Dương Thu Hương nổi tiếng với các tác phẩm \"Thiên Đường Mù,\" \"Khải Hoàn Môn\"... và là một trong những nhà văn được biết đến nhiều tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Từ khi bà bị giam bảy tháng tù, vào năm 1991, tác phẩm của bà không còn được xuất bản tại Việt Nam.
Được sự đồng ý của tác giả, Người Việt trân trọng giới thiệu cùng độc giả tác phẩm mới nhất của nhà văn, là tiểu thuyết \"Chốn Vắng.\" Nhà văn hiện đang sống tại Paris, và tiểu thuyết \"Chốn Vắng\" đã ra mắt độc giả người Pháp với tựa đề \"Terre des oublis\" do nhà Sabine Wespieser xuất bản; bản tiếng Anh \"No Man\'s Land\" do nhà Hyperion East xuất bản. Tại Hoa Kỳ, \"Chốn Vắng\" do nhà xuất bản Như Khanh hợp tác với nhà sách Tự Lực, in và phát hành.
\"Chốn Vắng\" có ba nhân vật chính, là Miên, Bôn và Hoan. Miên lấy Bôn trước khi Bôn lên đường vượt Trường Sơn vào Nam. Lúc chiến tranh lên cao điểm, Miên sống với Hoan. Chiến tranh chấm dứt, Miên đang hạnh phúc bên Hoan, một người tử tế, làm ăn thành công, thì Bôn trở về với thương tật, cả tâm hồn lẫn thể xác. Miên quay về với Bôn, vì nghĩa, dù chỉ tìm thấy hạnh phúc bên Hoan. \"Chốn Vắng\" lên án chiến tranh và xiển dương tình yêu!
Lời bạt
Sống bên Bôn, người chồng bất đắc dĩ, Miên - nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Chốn vắng - \"chìm đắm trong cõi riêng\" của mình. Miên có chốn để \"tự tại, an trú\" ngay trong lòng mình, từ đó \"đôi mắt chị phóng thắng vào khoảng trời riêng\". Đức hạnh của Miên được \"an trú\" ngay trong lòng mình nên trở thành tự tĩnh bản ngã, bản thể, thường khi quá nhập tâm đến trở thành vô thức. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh những nét bền vững trong đức hạnh của Miên: \"bản tính trinh nữ trường cừu\", \"những nét quý phái bẩm sinh\"... Với đức hạnh tự tính những quyết định đạo đức được quyết bằng cái đầu của mình (chứ không phải do tuân theo người khác), nên đã quyết là hành động, đã hành động là hành động đến cùng, không giao động, ngả nghiêng. Trong tiểu thuyết, dư luận và đàm tiếu của xóm làng có sức ép ghê gớm. Miên đang sống yên vui vơi Hoan thì Bôn trở về. Cuối cùng thì Miên xách hòm trở về với Bôn, không phải vì sợ dư luận. Mà vì nghĩa. Miên là một người có nghĩa. Ở mặt này nhân vật Miên khác hẳn nhân vật Loan và những cô gái mới khác trong Tự lực văn đoàn. Cũng như mọi đức hạnh khác, nghĩa của Miên có gốc rễ bền vững. Điều này càng rõ về sau, khi thấy Bôn đau ốm và cô đơn. Miên đưa anh về nhà của mình tận tình chăm sóc, mặc dù trong công luận không hề có sự đòi hỏi này, hơn nữa, hành vi này của Miên có nguy cơ gây sự nghi ngờ ở Hoan, làm tan vỡ hạnh phúc đương chắp nối giữa hai người. Miên đã làm hết sức mình để trọn nghĩa, nhưng không phải vì vậy mà có sự chiếu cố về tình. Tuyệt đối không một sự chiếu cố nào. Chung chăn chung gối với Bôn, Miên lúc nào cũng \"nằm bất động như khúc gỗ\" và về sau này, Bôn được đối đãi tử tế nhưng cấm chỉ không dược bén mảng đến buồng của Miên. Trong hoàn cảnh nào thì Miên vẫn cứ là bản thân mình.
Miên trước hết trung thành với bản thân mình. trong đạo đức cổ truyền, bất trung chủ yếu được hiểu là bất trung với vua. Nhưng chính Mạnh tử đã từng hiểu bất trung với một nghĩa hoàn toàn khác: bất trung còn có nghĩa là \"không trung thành\" với chính mình. Cũng \"nhân\" đấy, \"lể\" đấy nhưng mình bất trung với chính mình, tức là không chân thành thì làm sao cảm hóa được người khác. (xem Mạnh tử, chương VIII, A, 28). Tội \"bất trung với vua\" có khi không nặng bằng \"bất trung với chính mình\".
