Điện thoại hồi trưa, Đăng chỉ nói: "Tới chiều, khoảng 4 giờ, gặp nhau tại quán Sơn Lâm cạnh hồ Kẻ Dâu". Đăng có lối hẹn không cho người khác từ chối. Nghĩa là Đăng muốn thì bận gì người mời cũng phải tới.

Khi tôi hổn hển trèo lên mấy bậc tam cấp bằng đá "gấu ngựa", ngó vô quán Sơn Lâm thấy vắng teo. Ông chủ quán có gương mặt với những nếp hằn "điêu khắc" và cái lưng bè bè, gù gù đặc thù của người miền rừng nheo mắt cười chỉ tay vào phía rừng thông.

Tôi hì hụi bò ngược lên đoạn đường dốc đứng toàn đá lởm chởm mà không hiểu chuyện gì đã làm thay đổi lối sống không bao giờ có phút ngẫu hứng của hắn, ít nhất là lúc này. Đăng không ngồi một mình. Trên thảm cỏ có chiếc khăn ăn trải rộng, một người đàn bà còn trẻ ngồi xoã tóc bên cạnh. Suýt nữa tôi đánh rơi điếu thuốc trên tay khi nhận ra người đàn bà ấy chính là Thương. Sao lại Thương? Kể từ sau cú đấm tôi tặng cho Đăng trong lần nhậu lịch sử năm 1990, đã 10 năm rồi, hai chúng tôi không nhắc tới Thương một lần, không nói với nhau điều gì đáng kể. Thương ngồi bó gối trên thảm cỏ. Mái tóc dài xanh óng đổ tràn xuống hai bờ vai. Thương cũng bất ngờ không kém khi nhìn thấy tôi. Gương mặt Thương tái xanh, rồi đỏ lựng, hai bên thái dương phập phồng, mồ hôi rịn ra ươn ướt. Không cần quay lại Đăng cũng biết ai đang tới gần. Đăng cười rất tươi: "Bọn mình chờ cậu mãi. Nào, ngồi xuống đi! Sao cứ đứng như trời trồng vậy". Đăng rót rượu ra chén. Bây giờ tôi mới để ý thức nhắm đã bày sẵn gồm thịt dê nướng và lợn rừng bóp, chắc là lấy từ quán Sơn Lâm. Thì ra hắn nổi hứng đi picnic. Chuyện lạ. Nhìn thấy cái mặt nghệt của tôi, Đăng cười lớn. Nụ cười bật ra tự nhiên, giòn giã vang động cả khoảnh rừng yên tĩnh. Nụ cười của một kẻ bày đặt câu chuyện và lấy làm thích thú vì sự ngạc nhiên của những nhân vật chính trong câu chuyện ấy. Tôi chưa từng thấy ai có nụ cười quyền rũ và ấn tượng như Đăng. Cứ như thế cuộc đời này là một trò chơi và hắn luôn là kẻ thắng cuộc. "Nào cầm lấy chén. Thương sẽ uống một chút chứ. Hôm nay là một ngày rất đặc biệt. Mình đã chờ đợi ngày hôm nay quá lâu rồi. Hai bạn nhấp môi đi, mình tin đây sẽ là buổi chiều thú vị và đáng nhớ của cả ba chúng ta". Đăng vừa nói vừa giục mọi người nâng chén. Thương ngước nhìn tôi ngập ngừng. ánh mắt Thương không muốn chạm vào mắt tôi. Hình như Thương vẫn còn ngượng. Lần cuối cùng gặp Thương dễ tới mười năm rồi. Mười năm trong một đêm trăng lẻ. Tôi, thằng đàn ông khốn khổ nhất đi làm cái việc ngu xuẩn mà thằng bạn quý hoá của tôi nhờ cậy. Đêm ấy, Thương đã gieo mình vào tôi khóc đến mềm người. Hẳn mười năm trôi qua, Thương không còn nhớ nhưng tôi thì không quên. Nỗi đau khổ Thương trút cho tôi hôm đó đã làm cho thằng đàn ông vốn trầm tĩnh như tôi đủ nổi nóng để tống vào mặt Đăng cú đấm trời giáng. Vết sẹo nhớ đời trên môi Đăng vẫn còn. Hồng, vợ Đăng thỉnh thoảng nhắc tới vì tò mò. Có lần Hồng nói với tôi: "Anh Đăng nhà em kỳ lạ. Sắp làm đám cưới còn đi đánh nhau với người tạ Chú rể đón cô dâu với vết khâu trên môi còn sưng phồng, trông như mấy tay côn đồ, kinh lắm". Những lần như vậy tôi cố lảng sang chuyện khác, còn Đăng nhếch mép cười buồn.

