Lời mở đầu

hếc áo lặn và con bướm không phải là một cuốn sách được trau chuốt tới từng câu từng chữ, cũng không phải là một cuốn sách khiến người đọc có thể rơi nước mắt. Nhưng nó là cuốn sách khiến người ta cảm động, những rung động từ sâu tận tiềm thức, khiến người ta phải suy nghĩ và phải ngoái đầu nhìn lại.

Jean-Dominique Bauby 43 tuổi, là tổng biên tập tạp chí Elle - một tờ tạp chí phụ nữ nổi tiếng trên toàn thế giới được phát hành trên hàng chục quốc gia. Là một người giàu có, thành đạt, ông đã đi qua rất nhiều nơi trên thế giới, đầu óc lúc nào cũng ở trong guồng xoáy của công việc, giọng nói lúc nào cũng mang âm hưởng sang sảng. Không ai có thể nghĩ rằng một ngày nào đó đôi chân ấy dừng bước, khối óc ấy ngừng suy nghĩ về công việc, và tiếng nói ấy không thể cất lên. Vậy mà điều đó lại xảy ra với chính người đàn ông này.

Ngày mồng 8 tháng 12 năm 1995, một tai biến mạch máu não đã khiến Jean-Dominique Bauby chìm vào cơn hôn mê sâu và trở nên tàn phế ở tuổi 43. Bauby bị liệt toàn thân và mất khả năng ngôn ngữ. Mọi hoạt động của cơ thể dù đơn giản nhất như ăn và thở cũng cần tới sự trợ giúp của máy móc. Chỉ duy nhất con mắt trái của ông là còn chuyển động được.

Và chính con mắt cuối cùng còn cử động ấy cùng với bộ óc tự do đã trở thành sợi dây liên hệ, nối ông với cuộc sống và những người xung quanh. Ông đã dùng đôi mắt và bộ óc bay lượn như một con bướm trong cuộc hành trình tìm về kí ức của mình.

Trí nhớ thoát ly khỏi thân thể mà giờ đây đã coi như ngục tù, được Bauby ví như người lặn xuống biển, thân hình bị bó trong bộ đồ lặn, nhưng cặp mắt và óc tưởng tượng vẫn như con bướm chu du khắp năm châu bốn biển. Con bướm ấy cứ bay lượn mãi trong cái thế giới của trí nhớ của kí ức.

Người đọc sẽ nhìn thấy ở tác phẩm này một giá trị tinh thần cao đẹp. Một con người tàn phế, mất hết khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài nhưng đã can đảm vượt lên trên số phận, luôn lạc quan vì “Tôi không mất đi tất cả, có hai thứ tôi không sợ mất đó là trí tưởng tượng và ký ức của tôi. Cái chết với chúng ta là không tránh khỏi, chúng ta nên đối mặt với nó một cách thanh thản nhất”.

Chiếc áo lặn và con bướmđược xuất bản vào tháng 3/1997, đúng ba ngày trước khi Jean-Do Bauby qua đời. Cuốn sách sau đó đã được dịch và xuất bản trên 30 nước, làm xúc động hàng triệu người đọc trên toàn thế giới.

Tháng 5/1997, chỉ hai tháng sau khi cuốn sách ra đời, bộ phim được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của đạo diễn Julian Schnabel đã được công chiếu, và liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng quốc tế: giải Đạo diễn xuất sắc nhất (Liên hoan phim Cannes 2007, Giải thưởng Quả cầu vàng 2008), giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Mathieu Amalric thủ vai Jean-Dominique (giải Cesar 2008), đặc biệt là giải Phim nước ngoài hay nhất (Giải thưởng Quả cầu vàng 2008).

Chiếc áo lặn và con bướm được viết theo một cách viết chưa từng có từ trước đến giờ. Từng câu văn, từng trang sách được hình thành bằng cách ghép từ qua những lần chớp mắt. Với một hàng các chữ cái được sắp theo thứ tự ưu tiên ESARINTULOMDPCFBVHGJQXYXKW, cô phụ tá chủ bút sẽ chỉ lần lượt các chữ cái trong bảng này. Nếu đồng ý chữ cái nào, Jean-Do Bauby nháy mắt một lần để nói "đúng", 2 cái để nói “sai” và chữ cái đó sẽ được cô trợ lý ghi ra. Cứ như vậy, các chữ cái được sắp thành từ, thành câu, thành đoạn và cuối cùng thành sách. Cách viết kỳ lạ và nhọc công ròng rã suốt hai tháng (7-8/1996) đã cho ra đời một cuốn sách với hơn 100 trang gây xúc động mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Từ sau tấm riđô bằng vải bị nhậy cắn là thứ ánh sáng màu sữa báo hiệu ngày mới đang đến gần. Đầu gối tôi đau nhức, đầu cứng ngắc và thứ gì đó như thể áo lặn siết chặt lấy toàn bộ cơ thể. Căn phòng từ từ ra khỏi bóng tối nhập nhoạng. Tôi nhìn thật kĩ các tấm ảnh của người thân, tranh các con vẽ, hình vận động viên đua xe đạp nhỏ bằng sắt màu bạc một người bạn gửi tặng vào trước ngày bắt đầu giải xe đạp đua Paris-Roubaix và cái giá treo hình chữ T đang chìa ra bên trên chiếc giường nơi tôi bị đóng cứng vào từ suốt sáu tháng nay như một con ốc mượn hồn nằm trong vỏ.

