Chương 1
ầu trời vàng ửng màu đồng, chưa bị che lấp bởi khói từ các cột ống khói lô nhô. Đàng sau dãy mái ngói của xí nghiệp, ánh sáng đặc biệt lộng lẫy. Mặt trời hẳn vừa mới mọc. Tôi nhìn đồng hồ; chưa đến tám giờ. Sớm mười lăm phút.
Thế nhưng tôi vẫn mở cổng, chuẩn bị máy bơm sẳn sàng đón khách. Giờ này thường có một, hai chiếc xe hơi chạy ngang cần nạp nhiên liệu.
Thình lình sau lưng tôi vang lên một âm thanh the thé, chát chúa -- như tiếng một cái cần cẩu rỉ sét di động dưới lòng đất. Tôi đứng im, lắng nghe. Tôi băng qua sân trở lại cổng và thận trọng mở ra.
Một con ma -- trong bóng tối mờ ảo quờ quạng tiến tới! Một thếp vải trắng cáu bẩn quấn quanh đầu, váy vén cao phơi bày đầu gối; mình choàng tạp dề xanh lơ, chân mang dép dầy cộp, vung vẩy một cây chỗi trên tay; nó nặng chừng một tạ tây, và thực sự chính là Matilda Stoss, người lau dọn cho cơ sở của chúng tôi.
Tôi đứng nhìn bà. Với tất cả duyên dáng của một con hà mã, bà vừa lảo đảo len giữa các bộ tản nhiệt xe hơi, vừa ậm ừ hát bản "bài ca chàng Khinh Kỵ Can Trường." Trên băng ghế cạnh cửa sổ có hai chai cognac, một chai gần cạn. Tối hôm qua chúng còn đầy. Tôi quên cất chúng vào tủ khóa.
"Kìa Frau Stoss!" tôi phản đối.
Tiếng hát ngưng bặt; cây chổi rơi xuống sàn. Nụ cười sung sướng tắt ngúm. Bây giờ đến lượt tôi là ông kẹ.
"Lạy Chúa tôi!" Matilda thốt lên, hấp háy mắt. "Tôi đâu ngờ cậu tới sớm như vậy."
"Tôi thì không ngạc nhiên chút nào. Rượu ngon chứ?"
"Đương nhiên rồi. Nhưng thế này xấu hổ quá, Herr Lohkamp ạ." Bà lấy tay chùi quanh miệng. "Tôi chỉ chẳng hiểu tại sao ---"
"Nào, Matilda, bác quá lời đấy. Bác chỉ say quắc cần câu mà thôi, phải không?"
Bà cố sức giữ thăng bằng và đứng đó, chớp mắt như một con cú già. Rồi dần dần sự minh mẫn của bà trở lại. Bà tiến tới một bước, quả quyết.
"Nói cho cùng, con người thì yếu đuối, Herr Lohkamp ạ... Đầu tiên, tôi chỉ ngửi ... rồi tôi nhấp một ngụm mà thôi, bởi vì -- cậu biết đấy, bao tử của tôi yếu lắm... và rồi... rồi tôi nghĩ Quỷ Sứ đã hớp hồn tôi. Dù sao, cậu cũng không nên tạo điều kiện cho một bà lão phạm tội, để rượu ngon hớ hênh như thế..."
Đây không phải lần đầu tôi bắt gặp bà làm chuyện này. Bà thường đến xưởng của chúng tôi mỗi ngày hai giờ để lau chùi; và mặc dầu ta để bừa bãi một số tiền lớn, bà sẽ không đụng tới một xu teng -- thế nhưng bà có thể đánh hơi rượu schnapps tài tình như một con chuột đánh mùi thịt mỡ.
Tôi cầm hai chai rượu đưa lên. "Lẽ tự nhiên! Bác chừa lại chai cognac của khách ... còn thứ rượu ngon, rượu của Herr Koster -- thì bác nốc sạch."
Một nụ cười nở trên gương mặt dãi dầu sương gió. "Tin tôi đi, Herr Lohkamp; tôi là người sành rượu! Nhưng Herr Lohkamp, cậu sẽ không thóc mách lại -- tôi, một góa phụ đáng thương?"
Tôi lắc đầu. "Lần này thì không, Matilda."
Bà tháo kim, thả váy xuống. "Vậy tôi nên đi ngay. Kẽo Herr Koster bắt được.. " bà dơ hai tay ngang đầu.
Tôi đến cạnh tủ thức ăn, mở cửa. "Matilda ..."
Bà nặng nề bước tới. Tôi cầm một chai màu nâu, hình chữ nhật đưa lên.
Bà dơ tay cao, phản đối.
"Không phải tôi đâu," bà nói. "Thề danh dự, không phải tôi, Herr Lohkamp ạ. Tôi còn chẳng ngửi qua nữa là."
"Thế bác không biết đó là cái gì, phải không?" tôi nói, rót vào cốc.
"Không?" bà đáp, liếm môi. "Rum. Thời đồ đá."
"Tuyệt lắm! Bác nghĩ sao, làm một cốc nhé?"
"Tôi ấy à?" Bà giật nẩy người. "Thế thì quá sức, Herr Lohkamp ạ! Đầu tôi hừng hực than hồng đây. Mụ Stoss này đã uống trộm hết sạch cognac của cậu, thế mà cậu lại còn mời mụ ấy uống rum nữa! Cậu là bậc thánh, Herr Lohkamp, cậu đúng là một người như thế! Có chết tôi cũng chẳng dám đụng tới một giọt."
"Bác chắc không, Matilda?" tôi nói, làm như sắp uống.
"Thôi, được rồi," bà nói và nhanh tay cầm lấy cốc rượu. "Phải chụp lấy cơ hội. Ngay cả khi ta không hiểu. Chúc cậu khỏe mạnh! Tôi đoán, không chừng hôm nay là sinh nhật của cậu?"
"Cũng đâu đó, Matilda. Đoán giỏi lắm."
"Không, có thật không?" Bà nắm tay tôi. "Chúc cậu sống lâu trăm tuổi! Và giàu có, Herr Lohkamp.... Ôi chao, sao tôi run rẫy cả người thế này ... Tôi cần một cốc nữa để ăn mừng sinh nhật cậu. Tôi thương cậu cứ như là con đẻ ấy!"
"Tốt lắm!"
Tôi rót một cốc rượu nữa cho bà. Bà nốc cạn và, vẫn tiếp tục ca ngợi tôi trong khi bước ra khỏi xưởng.
Tôi cất chai rượu, ngồi xuống bàn. Ánh nắng yếu ớt qua khung cửa chiếu trên tay tôi. Một cảm xúc kỳ lạ, một sinh nhật -- cho dù không mang một ý nghĩa nào. Ba mươi năm... Tôi nhớ laị thời kỳ tôi đã tin rằng không bao giờ mình sống tới hai mươi tuổi -- thời kỳ đó dường như đã xa xưa lắm. Và rồi....
Tôi lấy một tờ giấy từ ngăn kéo và bắt đầu tính sổ đời mình. Tuổi ấu thơ, học đường -- một hỗn hợp khắn khít của nhiều sự vật và sự kiện -- đã quá xa vời, như một thế giới khác, không có thực. Cuộc đời thực chỉ bắt đầu từ năm 1916. Tôi vừa đăng lính -- mười tám tuổi, gầy gò, lỏng khỏng. Và một tay thượng sĩ hách xì xằng thường bắt tôi tập đi tập lại, trườn bò, trên mặt đất bùn lầy của cánh đồng vừa cày xới đàng sau trại lính ... Một buổi chiều, mẹ tôi đến thăm; nhưng bà phải chờ hơn một tiếng đồng hồ, vì tôi không sắp xếp quân trang đúng cách, do đó bị phạt bằng cách kỳ cọ bồn cầu. Bà xin phép phụ giúp tôi, nhưng bị từ chối. Bà khóc, và tôi mệt lả đến nỗi thiếp ngủ ngay giây phút được ngồi cạnh mẹ.
1917. Flanders. Mittendorf và tôi mua một chai vang đỏ ở căng tin... Chúng tôi dự tính ăn mừng. Nhưng chúng tôi chưa kịp làm gì, sáng sớm hôm ấy, quân Anh lại bắt đầu dội bom. Gần trưa, Koster bị thương; đến chiều, Meyer và Deters tử trận. Rồi, khi màn đêm buông xuống, vừa lúc chúng tôi tưởng rằng tình hình đã lắng dịu, và sắp sửa khui rượu thì hơi độc tràn đến, ngập khắp công sự. Chúng tôi kịp thời mang mặt nạ, nhưng mặt nạ của Mittendorf hỏng, và khi anh biết được thì đã muộn. Anh lột phắt nó đi, nhưng trước khi tìm được mặt nạ mới, anh hít phải nhiều khí độc đến mức ói ra máu. Anh qua đời sáng hôm sau, sắc mặt xanh chàm.
1918. Trong quân y viện. Mấy ngày trước có một đoàn công xa chở thương bệnh binh đến. Băng bằng giấy. Nhiều trường hợp trầm trọng. Tiếng rên xiết áo não. Xe đẩy rộn rịp cả ngày. Giường của Joseph Stoll ở cạnh giường tôi. Hai chân đã cụt, nhưng anh không biết. Anh không nhìn thấy, vì họ phủ khăn trải giường bên trên một cái giá kẽm. Dù sao anh cũng không tin, vì anh vẫn còn cảm giác đau đớn ở chân. Hai người bạn trẻ chung phòng chết trong đêm, một người chết chậm và nhọc nhằn.
1919. Lại về nhà. Cách mạng. Đói khát. Và ngoài kia súng máy nổ từng tràng. Chiến binh đối kháng chiến binh.
1920. Putsch*. Karl Broger bị bắn. Koster và Lenz bị bắt. Mẹ tôi nằm bệnh viện. Ung thư.
1921...
Tôi nghiền ngẫm hồi lâu. Không, tôi không nhớ nỗi. Không nhớ gì đã xảy ra trong năm ấy. 1922, tôi làm thợ lắp đường rầy xe lửa ở Thuringia; 1923, quản đốc phụ trách quảng cáo cho một xí nghiệp sản xuất sản phẩm cao su. Lúc đó đang thời lạm phát. Có lúc lương tháng của tôi lên đến hai trăm tỉ đồng mark. Chúng tôi thường được phát lương mỗi ngày hai lần, mỗi lần được nghĩ nửa tiếng để chạy ra phố sắm sửa trước khi tỷ giá trao đổi đô-la được công bố -- vì đến khi ấy, tiền chỉ còn trị giá phân nửa.
Và rồi gì nữa? Những năm sau đó? Tôi đặt bút chì xuống. Không có ích gì ôn lại quá khứ. Dù sao, tôi cũng chẳng nhớ thêm gì hơn; tất cả đã trở nên rối rắm. Năm trước, vào sinh nhật của mình, tôi chơi dương cầm cho quán Café International. Ở đó, tôi gặp lại Koster và Lenz. Và hiện nay tôi đang làm việc ở Aurewo -- Auto-Repair-Workshop; Koster & Co. Lenz và tôi là "Co.," nhưng chỉ có Koster mới thực sự làm chủ. Anh là bạn học chung trường, và trong quân đội, là cấp chỉ huy đại đội của chúng tôi; rồi anh trở thành phi công, và sau đó trong một thời gian, là sinh viên; rồi là tay đua... Cuối cùng anh mua cái nhà chòi này. Lenz, sau những năm lưu lạc ở Nam Mỹ, là người đầu tiên gia nhập -- sau đó mới đến tôi.