Đăng đột nhiên trịnh trọng. "Đã lâu lắm rồi, chúng mình mới ngồi lại với nhau. Chén rượu này mình muốn nói với các bạn mình luôn cần có các bạn. Cuộc sống của mình chỉ thực sự có ý nghĩa khi các bạn luôn có mặt bên cạnh mình. Huy là bạn nối khố từ nhỏ, hai đứa coi nhau như anh em ruột thịt không nói làm gì. Còn Thương, xin hãy tha thứ cho mình và cho phép mình xem Thương như người bạn mãi mãi. Cuộc sống của mình coi như là tốt, nhưng điều làm mình vui nhất khi biết Thương của chúng ta có một cuộc sống rất thành đạt và hạnh phúc. Điều đó giúp mình đủ can đảm để gặp Thương hôm naỵ Nếu Thương khổ, mình suốt đời sẽ không thanh thản. Hai bạn hiểu cho mình chứ. Nếu các bạn đồng ý, hãy cạn chén cùng với mình". Đăng ngửa cổ nuốt ực ly rượu. Đăng nói nhiều hoặc cố tình làm thế. Gương mặt Thương bừng đỏ, đôi mắt long lanh ngấn lệ. Tôi nhấm nháp những giọt rượu cay nồng. Cuộc đời kể cũng lạ lùng. Phải mất tới 10 năm người ta mới đủ can đảm để nói điều mà lẽ ra 10 năm trước họ đã phải nói. Mười năm trước, Đăng kéo tôi ra quán thản nhiên nhờ vả tôi cái việc khốn nạn nhất là báo cho Thương biết Đăng cưới vợ, và chuyển dùm Đăng lời xin lỗi. Đăng nhắn Thương đi lấy chồng nhớ phải chọn cho mình một người đàn ông giàu, có địa vị trong xã hội. Đăng không thể mang lại cho Thương một cuộc sống tốt, đủ đầy đáng ra Thương có quyền được hưởng. Cú đấm tôi giáng vào mặt Đăng hôm đó không hề làm tan đi dù chút ít sự lạnh giá trên gương mặt Đăng. Gương mặt có đôi mắt trống hoác như không phải mắt người nữa.

... Đăng ngã người xuống bãi cỏ im lặng hút thuốc lá. Thỉnh thoảng Đăng cong cong ngón tay út gảy nhẹ vào tàn thuốc. Điếu thuốc cháy bỗng bặt văng ra xạ Tôi hỏi Đăng: "Mày tìm gặp Thương từ bao giờ thế? Nếu là tao, không bao giờ còn muốn nhìn mặt mày nói gì tới tha thứ". Đăng nheo mắt nhìn tôi rồi cười phá lên khoái trá. "Mày quên thằng Đăng bạn thân của mày, không có việc gì nó không làm được sao? Với đàn bà, chinh phục tình yêu hay làm cho nàng quên đi mối thù hận đều dễ như nhau. Quan trọng người đàn ông phải tìm cho ra lối đi riêng và lối đi ngắn nhất". Đăng lại cười. Chuỗi âm thanh khoẻ khoắn bật ra từ lồng ngực vang động cả khoảng rừng, xáo trộn một buổi chiều không yên tĩnh.

Tôi và Đăng phi xe một mạch về thị xã. Tôi không có cách gì thoát khỏi ý muốn của Đăng lúc này là tiếp tục nhậu và chuyện trò với hắn. Nhà Đăng ven rìa thị xã. Ngôi nhà hai tầng rộng rãi và thoáng mát xây theo kiểu biệt thự nằm quay lưng ra bờ rông. Ông Thể, bố của Hồng xây ngôi nhà này với ý định sau này về hưu nhường ngôi nhà mặt phố cho vợ chồng Đăng, còn hai ông bà lui về đây ở ẩn. Ông bà Thể có hai con. Cậu út giờ đã yên vị Ở Trung tâm Bưu chính Viễn thông Hà Nội. Đang yên đang lành làm ăn tấn tới, ông Thể bạo bệnh rồi mất. Ông mất vì tai biến mạch máu não. Hôm đưa tang bố vợ xong, Đăng đến gõ cửa phòng tôi trong trạng thái say mèm. Hắn cầm chai rượu Remy Martin lăm lăm trong tay, hai mắt đỏ ngầu chẳng biết do khóc nhiều hay do khói nhang khi đứng canh linh cữu bố vợ. Hắn ngồi bệt xuống bậu cửa phòng tôi tu cả chai rượu chẳng nói chẳng rằng y như một thằng khùng. Đêm đó, Đăng ngủ lại chỗ tôi. Lần đầu tiên từ khi lấy vợ Đăng đi qua đêm. Đêm, Hồng vừa gọi điện thoại vừa khóc nhờ tôi đi tìm. Biết Đăng ở chỗ tôi, Hồng đang đêm mũ áo khăn xô tất tả chạy đến. Hồng phân bua: "Em sợ nhà đang có chuyện này lại xảy ra chuyện kia. Anh Đăng có bao giờ như thế này đâu. Tội nghiệp, anh ấy đang bị sốc vì thương ông cụ quá". Hồng vừa nói vừa chùi nước mắt. Đăng nằm im như không hề hay biết điều gì. Đăng đã quá say hoặc giả hắn cố tình làm vậy. Sáng hôm sau tôi kể Đăng nghe chuyện hồi đêm, hắn im lặng chẳng nói gì.

