Lan đứng trước cửa hàng quần áo, nhìn đi nhìn lại , nghĩ thầm: - Hay là ta mua cái áo kia cho Minh? Kiểu này đẹp, nhã nhặn. Không biết Minh mặc số mấy nhưng cứ thử, nếu hơi chật thì Minh sẽ mặc vừa. Thế là Lan quyết định mua áo, nhưng sau khi lục tìm, thử tất cả dẫy áo số nhỏ nhất, Lan vẫn không tìm thấy một chiếc nào có thể tạm coi được cả. Lúc Lan ra về, nàng còn ngoái cổ nhìn cửa hàng một cách tiếc nuối phàn nàn: - Lạ quá, tại sao tất cả những người mẫu bằng gỗ trưng bày trong tủ kính đều gọn gàng xinh xinh, mà lúc vào thử áo thì cái áo số nhỏ nhất, mình mặc cũng như áo thụng? Phải chăng người ta công nhận những thân hình nhỏ thó là đẹp nên dùng làm quảng cáo, còn trong thực tế thì trái lại, chỉ áo số lớn mới có khách hàng. Phụ nữ Á sống ở Âu châu thân hình không thuộc loại bồ tượng như ai , để mua áo mua giày cho dễ, quả thật là một điều thiệt thòi rất lớn. Đi ngang qua gian hàng mỹ phẩm, Lan nghĩ: - Hay ta mua cho Minh một lọ nước hoa? Nhưng Pháp là nơi chế tạo nước hoa lừng danh thế giới, ai lại đi chở củi về rừng. Mấy lần trước, lúc sang Paris thăm Minh về, qua cửa Hải quan, các ông ấy cứ lục va li mãi, cố tìm nước hoa, để đánh thuế hay để làm gì không biết. Về các mỹ phẩm khác cũng thế, nếu mua tặng Minh, Minh sẽ cho mình là người có cái ngu lớn nhất thế gian. Minh đã từng học qua mấy khóa sửa nhan sắc. Không những Minh biết tự cắt tóc, uốn tóc, đôi khi còn tự chế lấy kem, phấn nữa. Minh vẫn thường bảo:” Em đi guốc trong bụng mấy nhà làm mỹ phẩm, thứ đồ . . . mà bán cả ngàn quan. Cùng một dòng họ với con nhà Cao Đơn Hoàn Tán cả. Ai bị tiền cắn thì cứ vứt qua cửa sổ bằng thích”. Kể ra mua quà cho người mình thương cũng là một việc thú vị. Cái thú trước hết là moi óc cố tìm xem món gì bạn thích, có nghĩa lý, lại hợp với túi tiền của mình. Cái thú thứ hai sẽ được hưởng, là lúc đem món quà ấy đến cho bạn mà được hoan nghênh. Lan đã hưởng cái thú thứ nhất suốt mấy tiếng đồng hồ cuốc bộ trên con đường Oxfort, con đường chính đẹp nhất của thành phố Luân Đôn,nhưng bây giờ, Lan bắt đầu cảm thấy sự thú vị nhiều hơn sức chịu đựng của mình. Đi ngang qua một hiệu sách, Lan dừng chân liếc qua các tên sách. Không được. Minh không đọc sách Anh. Mà sách Pháp thì Minh đã có một phòng đầy cứng, đến nỗi có hôm Lan phải kêu lên rằng Lan nghe trộm bọn gián nó phàn nàn, đòi biểu tình phản đối vì sách Minh nhiều quá, chúng nó không có chỗ để len chân. Câu chuyện gián biểu tình, Lan đã bịa ra, vì chính Lan đã không len được chân vào phòng ấy. Nhưng chuyện sách nhiều thì quả có thực. Lan thấy từ Thánh Kinh – Tân và Cựu ước – cho đến Tam Quốc, Tây Dụ Cả đến những cuốn khó nhai như Tứ Thư, Ngũ Kinh, Đường Thi, Minh cũng có, còn nói gì đến sách Pháp,sách Việt nữa, chúng nó nằm ngồi lổm ngổm, bò la liệt khắp nơi. Lan nhìn kỹ từng gian hàng một, suốt cả một dãy phố dài và lớn, mà vẫn không tìm thấy một món gì thích hợp. Mua quà kể cũng khó thay! Nhất là mua cho một người có một cuộc sống khá đầy đủ. Người ấy có một căn nhà ba gian rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, phòng đọc sách riêng nhiều sách đến nỗi gián cũng kêu trời, một chiếc xe hơi mới cắt chỉ, và cả một bầy mèo chó xinh xinh, quấn quít bên năm bảy cây đàn. Như thế thì còn chỗ trống nào cho thiên hạ biếu xén nữa chứ! Có những món vật dụng, dù ta không thiếu, nhưng có thêm bao nhiêu cũng được, nhất là những thứ đàn bà vẫn thích dùng hay trang