Tôi lục túi lôi ra một điếu thuốc. Nói cho cùng, tôi có đầy đủ lý do để hài lòng. Thật ra cũng đâu đến nỗi nào. Tôi có công ăn việc làm, tôi cường tráng dẽo dai, và khỏe mạnh... Nhưng có lẽ tốt nhất ta không nên suy nghĩ thái quá về những điều ấy -- khi cô độc, bằng mọi giá; đặc biệt về đêm. Bởi thỉnh thoảng sẽ có những thứ từ quá khứ tìm cách trồi lên và trân trối nhìn ta bằng đôi mắt chết. Chính để chống lại những lúc ấy, ta cần một chai rượu mạnh.
*Đảo chánh
Bản lề cánh cổng rít lên ken két. Tôi xé vụn tờ giấy với những tháng ngày trên ấy, quẳng vào sọt rác. Cửa mở toang, và Gottfried Lenz -- cao, gầy, với mớ tóc vàng như rơm và cái mũi lẽ ra phải thuộc về một người khác -- đứng chắn ngang khung cửa.
"Bobby," anh rống lên, "anh ù kia, đứng lên! Nghiêm, chào! Thượng cấp có chuyện muốn nói với anh!"
"Herrgott!"* Tôi đứng dậy. "Tớ hy vọng cậu không nhớ... Đừng hát hỏng gì nhé."
"Cậu không phải là thứ duy nhất được quan tâm," Gottfried trả lời, đặt lên bàn một gói giấy, trong đó có một cái gì chạm vào nhau lanh canh. Koster bước theo sau.
Lentz đứng cạnh tôi, hơn hẳn một cái đầu. "Sáng nay cậu gặp điều gì đầu tiên thế, Bob?"
Tôi ngẩm nghĩ một lúc. "Một bà già múa may quay cuồng."
"Thánh thần ơi! Đó là điềm xấu, cậu tin không! Trùng hợp với tử vi của cậu! Hôm qua tớ vừa lấy lá số cho cậu. Cậu sinh dưới cung Nhân Mã -- yếu ớt, không vững chãi, một cây sậy mong manh trong gió -- với Thổ Tinh chiếm ngự một tam cá nguyệt kém may mắn và Mộc Tinh chẳng lấy gì thuận lợi cho cả năm nay. Koster và tớ, in loco parentis**, cậu biết đấy, vì lẽ đó tớ ra lệnh, cậu phải nhận, để bảo vệ tính mạng, trước tiên lá bùa này. Tớ có được nó từ một hậu duệ chính cống của người Incas cuối cùng. Bà ấy có dòng máu quý tộc và lòng bàn chân phẳng bẹt; bà ấy trông ghê tởm, và có tài tiên tri. 'Hỡi chàng trai da trắng xa lạ,' bà ấy nói với tớ, 'các bậc vua chúa đã mang lá bùa này; sức mạnh của mặt trời, mặt trăng và trái đất chứa trong đấy, chưa kể những hành tinh kém nổi bật khác... Đưa cho già một đô-la bạc để mua rượu nhắm và lá bùa này sẽ thuộc về cậu.' Chuỗi may mắn ấy không nên để gián đoạn, do đó, hôm nay tớ tặng lại cậu. Mong nó sẽ gìn giữ cậu và đánh đuổi Mộc Tinh thù nghịch." Anh choàng lên cổ tôi một hình tượng đen trên một sợi dây mỏng. "Đây nhé. Chống lại vận rủi....Chống lại vận rủi mỗi ngày, và đây rồi -- sáu chai rum. Quà của Otto. Mỗi giọt rượu có số tuổi gấp đôi cậu."
Anh mở gói, sắp từng chai một cạnh nhau dưới ánh nắng ban mai. Chúng óng ánh như hổ phách. "Trông tuyệt vời," tôi nói. "Cậu mua ở đâu thế, Otto?"
Koster mỉm cười. "Chuyện dài lắm. Nhưng này, Bob, cậu có cảm tưởng ra sao? Ba mươi tuổi?"
Tôi lắc đầu. "Như mười sáu và năm mươi tuổi cùng một lúc. Một cách khác, khá côn đồ..."
"Khá côn đồ! Cậu nói gì thế?" Lenz phản đối. "Ôi, đó là điều đẹp nhất trên đời. Có nghĩa là, cậu đã chinh phục thời gian và sống đến hai lần!"
Koster nhìn tôi. "Mặc kệ anh ây, Gottfried ạ," anh nói. "Sinh nhật là gánh nặng cho lòng tự tin của con người. Nhất là vào buổi sáng. Rồi anh ấy sẽ từ từ đỡ hơn."
Lenz cau mày. "Người đàn ông càng nghĩ ít về hắn chừng nào càng tốt chừng ấy. Cậu thấy có được an ủi chút nào chưa, Bob?"
"Chưa," tôi đáp. "Một người đàn ông cần phải sống sao cho xứng đáng là một người tốt. Tớ cảm thấy như thế thật khó khăn và chán nản."
"Tuyệt! Anh ấy đang triết lý, Otto! Anh ấy đã được cứu rỗi," Lenz nói. "Điều xấu nhất qua rồi -- cơn khủng hoảng đã chấm dứt -- anh ấy đã trải qua phút giây kỷ niệm sinh nhật, khi người đàn ông nhìn thẳng vào mắt mình và nhận thấy mình chỉ là một thằng ngốc đáng thương... Nào, ta hãy cụng ly cho một ngày mới với tâm trí bình an, và cho máy móc của cái xe Cadillac già được bôi mỡ trơn tru."
Chúng tôi làm việc đến tối, rồi tắm rửa và thay y phục.