Bôn thuộc một mẫu người tương phản với mẫu người của Miên. Chẳng những anh không có nơi \"tự tại\", \"an trú\" trong lòng của mình, anh còn là \"kẻ ăn nhờ ở đậu ngay trong nhà của mình\". Càng ngày anh càng thấm thía trạng thái côi cút. Anh nguyền rủa thảm trạng côi cút bằng những lời hằn học: \"cái từ ngữ ác độc này còn dữ hơn hổ báo, độc hơn rắn rết, làm tâm hồn con người tàn lụi, tan mủn nhanh hơn hết thảy các chất cường toan...\". Nguy cơ khốn đốn nhất của thân phận Bôn là bị hút vào \"chốn vắng\", bì rơi tõm vào \"cõi không người\". Có một sức mạnh huyền bí đã níu giữ Bôn lại: đó là tình đồng đội, đó là hình ảnh người tiểu đội trưởng \"sống khôn chết thiêng\", \"gương mặt gần nhất với anh, thuộc về anh, cùng anh...\", đó là Tân, Kha, Thanh, Trấn, Tương, Phiên, Trà... những tên đồng đội anh thất thanh gào lên trong cơn nguy kịch... Tình đồng đội là một trong những di sản thiêng liêng nhất mà cuộc chiếc tranh khốc liệt nhất ở Việt Nam trong thế kỷ vừa qua để lại cho nền văn hóa Việt Nam.
Hoàng Ngọc Hiến
Chương 1
Tháng sáu tưới một cơn mưa lạ lùng quá đỗi.
Cùng một lúc, nước xối xả trút xuống và hơi nóng rùng rùng từ vách đá nắng nung xông lên. Nước lạnh và hơi nóng giao hòa, bốc bụi sương mù mịt. Mùi khét nồng man dại tỏa trong không gian hòa quyện mùi nhựa cây khô, hương các loài hoa héo, mùi nước dãi chim gọi tình khô kiệt suốt mùa hè, mùi cỏ tím mọc trên các đỉnh núi cheo leo. Tất thảy tan lẫn vào làn nước tưới xuống.
Tạnh mưa, gió đột ngột ngừng thổi, nước cuồn cuộn réo dưới lòng khe, những bờ cây nẫu nà bắt đầu bị nung nóng trở lại. Mặt trời sau các đám mây vọt lên chiếm trọn khoảng xanh lơ cao vời. Dường như sau khoảnh khắc cách biệt, tình yêu mù dại với đất với rừng càng sôi sục, lửa ghen tuông thiêu đốt vạn vật như cơn ái ân cào cấu. Lũ bướm, lẽ ra đã bay đầy các lèn đá, sợ mặt trời trốn biệt trong các xó xỉnh. Cả đàn ong khốn khổ cũng ngừng kiếm mật. Trong tĩnh lặng nồng ngột chỉ những bông hoa chuối nở bung, màu đỏ mê man thành lửa, như muốn bốc qua không gian oi ngạt lên tít mấy tầng trời.
Lúc ấy, Miên cùng đám đàn bà Xóm Núi đứng trong hang đá. Chị ngỡ mình sốt nhưng sờ trán lạnh tanh. Tim Miên đập bồn chồn. Chị thoáng lo cho đứa con trai:
... Thằng bé ngã vào chum nước chăng? Hay cái que nhọn nào chọc vào mắt? Không, không... dì Huyên cẩn mật lắm, rõi theo từng bước chân đứa cháu. Vả chăng, gương mặt thằng bé tươi tắn thế, rủi ro không tới được. Con trai ta có gương mặt ngời ngời chữ phúc, cả quỷ lẫn thần đều sẽ chở che...
Chị không còn lo cho đứa con trai nhưng vẫn bồn chồn, khắc khoải. Một bất an nào đang đợi ở cuối đường?
- Thôi, về nhà... Ngày hôm nay coi như gặp vận rủi.
Miên lên tiếng.
Không ai đáp. Ðám đàn bà vẫn đứng bá vai nhau nhìn trời. Hôm nay là ngày đầu tiên trong năm, họ rủ nhau lên rừng tìm mật ong. Ðầu ngày đã không may mắn. Vừa lên núi, một cô ngã trẹo chân phải dìu vào trại kiểm lâm. Ði hết hai trái núi lại gặp cơn mưa rừng. Giờ này, mặt đất hầm hập như lên cơn sốt. Hơi nóng thoát từ các khe lạch, từ các lối mòn chồng chất lá mục, từ những đám lá dập nẫu những đám hoa nhàu nát bị mưa táp rơi đầy gốc cây... và thảy đều xông lên mùi hương độc địa.
Chúng ta về đi.
Miên giục. Lần này, một cô trong bọn giơ tay chỉ ra ngoài hang:
- Mày muốn làm mồi cho rắn hả? Mở to mắt mà nhìn...
Miên lặng thinh. Chẳng cần mở to mắt chị cũng biết lúc này lũ rắn đang trườn qua các lối mòn, quăng thân như ném bóng trên các vòm cây và bất cứ con mồi nào xuất hiện cũng sẽ khiến chúng nổi xung. Tiếng thằn lằn tắc lưỡi vang lên ngay nóc vòm hang. Miên bất giác ngẩng lên: Rất có thể con rắn chửa nào đó vì tức thở sẽ lao xuống mổ vào trán họ... Một cô to béo cầm gậy quất vào đám cây trước cửa hang:
Mỗi đứa bẻ sẵn một cây gậy đi lỡ rắn đàn xô tới.
