- I -

Khai Thành là một thị trấn xinh đẹp của miền Nam Cao Ly, có vách thành bao quanh. Trên một triền đồi nhìn về hướng tây, một mái trường xinh xinh nhô mình lên ngàn cây xanh thẫm. Nơi đây, hàng ngàn thiếu sinh đang vô tư học tập, nhìn đời tươi đẹp như buổi lê minh của một xứ thanh bình.

Mỗi buổi chiều tan học, người ta thấy ba đứa trẻ nắm tay tung tăng chạy giỡn trên sườn đồi, líu lo như bầy chim sơn ca. Gió từ phương nam thổi vèo, làn tóc chúng phất phơ trước trán và mấy tà áo phe phẩy như những cánh quạt. Chúng vừa chạy giỡn vừa hợp xướng bản “Thiếu sinh Hàn quốc”:

Chúng ta là đàn chim non

Líu lo trên cành.

Chúng ta là vầng lê minh

Sáng tươi tưng bừng...

Tiếp theo tiếng hát là những chuỗi cười trong trẻo tan giòn trong bóng tà dương. Rồi chúng dừng bước trước những khóm hoa, hay nô đùa theo một đàn bướm.

Ba đứa trẻ ấy là Ngọc Thành, Trung Vĩnh và Vị Liên. Ngọc Thành mới mười lăm tuổi, con một nhà phú hào tại Khai Thành. Trung Vĩnh và cô bé Vị Liên trạc tuổi nhau, kém hơn Ngọc Thành một tuổi, cùng là đôi lứa đầu xanh phiêu bạt, vì quê hương chúng ở tận miền bắc. Chúng theo cha mẹ tha phương cầu thực, sống cuộc đời trôi nổi của những cánh bèo giạt sóng.

Nhưng tuổi thơ là tuổi không nệ giai cấp, không phân sang hèn. Cho nên mấy tháng sống chung dưới mái trường êm ấm, chúng đã thành những người bạn tương thân, mến nhau vì tài, yêu nhau vì nết; khi học lúc chơi, lúc nào chúng cũng quấn quít bên nhau, và không một câu chuyện tâm sự nào là chúng không kể cho nhau nghe.

Trong lớp học, thầy thường kể cho chúng nghe những trang sử oanh liệt của dân tộc Triều Tiên. Chúng nghe và lấy làm hãnh diện. Tuy còn trẻ, chúng đã từng cảm thông với cảnh khổ của dân tộc chúng dưới ách Phù Tang, đã từng cảm thấy lòng sôi nổi trước sự vùng dậy của một quốc gia trẻ trung đang vươn mình ra ánh sáng.

Thầy chúng thường bảo: “Hồi thế kỷ thứ XIV, Khai Thành là thủ đô Cao Ly, đã từng chứng kiến những giai đoạn lịch sử bi hùng. Mặc dầu đã bốn chục năm trời dưới thời Nhựt đóng, Khai Thành vẫn không thay đổi bao nhiêu. Khai Thành có một cái cầu bằng đá, nơi đây một nhà ái quốc Cao Ly đã nhảy xuống từ trầm, khi quân Nhựt chiếm được Cao ly. Vết máu của vị chí sĩ đó là tấm gương anh dũng của dân tộc Cao Ly mà chúng ta không bao giờ quên vậy.

Bọn chúng lặng im nghe với tấm lòng phẫn uất. Ngọc Thành và Trung Vĩnh cảm thấy có cái gì làm cho lòng chúng nao nao; riêng Vị Liên thì cúi đầu để giấu cặp mắt đỏ hoe vì rướm lệ.

Ở Cao Ly, ngay đến những đứa trẻ thơ, người ta cũng đã dạy cho chúng tinh thần ái quốc. Cái tinh thần đó đã tiềm tàng nhen nhún trong tâm hồn chúng để rồi đâm chồi mọc rễ trong cá tính chúng.

Có nhiều lúc bàn bạc với nhau về những gương anh dũng của tiền bối, chúng đã nhiều phen tự hỏi lòng và tự nhủ lòng cố theo những tấm gương ấy. Một hôm, nhân nhắc lại lời khuyên bảo của thầy về vị chí sĩ đã tự trầm, Ngọc Thành nói:

- Thà chết như thế còn hơn phải sống nô lệ, phải không bạn nhỉ?

Trung Vĩnh khẳng khái nói:

- Sau này lớn lên, tôi sẽ cố gắng trở thành một anh hùng dân tộc. Tôi sẽ không tha thứ bọn mãi quốc cầu vinh, làm chó săn cho bọn cướp.

Vị Liên đưa mắt nhìn hai bạn với cái nhìn đầy cảm phục. Một lúc lâu, nó bỗng chớp mắt, nói với giọng thật dịu dàng:

- Em thì em mong đất nước mình mãi mãi được thanh bình, đồng bào mình thương yêu lẫn nhau, tránh những cảnh cốt nhục tương tàn thảm khốc. Em rất ghét chiến tranh.

Ngọc Thành và Trung Vĩnh nhìn đứa bạn gái hiền lành bé bỏng. Chúng không nói gì nữa, nhưng cái nhìn ấy chứng tỏ chúng đã thông cảm với niềm khát vọng chân thành, cao đẹp, của một cô bé sớm tha hương trong lúc tuổi còn thơ...