... "Tới nhà rồi. Thế nào, địa thế hơi bị hẹp, hơi bị ngon nhỉ?". Đăng liến thoắng. "Hôm bà Thể cho vợ chồng tao ngôi nhà trên phố, tao dứt khoát không lấy. Tao thuyết phục bà già, ngôi nhà kia là để dành cho cậu út sau này qua lại hương khói thờ ông bà tổ tiên. Bà già thấy có lý, sang tên ngôi nhà này cho vợ chồng tao. Bây giờ xem ra nó chưa có giá trị bằng nhà mặt phố nhưng mai kia thị xã mở rộng, với biệt thự hơn 200m2 xây dựng và 300m2 kia làm vườn, trị giá bạc tỷ như chơi. Tôi nhìn theo tay Đăng chỉ và thầm thán phục. Địa thế quá lý tưởng. Phía trước là con đường chạy qua chiếc cầu xi măng dài vừa xây xong nối liền thị xã với vùng biển. Phía sau lưng nhà là con sông Ngàn Mọ uốn khúc như dải lụa bạc ôm lấy xóm làng. Nhà Đăng ở sát ngay bến nước với cây gạo cổ thụ sum suê bóng mát. Đăng phổng mũi. "Lúc nào chán làm quan, tao về đây mở quán đặc sản. Dân thị xã xuống biển tắm xong, quay về đây ăn, quá tiện. Mà chức quan của tao kể làm chó gì. Không đủ tiền tiêu vặt, chán bỏ mẹ. Bây giờ phải nghĩ cho ra việc gì làm có mùi đô la mới bõ". Chiếc xe chồm lên rồi phanh kít ở sân. Hồng vợ Đăng chạy từ trong nhà ra đon đả. "Anh đã về. Ô anh Huy! Lâu ngày quá, dạo này trông anh mập ra một chút đấy". Đăng cười. "Thằng này rồi còn nguy cơ mắc chứng mập phì. Máy phải kiếm lấy một con vợ cho nó hành hạ may ra mới đỡ". Hồng lườm Đăng. "Cái anh này, ăn với chả nói". Đăng cởi chiếc áo đang mặc ném cho vợ. "Kiếm cái gì cho bọn anh nhậu. Bày mâm lên ban công tầng hai, bọn anh muốn yên tĩnh để bàn công việc". Hồng rụt rè "Em đã dọn cơm sẵn đây rồi. Em đang đợi anh về cùng ăn luôn". Đăng gắt. "Đã bảo đến bữa không thấy người ta về thì cứ ăn cơm trước đi, biết người ta lúc nào về mà chờ với đợi". Hồng đáp lý nhí. "Em chờ anh về ăn cơm cho vui, nhà ít người ăn trước ăn sau làm gì cho buồn". Đăng xẵng giọng. "Công việc của anh bận bịu, anh về lúc nào ăn lúc ấy, em đừng đợi sốt cả ruột". Hồng cun cút đi xuống bếp lúi húi bày mâm nhậu. Tôi cười nháy mắt với Đăng. "Cái cách giữ chồng mà Hồng đang vận dụng xem ra có hiệu quả đấy chứ. Sự chờ đợi của các bà vợ sẽ làm mủi lòng những ông chồng ham chơi". Đăng cười khẩy. "Ngu lâu hết sức. Tình yêu đâu có phải thứ muốn là được. Không có tình yêu, cái có lý cũng sẽ trở thành vô lý. Nói thật đôi khi sự hăng hái thái quá của các bà vợ đối với chồng cũng làm họ mệt mỏi". "Mày thấm thía rồi hả?". Đăng thản nhiên. "Đương nhiên là không. Nếu phải làm lại từ đầu tao sẽ lựa chọn như đã làm". Tôi nhìn Đăng lắc đầu. "Dạo này tao thấy Hồng có vẻ buồn hơn. Hình như mày đối xử với cô ấy không như trước nữa phải không. Trước đây tao thấy mày chu đáo ngọt ngào với vợ con lắm kia mà". Đăng dằn ly rượu xuống mâm cười nhạt. "Vai diễn đã kết thúc. Hồng tự phải biết cuộc đời cô ấy may mắn biết bao khi lấy được một người chồng như tao. Bây giờ cô ấy còn có ai để dựa dẫm nữa đâu. Đã đến lúc tao mới là kẻ thống trị, Hồng tự biết lấy vai trò của tao và vị trí cô ấy là ở đâu. Tao là thằng xuất thân từ nông dân nghèo khổ thật đấy nhưng không vì thế tao đánh mất tao, tao không còn là thằng Đăng bản lĩnh chưa biết sợ ai, chưa từng khuất phục cái gì trên đời này. Tao không bao giờ để mày phải thất vọng vì tao đâu, tao hứa đấy". "Bây giờ tao mới thực sự dám tin mày bỏ Thương để cưới Hồng hoàn toàn không phải vì mày yêu Hồng mặc dù nói thật, tao không muốn nghĩ về mày thế đâu". Đăng ngửa cổ cười lớn. Nụ cười của một kẻ hiếu thắng kẻ cả trước cuộc đời. "Mày không yêu vợ, thậm chí mày coi thường và chán vợ nữa, sao vẫn cứ sống cùng nhau?". Đăng trố mắt nhìn tôi. "Ơ hay! Hai thứ đó thì có liên quan gì tới nhau. Chán nhau là một chuyện, còn sống với nhau lại là chuyện khác. Cuộc đời có những lô gích cực kỳ phi lô gích. Chính tao mới không hiểu đến bao giờ mày mới ngộ ra". Tôi cụng ly với Đăng. "Và tao kịp ngộ ra thằng bạn yêu quý của tao cũng là một kẻ khốn nạn và giả dối, đúng không?". Đăng bật cười thành tiếng. Cả tôi cũng không dứt được cơn buồn cười không hiểu vì lẽ gì. Hai thằng cứ thế cười như điên đến nỗi cô con gái của Đăng đang ngủ ở tầng dưới giật mình khóc thét lên hai thằng mới thôi.