Không ai chờ ai mỗi người đều tìm một gậy làm vũ khí. Rồi họ đứng tựa vào nhau nhìn những làn hơi trong suốt rung rinh như sóng, nhìn lũ rắn bóng nhãy trườn qua lối mòn, lắng nghe tiếng chim tức tưởi xa vời vẳng tới. Sự im lặng mê mệt trùm lên họ. Họ vừa mở mắt nhìn rừng cây chờ khoảnh khắc nguy hiểm trôi qua vừa như ngái ngủ chẳng ai nói với ai một lời. Cứ thế, thời gian chảy trôi. Nắng hun dần tầng lá mục bên trên khiến đám cây nẫu nà thoát ra làn hơi ngái, lớp vỏ se lại. Ðám cỏ bết bùn ven suối ngỏng lên những mầm lá nhọn giống những lưỡi gươm thanh mảnh yêu kiều. Khóm hoa chuông lúc lắc nhè nhẹ. Gió nổi lên xua làn hơi ma quái tù đọng và thổi những người đàn bà khỏi cơn mộng mị. Họ đưa mắt nhìn nhau. Một cô ném gậy kêu to:
- Mất một ngày vô tích sự. Thôi đừng mơ mòng mật với ong nữa... Về, về thôi.
- Về. Giờ có đi cũng muộn rồi.
Một cô khác tiếp lời, buông tiếng thở dài.
Và cả bọn kéo nhau về Xóm Núi.
Khi họ ra khỏi cửa rừng, trời đã ngả chiều. Mặt trời như mảnh thủy tinh màu hường, có vân li ti như vân cánh hồng tường vi. Hoàng hôn đỏ thắm. Miên bước theo đám bạn, nỗi khắc khoải quay trở lại càng thêm nặng nề. Chị không hiểu vì sao thấy thi thoảng, hơi thở tắc nghẹn nơi cổ họng, và tim chị co thắt như bị một bàn tay vô hình bóp chặt:
... Vì sao nhỉ? Phải chăng Hoan gặp bất trắc đã đưa đoàn thuyền quay lại? Trời không giông bão và chẳng có lý do nào khiến chồng ta gặp hiểm họa, trừ phi có cướp biển... Lâu rồi, chẳng nghe ai nói tới chuyện cướp biển. Bao năm nay bọn cướp biển đã tan biến trong đám vỏ sò mục ải tấp vô bờ... Hoặc là Hoan ốm? Kể chi người đá cũng có lúc đổ mồ hôi...
Nhưng cả lý do ấy, Miên cũng không tin nổi. Chị chỉ còn biết bước đi mải mốt, ruột nóng như cào, con tim thấp thỏm phỏng đoán điều bất an nào đã ám ảnh chị suốt ngày hôm nay.
Nhà Miên dựng ngay trên đường vào rú. Hoan dựng ngôi nhà này sau tất cả mọi người và vào thời khắc đó, nó là rẻo đất hẻo lánh. Nhưng giờ đây đã có hai vợ chồng trẻ nữa vừa dựng nhà mới, thế nên ngôi nhà của chị đã thoát khỏi cảnh rìa làng. Nhà cất trên đỉnh đồi, bốn bề vườn cam bưởi vây quanh. Xa hơn nữa dọc theo dải đồi phía tây là các nương tiêu, nương cà-phê, nương nọ nối tiếp nương kia, giữa chúng là các lán nhỏ lợp lá, nơi Hoan đặt máy bơm và cho thợ làm thuê ngồi nghỉ uống trà. Dinh cơ của họ đồ sộ nhất vùng, chẳng ai dám so sánh. Hoan là người mẫn tiệp. Vườn tiêu và cà-phê của anh bao giờ cũng trồng loại giống quý nhất đòi hỏi kĩ thuật chăm bón phức tạp và giá bán cao nhất. Các chủ trại trong vùng xô tới học hỏi kĩ thuật của anh. Sau mùa thu hoạch, họ lũ lượt kéo tới xin anh cho nhập bọn thuê thuyền chở hàng vào bán tận Ðànẵng, Sàigòn. Không mấy kẻ ở Xóm Núi không chịu ơn Hoan. Ðám đàn bà biết rõ điều đó. Vì thế, khi tới cổng nhà Miên, thấy người túm tụm từ ngõ đến sân, họ liền kéo nhau vào tuốt luột:
- Có chuyện chi mà đông người thế hả Miên?
- Tôi cũng đi từ sớm với các chị, làm sao tôi biết được?
- Ờ, tôi rõ thật vô duyên.
- Vào đi, vào đi, khắc rõ chuyện. Có vài phút cũng không dằn lòng chờ nổi...
Cái đám đông lao xao như ong vỡ tổ đó chợt im bặt khi họ tiến vào. Miên thấy tất cả mọi người đều nhìn chị, từ con nít tới bà già, những láng giềng cùng xóm và cả những người thôn khác, ánh mắt của họ thật kì lạ, vừa như tò mò vừa như sợ hãi vừa ẩn chứa sự thăm dò lẫn lời thách thức.
Chưa bao giờ mọi người nhìn mình với cặp mắt lạ lùng này... Có điều gì đó vừa xảy ra nơi đây?
