Thạch làm nghề khắc đá. Khắc chữ, khắc hình. Bảng hiệu, bảng số nhà, câu đối, bia kỷ niệm, rồng phụng, hoa lá, chữ Tàu, chữ Anh, chữ Nhật, thơ phú, hoa văn... đủ cả. Nhưng nhiều nhất vẫn là khắc chữ bia mộ. Hồi trước, bia được khắc trên đá cẩm thạch, đá muối, những loại đá mềm, mau trầy xước, mau mờ rạn, dễ bể nứt, dễ phôi phai nắng gió; vẽ rập bằng tay, phải có hoa tay mới tạo được mẫu đẹp, đục cũng bằng tay, đòi hỏi vừa khéo lại phải vừa dụng sức, cành cạnh hai ba ngày, tấm lớn thì cả tuần, của một đồng công một nén. Có lúc buồn ngủ đập búa vào tay, có khi bị mảnh đá văng vào mắt đau suốt cả mấy tháng, sau ngồi đục phải mang kính như thợ hàn. Khách cũng ít, bởi hoàn cảnh xã hội lúc ấy, người sống phải là dạng có tiền lắm mới dám vung tay cho người chết. Sau này, cụ thể là gần đây cho đến bây giờ, đá sử dụng đa số là loại hoa cương cứng, đẹp, khổ rộng, bóng láng và đắt tiền, mẫu in trên decal từ máy vi tính, đủ kiểu, đủ loại hình, đủ loại hoa văn, loại font chữ. Máy thổi cát thổi rất đều, sâu, chữ sắc nét, đẹp và chuẩn. Nhũ vàng bóng bẩy, có khi dát kim tuyến, có khi dát hẳn vàng lá (loại mỏng như giấy, cũng tính bằng chỉ) nhập ngoại. Đời sống khá lên, người sống đã thực sự có điều kiện để lo cho người chết, người hôm nay thanh thản, có thời gian, tâm nguyện để ôn lại những chuyện hôm quạ Có những ngôi mộ xây, tốn cho khoản bia mộ hoa văn trang trí cũng hàng chục triệu đồng, nhiều nhà từ đường làm bia gia phả, đề thơ, chép liễn, treo câu đối la liệt nhiều chùa chiền dùng tiền công quả dựng bia đề tích ngổn ngang, nhiều nghĩa trang liệt sĩ làm bia tưởng niệm thật hoành tráng... Nói chung, Thạch có được nhiều cơ hội để kiếm tiền hơn. Thật ra, tuy là cái nghiệp "ăn cơm dương gian làm việc âm phủ", nhưng đã trót đeo mang rồi thì dù không thịnh chăng nữa cũng cứ phải làm không thể bỏ, Thạch vẫn cứ tâm niệm trong lòng như thế. Mà, thời thế dẫu có đổi thay nhưng không phải ai ai làm bia mộ cũng phất. Khối người đã phải sập tiệm hẳn sau những ngày tháng bon chen rã gánh, cầm cự lắt lay mãi chẳng tới đâu...

Từ cái chòi rách lề đường trên mảnh đất thuê, hai vợ chồng Thạch nay đã mua hẳn, xây dựng trên đó căn nhà cấp bốn ngó cũng tươm tất, có gian ngoài tiếp khách, có phòng nhỏ che chắn kín để máy thổi, có chỗ ăn ở cho vợ chồng con cái phía sau, bắt được cái điện thoại reng reng, tiếng máy chạy ro ro suốt ngày ra vẻ ăn nên làm ra lắm. Thạch có cà phê thuốc lá. Con Thạch bớt lê la bẩn thỉu. Vợ Thạch cũng bớt xập xệ và cáu kỉnh. Sáng sáng, thị mở cửa dọn hàng xong, ngồi húp phở, hủ tíu hoặc bún bò xoành xoạch, rồi vắt chân tréo ngoảy vừa xỉa răng tanh tách vừa ngỏng cổ đợi khách, hàng bánh hàng quà nào qua cũng ngoắt. Tối tối, thị ngồi đếm tiền, cười hí hởn thấy cuộc đời có đường hướng khấm khá. Chuyện nhà cửa, phụ hợ này kia và bọn nhỏ thì đã có bà giúp việc. Công việc khắc đá thì đã có Thạch. Thị se sua, ra dáng bà chủ hẳn.

