Chồng tôi hơn tôi mười tuổi. Cuộc hôn nhân được định đoạt trong vòng một tháng. Anh vốn là thày học của tôi nhưng cũng là trò và đồng nghiệp vong niên của bố tôi. Tôi quen biết anh từ khi vào đại học, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương. Khi tôi ra trường thì anh cũng nhận được học bổng tiến sĩ du học nước ngoài. Anh có ý định tìm vợ gấp trước lúc đi xạ Bố tôi nói đùa: "Cậu có thích con Nga nhà mình thì tôi gả cho!". Anh đồng ý ngay nên chuyện đùa biến thành thật. Bố tôi vừa làm mối vừa gây sức ép với con gái. Tôi hoang mang từ chối để hoãn binh:- Con có nhiều bạn trai tỏ tình nhưng chưa nhận lời ai. Nay bỗng kết hôn với thầy giáo là bạn của bố mọi người sẽ cười cho là ham hố danh vị. Con cần có thời gian thăm dò may ra mới thích nghi nổi.- Con đòi cái nó không có. Hai tháng nữa Tùng đã đi du học rồi. Nó muốn cưới để sang năm thứ hai đưa vợ đi theo. Vừa sống bên nhau vừa có dịp cho vợ trau dồi ngoại ngữ. Bố nghĩ đó là cơ hội tốt con cần tranh thủ. Tuy là đồng sự, nhưng Tùng vốn là học trò cũ của bố. Nó sẽ chuyển từ xưng em sang xưng con, còn con thì chuyển từ thầy sang anh. Thứ bậc tuổi tác chẳng có vấn đề gì. Điều cốt yếu nó là người tốt!Tôi xiêu lòng gật đầu. Bố tôi truyền lại tín hiệu cho anh. Đi chơi với nhau vài bữa tôi trở thành người yêu. Trước khi cưới tôi hỏi bên nhà anh tính nết mọi người ra sao? Tùng nói:- Có bà chị lớn hơi đanh đá, nhưng về nhà chồng từ lâu rồi. Ông anh trai thì vào nam làm ăn và lấy vợ trong ấy. Nhà chỉ còn bố mẹ và anh. Cưới xong anh đi, em thay vào chỗ đó. Mẹ anh hiền lành, thùy mị. Chỉ có bố là hơi bị tinh tướng thôi!- Tinh tướng là thế nào?- Đại loại là ông hơi khó tính, hay để ý xét nét mọi chuyện, lắm lời và thích giáo huấn. Thưở nhỏ anh hay bị bố cho ăn đòn lắm!Tôi cười:- Chắc anh cũng vào loại... khó dạy!- Mất dạy là đằng khác! Nhưng roi vọt không phải là một phương pháp đáng duy trì.- Nghe anh nói em sợ lắm!- Đã có mẹ. Tinh tướng mấy thì ông vẫn sợ bà. Em cứ nấp vào bóng mẹ là an toàn!Dù sao tôi vẫn chưa yên lòng. Cưới xong anh đi xa, tôi biết ứng xử với bố mẹ chồng ra sao đây? Bố anh hơn bố tôi gần hai chục tuổi. Với những người già thì rất khó biến đổi tính nết. Tôi lại thuộc loại được cưng chiều, sống tự do thoải mái, vô ý tứ, nói năng xô bồ... không biết rồi có trụ nổi không? Hay chồng đi hôm trước, hôm sau vợ xách va-li về nhà bố mẹ đẻ!o0oMới cưới được ba hôm thì ông bố truyền lệnh:- Sáng nay anh chị xuống làm việc với bố nhé.- Vâng ạ!Tùng trả lời rồi nhìn tôi cười. Còn tôi thì lạ lùng và có phần lo lắng:- Có việc gì thế anh?- Anh cũng chẳng biết. Chắc bố lại muốn cho chúng mình một bài học đạo đức văn hóa gì đó thôi. Nhưng hôm nay để mình em làm việc với bố. Anh còn đi làm vi- dạ Ngồi hầu cụ thì hết buổi sáng mất!Tôi giãy nảy:- Em ứ đi một mình đâu! Em sợ bố lắm!- Em cứ ngồi im, bố nói gì mặc bố. Cần thì em gật hoặc lắc là được. Mà bố cũng chẳng để thời gian cho em nói đâu. Anh sẽ nói với mẹ để bà ngồi bên làm chỗ dựa cho em. Dũng cảm lên đừng sợ!