Lenz thèm thuồng nhìn mấy chai rượu. "Khui một chai uống được chưa, Otto?"
"Nói thật, đó là quà của Bob, không phải của tớ." Koster đáp. "Grottfried, cậu biết đấy, tặng cho người ta rồi nhắc nhặng xi như thế thì không được lịch thiệp mấy."
"Nhưng vẫn còn hơn để cho ân nhân của mình chết khát," Lenz trả đủa, vặn cái nút bần.
Mùi thơm ngào ngạt cả phòng.
"Đức Mẹ ơi!" Gottfried kêu.
Chúng tôi đua nhau ngửi.
"Hết sảy, Otto! Chỉ có thi sĩ mới đủ lời để diễn đạt."
"Cái nơi tăm tối này không xứng," Lenz nói. "Tớ có ý kiến... Chúng ta hãy lái xe ra một chỗ nào đó ở miền quê, đem theo những chai rượu này. Chúng ta sẽ uống cạn trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời."
"Xuất sắc!"
Chúng tôi đẩy chiếc Cadillac mà chúng tôi đã tận lực sửa chửa nguyên buổi chiều qua một bên, để lộ ra một vật kỳ lạ trên bốn bánh: chiếc xe đua của Otto Koster -- niềm hảnh diện của xưởng sửa xe của chúng tôi.
Koster đã mua chiếc xe này, một xe bus cũ có nóc kềnh càng, tại một chỗ bán đấu giá với số tiền rẻ mạt gần như biếu không. Lúc ấy những tay sành điệu không ngần ngại tuyên bố rằng xe ấy xứng đáng được chưng bày ở viện bảo tàng giao thông. Bollwies, chủ nhân một công ty bán sĩ quần áo phụ nữ và tình cờ cũng là một người say mê đua xe, khuyên Otto nên sửa xe ấy thành một chiếc máy may. Nhưng không dễ gì làm nản lòng Koster. Anh tháo xe ra từng mảnh như thể là một chiếc đồng hồ, và cặm cụi với nó, đêm này sang đêm khác hàng tháng trời. Rồi một tối, anh xuất hiện ở quán rượu nơi chúng tôi thường lai vãng. Bollwies cười suýt té ghế khi thấy nó, trông nó vẫn buồn cười lắm. Để mua vui, hắn thách Otto đua. Hắn cá hai trăm mark ăn hai mươi nếu Koster nhanh hơn chiếc xe thể thao mới toanh của hắn, đường đua mười cây số, chấp Otto một. Nhưng Otto còn bảnh hơn. Anh ấy không nhận chấp và muốn nâng tiền cược lên một ngàn mark cho cả hai bên. Bollies, hớn hở, đề nghị chở anh đến bịnh viện tâm thần lập tức. Mọi người cười ầm, sẳn sàng cho trò vui. Koster lẳng lặng phản ứng bằng cách mở máy xe. Hai người ra đi để tranh thắng bại. Bollwies trở về, thất thần như vừa nhìn thấy một con rắn biển, và viết chi phiếu trả tiền và rồi thêm một chi phiếu khác. Hắn muốn mua chiếc xe ấy lập tức. Nhưng Koster chỉ cười mũi. Anh không bán nó với bất cứ với giá nào. Bề ngoài xe trông xấu xí, nhưng bên trong, mọi thứ đều tinh khôi. Cho việc lái xe hàng ngày, chúng tôi đã tái sử dụng một thùng xe kiểu xưa nhưng ngẫu nhiên vừa vặn; lớp sơn đã tróc, mấy miếng chắn bùn sứt mẻ và nắp xe cũ mười năm. Lẽ đương nhiên chúng tôi thừa sức làm tốt hơn. Nhưng chúng tôi có lý do để không làm vậy.
"Karl," chúng tôi đặt tên thánh cho nó --Karl, con Ma Xa lộ.
* Chúa Trời
** Quyền Huynh Thế Phụ
Karl thở phì phò trên xa lộ.
"Otto," tôi nói, "nạn nhân đến kìa."
Đàng sau chúng tôi, một chiếc Buick to kềnh nóng nảy bóp còi. Nó nhanh chóng vượt qua. Chẳng mấy chốc, hai bộ tản nhiệt đã sánh vai. Người đàn ông ngồi sau tay lái ném một cái nhìn lơ đãng sang chúng tôi. Đôi mắt của hắn khinh khỉnh lướt qua thằng Karl tồi tàn. Rồi hắn nhìn về hướng khác -- và quên bẳng chúng tôi.
Vài giây sau hắn không thể nào không nhận thấy là Karl vẫn chạy song song không thua nửa bước. Hắn cựa mình ngồi thẳng, nhìn chúng tôi một cách thú vị, và nhấn ga. Karl vẫn không chịu thua. Nhỏ nhắn và nhanh nhẹn như một con terrier cạnh con bloodhound, Karl giữ vững vị trí của nó bên cạnh cỗ máy bóng lộn nước sơn và kền.
Người đàn ông ghì chặt tay lái. Vẫn không một chút nghi ngờ, hắn ngạo nghễ nhìn chúng tôi. Hắn quyết định, rõ ràng như thế, cho chúng tôi biết xe của hắn có khả năng ra sao. Hắn đạp ga mạnh đến nỗi ống thải khí rít lên ầm ỉ. Nhưng không ích gì. Hắn không thể nào nhanh hơn. Karl, kín đáo và đáng ghét, vẫn bám dính.
Người đàn ông nhìn chúng tôi, kinh ngạc. Hắn không thể tin nỗi mắt mình -- vận tốc trên sáu mươi dặm một giờ mà vẫn không bỏ rơi được cái xe lộc xộc cổ tích này! Hắn liếc nhìn đồng hồ tốc độ của xe mình, bối rối -- hẳn có một điều gì không ổn. Hắn cho cô nàng xả hết tốc lực.
