Nhà Cúc tại ngã ba. Đoạn nữa là ra ruộng. Căn nhà ba gian cũ kỹ, di sản của ba má Cúc lận đận cả đời mới dựng được. Ngày ba còn sống, vườn tược quanh nhà lúc nào cũng sạch bong , từ ngày ba chết cỏ tranh đua nhau mọc lên như một vùng lau sậy che khuất một phần căn nhà của Cúc. Sáng sáng quán cà phê bên kia ngã ba nhìn qua cứ bàn ra tán vào , nào là rắn rết sẽ bò vào nhà , nào là Cúc phải lấy chồng để có người phát hoang, và cuối cùng là câu mà ai cũng thích :

Đất này chia lô ra bán bộn tiền ! Nói nào ngay, từ ngày xí nghiệp hột điều mở ra trên lộ , nông dân trẻ tuổi từ đâu kéo nhau ùn ùn về đây làm công nhân nên quán sá, nhà trọ mọc lên như nấm. Đường giao thông nông thôn trước kia lầy lội bây giờ được đắp đất đỏ au, cao ráo. Chẳng hạn con đường trước nhà Cúc lâu lâu lại có chiếc xe hơi chạy qua. Mỗi lần như vậy, cả xóm đều kháo nhau rằng có người bán đất chứ xe hơi vô xóm làm gì ? Mà nghĩ cũng ngộ, đất mình bán đi là mất vĩnh viễn, tiền bạc có tằn tiện hai ba năm cũng hết , vậy mà ai bán đất cũng mừng , cả xóm cũng mừng. Đất đây là đất ông bà, có những lô đất thậm chí còn đành bốc mộ Ông bà để được tròn trịa , có giá. Vậy bán đất là bán linh hồn ông bà mình rồi. Giá đất bây giờ cứ lên vùn vụt , chú Hai , anh Bảy vừa bán hôm qua mà hôm nay đã đòi cắn lưỡi vì cô Ba, dì Mười bán giá cao hơn. Đó là những lô đất phía dưới, gần ra ruộng, chứ cỡ như đất nhà Cúc thì giá phải biết. Hổm rày có mấy tên cò trên tỉnh xuống , giả đò vào uống cà phê rồi ngó qua nhà Cúc , áng chừng mà chảy nước dãi. Cúc có năm anh em, các anh trai và chị gái lưu lạc mưu sinh tứ xứ. Cúc ở với má. Bà Năm, má Cúc , lúc nào cũng quẩn quanh với đàn heo đàn gà. Thỉnh thoảng mấy bà hàng xóm đến chơi ngồi đánh tứ sắc, tối nghe má than mỏi lưng, Cúc đấm bóp cho má mà mừng vậy là ngày đó má vui.

Ngày ngày Cúc làm công nhân, đi từ sớm đến tối mịt mới về, Cúc thích làm đến tối mịt vì được tiền tăng ca. Thỉnh thoảng có ngày chủ nhật cũng làm tuốt. Thấy con vất vả, người mảnh khảnh nhỏ thó mà tuổi càng chất chồng, bà Năm hỏi chừng :

- Cúc à, chỗ làm không có bạn trai sao con ?

- Không má à, mấy đứa con trai tay chân cứng cáp , không phù hợp công việc , công ty chỉ nhận nữ thôi.

Cúc trả lời lơ đãng, bà Năm ngó ngang cố nén tiếng thở dài. Tại bà Năm không biết nên lo xa, chứ dạo này có anh chàng gốc gác miền Trung di dân vào đây sau những đợt lũ lụt đang trọ Ở xóm trên , thỉnh thoảng gặp Cúc thốt ra những lời trọ trọ không đầu không cuối , thường ngồi quán cà phê lơ láo nhìn Cúc mỗi bận đi về. Ban đầu Cúc thấy khó chịu nhưng riết rồi quen , rồi hôm nào không thấy lại man mác buồn buồn.

Những việc như vậy bà Năm không biết , lý do không ra khỏi nhà , nhưng quán cà phê người ta biết vì anh chàng nọ hay nói gần nói xa. Hôm bà Năm bệnh , nằm suốt ngày, cứ nhìn quanh căn nhà vắng ngắt , nhìn Cúc lủi thủi ra vào một mình, bà ứa nước mắt rồi gọi Cúc đến mà rằng :

" Cúc này , kỳ đám giỗ ba mày , anh em mày về đủ tao chia phần đất này để tao có chết anh em bay khỏi giành giật rồi hằn học lẫn nhau , mày thấy thể nào?".

