Sau ba tiết dạy mệt mỏi nhưng vui, Nhã hào hứng phóng xe đạp trở về. Chiều nay thứ bảy, các con trai cô đang đợi cơ về. Cô sẽ đưa con đi xem xiếc ở công viên Bảy Mẫu; điều mà cô đã hứa với các con từ lâu rồi. Nay, đã hơn ba tháng trời mới thực hiện được.

Khi xe đạp dựa vào vỉa hè trước cửa nhà, Nhã bỗng sững người vì kinh ngạc: một chiếc tủ gỗ sơ sài, có gắn bốn bánh xe nhỏ, đặt lù lù ngay trước cửa nhà. Trong chiếc xe gỗ đặt lủng củng nhiều săm lốp cũ. Ở phần mặt gỗ có sơn ba chữ mầu xanh lá cây: "chữa xe đạp". Mé dưới đó có viết rất nghệch ngoạc hai câu văn biền ngẫu: "nắn đĩa, nắn đùi, cùng nắn cọc - lăn săm, lộn xích, với lộn vành!".

Nhã đỏ bừng mặt. Là giảng viên dạy văn - sử, cô hiểu ngay ý tứ lèo lá của hai câu quảng cáo đó. Cô rời tay khỏi chiếc xe đạp rồi nghiêm giọng hỏi to:

- Ai chữa xe đạp đấy nhỉ?

Từ hàng nước chè gần đấy, một người đàn ông khoảng ngoài bốn chục, đứng lên và trả lời cũng cao giọng:

- Tôi chữa xe đây. Xin mời mở hàng cho "một quả" đầu tiên nào.

Gã có dáng người dỏng cao, mái tóc râm sù điểm bạc, một gương mặt xương xẩu nâu sậm, một cái sống mũi khoằm khoằm, với đôi mắt nháy lia lịa. Đôi mắt ấy thật khó tả, hơi lác nhưng thô lố như mắt trâu, nhìn thẳng thì lờ đờ, ảm đạm vẻ đau thương. Lúc hắn nhìn xa thì cực kỳ sắc sảo, lạnh lẽo như mắt kẻ cướp. Nhìn khuôn mặt và cặp mắt của gã, cô giáo thấy ác cảm. Từ trong lòng cô ứ lên một cảm xúc bức bối, khó chịu. Tuy vậy Nhã vẫn kìm nén giọng nói:

- Tôi không đồng ý để ông chữa xe đạp trước cửa nhà tôi.

Gã nhìn Nhã, nhũn nhặn nở nụ cười:

- Vậy ra đây là cô gái chủ nhà? Thưa cô, trước hết em xin nghiêng mình kính chào cộ Sau nữa được sự đồng ý và sắp xếp của anh cảnh sát khu vực, em có lời xin nhờ vả cô...

Tiếng "em" của gã vừa ngọt vừa gọn, nghe cũng thấy là chỉ để lấy lòng chứ không thực tâm. Vả, ai cũng thấy là gã hơn cô quá chục tuổi đầu.

Nhã vẫn nghiêm nghị:

- Nhưng đây là cửa nhà chúng tôi. Dẫu cảnh sát khu vực có bố trí sắp đặt đi chăng nữa, cũng cần được sự đồng ý của chủ nhà.

- Vâng, vâng! Chính phải là như thế. Cô thông cảm. Nhà em đến tìm cô từ sáng sớm, lúc ấy cô đã đến trường. Cô thể tất cho tình cảnh khó khăn thì nhà em đội ơn cô nhiều. Cô thấy đấy, em làm dịch vụ này cũng gọn ghẽ thôi, chẳng có gì bừa bãi, tanh hôi, thiu thối cả. Hằng ngày cô đi dạy, các cháu cũng đi học vắng cả, em sẽ tình nguyện làm thằng lính trung thành để canh nhà gác cổng cho cộ Thôi thì, thưa cô, sự đời thường ta dễ với người, người dễ cùng ta...

