Chiếc lồng đèn bằng giấy kiếng bóng muôn màu rực rỡ đã là một ước mơ giản dị nhưng chưa bao giờ đạt đến trong thời tuổi thơ nghèo khó của tôi. Những chiếc lồng đèn muôn hình, vạn trạng treo lủng lẳng, bày bán ở chợ, trong các tiệm bánh được bọn con nít nhà bần chúng tôi dòm ngó, thèm thuồng. Trung thu của trẻ con nghèo chỉ là những ngọn nến thắp sáng , gắn vào một thanh gỗ là quá đủ. Sang hơn một chút, ngọn nến được cắm trong một cái lon sữa bò đục lỗ hai đầu cho ánh sáng tỏa ra từ các khe hở. Có đứa nảy sinh sáng

kiến làm một chiếc xe trên một trục thép khi đẩy cái lon xoay tròn kéo theo sự chuyển động của tia đèn , trông thật đẹp mắt. Nhờ có người anh hai khéo tay nên tôi không phải chơi với món đồ nguy hiểm đó. Đôi khi những mảnh thép cứa đứt tay,

hoặc bị phỏng vì hơi lửa nung nóng chiếc lon lúc vô tình chạm phải. Năm nào anh tôi cũng bỏ công đi chặt tre, đẻo trúc, chuốt nan, quấy hồ cũng như chuẩn bị sẵn những tờ giấy bóng mờ dùng để bao tập để dành rồi tự tay làm lấy những chiếc đèn ông sao cho anh và tôi rước đèn trung thu.

Chiếc lồng đèn tuy đường nét còn thô kệch, những tờ giấy dán mờ mờ, không trong và bóng bằng những chiếc lồng đèn ngoài chợ mà cũng có lắm đứa thèm thuồng. Đó là niềm hãnh diện nhỏ nhoi của tôi trong những mùa trăng tháng Tám xa xưa.

Năm ấy, anh tôi đã trưởng thành hơn, do đó óc tưởng tượng cũng lớn theo. Anh quyết định không thèm làm những chiếc lồng đèn ông sao tầm thường, đơn giản như mấy năm trước nữa. Lần này, anh sẽ thực hiện một chiếc lồng đèn mang hình dáng một con phượng hoàng kiêu kỳ với cái đuôi dài lộng lẫy. Mọi việc đã chuẩn bị xong, anh lúi cúi làm quên cả những trò giải trí khác. Tôi nôn nao chờ đợi, vẽ vời trong trí óc nhỏ bé của mình một chiếc lồng đèn thật đặc biệt, thật đẹp để khoe với bọn trẻ cùng xóm. Ngày làm xong cái khung đèn, tôi lân la đến gần, chỉ thấy một khung nan tre

uốn theo hình dáng cong cong, phần dài dài thanh mảnh. tôi đoán đó là cái đuôi, còn ngoài ra, tôi không hình dung ra được gì cả. Điều tưởng tượng khác với khung sườn đang nằm trước mặt làm tôi đôi chút thất vọng.

Ngày dán giấy vào khung đèn, anh tôi rất chộn rộn, chạy qua nhà đứa bạn này, người bạn nọ hết cả ngày trời để mang về đủ thứ món lỉnh kỉnh mà xem chừng anh rất quí. Cuối cùng, chiếc đèn con phượng đã ra đời qua đôi bàn tay khéo léo của anh. Con phượng kiêu hãnh trong màu vàng dịu ngọt của trăng, đôi cánh vươn rộng điểm thêm những tia bông gòn mềm mại. Còn cái đuôi mới thật là một kỳ công. Anh cố sức tô điểm bằng những chấm tròn to nhỏ nhiều màu sắc, xen lẫn

nhau trông lòe loẹt, ngộ nghĩnh như đuôi của mấy chú công mà tôi có dịp nhìn thấy trong sở thú. Chắc anh tôi đã thực hiện đuôi phượng bằng hình ảnh ấy, chứ có ai nhìn được con phượng thật bao giờ đâu. Đây là phần anh chăm chút nhất. Nhưng có lẽ vì quá tuyệt vời nên nó làm cho chiếc lồng đèn không giữ được thăng bằng khi đặt xuống đất.

Nó cứ chúi đầu xuống rồi nghiêng hẳn qua một bên. Hình như con phượng này chỉ muốn bay chứ không thèm ở trên mặt đất.

Dù vậy anh tôi vẫn tự hào:

-Kệ nó, miễn đẹp là tốt rồi. Khi đốt đèn người ta cầm trên tay, có ai để xuống đất đâu mà lo.

Từ ngày hoàn tất xong mọi việc, mỗi ngày, chiếc đèn hình con phượng đều được anh mang ra ngắm nghía, khi thêm chỗ này, lúc sửa lại chỗ kia dù đó chỉ là những chi tiết nho nhỏ. Còn tôi, chỉ mong chóng đến ngày rằm để chiêm ngưỡng xem nó đẹp đến chừng nào. Chiếc đuôi hẳn sẽ lộng lẫy muôn màu tỏa sáng dưới ánh nến, những chiếc vảy lấp lánh trên thân phượng và đôi cánh chấp chới như muốn bay lên bầu trời sáng ánh trăng thu. Chỉ tưởng tượng thôi mà tôi đã cảm thấy thích thú vô cùng. Chao ơi là đẹp.