Cúc nói liền:

"Thôi má à , chừng nào chết hãy hay , bây giờ còn sống sờ sờ chia chác người ta cười cho ".

Hỏi là hỏi vậy chứ hổm rày bà Năm suy nghĩ lung lắm , tại bà giấu Cúc đó thôi. Vả lại mẩy bà bạn tứ sắc cứ bàn tới bàn lui bà thấy lo lo. Rồi bà sợ sau này bà chết, Cúc biết ở với ai ? Cúc là con gái, biết đâu mấy anh của nó lấy lại nhà đất cho nó ra rìa ? Nghĩ vậy thôi chớ bà hiểu tâm tính con trai bà , chỉ sợ mấy đứa con dâu , toàn là người thị thành , cũng mẹ mẹ con con , cũng chị chị em em mà sao tình cảm cứ lênh láng như nước ruộng. Mấy ngày sau khỏe khỏe , bà lên lộ nhờ gọi điện nhắn các con :

"Về đám giỗ kỳ này má chia đất ".

o0o Giỗ ba Cúc vào những ngày cận tết , năm đó ông chết nôm na vì bệnh nhưng vào thời điểm đó người ta lo chống đói hơn chống bệnh. Cho dù bà Năm cố vất vả tảo tần cũng chỉ lo được dăm ba hộp sữa và vài viên thuốc cỏn con. Rồi ông ra đi thanh thản, bà ở vậy nuôi con cho đến khi chúng trưởng thành. Đã gần 30 năm rồi còn gì. Gần 30 lần giỗ ông với những lần cảm xúc khác nhau. Bà nhớ ngày con còn nhỏ, ngày giỗ ông chúng quây quần bên bà. Những năm sau này ngày giỗ ông thế nào cũng có đứa viện cớ công việc. Nhưng giỗ ông lần này bà vui lắm. Cháu con về đông đủ. Mới tờ mở tờ mờ mà thấy có mặt trọi trơn. Cô con dâu thứ hai lâu lắm nay mới về quê chồng , dạng mắt nâu môi trầm trông giống diễn viên ngồ ngộ , dắt theo thằng bé lon ton. Rồi mẹ thằng bé biểu nó đến nội. Bà nội ngồi xuống dang tay đón cháu. Thằng bé nhìn bà lạ lẫm , sợ sệt, thụt lùi về phía mẹ khóc thét Nghĩ cũng tệ, bà cháu mà chẳng nhận ra nhau. Không gần gũi đã trở nên xa lạ. Mấy năm đầu anh Hai lấy vợ thỉnh thoảng anh lên rước bà về thành phố chơi. Nhà thành phố bó rọ , suốt ngày bà chỉ lúng túng bước ra bước vào. Mỗi lần bà phun bã trầu vào lon nếu vô ý làm văng vài giọt , tức thì con dâu lấy giẻ lau tới lau lui làm bà ngại quá chừng. Rồi từ đó bà ít lên thành phố , thỉnh thoảng cô con dâu cũng có giả lả rủ rê. Ngoài căn nhà dành làm hương hỏa, khoảng đất bên hông chia ra làm năm được hiển thị bằng nhưng trụ xi măng trắng xóa, nhìn xa xa giống như đoạn ruột bị cắt khúc. Sau khi khách khứa dự giỗ ra về , giây phút trọng đại mà mọi người chờ đợi trong ngày đã đến. Bà Năm kêu con xúm lại. Rồi bà nói tại bà nghèo , không có của để bảo bọc cho con, mặc cho mỗi đứa tha hương tứ tán. Bây giờ chỉ có khoảng đất bên hông bà muốn chia cho các con , gọi là kỷ niệm của cha mẹ. Nghe nói anh Hai ngồi khóc tồ tồ , anh bảo rằng phận anh là trai mà không lo cho má , phải cậy nhờ đến em , vậy mà bây giờ về đây chia của nên xin không nhận phần đất má cho. Anh Hai có tật rượu vô hay khóc, sẵn dịp khóc ngon. Chị Hai nghe vậy lườm lườm , rồi nói :

" Chồng con đã say nên nói vậy chứ đây là kỷ niệm của ba má, chúng con xin nhận để con của con sau này biết cội nguồn mà về ".