Nghe gã ngọt ngào, lễ phép, Nhã không thể nói gì hơn, mặc dù Nhã thấy không thể ưa cái lối ăn nói ngọt như mía lùi, trơn như tráng mỡ của gã. Nhã đành dịu giọng, mặc cho nỗi ác cảm, nỗi ghét giận không hề giảm sút:

- Bây giờ thì tôi vội quá. Ngày mai tôi sẽ có ý kiến dứt khoát cùng ông sau. Dù sao... mong rằng ông chọn chỗ khác thì hơn...

Nói xong Nhã đặt gọn xe nơi thành cửa. Hai đứa con cô, thằng Vĩnh 15 tuổi, thằng Viễn 7 tuổi, nghe thấy tiếng mẹ về, cùng ùa ra cửa. Chúng ríu rít khoe:

- A, hoan hô mẹ đã về. Con đã làm xong bài toán. Mẹ Ơi, khó ơi là khó. Ai sinh ra loại "quy tắc tam suất" mà khó thế hả mẹ? Con đã thổi cơm xong. Bây giờ mẹ với chúng con cùng đi chứ ạ?

Nhã ngả nón và gỡ túi xách đưa cho Viễn, mềm mại cười:

- Mẹ khen các con. Các con ngoan quá! ừ thì ba mẹ con cùng đi xem. Cơ mà, để mẹ rửa mặt, thay áo đã nào. Hay là... mẹ con mình ăn cơm đã rồi hãy đi nhỉ?

Cu Viễn giãy nảy, phụng phịu:

- Ứ! Mẹ con mình đi xem xong rồi về hãy ăn cơm.

- Nhưng còn sớm lắm. Mãi bảy rưỡi mới đến giờ diễn...

- Mẹ ạ, mình đi sớm một chút, mẹ cho chúng con chơi công viên Bảy Mẫu nhân thể. Lâu quá rồi chúng con chưa được chơi ở đấy.

Nhã vui vẻ ưng thuận.

Thấy mẹ con cô giáo đã vào trong nhà, gã chữa xe khẽ nhếch miệng cười gằn.

Hai bên quai hàm của hắn như nghiền nghiền cái gì, cứ kèn kẹt chìm nổi nổi chìm. Gã lẩm bẩm:

- Mẹ kiếp! Có xúc được nhau đi cũng còn mệt. Cứ đợi đấy!

Gã nhìn nhìn chiếc xe đi-a-măng rất mới, rất sạch của cô giáo dựng đấy, đôi mắt gã lóe sáng vì chợt nảy ra một mẹo. Gã lấy từ trong hòm đồ nghề ra một chiếc dùi nhọn rồi nhanh nhẹn nhảy vọt đến bên chiếc đi-a-măng. Một vài giây sau, gã trở lui ngaỵ Rồi gã dùng đồ nghề loay hoay gõ gõ sửa với nét mặt lương thiện nhất cõi đời.

Khoảng mươi phút sau, ba mẹ con cô giáo tươm tất tề chỉnh, ríu rít bước ra. Cu Vĩnh dắt theo một chiếc xe đạp "Man-Chích" thiếu niên. Gã chữa xe liền đứng lên, đon đả và trịnh trọng:

- Chúc cô giáo và các cháu một tối vui vẻ, may mắn!

Nhã tươi tỉnh đáp:

- Cảm ơn bác. Bác cũng có vẻ lịch sự như mấy người Tây nhỉ.

Gã nhún vai, gãi đầu, nghiêng người cố làm ra một chút Tây Tây:

- Thưa cô, nhà em cứ nghĩ rằng mình là người ở đất thủ đô mà không hòa nhã, tạo thuận lợi cho nhau, để người thiên hạ họ chửi cho đẹp mặt.

Nhã toan nói gì thêm, nhưng cô bỗng kêu lên:

- Chết chửa, bánh xe xẹp hết cả hơi rồi. Săm lốp rất mới mà. Thế này thì buồn thật!

Gã chữa xe vội vã:

- Cô để nhà em xem nào!