Trong nhà, vẳng ra tiếng khóc tiếng hờ của một người đàn bà, nghe như quen, cũng như lạ... Cái giọng đó, dường như chị đã từng nghe một thời, cái thời mà chị đã quên lãng. Những người ngồi hai bên lối dạt ra khi chị đi qua. Khác hẳn lệ thường, không ai chào ai. Ngay đám con nít cũng nín lặng không nhí nháu đùa cợt. Trên sân và trước khuôn cửa ra vào chi chít những tấm lưng áo đen còn đọng ngấn muối của đám người vừa từ nương rẫy trở về. Những tấm áo đó xen lẫn những tấm lưng trần, những tấm áo xuân-hè bạc màu, sơ-mi trắng và sơ-mi xanh của đám trai mới lớn.
Không lẽ họ triệu tập thôn ở đây trong lúc mình vắng nhà? Nhưng trụ sở thôn đã sửa xong. Họ chỉ đảo ngói quét vôi tường và thay mấy bộ cửa sổ. Rõ ràng hôm khánh thành chủ tịch xã cắp cặp xuống ăn liên hoan...
Lúc Miên băn khoăn với giả định mới, giọng than hờ của người đàn bà nào chợt ré lên như xé tai:
- Ôi em ơi, khốn khổ thân em, lưu lạc góc rừng bãi bể cho tới tận giờ? Người ta tốt số được hưởng an bình hạnh phúc chỉ em chịu phần cơm hẩm cà đen...
Cái thanh âm eo éo như mài sắt đó khoan xoáy vào óc Miên. Chị bước vào nhà. Bóng tối ập vào mắt khiến chị không nhìn rõ ai, ngoại trừ cái khối đen đặc của đám đông lô nhô kẻ đứng người ngồi. Trong đám đông ấy một người đàn ông cất giọng trầm trầm gọi:
- Miên!
Miên không nhận ra ai nhưng chắc chắn đó không phải là Hoan... Chồng ta không trở về. Ðoàn thuyền chở tiêu đang yên lành vượt biển...
Người đàn ông kia lặp lại:
- Miên!
Lần này, Miên đáp:
- Tôi đây.
Rồi chị quay lại phía người vừa lên tiếng gọi. Mắt đã quen dần với bóng tối, Miên thấy một gương mặt đen đúa, vuông, u buồn, cặp mày chữ nhất chạy ngang trên đôi mắt sâu, sáng, thứ ánh sáng của lửa đêm thu tàn trên núi.
- Miên!
Anh ta lặp lại lần thứ ba, và lần này tiếng gọi kia như dằn mạnh một thứ đồ vật xuống.
- Dạ, chào anh tới chơi.
Miên đáp lại rồi nhìn quanh quẩn tìm chỗ ngồi. Ngày nay chị đã đứng quá lâu trong hang. Một ông già lưng trần đứng lên nhường chỗ cho chị. Bàn tay khô khẳng của ông đặt lên vai Miên, ấn chị ngồi xuống ghế, đối diện với người đàn ông có cặp mày hình chữ nhất. Người đàn ông ấy nãy giờ vẫn chăm chăm nhìn Miên, gương mặt căng thẳng trong cái nhìn ấy, những đường nét như co rúm lại và cặp môi xám run giật từng hồi. Những lằn run rẩy trên cặp môi xám của anh ta khiến Miên ngơ ngẩn, chúng gợi nhớ một hình ảnh nào khác trong sương mù mà chị không thể nhìn ra. Chúng gợi một cái tên dưới vực sâu, vực âm u sương giá, chỉ nghe rõ tiếng gió luồn. Cặp mày chữ nhất của người đàn ông kia đột nhiên châu lại trên tinh mũi những sợi lông mày mọc trên sơn căn dựng ngược như lông nhím đen như sơn nối hai tràng mày thành vệt thẳng. Một tiếng thở dài từ vực sâu kia vọng tới... Một thanh âm bật mí. Một gương mặt mờ ảo trôi... Những giọt mồ hôi rịn trên trán người đàn ông. Cặp môi xám của anh run rẩy mỗi lúc mỗi mau hơn rồi trong tíc tắc, chúng tách rời nhau, khuôn miệng hé mở... Miên thấy lạnh chân tay: Khuôn miệng hé mở đó, cặp mắt u buồn với ánh sáng tràn qua hai hàng mi hẹp chị từng thấy trong một mùa hè. Mùa hè mỏng manh như tàn lửa. Ngắn ngủi như hồi quang. Bay vèo qua khung trời...
- Miên!... Tôi đã về đây...
Người đàn ông chợt vươn qua mặt bàn, gạt đổ những chén trà dở rồi cất giọng riết róng:
- Miên... Tôi đã về... Tôi đã về...
Miên đưa một bàn tay về phía trước như mắt chị không còn nhìn được, tai chị không nghe được và giống người mù bẩm sinh chị hướng lòng bàn tay để sờ soạng các âm thanh:
- Anh đã về? Anh là...
- Tôi đây... Bôn đây.
- Tôi... Anh là Bôn?
- Tôi là Bôn. Chồng của em.
Ba gian nhà im như mồ. Ðám đông nín thở. Người ta chờ câu trả lời của Miên. Miên lặp lại câu nói của người đàn ông như mê sảng:
- Anh là Bôn, chồng của tôi? Chồng tôi?
