Mở đầu
Khoảng Trên Dừng Bút"Nghề chơi cũng lắm công phu", huống hồ chơi... chữ!Chơi chữ cần có những yếu tố không phải ai cũng gom được đủ: có học đã đành, nhưng lại còn phải có tài.Học có hàm súc, mới biết dùng chữ cho rành rẽ, dùng điển cho đích đáng, khiến câu văn ít lời mà nhiều ý; tài có mẫn tiệp, mới lĩnh hội được mau lẹ những nét trội trong một cảnh huống, và diễn xuất ra một cách nhanh chóng đột ngột, hồ như là tự nhiên.Trong văn chương ta, có nhiều lối chơi: thơ, phú, câu đối, tập Kiều, xử dụng lối nào là tùy theo tình, theo cảnh, theo cách cấu tứ mà phô diễn ra cho phù hợp với nguồn cảm hứng trong giờ phút đó của nhà văn.Cái thú chơi chữ của nhà nho khi xưa, chúng tôi đã chép lại ít nhiều trong tập "Giai Thoại Làng Nho" khởi từ thế kỷ XIV (đời nhà Trần) đến đầu thế kỷ này.Từ đầu thế kỷ đến nay, lối chơi chữ bằng Hán văn tế nhị và uyên áo dần dần trở nên thưa thớt, nhường chỗ cho lối chơi chữ bằng quốc văn, cũng tế nhị không kém nhưng đỡ công phu hơn vì ít xử dụng đến kho điển tích. Đến cái buổi mưa âu gió Mỹ thì thi phú gặp nhiều khó khăn, người ta chơi chữ một cách dễ dãi hơn, nhưng bao giơcùng rí rỏm, hóm hỉnh. Là vì năng khiếu trào lộng của dân tộc là một thiên tư không bao giờ mất được: nếu nó không diễn xuất bằng lối khác, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo những chất liệu mà hoàn cảnh cung cấp cho.Trong lúc tiêu nhàn khiển muộn, ta thường dùng văn chương để di dưỡng tính tình. Hoặc làm câu đối dán cửa dán phòng khách, dán vườn hoa, để tỏ chí hướng, hoặc họp bạn uống rượu ngâm thơ, hoặc làm hát cho ả đào phả vào đàn phách, hoặc chỉ nói lên vài câu bông lơn bóng bảy về một đề tài thời sự, khiến cho khiếu rào lộng bị kích thích, rồi trong những chuỗi cười ròn rã, có khi nảy ra một đôi phút xuất thần mà thành "nhả ngọc phun châu".Loại thời sự hay được làm đầu đề cho cuộc chơi chữ, là những dịp khánh điếu. Khánh thành, ăn khao hay đưa đám, là những dịp lên tiếng phẩm bình.Phẩm bình phần nhiều vì công nghĩa, nhưng cũng đôi khi không khỏi đi vào chỗ hẹp hòi câu chấp, hoặc quá nữa, đến chỗ bới móc xỏ xiên; song bao giờ cũng có ý vị về văn chương, vì nếu không có uy thế của văn chương bao trùm lời nói, lời nói sẽ thành tục tằn bỉ ổi, không còn gì lý thú.Trong cuốn này, lẽ ra chúng tôi chỉ lục những thi văn chưa từng đăng trong các sách báo. Nhưng có nhiều thi văn tuy đã được công bố sâu rộng song không kèm lời chú thích đầy đủ về trường hợp và hoàn cảnh đã làm nảy ra câu văn, khiến người đọc khó thấy dụng tâm của tác giả, khó thưởng thức hết được chỗ tế nhị của tác phẩm. Cho nên không nề sự thấy biết ít oi, chúng tôi mạn phép theo chỗ học hỏi được mà nói ra tình tiết một đôi bài.Lần in thứ ba này, chúng tôi theo ý số đông độc giả, xếp thành từng loại, để dễ bề tra cứu. Và cố sưu tầm thêm những cuộc chơi chữ có thú vị, vì chúng tôi cho đó cũng là một cách chứng tỏ rằng tiếng nước nhà không phải không có rất nhiều những lộng ngữ mà ta thường lấy làm khoái trá khi đọc thấy trong tiếng Anh, tiếng Pháp.Nhưng chỉ hiềm Nôm na câu được câu chăng, thôi thì cũng gọi là Đỡ khi buồn bã, lại dâng một cười (#1). Dâng một cười, không phải lấy cái nghĩa khiêm nhường của họ Cao, tự chê văn mình có chỗ vụng về chẳng bõ mua cười; dâng một cười đây là dâng lên độc giả một trận cười chung, vì văn thơ chép lại, đau buồn có, uất hận cũng có, nhưng phần nhiều chúng tôi chú rtọng hơn vào những lối châm biếm trào lộng đã dùng làm con đường giải thoát cho lòng công phẫn của mọi người.Thi sĩ la tinh Santeul xưa đã thích nghĩa cho lối hài kịch là: cười cợt mà sửa lại phong hóa (castigat ridendo mores). Chúng tôi tin rằng lấy cái cười mà sửa lại phong hóa, nhiều khi hữu hiệu hơn dùng rìu búa, nên đã lọc lấy, theo quan điểm của Bergson, những cái cười có tính cách xã hội: các lớp sóng xã hội hàng ngày dồn dập xô đẩy nhau, kèn cựa chống đối nhau, nếu trong sự va chạm ấy có nổi lên một ít bọt trắng ngần, ấy là cái cười ý nghĩa; cái cười cũng như bọt biển, có muối mặn bên trong.Kẻ bị cười có khi thản nhiên chứng nào tật ấy, có khi tức bực chau mày nghiến răng; ít ai nghe cười mà biết cảm ơn người đã nói điều phải.Nhưng đối với xã hội thì cái cười ấy là sự cởi mở, cởi mở một cách nhẹ nhàng duyên dáng. Người được cười, lại là số đông, cũng nhân đó tự giới ý cho mình và tránh những hành động có thể khiến chính mình đứng ra làm trò cười để tiếng về sau.Đó là cái phầ n thưởng trả cho những người đương thời đã chẳng ngại thù hằn, có khi chẳng nề nguy hiểm, làm ra thơ văn lưu lại cho chúng ta một vài tiếng cười mặn mà, chua chát.Bởi vậy chúng tôi mới Mảnh tiên kể hết xa gần, và ước mong rằng bạn cùng chúng tôi sẽ chung một mối hoài cảmPhấn thừa hương cũ bội phần xót xa... Saigon, 1970 Chú thích [/red](1-) - Cao Bá Nhạ - Tự tình khúc.