Bà Năm nghe vậy gật gù. Rồi các anh chị khác cũng nói vài câu , nôm na là thương má , thương em nhưng vì hoàn cảnh gia đình mà thảy đều phải nhận. Riêng Cúc chẳng nói lời nào , mà Cúc thì có gia đình đâu mà biết hoàn cảnh. Nếu Cúc nói người ta sẽ nói Cúc được dịp kể lể. Cúc chỉ ngồi ngẫm mà ngại. Rồi anh chị ai cũng về nhà nấy , riêng Cúc phải đối diện hằng ngày với những trụ ximăng trắng trắng phân cách vô hồn và những lời hàng xóm độc miệng.

Chiều đó anh em về hết, Cúc thấy má buồn , mà Cúc cũng buồn, tại má không nói ra chứ chắc má là người buồn hơn Cúc. Má đâu tiếc của , chỉ tiếc sợi dây ruột thịt vô hình lỏng ra. Sau đó chiều chiều má tựa cửa nhìn ra, nhớ thằng Hai má nhìn lô đất ngoài bìa, nhớ cô Ba má nhìn lô đất kế bên. Rồi khi nhìn đến lô đất kế nhà , má thấy thương Cúc chín ruột. Tội nghiệp cho Cúc , từ ngày chia đất xong cô vẫn lủi thủi mỗi bận đi về , anh chàng có giọng trọ trọ đã biệt tăm, không còn đứng nhìn cô lơ láo. Lòng dặn lòng không buồn nhưng sao Cúc thấy trống vắng lan man khó tả.

o0o Trên quốc lộ bây giờ người ta qui hoạch thành khu công nghiệp. Dân ngụ cư hễ sau những đọt lũ lụt đâu đó lại đổ về đây làm công nhân. Ngày vào xưởng, tối tăng ca, đêm về chui rúc cùng bè bạn trong nhà trọ chật hẹp , ẩm thấp. Thỉnh thoảng họ ra bưu điện gửiỉ ít tiền về quê. Còn trai gái trong làng vốn dĩ đã quen cầm cày, cầm cuốc, bây giờ cũng vào công ty ném công việc đồng áng cho người già. Thì cũng phải vậy thôi chứ bám ruộng mà mần chắc vẫn nghèo kiết xác. Như xã Cúc chẳng hạn , bây giờ nhà nào cũng khá , ai cũng có Dream Tàu láng e , chạy loạn xạ ì xèo. Tóm lại là nhờ ăn theo phát triển công nghiệp.

Khu đất má cho chị Ba xây dãy nhà trọ , tháng nào cũng về thu tiền. Mỗi lần như vậy sẵn dịp thăm mẹ, thăm em.

Kể từ ngày chị xây nhà trọ , bà Năm như càng già thêm , mỗi tối bà thường đóng cửa ngủ sớm. Nói vậy chứ ngủ được đâu bởi đêm nào cũng ồn ào náo động do đám công nhân gây gổ, đánh lộn, rồi rượt đuổi thình thịch. Có những cặp yêu đương lãng mạn dắt nhau ra sau nhà bà tâm sự thủ thỉ rù rì thâu đêm suốt sáng. Bà khó chịu, mở cửa đi ra đi vào, thao thức. Vậy mà mỗi lần chị Ba về nhà , thấy con hăm hở với xấp tiền trên tay vừa thu được, bà nói với chị rằng tụi nhỏ trọ đông bà cũng vui vui. " Nghe đâu anh Tư vừa về khảo sát , anh định xây quán và làm ít phòng karaoke. Bà nghĩ cũng mừng , vậy là con cái đã quay về làm ăn , ít ra còn giúp được gì cho con cho cháu. Riêng Cúc chẳng nói lời nào như vốn dĩ đã có. Cúc chỉ biết buồn , buồn vì anh chị không biết thương má , không nghĩ má già , má cần yên tịnh , cứ mừng này chắc má chết sớm.

Một hôm Cúc đi làm về , thấy chiếc xe tải đậu trước cửa nhà mà bồi hồi. Nhìn kỹ, Cúc thấy chị Hai đang ngồi cạnh má , chị nói gì với má mà nước mắt cứ chảy ròng ròng. Thấy Cúc chị vuốt ve rồi nói :

" Cúc à chị mắc một số nợ lớn , nếu không trả được người ta xiết nhà. Lũ ma cô ngày nào cũng đến nhà chị ăn vạ. Hoảng quá , chị về đây xin má cho chị bán đất .Tội nghiệp anh Hai , bây giờ cứ như người mất hồn ".