Hai chiếc xe kèn cựa bên nhau trên đoạn đường thẳng. Được mấy trăm mét, một chiếc xe vận tải lọc xọc chạy tới. Chiếc Buick phải lùi lại, nhường chỗ. Vừa khi cô nàng trườn tới, một chiếc xe tang lù lù hiện ra, ruy-băng của các vòng hoa phất phơ trong gió; một lần nữa, cô nàng phải lui lại. Sau đó đường mở ra thênh thang.
Khi ấy người đàn ông đã mất đi vẻ kiêu kỳ; tức tối, môi mím chặt, hắn ngã người ra phía trước -- máu đua xe đã bốc và giờ đây cuộc đời hắn tùy thuộc vào chuyện không để cho chú cẩu lai tạp, nhỏ bé của chúng tôi đánh bại.
Về phần mình, chúng tôi ngồi im thin thít trên ghế. Với chúng tôi, đơn giản là chiếc Buick không tồn tại. Koster bình thản canh chừng con đường trước mặt; Lenz, cho dù rất kích động, cầm một tờ nhật báo đọc, như không có gì đáng hơn để làm.
Vài phút sau, Koster nháy mắt với chúng tôi. Một cách vô cùng tinh tế, thằng Karl giảm dần tốc độ và nàng Buick rướn tới. Những miếng chắn bùn bóng bẩy, nở nang của nó lướt qua. Ống thải khí phả khói xanh vào mặt chúng tôi. Từng chút từng chút, hắn đã bỏ xa -- mười chín mét -- rồi, như chúng tôi tiên đoán, gương mặt đỏ lựng đẫm mồ hôi nhưng hạnh phúc, gương mặt của ông chủ xe, hiện ra ở khung cửa và một nụ cười vinh quang toe toét nở. Hắn nghĩ rằng mình đã thắng.
Nhưng hắn không dừng lại ở đấy; hắn không thể bỏ lỡ cơ hội phục hận. Hắn vẫy tay -- hững hờ, như người thắng trận.
"Otto," Lenz cảnh cáo.
Nhưng anh không cần phải lên tiếng; ngay lúc ấy Karl vọt tới. Máy xe gầm rú. Và bất thình lình cánh tay vẫy chào ở khung cửa biến mất -- Karl đã đáp lại lời mời; nó đã đến. Nó phóng, vững vàng đều đặn cho đến phút cuối, khi chúng tôi giành được phần đất đã mất; và rồi lần đầu tiên chúng tôi chú tâm đến kẻ lạ. Trong nỗi hiếu kỳ trong trắng, chúng tôi quan sát người ngồi sau tay lái, như muốn biết vì sao hắn lại ra tín hiệu. Nhưng hắn vẫn hướng ánh mắt về chỗ khác; và Karl, thằng bé lêu lỏng đầu đường xó chợ, bụi đường dính khắn, những miếng chắn bùn đập phành phạch, đã bỏ xa hắn với tốc độ siêu đẳng.
"Otto, lái hay tuyệt," Lenz nói với Koster. "Tối nay thế nào cũng có người ăn không ngon. "
Cuộc rượt đuổi là lý do khiến chúng tôi không cải biến bề ngoài của Karl. Chỉ cần Karl xuất hiện trên đường phố là có người bị khiêu khích. Đối với những loại xe khác, Karl là con quạ tật nguyền trước lũ mèo háu đói. Ngay cả những loại xe gia đình hiền hòa nhất cũng cảm thấy kích động muốn qua mặt; trước cảnh một cỗ xe cũ rích, cà rịch cà tang, lạng lờ khi trước mặt, khi sau lưng, ngay cả những con hải ly điềm đạm nhất cũng nổi máu rượt bắt. Bởi lẽ có ai biết được, dưới bề ngoài quái đản ấy, một trái tim đua tranh vĩ đại đang thổn thức?
Lenz nhấn mạnh tính chất giáo dục của Karl; nó dạy người ta biết tôn trọng đúng mực tài sáng tạo, một thứ luôn ẩn nấp dưới bề ngoài không thấm nhiễm bởi thành kiến. Ít nhất cũng như thế, Lenz nói -- anh cũng tự cho rằng, mình là người lãng mạn cuối cùng còn sót lại.
Chúng tôi ngừng trước một lữ quán nhỏ và bước xuống. Buổi chiều đẹp và yên ả. Trên cánh đồng mới vỡ, rảnh của những luống cày ánh màu tím thẩm; sống ửng màu nâu và vàng óng. Những cụm mây huy hoàng, tựa bầy chim hồng hạc, lênh đênh trên nền trời xanh màu vỏ táo, và mảnh mai ở giữa chúng là vầng trăng lưỡi liềm. Cành hãy còn xơ xác không lá nhưng đã hứa hẹn những mầm non, một bụi cây phỉ ôm ấp buổi chiều và giấc mơ trong vòng tay của nó. Từ lữ quán tỏa ra mùi thơm phưng phức của món gan chiên. Và củ hành. Bụng chúng tôi cồn cào.
Lenz theo mùi thơm lần vào trong. Hài lòng, anh trở ra. "Các cậu cần xem món khoai tây chiên! Nhanh lên, kẻo người ta ăn hết phần ngon bây giờ."
Vừa lúc ấy một chiếc xe êm ái trờ tới. Chúng tôi nhìn. Chính là chiếc Buick. Nó thắng gấp, giật nảy mình bên cạnh Karl.
"Hay thật!" Lenz nói. Mấy lần trước, chúng tôi đã đánh nhau với thiên hạ cũng vì lý do tương tự.
Anh chàng bước xuống. Người to lớn, nặng nề và áo khoác nâu màu lông lạc đà. Mặt không vui, anh ta nhìn Karl thật lâu rồi lấy từ túi ra một đôi găng tay vàng dầy cộp, và bước tới.