hoàng. Lan đã định mua một trong những thứ ấy, nhưng nghĩ lại, đối với Minh, vẫn thấy không tiện. Minh vẫn thường nói: ” Mỗi người có một cái ngu khác nhau, và cái ngu của chị không giống cái ngu của em”. Nếu Lan dại dột mua một món gì thuộc về thời trang, Lan sẽ bị đem lên bàn mổ để phân tích, so sánh hai cái “ ngu chị ngu em” ngaỵ Lan chả dại. Xuống mãi đến chợ, Lan dừng chân trước một phố có vẻ Á Đông. Cửa hàng này rất nhỏù, nhưng có bán nhiều thực phẩm Tàu. Từ xì dầu, củ kiệu, nấm hương, cho đến bánh bao, dưa cải. Cả đến gấm vóc, quần áo và những món đồ sành nhỏ để trong bể cá cũng có bán. Chợt nhìn lên cái tủ kính đầy búp bê Tàu, Lan reo mừng: - A, cứu tinh đây rồi! Cả một tủ đầy búp bê, tha hồ cho Lan chọn. Quan Công mặt đỏ, Trương Phi râu quai nón, Phật Quan Âm hiền từ xinh đẹp ngồi trên tòa sen v..v.. Tất cả những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử hay huyền thoại Tàu đều tập họp cả ở đây. Họ được trình bày không sai một nét điển hình nào với áo quần kiểu cổ thêu đầy kim tuyến, ngân tuyến công phu, lộng lẫy. Minh có một bộ búp bê sáu con, đi đâu Minh cũng mang theo. Minh yêu quí chúng nó đến nỗi làm riêng một tủ kính để chưng bày. Lan còn nhớ vị trí của từng con đứng cạnh nhau. Một hôm trời tuyết lớn, hai chị em đốt lò sưởi, nhìn lửa reo vui nói chuyện. Minh kể cho Lan nghe lịch sử của bầy búp bê. Đây là con búp bê của”Thằng Ngỗng” chọ Nó ăn mặc rất diêm dúa, xinh đẹp, váy xòe to, màu sắc rực rỡ. Tóc nó vàng óng ả, mắt trong và xanh biếc như màu sóng biển. “Thằng Ngỗng “ là tên Minh đặt cho người tặng búp bệ Ông ta đã hơn bốn mươi tuổi nhưng vẫn còn độc thân, và thề sẽ không bao giờ cưới vợ, vì “mẹ bảo thế ”. Ông ta kể cho Minh nghe tất cả những lời vàng ngọc của mẹ dạy, trong đó có những câu đại ý như: ” Lấy vợ để làm gì, phải nuôi vợ ăn mặc, mua sắm nữ trang, tốn thêm vô khối là tiền. Lại còn phải đi lại thăm viếng cha mẹ vợ, bà con bên vợ, và các anh em vợ . .. Đã thế quanh năm hết kỷ niệm này đến sinh nhật khác… v. v . . . “ Mẹ Ông ta là một người đàn bà rất đảm đang. Bà làm tất cả mọi việc trong nhà, từ nấu ăn, giặt, là, chùi nhà cửa, đi chợ mua bán, cho đến khâu vá . .. Bà có một quả thận giả, lại thêm tuổi già nên hay đau ốm, nhưng vẫn không muốn đồng lương của con bị sứt mẻ vì phải mướn người giúp việc nhà. Ngoài lý do tiền ra, còn tình nữa. Bà không muốn có thêm bất cứ một người nữ nào sống chung dưới mái nhà bà, để chia sẻ sự săn sóc con bà với bà . Người con bà đã nuôi một mình từ lúc mới đẻ cho đến khôn lớn và bây giờ làm giám đốc một hãng xuất nhập cảng, có cả khách sạn cho thuê, và hàng bao nhiêu đồn điền. Riêng “ Ông Ngỗng”, ông cũng cho ý mẹ là đúng, và ông luôn luôn khoe với các bạn bè về kỷ lục “một vốn bốn lời” trong đời ông. Quả thực ông chưa từng tốn tiền mời người đàn bà nào uống một cốc cà phê bao giờ ! Mà nếu chuyện có lỡ xảy ra thì ông áp dụng ngay phương pháp “Một Bốn” không bao giờ thất bại. Ông rất hãnh diện có một bà mẹ nấu bếp giỏi, nhất là món gà nấu với tỏi, tuần nào ông cũng được ăn một lần. Lúc nghe ông kể xong chuyện này, Minh làm ngay cho ông một bài toán gà và tỏi ông đã ăn trong hơn bốn mươi năm, làm ông hối hận mãi. Ông tiếc quá, nghĩ rằng giá đừng ăn, thì cả một đàn gà trong đồn điền của ông sinh sôi nảy nở càng ngày càng nhiều, và mấy chục thúng tỏi ấy đã làm cho ông giàu thêm lên một chút. Tuy ngoan ngoãn và vâng lời mẹ đến