Hoài Ân không tin vào tai mình. Mẹ vừa bảo anh lấy vợ! Anh mới hai mươi hai, đang học, chính xác là vừa tốt nghiệp, mà bỗng đi lấy vợ, lại lấy một người chưa từng thấy mặt. “ Tại con còn đi học, con bé ấy cũng còn nhỏ nên hai bên cha mẹ chưa có dịp cho hai con gặp nhau. Bây giờ, không còn kịp đợi cho nó lớn nữa rồi, phải cưới thôi”. Mẹ ứa nước mắt “ba con sắp.. đi rồi!”. Hoài Ân nắm chặt tay mẹ “ con không hiểu tại sao ba đang ốm, mẹ lại nói chuyện cưới vợ cho con. Mẹ bình tĩnh lại đi, con nghĩ ba ..không đến nổi nào, mẹ đừng lo quá!”. Bà Thông lắc đầu “ đây là ý ba con. Con ngồi xuống đây, mẹ nói rõ cho con nghe. Đây là một đám cưới chạy tang! Con hiểu không? Đám cưới chạy tang, vì bác Kha cũng sắp chết rồi!” . À, bác Kha, bác Kha thì anh rất biết. Bạn thân của ba, bạn chiến đấu của ba, lâu lâu ghé chơi với ba một lần. Giọng nói sang sảng của ông xen lẫn giọng trầm trầm của ba, lúc đó cả nhà vui lắm. Lâu rồi không thấy ông tới, không ngờ ông lại.. Anh nhìn mẹ. Mắt bà đăm chiêu “con nhớ ông nội không?”. Hoài Ân ngạc nhiên “sao mẹ lại nhắc đến ông?”, “ con nhớ ngày xưa ông hay hỏi con tên gì không? ”. Sao lại không nhớ. Ông hay bế cháu nội lên gối, để cháu túm râu nghịch ngợm đã đời rồi mới hỏi “ thằng cháu cưng của ông tên gì?”. Thằng nhóc nũng nịu mãi mới nói “ tên Ân ạ!”. Vậy là bị ông lật sấp phết vào mông “ dạy hoài không nhớ, tên Hoài Ân!”. Thật ra Hoài Ân nhớ, nhưng nó muốn trêu ông, thế thôi.
Cái trò hỏi đáp này kéo dài tới khi ông mất mười năm trước mới thôi. Anh nhìn mẹ, mắt bà càng buồn.“ Ba con và bác Kha cùng quê Hội An, cùng vào bộ đội. Sau hiệp định ngừng chiến năm bảy hai, chiến tranh còn ác liệt hơn. Năm bảy ba, trong một trận chiến ba con lạc đơn vị. Sau gần một tuần vừa tìm kiếm vừa chờ đợi, đơn vị di chuyển để tránh sự theo dõi của địch, có nghĩa là bỏ ba con.. nếu chưa chết cho số phận. Bác Kha không chịu, mình bác ở lại, đi sâu hơn vào rừng, chấp nhận hiểm nguy để tìm ba. Rút cuộc, tìm được ba con bị thương gần chết bên suối. Bác cỏng ba con vượt bao cây số đường rừng về trạm cứu thương, ba con sống. Sau đó ba được về phép một tháng. Mẹ làm dâu đã hơn mười năm, lần đó mẹ có được hạnh phúc làm mẹ. Ba con từ chiến trường viết thư về căn dặn “ nếu sinh con gái thì thôi, còn con trai thì phải đặt tên Hoài Ân. Hoài là tên con sông Hoài, quê ba và bác Kha, hoài còn là nhớ, đại ân cứu mạng của bác Kha, ba con muốn con, con trai ba phải nhớ”. Hoài Ân im lặng, anh nhớ bác Kha, quá lâu rồi không thấy ông lại chơi, hình như ông ở đâu..gần gần đây “ mẹ, sao nữa?”. “ Ờ, hoà bình, ông con giữ trọng trách ở thành phố mới được tiếp quản này nên gia đình ta chuyển về đây. Bác và ba con ở lại đơn vị. Rồi chiến tranh biên giới Tây nam nổ ra. Ba con, bác Kha, một lần nữa cùng binh đoàn ra trận. Cả nước một lần nữa cùng hướng ra tiền tuyến”. Giọng mẹ đầy tự hào. Hoài Ân cảm động nhìn mẹ. Trọn đời là vợ chiến binh, bà dõi theo từng bước chân hành quân của ba, cùng với nổi lo sinh tử cho người thân trước bom rơi đạn lạc canh cánh bên lòng. Bà trầm ngâm một chút “ lúc đó binh đoàn lãnh một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Chỉ trong một đêm phải bắc xong một chiếc cầu để đưa đại quân và xe tăng qua sông Vàm cỏ truy quét địch. Dì Hà thuộc lực lượng thanh niên xung phong thành phố, đơn vị phối thuộc binh đoàn sang chiến đấu trên đất bạn”. Hoài Ân biết rõ giai đoạn này do được ông và chính ba sau này kể lại. Những trận chiến cam go đầy chết chóc. Những sự hy sinh thầm lặng đầy nước mắt trên chiến trường. Anh rót cho mẹ ly nước, chính mình cũng uống cạn một ly, chắc chuyện còn dài. “Ba con biên thư về kể trên chiến trường gian nguy đó, tình yêu đã nẩy nở giữa bác Kha và Hà, cô thanh niên xung phong xinh xắn mồ côi..” Giọng mẹ đột nhiên nghẹn lại “ trong trận chiến cuối cùng trước ngưỡng cửa Nông pênh, ba bị thương. Dì Hà và một đồng đội tải ba về hậu cứ. Trên đường, một trái pháo rơi quá gần, người đồng đội hy sinh, dì Hà dùng thân mình che cho ba, dì… để lại một cánh tay trên chiến trường, lúc đó dì Hà mới hai mươi ”. Mẹ lặng lẽ lau nước mắt. Hoài Ân ngó lên, cố ngăn cảm xúc dậy trong lòng. Chưa ai kể cho anh nghe chuyện này. Anh nhìn dòng nước mắt lăn trên gương mặt hốc hác của mẹ, “ mẹ, đừng buồn, chiến tranh mà..”. “ Sau chiến tranh ba con và bác Kha xuất ngũ. Bác Kha ở lại quê dì Hà. Vợ chồng bác ấy cùng lập nghiệp ở khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, đơn vị cũ của dì Hà, vì tại quê nhà, bác Kha cũng chẳng còn người thân. Chắc con nhớ có lần con xuống đó chơi?”. Ờ, hồi đó, anh còn nhỏ, đâu sáu bảy tuổi, ba mẹ dẫn anh tới chơi nhà bác Kha. Vùng quê rộng rãi, thẳng cánh cò bay. Hoài Ân tha hồ chạy nhảy, la hét, phá phách, thêm bác Kha nuông chìu, cậu Hoài Ân lúc đó chẳng chịu về. Bác Kha phải hứa sau này sẽ đón cậu về chơi suốt mùa hè. Hoài Ân mỉm cười khi nhớ lại. Bà Thông đứng lên “ rồi một lần, ba mẹ tới thăm vợ chồng bác Kha. Lúc đó dì Hà có mang. Buổi chiều khi tiển ba mẹ đến cầu Bình Minh. Mẹ quên kể cho con biết. Hồi đó thanh niên xung phong có xây hai cây cầu dẫn vào Lê Minh Xuân. Cái trên tên Bình Minh. Cái dưới là Hoàng hôn. Ba mẹ, dì Hà, bác Kha, đứng trên cầu Bình Minh, cả bốn người lớn cùng trao lời nguyện ước. Đứa trẻ dì Hà sinh ra, dù trai hay gái sẽ mang tên Bình Minh. Nếu nó là trai, sẽ là con đỡ đầu của ba mẹ, là em Hoài Ân. Nếu là gái..”, bà Thông ngừng một chút “ nếu là gái, nó sẽ là dâu của ba mẹ, là vợ con, Hoài Ân ạ!”. Hoài Ân nuốt thật khó khăn. Bà Thông ngồi xuống cạnh anh, nói thêm, hơi ngập ngừng “ Bình Minh kém con.. tám tuổi, nó mới mười bốn!”. Trời ạ!, anh thấy thật khó thông qua vụ này “ mẹ, mười bốn tuổi chưa được phép..” anh hơi nhẹ nhỏm. Mẹ gật đầu, cắt ngang “ cho nên con và bé Búp.. chưa cần..đăng ký kết hôn”. Hoài Ân lắp bắp “ bé Búp..?”, “ ờ.. Bình Minh hồi nhỏ bé xíu, như cái búp hoa, nên ba mẹ nó gọi nó là bé Búp!”. Vậy nữa, Hoài Ân đứng lên. Anh, một mét tám, đẹp trai như người mẫu. Phen này lấy vợ, mười bốn tuổi, lại nhỏ xíu như cái búp, thiệt mắc cỡ quá. Anh ngồi xuống sát mẹ, rụt rè “ con.. con đề nghị.. nhà mình..nhận..nhận..con bé ấy làm..con nuôi. Con hứa..thương nó như em ruột..con thề..thương nó..”, anh im bặt khi thấy ánh mắt nghiêm khắc của mẹ. “Bình Minh là vợ con chứ không phải em con!”