Một sáng nọ, vợ Thạch tiếp một ông khách trung niên có vẻ ngoài sang trọng, đi xe hơi, khuôn mặt vuông to với đường nét khá ấn tượng. Ông đặt khắc một tấm bia mộ lớn, ngang 1,2m cao 1,8m. Vừa chạm rồng, vừa có câu đối hai bên dạng đồng tiền xuôi xuống, vừa có thơ (thơ lục bát do ông đặt sẵn từ nhà mang theo vừa có cả chữ Phước Lộc Thọ kiểu thư pháp, có khắc hoa sen to phía dưới bia, hoa huệ đỡ lấy tấm ảnh chân dung cẩn men của người chết được dặn phải chạm cho sắc sảo, hồ văn viền quanh là kiểu chữ thọ cách tân cầu kỳ, chữ màu vàng đồng dát kim tuyến, câu đối màu bạc, hồ văn màu đỏ, hoa sen màu vàng, hoa huệ màu trắng. Rất chi li, cầu kỳ, rắc rối. Ông đọc nội dung bia cho vợ Thạch viết bằng một chất giọng chậm rãi đầy uy quyền, kiểu giọng kẻ cả của người thường quen ra lệnh. Xong xuôi, ông đặt cọc, hờ hững cầm tờ biên nhận, dặn đi dặn lại phải giao đúng hẹn, rồi đi. Vợ Thạch ra tiễn, toe toét cười lấy lòng, và đứng ở cửa nhìn theo xe ông mãi, tay thì cứ mân mê, vuốt ve hoài tấm ngân phiếu mới tinh, thơm phức mùi mực.

Chiều lại, Thạch cầm tờ giấy có đầy chữ như cua bò, và nhiều ghi chú nguệch ngoạc, nhiều hình vẽ lằng nhằng của vợ, cùng một xấp những cua bò, những nguệch ngoạc lằng nhằng khác, đem lại cho cậu nhỏ cắt decal vi tính. Hai hôm sau, khi đem decal về, Thạch bắt đầu dán lên đá để chuẩn bị thổi. Nội dung cái bia lớn ấy làm Thạch buồn cười. Cụ Ông đã tạ thế thì không thấy có chú dẫn hay giải thích gì nhiều, nhưng ở phần người lập mộ thì là cả một bảng liệt kê thật dài các chức tước, danh vị, thành tích vẻ vang của vị con trai đầu cho đến giờ phút ấy, y như một bài quảng cáo rổn rảng choang choang được đặt không đúng chỗ. Thông thường người ta chỉ đề "Trưởng nam lập bia", không ai dài dòng cho người còn sống làm gì. Người đề bia có lẽ cũng biết thế, nên, như để đỡ ngượng, ông ta có kể thêm luôn bà mẹ và hai em trai vào, nhưng, ba người này chắc không có công danh hiển hách gì, nên chỉ thấy ghi: "hiền thê" một dòng - và hai cái tên trơn thêm hai dòng nữa.

Bốn câu lục bát cuối bia có vẻ rất thê lương và thảm thiết, nhưng đã khiến Thạch phải phì cười. Anh đâm hoài nghi những chữ nghĩa câu cú vần điệu này - có phải đúng mục đích là để bày tỏ một tấm lòng thành của đứa con mất cha đớn đau tiếc nuối vô hạn, hay chỉ là sự phô phang cái dốt nát, quê quỷnh vừa đãi bôi, giả dối lại vừa vênh váo, hợm hĩnh? Thạch biết mình quá vô lý, anh làm gì có quyền phán xét kia chứ. Anh làm thuê lấy tiền. Bổn phận của anh là làm sao cho chữ nghĩa ấy thật bắt mắt, mềm mại, thật bay bướm, bóng bẩy và uyển chuyển, nổi bật lên trên đá. Kỹ thuật của người thợ khắc khi sử dụng máy móc đã không còn những đòi hỏi khắc khe như hồi chạm đục bằng tay, sự khéo léo đã có phần công thức hơn, rập khuôn hơn, những vẫn có những "độ chênh" nơi những tấm bia làm ra. Tay nghề càng cao thì chữ nghĩa và hình chạm càng sắc sảo đẹp đẽ, càng có hồn, cái thần thái tài hoa của người thợ sẽ càng như tiềm ẩn trong từng đường nét. Người thợ luôn luôn cố gắng hết mình khi làm việc, không cần biết người lìa cõi thế là ai, lẫn người trả tiền là ai... Trăm năm, bia đá ấy chưa chắc đã mòn, chữ nghĩa ấy coi như sẽ để đời. Hóa ra, chẳng phải thứ gì để đời cũng đáng.

?