thế, nhưng cũng có một lần ông ta đánh bạo, nhân mẹ đi vắng, định mở một kỷ nguyên mới trong đời, mời mấy người bạn về nhà chơi. Tất cả mọi người, lúc lên thang gác đều bỏ giầy ra cầm ở tay, đi rón rén bằng chân không, vì sợ có tiếng động, bà láng giềng bên kia cầu thang, ngay sát cạnh nhà nghe thấy, mách mẹ thì chết. Minh kể cho Lan nghe xong, bảo: - Thế nhưng năm nào sinh nhật của em, lão ta cũng gọi một cú điện thoại chúc mừng. Cố nhiên là gọi ở sở, vì nếu dùng điện thoại nhà thì mỗi lần tốn hai mươi lăm quan cũ . Ông ta chỉ dành cho người khác gọi đến thôi. Con búp bê thứ hai đứng ngay bên cạnh là “ Chàng thi sĩ”. Người nó gầy gò, mặc bộ quần áo đen, tay cầm quả tim đỏ như sẵn sàng hiến dâng cho bất cứ ai. Người tặng Minh con búp bê này là một chàng thi sĩ, anh ta sống bằng tất cả mọi nghề tạm, và khi anh ta có được một ít tiền thì nghỉ chơi , tiêu cho kỳ hết mới lại tìm việc khác làm. Con búp bê thứ ba là thằng mọi đen của “Ông Già Cá”. Con này bé nhỏ nhất, nó đứng ngay dưới chân một con búp bê đàn bà, như một tên nô lệ trung thành. Minh đặt tên cho ông ấy là Ông Già Cá, vì ông thích ăn cá, sùng bái cá, hay trông ông giống như một con cá, Lan không nhớ rõ. Chỉ biết ông nhận Minh làm con đỡ đầu. Nhận miệng chơi vậy thôi, nhưng ông thương quí thật. Vài tuần ông đến thăm một lần với một gói quà ăn được, phần nhiều là các thứ bột có chất bổ. Ông già làm việc suốt ngày với chiếc máy chữ, nhưng chỉ kiếm đủ tiền chợ cho một người độc thân tại chỗ. Mà thực ra ông cũng chỉ cần có thế. Ngày xưa ông đã có vợ con, sống một cuộc sống của các nhà qúi tộc Ba Lan, nhưng theolời ông, ông đã bỏ hết để tìm một khung cảnh thích hợp hơn. Đó là tiếng chuông thứ nhất của ông, còn tiếng chuông thứ hai của gia đình ông thì không ai được nghe. Ông ăn chay theo lối Nhật, nghĩa là gạo đỏ, muối mè, tương và cá, mà ông cho thế là ngon, bổ, làm cho người mạnh khỏe hơn bất cứ món ăn gì khác. Con búp bê thứ tư . . . con búp bê thứ năm . .. Bên ánh lửa đỏ chập chờn, Minh thủ thỉ kể cho Lan nghe. Và cứ thế, hai chị em có thể nói chuyện hàng ngày hàng đêm không biết chán. Minh có tất cả sáu con búp bê, sáu nhân vật lịch sử. Còn một khoảng trống trong tủ, Minh nói để dành cho ông Kỳ. Ông này là một kỹ sư đã từng ở Việt Nam trong thời đại hoàng kim của người Pháp. Từ lúc ông về Pháp, ông mắc phải bệnh “ nhớ Đông Dương” như tất cả những người Pháp khác của thế hệ ấy. Để vơi bớt nhớ nhung, ông tìm gặp những người bạn Việt Nam, nhắc nhỡ ca tụng Việt Nam ngày xưa cho đỡ thèm. Ông kể tỉ mỉ từng bữa cơm Tàu ông đã được mời ăn ở Chợ Lớn, từng hàng cây trong thành phố Saigon, từng chị Hai, chị Ba đã giúp việc trong gia đình ông . .. Ông biết Minh thích búp bê, nhưng nhất định không bao giờ mua tặng. Một lần, ông bĩu môi nói: - Tôi ấy à? Tôi mà thèm đứng chung với bọn đó! Để rồi cô sẽ kể chuyện tôi, thêm vào chuyện của chúng nó. Ông giữ lời hứa này, nên chỗ phần ông trong tủ hiện cũng vẫn còn để trống. - Thưa cô muốn mua gì ạ? Cô bán hàng người Trung Hoa đến bên cạnh, lễ phép chào hàng, làm Lan giật mình trở lại với hiện tại. Lan ngắm mãi đám búp bê và sau cùng chọn một con tên “ Tiên Nữ Tán Hoa” nghĩa là cô Tiên rắc hoa. Cô nàng mặc áo Tiên, đầy những dây dải chằng chịt, phấp phới tung baỵ Tay cô cầm một giỏ hoa nghiêng nghiêng như đang rải xuống trần gian. Trả tiền, nhận hàng xong, Lan mới nhận thấy là mình ngụ Tại sao cái ông Kỳ cục