Tôi và Đăng ở cùng làng, học với nhau từ cấp một đến cấp ba, chơi với nhau thân thiết như anh em ruột, nhưng hai thằng hai tính cách đối lập. Đăng mạnh mẽ, thông minh nhanh nhẹn bao nhiêu, tôi e dè, trầm tĩnh bấy nhiêu. Nếu Đăng luôn là người chủ trò mọi chuyện, thì tôi chiều ý Đăng cả những thứ mà tôi không thích lắm.

Ba năm lên thị xã, là khoảng thời gian cả Đăng và tôi khởi đầu những thấm thía sự nghèo khổ của người xuất thân từ nông dân. Trong khi bọn thị xã phần lớn con cán bộ hoặc con nhà buôn bán, ăn rồi chỉ mỗi việc học thì bọn nhà nông chúng tôi một buổi vừa đi học một buổi về đi làm ruộng. Là con trai lớn trong gia đình nên mọi việc nặng nhọc như cày, bừa, gặt hái, gieo cấy hay gánh gồng đều đến phần hai đứa. Khổ nhất là ngày mùa bố mẹ bắt buộc tôi và Đăng nghỉ học cả tuần để tranh thủ thời tiết thuận lơi. mà thu hoạch mùa màng. Từ tinh mơ đã ra đồng đi gặt, trưa về ăn cơm nắm bên ruộng, ăn xong lại cắm mặt gặt cho đến tối mịt mới về. Về nhà ăn qua loa cho nhanh để còn phải trực tuốt lúa đến đêm. Hồi đó đâu có máy tuốt như bây giờ. Cứ sau ngày mùa đứa nào đứa ấy hốc hác đen nhẻm, đi học cứ ngủ gà ngủ gật. Xấu hổ nhất là hôm nào lớp có buổi học ngoài trời phải ở lại, bọn con nhà nông chúng tôi không dám giở cơm nắm ra vì không đứa nào có nổi miếng cá hay miếng thịt. ám ảnh về sự nghèo khổ còn đeo bám suốt cả mấy năm đi học đại học. Nhà nghèo không có tiền, không có quà cáp, hai đứa đói dài cổ, đói triền miên, lúc nào cũng trong tình trạng không một xu dính túi. Ngày đó Đăng chỉ có một niềm đam mê là học thật giỏi với hy vọng sau này đổi đời. Đăng chọn ngành kinh tế để thị Suốt mấy năm học đại học, người duy nhất Đăng tới chơi và duy trì mối quan hệ bạn bè là tôi và Thương. Thương cùng học sư phạm một khoá với tôi ở Hà Nội. Chuyện tôi thi vào Sư phạm theo ý thích đã làm Đăng giận tôi mất mấy tháng. Đăng chửi tôi ngu lâu, vào sư phạm sau này khổ vẫn hoàn khổ, đói vẫn hoàn đói. Tôi chiều ý Đăng mọi thứ riêng chuyện này thì không. Còn với Thương, nửa học kỳ hai lớp 12, Đăng tuyên bố yêu Thương. Thương học cùng lớp với chúng tôi, người thị xã chính hiệu và quan trọng hơn Thương là đứa con gái mà hầu hết bọn con trai lớp 12A chúng tôi mơ ước. Thương yêu Đăng thực lòng. Người con gái dịu dàng xinh đẹp và thùy mị như Thương khi đã đem lòng yêu ai thì người đó sẽ là vị thần cho nàng thờ phụng. Đăng không hề giải thích vì sao Đăng lại chính là người phản bội lời thề của cả nhóm. Tôi đã nghi ngờ Đăng vì tính sĩ diện hão mà cố tình làm như vậy. Hoá ra tình yêu mà Đăng có với Thương kéo dài suốt cả 4 năm đại học. Tôi đã tin không có gì chia cắt nổi mối tình ấy. Thế mà đùng một cái, Đăng tuyên bố chia tay với Thương đột ngột làm hệt như khi Đăng báo chuyện yêu Thương. Đăng chỉ giải thích không muốn Thương khổ, mà đem lại cuộc sống đủ đầy như mong muốn cho Thương thì Đăng không thể làm được lúc này. Đăng vẫn thường nói với tôi: "Mày phải nhớ cho sâu, cho kỹ. Làm thằng nông dân là hèn, là khổ, là nhục suốt đời. Đời mình phải bằng mọi giá vươn lên thoát khỏi kiếp nông dân nghèo khổ".