"Cậu gọi nó là gì, một phát kiến tân kỳ?" hắn hỏi Koster, đứng cạnh, mặt chảy thiu như một lọ dấm.
Cả ba chúng tôi nhìn anh ta nhưng không trả lời. Rõ ràng anh ta coi chúng tôi như những tay thợ máy diện quần áo láng cóng ngày Chúa Nhật, rong chơi một mình một cõi.
"Anh vừa mới nói gì thế, phải không ?" cuối cùng Otto nói, làm ra vẻ ngờ vực, để cho hắn biết cách ăn nói lịch sự hơn một chút.
Anh chàng đỏ mặt. "Tôi hỏi về cái xe đàng kia." anh ta ủng oẳng trả lời, hệt như lần trước.
Lenz đứng thẳng người lại. Cái mủi to của anh giần giật. Anh đặc biệt chú trọng tới sự lễ độ của người khác. Nhưng trước khi anh kịp mở miệng, đột nhiên, như bởi một bàn tay vô hình, cánh cửa phía hành khách của chiếc Buick mở ra -- một bàn chân xinh xắn đặt xuống đất, một dáng chân thon, tiếp đến là đầu gối -- rồi một thiếu nữ bước ra và chậm rãi đi về phía chúng tôi.
Chúng tôi bở ngở nhìn nhau. Chúng tôi không hề biết có người khác trong xe. Lenz đổi thái độ ngay lập tức. Nụ cười bừng nở trên gương mặt đầy tàn nhang của anh. Thình lình tất cả chúng tôi đều mỉm cười -- tại sao, chỉ có Trời biết.
Anh béo nhìn chúng tôi, chưng hửng. Anh ta bối rối và rõ ràng không biết tình thế đang biến chuyển ra sao.
"Binding," cuối cùng anh nói, hơi cúi mình, như thể cái tên ấy là thứ duy nhất anh còn biết chắc.
Cô gái đã đến gần. Chúng tôi tỏ ra thân thiện hơn.
"Giới thiệu cái xe đi, Otto," Lenz nói, liếc thật nhanh Koster.
"Sao lại không?" Otto trả lời, với một tia sáng lấp lánh, hài lòng trong đôi mắt.
"Tôi rất mong được xem qua," Binding nói, giọng hòa hoàn hẳn ra. "Chắc nó phải chạy nhanh thần tốc. Vừa mới hạ tôi đo ván kia mà."
Hai người băng ngang sân đến bải đậu xe và Koster dở nấp xe lên.
Cô gái không đi theo. Mảnh khảnh và lặng lẽ, nàng đứng cạnh Lenz và tôi trong ánh hoàng hôn. Tôi nghĩ Gottfried sẽ chớp lấy thời cơ và bắng nhắng như một trái bom. Những trường hợp này rất thích hợp với anh. Thế nhưng dường như anh mất đi khả năng phát ngôn. Bình thường anh có thể xun xoe như một chú gà tây --nhưng bây giờ anh chỉ đứng, không nhúc nhích, như một sư huynh dòng Carmel đang nghĩ phép.
"Xin cô tha lỗi cho chúng tôi," cuối cùng tôi nói. "Chúng tôi không thấy cô ngồi trong xe. Nếu biết, chúng tôi đã không hành động kỳ cục như thế."
Cô gái nhìn tôi. "Nhưng tại sao lại không nhỉ?" nàng bình thản trả lời, giọng trầm đục không ngờ. "Làm như thế có gì xấu đâu chứ."
"Không xấu; nhưng thiếu công bình. Xe đó có thể đạt tới vận tốc khoảng hai trăm kí lô mét một giờ."
Nàng hơi nghiêng mình tới trước và cho hai tay vào túi áo khoác. "Những hai trăm kí lô mét?" nàng hỏi.
"Một trăm tám mươi chín phẩy hai, nói chính xác, theo sổ đăng ký." Lenz trả lời, hảnh diện như một khẩu súng vừa khai hỏa.
Nàng cười."Thế mà chúng tôi nghĩ chỉ chừng sáu mươi hay bẩy mươi."
"Vậy cô đã thấy," tôi nói, "cô không tài nào biết được, phải không?"
"Không," nàng đáp, "chắn chắn chúng tôi không thể đoán biết. Chúng tôi nghĩ chiếc Buick chạy nhanh gấp đôi xe của các anh."
"Có thể là như thế," Tôi lấy chân đá một cành cây khô sang bên. "Nhưng chúng tôi có một lợi thế lớn. Tôi e là Herr Binding đàng ấy khá bực mình với chúng tôi."
Nàng cười to lần nữa. "Vâng, trong một lúc, dĩ nhiên. Nhưng người ta thỉnh thoảng cũng phải biết cách bỏ qua."
"Đúng thế."
Một khoảng im lặng. Tôi liếc Lenz. Nhưng chàng trai lãng mạn cuối cùng chỉ nhe răng cười, chun mũi, và để mặc tôi bì bỏm lội.
Những cây bạch dương xào xạc lá. Đàng sau quán, một con gà trống gáy vang rân.
"Thời tiết đẹp quá," cuối cùng tôi nói để phá vỡ im lặng.
"Vâng, tuyệt vời," nàng đáp.
"Và êm dịu lắm," Lenz thêm vào.
"Êm dịu một cách khác thường," tôi bổ sung.
Một khoảng im lặng theo sau. Hẳn nàng phải nghĩ, chúng tôi là một đôi cừu già ngon sơi; nhưng ý chí mạnh nhất thế giới cũng không giúp tôi nghĩ ra được chuyện gì để nói. Lenz đánh hơi.
"Nước sốt táo," anh đoán. "Sẽ có nước sốt táo dọn kèm với gan, rõ ràng thế. Món ngon đấy."