kia, có thừa lòng tự ái, không chịu đứng chung với đám búp bê ông cho là của bọn người trần tục tặng, mà Lan lại chịu đứng vào chỗ ấy? Minh đã có sáu con búp bê, thêm con này nữa là bảy. Minh sẽ kể chuyện búp bê cho người khác nghe, khi câu chuyện đang nồng bên ánh lửa: - Đây là con búp bê của chị tôi chọ Chị ấy có cái ngu như thế nào, thế nào, vân vân và vân vân . . . Lan lắc đầu tự bảo thầm: - Không! Không thể được. Nhất định không thể được! Nhưng tiền đã trả rồi, đổi ý không lịch sự . Cầm con búp bê ra về, Lan ngơ ngẩn hoang mang. Mai Lan đi sớm, không có đủ thì giờ chọn món hàng khác. Các phố giờ này đã lần lượt tắt đèn đóng cửa, và dù họ có mở cửa, Lan cũng không còn đủ minh mẫn để chọn món quà gì thích hợp hơn. Bất giác Lan chợt thấy mình gàn. Tại sao lại phải mua quà? Nhất là tại sao người từ nơi khác đến thăm lại phải mua quà cho người ở nhà? Ai đã đặt ra lệ này? Lan có ý định mai về Paris thăm Minh, sẽ không mang quà gì hết, và Lan tin rằng Minh cũng sẽ vui vẻ sung sướng được gặp Lan như thường. Đem con búp bê về nhà, Lan để chung với đám búp bê của mình. Lan cũng có sáu con, và mỗi con cũng có một lịch sử riêng. Con vũ nữ có đôi chân dài thẳng băng đang nhón gót lên để múa. Hai mắt nó mở to, môi chum chúm đỏ tươi, hai tay dịu dàng khoanh trước ngực. Con này của ông Bố đỡ đầu chọ Lúc còn ở quê nhà, có một độ Ông cố khuyến khích Lan đi nhà thờ và yêu Đức Mẹ như ông đã dạy các con . Hồi Lan còn làm việc ở HongKong, lúc ông đi Nhật Bản du lịch về, ghé qua Hongkong, ông mở tung tất cả bốn cái va li đầy cứng ra cho Lan xem, và cho phép thích gì thì lấy. Trong bốn cái va li ấy, có rất nhiều đồ vật đắt tiền như hạt trai, làm thành những món trang sức quí giá, và các thứ gấm vóc lộng lẫy đã may thành áo rồi, toàn những thứ hấp dẫn, nhưng Lan đã chọn con búp bê này. Tình cha con hờ của ông với Lan không hề tăng hay giảm cho đến khi Lan thôi việc về nước. Ông chịu thua vì dìu dắt mãi vẫn không thấy Lan tiến bộ. Lan không chăm đi nhà thờ, không thuộc Thánh Kinh, không biết xưng tội như các con ông, nay đã thành tử sĩ. Lan lại trở ra ngoại quốc nhiều lần. Cho đến bây giờ, Lan không được biết tin tức gì của ông, và con búp bê được liệt vào các món kỷ niệm quý giá. Hai con búp bê kế đó là Vua và Hoàng Hậu Ai Cập nặn bằng đất sét. Trong chuyến tầu thủy đi Pháp lúc vào Kinh đào, Lan nhập đoàn đi xem Kim Tự Tháp, đã dốc túi để mua của bọn trẻ con. Lúc ấy, ai cũng tính toán đem đủ tiền tiêu trong cuộc du lịch, nhưng người đoàn trưởng không biết làm ăn thế nào, giao hẹn với hãng tổ chức ra sao , mà cả bọn phải dốc sạch túi trên đường về. Lúc đi, Lan cũng như mọi người, tưởng là chỉ phải trả đủ số tiền yêu cầu, là được bao tất cả mọi chi phí. Ai cũng tin vào người cầm đầu, không ngờ anh chàng này còn ngu ngơ và ngớ ngẩn hơn ai cả. Lúc đến Cairo, người tài xế cho biết là họ chỉ có phận sự lái xe đưa đến một tiệm ăn ở Cairo mà thôi, từ đây mọi người phải lo liệu lấy. Thành ra, ngay bữa cơm đầu tiên, đã thấy ngay rằng họ phải trả đắt gấp năm lần so với giá ăn ở tiệm không nằm trong danh sách của Hãng du lịch. Nhưng không còn cách gì khác hơn là tự an ủi: Nước ở dòng sông Nil cuồn cuộn chảy đục ngầu những bùn đen kìn kịt thế kia, mà mình được ngồi trong một phòng ăn mát mẻ, uống một cốc nước đá lạnh tinh khiết đến như thế này, thì bao nhiêu cũng đáng. Xong bữa cơm, rồi đến khoản tiền thuê xe đến xem Kim Tự Tháp, thuê