Nó sắp xếp lại góc học tập lâu rồi không được sử dụng. Từ ngày nó vào đại học, cái góc bé nhỏ này như bị lãng quên và trở nên vắng lặng. Thì có ai sử dụng đâu! Nhà có hai mẹ con, nó đi rồi, cái bàn học được phủ lên một lớp vải màu xanh để đợi nó trở về.
Mọi thứ của cái góc học tập được lau chùy sạch sẽ. Những tập viết những năm cấp hai và cấp ba được nó gấp lại và gác lên giá sách. Đối với nó, cái nào đã qua thì cần phải giữ lại. Chỉ sợ khi nó đi rồi, lũ em họ của nó lại bới tung lên.
Chân nó khẽ chạm vào một vật gì phía dưới bàn học. Nó cúi xuống lôi ra. Đó là một cái hộp màu tím, trông còn cũ kỹ hơn là cái bàn học. Băng keo dán chồng chéo kín cả miệng hộp. Nó phủi phủi lớp bụi trên bề mặt. Tính tò mò thúc đẩy nó lần lượt bóc từng mảng băng keo phía trên chiếc hộp ra.
Tất cả đồ vật trong cái hộp đều được sắp xếp khá ngăn nắp. Đó là những vật kỷ niệm hồi còn nhỏ của nó. Nó hơi bất ngờ.
Nó cầm lên một chiếc vớ tay màu xanh. Đây là vật sở hữu đầu tiên của nó. Nó nhớ có lần mẹ bảo, hồi nhỏ nó cấu lắm, chân tay không lúc nào để yên. Chẳng những thế, đứa em họ của nó cũng bị vạ lây mỗi khi nó sướng lên. Mẹ thường đeo vớ vào tay nó để tránh hiểm họa. Mấy chiếc vớ luôn bị rách bươm bởi cái miệng của nó. Chiếc màu xanh này dày hơn nên trụ khá lâu. Nó âu yếm để chiếc vớ xuống bàn.
Nó thò tay lấy từ trong cái hộp ra một tấm ảnh. Ảnh của nó hồi nhỏ. Ảnh chụp khi nó vừa tròn thôi nôi. Mẹ bảo lúc đó khấu lắm. Trong ảnh, nó đang nằm trên chiếc gối, tứ chi xòe ra cái lưỡi le dài. Mẹ còn nói, nó mới một tuổi mà điệu đến chảy nước mắt. Nó thích chụp hình vô cùng. Hễ thấy ai cầm cái vật gì đó đen đen, có cái ống tròn tròn đằng trước là nó đòi chụp cho bằng được. Bức ảnh trên là kết quả của một lần gào khóc để được chụp hình. Khi chú chụp hình nhấn máy, nó cười tít cả mắt, mặc dù trên mặt còn đọng lại những giọt lệ đấu tranh. Nó mỉm cười với nó trong bức ảnh, trông nó hồi nhỏ cũng xinh đấy chứ.. Thế mà mọi người cứ bảo nó là con mèo ướt.
Vật thứ ba nó cầm lên là cái vòng cổ bằng bạc còn sáng choang. Đó là cái vòng của nó. Hồi lên hai tuổi, nó đau ốm suốt. Lúc đó, phương tiện đi lại khan hiếm, đường sá gồ ghề, mà trạm xá thì ở thị trấn xa tít. Nửa đêm, nó lên cơn sốt, toàn thân co giật. Cậu chở, mẹ Ôm nó đằng sau ba ga xe đạp, hối hả đến trạm y tế huyện trong cảnh trời mưa lầy lội. Mọi người tưởng nó không qua nổi. Nó suốt li bì hơn mười ngày, người ốm hơn con mèo mới đẻ. Mọi người bắt rắn nước nấu cháo cho nó ăn, làm đủ mọi thứ thuốc mà nó không bớt. Nó cứ ho hen suốt. Mọi người bảo mẹ phải đi coi thầy. Ông thầy bảo mẹ phải bán nó cho thần thì mới khỏi được. Ông thầy đeo vào cổ nó một cái vòng bằng bạc, coi đây là sự minh chứng cho việc mua bán. Đó là cái vòng mà nó đang cầm. Lên mười hai tuổi, mẹ tháo cái vòng ra, coi như chuộc lại nó bằng một mâm cơm cúng thần. Nó lấy khăn lau chùi lại cái vòng bạc. Nó không biết cái ông thần làm bố nuôi của nó có đến đòi lại chiếc vòng nữa không?
Một cái gói nhỏ nằm sâu trong góc hộp như đang chờ đợi sự tìm lại lịch sử của nó. Nó mở cái gói kia ra. Một mảnh vỡ của chiếc ngà màu xanh ngọc bích. Đó là món quà của cậu sau chuyến đi Hạ Long về. Tiếc là tay nó bé tí nên không thể đeo vừa. Nhưng nó thích chiếc ngà vô cùng.