Đúng 8 giờ 15 Tùng đưa tôi xuống phòng khách thì đã thấy bố ngồi nghiêm chỉnh trước một cuốn sổ dày cộp, ấm trà vừa pha khói bốc nghi ngút. Chồng tôi trịnh trọng:- Thưa bố, sáng nay nhà con sẽ làm việc với bố. Con có chút việc phải đi, con xin phép vắng mặt ạ.- Sao lại thế! Anh còn nghỉ phép trong tuần trăng mật kia mà. Tôi cần làm việc với cả hai anh chị. Bận gì cũng bỏ đấy!- Thưa bố con nghỉ tuần trăng mật chứ cơ quan lãnh sự cấp vi- da họ có cưới xin gì đâu! Vả lại những nội dung bố thuyết trình con đã thuộc lòng hết rồi. Vợ con đại diện là đủ!- Anh biết hôm nay tôi nói gì mà dám bảo đã thuộc lòng? Nhưng thôi bận thì cứ đi, tôi sẽ làm việc tiếp với anh sau. Còn chị sao cứ đứng như phỗng thế, mời ngồi xuống, đừng e ngại!Tôi vâng lời ngồi đối diện với bố. Ông rót trà mời tôi:- Uống đi cho ấm bụng rồi bố con ta làm việc!- Con xin bố ạ.Tôi lúng túng hồi hộp và lo sợ như cô học sinh vào trường thị Tôi uống nước và cố lấy lại lòng tự tin, dự đoán lung tung những gì sắp xảy ra để có cách ứng phó. Vừa lúc đó thì bà mẹ từ trong buồng đi ra ngồi ở giường bên. Bố mở đầu câu chuyện:- Thế nào? Về làm dâu được ba ngày có thấy thoải mái không?- Dạ con thoải mái ạ.- Con tìm hiểu Tùng hàng tháng chắc đã hiểu chồng. Nhưng với bố thì hôm nay là lần nói chuyện nghiêm chỉnh đầu tiên. Con thấy có gì phải góp ý không?- Dạ không ạ!Bà mẹ cười:- Con nó mới về làm dâu hôm kia đã có chuyện gì đâu mà ông vội vàng thế?- Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mất lòng trước hơn được lòng sau. Nó sẽ phải làm dâu khi chồng đi vắng một thời gian. Tính bố cái gì cũng phải thẳng thắn. Chưa thắc mắc thì cũng phải tìm hiểu vấn đề trước để sống cho có trách nhiệm!- Dạ! - Thực tình tôi cũng chưa biết trách nhiệm của mình là những gì.- Như thằng chồng của con vừa rồi là thiếu trách nhiệm. Buổi làm việc đầu tiên trong gia đình mà nó lại để vợ một mình bỏ đi làm vi- da! Chiều đi không được ả Chưa du học mà đã sùng ngoại, coi nhẹ việc nhà. Hỏng! Làm vợ con có trách nhiệm giáo dục nó thêm.- Con hiểu.- Tốt lắm! - Rồi ông đột ngột chuyển chủ đề - Thế con có biết mấy chữ nho kia là gì không?Tôi nhìn lên hai chữ viết thảo to tướng, bên cạnh lại có những dòng chữ nhỏ li ti đóng khung trang trọng treo trên tường. Nhìn khá đẹp nhưng chẳng hiểu gì.- Con chịu ạ?- Thế thì chưa được! Về nhà chồng là phải để ý đến mọi thứ. Mình là nữ chủ tương lai mà không nắm được tiêu chí gia tộc thì quản lý sao nổi. Khách đến chơi hỏi ý nghĩa chủ trả lời không biết thì thật buồn! Nghe bố giảng đây! Bên phải là chữ cần. Cần là chăm chỉ siêng năng. Bên trái là chữ nhẫn. Nhẫn là bền bỉ chịu đựng, là nhịn nhường. Nghe rõ chưa?- Dạ con rõ rồi ạ.- Dòng chữ nhỏ một bên là: "Nhất cần vạn sự vô nan giải". Còn vế bên kia là: "Bách nhẫn đường trung hữu thái hòa". ý của nó là: Một điều chăm chỉ chuyên cần thì mọi việc không còn nan giải. Trăm điều nhường nhịn chịu đựng thì trong nhà có hòa thuận yên ổn. Hai chữ này không phải chỉ treo để chơi mà là triết lý răn dạy con người cách xử thế! Con rõ chưa?