lạc đà cỡi đi vòng quanh tháp v.v. . . Khi bọn trẻ con bán đồ kỷ niệm bắt gặp bọn Lan, chúng đã tưởng được món bở vì thấy đông, nhưng sau khi nghe nói toàn là sinh viên không giàu, chúng xịu mặt ra. Một con bé tóc đen xỏa dài xuống trán, mắt to và đẹp không thể tả, cứ dúi mãi vào tay Lan hai con búp bê đất này và bảo:” For souvenir, for souvenir, no money”. Lan đành dốc hết ví cho nó xem, chỉ còn một trăm quan lẻ, đưa cả cho nó, cô bé cũng vẫn nhận một cách sung sướng. Bên cạnh hai con Vua và Hoàng Hậu này, là con cô Dâu của một cô bạn người Áo chọ Con này mặc bộ áo cưới bằng voan trắng tinh, dài chấm gót, voan cài qua đầu, tay ôm bó hoa trắng, đẹp như một cô dâu thực. Lan không bao giờ quên được cô bạn Áo này, không phải tại vì cô cao một cách bất thường, nhưng vì niềm cô đơn thực mênh mông của cộ Cha cô là một chủ điền ở Áo. Ông cảm thông nỗi buồn của con, vì quanh vùng ông ở, không có một thanh niên nào dám mời cô đi chơi, đi nhảy, mong gì nói đến chuyện chồng con, ông bèn cho cô sang Paris học. Paris là chỗ của nhân tài thế giới hội ngộ, may ra cô vớ được một anh chàng nào có thể làm cho cô ngước mắt nhìn lên chăng. Đời cô chỉ ao ước được một người bạn trai “ xứng đôi vừa lứa” và cô cho rằng ở đời không gì đẹp hơn áo cưới, không ai sung sướng hơn cô dâu. Cô tặng cho Lan con búp bê này, ngày cô rời Paris đi Ý, Thụy Sĩ và các nước khác. Hôm cô đến từ giả Lan, gặp em Lan là một sinh viên trường thuốc, cô thỏ thẻ bảo: “ Bác sĩ làm ơn cưa bớt chân em đi”. Tuy chỉ là câu nói đùa, nhưng cũng đủ lột hết nỗi đau xót ngấm ngầm vì cặp giò quá dài. Bặt tin được mấy năm, một hôm Lan nhận được thư của cô từ Đức gởi sang, cho hay là cô vẫn còn cô đơn. Có lẽ càng ngày càng cô đơn hơn. Ngày xưa, trở ngại chỉ là cái phần thể chất cao ngất ngưởng làm cho các chàng trai không thích đi bên cạnh, còn bây giờ, cô không phải làm gì hết, quanh năm chỉ ăn rồi đi học, hết trường này đến trường khác, hết nước này đến nước khác, trở ngại lại tăng thêm, vì đống bằng cấp của cô khiến các chàng phát sợ. Không biết có phải các đấng “đại trượng phu” chỉ thích người nữ phải yếu, phải đẹp, để cho họ bao bọc che chở, vênh vang với bạn bè, và nhất là học thức phải thua kém. Họ cần phải thấy cái ta cao hơn, giỏi hơn, để thỏa mãn tính háo thắng không đấng mày râu nào thiếu vắng. Dù đúng hay sai, cô bạn vẫn tiếp tục xây chín tầng tháp ngà cô đơn của mình càng ngày càng cao hơn, cách biệt hẳn với giống đàn ông phàm phu tục tử,mặc dầu cô thích cái giống ấy vô cùng. Con búp bê thằng Hề may bằng vải , trong độn rơm lỏng lẻo, có đôi mắt to đặc biệt, mỗi con mắt nhìn về một phía, mồm tô son đỏ chói, toác ra đến tận mang tai, mũi to và đỏ như quả cà chuạ Nó mặc một bộ quần áo bên phải trắng bên trái đỏ, cặp giò dài lê thê và hai bàn chân to lớn một cách dị thường. Lan để nó ngồi lắc lư trên một sợi dây thép chăng ngang tường, trông cũng hay haỵ Nó gợi cho Lan nhớ đến những ngày còn đi học bữa đói bữa no ở trường Trung Sơn, Quảng Châu. Nhất là gợi nhớ đến một bà bạn gái với cảnh chồng chung ly kỳ của bà. Ngày quân đội Trung Hoa sang giải giáp quân đội Nhật Bản tại miền Bắc Việt Nam, một tướng Tàu đã đem bà về nước cùng với những khí giới và chiến lợi phẩm thu nhặt được. Bà khăn gói theo chồng, về đến nơi mới hay là đã có một bà Cả ngồi sờ sờ ra sẵn rồi. Từ đấy, bà bị hành hạ đủ mọi mặt. Bà phải hầu hạ tất cả gia đình nhà chồng, từ chồng