- Phải, Bôn đây...
Người đàn ông gằn giọng và thốt nhiên, anh ta gần như rống lên:
- Tôi đây. Bôn đây... Tôi đã quay về...
Miên ngồi im, đờ đẫn...
Chồng của ta ư? Hoan đang đưa đoàn thuyền chở tiêu vào Ðà Nẵng, anh ấy hứa khi về sẽ mua cho cu Hạnh chiếc xe đạp ba bánh và mua cho ta mấy mảnh lụa tơ tằm... Cái đêm trước khi đi Hoan bảo: Em thích màu chi đây, lục biếc, tím than hay màu lông gà con mới nở? Em còn thích gì nữa? Không, không, em chẳng còn muốn gì hơn, thế đã là quá đủ. Trời trong, biển lặng chỉ tuần sau chồng ta sẽ quay về...
- Miên!
Người đàn ông lại cất tiếng gọi không mỏi mệt. Nhưng Miên không nghe thấy tiếng gọi ấy. Chị đang hồi nhớ một gương mặt khác. Một gương mặt sáng ngời, đôi mày lưỡi kiếm trên vầng trán rộng, sống mũi cao như sống mũi người phương Tây, cặp mắt dịu dàng, làn môi ấm mềm cuốn hút...
- Miên, tôi đã về đây...
Lần này, không còn là tiếng rống gọi mà là lời cầu khẩn. Một thứ âm thanh sẽ sàng, trầm ấm như tiếng thì thào của những rặng cây thung lũng mùa xuân. Ðôi mày chữ nhất rướn lên một chút. Cặp môi xám lại run rẩy:
- Miên, tôi đã trở về...
Miên thu bàn tay lại. Chị đã hiểu. Tiếng nói kia va đập vào lòng tay chị. Người ta vẫn nói lòng bàn tay lưu giữ cảm xúc lâu bền hơn tất thảy những giác quan khác như thính giác loài voi lưu giữ được những âm thanh từ bảy kiếp trước. Miên đã hiểu người đàn ông ngồi đối diện với chị là ai.
- Anh Bôn?
Chị cất tiếng, thẫn thờ.
- Tôi đây... Tôi đã về.
Anh đáp.
Người chồng của chị mười bốn năm trước. Cái hồn ma chị thờ phụng lâu nay bất chợt quay về trong hình hài đen đủi, với màu da và cặp môi đầy tử khí. Bôn đã trở về. Không là chàng trai từng là chồng chị trong một mùa hè ngắn ngủi. Cũng không là một hồn ma. Anh ở giữa hai thứ ấy. Miên hiểu rằng chị đã rơi vào khúc kẹt. Chị không biết mình sẽ sống ra sao khi cái hồn ma trên bàn thờ tổ quốc ghi công bất chợt khoác quần áo bước xuống ngồi trước mặt chị, uống ừng ực từng chén trà rồi nhìn chị đăm đắm... Anh ấy từng là chồng ta. Nhưng ngót mười năm nay ta đã sống với Hoan và cuộc hôn nhân đã được trời và người chấp thuận... Bôn nhập ngũ năm năm mới có lệnh báo tử. Hai năm sau ngày nhận giấy báo tử ta mới lấy Hoan. Chúng ta đã có thằng bé Hạnh. Ta không thể từ bỏ Hoan. Anh ấy là hạnh phúc thật sự của ta...
Người đàn bà ngồi lặng trong bóng tối. Bóng tối phủ đầy căn nhà. Một ai lên tiếng:
- Thắp cho cô ấy cái đèn.
Một cánh tay vươn qua mặt chị, với chiếc giá nến đặt trên tủ đựng ly tách:
Thắp nến cho nhanh... Không thấy đèn đâu cả... Bà Huyên đâu nhỉ?
Bà ấy ngồi ngoài ngõ. Từ lúc thấy cô Miên về đã đưa thằng bé đi rồi.
- Cho tôi mượn hộp diêm. Bật lửa của tôi hết đá...
Từ bên kia bàn, Bôn lại cất tiếng gọi:
- Miên!
Bây giờ, không còn là lời cầu khẩn mà là lời van vỉ. Miên thấy anh nhìn chị ngay cả trong bóng tối. Ðó là ánh mắt của kẻ sắp chết đuối giữa dòng:
... Bôn đã từ mặt trận trở về. Ðời này qua đời khác, có người đàn bà nào dám quay lưng ngoảnh mặt trước một người chồng từ mặt trận trở về?
Miên biết một hồn ma quay lại cõi đời ba lần khát sống hơn những người bình thường khác. Người từ mặt trận trở về đương nhiên hưởng đặc ân trong lòng cộng đồng và khi họ lên tiếng đòi phần hạnh phúc các đối thủ khác không thể cạnh tranh. Hồi nhỏ, Miên đã chứng kiến những cuộc vận động thanh nữ kết hôn với thương phế binh sau cuộc chiến tranh chống Pháp. Lúc đó, chị đang còn ở làng quê cũ, cha chị còn sống và mặt trời còn tỏa rạng trong mái nhà của họ. Hàng xóm kề nhà Miên là một cặp vợ chồng già chuyên nghề đẽo đá. Họ có cô con gái mười chín tuổi tên là Hiền. Hiền là phó bí thư chi đoàn thanh niên nên khi huyện ủy phát động phong trào xung phong kết hôn với thương phế binh để đền ơn đáp nghĩa những người có công với tổ quốc cô giơ tay trước tiên.