. Hoài Ân bật dậy “con không bằng lòng. Nếu chỉ vì lời hứa xưa kia, con phải lấy con nhỏ.. con xin lỗi, lấy người con chưa từng quen biết, không có tình cảm, liệu con có hạnh phúc không, ba mẹ có đành lòng không?, lại còn..” Anh nín kịp, nói ra lúc này chắc chắn bị bác ngay, ba không biết sống chết ngày nào!. Không thấy mẹ nói gì. Anh tới cạnh bà, đau lòng thấy nước mắt dàn dụa trên mặt mẹ, anh ôm tay bà“ con xin lỗi đã không vâng lời ba mẹ, nhưng..”, anh khó nhọc nuốt khan. Bà Thông lắc đầu “con đừng xin lỗi ba mẹ, chính ba mẹ phải xin lỗi con” Hoài Ân khổ sở “ xin mẹ đừng nói thế, tội con!”. “ Hoài Ân, khi ba nói việc này, mẹ thấy ngay sẽ khó khăn cho con. Con và Bình Minh cần có thời gian quen nhau, tìm hiểu, để có thể đi tới hôn nhân. Hơn nữa như mẹ nói, Bình Minh mới mười bốn. Con đừng tưởng bác Kha không cân nhắc việc này. Mẹ kể luôn cho con biết. Sáu năm trước, khi dì Hà qua đời vì bệnh. Bình Minh tám tuổi một mình lo toan chuyện nhà, săn sóc bác Kha, lúc đó sức khoẻ đã bắt đầu suy yếu. Những năm quân ngũ, bị thương nhiều lần, thêm đời sống kham khổ… Ba mẹ có xin mang Bình Minh về nuôi, giúp bác Kha trị bệnh. Ba con nêu đủ lý do, viện dẫn bao nhiêu tình cảm cao đẹp để bác Kha nhận một chút sự giúp đỡ vật chất. Ông từ chối tất, cha con sống đạm bạc với nhau. Mới đây, xẩy ra một việc, bác phải quyết định tương lai cho con gái ngay. Bác Kha bị ..ung thư, ung thư gan vào giai đoạn cuối..”.
Tiếng bà nhỏ hẳn đi. Hoài Ân thấy nghẹt thở, hình như số phận anh đã được sắp xếp. “ Ba con bệnh thận rất nặng, mẹ không cần nói. Bác Kha không biết chết lúc nào. Bác nén lòng đến gặp ba con ở bệnh viện. Và đây là ý ba con. Trước khi một trong hai người mất đi, Bình Minh phải bước vào nhà ta đàng hoàng với danh nghĩa vợ con. Do đó, phải cưới ngay!” Bà Thông nói nhanh, tiếng nghèn nghẹn “ Hoài Ân, bác Kha có..có.. gửi lời ..xin lỗi con..” bà không nén được, nước mắt tuôn rơi. Hoài Ân cầm tay bà “ mẹ, con không dám nhận, con không biết nên làm thế nào, còn..còn.. Hoàng Kim?”. Mẹ nhìn anh, rồi quay mặt đi “ Hoàng Kim thì sao?”. Hoài Ân vội lắc đầu, bây giờ có nói anh yêu Hoàng Kim phỏng có ích gì. “ Con chuẩn bị vào với ba đi, tối nay suy nghĩ những lời mẹ nói nảy giờ. Đem cái này vào cho ba”. Mẹ cầm bộ quân phục “ không phải của ba đâu, của bác Kha đó. Hồi xuất ngủ hai người trao đổi quân phục cho nhau. Ba con muốn đem vào để sẵn, phòng khi… thình lình.. ba mặc bộ đồ bác Kha để ra đi. Mai kia bác Kha…cũng vậy..”. Bà lại nghẹn lời.
Hoài Ân nhìn đồng hồ. Mẹ vô phòng anh lúc ba giờ, mẹ ra khỏi phòng lúc sáu giờ. Chỉ trong ba tiếng đồng hồ, đời anh chấm hết. Lấy vợ, lại lấy con nhóc nào đó anh không biết, bỏ Hoàng Kim. Thât không thể tưởng tượng ra. Nhưng chống lại bằng cách nào đây? Năn nỉ ba? đừng hòng, ba nói một là một, hai là hai. Mẹ thì..thế rồi. Anh xốn xang, bác Kha ..xin lỗi anh. Trời, chắc bác cũng đã ở vào thế cùng rồi, hết cách rồi. Con nhỏ ấy, cái con bé Búp ấy, chắc.. xấu lắm!. Hoài Ân đập hai nắm đấm lên tường. Thôi, vào với ba ngay, ông chắc chẳng còn sống với anh bao lâu nữa.