cho đến mẹ chồng, vợ Cả, đàn con chồng với một bầy chó mèo. Họ coi bà như người ở, không hơn không kém và cố nhiên là không lương. Trời Thượng Hải mùa đông rét như cắt, đến nước trong máy vừa chảy ra đã đông lại thành băng, bà chỉ có một chiếc áo bông tả tơi và một đôi giày bố cũ, đi chợ, nấu ăn, giặt dũ, hai tay ngâm trong nước lạnh như đá, lúc nào cũng ửng đỏ lên và tê dại đến nỗi hơ ngay lên ngọn lửa cũng không biết nóng. Trong khi đó thì bà Cả và chồng con ngồi ở nhà trên, cạnh lò sưởi ấm, thưởng thức món “ tả pín lù” do bà rửa từng cộng rau, thái từng miếng thịt. .. Một hôm đi chợ, rét quá bà buột mồm chửi đổng một câu:” Bố tiên sư chúng nó, ở nhà sưởi cho ấm, hành hạ thân bà như thế này, bà có ngày . . . “ Bà nói chưa dứt câu, có người vỗ vai bà và nhận là người đồng hương. Đất khách quê người, không ai phân biệt giai cấp, quê quán gì cả. Bà như một con mèo đói, rách rưới gầy gò, đầy những nét đau khổ trên mặt, trên đôi bàn tay co rúm. Người đồng hương là một Sĩ quan mang lon Thiếu tá trong quân đội Trung Hoa. Nhưng có nghĩa lý gì vài cách biệt nhỏ nhặt. Chiều hôm ấy, ông thiếu tá Việt Nam – vì đánh giặc hộ cho Tưởng Tổng Thống rất khá nên huy chương gắn đầy người – đến thăm bà. Lần đầu tiên trong đời làm vợ, bà được lên nhà trên tiếp khách với chồng. Bà Cả phải cho bà mượn một cái áo khác để mặc cho ra hồn. Hôm sau, ông Thiếu tá lại đặt tiệc ở một nhà hàng sang trọng mời bà và chồng đến dự, để giới thiệu với bạn bè Việt Nam ở đây. Họ toàn là sinh viên và những người cách mạng kẻ đi làm, người đi học ở quanh vùng. Bây giờ bà đã có một hậu thuẫn khá vững chắc sau lưng: một ông Thiếu Tá bà nhận ngay là em họ, cai quản một Lữ đoàn, một số bạn bè đồng hương tuy chẳng giầu có nhưng ai cũng mang một giấc mộng vá trời lấp biển, bà thấy mình như sống lại và can đảm thêm lên. Một hôm, bà xách con dao phay vẫn dùng để chặt thịt, đưa cho ông chồng, bảo giết bà đi, nếu không thì phải trả lại giấy tờ đưa bà về nước. Nếu còn giữ bà mà cư xử không ra gì, bà sẽ chém cả nhà rồi tự tử. Nhà chồng sợ quá, vì thấy bà bây giờ không còn cô đơn nữa, sau lưng có một hậu thuẫn hùng hậu, nhỡ bà chết oan thì chắc không yên với ông “ em họ “ Thiếu Tá và bọn cách mệnh Việt Nam . Nhà chồng bèn xử hòa cho bà ở riêng, mướn người ở nấu ăn và giữ con, vì bà đã có một con. Rồi từ đấy, mỗi anh hùng một giang sơn: thứ hai, tư, sáu là ngày của bà, ba, năm , bảy và chủ nhật là ngày của bà Cả. Bà mãn nguyện trong cảnh Hai, Tư, Sáu và đã được tất cả hàng xóm láng giềng gọi là bà Hai. Từ đấy, ông chồng đến thăm không có chướng ngại là bà Cả, thì cơ hội du dương cũng đầm ấm hơn, bà càng ngày càng xinh đẹp làm ông càng yêu bà hơn. Bà càng có giá trị trong mắt mọi người, và cũng vì thế vốn riêng của bà cũng càng ngày càng nhiều . Ông đã sắm cho bà một căn phố lầu, một chiếc xe hơi , và những món nữ trang thật, nên người bà cũng càng ngày càng nặng chĩu thêm. Khi Lan quen bà, thì bà đã có bốn con và đang sống trong cảnh hạnh phúc tràn trề. Chồng bà đã ra khỏi Quân đội, dọn cả nhà về Quảng Châu. Ông “em họ Thiếu Tá” cũng liên lạc đều đều và giới thiệu bà cho các bạn Việt Nam địa phương. Thỉnh thoảng, những ngày thứ bảy, chủ nhật Lan ở trường ra, bà mời đến chơi để bà có dịp nói tiếng quê hương. Ngày con gái út của bà bị ruột dư phải mổ, bà nhờ Lan làm khán hộ trông nom con bé, ở lại với nó suốt đêm ở nhà thương, cho nó uống thuốc, đi