"Hẳn thế," tôi tán đồng và tự nguyền rủa hai đứa.
Koster và Binding quay lại. Chỉ vài phút thôi, thế mà Binding đã biến thành một người khác. Trông anh rạng ngời như đang bay trên chín tầng mây, hẳn vì đã tìm thấy một chuyên gia, trong Koster. Anh hỏi chúng tôi có muốn ăn tối chung với bọn anh không.
"Dĩ nhiên," Lenz đáp.
Chúng tôi đi vào lữ quán. Ngang qua cửa, Lenz nheo mắt với tôi và hất đầu về hướng cô gái."Cô ấy bù cho mười bà phù thủy già múa may hồi sáng."
Tôi nhún vai. "Có thể lắm -- nhưng trong trường hợp ấy, sao cậu để một mình tớ cà lăm, cà lập như thằng ngốc vậy?"
Anh cười. "Bé ơi, đôi khi cưng phải học bơi một mình."
"Tớ chả muốn học gì sất," tôi nói.
Chúng tôi theo chân họ. Họ đã ngồi vào bàn. Cô hầu bàn nhanh nhẩu mang gan và khoai tây chiên đến. Cô cũng đem ra một chai to whiskey lúa mạch đen để khai vị.
Binding tỏ ra là một tay ăn nói lão luyện. Thật lạ lùng, anh có thể thao thao bất tuyệt về những đề tài có liên quan đến xe cộ. Khi biết Otto thực sự đua xe, thiện ý của anh lại càng không giới hạn.
Tôi nhìn kỹ. Anh là một chàng trai to lớn với lông mày rậm trên gương mặt hồng hào; khoe khoang một ít, ồn ào một ít, và rõ ràng là dễ dãi hiền hòa, như những người đã thành đạt trong đời. Tôi có thể hình dung ra anh, buổi tối trước khi đi ngủ, trịnh trọng, hài lòng, khi chiêm nghiệm về mình trước gương.
Cô gái được xếp ngồi giữa Lenz và tôi. Nàng cởi áo choàng và bên dưới là bộ đầm xám kiểu Anh. Một chiếc khăn quàng trắng ôm khít khao quanh cổ như bâu áo. Mái tóc nâu và óng ả như tơ và dưới ánh đèn, ánh màu hổ phách. Đôi vai gầy hơi nghiêng ra trước, bàn tay thon, khá dài và xương xẩu hơn là mềm mại. Mặt hẹp và xanh xao, nhưng cặp mắt to đem đến một sức mạnh gần như đam mê. Nàng xinh lắm, tôi thấy thế -- nhưng tôi không nghĩ gì khác hơn.
Ngược lại, Lenz sôi nổi, nồng nhiệt. Anh hoàn toàn khác hẳn với con người cũ của mình, mới đây không lâu. Bờm tóc hoe vàng của anh óng ánh như mào một con chim đầu rìu. Anh tuôn ra những câu nói đùa duyên dáng và cùng với Binding, thống lĩnh bàn ăn. Tôi chỉ việc ngồi bên và không thể làm điều gì cho người ta chú ý đến -- cùng lắm chỉ là một lần chuyền đĩa thức ăn hay mời thuốc lá. Và chạm cốc với Binding. Tôi làm thế khá nhiều lần.
Lenz chợt vỗ tay lên trán: "Rum! Bob, ra lấy mấy chai rum sinh nhật."
"Sinh nhật? Sinh nhật của ai thế?" cô gái hỏi.
"Sinh nhật của tôi," tôi nói. "Tôi khổ vì nó cả ngày hôm nay."
"Khổ? Vậy, chắc anh không muốn tôi chúc mừng đâu nhỉ, phải không?"
"Ô, muốn chứ," tôi nói; "chúc mừng lại là chuyện khác."
"Tốt lắm, vậy xin chúc anh tất cả những gì tốt đẹp nhất."
Trong một thoáng, tôi giữ tay nàng và cảm thấy sức ép, ấm và khô, của nó. Rồi tôi ra ngoài lấy những chai rum. Đêm mông mênh, tĩnh mịch quanh căn nhà nhỏ. Ghế da của xe chúng tôi ẩm hơi sương. Tôi đứng nhìn về phía chân trời, nơi quầng sáng màu đỏ của đô thị hắt lên. Tôi sẽ vui lòng đứng mãi ở đây; thế nhưng tôi nghe tiếng Lenz gọi.
Binding không uống được rum. Sau cốc thứ nhì ta có thể nhận thấy điều đó. Anh ra ngoài vườn, lảo đảo. Tôi đứng lên và đi với Lenz đến quầy rượu. Anh gọi một chai gin.
"Một cô gái tuyệt vời, hén?" anh nói.
"Đừng hỏi tớ, Gottfried," tôi đáp. "Tớ chẳng để ý gì mấy tới cô ấy."
Anh chăm chú nhìn tôi một lúc với đôi mắt xanh màu hoa diên vỹ và rồi lắc mái đầu óng ả. "Vậy cậu sống để làm gì, hở bé cưng?"
"Tớ cũng hỏi mình câu ấy từ lâu lắm rồi," tôi đáp.
Anh cười. "Tớ đoán, cậu muốn tớ nói cho cậu biết chứ gì. Hừm, tớ sẽ không nói đâu, chỉ vậy thôi nhé. Nhưng tớ nghĩ, tớ sẽ cố tìm hiểu xem cô ấy là gì của Bé Bự, thằng chả rành tất cả mọi thứ về xe cộ, y như một quyển tự điển sống."