Ở bệnh viện chuyên khoa thận này, ba là khách hàng thân thiết. Ông vào từ khi bệnh chớm nặng đến bây giờ thầy thuốc đã chê. Ban ngày mẹ và bà Tư, người giúp việc, vào với ba. Tối tới phiên anh. Nhà khá giả, mẹ bao luôn cả phòng, có ba giường, nhưng chỉ có một bệnh nhân. Tới lui, ở lại nuôi bệnh cũng tiện. Anh đến bên ba. Sắc mặt ông đen xạm hơn hôm qua. Bác sĩ nói gần rồi. Ông Thông hơi cười, là anh nghĩ vậy, các bắp thịt trên mặt hơi nhúc nhích, ra hiệu cho anh lại gần, “ bác Kha hôm nay đỡ chút nào không? Chú Sơn hôm qua có điện lên nói bác con mệt lắm”. Hoài Ân cầm tay ba “ con không nghe mẹ nói, ba nghỉ cho khoẻ, lo lắng nhiều không tốt”. Ba nặng nhọc lắc đầu “ không lo sao được. Ba còn có mẹ con, ông bà Tư, có con. Còn bác Kha, bác hai của con, chỉ có ..vợ con bên cạnh..” Hoài Ân như bị điện giật, anh rùng mình buông tay ba. “ Mẹ con nói hết ý ba rồi chứ, con ưng không?” “ ba, con.. con..”. Anh bóp chặt hai tay nín lặng, mắt cay sè. “ Con vâng lời ba phải không?” Mấy ngón tay ba động đậy yếu ớt. Hoài Ân vội nắm lấy, ba yếu lắm rồi. Ông lại thều thào, giọng đầy thấp thỏm, âu lo “ con vâng lời phải không? Hoài Ân”. Hoài Ân nghẹn ngào. Anh ấp bàn tay yêu quí thân thương của ba lên mặt mình, rớt nước mắt “ dạ, con vâng lời!”.
Sự kiện một đám cưới chạy tang sắp xảy ra ở chốn quê này như một câu chuyện thời sự nóng hổi. Ai ai cũng bàn tán, ai ai cũng trợ giúp. Ông Kha ở đây đã lâu, hiền lành chơn chất. Con bé Bình Minh giỏi giang mà hoàn cảnh thật đáng thương. Anh em trong hội cựu chiến binh, hội nông dân, thanh niên xung phong, hội phụ nữ đều mỗi người một tay. Dưới sự cầm trịch của ông Sơn, một cựu chiến binh kỳ cựu, mọi việc trôi chảy. Mai, cũng chính ông là người thay mặt đàng gái điều hành lễ cưới này. Với kinh nghiệm ăn nói nhiều năm, vì ông là chủ tịch hội cựu chiến binh xã, một năm hai lần đi dự đại hội, một lần cấp huyện, một lần cấp thành phố, ông rành rẽ việc tổ chức, phát biểu chào mời. Hơn nữa mọi sắm sửa cho cô dâu, đàng trai lo cả, đã gửi xuống hôm qua, thật đầy đủ. Mai đón dâu rồi. Ông Kha hơi tươi tỉnh một chút, dù trong lòng nóng như lửa đốt. Thằng rể ông, không thấy nó xuống với mẹ. Ông gặp nó lần cuối cũng đã lâu lắm, hồi đám tang ông nội nó. Mười năm rồi, chẳng biết thằng nhỏ nghịch phá thầy chạy đó bây giờ thế nào. “ Hoài Ân bận lắm, nó vừa tốt nghiệp đại học, phải đi.. xin việc”. Bà Thông nói vậy như để xin lỗi việc tới ngày cưới rồi mà bên nhà gái chưa ai thấy chàng rể. Ông nghe vậy thôi chứ ông cũng đoán ra, có điều.. Ông ứa nước mắt thương con “ mai kia về với người chồng không tình cảm, sẽ rất khó cho con, nhưng ba không còn cách nào khác.. ba sắp đi gặp mẹ con rồi!”