phòng tắm, và giữ cho nó khỏi cào cấu vết thương bị may. Sau hai tuần lễ ở bệnh viện, con bé đã khỏi hẳn, về nhà và đi học. Lan cũng trở lại với cuộc sống bình thường, mỗi đêm được ngủ thẳng giấc, không phải giật mình vì tiếng con bé gọi từng hồi nữa. Ngày bà tiễn Lan vào trường, bà tặng Lan con búp bê Thằng hề này với một cân lạp xường. Cân lạp xường được các bạn Việt Nam cùng trường chia xẻ nên hết ngay hôm sau, nhưng con búp bê Lan vẫn còn giữ cho đến bây giờ. Con búp bê Nhật Bản cầm cái dù uốn éo thân hình như đang biểu diễn một điệu múa cổ điển .. . Con búp bê Thái Lan . .. Mỗi con là một nhân vật, một lịch sử, thêm vào con “ cô Tiên” này, cũng có thêm một chuyện “ngu chị ngu em” đáng kể. Lan nhất định mai sẽ sang Paris tay không thăm Minh. Và sẽ hôn Minh hai bên má như ngày nào hai chị em đưa nhau ở sân gạ Hôn cũng là một quà tặng chứ sao! Hồi Lan còn ở Việt Nam, lúc anh Lan đi học ở Mỹ sắp về, gởi thư cho Lan phàn nàn rằng tiền tiêu hết cả rồi mà còn đến hai mươi cái thư của bạn bè, bà con hai bên nội ngoại , từ gần ngay cạnh sau lưng cho đến xa lắc xa lơ, gửi sang, nhờ mua thứ này thứ nọ, hỏi quà cáp . . . “ Anh không biết tính sao?” . Lan trả lời cho anh, mách nước rằng lúc về bà nào, cô nào hỏi quà, thì cứ ôm hôn mỗi người một cái, nói đây là quà Mỹ thứ thiệt, chính hiệu Con Nai, và . . cười trừ. Hôm anh về với mười va li đầy, vợ con tíu tít chia quà cáp túi bụi tưng bừng, anh đã ôm Lan hôn lên hai má và nói: ”Đây là quà cho em, thứ thiệt ” và . . .cười trừ. “ Gậy ông đập lưng ông”, Lan cũng cười với mọi người, có lẽ nàng còn cười to hơn tất cả. Lan cố cười thật vui để che giấu một cái cảm giác là lạ đột nhiên nổi lên. Có một cái gì buồn buồn, nghẹn ngào chận ngang cổ, chạy ngược vào tim và cứ lồng lên trong cuống họng rồi chạy xuống ngực, rồi lại lên, nghẹn ngào không có lối thoát. Ngày mai Lan cũng sẽ hôn Minh như thế, Minh sẽ cười. Lan tưởng tượng Minh sẽ cười lớn như Lan đã cười, và có lẽ cảm giác của Minh cũng giống như cảm giác của Lan lúc nhận được món quà Mỹ “ thứ chính hiệu” của anh chọ Có thật cảm giác của Minh cũng sẽ như thế chăng? Lan không dám chìm đắm thêm vào sự tưởng tượng lúc gặp Minh nữa. Lan đã thay đổi ý kiến trong một phút. Sáng hôm sau, Lan đi Paris với con búp bê cô Tiên và tất cả những mâu thuẫn trong lòng. Lan cũng sẽ bị ngồi chung một chiếu với cái bọn phàm phu tục tử kia, Lan cũng sẽ bị đem ra kể, vì cô Tiên của nàng rất đẹp, thế nào chả có người hỏi:” Còn chuyện con này ra sao?” Và Minh sẽ bắt đầu kể những cái “ ngu chị, ngu em” của hai chị em cho họ nghe. Lan thấy lòng tự ái hơi bị xúc phạm. Lan định không đưa con búp bê cho Minh, nhưng nhớ đến cái cảm giác của mình lúc anh cho quà bằng một cái hôn, Lan lại thấy không cần gì nữa. Dù Lan có phải bị liệt vào cái bọn phàm phu tục tử đã biếu búp bê cho Minh, để bị đem ra kể chuyện ngu lớn ngu nhỏ , Lan cũng không ngại. Lan muốn Minh sung sướng vì có một món quà gì khi gặp chị, dù một món quà rất nhỏ mọn, nhưng cũng đủ chứng tỏ rằng người tặng nghĩ đến mình và có lòng với mình. Lan tưởng tượng, khi gặp Lan, Minh sẽ ôm chầm lấy chị, mừng rỡ: - Chị, chị, chị về bao giờ thế? Sao không gọi điện thoại để em đi đón? Tội chưa, phải đi xe bus, sao lại điên thế? Qùa của em đây hở? Trời ơi! Con búp bê Tàu, thích chưa? Minh sẽ vui mừng vì được con búp bê đặc biệt, và Lan sẽ tận hưởng cái thú vui của người cho quà. Nhưng trí