Vốn tính cẩn thận, nó cất giữ chiếc ngà như một báu vật. Chiếc ngà luôn ngủ kỹ trong cái túi nhỏ, đến tối mới được nó đem ra ngắm. Nhưng sự cẩn thận của nó cũng không chống lại tính tò mò, phá phách của đứa em con ông cậu. Một buổi trưa đi học về, nó thấy chiếc ngà của mình được trưng bày trên sàn nhà với nhiều mảnh vỡ. Nó khóc nức nở như chưa bao giờ khóc. Nó lấy mảnh vỡ lớn nhất của chiếc ngà, đem hơ lên ngọn lửa để làm thành một trái tim, đặng xỏ dây, đeo vào cổ. Nhưng ngọn lửa làm cho mảnh ngà đen kịt lại, cong lại thành một dấu chấm hỏi. Nó tức bực ném đi. Nó không hiểu sao bây giờ cái dấu chấm hỏi đó lại nằm trong cái hộp. Thì ra, mẹ nó đã thấy hết những hành động của nó, bà đã nhặt cái dấu chấm hỏi đó và cất đi.
Một tờ giấy trắng xếp ngay ngắn, dựa lưng vào thành của cái hộp. Nó mở ra xem. Đó là kiểm tra chính tả hồi năm lớp một.
Nét chữ nguệch ngoạc, ngoài lề tờ giấy là con số hai to tướng. Nó bật cười nhớ lại. Đó là buổi học đầu tiên của nó. Lẽ ra thì nó chỉ đúng tuổi học mẫu giáo thôi, nhưng hồi đó nó quậy kinh khủng. Những bài học hát, ghép chữ đối với nó quá dễ dàng, nó đâm ra kêu ngạo, phá đám tụi bạn. Đứa nào lên tiếng chống cự là bị nó đấm ngaỵ Cô giáo sau nhiều lần nhắc nhở đành trả nó về nhà. Hôm đó, nó bị một trận đòn ê mông bởi ngọn roi của mẹ. Không yên tâm khi để nó ở nhà, mợ đành mang nó đến trường, gửi vào lớp một. Bài kiểm tra đầu tiên, cô giáo cho cả lớp chép chính tả. Nó hí hoáy viết với suy nghĩ chính tả dễ ẹc!. Nó khoái chí khi được con điểm đầu tiên, nó mạng về khoe:Mẹ Ơi! Hôm nay cô giáo cho con hai điểm. Cả nhà bật cười cho sự ngây ngô của nó. Bây giờ nhìn lại, nó thấy buồn cười gì đâu. Nét chữ a xiên vẹo giống như con cua xỉn, viết vượt luôn cả lề đỏ, cứ thế một đường lấn sang trang kia. Nó gấp lại tờ giấy và để lại chỗ cũ.
Nó lần lượt lôi ra những thứ khác. Đây là sợi dây cườm mẹ mua tặng nó khi bà đi làm ăn ở xa về. Kia là cái vỏ ốc mà lần đầu tiên đi biển nó nhặt được. Đó là con búp bê bằng lá dừa của một chị hàng xóm tặng. Nó và đứa em họ cào nhau đến sứt môi, u trán để cho được. Và đây là cây thước mà cậu nó làm tặng. Tưởng đâu để nó chăm học, ai dè đó là cơ hội để nó hành sách lũ em họ. Nó thích làm cô giáo cho ba đứa em. Đứa nào mà đọc không được, hay nói chuyện trong lớp học là bị no cho ăn đòn. Lũ em nó, đứa nào cũng mặt mày xanh lét khi nó làm cô giáo.
Trên tay nó bây giờ là cái huy hiệu đội và cái băng chỉ huy màu đỏ. Đó là năm lớp sáu, nó được vào đội. Không biết có phải do cái âm lực hét chói tai của nó đã khiến thầy phụ trách đội bầu nó vào ban chỉ huy liên đội, hay là do năng lực gì khác mà nó không biết. Chỉ thấy nó oai ghê gớm với cái danh hiệu trên. Nó chạy về nhà khoe với mẹ. Mẹ chỉ mắng yêu:Cử cô vào để cô bắt nạt bạn bè chứ gì?. Nó chu miệng:Mẹ Ơi! Con lớn rồi.
Mẹ nó ngạc nhiêm cho sự giả vờ người lớn của nó. Kể từ đó, nó cũng hiền đi một tí, vì thầy phụ trách bảo nó là cán bộ mà.
Nó sắp xếp tất cả vào lại trong cái hộp. Những thứ đó nó tưởng như không còn, bất chợt hôm nay hiện về đầy đủ. Ấu thơ qua những đồ vật bé nhỏ kia đang là dòng nước ngọt ngào thấm vào lòng nó. Tuổi thơ của nó chứa đầy tính kiêu ngạo, ích kỷ, có lúc lại hiền hòa, trìu mến. Và nó ngĩ rằng, tuổi thơ của ai cũng thế.
Nó bây giờ đã mười tám tuổi. Không lớn, nhưng cũng đủ để bắt đầu bước chân vào cuộc sống của những người trưởng thành. Nó thầm cảm ơn mẹ. Bà đã gom góp từng kỷ niệm mà nó đã bỏ quên, làm thành một tấm gương để rồi lúc soi mình nhìn lại, nó sẽ chẳng bao giờ lãng quên được những kỹ niệm dấu yêu kia.