- Mới vừa đây lốp còn căng. Lạ quá...

- Ôi, cô tính, trò đời còn vụt nóng, vụt lạnh nữa là, trách chi cái săm lúc căng, lúc xẹp?

Gã loay hoay bơm phì phụt một lúc rồi lắc đầu.

- Nhẹ là châm kim, nặng là hở măng-sông. Cô để đấy, nhà em xin là sẽ vá tốt cho cộ Chỉ hiềm vá chín hơi lâu...

Cu Vĩnh dậm chân cái "bạch", mặt nhăn lại:

- Thế thì tối mất.

Cu Viễn cũng nôn nóng:

- Tối xừ nó mất.

Nhã nghiêm giọng mắng con:

- Thế nào là tối "xừ"? Lần sau con nói kiểu đường chợ ấy mẹ phạt "nặng" đấy.

Cu Viễn vẫn làu bàu:

- Nhưng mà tối quá rồi.

Gã chữa xe đạp khịt khịt cười. Gã nhìn thẳng vào mắt cô giáo như nhìn một người bạn đã thân quen từ lâu ngày;

- A, khó khăn thì khắc phục. Đâu cần nhà em có, đâu khó có nhà em. Thế này vậy, cô giáo. Cô cứ để xe đấy, nhà em xin vá cẩn thận. Còn cô, xin cô cứ việc dùng chiếc xe "phượng hoàng" em dựng tại gốc cây kia kìa. Xe nữ, bon đáo để. Cô và các cháu đi kẻo nhỡ buổi biểu diễn.

Nhã vội vã từ chối:

- Không! Không! Ai lại phiền hà bác thế bao giờ...

- Có sao đâu? Cô dạy văn - sử, cô còn lạ gì? Bốn nghìn năm trước, ta cùng chung một cụ tổ cả đấy. à, nhầm, chung hai cụ tổ chứ. Một cụ Ông, một cụ bà mới sinh ra được, phải không cô?

Cô giáo thấy gã lại có vẻ ăn nói ba trợn ba trạo bèn ngắt lời gã và chuyển ý:

- Sao bác biết tôi dạy văn sử?

Gã cười, hàm răng vàng khói thuốc nhe ra:

- Cô cứ việc dùng ạ - Gã tiến lại dắt chiếc xe "phượng hoàng" đưa cho cô giáo - Chỗ đồng bào cả, cô cứ tự nhiên chọ Nếu tính theo một bọc của bà Âu - Cơ thì cô đứng hàng thứ 30, còn em thì đứng hàng bẩy mươi bẩy ạ. Sự đời, giá mà ai cũng thoải mái với nhau, tôn trọng nhau thì mát mặt dòng giống Lạc - Long cô nhỉ.

Nhã càng lúc càng ngạc nhiên. Loại trừ cái phần ba hoa bốc láo ra, dường như hắn có chút nồng nhiệt, lưu loát và văn hoa... Dẫu sao, theo giác quan thứ sáu, thứ bảy, cô vẫn thấy ở gã có một cái gì đó không đoan chính, không đích thực, không hứa hẹn một điều gì trung thực cả.

- Cô hỏi nhà em vì sao biết cô dạy văn sử ạ? - Gã cười, giọng cười nghe khị khị hơn - Có những kẻ vì mù hay vì điếc mới không biết tiếng đức hạnh và dạy dỗ giỏi như cô chứ? Thôi, cô đưa các cháu đi kẻo muộn mất. Nhà em sẽ đợi cửa. Khuya cũng đợi.

"Vậy là gã biết kỹ về mình, mà chắc chắn là còn biết rõ cả cái anh chồng sở khanh của mình nữa - Cô giáo tự nhủ - Chết thật! Thế thì gã sẽ khinh bỉ lão chồng tệ bạc của mình mất. Thật là xấu hổ".

Nhưng cô chưa kịp ứng xử gì cả, mà các con cô cứ giục toáy lên, cô đành phải hạ giọng cho êm hơn, mà giới âm nhạc thường gọi là "hạ Ốc-ta-vờ".