Cúc im lặng nhìn má, thấy má xốn xang , khắc khổ, rồi má nói :" Tội nghiệp , tụi bay làm chi nông nỗi mà nên nợ nên nần ? Thôi bán lẹ lẹ đặng về trả nợ cho người ". Riêng Cúc trộm nghĩ đất má cho chị , chị cứ bán, hỏi má làm gì ? Cũng may là má đồng ý, chứ nếu không chắc chị cũng bán. Vậy là con chị mất gốc, sau này biết nơi nào là quê hương mà về ! Mấy ngày sau bà Năm vẫn không ngủ được , cứ nghĩ đến tình cảnh anh Hai mà thương. Cúc cũng thương anh Hai , nhưng là thương ảnh nhu nhược. Nghe chị Hai nói Cúc không dám tin bởi lúc nào chị cũng giống diễn viên. Sau đó thủ tục bán đất thực hiện chóng vánh trong vài ngày. Anh Hai không về, chị Hai đứng ra lo hết. Hôm nhận tiền, chị nhét vào túi bà Năm ít tiền trầu cau, tặng Cúc hộp phấn đánh mặt rồi vội vã ra đi hứa ngày giỗ năm sau sẽ về. Chiếc xe chạy dần xa tít , để lại phía sau một vệt khói dài.

o0o Hôm bữa Cúc lên ủy ban có việc , minh cờ gặp lại gã trai ngày xưa hay nhìn Cúc lơ láo. Anh đi cùng chị mập, to gấp đôi anh , ẵm theo đứa bé bụ bẩm. Họ đến làm khai sinh cho con. Thoạt nhìn chắc hẳn nó giống gen mẹ. Khi đứa bé gọi ba , Cúc giật mình ngộ ra mọi lẽ. Bây giờ trông anh khắc khổ, không còn nét lãng tử như xưa. Thấy Cúc, anh ngại ngần ra mặt , đôi mắt không còn lơ láo mà đã đau đáu xa xăm. Chính đôi mắt này một thời từng len lỏi vào những giấc mơ của Cúc. Nay gặp lại thấy anh trong tình cảnh sượng sùng, Cúc thấy vui vui, vậy là anh chấp nhận sống chung với béo phì suốt đời. Nhưng bù lại, chị mập kia giàu có, nghe đâu có nhiều lô đất mặt tiền. Phải chăng đó là kết quả tối ưu trong cách chọn vợ của anh. Và Cúc hiểu tại sao anh không đợi Cúc mỗi bận đi về ngay sau ngày chia đất. Trên đường về nhà Cúc chỉ tiếc một điều , giá như đừng gặp lại anh , ít ra Cúc cũng còn một hình ảnh ai đó để lưu lại trong tâm tưởng.

Dạo này bà năm hom hem , lụm khụm lưng còng xuống cả tấc. Giữa nhà không còn một sòng tứ sắc như xưa. Càng già bà càng thương Cúc. Mà Cúc bây giờ cũng già nên chuyện chồng con đã trở nên xa xôi. Trong xí nghiệp trường hợp như Cúc nhiều lắm , suốt ngày tối mặt , dịp nào để quen bạn trai. Bao nhiêu tình thương Cúc dành cho má vì má đang bệnh , chắc gì sống được bao lâu. Trong những ngày này chỉ mình Cúc xoay xở. Các anh chị cũng về thăm má nhưng hết thảy đều tất tả, vội vàng.

Thương con vất vả, một mình đơn độc lo trong lo ngoài, lo thuốc lo cơm, bà Năm nằm ứa nước mắt. Một hôm bà hỏi :

" trách anh chị không con ? ". Cúc trả lời dửng dưng:

" Không má à ".

Thấy thái độ của Cúc, bà Năm chợt buồn, vậy là linh cảm anh em của các con bà cạn rồi, giá như Cúc nói trách anh, trách chị thì ít ra cũng còn nghĩ về nhau.... Nhìn thấy má buồn, Cúc muốn má vui, sau đó Cúc cứ nhắc anh này, chị kia, nhắc riết, nhắc riết.

Rồi bệnh bà Năm ngày một trầm trọng. Chi phí bệnh viện ngày càng phát sinh. Sợ con không tiền , phải hỏi vay chật vật, bà biểu Cúc bán lô đất bà cho. Nghe vậy , Cúc thật thà nói với giọng buồn buồn:

" Con lo được cho má, còn đất má cho đó là kỷ niệm của má. Con tính từ lâu , sau này má mất , con chôn má ở giữa lô đất rồi con xây mộ , xung quanh con trồng bông thọ bông trang , đó cũng là kỷ niệm của con với má....".

Nghe vậy bà Năm lặng lẽ nhìn lên trần nhà , những giọt nước mắt từ trên gương mặt cằn cỗi trào ra....

Hết