... Chị sắp làm vợ một thương binh. Gia đình chị sắp được đền ơn đáp nghĩa tổ quốc...
Hiền bảo cô bé Miên như thế và hứa hôm làm lễ thành hôn sẽ đưa Miên theo...
... Em sẽ tha hồ xem. Nghe nói hội trường huyện treo đèn kết hoa đẹp lắm. Chị em mình sẽ được đi trên thảm nhung đỏ, nhung thật chứ không phải thứ vải láng giả nhung của cô thợ may bên xã Lý hòa đâu...
Hai chị em cười sung sướng, mơ ngày được bước trên thảm nhung.
Hai tuần sau, đúng ngày được thông báo lên huyện nhận chồng, Hiền đã giữ lời hứa dẫn Miên đi theo. Trong xã cũng có vài thanh nữ khác cùng xung phong một lần với Hiền. Họ ăn cơm từ mờ sương, rồi dắt díu nhau đi. Khoảng non bảy giờ sáng tất cả đến huyện. Ðúng như Hiền đã nói, huyện đường treo lồng đèn kết hoa đỏ. Hành lang giăng từng dãy cờ đuôi nheo và các giải phướn ngũ sắc. Gió thổi cờ phướn bay phất phới khiến huyện đường giống sân đình ngày hội. Những phụ nữ và thanh nữ tình nguyện kết hôn với thương phế binh được mời lên ngồi hàng ghế danh dự phủ nhung đỏ. Lễ tân mặc quần áo trắng áo dài bưng các khay bánh kẹo và nước trà mời từng người. Âm nhạc nổi lên. Sau lễ chào cờ bí thư huyện ủy đọc một bài diễn văn dài đặc. Cô bé Miên lúc đó nắm chặt trong tay những chiếc kẹo bọc giấy bóng xanh đỏ đến nỗi chúng chảy nước ra mà không dám bóc ăn. Chẳng hiểu bài diễn văn kia nói gì, nhưng không khí trang trọng lạ lẫm khiến cô sợ hãi. Miên chờ ông bí thư huyện kết thúc bài diễn văn để bóc kẹo ăn. Nhưng khi ông ta vừa đi xuống bà chủ tịch huyện Hội phụ nữ đã bước lên diễn đàn. Bài diễn văn của bà còn dài hơn nữa. Hết bài diễn văn đó, một đoàn thiếu nhi theo tiếng trống tiến vào, mỗi em ôm một bó hoa để tặng những người tình nguyện, họ sắp trở thành vợ mãn đời của các phế binh. Tiếng trống đập ầm ầm giữa hai hàng cột kết hoa đỏ, vang lên tận vòm trần như muốn khuấy động không gian và làm nao nức lòng quả cảm. Lúc đó, Hiền đưa tay nắm chặt tay Miên. Cô thấy bàn tay người thanh nữ lạnh toát, run run. Khi tiếng trống nhỏ dần, người ta chuyển những chiếc cáng phủ chăn hoa sặc sỡ từ căn phòng phía sau sảnh lớn. Các phế binh nằm trên cáng, chìm lút dưới tấm chăn, chỉ nhô lên cái đầu và cặp vai. Mặt anh nào cũng được thoa phấn hồng và môi to son đỏ. Bà chủ tịch huyện hội phụ nữ tuyên bố rằng các cán bộ huyện đã nghiên cứu kĩ lưỡng. Vì thế, việc mai mối sẽ dựa trên các cơ sở chắc chắn và hợp lý tùy lứa tuổi, hoàn cảnh gia đình và tính tình các cá nhân.
Ðoạn, bà rút trong chiếc túi dết đeo bên hông bản danh sách, sang sảng đọc... Chị Hiền được gả cho một phế binh hơn chị ba tuổi ở cách hai xã. Anh ấy mồ côi nên chị được quyền đón chồng về nhà mình. Lúc đó, Miên thấy Hiền tái nhợt. Chị đứng túm lại với đám bạn gái. Các chị cũng tái nhợt như vậy, người nọ đưa mắt lơ láo nhìn người kia. Một bàn tay Hiền bấu chặt lấy cánh tay Miên. Cứ như thế cho tới lúc bà chủ tịch huyện hội đọc:
- Ðào Thị Hiền...
Hiền giật bắn lên, không nói được lời nào. Bà chủ tịch tươi cười tiến đến, dắt tay Hiền tới nhận chiếc cáng định mệnh:
- Ðây... Người của em đây... Tôi hy vọng em sẽ vui lòng đền ơn trả nghĩa người chiến sĩ đã hiến dâng đời mình cho đất nước...
- Dạ... Em vui lòng...