- Vậy thì, các con hãy cảm ơn bác đi!

*

Sáng hôm sau, lúc Nhã dắt xe đi dạy học, gã vẫn chưa ra hàng. Gặp anh cảnh sát khu vực, cô bèn chuyện trò với anh về việc cái hòm chữa xe đạp đặt ở cửa. Anh cảnh sát vui vẻ nói với vẻ nửa thân tình nửa ra lệnh:

- Trên phường sắp xếp cho anh ấy ngồi trước cửa nhà cô giáo, một là chiếu cố người về mất sức, hai là anh ta có giúp ích cho an ninh khu vực. Cô giáo thấy đấy, bây giờ cả thành phố ùa ra vỉa hè để sinh sống. Khó khăn xã hội cả mà - Và anh ta doa. nạt xa xôi - Dạo này nhiều bọn cướp của tống tiền, có anh ta ở trước cửa, vừa giữ an toàn cho "gia đình ta", vừa xua đuổi các bà hàng rong. Theo tôi là được đấy cô giáo ạ.

- Nhưng mà... Bậy bạ quá. Anh hãy bảo với bác ta dập xóa những chữ viết trên hòm xe đi.

Anh cảnh sát tủm tỉm cười:

- à... à... "Nắn cọc" với "lộn vành" phải không. Vui vui tếu tếu để thu hút khách đấy mà. Với lại, cô giáo ơi, ngày xưa bà Hồ Xuân Hương làm thơ Nôm cũng cứ "lộn lèo" này, "nắng cực" này. Rồi cả cái ông Đỗ Phủ nào ở bên Tàu, cũng "Xuyên hoa giáp điệp thâm - thâm hiện, hý thủy thanh - đình khoản khoản phi", trong bài thơ bậy bạ về Sông khúc nhị thủ thì sao nào. Chả ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới cả, cô giáo ạ.

- Nhưng tôi yêu cầu... xóa bỏ đi - Nhã đỏ bừng mặt vì xấu hổ, và vì giận dữ - Ở trước cửa nhà tôi, tôi không đồng ý như vậy.

- Tôi sẽ bảo anh ta xóa đi. Nhưng cô giáo, cô thử tự hỏi xem đó có phải là cái bảng đen của lớp cô đâu, không ảnh hưởng gì, ta cũng nên thể tất cho nhau.

Những dòng chữ quái quắc và bậy bạ nọ vẫn không hề bị xóa bỏ. Cô giáo đi đi về về là thấy bực mình. Nhưng cô bực một, lại nhẹ nhõm mười. Lúc nào dạy học về, cô cũng thấy gã quét hiên hè tới sạch bóng. Các bà hàng rong vốn bầy bừa, giờ bị đuổi sạch. Giờ ăn giấc ngủ của mẹ con cô đã có chút ngon lành, êm ái hơn, bởi không còn trẻ con đến cửa gào hét, chửi bậy nữa.

Mỗi lần thấy cô, dù lúi húi bận bịu đến đâu, gã cũng đứng vụt dậy, hoặc giơ cao bàn tay, hoặc cất tiếng chào, kèm một câu nói rất ư lễ phép:

- Hôm nay cô nhớ mang theo áo ni-lông, vì là đài báo sẽ có mưa!

- Hôm nay thứ năm, cấp một nghỉ, cô cứ yên tâm đi đến cấp hai. Cháu Viễn, cô để ở nhà em "quản lí" chọ Em không để cho cậu ấm chạy loăng quăng nơi nào cả.

- Biết rằng cô quá ít thời giờ, nên dù cô không sai bảo, nhà em cũng mua hộ cô mớ tôm tươi, lại cấu đuôi, cắt đầu sạch sẽ cả rồi. Cô chỉ việc cho thêm tí mỡ cộng với hai thìa đường là thơm ngon phải biết.