Tấm bia giao xong, tiền bạc êm đẹp. Ông khách không đến mà cho người cầm biên nhận và tiền lại lấy. Họ chất bia lên xe tải nhẹ chở đi. Vợ Thạch mừng rơn, cất xấp tiền, soạn nải chuối thắp nhang vái lia ông địa và ông thần tài. Tuy thị chỉ lẩm nhẩm trong họng nhưng Thạch biết chắc thị đang hết lời tạ Ơn hai ông, và xin hai ông phù hộ cho có thêm lấy vài mươi vị khách trúng mánh béo bở như thế ấy nữa.

Có lẽ hai ông chê lộc hậu tạ là quá ít hay sao, nên đã cho vợ Thạch cấp kỳ ăn sao quả tạ. Sáng sớm hôm sau, vừa mở cửa đã thấy họ chở bia lại khiếu nại. Khốn nạn cho cái thứ chữ cua bò của thị, tên của ông trưởng nam là Trần Văn Cởi thì thị lại ghi ra thành Trần Văn Cỡi, cậu vi tính cứ y thế mà phang, Thạch cũng rập nguyên theo decal mà thổi, mà sơn mà quét. Ông Cởi đứng đó, giận dữ, lạnh lùng, khinh khỉnh. Em trai kế ông, ông Mở, hôm nay đi chung với ông anh đến giải quyết vụ việc, nói văng cả bọt mép, đại ý không đồng ý cho đục sửa. Khổ nỗi, cái tên ông Cởi vốn để nhấn mạnh nên đã được phóng to lên và đánh nét thật đậm, cái dấu ngã vì thế cũng to đùng, thấy trước rằng sắp đục ra sửa lại thành dấu hỏi chắc chắn sẽ toét toe, sẽ sẹo sọ và xấu xí vô cùng. Thạch dĩ nhiên chẳng dám cam đoan rằng đủ khả năng lấp liếm nổi. Cái gì làm mới thì dễ, chứ sửa, không hề đơn giản. Nhưng làm mới lại thì kể như lỗ, lỗ đau lỗ đớn. Bỏ ra tấm đá mới và phí tổn khắc chạm mới, còn cái tấm bia này, rồi thì đem làm gì?

Vợ Thạch cùng đường, lại là tiền bạc xương máu nên thị đâm ra hung hăng, ngang ngược cứ cãi tràn cãi phứa rằng Cởi với chả Cỡi - thì có gì khác nhau mấy đâu, chỉ như cái phết phẩy nhỏ mọn mà thôi ! ông Cởi đứng kia mặt đỏ bừng lên rồi tái, sau trắng bệch, ông Mở đứng dậy tiếp tục văng nước bọt, "Cởi" là cởi tuột ra, còn "Cỡi" đương nhiên là đè đầu cỡi cổ người ta, chị bảo giống là giống làm sao, vợ Thạch càng hung hăng vô lối, thì cởi trước rồi cỡi sau, cũng thế. Bỗng nghe "Rầm !" một cái. Thì ra, ông Cởi đã dùng hết sức lật cho tấm bia đang dựa vào vách đổ ầm xuống. Tấm đá hoa cương vỡ tan nát. Ông đạp giày lên và quăng tiền ra một xấp, quát đanh: "Tiền đó. Lo mà làm liền tấm khác !", rồi ông bừng bừng giận bỏ ra xe, chui vào sập cửa. Xe vọt ngay đi một nước.

Thạch và vợ chưa kịp hoàn hồn thì ông Mở đã nhanh nhẹn lượm xấp tiền lên, giằng co tiếp rằng không thể bắt anh em nhà ông phải chịu hết cả như thế, rằng lỗi là của ai, rằng nhân nhượng lắm thì bên ông chỉ có thể chịu cho một nửa chi phí tấm mới. Vợ Thạch xót của lấy lại bình tỉnh rất nhanh, định tiếp tục quang quác, nhưng Thạch đã ấn thị vào buồng, và gật. Ông Mở đòi sáng sớm mai cho lấy, Thạch lắc đầu nói không thể, và nhẫn nhục giải thích tuần tự các công đoạn của nghề. Ông Mở bực bội gạt ngang, nói không cần biết, giờ giấc đã xem rồi, phải gắn bia đúng giờ đó, khắc đó thì mới tốt. Thạch cáu lên, văng tục rằng chẳng phải làm khó làm dễ gì nhau, nhưng dù có ba đầu sáu tay thì cũng chẳng kịp, thôi thà trả lại tiền chịu lỗ còn hơn.