Bà Thông là một phụ nữ sắc sảo quyết đoán, gốc Huế. Bà lấy anh bộ đội người Hội An lúc còn trẻ, một tay bà gánh vác giang sơn nhà chồng. Cha chồng và chồng, mỗi người một nhiệm vụ, đều vắng nhà. Cả hai đang quên thân mình cho hạnh phúc mọi người. Vậy bổn phận bà là phải lo liệu việc nhà, cho hai chiến sĩ trên hai chiến trường được yên tâm chiến đấu. Bà lo toan cho mẹ chồng, dạy dỗ bảo ban mấy đứa em chồng. Chu toàn cả việc bên nhà mình. Một tay bà buôn bán chạy vạy. Chú Năm sau này đảm nhiệm trọng trách ở một sở, chú Sáu lãnh đạo một xí nghiệp lớn ở tỉnh nhà, nhưng mỗi lần nhắc tới chị dâu, hai ông đều tỏ lòng biết ơn, quý mến. Dưới sự lo toan của bà, kèm với sự tận tình của ông Tư, tài xế kiêm quản gia, và vợ ông, bà Tư, nấu bếp, chỉ mười ngày tất bật, mọi chuyện đâu vào đấy. Ngày mai, chú Năm sẽ đại diện đàng trai đi đón dâu cùng bà và Hoài Ân. Nhớ đến Hoài Ân, bà giận lắm. Sắp cưới vợ mà nó cứ ở lì trong phòng, mặt mày như thi rớt! Bảo đi thử đồ cưới nó nói khỏi, mặc sao cũng được. Chú Năm mắng cho một trận. Thật tình chú cũng không hoan nghênh chuyện ép uổng này, nhưng..Thì ai chẳng biết như vậy. Nó đã lớn biết cân nhắc, lẽ ra nó phụ bà nhiều điều trong khi bà còn rối ruột lo cho tính mạng ba nó, ngày càng leo lét như ngọn đèn trước gió. Nhưng bà không có nhiều thì giờ, cũng không muốn la rầy gì nó, nó chịu cưới là may lắm rồi!.
Đám cưới chạy tang có khác, im ru không một tiếng nhạc, chẳng có lời chúc mừng, vì sự chúc tụng sẽ trở thành lố bịch và nhẫn tâm trong trường hợp này. Đọc bài phát biểu đầy tình cảm, ông Sơn cũng hạ giọng. Vẻ mặt Hoài Ân thật thích hợp với khung cảnh ảm đạm chung quanh. Từ lúc xuống xe hoa tới giờ anh nói đúng một câu “ con chào ba.” Thật xa lạ như anh chưa hề biết ông trước đó. Chưa hề chạy từ ngoài cổng phóng qua con kênh sau nhà, rơi tùm xuống giữa dòng kênh rồi hì hụp bơi vào, vừa cười vừa gọi bác hai í ới. Chưa từng gối đầu lên đùi ông, để ông vừa gãi lưng vừa kể một trận đánh, và ngủ say khi trận chiến còn đang gay cấn. Thằng bé con ấy, giờ cao ráo bảnh trai như lời xầm xì khen ngợi của khách khứa. Ông Kha chỉ gật đầu. Chú Năm đáp lại vài lời vắn tắt rồi xin cho được đón dâu. Hoài Ân cau mày nhìn mấy bà bên hội phụ nữ xúm xít, rối rít bên ..con nhỏ ấy. Đúng như lời mẹ nói. "Nó" nhỏ xí như cái búp, lỏng khỏng trong cái áo dài hồng, lóng ngóng với bó hoa cưới Hoài Ân vừa trao, chập chững trên đôi giày cao gót, vậy mà nó chỉ tới nách anh. Nó vụng về đưa bó hoa cho đứa bạn dâu phụ cũng nhỏ xíu như nó. Hai trẻ sắp trao nhẫn cho nhau. Hoài Ân cầm tay..vợ, bàn tay bằng nửa bàn tay anh, đeo cho nó cái nhẫn mà ngón út anh cũng xỏ không vô. Tay anh hình như quá nặng so với sức nó. Nó nâng tay anh và chật vật lồng cái nhẫn vô chưa hết ngón, anh phải tự kéo vô cho xong. Rồi mẹ chồng đeo nữ trang cho con dâu. Rồi cha vợ nhận rượu của hai vợ chồng mới. Ông thợ chụp hình đạo diễn mãi mới chụp được tấm hình hai vợ chồng ngồi sát bên nhau. Chỉ vì cô dâu quá thấp, phải ngồi thì hai gương mặt đó mới sát nhau được. Hoài Ân càng lúc càng cau có. Tới khi cúi đầu chào ba vợ để đón vợ đi, anh lạnh lùng nhìn vợ rơi nước mắt không rời tay ba, chỉ mong con nhỏ ấy đi cho mau. Những người hiện diện không ai trách móc phàn nàn gì. Ai cũng biết anh ở đây nhưng lòng thắt ruột lo cho cha trên kia, không chừng đã chết rồi.