- Này, thưa cộ Nếu cô không chê bai đàn ông vụng tay, vụng chân thì từ mai, cô cứ đưa em chiếc bếp dầu với nồi nhôm và rá gạo. Cô đi dạy về là có ngay cơm nóng canh sốt...

Ôi, đến nước này thì Nhã có cố làm ra vẻ lạnh lẽo cũng phải cảm động kêu lên:

- Chết! Chết! Ai lại thế? Em không dám phiền bác thế đâu.

- Có gì mà phiền? Chính nhà em đây mới làm phiền cô giáo. Em mang ơn cô nhiều ạ - Đôi mắt lác hơn, gã bùi ngùi nói - Cô tính, giúp nhau chút ít, bây giờ thành chuyện xa lạ trong nhân quần rồi sao? Mình đồng cảnh tương liên mà, thưa cô.

Thế là lần đầu tiên cô giáo dám bạo dạn nói chuyện với gã quá năm phút đồng hồ.

- Cái gì đồng cảnh tương liên? Cứ như lời bác nói thì bác không có bác gái ở nhà sao?

Gã chớp chớp mắt, nhãn quang mờ hẳn đi. Gương mặt gã xưa nay vốn quen với sừng sộ, gây gổ, bỗng hiền từ đượm chút đáng thương vì khổ đau:

- Ôi... Số phận tôi vô phúc lắm. Có rồi lại thành không - Đoạn ra nhếch mép cười, vẻ có gì đó rất đắng cay - Chuyện quá buồn cô giáo ạ!

Gã chỉ lấp lửng thế thôi. Đối với loại đàn bà đa cảm, gã thấy nên dùng phương cách lấp lửng. Chỉ cho biết nửa chừng, họ sẽ bị kích thích muốn biết rõ thêm. Thòm thèm sẽ làm họ mong muốn. Xa xôi sẽ làm họ tò mò và khổ đau sẽ làm họ thương cảm. Nhưng dù ranh mãnh gã vẫn là gã. Nguyên hình của gã là một trưởng phòng của cơ quan X. Gã mới về mất sức, vì trong cơ quan, gã đã quá liều lĩnh trong sinh hoạt, bừa phứa trong tiêu xài. Cho nên không đánh giá đúng về đức hạnh của cô giáo, gã đã chớp mắt buồn buồn và ư ư? ngâm khẽ một khổ thơ từ thưở xa xưa:

Cụm lá đời xanh đã rụng rồi

Trong tôi còn rặt lá vàng thôi

Em là thiếu nữ trong hoa gấm

Lưu ý làm chi xác lá rơi?

Thấy Nhã cau mặt, gã biến sắc vội vã nói:

- Xin lỗi! Xin lỗi cô giáo. Em chỉ là... chợt nhớ một bài thơ ba-lăng-nhăng...

- Hôm nay bác quá chén à? Tán tỉnh rẻ tiền rồi đó.

Gã lác xệch hẳn mắt, đấm ngực thồm thộp như mấy kẻ quân tử Tầu:

- Em có uống nửa giọt em là giống chó...

- Nửa giọt thì không. Nhưng cả chai thì có đấy.

- Thôi, xin cô thứ lỗi. Mặt trời còn có vết...

"Chà! Lại một kẻ tự ví với mặt trời! - Nhã tư lự - Không! Không bao giờ gã là một người đàn ông đoan trang cả. Song, ở gã có một cái gì đó cần thông cảm, mà mình quan tâm đến gã làm gì nhỉ. Mình chỉ cần biết rằng gã đang vật lộn với cuộc sống. Gã có biểu hiện "ba xu, nhố nhăng", song lại có vẻ như là nồng nhiệt, thành tâm. Có lẽ gã đượm vẻ hạ lưu, nhếch nhác và xấu xí đấy, song vẫn còn tốt đẹp hơn trăm lần cái thằng chồng trang nhã, điển xảo của mình chăng?