ông Mở thấy vậy đổi giọng làm hòa, xuống tông kể lể. Ông nói anh Hai của ông, tức ông Cởi, là dân làm ăn, mà lại làm ăn lớn, nên mọi người được lệnh phải tuân thủ tuyệt đối theo tất cả những lời phán của ông thầy Phong Thủy chuyên coi đất đai hướng nhà cho ông ta từ xưa giờ, nay kiêm luôn việc mồ mả. Tuân thủ từ việc bỏ tiền ra mua rẻo đất giờ xơ xác hẻo lánh cách xa đường lộ miệt Lái Thiêu để lập mộ (thay vì đem về quê ở Long An xây trên đất nhà - cạnh mộ bà mẹ, theo đúng sở nguyện trong di chúc của ông bố), cho tới chuyện sau này hễ tới ngày giỗ thì phải ủy lạo cho người dưng nào đó đứng ra cúng giùm, còn các con trong nhà không ai được thờ cúng... Có vậy thì chuyện làm ăn quan hệ móc nối, tiền bạc danh vị bổng lộc của ông Hai mới càng suôn sẻ, tấn tới, càng rạng rỡ, phát đạt. Bằng mà không làm đúng thì sẽ mạt vận.

Lúc đó, ngoài cửa có thêm một ông nữa tới, ông gầy gò, giản dị, đi chiếc xe gắn máy cà tàng. Bộ điệu ông bối rối, luống cuống, vừa cóm róm vụng về, vừa có vẻ gì đó tủi thân. Nhìn kỹ khuôn mặt, thấy vuông to đường nét thì có thể đoán được, ông chính là anh em với hai ông Cởi, Mở, vậy đương nhiên ông chính là Trần Văn Uựt. Thạch thầm đoán có lẽ trong cái sự tang ma và xây mộ dựng bia này, ông út không có khả năng đóng góp lẫn tiếng nói.

Thì ra, ông út cất công tìm tới là để xin được xóa tên ông ra khỏi tấm bia, cho dù ông chỉ vỏn vẹn có một dòng thôi. Ông Mở không dám quyết, mượn máy điện thoại của Thạch, gọi vào di động cho ông Cởi để hỏi xin ý kiến, có lẽ ông trưởng nam ấy đã đùng đùng quát tháo thế nào đó nên mặt ông Mở càng lúc càng xanh mét. Cuối cùng ông buông máy sau một tràng dạ ran rối rít, thở phì ra và quay lại Thạch, nói: thôi được rồi, gạch đi.

?

Đã rất lâu rồi kể từ ngày xảy ra câu chuyện đó. Thạch rốt cuộc phải tới năn nỉ cậu làm decal, rồi về thức trắng trọn đêm để làm cho xong kịp tấm bia ấy, giao vào sáng hôm sau. Vợ Thạch vì tiếc xót, cứ lải nhải hoài cái sự lỗ lã lại còn cực khổ, nhưng tảng lờ nguyên nhân ban đầu do từ ở thị. Trong câu chuyện, thị thường kèm thêm những lời bình phẩm đầy ác ý về mấy người đàn ông đó - kể cả chuyện ông út, sau khi đạt được ý nguyện gạt bỏ tên mình ra khỏi thành phần lập mộ rồi, đã quay qua rụt rè hỏi Thạch về chi phí cho một tấm bia cỡ đó, và cách tính toán ra sao. Nghe giá, ông hình như choáng váng lắm, đứng bần thần mãi, rồi nem nép ra về...

Từ từ, với nhiều khách đặt hàng mới, những cơ hội kiếm tiền, những đồng lợi nhuận mới, vợ Thạch dần như cũng lợt lạt đi nỗi tức, lâu hơn, thị quên hẳn. Tới khi chính Thạch cũng quên thì ông út tới, vào một buổi sáng. Vẫn gầy gò, giản dị, vẫn cái xe cà tàng và bộ mặt vuông to thừa hưởng của dòng họ Trần Văn, vẫn cóm róm và bối rối, ông rụt rè nói muốn đặt làm hai cái bia mộ, nhưng chỉ cỡ nhỏ thôi, nhỏ nhất, ba mươi nhân bốn mươi, bởi, ông dành dụm vay mượn mãi, được có bằng ấy tiền. Thạch gạt vợ ra (thị đang đứng nhìn ông ta bằng ánh mắt coi thường), bước tới ân cần hỏi han ông. Thạch biết tính vợ cứ hay trông mặt bắt hình dong, nhìn vẻ bề ngoài hèn sang của người ta mà ước lượng túi tiền rồi từ đó đánh giá thiên hạ và qui ra lối đối xử.