- Dạ con rõ, nhưng muốn hiểu sâu thì con phải suy nghĩ thêm!- Đúng thế! Muốn thành dâu hiền thì phải chịu học hỏi nhiều con ạ.Tôi thấy mạnh dạn tự tin hơn nên đánh liều hỏi bố:- Có phải bố đã nghĩ ra những triết lý trên không?- Ô không! Đấy là chữ của thánh hiền, bố chỉ viết ra chứ đâu có sáng tạo nổi. Đó là chân lý bất di bất dịch, tung ra khắp thế gian chỗ nào cũng đúng! Nhờ những triết luận đó mà bố đã đại thành và con cái sau này đều nên người đó!Bà mẹ mỉm cười dịu dàng:- Không biết ông đại thành bằng hai chữ Cần chữ Nhẫn ra sao chứ mấy đứa con nên người thì tôi phải kèm cặp từ lớp vỡ lòng đến lớp 10, lớp 12 đấy! Thời ấy đã có nhà cửa đâu để cho ông viết chữ treo tường! Lời phản đối của mẹ làm bố tức giận:- Chân lý nó nằm trong tâm thức chứ đâu cứ phải viết trên tường? Thử hỏi không có chữ Cần, chữ Nhẫn của tôi truyền cho thì liệu bà có rót nổi kiến thức vào đầu các con không?- Ông chỉ được cái đánh con là giỏi thôi!- Đúng thế! Nếu tôi không cho bọn nó ăn đòn thì liệu giờ đây có thành kỹ sư, cử nhân, có thành thạc sĩ tiến sĩ được không? - Ông cười đắc thắng- Như cái thằng Tùng chồng con đó. Lần nào về phép cũng thấy mẹ mách nó trốn học đá bóng, bơi sông thả diều, rồi đánh nhau nữa chứ. Chính vì bố đánh mà nó thành cử nhân, tiến sĩ đấy! Không có chữ Cần, chữ Nhẫn trong gien tôi truyền sang thì chưa chừng đều thành đâm thuê chém mướn, cờ bạc nghiện hút rồi!- Nói như ông thì các trường đại học nên mở thêm khoa Roi Vọt để đào tạo nhân tài!- Nhà trường thì không thể dùng phương pháp roi vọt, cũng như gia đình không cần phải lập ra khoa Toán, Lý, Sử, Văn... làm gì! Mỗi nơi có một chức năng riêng. Tôi đẻ ra con, bảo không được tôi có thể quất cho nó vài roi. Nhưng người khác động vào nó tôi sẽ điệu ra tòa! - Ông coi trọng quyền sinh đẻ nhưng lại coi nhẹ quyền trẻ con. Dạy dỗ mới khó chứ đẻ thì dễ thôi! Phương pháp giáo dục của ông lỗi thời rồi! - Dễ thì liệu bà có nhờ người khác giúp bà sinh nổi một thằng Tùng không? Hay nó chỉ là thằng Tùng phẩy, Tùng phèo? Đâu có thông minh tài giỏi như con tôi! Ha ha! Con dâu nghe bố nói có đúng không?Thấy bố kéo về phe mình tôi lúng túng không biết trả lời thế nào. Theo bố thì mất lòng mẹ! Bà nhìn tôi cổ vũ:- Con cứ nói là bố sai đi, đừng sợ!Trông ông ấy tinh tướng nhưng già rồi. Giống như con sư tử móm không còn cắn được ai. Có cho tay vào miệng cũng chỉ biết gặm vớ vẩn thôi! - Con cứ theo lẽ phải mà phát biểu. Mẹ hoặc bố ai đúng ai sai cũng được. Chỉ cần con công tâm thôi!- Con nghĩ... hai bố mẹ đều... đúng ạ! Xét về mặt phổ quát thì không đâu còn chấp nhận phương pháp giáo dục bằng roi vọt. Nhưng trong trường hợp đặc thù thì biện pháp cứng rắn nhiều khi cũng đạt kết quả ngoạn mục khác thường bố mẹ ạ!Tôi hơi ngả về phía mẹ nên bà vỗ tay cười đắc thắng, còn bố thì thất vọng. Tuy nhiên ông vẫn tỏ ra phục thiện:- Bố hoan hô con dâu đã thẳng thắn nói đúng ý nghĩ của mình. Con đã phá vỡ một thông lệ trong nhà này.Ông buồn rầu bắc ghế lên tháo khung treo chữ Nhẫn xuống. Ông mở ván hậu lấy bức thư pháp ra bật lửa đốt luôn. Tôi hoảng hốt xô lại can nhưng không kịp.