Trong khi đối mặt và e dè trước cô giáo, trong óc gã biến đổi thiên hình vạn trạng. Gã nghĩ tới cái cơ ngơi của cộ Thật là "hết xảy" nếu gã có được, hoặc xâm lấn được cái gian nhà này. Gã sẽ mở toang cửa ra, mở một cửa hàng chữa xe máy, ô tô... Không! Như thế thì xoàng xĩnh quá. Phải mở một quán giải khát thật mùi mẫn, thật tân kỳ, thật náo nhiệt, thật... hiện đại. Gã sẽ là một ông chủ giàu sang, nhiều em út xinh tươi... Hai đứa con trai của cô, gã sẽ trị được, sẽ tha hóa chúng dần dần bằng chơi bời và đàng điếm. Nhưng... Suỵt! Phải thận trọng và từ từ từng bước. Còn cô giáo? Ôi, cô sẽ là người vợ da thịt thơm tho, tính nết hiền hậu, đoan trang, chứ không phải cô vợ nhà quê, rách rưới, tộc tuệch mà gã đã cho "rơi tự do" từ lâu.

Gã thừa biết, một người như cô giáo Nhã, với mối hận lòng, với sự tất bật về giờ giấc và đồng lương thắt bó trong nghề bán cháo phổi, thì lô-cốt lòng cô là rất khó nhưng cũng rất dễ công phá. Chỉ cần có thời gian thôi. Mà thời gian... Ôi, lạy phật, gã việc gì phải vội vã? Cứ mỗi ngày một lần đứng cạnh cô một phút ngắn thôi, mưa dầm sẽ thấm lâu và lạt mềm sẽ buộc chặt. Trên đời thiếu gì những thằng tá điền nghèo rớt, đã tự nhiên trở thành chồng của các mụ chủ ruộng giầu sụ, thiếu gì những thằng gác- đờ-co bỗng nghễu nghện trở thành chồng kế của các mụ thủ trưởng dâm đãng? Hừ, mẹ kiếp! Trên đời làm gì có đàn ông xấu và tồi? Chỉ có đàn ông hoặc nghèo hoặc đần thôi!

Về phần Nhã, từ hôm có gã ngồi sửa xe ngoài cửa thì bầu không khí trong nhà cô cũng dần dần thay đổi. Các con cô học bài, làm vở xong thường luẩn quẩn bên cạnh "bác ấy". Cu Viễn được nghe những mẩu chuyện kỳ lạ trong đời. Cu Vĩnh thì thỏa sức lục lọi hòm đồ nghề của gã mà vặn vặn, xiết xiết. Đặc biệt, "bác ấy" kiếm được nhiều sách "rất là" cho thằng bé mười lăm tuổi đọc. Ở trong mỗi cuốn sách, gã kẹp gài bên trong dăm ba bức gái khỏa thân, nam nữ ôm hôn nhau, v.v. Thằng bé sắp dậy thì bị kích động. Nó len lén đem sách vào nhà, nằm đắp kín chăn và ngắm nghía, máu bốc lên mặt đỏ rừ, khắp mình ngứa ngáy như bị rệp đốt. Đôi khi trả lại sách cho "bác ấy", nó đã giấu đi một bức ảnh hấp dẫn nhất. Gã biết! Gã đòi lại làm gì. Cái đó nằm trong dự định mà. Gã chỉ ma mãnh mỉm cười. Song, nếu mọi chuyện chỉ diễn ra có vậy, chiếc lô cốt cô Nhã là bất khả xâm phạm, nếu không xảy ra một việc nhỏ nhưng là nét đậm của sự đắc thắng.

Một hôm cô Nhã ở trường về, thì thấy cu Viễn nằm gọn trong lòng gã mà ngủ ngon lành. Trông kìa! Gã ẵm bế khít tay, gã rung rung tâng nựng, gã ẩm ư? âm ư một câu sa mạc véo von và ấm áp nữa mới tài chứ. Đã thấy bóng Nhã từ xa, gã vờ không biết, gã đứng lên, cưng quý và thơm hít chùn chụt trên mặt cu Viễn tưởng chừng khắp gầm trời này không còn hình ảnh cha con nào thắm thiết hơn.