Thời gian mong đợi cũng đến. Khi ánh trăng bắt đầu ló dạng, mặt trăng tròn vành vạnh, nằm lơ lửng vắt trên bụi tre đầu xóm, chiếu từng tia sáng xuống trần, cũng là lúc lũ trẻ từng nhóm rủ nhau xách đèn đi chơi. Anh tôi không vội vàng, đợi bọn trẻ quây quần đầy đủ và lũ bạn gọi tên ơi ới, mới thủng thẳng xách tuyệt phẩm của mình ra khoe. Anh đốt một cây đèn cầy rồi cẩn thận gắn bên trong chiếc đèn. Có thêm ánh sáng, con phượng nhìn sống động hẳn ra. Bao ánh mắt trầm trồ thán phục. Chiếc đèn không giống những chiếc đèn khác, nó to lớn và như biết múa dưới ánh trăng. Anh thận trọng cầm đèn và dắt tôi hòa nhập vào dòng con nít đang đi rước đèn. Trong khi đi, anh kể lại giai đoạn làm đèn một cách hào hứng, sôi nổi. Tôi lủi thủi theo sau, mới đầu còn hăng hái sau cảm thấy chán vì chưa được xách chiếc đèn này. Quay qua thấy tôi tiu nghỉu, anh hiểu ý:

-Cho em cầm nè, nhưng cẩn thận nhẹ Đừng để nó xuống đất, nhớ nha.

Anh nhường đèn cho tôi, lấy một cây nến khác đốt lên, cắm vào một thanh tre nhỏ rồi bước theo lũ bạn của anh. Tôi gia nhập vào đám trẻ cùng lứa tuổi. Có một nhóm con nhà khá giả, cầm những chiếc đèn làm bằng giấy kiếng bóng đủ mọi hình dáng đang khoe sắc , những chiếc máy bay, tàu buồm, bươm bướm, ngôi sao chiếu sáng cả màn đêm. Chúng thì thầm với nhau khi thấy cái lồng đèn "không giống ai" của tôi. Tôi cũng nhìn lại chúng. Chiếc đèn của tôi tuy đặc biệt nhưng vì dán bằng giấy bóng mờ nên không rực rỡ bằng mấy

cái đèn đó. Trung, một thằng con trai trong nhóm tiến đến gần tôi:

-Ê! Chiếc đèn của mầy ngộ quá hen. Ai làm cho mầy vậy?

Tôi hãnh diện:

Ừa, anh tao làm đó.

-Sao mầy không mua một cái giống của tao. Đèn của mầy ngộ thôi, đâu có sáng bằng đèn tao. Giấy bóng kiếng như vầy mới đẹp.

Tôi ngẩn người, chỉ biết ấp úng:

-Nhưng mà anh tao làm, đâu đứa nào có đèn giống vầy đâu.

Tôi cũng thèm cái lồng đèn như nó lắm. Nó nói cũng đúng, con phượng của tôi tuy lạ nhưng nhìn kỹ không rực rỡ bằng đèn của nó. Ánh sáng trong veo , màu nào cũng tỏ, lại thêm những đường nét sơn tô điểm bên ngoài. Nhưng thôi, có mấy đứa còn phải cầm nến với thanh gỗ kia mà chúng vẫn cười vui, hớn hở đó sao. Khi nhường đèn cho tôi anh tôi cũng phải chơi như vậy. Đang cầm chiếc đèn hình chiếc xe tăng màu đỏ trên tay, Trung tỏ vẻ thèm thuồng cái đèn của tôi ra mặt:

-Mầy cho tao cầm thử coi.

-Không được, của anh tao. Đưa cho mầy cầm, anh tao la.

-Hay mày cầm cái đèn của tao đổi nhau chơi chút rồi trả lại, có gì đâu mà sợ anh mầy la.

-Không được mà.

Tôi trả lời mà mắt vẫn chằm chằm nhìn vào chiếc đèn của Trung. Hồi nào đến giờ, tôi chưa hề cầm được trên tay chiếc đèn giấy kiếng. Tôi chỉ sợ anh tôi biết sự trao đổi này sẽ giận không cho tôi chơi đèn chung với anh. Nghĩ ngợi giây lâu, Trung đưa tay vào túi quần, lấy ra một miếng bánh trung thu thơm ngon, chìa ra trước mắt tôi:

-Cho tao cầm một chút rồi tao cho mầy miếng bánh nướng này, ngon hết sẩy đó.

