Bé mới lên ba, thường đi lẫm đẫm lấy bút, thước, vở của anh chị nghịch phá. Mỗi khi muốn thu hồi sản vật lại anh chị bé thường lấy giấu và bảo là “chú chuột tha rồi”, cho bé khỏi đòi.

Một hôm bé cầm hộp quẹt của ba đi chơi. Lát sau ba gọi bé đến đòi hộp quẹt. Bé đưa hai tay không bảo: “Chú chuột tha rồi.” Ba đành chịu mất chiếc hộp quẹt. Chú chuột vô hình là như thế đó.

Em thân mến!

Lúc mới vào chùa, chúng ta thường được nghe nói về nghiệp như một nguyên nhân chính chi phối hầu hết đời sống của con người. Em nhớ mẹ ư? - Nghiệp đó! Em thích ăn quà vặt ư? - Nghiệp đó! Em hay cãi lời, biếng học, ham chơi, buồn, thương, giận ghét ư? - Nghiệp đó! Nghiệp được đưa ra như một chú chuột vô hình mà người lớn dùng để rầy la hay hăm dọa, trấn an em. Em làm quen với nghiệp như con bé làm quen với chú chuột vậy.

Cho đến một ngày nào đó, em thấy bất lực trước cả khối “nghiệp chướng” nặng nề, em lao đao, mệt mỏi, chán nản.

“Đường lỡ đi chân chực bước quay về” mặc kệ những lời rầy la, hăm dọa, trách móc… em bỏ cuộc tu vì thấy sao mà cái nghiệp của mình nặng quá sức. Đây chính là lúc con bé đưa hai tay lên nói: “Chú chuột tha cái hộp quẹt của ba” rồi vậy.

Nếu tình trạng đã đến mức này, thì … cũng đã đến lúc tôi phải làm người lớn, dù không lớn hơn em bao nhiêu, dắt em đi tìm chú chuột đó vậy.

Nghiệp không phải là một định mệnh cứng ngắt, bất di bất dịch mà chỉ có nghĩa là một cái thói quen. Thói quen này hoàn toàn do ta tự do lựa chọn và cũng có quyền tự do sửa đổi. Chẳng hạn lúc mới sinh ra, em hoàn toàn không biết ăn ớt. Thói quen ăn ớt được em tập dần qua năm tháng. Cho đến một ngày nào đó, đến bữa ăn thiếu ớt là em bực bội khó chịu, ăn ớt đã thành một thói quen - một cái nghiệp vậy.

Như thế, do những thói quen lâu ngày, em đã có những hành động xấu, lời nói xấu và ý nghĩa xấu. Đây tức là những nghiệp ác chướng đạo… Bây giờ, em sửa đổi dần, đổi những lời nói dối trá thành lời chân thật, dua nịnh thành lời ngay thẳng, những hành động xấu như trộm cướp thành hành động tốt như bố thí, giúp đỡ người… thì lâu ngày em sẽ tạo thành những thói quen tốt, những nghiệp lành. Em đã chuyển nghiệp dữ thành nghiệp lành, việc này được gọi là tu.

Tiến thêm một bước nữa… là dứt nghiệp. Nghiệp được chia làm ba: thân, miệng và ý. Ý là cái chủ động, thân miệng chỉ thừa hành. Dứt được cái chủ động thì thân miệng hết còn mệnh lệnh để thừa hành, lúc ấy hành giả không biến thành một con búp bê mà thành một ông Phật đó em… Về cách tu dứt nghiệp có rất nhiều đường lối, nếu muốn biết em có thể tham hỏi các bậc cao minh. Phần tôi, tôi chỉ muốn dắt tay em đi tìm con chuột. Em đã thấy rõ nó rồi chưa? Không đáng sợ lắm phải không nào?

Hết