Miên thấy chị lắp bắp đáp lại. Sau đó người ta khiêng cáng lên một chiếc xe Jep. Hiền dắt Miên theo. Chiếc Jep đưa họ về tận làng. Người phế binh đã tháo khớp hai bên háng và cánh tay trái. Tay phải cụt tới nửa cùi chỏ. Anh giơ chiếc cùi chỏ ấy lên, lúc chạm vào Hiền, lúc chạm vào Miên, thay cho cử chỉ vuốt ve hoặc tỏ bày tình thân thiện. Trên chuyến xe đó, họ mới nói với nhau những lời đầu tiên...
Kỉ niệm tuy xa nhưng chẳng phai mờ. Cho tới ngày cha mất và mấy chị em phải rời xa làng ra đi Miên thường vẫn sang chơi với Hiền. Người con gái ấy đã chấp nhận cuộc sống lứa đôi theo tinh thần tuẫn đạo:
- Này Miên, hôm nay anh ấy đã ăn được bát cơm. Khi nào anh ấy ăn thêm được lưng cơm nữa là chị yên tâm. Ông lang bên xã Lý Hòa chiều qua sang chơi thăm bệnh bảo chị rằng cái đó còn nguyên. Mai rày chị cũng kiếm được đứa con...
Một lần Hiền mừng rỡ khoe với Miên như thế. Lúc ấy, Miên còn nhỏ, chị chưa thể hiểu rõ tường tận câu chuyện giường chiếu của Hiền. Sau này, tưởng tượng tới cảnh ấy, Miên vẫn thường rùng mình xa xót cho người hàng xóm... Bây giờ, chị không ngờ một thứ quả đắng tương tự rơi trúng vào mình:
Dẫu sao, ta cũng còn may mắn hơn Hiền. Bôn đã từng là chồng ta và anh ấy còn nguyên vẹn chân tay...
Miên hình dung lại cặp mắt mịt mờ của cặp vợ chồng người thợ đẽo đá khi nhìn chiếc băng-ca phủ kín chăn được khiêng vào nhà. Và gương mặt Hiền lúc lật tấm chăn lên:
Dẫu sao ta cũng còn may...
Cây giá nến đã được đặt lên nóc tủ đựng ly tách. Năm ngọn nến chiếu sáng. Ba gian nhà vẫn lặng như nấm mồ. Miên vặn vẹo hai bàn tay, mặt cúi xuống. Hai bàn tay chị cọ xát mãi không ấm lên được. Gió cũng ngưng lặng ngoài vườn. Sự im lặng như chất nước thủy ngân. Không chỉ riêng Miên đám người xung quanh cũng đờ đẫn. Mãi sau, người đàn ông ngồi bên trong Miên mới đứng lên:
- Anh Bôn này...
Sơ-mi trắng, quần màu cỏ úa. Chiếc cặp da đen dựng sau lưng, sát tay ghế. Miên nhận ra ông chủ tịch xã, nhưng gương mặt mờ nhạt bồng bềnh. Ông ta khác hẳn mọi ngày:
- Anh Bôn này, hãy nghỉ ngơi cho lại sức rồi sẽ định đoạt mọi chuyện. Như tôi đã nói, sau khi nhận giấy báo tử hai năm chị Miên mới lấy chồng. Như thế cũng đã trọn tình trọn nghĩa. Vợ anh không có lỗi.
Một người đàn bà thấp bé đen đủi ngồi trên bỗng vụt đứng lên:
- Vậy ông chủ tịch nói em tôi có lỗi hay sao?
Miên nhận ra Tá, chính kẻ đã than khóc, hờ gọi lên bổng xuống trầm như hát. Chính cái giọng eo éo kia mà chị đã từng biết một lần trong quá vãng và đã lãng quên. Thấp bé hơn Bôn nhưng cùng sắc da nâu, cùng kiểu mày chữ nhất, lúc này Tá đang giương vây xù lông vẻ như sẵn sàng xả thân để bênh vực em trai, kẻ nối dõi dòng họ Vũ. Chủ tịch xã vốn hiền lành nhưng cứng cựa, ông ta đưa mắt liếc nhìn người đàn bà nhem nhuốc kia với cái nhìn của kẻ bề trên, phẩy cánh tay như để đón lời nói của chị ta không thể chạm vào tấm áo trắng tinh vừa giặt:
- Chị Miên không có lỗi. Anh Bôn cũng không có lỗi. Kẻ duy nhất có lỗi là chiến tranh.
Nói xong, ông quay lại đám đông:
- Bà con ta đến đây thăm anh Bôn như thế là đủ. Xin mọi người ai về nhà nấy để chủ nhân được nghỉ ngơi, trò chuyện. Về phương diện chính quyền xã sẽ thực thi chính sách với anh Bôn như với mọi quân nhân phục viên khác. Hy vọng bà con sẽ giúp đỡ anh Bôn đúng theo tinh thần: Lá lành đùm lá rách và uống nước nhớ nguồn.