Mùi vị của miếng bánh làm cho nước miếng tôi đầy trong miệng. Tôi chỉ ăn thứ bánh nhân đậu rẻ tiền khi má tôi cúng xong chia thành nhiều lát mỏng cho cả nhà. Còn miếng bánh này thuộc loại mắc tiền, hương thịt trộn lẫn với tròng đỏ trứng, hạt sen, lạc xưởng, mứt bí, hạt dưa... Ôi còn nhiều thứ nữa. Tôi lạc lòng, nhận chịu:

-Thì nè, nhưng lúc cháy hết cây đèn cầy thì mầy phải trả lại tao.

Cầm chiếc đèn giấy kiếng trong tay, tôi vô cùng hả da. Chiếc đèn hắt muôn ngàn tia sáng soi rõ đôi bàn chân nhỏ bé, gầy yếu của tôi. Lần thứ nhất tôi cầm được chiếc đèn từng mơ ước. Chiếc đèn như đang cười với tôi bằng những tia sáng lung linh. Vị bánh ngon ngọt đang trôi dần dần qua cổ họng.

Tôi đang thưởng thức một hương vị trung thu mới mẻ nhất trong đời. Đột nhiên , một ánh lửa bùng lên trong mắt, sáng bừng cả một góc. Miếng bánh còn vương trong cổ họng chưa kịp nuốt đã dừng lại nửa chừng khi bên tai tôi nghe có những tiếng la

lớn:

-Chết, cái đèn của con Nhiên cháy rồi kìa.

Tiếng chân chạy, tiếng lao xao của lũ bạn. Những chiếc đèn đang tụ hết về đây. Lũ trẻ quơ quơ ngọn đèn chung quanh, miệng la ơi ới. Anh tôi từ xa chạy vội tới. Mấy cái miệng phù ra thổi thổi, những thanh tre đập đập vào ngọn lửa. Tôi thừ người, nhìn ngọn lửa đang liếm dần từng phần của chiếc đèn hình con phượng. Ngọn lữa lụi tàn dần rồi tắt

hẳn. Con phượng yêu kiều chỉ còn là một đống lam nham, lõ dở. Thì ra, tôi đã quên dặn Trung đừng để chiếc đèn xuống đất.Tôi bật khóc nức nở, miệng có vị mặn của bánh hay nước mắt hòa vào nhau tôi cũng không biết. Cảm giác mất đi một vật quí giá không có gì đền bù được làm tôi càng khóc lớn hơn. Qua màn nước mắt, tôi thấy anh tôi chắt lưỡi tiếc rẻ, tay cầm cán đèn, ngắm nghía hồi lâu, xem chừng không còn gì cứu vãn được, anh bỏ xuống, đến bên tôi, vỗ vỗ lên đầu tôi, dỗ dành:

-Nín , nín đi. Mai mốt anh làm cho em cái đèn khác đẹp hơn.

Biết lỗi tại mình, lại nhìn thấy tôi khóc lóc thảm thiết. Trung không đành lòng lấy lại chiếc đèn, nhưng anh tôi ấn vào tay nó, đoạn dắt tôi trở về nhà. Trăng vẫn còn vằng vặc sáng. Đám trẻ coi bộ mất vui sau cảnh tượng đó nên cũng lục tục ra về bỏ dở cuộc vui. Sáng hôm sau, tôi mon men ra chỗ rước đèn đêm qua, chiếc đèn con phượng đang nằm chỏng chơ trên mặt đất. Những thanh nan

tre nám đen lỗ chỗ, tàn tro đầy phía dưới khung sườn. Tôi giở cái khung lên, như được giải thoát, bụi giấy bay là là theo ngọn gió sớm rồi tản mạn mọi nơi. Mùa trung thu chấm dứt theo chiếc đèn bị cháy. Vị bánh không còn đọng vị ngọt trong tôi. Sự hối tiếc làm tôi buồn bã. Vì lòng ham muốn vật

không phải của mình, vì một miếng ăn làm bỏ phí bao nhiêu công trình tim óc của anh tôi. Có phải vì những tính xấu ấy mà chiếc đèn đã rời xa tôi mãi.

Cho đến ngày nay, sau bao nhiêu năm đã qua, anh vẫn còn nợ tôi lời hứa trong đêm trung thu ấy. Chiếc đèn hình con phượng là chiếc đèn cuối cùng trong mùa trung thu thơ ấu của tôi. Trải qua nhiều thay đổi thăng trầm trong đời sống nhưng mỗi lần đến mùa trung thu, hình ảnh chiếc đèn năm xưa lại quay về trong ký ức tôi tình cảm ấm áp ngày nào. Con phượng thời thơ ấu đã bay vào một khung trời khác. Trăng trung thu vẫn tròn, ánh sáng vẫn trong. Trong đường nét mờ mờ của

vầng trăng mầu nhiệm ấy, ngoài hình ảnh một Chú Cuội, chị Hằng Nga còn có bóng dáng một con phượng hoàng với cái đuôi nhiều màu sắc sặc sỡ, vì không tìm được sự thăng bằng trong đời sống nên đã bay lên đó làm chỗ trú thân mãi mãi.

Hết