Chương 1

Trong Thập niên 1960, đường Sài Gòn - Vũng Tàu qua khỏi căn cứ Long bình là rừng già và rừng cao su trùng điệp, đứng tại Thị trấn Long Thành ta đã thấy ẩn hiện xa xa là rặng núi chạy dài qua Bà Rịa đến Long Hải trong dó có ngọn núi Thị Vải; Ngày đó những xe đò liên Tỉnh đều là loại xe nhỏ mang nhãn hiệu Renault mà đầu xe giống như con heo (nên dân chúng thường hay gọi là xe con heo).

Hôm ấy, chuyến xe đò Biên Hòa - Bà Rịa khi chạy đến cách Phước Lễ khoảng 8 cây số, nó dừng lại cho một nhóm người xuống, khung cảnh nơi đây thật yên tĩnh và âm u, bên phải là cánh đồng lúa chạy dài mút mắt, bên trái là rừng trùng trùng điệp điệp, cạnh bên đường có ngôi Tịnh Xá nhỏ nằm khuất trong khu vườn cây ăn trái và có một dòng suối nhỏ chạy ngang, ở đây cũng có một con đường đất cát dẫn vào chân núi.

Trên xe bước xuống là 9 người đủ mọi lứa tuổi, họ mặc quần áo nâu sồng, trên vai từng người đều có một tay nải đựng quần áo, họ là những người Tu hành đang trên đường trở về núi.

Đi đầu là một nhà Sư tuổi trạc trung niên, dáng người cao lớn, uy nghi và nét mặt thần hiền từ, ông hướng dẫn mọi người ghé vào Tịnh Xá nghỉ chân, đoàn người sắp hàng một theo sau nhà Sư trung niên, trong tám người còn lại thuộc mọi lứa tuổi nhưng đáng chú ý nhất là một Chú Tiểu tuổi trạc lên 9, với bộ nâu sồng còn mới may hơi rộng, trông chú như đang bơi trong bộ quần áo ấy, nhưng cái đáng chú ý nhất là chú là người nhỏ tuổi nhất trong Đoàn, trên cái đầu cạo trọc nhưng vẫn còn chừa lại ba mỏm gía phía trước và hai bên trên vành tai, chú có nước da thật trắng, đôi mắt ngơ ngác thơ ngây dưới làn lông mày cong như lá liễu, chiếc mũi xinh xắn và đôi môi đỏ thắm như con gái nằm bên trên chiếc cằm chẻ, có lẽ đây là lần đầu chú đặt chân đến đây cho nên thấy chú ngơ ngác trông đến tội nghiệp.

Đoàn người sau khi nghỉ ngơi, rửa mặt mũi dưới con suối cạnh Tịnh Xá lại vội vã lên đường vì đường vào đến chân núi còn xa (khoảng 10 cây số). Dẫn đầu đoàn vẫn là vị Sư trung niên và người đi sau cùng vẫn là chú tiểu nhỏ, với chiếc tay nải mang trên vai và những bước chân trần nhỏ bé in trên đất cát khiến người ta có cảm tưởng như một con bướm nâu bé nhỏ mới vừa chập chững biết bay.

Đôi mắt chú nhìn hai bên đường mòn toàn rừng là rừng với những thân cây cao vút hay những bụi rậm đan lại từng chùm, thỉnh thoảng trên đường đi cũng có một vài vạt rẫy của người dân hoặc của những nhà Tu ở ẩn, lâu lâu một dòng suối chảy cắt ngang đường hoặc chạy song song với đường mòn một đoạn rồi lại biến mất vào rừng sâu, tiếng chim chóc đủ loại ríu rít hót trên cành, đôi chân trần chú vẫn bước đều trên đất cát theo đoàn người phía trước; Tuy nhiên với lứa tuổi lên 9 của chú, với đoạn đường xa, với cái tay nải trên vai đã bắt đầu nặng dần theo từng đoạn đường và theo thời gian trôi chầm chậm, mồ hôi ướt đẫm cả lưng dán chặt chiếc áo nâu vào lưng chú, chú vẫn cố gắng bước đều về phía trước mặc dù chú đã bị đoàn người đi trước bỏ lại khá xa, đôi mắt chú vẫn long lanh và trong cái nắng buổi trưa hè hai má chú bây giờ ửng hồng như cô gái mới dồi phấn.

Khoảng xế chiều đoàn người đến gần chân núi, thấp thoáng từ xa trong đám cây rừng chú đã thấy ẩn hiện mái ngói cong của một ngôi Chùa, lòng chú vui mừng vội bước nhanh tới, trên cổng ngôi Chùa hiện lên bốn chữ "Linh Sơn Cổ Tự", nhưng đây chỉ là ngôi Chùa dưới chân núi thôi, vị Sư trung niên cho phép mọi người ngồi lại nghỉ dưỡng sức trước khi qua chặng đường thứ hai là leo núi.

Đường càng lên cao càng dốc, có những chỗ có những bậc tam cấp để đi nhưng đa phần là phải đi theo những đường mòn dốc đứng, có khi phải trèo qua nhửng tảng đá nhô ra từ triền núi, gió rừng lay động, càng lên cao khí hậu càng mát mẻ, nhất là bây giờ khung cảnh đã về chiều, càng đi lên cao lòng chú càng thấy lâng lâng thoát tục, nhìn về bên dưới chú thấy rừng là rừng trải dài đến cuối chân trời và trên không những đám mây trắng lững lờ trôi giăng mắc trên những ngọn cây cổ thụ.

Mặt trời đã lặn sau dãy núi, bóng tối cũng từ từ buông phủ dần cảnh vật, trên không vang vọng tiếng chuông ngân và đoàn người cũng vừa đến ngôi Chùa chính được xây dựng bên lưng chừng núi, trong ánh sáng nhập nhòe còn xót lại, chú thấy hình tượng Ông Tiêu với chiếc lưỡi dài màu đỏ đứng trấn trước con đường dẫn vào Chùa và trong khung cảnh ngôi Chùa thật to lớn đang từ từ chìm dần vào bóng tối.

Theo đoàn người vào hậu liêu cất chiếc tay nải, chú được đưa ra suối tắm rửa trước khi ăn cơm tối, bữa cơm tối thanh đạm là cháo trộn khoai mì xắt lát ăn với củ cải mặn và muối tiêu, vì sau một ngày đi đường mệt nhọc chú ăn thật ngon và trong đêm đó lần đầu tiên chú ngủ giữa núi rừng cùng tiếng Cọp gầm, Vượn hú đưa chú vào giấc ngủ.