Đăng bắt đầu kế hoạch thực hiện những toan tính, dự định mới. Ra trường, Đăng không nghĩ tới chuyện đi xin việc. Theo Đăng, với tấm bằng kỹ sư kinh tế loại ưu, thêm tiếng Anh và vi tính khá, cùng lắm vào được một cơ quan Nhà nước tầm tầm. Không có ô dù, không người nâng đỡ giỏi mấy cũng chỉ làm được một thằng công chức bí bét, coi như xong một đời đèn sách". Phải mất tới 3 tháng săn lùng và truy cập mọi tin tức về giới quan chức trong tỉnh, Đăng chọn được đối tượng cần tiếp cận là ông Thể, Trưởng ban Đối ngoại tỉnh có cô con gái lớn hai lần thi trượt đại học. Đăng sửa soạn kỹ lưỡng mọi hành trang thu nhận được trong 4 năm đại học và trường đời, đến gõ cửa phòng làm việc ông Thể và bày tỏ nguyện vọng của mình. Ông Thể đã bị chàng trai có vẻ ngoài khôi ngô, nói tiếng Anh như gió, kiến thức rộng, sự am hiểu khá toàn diện chinh phục. Đăng xuất hiện vừa lúc ông Thể và một đồng nghiệp đang gặp rắc rối nhỏ trong việc xử lý lập trình dự án phát triển kinh tế khu vực cảng biển trên máy vi tính. Sự thông minh nhanh nhẹn của Đăng khiến ông Thể rất hài lòng. Ngay lập tức ông dành tình cảm đặc biệt cho chàng trai dễ mến này. Cơ quan không còn biên chế, nhưng ông vẫn cứ hẹn Đăng thỉnh thoảng qua lại chỗ ông chơi, nếu có cơ hội ông sẽ giúp. Những ngày sau đó Đăng thường đến cơ quan ông Thể chơi vào cuối giờ làm việc. Đăng giúp ông những việc vặt như dịch một vài tài liệu luận chứng kinh tế bằng tiếng Anh. Hoàn thiện dự án lập trình xây dựng khu kinh tế cảng biển. Đăng làm tất cả những việc đó vô tư, tận tâm mà không một chút đòi hỏi. Cảm kích trước tấm lòng chân thành của Đăng, ông Thể kể cho Đăng nghe nỗi phiền muộn về cô con gái lớn là Hồng. Đăng thuyết phục ông Thể từ bỏ ý định điên rồ bắt con gái khả năng có hạn của mình phải đậu đại học. Đăng trở thành gia sư tin học và tiếng Anh cho Hồng. Sau gần 1 năm tận tuỵ, Đăng được ông Thể nhận vào Ban dự án cơ quan kinh tế đối ngoại. Hồng cũng được ông bố trí xin vào làm ở văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