Tôi không mất nhiều thời gian để nghĩ xem mình đang ở đâu và hồi tưởng lại cuộc đời mình đã đảo lộn như thế nào từ thứ Sáu ngày mồng Tám tháng Mười Hai năm ngoái(1).

Cho đến tận khi ấy, tôi chưa bao giờ biết đến thân não là gì. Nhưng ngày hôm đó, tôi đã khám phá ra nó chính là bộ phận quan trọng trong bộ não người, là đường nối liền giữa cấu trúc não và tuỷ sống. Tai biến mạch máu não hôm đó đã khiến thân não ngừng hoạt động. Trước đây, bệnh này được gọi là chứng “sung huyết não” và người mắc bệnh đơn giản là qua đời. Tiến bộ y học giúp người bệnh tránh được cái chết nhưng cuộc sống của họ lại gắn liền với hội chứng khoá trong (hay “hộỉ chứng bị nhốt trong tiềm thức”)(2).

Tôi đã trải qua 20 ngày hôn mê và vài tuần mờ mịt không hiểu gì trước khi thực sự nhận ra mức độ tàn phá cơ thể của tai biến vừa rồi. Đến tháng Giêng, tôi mới hoàn toàn tỉnh táo, trong căn phòng số 119 thuộc Bệnh viện Hàng Hải, Berck(3). Căn phòng đang được chiếu rọi với những tia sáng bình minh đầu tiên.

Đó là một buổi sáng hoàn toàn bình thường. Từ bảy giờ sáng, tiếng chuông từ nhà thờ bắt đầu đánh dấu thời gian, cứ 15 phút lại có một tiếng chuông. Sau thời gian “đình chiến” ban đêm, hai phế quản tắc nghẽn của tôi lại bắt đầu thở ầm ĩ. Hai bàn tay co quắp trên tấm vải trải giường màu vàng khiến tôi đau đớn mà không xác định được liệu chúng đang bị bỏng rát hay lạnh cóng. Để chống lại chứng cứng khớp ấy, tôi thực hiện cử động phản xạ vươn vai khiến tay và chân nhúc nhích được vài milimét. Thế cũng đủ để khiến cái tay đang đau kia dịu đi đôi chút.

Chiếc áo lặn trở nên đỡ ngột ngạt hơn và tăm trí tôi có thể lang thang như một cánh bướm. Có nhiều thứ để làm. Tôi có thể bay trong không gian hay thời gian, đi tới đảo Đất Lửa(4) hay triều đình của nhà vua Midas(5).

Tôi có thể đến thăm người phụ nữ yêu dấu, luồn vào cạnh nàng và vuốt ve khuôn mặt còn đang say ngủ của nàng. Tôi có thể mơ mộng đến việc xây lâu đài xứ Tây Ban Nha, chiếm lấy Bộ lông cừu vàng, khám phá hòn đảo huyền thoại Atlantide, thực hiện những giấc mơ trẻ nhỏ hay mộng ảo của người lớn.

Thôi đừng lan man. Trước hết tôi cần nghĩ đoạn mở đầu cho mấy cuốn sổ tay du hành trong bất động này đã, để lát nữa khi gặp nhân viên nhà xuất bản cử đến, tôi sẽ sẵn sàng đọc chính tả cho họ chép, từng chữ cái một. Mỗi câu được nhào nặn trong đầu tôi, bỏ một danh từ, thêm một tính từ. Tôi học thuộc lòng tất cả những gì tôi viết, hết đoạn này đến đoạn khác.

Bảy giờ ba mươi. Cô y tá trong khoa tới cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Hàng ngày, theo một nghi thức chính xác, cô y tá kéo rèm cửa, kiểm tra lại vết mổ ở khí quản và ống truyền và bật ti vi cho tôi xem tin tức. Trên màn hình khi đó đang chiếu một bộ phim hoạt hình về con cóc nhanh nhất miền Tây. Nếu tôi ước được biến thành cóc thì sao nhỉ?

Chú thích

______________________

(1) Thời điểm tác giả bị tai biến mạch máu não.

(2) Locked-in syndrome: tình trạng bệnh nhân tỉnh và nhận thức được nhưng không thể cử động và giao tiếp vi bị liệt gần như toàn bộ hệ thống cơ, kể cả mắt.

(3) Thành phố ven biển, thuộc tình Pas-de-Calais, và vùng hành chính Nord-Pas-de-Calais (Pháp).

(4) Tiếng Tây Ban Nha là Tierra del Fuego, một quần đảo ngăn cách với lục địa Nam Mỹ bởi eo biển Magellan.

(5) Trong truyền thuyết Hy Lạp, Midas là vị vua cai trị xứ Phrygia ở Cận Đông (thuộc Thồ Nhĩ Kỳ ngày nay), có khả nãng biến tất cả mọi thứ thành vàng.