Ðám người nghe rõ nhưng chưa quay đi. Họ nấn ná chờ màn cuối. Màn cuối đã diễn ra đúng tinh thần họ chờ đợi, đúng với truyền thống đã lưu cữu trong trí nhớ trong suy tưởng trong cảm thụ của họ: Chủ tịch xã quay lại phía người vợ, nói với giọng nghiêm trang trịnh trọng vừa xa xôi vừa đầy hàm ý:
- Chính quyền cũng như đảng ủy xã không can thiệp vào chuyện riêng tư của bất cứ công dân nào. Chị và anh Hoan đều là những người lương thiện, chấp hành đúng mọi pháp luật của nhà nước. Nay, do tình cảnh éo le chị phải đứng trước sự lựa chọn. Chỉ có chị mới có quyền quyết định cuộc đời của mình. Chúng tôi hy vọng chị sẽ biết suy xét trước khi đi tới quyết định cuối cùng. Như chị đã thấy, anh Bôn là người trực tiếp góp xương máu, cho cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng đất nước. Chúng ta có được cuộc sống thanh bình thịnh vượng, đất nước được độc lập tự chủ là nhờ sự đóng góp của những chiến sĩ như anh Bôn.
Dứt lời, ông xách chiếc cặp đen, bước ra.
Ðám đông lục tục đi theo.
Bôn đăm đắm nhìn Miên. Ánh lửa nến soi ngọn lửa khao khát đang cháy trong mắt anh.
Miên bất giác run sợ khi không còn ai ngồi bên chị. Chị cúi xuống nhưng vẫn nhận biết ngọn lửa dục vọng đang cháy trong mắt anh. Không dám thú nhận nhưng một tiếng thì thầm mách bảo chị rằng anh vẫn chỉ là một hồn ma, hoặc một thứ gì đó tương tự như thế. Một hồn ma biết uống nước trà biết thèm khát đàn bà. Sự ghê rợn luồn lách trong da thịt chị.
Bôn ngượng nghịu lên tiếng:
- Miên vẫn... vẫn khỏe chứ?
Miên ấp ứng đáp.
- Vẫn... Dạ, vẫn...
Hai người lại lặng yên. Người đàn ông run run hỏi:
- Miên, em có... nhớ tôi?
- Dạ...
Người đàn bà bối rối, vừa không dám nói dối vừa không thể nói thật. Ánh khát thèm long lanh trong hai hố mắt anh càng khiến chị kinh hãi hơn. Vài phút lặng lẽ trôi qua. Rồi, cầm lòng không đậu người đàn ông vươn mình chồm qua mặt bàn vồ lấy gương mặt người đàn bà trước đây mười bốn năm đã là vợ anh:
- Miên... Anh nhớ em... Anh yêu em...
Miên co rúm người lại. Chị không dám thẳng tay đẩy gương mặt Bôn đang chồm tới, đành né sang một bên. Nhưng chị đã ngửi thấy hơi thở nóng hổi của anh phả trên da, hơi thở rừng rực như hơi thở kẻ đang lên cơn sốt, lạ hoắc và rất nặng mùi. Chị ghê sợ khi nghĩ rằng ngày mai ngày mốt, tuần sau, tháng sau, năm sau, và mãi mãi chị sẽ phải chung sống với anh, người đàn ông đã trở thành bóng ma trong tim chị, người đàn ông có hơi thở không thể nào chịu đựng...
Không, không...
Bôn thu mình ngồi, lặng lẽ.
Miên không nhìn anh nhưng chị biết anh sẽ ngồi đó, kiên nhẫn, lì lợm, ngày nọ qua tháng kia dai dẳng hơn tất thảy những dai dẳng của cõi đời. Linh tính bảo chị rằng đối với kẻ từng là một hồn ma, cuộc đời dương thế sáng giá hơn trăm lần và họ sẽ chiếm đoạt nó bằng mọi giá. Chị không còn lối thoát. Người đàn ông đen đủi kia sẽ đòi bằng được điều anh ta muốn. Mọi người sẽ đứng về phía anh ta. Dù chủ tịch xã tuyên bố trước đám đông rằng chị có quyền lựa chọn phần đời phía trước của mình nhưng đó chỉ là những lời cho phải phép. Sau những lời lẽ đó, họ bỏ phiếu cho Bôn. Họ thương Bôn. Người lính. Kẻ lưu lạc. Kẻ bị đọa đầy. Kẻ đã hiến tuổi trẻ cho dân tộc, trong một cuộc chiến tranh vô tiền khoáng hậu. Bôn, người thua thiệt. Kẻ đã đánh mất một phần đời giờ quay lại đòi phần đời còn sót...
Họ có lý của họ. Chị biết vậy. Bởi chị cũng thương Bôn. Nhưng vì sao mọi người không nghĩ tới cái lý của chị? Chị đã yêu Hoan. Cuộc sống của chị, cả tâm hồn lẫn thân xác đều đã gắn bó đã hòa nhập với người đàn ông mới... Chị không còn yêu Bôn nữa. Mối tình le lói thời con gái chưa kịp nở đã tàn trụi đã rữa nát với thời gian. Làm sao một người đàn bà đang sống cuộc sống nơi dương thế có thể còn ôm ấp, và sẻ chia giường chiếu với một thây ma đã rữa nát dưới mồ?
Miên biết không ai thèm để tâm tới những gì chị nghĩ. Không ai trả lời chị.
Người đàn bà gục mặt xuống, khóc như đứa bé bị đuổi khỏi nhà.