Trước lễ cưới, Đăng gọi tôi đi uống rượu. Đăng uống quá say, hai đứa ngồi với nhau trọn đêm. Trọn đêm, Đăng đã không giấu giếm tôi điều gì. Đăng thú nhận: "Trong đời tao chỉ cho phép một lần thất bại duy nhất đó là Thương. Ban đầu tao yêu Thương chỉ vì muốn hạ nhục phe nhóm học sinh thị xã, để lòng tự ái của một thằng đàn ông xuất thân từ nông dân nghèo khổ được ve vuốt bởi sự chiến thaứng. Có hai thứ không đùa được, một trong hai thứ đó là tình yêu. Mày hiểu không? Chỉ có Thương là người con gái duy nhất tao muốn cưới làm vợ. Tao đã yêu Thương nhiều hơn tao tưởng". Hôm đó là buổi tối tháng 10 mưa phùn dườn dượt, bầu trời lạnh giá. Tôi đã thương hại Đăng, đã nổi khùng lên vì hắn. Tôi không thể nói được gì thay vì cú đấm. Vết sẹo cũ vẫn còn trên môi nhưng câu chuyện về Thương, hai đứa không nhắc tới nữa.

Đăng đã tắm xong, đang thong thả lên tầng hai, nơi Hồng vợ Đăng đã bày sẵn chai Black và một đĩa chân gà nướng thơm dậy. Đăng mặc độc một chiếc quần cộc, lồng ngực vạm vỡ, mái tóc chải ngược ra sau để lộ vầng trán cao và đôi mắt sáng. Ở độ tuổi ba mươi lăm, trông Đăng thật cường tráng và hấp dẫn. Đăng ngồi xuống rót rượu ra chén, nhón một chiếc chân gà lên. Thứ gà công nghiệp có đôi chân dày thịt, ướp kỹ lá chanh và gia vị sau đó mới nướng, nhìn đã ứa nước miếng. Đăng thong thả tách chân gà và bắt đầu câu chuyện. "Chủ nhật này tới nhà Thương ăn cơm mày tính mang quà gì cho tay Lâm nhỉ?". "Lâm nào?". "Lâm, Phó bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng vừa mới được đề bạt khoá này đấy". Tôi ngớ ra. "Hả! Chồng của Thương làm to như vậy ử". "Mày đúng là cụ đồ, ông mọt sách". Đăng tợp một ngụm rượu. Đăng có một cái nết uống rượu khó ai bì. Càng uống mặt mũi càng hồng hào tươi tỉnh. Bạn bè của Đăng vẫn khen Đăng có tướng "vinh hoa phú quý". "Mày tính nhờ cậy gì Lâm mà bày đặt chuyện quà cáp, hay cái đầu đầy mưu mô của mày đã kịp nghĩ ra trò gì mới rồi? Hoá ra, gặp lại Thương buổi chiều hôm nay là không phải vô tư phải không?". Cả tôi và Đăng cùng phá lên cười. Hồi lâu sau, Đăng trầm giọng xuống. "Mày đừng chất vấn tao. Tao chỉ có mày là thằng bạn chí thân, mày phải cố mà hiểu tao chứ. Tao không muốn Thương mang trong lòng mối hận cũ với tao. Còn chuyện tiếp cận với Lâm tao đã có ý định từ lâu rồi. Đây là dịp tốt nhất, đúng là có chuyện tao muốn nhờ cậy lâm một số việc. Mình là bạn cũ của Thương, Thương là vợ của Lâm, mình có cớ để làm quen, tiếp cận". "Lâm có biết mày là người yêu cũ của Thương không?". "Đương nhiên là không. Tao nghĩ mày cũng nên xoá cái khái niệm cũ rích ấy trong bộ nhớ của mày đi. Chuyện thời sinh viên xa xưa ấy nhắc lại làm gì, khéo lại hỏng việc". Tôi cười lớn. "Thế là tốt rồi, tao cứ sợ mày vẫn ngày đêm mang mộng tưởng đấy chứ!". Đăng đặt ly rượu xuống mâm vừa cười vừa rủa. "Thằng điên đừng có mà suy nghĩ vớ vẩn". Tôi rót rượu cho Đăng, hai đứa cụng lỵ "Mày làm gì cũng được nhưng đừng kéo Thương vào chuyện này". "Mày yên tâm đi, Thương không liên quan gì". "Tao nghĩ, với chức trưởng phòng dự án mày còn mơ cái gì nữa". Đăng hạ thấp giọng, rít thuốc lá sâu vào ngực, thở dài. "Ông Thể chết vỡ hết mọi kế hoạch. Trong dự định của ông ấy, ít năm nữa sẽ bố trí cho tao lên làm phó ban bằng mọi cách cho tao trúng Tỉnh uỷ viên sau này sẽ thay chân ông khi ông nghỉ hưu, ai ngờ hoa. vô đơn chí". "Bây giờ mày muốn gì?". "Tao nghĩ kỹ rồi, tao không thể bỏ cuộc. Chẳng lẽ mục đích của tao ở đời này là đạt được cái ghế trưởng phòng. Tao không dễ dàng chấp nhận thua cuộc như vậy". "Mày định tiếp cận Lâm với ý gì". "Chết đuối thì phải vớ lấy cọc bằng mọi cách. Tay Lâm này sống quảng đại, có tình có lý lắm. Tao tính nhờ Lâm giới thiệu với những người cao nữa. Phải tìm mọi cách leo lên một chức vụ nào đó đáng kể". "Mày nghĩ kỹ chưa, đừng vội vàng đốt cháy giai đoạn. Mày giỏi, có năng lực, trong quá trình làm việc tự khắc quần chúng sẽ ủng hộ mày lên, vội gì phải chạy vạy, bày mưu tính kế cho nó mệt!". Đăng cười lớn, "ông giáo ơi, ngu lâu hết sức, đến bao giờ mày hiểu hết được quy luật vận động phức tạp của cuộc đời này".

