không nói được nên lời...

Hết