tưởng tượng quá phong phú của Lan đã dẫn nàng đi xa lắc xa lợ Sự thực trái hẳn. Lúc Minh gặp chị, nàng cũng có vẻ vui mừng và ngạc nhiên, nhưng về phần món quà, hình như không được hoan nghênh một cách nồng nhiệt như Lan tưởng. Minh cầm con búp bê một cách hờ hững, đi sang phòng bên cạnh, để lên một cái giá cao. Lan nhìn theo và thấy tim mình hình như muốn đứng lại. Thì ra chính nàng đã quan trọng hóa tất cả mọi sự. Búp bê bây giờ đối với Minh không có nghĩa lý gì hết. Cả một gian phòng đầy những búp bê là búp bệ Nhìn chúng nó, Minh có cảm tưởng như gian phòng của Minh đang bị nạn nhân mãn, hay nói cho đúng hơn là “ búp bê mãn”. Sau cuộc đi du lịch Ả Rập và các xứ lân cận, cô em đã thu thập vô khối là búp bê của các xứ đó. Từng đàn búp bê đủ kiểu áo quần, đủ các điệu bộ uốn éo, đứng ngồi múa nhảy. Hàng tá búp bê đủ các loại, nam phụ lão ấu không thiếu mặt nào, Chúng đang chen chúc nhau, xô đẩy nhau, chồng chất cả lên nhau trên những cái giá dài đóng cao trên tường. Xê dịch mãi, Minh mới tìm được một chỗ ghé chân cho Cô Tiên nhỏ của Lan. Cô Tiên đẹp thuần túy Á Đông, một vẻ đẹp cao quý và hiền hậu đứng bơ vơ, cô độc, lạc lõng trong cái thế giới búp bê trần tục. Cái áo Tiên với những dây giải lóng lánh phơi phới bay trắng như tuyết, nổi bật lên bên những làn da ngăm ngăm đen. Tất cả các vũ nữ xứ một ngàn một đêm lẽ đều mặt che mạng, áo quần toàn voan mỏng tanh nhìn thấy suốt cả thịt dạ Trong mắt Lan, cô Tiên của nàng như bay bổng lên, như vượt ra khỏi cái thế giới hỗn tạp hiện tại. Lan và cô Tiên nhìn nhau mỉm cười thông cảm. Thì ra ở đời, cái gì cũng thay đổi từng giờ từng phút. Khi người em gái không còn là một nghệ sĩ với hai cây đàn, thì đám búp bê đã thành ra một sưu tập, chứ không phải là kỷ niệm của người thân nữa. Nếu có tiền, người ta chỉ việc ra tiệm búp bê, là có thể mua hàng trăm kiểu, trăm nước, trăm thứ áo quần khác nhau, để biến gian nhà thành một viện bảo tàng búp bê, hay một cuộc triển lãm búp bê quốc tế. Nhưng tất cả búp bê này chỉ là những con nộm không hồn. Lúc từ giã Minh ra về, Lan yên lòng lắm. Cô Tiên tuy từ nay lạc lõng bơ vơ, cô đơn trong cái thế giới ba vạn sáu nghìn ấy, nhưng mỗi con búp bê không còn là kỷ niệm của một người thân yêu nữa, thì chúng nó sẽ không phải kể chuyện gì cả, vì không có gì đáng kể. Bao nhiêu năm tháng qua, Lan không ngờ lại có thể gặp Minh dưới trời Mỹ. Hai chị em đã chơi hú tim với nhau suốt hai chục năm, từ nước này sang nước khác. Đã bao nhiêu lần Lan và Minh chụp hụt nhau. Lan dọn đến thì Minh vắng mặt . Minh về nước khi Lan đi rồi . .. Trong lúc hai chị em đang lang thang dạo phố ở Cựu Kim Sơn, Lan bỗng thấy Minh biến đâu mất. Đứng chờ một chốc, thấy Minh ở trong một cửa hiệu đi ra, tay cầm con búp bê người đàn bà cõng con. Con búp bê mặc bộ quần áo da màu nâu, gấu áo cắt tua tủa, kiểu áo người bản xứ da đỏ vẫn thường mặc. Hai bím tóc đen thả dài hai bên vai, đôi mắt to đen như ngạc nhiên, như dò hỏi. Nhìn Minh hớn hở nâng niu con búp bê một cách âu yếm, Lan chợt nhớ đến bầy búp bê của Minh, nhớ đến cô Tiên với cái nạn “ búp bê mãn” ở nhà Minh. Nhìn mắt Minh long lanh sáng, ngón tay âu yếm vuốt mái tóc búp bê, Lan thấy không buồn cho cô Tiên của nàng nữa. Dù nhà Minh đã có nạn “ búp bê mãn”, nhưng nếu mỗi con còn nhắc lại một kỷ niệm, một chuyến đi, một người thân thì chúng nó vẫn còn có linh hồn. Linh Bảo 1966 (Trích trong tuyển tập Mây Tần)