Tôi không biết nói với Đăng thế nào. Xét cho cùng mỗi người có một cách sống, lối nghĩ, hướng đi riêng. Tôi không thể áp đặt cho Đăng ý nghĩ của tôi và ngược lại. Những ngày sau đó Đăng đã kéo tôi vào câu chuyện của Đăng. Đó là tìm mọi cách để tiếp cận với Lâm chồng Thương, tạo ra mối thiện cảm tuyệt đối như Đăng đã từng làm với ông Thể.

Người đàn ông say mê công việc như Lâm sẽ không bao giờ tìm cách để chạm tới những phần khuất nẻo trong tâm hồn phức tạp và kín đáo của người đàn bà anh yêu nếu nàng không tự nguyện bày tỏ. Cuộc sống sung túc Lâm mang đến cho Thương không đủ để Thương quên đi những ngày tháng tẻ nhạt khi Lâm vùi đầu vào công việc, với những chuyến công tác dài ngày. Hơn nữa, tình yêu là thứ gì đó không giải thích nổi. Lâm xứng đáng để nhận tình yêu của Thương hay của hàng trăm ngàn phụ nữ khác mơ ước. Thế mà trong trái tim Thương chỉ có hình bóng của Đăng, người đàn ông mà đã hơn một lần làm Thương đau đớn. Việc Đăng xuất hiện và những cuộc vui bè bạn, những lần hội hè đã làm cuộc sống của Thương thay đổi. Thương vui hơn, yêu đời hơn, hoạt bát hơn. Dường như Thương đã tìm lại được những tháng ngày đã mất, lấy lại được những gì đã quạ Thấy Thương vui, Lâm càng yên tâm với hạnh phúc của mình. Sự tốt bụng phóng khoáng và nhân hậu của Lâm đã tạo cho Đăng quá nhiều cơ hội. Sau những bữa cơm thân mật tại gia đình Lâm có vợ chồng Đăng là những bữa tiệc chiêu đãi ở gia đình Đăng có vợ chồng Lâm. Đăng nhanh chóng tạo được thiện cảm và sự tin cậy ở Lâm - một người bạn mới. Sự lọc lõi khôn ngoan, sự sành điệu trong cuộc sống và trí thông minh hơn người của Đăng một lần nữa lại hạ gục đối thủ. Rất nhanh Lâm và Đăng trở thành một cặp song trùng. Hễ có tiệc chiêu đãi, hay bất cứ một cuộc vui nào, Lâm cũng phôn gọi cho Đăng và muốn Đăng cùng tham gia. Lâm đã không ngần ngại giới thiệu Đăng với giới quan chức trong tỉnh. Từ đó Đăng có thêm nhiều mối quan hệ chân rết trong giới lãnh đạo.