Nhã dựng xe vội vã, tay móc chìa khóa cửa:

- Trời ạ, cháu hư quá! Cháu làm nũng bác quá!

Gã liền lắc lắc đầu, chum chúm môi, ra hiệu cho cô giáo sẽ sẽ thôi, đoạn bảo với cô:

- Có lẽ cháu cảm đấy, cô ạ. Tôi thấy người cháu nóng rừ nên đã mua mấy viên pa-ra-xê-ta-môn rồi. Khiếp, dỗ dành mãi cậu hai mới chịu uống cho.

Cô giáo lặng lẽ. Cô lo âu vì con ốm một phần, còn chín phần kia cô sững sờ cảm động đến choáng váng vì người đàn ông mắt lác, gò má cao này đã tận tâm chăm sóc con cô đến vậy. Nhân loại, đã từ lâu tốn kém không biết bao nhiêu giấy mực để ca ngợi tình mẫu ái của mẹ với con. Tình mẹ là sức mạnh bất diệt của người đàn bà. Song, than ôi, nó cũng là điểm yếu, nhược ghê gớm của đàn bà. Từ các bậc thánh hiền, mệnh phụ, từ mẫu cho chí những loại phàm tục hoặc la sát, hoặc thành nanh đỏ mỏ đều mềm rũ ra nếu như anh yêu thương, cưng nựng và trìu mến ấp ủ con họ. Lúc ấy, anh sẽ không còn là thằng tồi tệ, kẻ sát nhân tàn bạo trong mắt họ nữa.

Thì lúc này, tâm trạng của cô giáo là như vậy. Cô mở to mắt ngắm nhìn gã như mới gặp lần đầu. Gã tốt đẹp, gã hiên ngang, gã lương thiện xiết bao. Mắt cô dìu dịu, mặt cô bừng nóng, lòng cô ngạt ngào, tim cô se lại vì muôn lớp sóng nhân ái và nhân từ vây bủa.

- Em xin bác, để em đón cháu...

Cô vừa nói vừa nhẹ nhàng ẵm lấy con. Hình như chính lúc đó, gã đã bạo tợn và liều lĩnh dùng hai bàn tay nắm nhanh lấy hai bàn tay ấm áp mềm mại của cộ Song cô đã tha thứ, không phản ứng gì cả. Cô chỉ nở nụ cười rất xinh thay cho lời cảm ơn, rồi ẵm cu Viễn vào nhà.

*

Chiều hôm ấy trời bỗng sầm sập đổ một cơn mưa tọ Cô giáo ái ngại thấy gã đứng co ro rét lạnh ở ngoài hiên, bèn lên tiếng mời gã vào nhà xơi tạm chén nước nóng. Hắn ta bẽn lẽn và từ tốn bước vào, ngồi mép phản như cô dâu mới về nhà chồng. Cô giáo thấy yên tâm, không ý thức thấy được rằng mình đã uống thuốc liều, đã táo gan biết chừng nào.

Mãi tới lúc ngớt mưa, cô giáo mới nhẹ nhàng bảo gã:

- Nhà bác ở xạ Bác cứ đẩy xe đi xe về thế thì cực nhọc lắm. Thôi thì... từ tối nay, em cho bác gửi lại các xe đồ dùng trong nhà em!

Gã cúi đầu, mái tóc hoa râm khẽ rung rung, còn đôi vai thì giật cục như người khốn khổ bỗng nhận được ân huệ lớn lao, khiến cô giáo cảm thấy tại sao mình duy tâm và thiển cận thế, trước một sinh mệnh tốt đẹp và hiền hậu của nhân gian?

Thế đó! Con chó sói đã gửi được một chân vào trong nhà cô giáo. Gã sẽ còn khéo léo bịp bợm để gửi thêm cái chân thứ hai, chân thứ ba và chỉ khi nào toàn thân gã lọt thỏm vào trong chuồng cừu. Bấy giờ thì...

Tháng 12-1998

Hết