- Ôi sao bố lại làm thế! Con xin lỗi đã nói điều gì sai để bố phải đốt nó đi!Bố im lặng không nói gì, mắt đăm đăm nhìn ngọn lửa cháy, hai giọt nước long lanh lăn xuống gò má hom hem. Mẹ chẳng những không can, không tiếc mà còn mỉm cười lắc đầu:- Cứ để bố làm theo ý mình. Ông ấy viết rồi ông ấy lại đốt, có thế mới là sáng tạo chứ! Chưa chừng ngày mai lại có chữ mới hay hơn, đẹp hơn!Bố lẳng lặng đi về phía phòng riêng của mình với một vẻ cô đơn, đau khổ. Tôi bỗng thấy thương bố vô hạn.Trưa hôm ấy chồng về tôi kể lại toàn bộ cuộc đối thoại ngắn ngủi sáng naỵ Nghe xong anh cũng hơi buồn:- Mấy chữ đó bố quý lắm đấy! Khách khứa đến ai nghe bố giải nghĩa cũng thích thú thán phục. Bố còn viết nhiều chữ tặng bạn bè. Chữ nào cũng bay bướm đẹp mắt, cũng mang những triết lý sâu sắc. Nay phải tự tay đốt thư pháp của mình đi chắc bố đau đớn lắm. Sáng anh đã dặn em chỉ nghe bố nói thôi, đừng tham gia ý kiến làm gì. Thế mà em lại bộc lộ quan điểm của mình. Thật đáng tiếc! - Em xin lỗi. Nhưng em chưa hiểu lỗi của mình ở chỗ nào. Chính bố cũng cổ vũ em nói điều mình nghĩ kia mà!- Chuyện đã rồi đừng lo lắng làm gì. Thưở nhỏ bố hay đánh anh nhất, nhưng thực lòng ông rất thương anh. Cả em nữa, dù có giận bố cũng sớm tha thứ thôi. Bữa trưa bố không ra phòng ăn, mẹ phải mang cơm vào buồng riêng khiến tôi thêm áy náy. Buổi chiều hai vợ chồng về nhà ngoại ăn cơm mãi tám giờ mới về. Bố mẹ cũng đã cơm nước xong đang ngồi ở phòng khách. Tôi sửng sốt khi nhìn thấy chữ Nhẫn mới được viết lại treo lên chỗ cũ. Tôi vui mừng lại cầm bàn tay bố.- Ôi bố! Bố vừa viết lại chữ Nhẫn đẹp quá! Con cảm ơn bố nhiều lắm!Bố cũng phải cảm ơn con. Chữ Nhẫn bây giờ khác trước đấy! Vế câu đối bố đổi chữ bách thành chữ nhị. "Nhị nhẫn đường trung hữu thái hòa!". Nhường nhịn đến hai lần là đủ. Nín nhịn, chịu đựng đến trăm lần để có sự thái hòa yên ổn thì cao giá quá. Hôm qua con đã không nín nhịn, con nói thật lòng. Tuy giận con nhưng bố lại phát hiện ra một chân lý mới. Nếu nhịn cả trăm lần thì chính là đã che giấu lòng mình, sống giả dối, từ bỏ tự do để tìm kiếm sự thái hòa vô nghĩa. Tuy nhiên chữ Nhẫn vẫn còn rất đẹp. Nếu không biết kiềm chế nín nhịn thì cuộc sống mất luôn vẻ tế nhị và lòng vị thạ Dù là chữ của thánh hiền thì bố cũng sửa đi một chút. Bố đã vi phạm tín điều về chân lý bất biến của mình thì ắt phải đau buồn đôi chút. Nhưng giờ đây bố hoàn toàn thoải mái và minh mẫn hơn xưa!Cả nhà vỗ tay chào mừng tư duy sinh động của bố. Bố biến đổi tức là bố còn thích nghi được với môi trường sống. Đó là vị thuốc hoàn đồng bất lão!Khi trở về phòng riêng chồng tôi khen:- Em thật tuyệt vời! Anh không ngờ mới làm dâu ba ngày mà em đã làm được một việc "động trời" như thế!- Thôi anh đừng khen em nữa. Mũi em vốn đã to, nở thêm nữa chắc xấu gái lắm!- Trừ mũi ra, nở má, nở mông, nở môi,... chỗ nào nữa anh cũng có thể chấp nhận! Tôi cắn nhẹ vào má Tùng để trả đũa thói đùa nhả vô lối của chồng!T.H (ấp Thái Hà, Năm 2002)