Lũ học trò của tôi sau khi căng lều trại lên, chúng toa? ra xung quanh rừng nhặt cành khô về đốt lửa nướng sắn và nướng thịt rừng. Tôi đang nằm gối đầu lên một hòn đá nhẵn thín thì thấy lũ học trò chạy về hớt hải mách. "Thầy giáo ơi! ở ngôi nhà đằng kia có tiếng phụ nữ khóc ghê lắm, hình như người phụ nữ bị người đàn ông trong đó xúc phạm hoặc làm nhục hoặc có thể đang bị hành hạ. Bọn em nghe thấy tiếng quát của đàn ông rất rõ, phải làm gì hả thầy?". Tôi chưa từng rơi vào hoàn cảnh như thế này bao giờ. Lũ học trò ngước cặp mắt lo lắng nhìn tôi. Tôi trấn an các em rằng đừng lo, ở trong đó chỉ là những cặp tình nhân và sự khóc lóc ấy không ngoài sự giận dỗi của những người yêu nhau, cứ để mặc họ. Các em nghe tôi giải thích vậy, vui vẻ tản ra, đứa nhóm lửa, đứa hí húi xiên thịt để nướng. Tôi không còn tâm trí nào để đọc sách. Tiếng nức nở của người phụ nữ trong nhà sàn ám ảnh tôi, tôi thả bộ và bước tới gần. Các em học sinh đã nói đúng, có ai đó đang khóc. Tiếng khóc không kìm nén được của người đàn bà nào đó bật ra như thác đổ. Tôi rùng mình. Một giọng đàn ông vang lên lạnh lùng. "Thôi em về đi, anh không muốn chúng mình gặp nhau nữa, gặp nhau như thế này quá nguy hiểm cho cả anh và em. Nếu em không bằng lòng với cuộc sống hiện nay của em, anh cũng đành chịu. Anh không thể phá bỏ những gì anh đã một đời kiếm tìm và tạo dựng. Em hiểu cho anh. Anh không muốn mối quan hệ của chúng ta lộ ra". Giọng nói ấy sao quen lạ, cả tiếng khóc kia nữa. Đang bối rối vì trí nhớ của mình thì bỗng cửa ngôi nhà bật mở. Một người đàn bà xoã tóc chạy vụt ra. Trời ơi! Thương. Tôi đứng như chôn chân tại chỗ. Thương không nhận ra tôi, hoặc cô ấy đã cố tình không thèm nhìn bất cứ ai trước mắt mình. Gương mặt sưng mọng, hai mắt hoe đỏ và nước mắt nhập nhoà trên má. Thương vừa chạy vừa khóc. Một lúc sau, có tiếng xe máy dưới quán Sơn Lâm lao vụt đi.

Người đàn ông còn lại trong căn phòng nhỏ kia là Đăng, tôi không muốn tin như vậy. Một thoáng ngạc nhiên và bối rối khi Đăng nhìn thấy tôi. Đăng lôi tuột tôi vào nhà sàn hổn hển nói: "Mày đã nhìn thấy hết rồi, tao cũng chẳng còn gì để giấu mày nữa. Mày chưa lập gia đình có thể mày không hiểu được cuộc sống những người đàn ông đã có vợ, nhất là những người đàn ông không có tình yêu với người đàn bà sống cùng dưới một mái nhà như tao. Tao xin mày, mày hiểu và tha thứ cho tao. Những người đàn ông khác họ tìm cách bù lấp những khoảng thiếu hụt đó bằng việc đến với gái điếm, hoặc bạn tình. Còn tao, tao chỉ có Thương. Tất nhiên lẽ ra người đàn bà ngoài vợ của tao không phải là Thương, nhưng mày cũng biết là tao không quên được Thương, chỉ Thương là người đàn bà tao muốn. Chuyện đó xảy ra cách đây hai năm. Có điều Thương vẫn chỉ là trẻ con, không lớn lên được. Thực sự tao rất yêu Thương nhưng làm sao với địa vị tao bây giờ, ly dị Hồng để sống với Thương được". Tôi gần như tê dại trước tất cả những thứ cảm xúc chợt đến từ khi nhận ra Thương. Tôi hầu như không hiểu được điều gì trong mớ lùng nhùng ngôn ngữ Đăng đang nói.

Tôi đang ngon giấc thì bị dựng dậy bởi hồi chuông điện thoại réo vang. Điện thoại của Đăng. Giọng Đăng có vẻ mệt mỏi. "Đi uống rượu cùng tao bây giờ đi. Tao đang chán đây". Tôi ngạc nhiên. "Vào giờ này ư? Mày đang ở đâu thế". "Tao đang ở cơ quan". "Sao không về nhà?". Đăng cười lục khục trong điện thoại. "Còn đâu nhà nữa mà về, con vợ tao giở chứng một mực đòi ly dị, không cho tao ở chung nữa. Tao bây giờ chưa kiếm được chỗ ở mới nên đang ở tạm tại cơ quan". Tôi sửng sốt. "Sao lại có chuyện Hồng đòi ly dị mày?". Đăng ngán ngẩm. "Có trời mà biết được. Tao không đòi ly dị nó thì thôi, ai ngờ nó cả gan làm chuyện đó. Nó nói tao không yêu nó, tao giả dối với tất cả mọi người trong gia đình nó để đạt được mục đích như hiện naỵ Mày đang nghe tao nói đấy chứ! A lô, cái thằng hâm này, chắc lại ngủ quên rồi hả". Đăng cứ gào lên trong máy, nhưng tôi không muốn trả lời hắn nữa.

Hết