Anh theo Binding ra vườn. Một lúc sau, cả hai cùng trở lại quày rượu. Tin tức phải tốt đẹp, vì Gottfried, chắc là thấy con đường thênh thang rộng mở, quá vui mừng nên đã sốt sắng kết thân với Binding. Hai người gọi thêm một chai gin mới, và một giờ sau đó, đã vỗ vai nhau như đôi tri kỷ. Lenz luôn luôn toát ra một thứ gì đó rất duyên dáng, vì thế khó có ai cưỡng lại sức hấp dẫn của anh khi anh đang vui. Thật tình mà nói, trong những lúc này, anh còn không cưỡng lại được chính mình nữa là. Đơn giản rằng anh đang ồ ạt lôi cuốn Binding và chẳng bao lâu, hai người đã kéo nhau ra góc sân dưới dàn dây leo, hò hát những bài nhạc lính. Và trong khi ấy, cô gái đã quên mất chàng trai lãng mạn cuối cùng.
Chỉ còn lại ba người trong phòng khách của lữ quán. Không gian đột nhiên yên tỉnh. Đồng hồ cuckoo tíc tắc. Cô hầu bàn đã thu dọn xong và nhìn chúng tôi trìu mến như mẹ hiền. Một con chó săn lông nâu nằm xoãi trước lò sưởi. Thỉnh thoảng nó lại ngắt ngứ sủa trong mơ, giọng êm, thanh và áo não. Ngoài cửa sổ, gió thổi lướt thướt. Từng khúc nhạc lính thoang thoảng lùa vào; căn phòng nhỏ dường như nâng chúng tôi lên và cùng nhau bềnh bồng qua đêm thâu và qua năm tháng, qua những hồi niệm và những thứ đã nửa vời quên lãng.
Đó là một cảm giác lạ. Thời gian như lắng đọng -- không còn là một dòng sông chảy từ miền đen tối rồi quay trở về -- nó là một hồ nước, trong đó cuộc đời lặng lờ soi bóng. Tôi nâng ly rượu. Rum lóng lánh. Tôi nghĩ đến bản kết toán của tôi sáng hôm ấy ở xưởng sửa xe. Tôi đã buồn rầu chán nản. Tôi không còn buồn nữa. Tôi nhìn Koster. Tôi nghe anh trò chuyện với cô gái; nhưng tôi không ghi nhận những lời họ nói. Tôi cảm thấy hơi ấm ban đầu của cơn say làm nóng dần huyết quản và lan tỏa ảo giác phiêu lưu. Bên ngoài, Lenz và Binding đang hợp ca bài Argonnerwald. Cạnh tôi, người con gái chưa quen đang nói -- êm ái và chậm rãi, bằng một giọng trầm, kích thích, và hơi khàn đục. Tôi uống cạn ly.
Hai người kia trở vào. Họ đã tỉnh rượu phần nào nhờ không khí thoáng mát. Chúng tôi chia tay. Tôi giúp nàng mặc áo khoác. Nàng đứng ngay trước tôi, đôi vai nhích khẻ để đón nhận chiếc áo, đầu hơi ngã ra sau và quay sang một bên, môi hé mở một nụ cười về phía trần nhà không dành cho ai cả. Tay tôi chùng xuống một giây. Mắt tôi để đâu suốt thời gian này cơ chứ? Tôi chợt hiểu sự nhiệt tình của Lenz.
Nàng xoay nửa người lại, dò hỏi. Tôi lập tức nâng chiếc áo khoác lên và liếc nhìn Binding, đứng cạnh bàn ăn, đỏ hồng như quả anh đào và vẫn còn chút ánh đờ đẫn trong đôi mắt.
"Cô có nghĩ anh ấy đủ tỉnh táo để lái xe không?" tôi hỏi.
"Tôi tin là có."
Tôi chăm chú nhìn nàng. "Nếu anh ấy không ổn mấy, một trong ba đứa tôi có thể đưa cô về."
Nàng cầm hộp phấn lên và mở nấp. "Không sao đâu," nàng nói."Nếu uống một chút gì đó, anh ấy lái xe còn cừ hơn."
"Lái cừ hơn, nhưng có thể không an toàn cho lắm," tôi trả lời.
Nàng nhìn tôi qua bờ gương nhỏ.
"Cầu trời cho mọi chuyện được bình an," tôi nói. Phản ứng của tôi có phần thái quá, bởi cách đứng của Binding cũng không tệ. Nhưng tôi muốn làm một điều gì đó để nàng đừng biến mất vào hư không.
"Có thể nào tôi gọi điện cho cô, sáng mai không chừng, để hỏi thăm, được không?"
Nàng không trả lời.
"Tôi nghĩ chúng tôi cũng có lỗi một phần trong việc nhậu nhẹt say sưa này," tôi nài nỉ. "Đặc biệt là tôi, với rum mừng sinh nhật."
Nàng cười. "Được rồi, nếu anh muốn. Western 2796."
Tôi lập tức ghi lại con số và ra ngoài. Chúng tôi nhìn Binding lái đi và uống ly sau chót. Rồi chúng tôi tháo xích cho Karl. Nó phóng vun vút trong sương mù tháng Ba mỏng mảnh, gió bạt mạnh và hơi thở chúng tôi dồn dập; thành phố tiến gần, dữ dội trong đêm đen, và cuối cùng nổi bật lên trong bóng tối tù mù, như một con tàu đèn đuốc sáng choang vui nhộn, quán "The Bar." Chúng tôi đem Karl đến gần và thả neo. Cognac sáng bóng như vàng, gin long lanh như ngọc biếc và rum, tự nó đã là sự sống. Chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế cao ở quầy rượu; tiếng nhạc xập xềnh, nhịp đập của cuộc sống rõ và mạnh; nó kiêu hãnh đập trong tim chúng tôi; sự chán chường của những căn phòng bài trí tồi tàn đang chờ đợi, niềm tuyệt vọng của sự sinh tồn, tất cả đều được quên lãng; quày của quán "The Bar" là buồng lái của Thuyền Trưởng con tàu Cuộc Sống, và chúng tôi, một lần nữa lại ra khơi.