Vợ Thạch hất mặt, ngoảy đi vào trong. Thạch mặt kệ, cặm cui ghi hết những lời ông út dặn. Cái bia thứ nhất làm cho ông cụ mất hôm trước, nội dung chỉ gọn gàng tên họ, ngày sinh ngày mất, nơi sinh nơi mất, hưởng thọ bao nhiêu năm. Bia thứ hai là của bà kế mẫu ông ta, nội dung còn đơn sơ hơn. Ông kể rằng bà ấy về làm vợ sau của bố ông cũng đã khá lâu, khoảng mười mấy năm, theo cách tự dọn đến ở, không thủ tục giấy má, không lễ nghĩa rình rang. Bà một thân một mình chẳng ai thân thích, lại không có con cháu gì, tính tình hiền lành khép kín, luôn chịu đựng nhẫn nhục, ít giãi bày tâm sự với ai, lúc nào cũng âm thầm, lặng lẽ. Bà chết cũng lặng lẽ, âm thầm như thế, không ai hay biết, đến khi có người phát hiện ra thì thi thể đã lạnh cứng. Bà chết mới té ngửa ra, trong nhà chẳng ai biết chút gì về bà, ngoài một cái tên mà ông bố hồi còn sống vẫn thường gọi, những gì còn lại chỉ là áng chừng, đoán đại vậy...

Thạch rất băn khoăn khi xem lại nội dung tấm bia ông cụ. Ngày tháng tạ thế được ghi trong đó tính ra chỉ cách nay hơn hai tuần, trong khi sự việc xảy ra đã được khoảng ba bốn tháng. Nơi tạ thế trên tấm bia lớn là Quận B, thành phố Hồ Chí Minh, còn tấm nhỏ này lại là Long An. Đem thắc mắc ấy hỏi đi hỏi lại, để khẳng định là anh đã không ghi sai, ông út chỉ gật đầu.

Hôm ông út tới lấy bia mộ, vợ Thạch đi vắng. Sau khi đưa ra cho ông dò lại nội dung xong, Thạch cẩn thận gói lại bằng bìa dày và buộc dây chắc chắn để ông đem đi xa được an toàn. Anh tuyên bố tặng ông phần công, chỉ lấy tiền vật tự Xong xuôi, Thạch còn giữ ông lại mời trà. Chuyện trò với nhau một hồi, dù Thạch ý tứ không gợi lại, ông ta bỗng quyết định nói thật cho anh nghe lý do khác nhau về nội dung của hai tấm bia.

Nguyên do chỉ vì ông thầy Phong Thủy đã phán rằng: đúng ngay năm nay, vào tháng đó, ngày đó, giờ đó là cực kỳ tốt để ông Cởi... chịu tang chạ Nếu sự được y như thiền định, đường công danh, tài lộc cho tới phu thê của ông Cởi sẽ càng thêm thịnh đạt, viên mãn hơn. Vậy mà ông bố già thì dù bệnh tật ngắc ngoải, vẫn không chịu chết quách cho đúng thời điểm chói lọi đã được trời ban. Kẹt quá, ông con bèn nghĩ ra cách tống khứ ông cha và bà mẹ kế về quệ Rồi, ngài trưởng nam tung tin, đăng cáo phó bố chết một loạt trên khắp các mặt báo. Xong xuôi, là tới tổ chức tang ma giả ồn ào suốt mấy ngày đêm, cũng kèn đờn tiễn đưa rình rang, ầm ĩ, đông ken, cũng khóc lóc sụt sùi, ỉ eo, thê thảm, cũng lập mộ to đùng cầu kỳ tốn kém, dẫu rằng quan tài không, huyệt rỗng. Kiểu cách ấy khiến tất cả mọi người, kể từ hàng xóm, bạn bè, người quen thân quen sơ cho đến đồng nghiệp, quan khách tới viếng đều tin ông hiếu để này chết cha thật. Không ai, ngoài những người thân trong nhà, biết ông chỉ cần làm thế để "lấy ngày, lấy giờ" !

ở quê, vài tháng sau, lúc lọt đến tai chuyện anh con trai trưởng "chôn sống" mình, ông bố hom hem đã hộc máu ra chết thật. Đám tang nhà quê sơ sài, ít người hay biết, ông con trai danh giá ấy không về - nghe bảo thầy dặn đã là dân làm ăn thì phải cữ kiêng kỹ lưỡng, không được đem tang về nhà hai lần. Ông bố chết được tròn tuần thì bà vợ sau của ông cũng chết...

Hết